Năm 1980 tôi bỏ vợ và cô con gái mới 13 tháng để đi vượt biên một mình. Chẳng biết vì may mắn ra sao mà tôi chỉ mất có hơn 4 tháng thì qua tới Mỹ. Cứ nghĩ, vào thời điểm ấy, chắc chẳng bao giờ còn gặp lại được vợ con. Thế là tôi nhắm mắt bắt đầu cuộc đời mới.
Qua Mỹ tháng 8, tháng 9 tôi cắp sách đến
trường, vừa đi học vừa đi làm. Được đồng bạc nào gởi hết về Việt Nam cho vợ
con, qua những thùng đồ cần thiết nhưng giản dị. Những tờ 100 đô cuộn thật chặt,
bó bằng giấy bạc, bọc trong bao ny lông, nhét dưới đáy cây kem đánh răng, hoặc
trong hộp bánh, hay trong cái khe hở của chiếc máy cassette giả trang, với những
lời nhắn nhủ, “đồ kỷ niệm”, “quà sinh nhật cho con”… đừng bán.
Ai dè, lại may mắn thêm một lần nữa, hơn
một năm sau thì nhận được điện tín vợ báo “anh ơi, em và con được tàu Úc vớt,
mang vào Singapore”. Thế là vừa mừng vừa lo, chạy cuống cuồng. Gia tài có độc
nhất hai cái thùng giấy, một thùng đựng quần áo, một thùng đựng sách vở.
Vừa đi học, vừa đi làm bán thời gian, có
nhiêu gởi về cho vợ con hết nhiêu, bên đây thằng chồng chỉ có trên răng dưới
“bác”, ngay cả cái sổ nhà băng còn không có. Ăn thì ăn đường, ngủ thì ở cái
shop may đồ gia công của mẹ thằng bạn. Trong túi chưa bao giờ có hơn mấy chục bạc.
Vợ con qua tới biết sống sao? Ở đâu?
Không lẽ kéo nhau núp ở đâu cả ngày, chờ tối đến, shop may đóng cửa mới mò về
“nhà”?
Chân ướt chân ráo, qua Mỹ được hơn năm
trời, mới học xong được 3 khóa, tín chỉ chưa được 50, bằng cấp thì không có, biết
tính sao?
Hồi mới bước chân vào trường Đại Học năm
trước, có hai thằng kia nhỏ hơn tôi độ 2-3 tuổi, qua từ năm 1975 và đã đi học ở
đây được gần hai năm. Chúng nó có xe, có nhà mướn, có việc làm bán thời gian
nhưng cũng chưa được 5 đô/giờ. Hồi đó lương tối thiểu là $2.75/giờ. Hai thằng
nó độc thân ky cóp giúp đỡ tôi, lúc thì ly cà phê, khi thì lon nước ngọt.
Một thằng, mẹ nó có cái shop may nho nhỏ,
ban ngày thợ đến may, ban tối họ về, mẹ nó thương tình cho tôi ở đỡ không lấy
tiền. Cái này là sai luật pháp nhưng liều vì không tiền, biết sao? Cũng may ở
đó có cái bồn tắm nhưng khổ cái là không có máy nước nóng. Mùa hè thì còn đỡ,
mùa đông vừa tắm vừa nhảy. Chưa đầy vài phút nhảy ra chui ngay vào trong cái
túi ngủ.
Khi được tin vợ con tôi chỉ mấy tuần nữa
thì qua tới, chúng nó chạy lăng xăng như gà mắc đẻ. Đứa tìm nệm cũ, đứa tìm giường
tủ, đứa xin được ít nồi niêu soong chảo, đứa khuân về bộ sofa lòi lò so, ngồi
đâm đau cả đít …
Thằng Hải đến cái shop may tôi đang trú
ngụ vào một buổi tối, lừng khừng mãi, mới loay hoay moi trong túi ra xấp tiền,
run run nói: “Tao biết mày chẳng có tiền, mà vợ con thì sắp qua tới nơi. Tao để
dành mấy năm nay được 2 ngàn rưởi, tao cho mày mượn dằn cọc mướn nhà, dư chút đỉnh
chợ búa và mua sắm cho vợ con, còn ít thì phòng khi cần đến”.
Tôi đứng há miệng chết trân, chẳng biết
nói gì. Cái thuở 1981 ấy hai ngàn rưởi nó to lắm. Giá một chiếc xe mới trung
bình chỉ khoảng 6-7 ngàn. Tôi lại đang là cái thằng khố và áo, gom lại chưa đầy
được cái thùng giấy. Công ăn thì nhiều, việc làm thì chưa có. Học hành chưa tới
đâu, tương lai thì tối như mõm chó mực.
Số tiền ấy to lắm. Tôi với nó chẳng thân
thích gì, chỉ biết nhau qua lại ở trường. Nó cho thằng trọc đầu vay tiền, thì
có tóc hay chỗ nào để nắm mà đòi lại? Và khi nào thì trả?
