Má của Hạnh chết lúc Hạnh lên ba tuổi. Tới năm bảy tuổi Hạnh không sao mường tượng nổi hình ảnh mẹ mình vì tấm di ảnh của mẹ trên bàn thờ quá lu mờ. Hạnh sống với ba và ông Bảy Liệu, người tớ già trung thành của ba. Ba vốn ít nói, ông Bảy Liệu lại càng ít nói hơn. Tuy cả hai chăm sóc Hạnh khá châu đáo, nhưng ít khi bồng ẵm, nựng nịu Hạnh. Từ sáu tuổi, Hạnh được cắp sách đến trường tiểu học Thiềng Ðức vốn là ngôi đình làng, ngay bên cạnh nhà.
Vì sống
cô đơn bên cạnh hai người lầm lì, Hạnh cũng lây tánh ít nói. Hạnh hiền lành
nhưng hay nổi cộc. Lũ bạn không ưa Hạnh nhưng không đứa nào dám ăn hiếp Hạnh vì
Hạnh học giỏi, Hạnh trả đũa đích đáng đứa nào chọc phá Hạnh, do đó Hạnh không
có bạn. Sự cô đơn làm cho Hạnh càng thêm lầm lì, khắc khổ. Hạnh không biết làm
gì hơn là chúi mũi vào bài vở nhà trường.
Từ
lúc Hạnh lên bảy tuổi, ba Hạnh cho Hạnh ở buồng riêng. Phòng của ba quét nước
vôi trộn a dao màu thiên thanh, rèm màn thêu đục lỗ màu trắng tinh khiết. Gương
lớn treo ở đầu giường và trên tấm vách áp chơn giường. Hễ ai nằm trong giường sẽ
thấy bóng mình hiện chập chờn trong hệ thống gương soi đối diện nhau.
Một
đêm nọ ba đi chơi về trễ, Hạnh ngủ từ lúc 9 giờ tối như thường lệ. Nửa đêm, Hạnh
thức giấc vì có tiếng cười rúc rích ở buồng ba. Tiếng người đờn bà nhỏng nhẻo:
- Ðồ
quỉ gì đâu á! Hai tấm kiếng soi rõ cảnh hai đứa mình như coi hát bóng vậy!
Tiếng
ba năn nỉ:
- Ðừng
có giỡn hớt. Ðể cho thằng con anh ngủ.
Vậy
là ở buồng ba có một người đờn bà lạ. Từ hồi hiểu biết cho tới giờ, Hạnh mới thấy
có một người đờn bà trong nhà. Ngôi nhà gồm ba thế hệ: một già, một tráng niên,
một đứa nhỏ ở ba căn buồng riêng biệt nhau. Buồng ba và buồng Hạnh ở từng trệt,
buồng ông Bảy Liệu ở trên gác. Buồng nào cũng tươm tất, sạch sẽ. Căn gác rộng,
cửa sổ lớn. Vì có bóng hai cây vú sữa che kín nóc nhà nên căn gác mát mẻ. Dù vậy,
căn nhà từ bao lâu nay dường như thiếu sinh khí. Cây cao bóng mát thâm u, vách
tường rào vây bọc kín đáo, lạnh lùng. Hàng ba cũng rợp bóng cây nhãn, cây mận,
cây sa-bô-chê. Ánh sáng ít khi lọt vào trung đường. Cái hoang vắng thê lương của
ngôi nhà lọt vào tâm hồn Hạnh quá sâu đậm, đóng băng luôn ở đó, cho nên khi tiếp
xúc với cái ồn ào của sân trường, lớp học, Hạnh cảm thấy mình không thể hoà nhập.
Vào giờ ra chơi, Hạnh lặng lẽ đứng ở góc sân trường hay ở chỗ khuất lánh. Lũ bạn
không chơi với Hạnh không phải vì tụi nó ghét Hạnh mà vì chúng không tìm thấy ở
Hạnh điểm nào hấp dẫn, lôi cuốn để chúng dây dưa tiếp xúc.
Từ 10
tuổi, Hạnh đã bắt đầu đọc truyện cổ tích, đọc truyện thơ. Truyện Phạm Công Cúc
Hoa làm Hạnh bần thần dã dượi. Nhứt là ở đoạn hai đứa trẻ mồ côi là Nghi Xuân,
Tấn Lực bị bà dì ghẻ đuổi ra khỏi nhà, lang thang đi tìm cha là Phạm Công đang
trấn đóng ở một thị trấn xa. Tụi nó vào một đêm tối trời tới bên mộ mẹ, mệt quá
ngủ thiếp đi. Cúc Hoa hiện hồn về bắt chí cho Nghi Xuân, rửa mặt chải đầu cho Tấn
Lực, chỉ đường về nơi Phạm Công trấn đóng để cho cha con đoàn viên… Ðó là một
buổi tối, bên ngoài mưa gió đầy trời. Tại phòng khách, ánh đèn nê-ông rọi sáng
một cảnh sum họp tẻ ngắt. Ba ngồi tính toán sổ sách ở bàn làm việc. Hạnh ngồi
trên ghế xích đu đọc sách. Còn ông Bảy Liệu lo lau chùi chiếc xe đạp hiệu Urago
mới mua của ba cho thiệt bóng loáng.
Lúc đọc
tới đoạn gà bắt đầu gáy sáng, Cúc Hoa từ giã hai con để về chốn Dạ Ðài, Hạnh
không nén được xúc động, ngọn trào lòng từ đáy tim, từ góc sâu thẳm của tâm hồn
Hạnh trào ra khiến Hạnh hực lên một tiếng khô khốc, rồi cơn khóc ào tới, lay động
toàn thân Hạnh, nước mắt tuôn như suối.
Ba sửng
sốt buông viết chạy tới bên Hạnh. Thấy quyển Phạm Công Cúc Hoa nằm trên nền gạch
ba chợt hiểu, ôm chầm lấy Hạnh, vỗ về:
- Hạnh!
Nín đi con.
Ðêm
đó, Hạnh được ngủ chung với ba. Trong giấc ngủ chập chờn, lụn vụn, Hạnh mơ màng
thấy ba thỉnh thoảng đặt môi lên tóc, lên trán Hạnh. Ðó là đêm duy nhứt ba tỏ
ra thương yêu Hạnh. Nhưng ba chẳng nói câu nào ngọt ngào, thân ái để sưởi ấm
thêm tâm hồn con mình.
Và từ
đó cho tới khi có sự xuất hiện của người đờn bà lạ trong nhà, Hạnh đã bao lần
muốn hỏi xin ba kể cho Hạnh nghe những chuyện thuộc về mẹ Hạnh. Nhưng nét mặt lầm
lì của ba làm Hạnh khiếp sợ, không dám thốt ra tiếng nào mỗi khi Hạnh đối diện
ba.
Bên
kia buồng, tiếng người đờn bà lại cất lên:
-
Hình thằng con anh đây hả? Chèn ơi, nó giống anh quá! Ðể em làm mẹ nó, săn sóc
nó cho tiện.
Tiếng
ba vui vẻ:
- Cứ
nói bậy đi! Con vợ anh hiện hồn về vặn cổ em cho coi.
Người
đờn bà véo von::
- Em
hổng sợ đâu! Chị Ba đầu thai từ lâu rồi!
Giọng
ngưòi đờn bà nhún nhẩy, linh hoạt, đượm âm sắc nhõng nhẽo nghe thiệt gợi cảm.
Nhưng còn nhỏ Hạnh không để ý lắm, thiếp dần trong giấc ngủ thoải mái cho đến
khi ánh ban mai trắng xoá lòn qua khe cửa lá sách.
Ngoài
phòng sách có tiếng ba huýt sáo một điệu nhạc cũng nhún nhẩy và vui tươi như tiếng
cười của người đờn bà đêm qua. Hạnh bưóc xuống giường, rời phòng ngủ đi xuống
bàn ăn. Ở đó bữa ăn sáng gồm có cháo trắng, củ cải mặn, trứng muối, thịt kho
rim, cà phê đã dọn sẵn.
