Tôi vẫn thường ngân nga khúc hát “tình cha”. Bởi tôi hiểu rằng, đó là thứ tình yêu không hình dáng, không màu sắc, cũng không có giai điệu, nhưng lại nâng tôi lên tới tận trời xanh…
Nếu tới phố chợ công nhân ở Thiết Lĩnh, Liêu Ninh (Trung Quốc) vào mỗi sáng tinh mơ hay chiều tối, bạn sẽ nhìn thấy một ông lão đang chậm rãi đẩy xe đậu hũ. Chiếc loa sạc điện trên xe phát ra một giọng nữ lảnh lót: “Bán đậu hũ đây, đậu hũ chính tông đây! Đậu hũ đây”. Giọng nói đó là của tôi, còn ông lão ấy là cha tôi. Cha là một người câm điếc….
Mãi cho tới sinh nhật 20 tuổi, tôi mới có đủ dũng khí để thu âm giọng nói của mình cho chiếc xe đậu hũ của cha, thay cho cái chuông đồng mà ông đã lắc suốt mấy chục năm qua. Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80, khi vẫn còn là đứa trẻ 2-3 tuổi, tôi đã hiểu rằng có một người cha câm điếc sẽ khổ sở tủi nhục tới nhường nào. Vì vậy, từ nhỏ tôi đã ghét ông.
Lần nọ, tội gặp một thằng bé bước tới xe của cha tôi mua đậu hũ.
Nhưng khi cầm túi đậu hũ rồi nó không trả tiền mà chạy mất. Cha cứ rướn cổ về
phía trước muốn gọi nó mà không phát ra được tiếng nào. Lúc đó tôi không thể đuổi
bắt thằng nhỏ để đấm cho nó vài cú như các anh mình. Tôi đau lòng nhìn cảnh tượng
ấy mà không nói được lời nào. Tôi không ghét thằng nhỏ, chỉ hận vì cha tôi là một
người câm điếc.
Di vật duy nhất mẹ để lại cho cha khi bà rời xa chúng tôi là tấm ảnh chụp chung với cô hàng xóm khi về nhà chồng. Nó thành nguồn an ủi động viên duy nhất của cha mỗi khi tôi tỏ thái độ lạnh nhạt. Cha ngắm bức ảnh thật lâu cho tới khi lấy lại được tinh thần và đi làm việc lại. Điều đáng giận nhất của tôi khi đó là những đứa trẻ khác gọi tôi là “nhỏ ba câm” (trong nhà tôi xếp thứ ba).
Lúc chửi không lại chúng, tôi lại chạy về nhà. Đứng trước mặt cha đang mài đậu hũ, tôi tức giận vẽ lên đất một vòng tròn rồi nhổ một bãi nước bọt vào trong đó. Mặc dù không hiểu rõ hành động này có nghĩa gì, nhưng khi những đứa trẻ khác chửi tôi chúng vẫn thường làm thế. Tôi cho rằng đây là cách độc ác nhất để mắng một người câm.
Lần đầu tiên tôi dùng cách này để mắng cha, ông đang làm việc
bèn ngưng tay, đứng lặng nhìn tôi rất lâu và nước mắt cứ thế tuôn rơi như suối.
Tôi rất ít khi nhìn thấy ông khóc, nhưng tối hôm đó ông đã trốn trong phòng làm
đậu hũ khóc suốt đêm. Đó là một thứ nước mắt đau đớn bất lực tới không thốt
thành lời. Tôi phát hiện ra cách để bộc lộ sự tủi nhục của mình với cha chính
là mắng ông. Từ sau lần đó, mỗi khi bị ức hiếp tôi lại chạy tới trước mặt ông
và mắng ông thậm tệ, sau đó tôi mặc kệ ông đứng đó và bỏ đi. Cũng từ sau lần ấy,
tôi không thấy ông khóc nữa, chỉ biết ông cứ ngày một gầy yếu và già đi.
Vì ghét cha, tôi nỗ lực chăm chỉ học hành. Vì ghét cha, tôi cố hết
sức ôn thi vào đại học để rời khỏi cái làng nơi mà ai ai cũng biết cha tôi là một
người câm. Đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi khi ấy. Tôi không biết các anh
trai mình đã thành gia lập thất như thế nào, cũng không cần biết căn phòng làm
đậu của cha đã thay bao nhiêu khuôn mới, càng không cần biết đông đi hạ đến cái
chuông đồng lắc đến mòn ấy đang vang khắp bao nhiêu thôn làng… Chỉ biết rằng,
tôi đã bắt bản thân mình lao vào học điên cuồng như thù như hận.
