Sinh, Lão, Bệnh, Tử.
Cuộc hành-trình của cuộc đời kết-thúc ở trạm “Tử”. Sinh-vật nào rồi cũng phải
chết tuy rằng không ai nghĩ hay muốn nghĩ đến điều đó. Nhưng nếu đã chạm trán với
sự-kiện đó trong một cảnh thập tử nhất sinh mà trở về được, những người này có
lẽ sẽ nhìn đời bằng một cặp mắt khác. Nói nôm na hơn, Việt-Nam ta có câu: “Thấy
quan tài mới đổ lệ” là vậy.
Một ngày xấu trời.
Vợ chồng tôi về hưu đã mấy năm nay, cuộc sống nhàn hạ, êm ả, nhưng rồi giông-tố
từ đâu bỗng kéo đến, thay đổi hẳn nếp sống chúng tôi. Tối hôm ấy, tôi bỗng đau
bụng, đau quằn quại đến độ phải gọi "911" và được đưa phòng cứu-cấp bệnh-viện
của quận chúng tôi ở. Một ngày khám-nghiệm sau, nhà thương cho biết lá lách tôi
bị sưng và gan tôi bị vấn-đề trầm-trọng. Nhà thương quận không đủ phương-tiện
nên phải chuyển tôi đến một nhà-thương lớn hơn trên Philadelphia. Tại đây, tôi
đã trải qua đủ loại khám-nghiệm cho đến khi bác-sĩ cho biết tôi đang phải đương
đầu với căn bệnh ung-thư là một loại ung-thư máu và “nạn-nhân” đầu tiên trong
cơ-thể tôi là gan. Cơn ác mộng bắt đầu.
Một căn bệnh quái ác
Tuần lễ đầu trong nhà thương thật kinh hoàng. Căn bệnh bắt đầu phát-tác một
cách kịch-liệt (bác sĩ dùng danh-từ “aggressive”), lá gan tôi hoàn toàn ngưng
hoạt-động và các bộ-phận khác lần lượt “đình công”. Người tôi nổi phù lên, màu
da ngả đen và tôi yếu dần, yếu dần. Tôi vào trạng-thái nửa mê, nửa tỉnh, có lẽ
mê nhiều hơn tỉnh, lúc tỉnh chỉ để cảm thấy tất cả những đớn đau trong thân và
trong tâm. Có một tối, tôi đã phải nói với cậu con trai đang ở đó trông tôi:
“Con ơi, Bố chịu hết nổi rồi, Bố chỉ muốn được giải-thoát cho đỡ khổ!”
Nghĩ thật tội-nghiệp cho thằng con đã phải bay sang thăm Bố, phải vỗ về, an ủi
Bố trong những lúc khó khăn này.
Người tôi yếu quá và giải-pháp tạm thời lúc đó chỉ là thở qua
máy oxygen, bơm nước biển, bơm thuốc chống nhiễm-trùng hay chuyển máu cầm chừng.
Cho đến lúc bác-sĩ phải nói với vợ tôi (lúc đó, tôi đã mê man, không còn biết
trời trăng gì nữa): “Cơ-thể ông nhà quá yếu nên không áp dụng hoá trị liệu
(chemotherapy) ngay được nhưng đến lúc này, bắt buộc phải làm một điều gì và
tôi chỉ có thể đề-nghị biện-pháp Steroïds để tạm thời làm giảm bớt căn bệnh và
giúp sức cho cơ-thể đủ sức để dùng hoá trị liệu. Vấn-đề là thuốc này phải rất mạnh
nên nếu cơ-thể chịu được thì tốt, bằng không…” Câu nói bỏ lửng nhưng thật rõ
nghĩa. Nghe đến đây, vợ tôi tái mặt và oà lên khóc, cả đêm không ngủ, chỉ quì
dưới chân giường, cầm tượng Phật trong tay và cầu-nguyện.
May sao, cơ-thể tôi anh dũng cầm-cự và giúp tôi vượt qua khỏi thử thách đầu
tiên này để bắt đầu công-cuộc trị-liệu. Xem ra, mạng tôi vẫn còn lớn và ông Giời
chưa muốn gọi đến tôi. Bằng không…
Hoá trị-liệu, con dao hai lưỡi.