Khi
ba kéo ghế ngồi vào bàn thì người đờn bà từ ngoài vườn bước vào, tay ôm một bó
bông lớn gồm có bông huệ, bông sao nhái, bông cẩm nhung. Chị ta nhìn cái độc
bình bằng sứ tráng men nâu vàng, miệng phóng thanh inh ỏi:
-
Chèn ơi, hổng dè anh đã bày bình sẵn cho em. Nè, anh coi bó bông em hái trong
vườn: bông huệ còn búp dễ thương hông? Nè, bông cẩm nhung ở đây tốt thiệt, cánh
bông lớn, nhánh lá dài sọc thiệt đẹp! Ðể em bày một bình bông thiệt chiến, thiệt
bảnh cho anh thưởng thức.
Và
chưa kịp cắm bông vào độc bình, chị ta nhìn qua Hạnh lăng líu:
- Thằng
Hạnh đây hả anh Ba? Cặp mắt nó giống cặp mắt chị Ba quá chừng chừng! Mắt nầy là
mắt nhung đó đa. Thằng nầy giống tía nhiều hơn giống má. Cặp mắt nầy mai sau
luyện nhỡn kiếm, ngó cô nào là thấy hết những gì bị quần áo che kín.
Ba cười
cúc cúc:
- Ăn
nói tầm ruồng hoài!
Người
đờn bà tới gần vuốt tóc Hạnh, kéo Hạnh sát vào người mình. Hạnh cứ để yên cho
chị ta bày tỏ niềm thương mến. Mùi dầu thơm, mùi son phấn của chị ta làm Hạnh
choáng ngợp. Chị ta có cái mũi hơi ngắn, cặp mắt hơi nhỏ, cái miệng cá chim
chúm chím nên cặp môi có vẻ nũng nịu. Chị mặc chiếc áo túi bằng lụa tím, phơi
hai cánh tay no nưỡng và trắng phau. Chiếc quần sa-teng lóng mướt càng làm cho
bàn chân chị thêm trắng, gót son quí phái của chị thêm phần xinh đẹp. Miệng chị
tía lia:
- Thằng
nhỏ dễ thương quá, anh Ba! Anh cho em đi. Em cho nó học trường Tây. Hay thôi,
anh cưới em để em làm má nó cho gọn.
Bàn
tay của chị đờn bà là bàn tay búp măng, ngón mũi viết suôn suôn, mu bàn tay mềm
mại, cườm tay thon và óng ả, móng tay chuốt khéo bôi vẹc-ni màu đỏ như huyết bồ
câu. Chị ta vuốt ve, mơn man vai Hạnh, tái diễn cử chỉ trìu mến của ba trong
đêm Hạnh được ngủ chung với ba. Niềm ấm áp như len lỏi vô mọi ngõ ngách trong
tim Hạnh, làm mắt Hạnh rưng rưng lệ. Ba nhìn sững Hạnh. Chắc ba không thể ngờ ẩn
trong vẻ lầm lì, lạnh lẽo của Hạnh là một trái tim nhạy và đa cảm. Ba không nói
gì, rút khăn mù-soa ra lau nước mắt cho Hạnh. Nhưng người đờn bà thì cười hăng
hắc, bảo Hạnh:
- Chắc
con thấy cô, con nhớ má con chớ gì? Thôi, ngồi xuống đây ăn lót lòng đi, rồi cô
dắt con đi chợ, mua đồ chơi cho con.
Rồi
chị ta chắc lưỡi rên rỉ:
- Em
đẻ lần thứ nhứt một con a huờn, lần thứ nhì một con tỉ tất, lần thứ ba một con
thị tì, rồi nín đẻ luôn. Em thèm con trai quá anh ơi! Chưa bốn mươi tuổi mà em
đã sượng ngắt!
Hạnh
kêu người đờn bà đó là cô Lucie. Về sau Hạnh mới biết cô ta vốn là bạn lối xóm
của mẹ Hạnh. Vì cô chửa hoang nên bỏ xóm bỏ làng lên Sài gòn. Cô có ba đứa con
gái, mỗi đứa một cha. Ðứa con thứ ba là đầm lai vì cô hiện giờ làm vợ thằng Tây
chủ hãng la-de BGI già ngắt.
Cô
Lucie hứa dẫn Hạnh đi chợ mua đồ chơi mà cô lại quên. Nhưng trong tuần lễ cô ở
chơi nhà Hạnh, cô trổ tài nấu nướng nhiều món lạ cho cha con Hạnh và ông Bảy Liệu
thưởng thức. Cô cười giỡn, đía dóc, giễu cợt huyên thuyên, nhưng khi vô buồng
ba Hạnh là cô im thin thít. Lúc đó là nhằm mùa bãi trường nên Hạnh được ở nhà
quanh quẩn theo cô Lucie. Bàn tay mềm mại của cô là bàn tay hay vuốt ve. Gặp
con mèo tam thể cô cũng ôm trên tay nựng nịu hồi lâu mới đuổi: “A lê, đi chỗ
khác chơi!”. Con gà con đi lẫm đẫm ngoài sân, cô cũng tóm cho được để ve vuốt
vài cái. Hễ thấy Hạnh đứng buồn hiu hiu bên gốc cây nhãn là cô kêu Hạnh lại,
tay cô sửa lại cổ áo cho Hạnh, sửa lại đường ngôi trên tóc Hạnh. Có bận cô
nhúng khăn lông vào nước mát rượi để lau mặt cho Hạnh, nhìn sâu vào mắt Hạnh,
cười:
- Con
mà biết ăn nói bải buôi, mai sau con sẽ đắt mèo.
Và cô
vuốt ve Hạnh thật lâu, miệng lẩm bẩm:
- Tội
nghiệp quá! Con mà thiếu mẹ…
Cô bỏ
lửng câu nói, cười che lấp xúc động.
Hạnh
còn nhỏ nên khi thấy bà nào cô nào đeo nhiều nữ trang, ăn mặc màu mè hực hỡ, tô
son giồi phấn choáng lộn thì Hạnh nghĩ rằng đương sư đẹp đẽ mỹ miều. Cô Lucie đối
với Hạnh là một bà tiên từ trong cổ tích bay ra, chẳng những có dung nhan thập
phần kiều diễm mà còn có đôi bàn tay cho Hạnh tình mẫu tử nhiệm mầu.
Một
tuần lễ có sự hiện diện của cô Lucie, căn nhà đầy ắp tiếng nói cười. Hạnh vốn
nhút nhát, dù thèm được cô Lucie âu yếm, tâng tiu nhưng Hạnh không biết diễn tả
niềm thương mến của mình đối với cô cách nào. Hạnh chỉ biết quanh quẩn theo cô.
Có hôm, trong lúc lau mặt chải đầu cho Hạnh, cô bảo ba:
- Thằng
nầy giống anh ở tánh nhút nhát, anh có nhận thấy không? Cái hồi đó đó, anh vừa
đi coi mắt chị Ba xong, nhưng chính con Lucie nầy trổ phép thần thông làm cho
anh từ cậu trai tân biến thành đờn ông thành thạo.
Và cô
cười hăng hắc. Mặt ba đỏ rần như miếng dưa hấu. Và ba chỉ biết mắng yêu:
- Mắc
dịch gì đâu! Cứ ăn nói ẩu tả hoài!
Rồi một
buổi sáng, khi thức dậy, Hạnh nhận thấy bên ngoài phòng ngủ của mình vắng bặt
tiếng cười nói của cô Lucie. Linh tánh báo cho Hạnh biết có chuyện chẳng lành.
Hạnh tuột xuống giường chạy ra phòng khách rồi vào phòng ăn. Ba đang ngồi trước
liễn cháo bốc khói, nhấm nháp cà phê. Không có cô Lucie ở đó. Hạnh run giọng hỏi:
- Cô
Lucie đâu ba?
Ba điềm
nhiên:
- Cổ
đã về Sài gòn hồi sáng sớm.