Cuối cùng tôi đã thi đỗ đại học. Sau bao ngày tháng mong đợi, cuối cùng tôi cũng có cơ hội thoát khỏi người cha câm điếc ấy. Tôi sung sướng trong lòng, đếm từng ngày từng giờ để lên đường vào thành phố. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên cha mặc chiếc áo dài màu xanh lam mà cô tôi đã may cho ông từ lâu. Đây là chiếc áo “diện” nhất trong tủ của cha mà bình thường ông không dám mặc đến. Ông ngồi dưới ánh đèn bày tỏ niềm vui sướng và lấy một đống bạc giấy còn vương mùi đậu hũ nhét vào tay tôi, miệng ê a ê a “nói” không ngừng. Tôi nghe mà không hiểu ông nói gì, nhìn mà không biết ông định làm gì. Khi cha dẫn hai người chú và các anh trai tôi lôi con lợn béo tốt mà ông đã chăm chút nuôi suốt 2 năm ra giết thịt, đãi bà con thân thuộc ăn mừng tôi thi đậu đại học, không biết điều gì đã làm tan vỡ trái tim sắt đá của tôi khi ấy. Tôi chợt đứng ngây người…
…Và tôi oà khóc! Tôi òa khóc như một đứa trẻ vì thương cha.
Trong bữa cơm, tôi gắp cho cha mấy miếng thịt lợn, đôi mắt nhoà
lệ, tôi lắp bắp: “Cha, cha ơi, cha ăn đi”. Cha không nghe thấy nhưng ông hiểu
được ý của tôi, ánh mắt ông lóe lên tia sáng chưa từng có. Ông uống cạn một hơi
rượu nếp hòa cùng nước mắt, ăn thêm những miếng thịt do con gái gắp cho mình,
vì hôm nay ông thấy vui thật sự. Ông đã uống đến say vì vui mừng, khuôn mặt đỏ
bừng, ông nói bằng thứ ngôn ngữ khua chân múa tay! Đã 18 năm, đã 18 năm rồi từ
ngày mẹ rời đi, chưa bao giờ tôi gọi ông một tiếng “cha” cho thành hình. Đó là
lần đầu tiên tôi gọi ông những lời đó.
Cha tiếp tục vất vả làm đậu hũ, và những tờ giấy bạc thấm mùi mồ hôi ấy đã nuôi tôi học xong đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về Thiết Lĩnh cách quê tôi 20 km. Khi đã ổn định công việc, tôi muốn đón cha lên thành phố để báo đáp ông những ngày cuối đời muộn màng. Thế nhưng, tôi bất ngờ gặp tai nạn trên đường.
Và qua lời chị dâu kể lại, tôi mới được biết mọi chuyện xảy ra
như thế nào. Hôm ấy, một số người qua đường nhận ra tôi là con ông bán đậu hũ
nên đã về báo tin cho anh chị tôi. Thế là, cả hai anh trai và hai chị dâu tôi vội
vàng chạy đến, thấy tôi bê bết máu nằm đó bất tỉnh. Cha đến sau cùng đẩy đám
đông ra, ôm lấy đứa con mà mọi người đều chắc chắn rằng đã chết rồi. Ông chặn một
chiếc xe hơi lớn bên đường, móc trong túi áo ra một mớ tiền lẻ bán đậu hũ rồi
nhét vào tay tài xế, sau đó ông ra hiệu cầu xin người tài xế đưa tôi đến bệnh
viện cấp cứu.
Nhập viện không lâu, các bác sĩ lại cho tôi chuyển viện và ngầm khuyên các anh tôi sớm chuẩn bị hậu sự. Nguyên nhân vì lúc đó họ không đo được huyết áp của tôi, đầu tôi lại bị chấn thương, ngay cả bác sĩ cũng tin rằng tôi sẽ khó qua khỏi.
Nhưng người cha cả đời đau yếu của tôi, lúc ấy lại toát lên một sức mạnh và sự kiên cường vô hạn. Cha xé nát chiếc áo tang mà anh cả mua về. Ông chỉ vào mắt mình, rồi khoa chân múa tay, ý nói rằng: “Chúng bây không được khóc, cha không khóc thì các con càng không được khóc. Em gái con sẽ không chết đâu, nó mới hơn 20 tuổi, nó nhất định sẽ sống, chúng ta nhất định sẽ cứu sống nó”.