Nó chẳng nói gì nữa, cầm nắm tiền dúi
vào tay tôi rồi bỏ ra về. Tôi đứng ngẩn ngơ, nước mắt đoanh tròng mà đầu óc trống
rỗng. Hai chữ CẢM KÍCH không đáng để diễn tả.
Hai tuần sau, chúng nó chạy đôn chạy đáo
sau giờ học đi tìm nhà mướn dùm cho tôi. Chúng nó mới có tín dụng để xin mướn
nhà, chứ như tôi, mướn cái chòi lá vẫn chưa đủ tư cách. Thằng Hải đi học cả
ngày, buổi tối làm nghề đổ xăng trong phi trường quá nửa đêm mới về, thế mà
sáng nào cũng cùng tôi đi lùng sục tìm nhà trọ. Rác rưởi thiên hạ bỏ đi, thì ba
thằng lại khuân về cái tổ quạ cũ và dơ dáy nhất thành phố ấy cho thằng bạn
trang điểm để đón vợ con.
Hơn tuần nữa vợ qua, tôi đi nhận nhà. Ba
thằng xúm lại cuối tuần quét dọn, lau chùi và trang hoàng nhà cửa. Chúng nó
khuân về cho mấy bao gạo, ít đồ khô, và mắm muối i như kiểu cha mẹ lo cho con
trai lớn ra ở riêng.
Đến bữa ra phi trường đón, thằng Dũng chở tôi đi chờ chực cả tiếng đồng hồ mà không một lời phàn nàn. Làm xong thủ tục chở vợ chồng con cái tôi về nhà là nó biến ngay. Quay lại không thấy nó đâu, tôi mới chợt nhớ lời nó nói mấy hôm trước: “Vậy là từ nay chỉ còn hai thằng tao, mày về lo cho vợ con êm ấm nhé”. Giờ nhớ lại nghe buồn đứt ruột.
Ngày vợ đến, mặc dù tôi đã định cư ở Mỹ
được gần 1 năm rưỡi trời, nhưng vì chúi đầu vào sách vở, nên chẳng có gì ngoài
hai cái thùng giấy. Vợ bước vào nhà đứng khựng lại mấy giây ngỡ ngàng. Mãi sau
này nàng mới kể lại: “Lúc ấy, em thất vọng quá, nhìn vô trong nhà, trống hốc trống
hoác từ trước ra tới sau. Ngoài tấm nệm cũ đặt thẳng dưới nền nhà và cái ghế
sofa rách rưới cũ kỹ ra, thì chẳng có gì. Em không nghĩ được là anh đã làm gì gần
hai năm nay?”. Sau này nàng hiểu rằng, thằng chồng cu ky, cút kít, cắm đầu đi học
lo cho tương lai, nên mới thế.
Tình bạn giữa ba đứa chúng tôi không còn
quá sâu đậm như hồi còn “độc thân” nữa vì giờ đã có “người khác” xen vào, nhưng
nó lại có cái nhẹ nhàng sâu lắng của tình bạn chân thật ít có cơ hội gặp nhau
vì chẳng bao lâu sau, chúng tôi chuyển trường, mỗi đứa một nơi.
Thế rồi, đường đời cứ vậy trôi đi, chúng tôi học xong, mỗi đứa dọn đi đến những vùng xa xôi hẳn, ít có cơ hội gặp lại. Cái món nợ hai ngàn rưởi đó tôi đã thanh toán xong ít lâu sau đó, nhưng cái ân tình đó tôi còn nợ đến tận thiên thu. Có lẽ chỉ khi nào từ bỏ cõi đời này thì món nợ ấy mới trả đủ. Mỗi khi có dịp ghé về California, tôi lại tìm gặp những người bạn xa xưa. Chúng nó giờ con cái đầy đàn, gia đình ấm êm hạnh phúc.
Chuyện cũ chẳng đứa nào nhắc lại bao giờ,
nhưng riêng tôi thì có bao giờ quên được. Hôm nhận tiền trả nợ, Hải nói với
tôi: “Ôi, ơn nghĩa gì, tình cảm trong đời nó phải như những giọt nước, bốc hơi
bay lên trời, gom tụ đủ lại thì sẽ thành mưa, tưới xuống những mảnh đất khô cằn
cho cây trái đơm bông”. Ghê thế đấy, cái triết lý của thằng nhóc qua Mỹ một
mình mới hơn 20 tuổi đầu.
NHỮNG GIỌT NƯỚC ĐÓ, TÔI VẪN CHUYỂN GIAO
ĐI ĐẦY ĐỦ, BẰNG HẾT SỨC MÌNH, BỞI CÁI TẤM CHÂN TÌNH ẤY HẾT ĐỜI NÀY TÔI CŨNG TRẢ
CHƯA ĐỦ.
Giao Thanh Phạm
Share Lại Hoài Niệm T.TT
No comments:
Post a Comment