Hóa trị-liệu tiêu-diệt các tế-bào sinh-trưởng nhanh, đặc-tính điển-hình của tế-bào
ung-thư, nhưng cũng vì vậy, gây hại đến các tế-bào bình-thường có chu-kỳ
sinh-trưởng nhanh như máu, tuỷ xương, hệ tiêu-hoá, … và gây ra nhiều phản ứng
phụ. Rụng tóc là điều thấy rõ nhất nơi các bệnh-nhân nhưng nhiều phản-ứng phụ
khác khó chịu hơn nhiều: yếu mệt (vì máu bị hại); nôn mửa, ợ hơi, táo bón, tiêu
chảy, vấn đề tiểu tiện, xuống ký (mười ký trong trường-hợp tôi); miệng khô hay
lở loét, mất vị giác nên ăn mất ngon; ngón tay tê, xúc giác kém; trí óc khó tập
trung, tâm-trạng bất-thường; …
Và nói chung, thể-kháng yếu nhiều nên rất dễ bị nhiễm-trùng. (Một tháng sau khi
từ nhà thương về, tôi bị lên cơn sốt nên lại phải vào lại nhà thương vì sốt thường
là triệu-chứng của nhiễm-trùng và sau năm ngày khám-nghiệm, bác sĩ cho tôi về
vì cơn sốt đã xuống mà không có dấu-hiệu gì là nhiễm-trùng cả. Thế là thời-gian
nằm bệnh-viện lên đến bốn tuần.)
Những phản-ứng phụ này, tôi cũng bị một mớ, tuy chịu đựng nổi nhưng cũng khổ sở
lắm. Lúc mới được nhà thương thả về, tôi hí hửng cố gắng uống thuốc, ăn uống, tẩm
bổ, cố gắng tập thể-dục để lấy lại sức nhưng không, người tôi vẫn gầy đét, tôi
vẫn mệt lả, vẫn phải chịu đựng mọi hành hạ của căn bệnh và của thuốc chữa. Mãi
một thời gian sau, tôi mới hiểu là ngày nào còn hoá trị-liệu thì ngày ấy, tôi
chưa thể vươn lên trở lại.
Hoá trị-liệu vừa trị, vừa hành. Nhưng rồi gần năm tháng sau, tôi
thông qua sáu lần hoá trị-liệu và năm lần Lumbar Puncture (tiếng Việt mình dịch
là “chọc dò cột sống”, là phương-cách bơm thuốc vào ống sống thay vì bơm vào
máu) và sau cuộc khám-nghiệm PET CT Scan, bác sĩ tuyên bố phần điều-trị chấm dứt.
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, tôi bỗng cảm thấy khoẻ hẳn. Tôi vừa thắng thêm một
trận chiến trên căn bệnh để bắt đầu công-cuộc hồi-phục sức khoẻ.
Vô thường.
Tôi tin nơi lời Phật dạy, nhưng tuy đã quy y tam bảo, tôi ít khi đi chùa, tụng
kinh và tôi vẫn chưa thấu hiểu được bao nhiêu tâm-điểm của Phật pháp. Thỉ dụ,
tôi chỉ hiểu đại khái “vô thường” (không trường tồn) có nghĩa là không có gì là
mãi mãi, mọi việc đều thay đổi không ngừng, cho nên chúng ta không nên bám víu
vào bất cứ việc gì. Nhưng đây chỉ là lý-thuyết xa vời như khi nói đến chủ-nghĩa
hiện-sinh của Kierkegaard hay Jean Paul Sartre mà thôi. Lần này, qua chính
kinh-nghiệm bản-thân, tôi mới gọi là tạm hiểu.
Lúc còn trẻ, tôi chỉ biết lao đầu vào cuộc sống, tuổi trẻ hăng
say, cường tráng, có bao giờ biết đến chuyện bệnh tật, có bao giờ bước chân vào
nhà thương đâu? Lúc về hưu, cứ ngỡ đời sống mình sẽ êm ả, nhàn hạ như giòng
sông trầm lặng, chúng tôi sắp xếp cuộc sống, ăn uống nhẹ, ít thịt, nhiều rau,
đi tập thể-dục và bơi bốn ngày mỗi tuần, đi du-lịch một năm hai ba lần, thỉnh
thoảng xoa mạt-chược hay đi gặp bạn bè ăn uống, hát hỏng, mỗi năm đi bác sĩ,
khám-nghiệm sức khoẻ, cuối thu đi chích ngừa bệnh cúm. Sống như thế này thì có
lẽ đến chín mươi tuổi vẫn còn hưởng đời được chứ?