Các bác sĩ lắc đầu nói với cha rằng: “Con ông vô phương cứu chữa rồi, cho dù muốn cứu cũng phải tốn rất nhiều rất nhiều tiền, cứ cho là tốn nhiều tiền đi cũng chưa hẳn là cứu được”. Những lời này đều được anh cả tôi “phiên dịch” lại cho cha.
Lúc ấy cha không khóc mà ngã quỵ xuống đất, ánh mắt thất thần. Nhưng rồi rất nhanh sau đó ông đứng dậy, ánh mắt đầy quyết tâm. Ông làm động tác tay, ý nói rằng: “Xin các ông hãy cứu con gái tôi, con gái tôi còn có hi vọng, đừng xem nhẹ, các ông nhất định phải cứu nó. Tôi sẽ kiếm tiền nộp tiền cho bệnh viện, tôi sẽ cho lợn ăn, trồng trọt, làm đậu hũ, tôi có tiền, tôi nhất định sẽ trả được”. Rồi cha lại chỉ tay vào anh và chị dâu tôi, biểu thị: “Tôi còn có chúng nó, chúng tôi cùng nhau cố gắng, chúng tôi có thể làm được”. Thấy bác sĩ không nói gì, ông lại chỉ lên trần nhà: “Tôi có nhà, có thể bán, tôi có thể ngủ trên đất, cứ xem như khuynh gia bại sản, tôi cũng phải cứu con gái tôi sống lại”. Cha lại chỉ vào trái tim mình, hai hàng nước mắt cứ thế chảy dài, ông muốn nói: “Con bé là cốt nhục của tôi, là cả đời tôi, xin hãy cứu nó sống lại”.
Anh cả vừa khóc vừa dịch những lời của cha cho bác sĩ nghe, khiến vị bác sĩ cảm động tâm can, nước mắt ông đầm đìa nhìn cha. Tình yêu vĩ đại của cha không chỉ giữ tôi lại nơi trần thế mà còn mang đến lòng tin và quyết tâm để bác sĩ mạo hiểm cứu tôi. Tôi được đưa vào phòng mổ. Cha ngồi bên ngoài, cứ đi tới đi lui ngoài hành lang trong tâm trạng bất an, đến mức đôi dép của ông đã mòn cả đế. Ông cứ ngồi chờ suốt mười mấy tiếng đồng hồ đến nỗi miệng phồng rộp cả lên. Ông không ngừng cầu Phật trong hỗn loạn, cầu xin sự ban ơn của Đức Phật từ bi, khẩn cầu ban cho con gái ông sự sống.
Trời cũng động lòng người, và tôi đã qua khỏi như một kỳ tích.
Nhưng trong thời gian nửa tháng tôi vẫn hôn mê, không hề biết đến tình yêu vô hạn
ông dành cho tôi. Đối diện với “người thực vật” như tôi, mọi người đều đã mất
đi lòng tin, chỉ có cha là luôn túc trực bên giường bệnh, kiên định chờ tôi tỉnh
lại. Bàn tay thô ráp của ông cẩn thận xoa bóp chân tay cho tôi, ông không thể
nói được nhưng vẫn liên tục a…a… gọi tôi. Có lẽ ông muốn nói: “Con gái yêu, con
tỉnh lại đi, con gái yêu, cha đang chờ con ăn đậu hũ cha mới làm ra đây!”.
Trong thời gian ấy, để có đủ tiền trả viện phí, ông đã đi khắp
các thôn làng mà ông từng tới bán đậu hũ, và bằng sự trung hậu và lương thiện của
nửa cuộc đời, ông đã nhận được sự ủng hộ đủ để con gái ông bước qua ranh giới
sinh tử. Bà con cùng nhau góp tiền và ông vẫn đều đặn ghi vào cuốn sổ tay với
nét chữ xiêu vẹo, chân thật: anh Trương Tam 20 đồng, Lý Cương 100 đồng, thím
Vương 65 đồng…
Sau nửa tháng trời ròng rã, cuối cùng tôi cũng mở mắt. Tôi thấy trước mắt mình là một màu trắng như Thiên Đường, ngoảnh sang trái, tôi nhìn thấy một ông già gầy yếu với cái đầu bạc trắng. Ông nhìn thấy tôi tỉnh lại mà vui mừng đến a…a… gọi to lên, mái tóc bạc phút chốc bị những giọt mồ hôi xúc động thấm đẫm. Cha, người cha mà nửa tháng trước đây tóc vẫn còn xanh, nay như già thêm 20 tuổi.