Và ba
bước lại tủ buýp-phê, lấy con chó bằng len nhồi bông gòn ra đưa cho Hạnh:
- Cô
Lucie gởi tặng con món quà nầy.
Hạnh
ôm con chó bằng len vào lòng, khóc như mưa. Ba nhìn Hạnh rồi ôm chặt Hạnh vào
lòng, vỗ về:
-
Ðùng khóc, Hạnh. Con khóc làm ba đau lòng lắm!
Phải
có niềm cảm hoài thiệt sâu đậm, thấm thía ba mới có thể bày tỏ tình cảm của
mình. Ông ôm chặt Hạnh, vuốt tóc Hạnh và không nói thêm một lời nào nữa. Tối
hôm đó, ba cho phép Hạnh được ngủ chung. Hạnh cứ ôm chặt ba. Và nửa đêm, chợt
thức giấc, Hạnh nhớ cô Lucie, khóc tấm tức. Liên tiếp ba bốn ngày sau Hạnh mới
nguôi ngoai. Nhưng từ đó Hạnh thờ ơ uể oải. Ngôi nhà trước khi cô Lucie tới viếng
vốn đã tẻ lạnh, hoang vắng. Nhưng thà cô đừng đến! Giờ đây, khi cô bỏ đi, với Hạnh,
nó tẻ lạnh hoang vắng ba bốn lần hơn. Chiều chiều Hạnh đứng dưới gốc nhãn, tay
ôm con chó nhồi bông vuốt ve, tái diễn cái cử chỉ cô Lucie đã bày tỏ niềm âu yếm
thương yêu với Hạnh.
Ba
thương yêu Hạnh, chỉ biết mua sắm quần áo, giày vớ, đồ chơi mắc tiền cho Hạnh.
Nhưng bởi cái nhút nhát tích lũy tiềm ẩn từ thuở nào, ba không bày tỏ được tình
phụ tử để đưa Hạnh vào thế giới ấm áp, nồng nàn hơn. Ông Bảy Liệu cũng thương
yêu Hạnh, nhưng ông chỉ biết săn sóc miếng ăn, tấm áo cho Hạnh. Tâm hồn ông đơn
giản quá mức, không thể hiểu được cái ngắt ngoéo trong nội tâm của một đứa trẻ
mồ côi. Ông không hề vuốt ve hay nói một câu ngọt bùi với Hạnh. Giọng ông dấm dẳn,
nói ra câu nào là như doạ dẫm, truyền lịnh câu đó. Thế nhưng mỗi khi Hạnh đau ốm,
ông túc trực bên giường bịnh của Hạnh sáng đêm, tận tụy lo lắng tuy nét mặt ông
trước sau vẫn như bọc một lớp thép mỏng nguội ngắt.
Thế rồi
ba lại đem về phòng ngủ treo gương của ba một người đờn bà khác. Ba biểu Hạnh gọi
đương sự bằng dì Khánh, bởi vì dì là em bà con xa của má Hạnh. Sau nầy Hạnh mới
rõ dì là gái quê bị Tây ruồng bố, dấn thân vào cuộc đời làm gái bao cho mấy tên
Huê kiều, Pháp kiều. Về sau dì sống nghề mãi dâm bán chánh thức, nghĩa là vừa
làm chủ chứa, vừa rước khách tìm hoa.
Dì
Khánh khi tới viếng nhà Hạnh không có vẻ gì là một gái buôn hương. Dì không xài
son phấn, chỉ tỉa cặp chơn mày cong vòng và mỏng lét. Dì mặc áo trắng, quần trắng,
đeo nữ trang kiểu rất thanh nhã. Dì ốm yếu, xanh xao, có vẻ trầm lặng.
Ngày
đầu tiên dì Khánh tới nhà Hạnh, thoạt nhìn tấm ảnh phóng đại khổ 18 x 24 của má
trên bàn thờ, dì chắc lưỡi:
- Tấm
hình nầy không giống chị Ba chút nào. Nước thuốc thì mờ như phủ bụi phủ sương,
lại tróc lem nhem. Chị Ba ở ngoài đâu có vậy!
Ba buồn
rầu:
- Bao
nhiêu hình ảnh của vợ tui cháy sạch hồi ở Lộc Hoà. Bả chết rồi, tui kiếm lung
tung mới được một tấm bốn sáu, đem chụp lại rồi rọi lớn ra.
Dì
Khánh đăm đăm nhìn Hạnh, ứa nước mắt, rồi bảo ba:
- Anh
cũng nên kiếm con nhà tử tế để chắp nối. Cháu Hạnh cần có bà mẹ chăm sóc.
Ba lắc
đầu:
- Tui
sợ con tui lâm cảnh mẹ ghẻ con chồng lắm dì Bảy à! Mấy đời bánh đúc có xương dì
ơi!
Dì
Khánh vẫn thích vuốt ve Hạnh. Bàn tay dì không đẹp, tuy thon mảnh nhưng lòng
bàn tay như gừng khô. Dì ít nói, hễ nói ra là giọng chậm rãi, tiếng nói êm và
nhẹ. Dì Khánh không phải là người huyên náo như cô Lucie. Dì thâm trầm, ôn nhu,
cử động chậm rãi, gượng nhẹ. Vậy mà trong những ngày tới viếng cha con Hạnh, dì
làm lụng, xếp đặt mọi việc trong ngoài không hở tay. Dì khuyên lơn Hạnh đủ điều,
giọng lúc nào cũng êm đềm thấm thía:
- Ba
con thương yêu con lắm vì trên đời nầy chỉ có con là nguồn an ủi duy nhứt của ảnh.
Má con cũng vậy, trong những ngày nằm trên giường bịnh chờ chết, chỉ không đành
nhắm mắt, sợ bỏ con ở lại bơ vơ không ai săn sóc. Ba con đã hứa là sẽ cố gắng
nuôi con tới lúc nên người mới nghĩ tới chuyện làm lại cuộc đời với người đờn
bà khác. Con phải thương yêu ba con, phải siêng năng học hành để đừng phụ lòng
ba con lo lắng…
Hạnh
ngần ngại hỏi:
- Má
con có đẹp không dì?
Dì
Khánh buồn rầu:
- Dì
cũng chẳng rõ má con có đẹp không. Nhưng con cứ nghĩ rằng má con thương yêu ba
con và con như Cúc Hoa thương chồng thương con của bà ta vậy. Cặp mắt con giống
hệt cặp mắt của má con. Tội nghiệp lắm, lúc chỉ chết, dì vuốt mắt chỉ mấy lần
mà chỉ vẫn mở trừng trừng. Dì phải cầm tay con, lúc đó con mới ba tuổi, đè lên
mí mắt chỉ, mí mắt mới khép kín lại.
Dì mủi
lòng quá ôm Hạnh, nước mắt ròng ròng. Hạnh làm sao nhớ nổi cảnh lâm chung của mẹ
mình, nhưng Hạnh vẫn khóc theo dì, cơn khóc thường có tính truyền nhiễm. Tuy
nhiên, lòng Hạnh ấm áp và tươi sáng hẵn lên vì qua lời kể của dì Khánh, Hạnh có
thể mường tượng đôi chút về mẹ mình. Trong trí tưởng tượng của Hạnh, má là hình
ảnh của một nữ thánh hay bà tiên tốt bụng trong cổ tích Tây phương, đã giúp những
đứa con côi thoát nạn do bọn phù thủy, chằn tinh hoặc mẹ ghẻ gây ra.
Dì
Khánh lại nói:
- Má
con thương yêu ba con lắm. Hồi thời giặc năm 1948, ba con vô khu 8, má con ở
ngoài thành, nhịn ăn nhịn mặc để có tiền mua thuốc men và tiền gởi vô cho ba
con. Chỉ cứ ăn cá mòi, ba khía, mắm mốc với cơm gạo hẩm. Ít lâu sau chỉ bị phù
thũng, chơn cẵng sưng lên, đi tiểu ra máu. Dì phải đưa chỉ vô nhà thương điều
trị và mua thức ăn bổ dưỡng cùng thuốc men để bịnh chỉ mau thuyên giảm.