Nhưng người tính đâu bằng Trời tính? Trời chợt nắng, chợt mưa, giòng sông nào
không nổi sóng? Có điều gì vĩnh-cửu trên đời này? Bất cứ chuyện gì rồi cũng có
thể xảy ra, cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý-do gì.
Nhưng khó chấp-nhận quá. Làm sao tôi có thể mắc phải căn bệnh
nghiệt-ngã này? Tại sao tôi lại phải khổ sở như vầy? Trong những lúc tinh-thần
suy kém, tôi thật hận trời xanh.
Tức giận chả đi đến đâu, tôi cũng phải từ từ chấp nhận. Nghĩ cho cùng, tôi còn
may mắn hơn nhiều người trong cảnh-ngộ này lắm: bệnh tôi đã được sớm phát-giác;
Lymphoma thường hay xuất hiện nơi óc (tôi biết có trường-hợp bệnh-nhân phải mổ
óc) hay nơi tuỷ xương sống nhưng tôi “chỉ” bị ở gan mà sau khi qua được chặng đầu,
gan tôi đã từ từ hồi-phục lại, không cần phải thay gan hay mổ xẻ gì (có lẽ mạng
tôi lớn mà gan cũng không bé?); cơ-thể tôi đã không phải bị hoá trị-liệu hành hạ
quá đáng (có những bệnh-nhân không chịu đựng được phương-cách trị-liệu này); và
không đầy năm tháng, tôi đã được điều-trị xong; … Thôi thì ông Giời vẫn còn
thương xót một tí, tôi không dám than vãn nữa.
Sống trên thế-gian này, chúng ta chỉ là hạt cát, chúng ta chỉ là
người qua đường, đường dài hay đường ngắn, đường thẳng tuốt hay đường ngoằn
nghoèo, khúc-khuỷu, chúng ta không hoàn toàn làm chủ và không có gì là trường-tồn
mãi. Chúng ta chỉ có thể khiêm-tốn chấp nhận, trân-trọng cuộc sống, vui hưởng mỗi
ngày, mỗi phút, mỗi giây. Vì tất cả đều là vô-thường.
Phận và Nghiệp
Không ai bước qua khỏi số-phận. Phần đông người Á Đông mình tin nơi số-phận và
dễ chấp-nhận những khó khăn trong cuộc sống hơn. Nhưng chấp-nhận không có nghĩa
là an phận, là phó mặc đời mình cho Ông Giời hay nơi người khác. Trong Phật
pháp còn có nguyên-lý “Nghiệp” (Karma), có nghĩa là ý định và hành-động của một
cá-nhân có thể ảnh-hưởng cá-nhân đó trong tương-lai, mọi hành-động đều có hậu-quả
của nó. Nói nôm na theo lối dân-gian, “Gieo gió gặp bão”, “Đi đêm có ngày gặp
ma”, “Ở hiền gặp lành”,…
Ở hiền gặp lành. Ông bà, bố mẹ tôi trước đây vẫn dạy dỗ chúng tôi như vậy nhưng
có thật như vậy không? Năm nay, giữa tháng giêng, tôi mắc bệnh, ba tháng sau,
cô em dâu tôi qua đời, hai tháng sau nữa đến lượt mẹ tôi và một tuần sau là chị
dâu của mẹ tôi ra đi. Như vậy là làm sao? Nhưng nghĩ cho cùng, tôi bị bệnh nặng
nhưng vẫn qua khỏi, ba người kia trong gia-đình tôi đều ra đi sau bao năm tháng
khổ sở trên giường bệnh hay trên xe lăn. Phải chăng vì chúng tôi đều ở hiền nên
tôi thì thoát chết còn ba người kia thì được giải-thoát? Phải chăng đó là nghiệp?
Lúc đầu, tôi cũng ấm ức vì sao mình chăm sóc thân-thể mà vẫn mắc
bệnh? Thật ra, có những “tai nạn” xảy ra cho bất cứ ai, nhưng ngược lại, chính
nhờ cơ-thể tôi khoẻ mạnh nên tôi mới qua khỏi bao khó khăn nói trên, và bác sĩ
đã nhiều lần nói với tôi: “Cơ-thể ông phản-ứng thật tốt.” Ông còn nói đùa thêm:
“Your body is your buddy” (cơ-thể ông là bạn của ông).