Cái đầu bị cạo trọc của tôi dần dần mọc tóc, cha vuốt ve đầu tôi và mỉm cười dịu dàng hiền từ. Đợi đến nửa năm sau, khi mái tóc đã có thể tết thành lọn, tôi nắm tay cha, ra hiệu bảo ông chải đầu cho mình. Cha trở nên vụng về vô cùng, ông chải từng lọn tóc, suốt cả buổi cũng không tết tóc được hình dáng mà ông hài lòng. Rồi cha đẩy xe đưa tôi ra ngoài hành lang hít thở khí trời, gặp ai tôi cũng khoe hai lọn tóc được chính tay cha bện. Những ngày ấy tôi giống như đứa trẻ đang cố hàn gắn lại một “khoảng trời đã mất” cho cha…
Chúng tôi cùng nhau cố gắng trả hết nợ, cha cũng chuyển vào thành phố sống với tôi, có điều ông không muốn ngồi rảnh rang cả ngày. Và để giúp cha thoả niềm vui lao động như xưa, tôi thuê cho ông một gian nhà nhỏ làm đậu hũ ở gần đó. Đậu hũ mà cha làm rất thơm rất mềm, miếng lại to nên mọi người đều rất thích ăn. Tôi lắp trên xe đậu hũ của ông một cái loa bằng điện, mặc dù cha không nghe thấy âm thanh rao bán lanh lảnh của tôi, nhưng ông hiểu được ý nghĩa của nó. Và mỗi khi ấn tay vào cái nút phát trên loa, ông sẽ ngẩng đầu lên, niềm hạnh phúc và mãn nguyện lại tràn ngập trên gương mặt ông.
Tôi thường nghĩ cuộc sống giống như một bản giao hưởng tràn ngập tình yêu. Nếu chúng ta chú ý lắng nghe, cảm thụ sẽ hiểu được sức lay động tới tận tâm can. Tuy nhiên người cha câm đã giúp tôi hiểu được rằng thứ âm nhạc đích thực vĩ đại nhất là thứ âm thanh không lời. Nó có một sức mạnh vô cùng to lớn, mang tình yêu vô bờ bến của cha dành cho tôi vút cao lên tận trời xanh. Hãy dành lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho những ông bố của chúng ta, cầu mong họ luôn khỏe mạnh bình an với tình yêu vô biên dành cho con cái.
Cha mẹ chính là những người yêu thương bạn hơn hết thảy ai trong cuộc đời này. Tình yêu của họ là một thứ tình cảm vị tha, vô tư lợi và xuất phát từ lòng từ bi thực sự. Dù một đời lấm lem bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, bạn hãy nhớ rằng cha mẹ luôn là thiên sứ đẹp nhất trong lòng ta dù đôi lúc trên gương mặt thiên sứ ấy có hằn cứa những dấu vết thời gian khắc khổ.
Người Việt có một câu ca dao đã đi vào tâm thức bao thế hệ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra“. Ơn nghĩa ấy, một đời làm con nào có thể quên? Nhưng cha mẹ nào có ăn đời ở kiếp với con? Một sớm mai, nhìn trong gương thấy tóc cha mẹ đã điểm bạc, con bỗng thấy ngày tháng cuộc đời này sao mà mong manh, hư ảo. Nhận ơn một giọt, báo ơn một dòng, lòng con như thắt lại khi biết dẫu có dành cả kiếp này trả nợ, đền ơn cũng không thể bù đắp cho cha mẹ. Quả thực là:
“Phụ hề sinh ngã
Mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao”
Tạm dịch: Cha sinh ta, mẹ bồng bế ta. Cha mẹ nuôi ta vất vả, xót xa tấm lòng
Với mỗi người gặp gỡ trong đời, hãy thực lòng trân trọng họ, hãy trao đi yêu thương và thiện lành, hãy đối xử chân thành và ấm áp. Một khi hai mắt kia khép lại, cõi hồng trần cuồn cuộn này chỉ còn là giấc mơ hư ảo. Khi ấy, dẫu có muốn yêu thương một ai, liệu ta còn có thể chăng?
Đăng Dũng
No comments:
Post a Comment