Dì
Khánh lục lọi giày vớ, áo quần của Hạnh ra khâu vá, sửa chửa tươm tất. Vào một
buổi xế, trời mưa rả rích, Hạnh nằm chơi ở bộ ngựa gõ rồi ngủ quên, dì lấy tấm
mền len đáp cho Hạnh. Lúc áp mặt mình gần mặt Hạnh, dì mắng yêu:
- Thằng
nầy làm biếng nhớt thây, không chịu vô giường mà ngủ.
Dì đặt
đôi môi mềm mại và ấm áp lên trán Hạnh. Từ đó dì lộ vẻ buồn. Một hôm thấy dì thả
dài người trên ghế phô-tơi có vẻ nghĩ ngợi xa xôi, Hạnh e dè bước lại gần, bặm
gan nói nhỏ:
- Dì
ơi, dì ở luôn đây đi dì.
Dì
kéo Hạnh lại gần, nước mắt rưng rưng:
- Dì
cũng muốn lắm, nhưng làm sao được? Lớn lên rồi con sẽ hiểu.
Rồi
cái ngày dì từ giã ra đi cũng phải tới. Hạnh không thể khóc được. Vũ trụ như sụp
đổ dưới chân Hạnh. Nước mắt Hạnh như đã khô cạn từ cuộc sinh ly đầu tiên với cô
Lucie. Nhưng trong trái tim Hạnh, vết thương sâu đậm thêm. Khối băng giá trong
tâm hồn Hạnh lớn hơn, cứng chắc hơn.
° ° °
Tuổi
thơ của Hạnh cô đơn quá! Thời mới lớn của Hạnh thêm sẫm buồn và u uất bởi cái
chết của ông Bảy Liệu. Ðã bao năm nay, dù ông hiện diện trong đời Hạnh như cái
bóng âm thầm tẻ ngắt, ông vẫn là điểm tựa vững chãi cho Hạnh. Khi ông trút hơi
thở cuối cùng, Hạnh vụt hiểu rằng cái thế giới tình cảm của Hạnh có thêm một lỗ
hổng lớn. Toàn thân Hạnh lạnh ngắt, Hạnh ôm chặt lấy ba khóc như mưa. Bao nhiêu
sự tận tụy của ông Bảy Liệu vụt hiện rõ trong ký ức Hạnh. Năm đó Hạnh mới mười
bốn tuổi. Ba chỉ ôm chặt Hạnh, không khóc. Hạnh hiểu rằng chính ba cũng đang cảm
thấy mất điểm tựa. Cái ôm chặt kia không phải là cử chỉ che chở nữa. Nó là sự bấu
víu của ba vào Hạnh dù Hạnh chỉ là cậu trai mới vừa bể tiếng.
Thi
thể ông Bảy Liệu được đặt ở bộ ván ngựa, cái mền xám trùm kín. Lúc đó mới hai
giờ sáng. Hạnh về buồng nằm khóc rấm rứt. Ba ngồi canh xác người lão bộc trung
thành. Thỉnh thoảng, ba giở tấm mền ra nhìn mặt người lão bộc. Và chỉ khi tiếng
khóc trong phòng Hạnh im bặt một lúc lâu, ba mới hực lên khóc và nói một câu
duy nhứt:
- Ông
Bảy ơi, từ lâu tui đã coi ông như người cha thứ hai.
Phải
đợi ông Bảy Liệu thành cái xác lạnh ngắt, ba mới dám nói lên tiếng nói trung thực
của lòng mình. Lúc ông Bảy còn sanh tiền, ba tỏ vẻ xa cách với ông. Niềm thương
mến của ba chỉ bộc lộ ở cách cư xử rộng rãi, ở sự tin cậy tuyệt đối vào ông.
Khi ông đau ốm, ba không hề tiếc tiền đưa ông lên nhà thương Thuận Kiều ở Chợ Lớn.
Giữa ba và ông Bảy Liệu có sự thông hiểu nhau sâu xa. Dù cả hai không hề trao
nhau một câu thân ái, nhưng trong im lặng, họ đọc được niềm thương mến của
nhau. Có vậy ông Bảy Liệu mới gởi thân suốt đời ở nhà Hạnh. Có vậy ba mới dám
giao tất cả chìa khóa cho ông.
Ông Bảy
Liệu chết đi để lại cho Hạnh cặp vòng vàng chạm trổ tinh xảo và một số tiền khá
lớn, dặn ba để dành cho Hạnh cưới vợ. Từ trước tới giờ, ba trả lương cho ông
sòng phẳng, nhưng ông không tiêu xài gì nhiều.
Ba và
Hạnh để tang cho ông Bảy Liệu suốt một năm trời với miếng vải đen ghim trên áo
trắng. Trong hai tháng đầu sau đám tang ông Bảy, cha con Hạnh phải xoay trở khó
khăn mới giữ được nếp nhà sạch sẽ tươm tất.
Sự hiện
diện của ông Bảy Liệu trước kia dù khiêm tốn, mờ nhạt, nhưng ngoài nhu cầu công
việc săn sóc nhà cửa, đã giữ một vai trò tối quan trọng trong đời sống tinh thần
của cha con Hạnh. Dù rằng sau đó, y theo lời trối của ông Bảy Liệu, ba Hạnh tìm
xuống Tam Bình rước vợ chồng bà Tám Ðịnh, em gái ông Bảy, về coi sóc việc nhà,
nhưng ba vẫn thở vắn than dài, và Hạnh vẫn cảm thấy trống vắng, thiếu thốn. Hạnh
nhớ ánh đèn chong ở căn bếp vào lúc đêm khuya, trong ánh đèn ấy, suốt cả đời
ông Bảy mài miệt lau chùi quét dọn căn bếp hoặc sắc thuốc, chưng yến, chưng ếch
bắc thảo cho ba Hạnh. Sáng sáng vào đầu canh năm thức giấc, Hạnh đã thấy ánh lửa
ở căn bếp xuyên qua những kẽ hở của vách ván lòn vào buồng. Những lúc đó, Hạnh
lờ mờ cảm thấy sảng khoái an ổn. Không phải vì Hạnh nghĩ tới những buổi điểm
tâm ngon lành, những bữa ăn thịnh soạn do ông Bảy Liệu nấu nướng. Hạnh chỉ cảm
nhận ánh lửa đó sưởi ấm tâm hồn mình, mà ánh lửa đó là hiện thân của ông Bảy.
Cũng vậy, mỗi khi theo ba đi xem hát bóng về khuya, Hạnh luôn thấy ánh lửa từ
căn bếp đỏ rực xuyên qua mắt cáo, qua kẽ lá lăn tăn của cây táo tàu trồng bên
mái bếp như toả sáng tâm hồn Hạnh. Tuy ông Bảy Liệu không hay nói, nhưng ánh lửa
kia, cái bóng âm thầm, tận tụy, cần mẫn của ông đã nói tất cả sự đùm bọc che chở
của ông với cha con Hạnh. Khi ông qua đời, Hạnh mới nhận thấy ngày ông còn sanh
tiền, cuộc sống trong ngôi nhà nầy dù có tẻ lạnh, nhưng vững vàng và an ổn biết
bao? Tại sao Hạnh đòi hỏi ở ông những cử chỉ vuốt ve thân ái và gìọng cười ấm
áp nắng xuân của cô Lucie? Tại sao Hạnh đòi hỏi ở ông đôi mắt biết diễn tả tình
cảm, giọng thủ thỉ tâm tình rất thấm thía của dì Khánh? Ông là người dốt nát,
và qua lời kể của bà Tám Ðịnh thì vì từ nhỏ ông sớm chịu cảnh mồ côi, phải đi ở
đợ nên ông luôn luôn thủ thế, không dám bộc lộ tình cảm.