Ngoài ra, chấp-nhận không phải là buông xuôi. Ngược lại, tình-thế
càng khó khăn thì lại càng phải phấn-đấu, tinh-thần lại càng phải vững chắc, nhất
định không nản lòng. Tính tôi không dễ nản lòng nhưng trong suốt thời-gian hoạn-nạn
này, tôi cũng phải có những lúc buồn nản và trong hoàn-cảnh này, tôi mới càng
hiểu là đời sống mình luôn luôn dính liền với bao nhiêu người chung quanh.
Tình người
Trong suốt thời-gian này, tôi đã giữ vững được tinh-thần để vượt qua mọi thử
thách, một phần lớn là nhờ vào sức hỗ-trợ của biết bao nhiêu người: bác sĩ, y
tá, bạn bè, gia-đình, anh chị em, con cái và nhất là người vợ của mình.
Lần này, tôi mới lại càng thấu-hiểu ý-nghĩa sâu xa của những từ “bạn đời” hay
“mình” để nói về liên-hệ vợ chồng. Tôi thật sự không biết tôi sẽ như thế nào nếu
không có vợ tôi bên cạnh. Suốt mất tháng nay, nàng không rời tôi nửa bước, chăm
lo tẩm bổ thức ăn, thuốc thang cho tôi, liên-lạc với nhà thương, đưa đi đưa về
nhà thương để điều-trị, … Cứ nhìn nàng hùng hục cả ngày để quán-xuyến mọi việc
trong và ngoài nhà trong khi tôi lại ngồi không, chả giúp gì được, tôi cứ ứa nước
mắt, xót xa vô ngần. Ngoài trừ người mẹ lo cho con lúc còn bé, có ai có thể
chăm lo cho mình được như vậy? Qua lần thử-thách này, hầu như liên-hệ vợ-chồng
chúng tôi đã thay đổi nhiều.
Con cái chúng tôi, những đứa ở xa cũng đều bay về thăm bố, nhỡ… Gia-đình là vậy.
Bạn bè, chúng tôi cũng chỉ báo tin cho một số người xem như gần
nhất, chứ không hề đăng lên Facebook gì cả. Đúng là trong cơn hoạn nạn, mình mới
biết bạn bè ai thật tình quí mến mình, ai lặng tiếng, ai hỏi thăm một lần cho
có lệ rồi thôi, ai không được thông báo nhưng biết được cứ hỏi thăm điều đặn.
Nhưng bạn bè, dĩ nhiên có người thân ít, có người thân nhiều, cứ có bạn bè
chung quanh, nhất là trong tuổi này là vui lắm rồi. Đừng đòi hỏi, trông chờ gì
và cứ tiếp-nhận tình bạn là vui vẻ cả làng.
Những
ai đã nằm bệnh-viện đều biết là khác khách-sạn nhiều lắm. Ở đây, ngủ không ngon
được vì ồn (do nhân-viên nói chuyện hay do bệnh-nhân than van), ăn thì dở khỏi
chê (thức ăn Mỹ lại nấu nhạt nhách, nấu quá kỹ và khô ơi là khô), không kể đến
tâm-trạng khó khăn của người bệnh.
Bốn tuần trong nhà thương là tôi ớn đến tận cổ nhưng ngược lại, trải qua cảnh-ngộ
này, tôi mới có cái nhìn khác về những nghề (nghiệp?) bác sĩ, y tá. Những người
tôi gặp nơi đây, đa số đều có khả-năng và nhất là rất ân cần, chăm sóc tôi một
cách thật tận tâm (tôi không biết có thể dùng chữ “bi” của đạo Phật ở đây được
không?). Dù sao đi nữa, những người này đã làm tôi cảm động nhiều và khi đã điều-trị
xong, tôi có đem biếu tí quà cho bác-sĩ và cho toán y-tá, gọi là tỏ lòng biết
ơn. (Điều này, tôi đã học được nơi bố tôi: gia-đình tôi đi Mỹ được là nhờ ông cố-vấn
Mỹ của bố tôi và sau đó, mỗi năm vào dịp Giáng-Sinh, bố tôi đều gửi thiệp và
quà cho vị ân-nhân này, mãi đến khi bố tôi mất, mẹ tôi lại tiếp-tục gửi, đến độ
ông kia phải “năn nỉ” mẹ tôi đừng gửi nữa. Ơn-nghĩa đối với người Á-Đông chúng
ta là vậy.)
Tóm lại, tôi đã ý-thức được nhiều để biết trân-trọng tình-cảm giữa người và người.
Yên Hà
bài viết này rất hay, cảm ơn tác giả!
ReplyDelete