Trước
khi về ở đợ với ông bà nội của Hạnh, ông Bảy Liệu đã chịu đòn vọt, chửi mắng
trong gia đình của vài người chủ khác. Và khi về ở với ông bà nội Hạnh, tuy ông
khỏi bị hành hạ nhưng vẫn phải nai lưng làm việc đầu tắt mặt tối. Ðời ông nào
có gì vui! Khi ở với cha con Hạnh, tuy vẫn làm lụng nhưng ông được định liệu, sắp
xếp mọi việc. Tâm hồn ông dù vậy vẫn còn bị bưng bít bởi tấm màn vô thức đen sẫm
nên ánh sáng lạc quan từ bên ngoài cuộc đời không thể lọt vào. Con chó khi mừng
biết vẫy đuôi, khi giận dữ biết sủa, khi đau ốm biết tru. Con mèo lúc sướng biết
rên rù rù, lúc đau biết la eo éo, lúc cô đơn đi tìm bạn biết meo meo. Còn ông Bảy
Liệu thì không. Càng nghĩ, Hạnh càng thương xót ông. Phải có một biến cố khốc
liệt nào đó mới khiến con người ông có vẻ hoá đá như vậy! Nhưng đó chỉ là mặt
ngoài. Trong tâm hồn ông còn có tấm lòng biết ơn đối với ba, còn có tình thương
mến đối với hai cha con Hạnh. Hạnh làm sao quên được những lúc Hạnh đau nặng,
ông Bảy Liệu luôn ngồi túc trực bên giường để khi thì lấy khăn chậm mồ hôi; khi
thì cho Hạnh uống thuốc; khi thì đút cơm, đút cháo…Vào những canh khuya chợt tỉnh
cơn mê sảng, Hạnh vẫn thấy ông ngồi canh bịnh, không ngủ mà cũng không hút thuốc,
mắt đăm đăm nhìn Hạnh. Hỡi ơi, đôi mắt sao mà vô hồn, dửng dưng, rất hoà hợp với
sắc mặt ông nguội ngắt! Tại sao đôi mắt ấy không là cửa sổ của tâm hồn? Tại sao
khuôn mặt ấy không là tấm gương của nội giới ông? Và chỉ đến lúc ông chết, Hạnh
mới cảm nhận qua một trực giác thâm sâu, tâm hồn ông vẫn phong phú nguồn suối
thương yêu, nội giới ông lúc nào cũng xán lạn niềm thiết tha gắn bó với gia
đình Hạnh.
Má chết
lúc Hạnh còn nhỏ. Hạnh không làm sao mường tượng nổi chân dung má qua tấm di ảnh
chưng trên bàn thờ. Hạnh cũng không sao nhận định trọn vẹn tâm hồn và nếp sống
của má qua lời kể loáng thoáng sơ sài của dì Khánh. Nhưng giờ đây, Hạnh có thể
muờng tượng tấm lòng yêu thương tận tụy của má qua sự tận tụy gắn bó của ông Bảy
Liệu. Hạnh còn thấy má hiện hữu ở cử chỉ vuốt ve trìu mến và giọng cười ấm áp của
cô Lucie, ở đôi mắt cảm thông và giọng nói thiết tha của dì Khánh. Cả hai cũng
như ông Bảy Liệu đã gợi cho Hạnh đôi chút hình ảnh người mẹ, dù rằng khi lớn
lên Hạnh mới rõ cô Lucie đến viếng cha con Hạnh cốt để lén ông chồng già ngoại
tình với ba trên chiếc giường có lót gương ở hai đầu; dù rằng dì Khánh tìm đến
ba là để trốn nợ, trốn luôn mụ vợ lớn của lão tình nhân của dì thường dắt toán
nặc nô đến nhà dì làm dữ. Nhưng mà nhằm nhò chi! Con người họ dù có sa đoạ cho
thế mấy, thân thế họ dù có dữ dằn điếm nhục cho thế mấy, nhưng khi bước vào ngưỡng
cửa gia đình Hạnh, cả hai hiện thân trọn vẹn tâm hồn người mẹ, thể hiện tròn
nguyên tấm lòng mẫu tử. Cho đến khi trưởng thành, nghĩ về cô Lucie, Hạnh cảm thấy
tâm hồn mình ấm áp biết bao, và nghĩ về dì Khánh, Hạnh cảm thấy trái tim mình
mát rượi là dường nào!
Sau
dì Khánh, thỉnh thoảng ba có đem về nhà một vài người đờn bà khác. Có kẻ ưa giở
chứng, có kẻ kỳ cục, có người hay cáu kỉnh, quạu quọ…Nhưng khi bước ra khỏi nhà
nầy, Hạnh quên tuốt hết. Hạnh chỉ giữ lại hình ảnh những người đờn bà nhu mì,
hiền dịu, tử tế. Họ đã thể hiện một vài nét lý tưởng của người mẹ để khi lớn
lên, Hạnh vẫn thích gợi lại để tìm chút niềm tin.
° ° °
Bà
Tám Ðịnh, trái với ông anh lầm lì của mình, là một mẫu người cởi mở, hời hợt,
miệng tía lia không lành da non. Giọng cười của bà hăng hắc, vì quá thân mật
đâm ra suồng sã.
Vừa đặt
chân vào nhà cha con Hạnh, bà quở liền:
- Nhà
nầy toà cao lẫm lớn, hồn ma bóng quế ẩn núp đó đây. Phải mua bùa bát quái và
nhánh xương rồng treo trước cửa, phải trồng hai cây dâu tằm ăn để đuổi tà ma.
Thầy Ba để đó tui lo cho!
Bà dạo
từ trên lầu xuống từng trệt, từ cổng trước đến cổng sau, từ cái ao bên trái qua
lẫm lúa bên mặt. Tới đâu bà phàn nàn đó:
- Gác
mà để trống trải quá, ông bà mình kiêng cữ lắm. Ai lại thờ Phật ở trung đường,
chỉ nên thờ Quan Thánh Ðế Quân cởi ngựa Xích Thố, có Châu Xương cầm thanh long
đao, có Quan Bình cầm hộp ấn đứng hầu. Phật và Bồ tát thì ở xa, chỉ có thánh
linh như Ðế Quân mới chịu ở gần mình. Ở miệt tui, nhà nào cũng có trang thờ Mẹ
Sanh Mẹ Ðộ trên cao, trang thờ ông Ðịa, thờ Thần Tài ở dưới đất. Còn ngoài vườn
nên lập cái miễu nhỏ thờ Thổ Ðịa. Thầy Ba tin đi, hễ thầy nghe lời tui thì đất
đai viên trạch an vui, vững vàng; mà tía con thầy còn tấn tài tấn lợi, khương
ninh suốt đời.
Từ
khi ông Bảy Liệu chết đi, ba muốn dời bàn thờ đức Di Ðà Tam Tôn lên gác cho được
yên tĩnh nên chấp thuận lời bà Tám Ðịnh. Ba cho bà thờ đức Quan Thánh Ðế Quân ở
trung đường. Bức tranh của Ðế Quân do ba mua ở Chợ Lớn về, màu mè vừa phải, bàn
thờ không bày chơn đèn, lư hương bằng đồng mà chỉ bày cái bồn cắm nhang bằng đồng
đen và chiếc đèn pha lê. Ba cương quyết không thờ Mẹ Sanh Mẹ Ðộ, Thần Tài ở
trong nhà; không thờ Thổ Ðịa ở ngoài vườn; không trồng dâu tằm ăn trong sân,
không treo bùa bát quái, nhánh xương rồng trước cửa. Sở dĩ ba chấp thuận việc
thờ đức Quan Thánh vì ba có làm ăn với bang Quảng Ðông ở tỉnh nhà nên muốn dùng
việc thờ phượng danh tướng nước Tàu để lấy lòng tin.
Bà
Tám Ðịnh bảo ba:
- Cô
Ba qua đời từ lâu, sao thầy Ba không chịu kiếm cô nào còn son trẻ để chấp nối?
Thôi để tui trổ tài làm mai cho. Ở xứ tui có cô Năm Mỹ Châu, cô Sáu Mỹ Ngọc con
ông Hội đồng Bá đẹp như tiên sa phụng lộn, làm bánh xuất sắc, may vá thêu thùa
khéo nhứt trần đời. Lạì còn có cô Hai Lài con ông Hương cả Huỡn cũng đẹp, cũng
nết na gia giáo. Thầy Ba mà ừ một tiếng là vợ chồng tui đưa thầy đi Tam Bình liền.
Và bà
liếc qua Hạnh:
- Còn
cậu Hạnh nầy mai sau sẽ bảnh trai còn hơn kép Năm Châu đóng vai Lữ Bố, sẽ khôi
ngô nào kém kép Bảy Nhiêu đóng vai vua Tống Nhơn Tôn. Cậu mà ăn học thành tài
thì cưới tiểu thơ, quận chúa dễ ợt…
Ba và
Hạnh từ hồi nào tới giờ không quen nghe lời cợt nhả ồn ào, chưa từng nghe tiếng
cười suồng sã huyên náo dưới mái nhà nầy, huống hồ là phải nghe những câu có
tính cách xâm phạm vô đời tư của mình. Mặt ba lúc đó cứng như đóng một lớp nước
đá, còn Hạnh thì bàng hoàng nhìn bà Tám Ðịnh như nhìn một quái vật.
Chồng
bà Tám Ðịnh ăn nói chừng mực hơn. Ông ta giỏi làm vườn nên thường lúc thúc
ngoài vườn. Bà Tám Ðịnh từ hôm chạm phải phản ứng cứng rắn và lạt lẽo của cha
con Hạnh thì đâm ra nhột. Cái hứng của bà tắt tức tưởi. Tuy nhiên bà vẫn siêng
năng làm lụng việc nhà. Tài làm bếp của bà được hai cha con Hạnh chiếu cố tận
tình. Ba cho dọn căn chái bên mặt rất rộng để làm buồng ngủ cho hai vợ chồng
bà. Ba mua cho họ một cái radio, cho luôn họ chồng dĩa hát và giàn máy từ lâu
không xài để họ giải trí.
Bà
Tám Ðịnh vốn không con, nay gặp Hạnh, tình mẫu tử tràn ngập lòng bà. Nhưng giữa
đôi bên chỉ là sự liên hệ chủ tớ, bà đâu dám xem Hạnh như con mình. Tuy nhiên
đó là sự nhắc nhở của lý trí. Trong tiềm thức bà, mỗi khi đứng trước mặt Hạnh,
tình thương mến không những chỉ bộc lộ ở cách săn sóc miếng ăn manh áo mà còn ở
những cử chỉ vồn vã quá đáng, những câu thăm hỏi vào chỗ ngoắt ngoéo riêng tư của
Hạnh khiến Hạnh bực mình. Từ bao lâu quen với sự ít nói của ba, thái độ lầm lì
của ông Bảy Liệu, Hạnh đâm ra có dị ứng với cử chỉ và thái độ quá thân mật của
một người đờn bà quê mùa mà khi vừa đặt chân vào ngưỡng cửa nhà nầy, Hạnh đã
nghe tiếng vọng trong đầu óc: “Ðây là đầy tớ! Ðây là mụ già coi sóc việc nhà!”
Bởi thành kiến đó, Hạnh không cho phép bà Tám Ðịnh đi xa hơn cái vị trí tôi tớ
trong nhà.
Mỗi tối
nếu không có việc gì làm, bà Tám Ðịnh thường quanh quẩn ở trung đường để xem Hạnh
học bài, lóng nghe Hạnh đọc từng câu. Có những đêm Hạnh thức khuya, thấy bà còn
quanh quẩn ở trung đường, Hạnh phải nhắc nhở:
- Kìa
bà Tám, khuya quá rồi, sao bà chưa trở về chái lá?
Bà cười
hề hề:
- Ðược
mà, tui thức coi cậu học cũng vui vậy! Cậu muốn ăn chè đậu hay cháo cá để tui
múc?
Thực
tình Hạnh cảm động lắm, nhưng trong cái xúc động do tấm lòng biết ơn đó, Hạnh vẫn
bực tức ngấm ngầm. Từ bao lâu, Hạnh quen với sự hờ hững gần như bỏ rơi của ba
và ông Bảy Liệu. Nay bà Tám cứ chàng ràng bên cạnh làm Hạnh hơi ngượng và phải
cáu vì cảm thấy mình bị dò xét. Bà Tám dò xét để làm gì? Hạnh không nhận thức
rõ, nhưng thấy có người Hạnh không yêu mến chú ý đến nhứt cử nhứt động của Hạnh
thì Hạnh nhột nhạt khó chịu quá đi thôi! Có lần Hạnh nói như gắt:
- Khi
tui học mà bà chàng ràng làm sao tui học được?
Nói
xong câu đó, Hạnh hối hận lắm, nhưng không có can đảm đến xin lổi bà. Hạnh đã
thấy mặt bà tái đi, không phải giận dữ vì tự ái tổn thương mà là vì áy náy, ân
hận.
Tuy
không còn chàng ràng ở trung đường để xem Hạnh học bài, nhưng bà Tám Ðịnh vẫn
tìm cách lắng nghe Hạnh đọc bài. Có nhiều câu bà hiểu được để đem khoe với chồng:
-
Trái đất quay chung quanh mặt trời, mặt trăng quay chung quanh trái đất. Ngộ
thiệt! Dân thông thái thấy mọi chuyện trặc trẹo nên họ tìm được đủ thứ trặc trẹo
như đèn điện không có lửa mà vẫn sáng.
Trong
khi thuật với chồng, bà vuốt ve hơi lâu và hơi kỹ chiếc áo của Hạnh mà bà vừa ủi
xong, chưa kịp xếp lại.
Hạnh
từ nhỏ có tánh cẩn thận. Những đồ chơi cũ, Hạnh không vứt đi mà bỏ vào chiếc
rương cây khóa lại. Ðó là những đồng xu lá bài, những viên bi thủy tinh, chiếc
xe hơi bằng thiếc, những con gà bằng đất khoét đít có đệm lưỡi gà bằng thiếc thổi
toe toe, con rùa, con chim, con thỏ bằng sành tráng men, nạng giàn thun bắn
chim…Bà Tám Ðịnh sành soạn những món đồ chơi đó, lau chùi bụi bặm, những con gà
bằng đất được chồng bà Tám sơn phết màu tươi mới để xếp vô hai chiếc khay lớn,
đem chưng trong tủ kiếng ở nhà kho, lâu lâu bà lau chùi từng món, ấp ủ nó trong
lòng bàn tay khá lâu trước khi đặt trở lại vào khay. Bà không săn sóc nhiều những
món ngoạn khí mà ông Bảy đã mua sắm cho Hạnh lúc Hạnh mới lớn. Chỉ có đồ chơi của
Hạnh lúc còn ấu thơ mới làm mắt bà âu yếm mơ màng trong lúc vuốt ve vừa nhìn ngắm
tấm hình Hạnh hồi lên bốn lên năm.
Từ
khi bà Tám Ðịnh không xà quần theo Hạnh, Hạnh mới tìm được một khoảng cách dễ
chịu, và khi nghĩ tới bà, Hạnh mới cảm thấy niềm thương mến dịu dàng, thân mật.
Bà không phải là mẫu người để Hạnh quấn quít như cô Lucie hay dì Khánh. Ðồng thời
Hạnh chưa tìm thấy ở bà Tám Ðịnh vai trò nào trong cuộc sống tình cảm của mình,
chưa gợi cho Hạnh hình ảnh một người mẹ.
° ° °
Từ
khi ông Bảy Liệu chết đi, lúc Hạnh đau ốm đến độ mê sảng thì chính ba túc trực
bên giường Hạnh. Tuy chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng Hạnh đã biết nhột nhạt mắc
cỡ khi có sự đụng chạm với người khác phái.
Dịp
bãi trường năm đó, Hạnh trèo lên cây táo tàu hái trái lỡ xẩy chân té, bể xương
chậu và lọi chân trái. Chở lên bịnh viện Nguyễn văn Học Sài gòn thì Hạnh đã mê
man, thừa chết thiếu sống. Bọng đái Hạnh bị rách, phải nằm nhà thương suốt hai
tháng. Mông và đùi trái băng bột. Về nhà Hạnh nằm dưỡng thương thêm sáu tháng nữa.
Dĩ nhiên cơm nước, quần áo cho Hạnh là do bà Tám Ðịnh đảm nhiệm, nhưng tắm rửa,
lo việc tiêu tiểu cho Hạnh thì ông Tám và ba nhận lãnh. Ông Tám vụng về, thường
làm Hạnh đau nên ba phải lo hết. Ban ngày ba lo việc mưu sinh, chiều về ba săn
sóc cho Hạnh. Hai bàn tay ba cứng cáp gân guốc là vậy nhưng khi cởi quần áo tắm
rửa cho Hạnh, hai bàn tay đó gượng nhẹ, thận trọng âu yếm biết bao! Lúc đó ánh
mắt ba tràn ngập thương xót, nhưng miệng ba tươi cười. Ba kể chuyện này chuyện
nọ cho Hạnh nghe. Cái chết của ông Bảy Liệu và tai nạn xảy đến cho Hạnh đã đưa
ba lại gần Hạnh. Ba không hề rước người đờn bà nào về buồng mình và đem dẹp hệ
thống gương treo trên vách tường. Nhiều đêm thức giấc, Hạnh nghĩ ngợi và khóc
vì sung sướng. Ở ba, Hạnh đã tìm được một phần hình ảnh dịu dàng tận tụy của
người mẹ.
Bà
Tám Ðịnh là mẫu người yêu chồng, chiều chuộng chồng. Bà thường than thở với ba
hoặc lối xóm:
- Chồng
tui thương tui lắm. Ðáng lẻ gặp con vợ sượng ngắt, không chửa đẻ như tui, ảnh bỏ
từ lâu rồi. Ảnh cũng không hề chịu cưới vợ bé để kiếm chút con. Ảnh nói với tui
rằng dòng dõi ảnh là dòng kẻ thì đi ở đợ, người làm ruộng mướn, có vẻ vang chi
đó để ảnh kiếm con nối dõi tông đường.
Thỉnh
thoảng bà Tám Ðịnh sắm sửa mâm rượu cho chồng. Nói là mâm rượu cho oai chớ chỉ
có một dĩa cốc, khế bổ từng miếng, một dĩa mắm ruốc giã tỏi ớt, một dĩa tép muỗi
xào với mỡ xắt hột lựu. Ðôi khi bà dọn thêm dĩa mít luộc xé tơi trộn rau răm, đậu
phọng. Không bao giờ bà lấy cá, thịt trong thức ăn hàng ngày của cha con Hạnh
làm món nhậu cho chồng. Nhưng mâm rượu đối với ông chồng cũng sang trọng lắm rồi.
Bà thường ngồi coi chồng nhậu nhẹt, lâu lâu vì nể chồng bà uống một ngụm rượu đế,
cắn một miếng khế xắt mỏng quệt mắm ruốc. Cả hai thường nhắc chuyện dưới quê,
nhứt là nhắc tới mấy đứa nhỏ trong xóm cũ của họ. Giọng nhắc có vẻ âu yếm ngậm
ngùi làm lòng Hạnh mềm đi khi Hạnh nghe lóm câu chuyện kể lể của cặp vợ chồng
đó. Và Hạnh không ngờ lòng thèm khát đứa con, tình mẫu tử không có đối tượng để
vung vãi của bà Tám dần dà đã làm cho Hạnh yêu mến bà.
Trong
đời Hạnh có hai việc khiến Hạnh ân hận: một là không có dịp bày tỏ lòng thương
mến và biết ơn của mình với bà Tám Ðịnh khi Hạnh đã trưởng thành, đã đậu tú
tài. Hai là Hạnh chưa kịp đền ơn nuôi dưỡng cho ba. Cả hai qua đời sớm quá.
Hạnh
còn nhớ sau khi xem kết quả kỳ thi vấn đáp ở Sài gòn, biết mình đậu hạng bình,
Hạnh không đánh điện tín cho ba vội. Hạnh đi xe đò về Vĩnh Long. Lúc đó bà Tám
Ðịnh đau dây dưa nhưng vẫn rán săn sóc việc nhà. Ðược tin mừng, bà chắp tay lại
ngước đầu lên cao:
- Tạ
ơn Trời Phật. Trời Phật không phụ lòng thầy Ba nên cậu Hạnh có ngày làm vẻ vang
cho thầy như ngày hôm nay đây.
Hôm
đó bà Tám cạo đầu. Ba rủ vợ chồng bà cùng Hạnh đi Bông-ga-lô ăn cơm Tây. Bà lắc
đầu:
- Tui
đã vái hễ cậu Hạnh thi đậu tú tài là tui cạo đầu, ăn chay một tháng.
Khi về,
ba mua một chục cam Cái Bè cho bà. Nhưng bà Tám không có dịp ăn chay. Hôm sau
bà nửa tỉnh nửa mê, nằm thiêm thiếp trên giường bịnh, chỉ húp nước cháo. Ba
đích thân đưa bà đi bác sĩ, mời các thầy đông y đến chẩn mạch và hốt thuốc. Hạnh
không còn lòng dạ nào ra khỏi nhà. Hạnh cạo gió, giác ống thông hơi và đích
thân sắc thuốc cho bà Tám. Ba không thể ngăn cản.. Một hôm thấy Hạnh giặt một mớ
khăn lông để ông chồng lau mình cho bà, ba Hạnh chỉ bảo nhỏ:
- Con
phải trả ơn bà Tám ngay từ bây giờ. Bả không qua khỏi con trăng nầy đâu!
Ba
quay lên nhà trên, không nhận thấy nước mắt Hạnh đã ướt đẫm má.
Một
hôm, trời xế chiều. Bên ngoài cơn dông thổi qua. Dưới mái chái lá, bà Tám Ðịnh
bắt đầu mê sảng nói láp dáp:
- Tại
ông ráo trọi! Ông không nghe lời tui cưới vợ bé hoặc xin con nuôi. Con vợ bé
ông thì cũng là con tui. Giờ đây tui chết, ai lắt nút áo cho tui, ai phò giá
triện, ai rinh quan tài tui đây? Tui nghĩ tới cảnh ông bơ vơ trên chốn dương trần
thì tui nhắm mắt sao đành!
Ông
chồng khóc tối tăm mặt mũi. Ðầu canh hai, bà Tám Ðịnh chợt tỉnh. Ông chồng kê
tô thuốc gần miệng bà:
- Bà
uống thuốc đi. Chiều nào cậu Hạnh cũng sắc thuốc cho bà đó. Bà rán mạnh giỏi để
thầy Ba và cậu Hạnh vui lòng.
Hạnh
muốn nói với bà những lời thân thiết, nhưng vì nhút nhát và vì nghẹn ngào nên Hạnh
chỉ lấy quạt phe phẩy cho bà, dùng khăn lông chậm mồ hôi cho bà. Bà Tám Ðịnh uống
thuốc xong, bảo chồng:
- Thầy
Ba và cậu Hạnh tử tế lắm. Khi tôi chết rồi, ông nên săn sóc thầy và cậu. Ðược vậy
vong linh anh Bảy tui cũng thoả mãn.
Bà lại
mê đi. Ba và Hạnh không còn lòng dạ nào rời mái bếp. Ðến cuối canh ba, bà Tám Ðịnh
hấp hối. Trước khi chết, bà mở mắt ngước nhìn Hạnh, cặp mắt dại hẳn đi. Bà kêu
lớn:
- Con
ơi!
Khi
chôn cất xong bà Tám Ðịnh, chính ba và Hạnh phải săn sóc chồng bà. Ông thờ thẫn
như kẻ mất hồn, ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Ông thường nhìn vào khoảng không
khóc thầm lặng hoặc cười vu vơ. Hạnh có linh cảm ông ta sẽ chết theo vợ vào một
ngày không xa. Quả vậy, ông chồng bà Tám Ðịnh không đau bịnh chi hết. Người ông
khô riết rồi chừng ba tháng sau ông nằm liệt, thỏm mỏm dần như ngọn đèn cạn dầu.
Từ
khi bà Tám Ðịnh chết, Hạnh ở luôn tại Vĩnh Long để hủ hỉ với ba vì Hạnh yếu phổi
cần phải tịnh dưỡng. Hạnh săn sóc chồng bà Tám, dọn dẹp quét tước chái lá cho
ông. Lúc đó ba mướn hai mẹ con cô Hai Thời coi sóc việc nhà. Cô Hai là cháu gọi
ông Bảy Liệu bằng cậu, gọi bà Tám Ðịnh bằng dì. Cô Hai Thời trạc tuổi tứ tuần,
dáng người thon mảnh, nhặm lẹ, lúc nào cũng sạch sẽ, chải chuốt. Khuôn mặt cô
trẻ hơn số tuổi cô đang mang nhờ những nét cong mềm. Con gái cô tên là Kim Quế,
tuổi hai mươi, vóc cao lớn, mặt vuông, cằm cương quyết, trán cao. Bù lại, Kim
Quế có nụ cười rộng và tươi, mắt ướt, nét mày thanh. Mỗi khi nàng cười thì nụ
cười chẳng những tươi rạng mà còn bát ngát tình ý, sóng mắt nàng thêm ướt, thêm
tình tứ.
Cô
Hai Thời hồi mười bảy tuổi ở đợ cho ông dược sĩ Huỳnh Thanh Cảnh. Ông ta dụ dỗ
cô, bơm cho cô một cái bầu. Bà vợ lớn biết được, đánh đập cô. Và cô phải bồng
con về Tam Bình nương náu. Tuy nhiên ông Cảnh vẫn lén lút cấp dưỡng cô. Cô
không lấy chồng nhưng tằng tịu với nhiều nhân vật thuộc giai cấp trung lưu. Kim
Quế được mẹ cho học tới bực trung học, ghi đậu bằng Brevet. Khi hai mẹ con cô
Hai Thời về ở với cha con Hạnh thì Kim Quế xin đi dạy trường Tân Giai cách nhà
hai cây số, ăn lương công nhựt.
Má
con cô Hai Thời đã cùng Hạnh săn sóc ông chồng bà Tám Ðịnh rất chu đáo trong những
ngày cuối cùng của đời ông. Ông cũng được an táng trong miếng đất hương hoả của
gia đình Hạnh, nằm song song với mộ bà Tám Ðịnh và mộ ông Bảy Liệu giữa vùng trồng
trắc bách diệp.
Năm
sau Hạnh thi đậu vào đại học Sư Phạm ban Hán Việt. Chàng phải rời nhà lên Sài
gòn lưu học. Trong hai tháng sau cùng còn ở tại quê nhà, Hạnh đã thấy cô Hai Thời
thường vào buồng ba ngủ đêm. Kim Quế như đã ngấm ngầm thoả thuận sự dan díu đó
nên tỏ ra thân mật với ba hơn.
Ngày
Hạnh lên Sài gòn tiếp tục việc học thì ba bận việc không thể tiễn đưa Hạnh tại
bến xe đò. Chỉ có hai má con cô Hai Thời. Trong tiệm nước, cả ba ngồi ăn hủ tiếu
uống cà phê chờ giờ xe khởi hành. Hạnh bảo cô Hai Thời:
- Ba
cháu hi sinh cho cháu quá nhiều. Cháu không có dịp săn sóc ba, nhưng cháu rất mừng
đã có cô. Xin cô thương yêu ba cháu, săn sóc ba nhiều hơn lúc cháu có mặt ở nhà
thì cháu đội ơn cô lắm.
Cô
Hai Thời gật đầu, mặt và vành tai đỏ rần vì ngượng nhưng nụ cười cô thiệt rạng
rỡ.
° ° °
Bảy
năm sau, Hạnh được thuyên chuyển về dạy học ở Vĩnh Long. Ba đã qua đời truớc đó
hơn một năm. Chàng đã cưới Kim Quế trước khi ra trường.
Cuộc
hôn nhơn của Hạnh do ba sắp đặt. Bên nội lẫn bên ngoại chàng ồn ào phản đối. Dưới
mắt mọi người, rõ ràng cô Hai Thời, một thứ đờn bà hư hỏng, nhào vô gia đình
chàng để chiếm đoạt gia tài.
Hạnh
rất thông cảm và biết ơn ba. Ba đã lựa Kim Quế cho chàng trước khi mời hai mẹ
con cô Hai Thời về sống chung. Ba đã biết sở thích, ẩn tình của cậu con trai
mình, đa cảm đa sầu, mong mỏi tìm một điểm tựa tinh thần và khao khát tìm một
người đàn bà phảng phất hình ảnh người mẹ. Trước đó, ngoài mái nhà của hai cha
con, ba đã gặp cô Hai Thời, đã tằng tịu với cô, đã có dịp tìm hiểu Kim Quế. Do
đó ba tìm cách mời hai mẹ con về nhà.
Cuộc
hôn nhơn giũa Hạnh và Kim Quế do ba và cô Hai Thời sắp đặt. Về phần Kim Quế,
nàng đã yêu Hạnh từ lúc đặt chơn về nhà chàng. Riêng Hạnh, phải sau một năm
chung sống với vợ, chàng mới lần hồi tìm được ở vợ những điểm mà chàng khao
khát. Tình yêu dù đến với chàng sau cuộc hôn nhơn, nhưng thắm thiết dần, vững
chãi dần. Khi tạm thời lìa Vĩnh Long lên Sài gòn theo chồng, Kim Quế may thuê rồi
xin làm thơ ký cho một hãng xuất nhập cảng để có thêm tiền cung phụng cho
chàng. Nàng ham hoạt động như cái chong chóng và vững vàng như cái nền lót đá
hoa cương. Khi Hạnh lao vào lãnh vực viết văn viết báo thì nàng tìm cách giao
thiệp với văn giới và sưu tầm những bài vở nói tới văn tài của chàng. Chàng ham
đánh quần vợt thì nàng hăng hái cầm vợt. Nàng đóng đủ vai trò khi làm vợ Hạnh:
người mẹ, người vú em, người nữ y tá, người vợ, người tình…Sự vững vàng, tình
yêu thương của Kim Quế khiến Hạnh dần dần gột rửa được vẻ lầm lì, nhút nhát.
Chàng lạc quan hơn, tin yêu cuộc đòi hơn.
Cái
chết của ba làm cô Hai Thời ngơ ngẩn, mất hồn suốt một thời gian dài. Chính Kim
Quế tận tình săn sóc mẹ. Hạnh nhận thấy vợ mình thật tràn trề sinh lực, dồi dào
cảm hứng. Cái sinh lực đó thúc đẩy nàng giúp đở chăm nom kẻ yếu đuối, bất hạnh.
Nàng yêu Hạnh cũng chính ở tính tình đa cảm, yếu đuối của chàng. Nhờ có Kim Quế,
Hạnh mới chợt nhận ra: không phải chỉ có kẻ yếu đuối mới cần nhờ tới kẻ mạnh,
mà chính nhờ những kẻ yếư đuối, người mạnh mới có cơ hội chứng tỏ tiềm năng quí
báu của mình.
Hạnh
làm sao quên được lời trối trăn của ba trong lúc lâm chung:
- Khi
con đã cưới vợ rồi ba mới nhẹ gánh lo nhứt đời ba. Ba đã gạt thành kiến của người
đời, đạp nhầu dư luận để cưới Kim Quế cho con. Mười cô con gái xuất thân chốn nhà
lành hoặc quyền môn nhập lại chưa chắc đã hơn vợ con. Nó là hình ảnh mẹ con thuở
trước đó.
Hồ trường An
Posted by GLN
Rất hay ! Đa tạ.
ReplyDelete