“Quẳng gánh lo đi mà vui
sống,” vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần thực ra không hẳn là chuyện “nói nghe
thì dễ, làm được mới khó.” Chỉ cần có quyết tâm thì mỗi người đều có thể “vượt
qua chính mình.”
Có điều kiện tiếp xúc, nghe, thấy không quá nhiều nhưng đủ để tôi phải thừa nhận một điều rằng người Mỹ biết cách vượt qua nỗi buồn để sống lạc quan rất hay, rất đáng để mình học hỏi ở họ.
Cô em tôi là chủ một tiệm nail. Lần nọ, một bà khách quen của tiệm
em đến làm nail và kể, vợ chồng bà vừa trở về sau chuyến du lịch châu Âu và chồng
bà đã mất khi họ vừa trở về nhà sau chuyến đi ấy. Chồng bà bị ung thư thời kỳ
cuối. Biết mình chẳng còn sống được bao lâu, tranh thủ những lúc sức khoẻ của
ông tạm ổn, hai vợ chồng bà đã thực hiện những chuyến du lịch đến những nơi mà
cả hai đều thích nhưng chưa có dịp đến trước đó. Ông đã tận hưởng cuộc sống của
mình đến giây phút cuối cùng trong niềm hạnh phúc viên mãn nên lúc ra đi chẳng
còn luyến tiếc điều gì. Trong khi đó, nhiều người bệnh nan y ở Việt Nam mà tôi
từng thấy (nhất là bệnh ung thư) đã suy sụp tinh thần ngay từ giây phút nhận kết
quả chẩn đoán từ bác sĩ. Từ bi quan, tuyệt vọng, họ bắt đầu chán ăn, mất ngủ, sụt
cân nhanh chóng. Họ xem kết luận của bác sĩ như một cái án tử treo lơ lửng khiến
tinh thần bị stress, thậm chí trầm cảm đến mức có người muốn huỷ hoại cuộc sống
ngay khi biết mình mắc bệnh hoặc bệnh không có khả năng cứu chữa được nữa. Rốt
cục, có người đã từ giã cuộc sống vì những lý do khác trong khi căn bệnh ấy
chưa kịp phát tác.
Khi tôi đi đặt vòng hoa để viếng đám tang của một người thân, chị
chủ tiệm bán hoa tư vấn: bên này người Mỹ họ lạc quan và thực tế lắm, khi đặt
hoa cho đám tang, họ thường chọn màu sắc rực rỡ, sặc sỡ càng tốt. Mục đích là để
không khí trong đám tang đỡ u uất, người đã mất thì cũng mất rồi, người ở lại
cũng cần vực dậy tinh thần mà lạc quan sống tiếp chứ không lẽ cứ ủ rủ, bi luỵ
hoài sao? Chứ thương (người đã mất) thì ai lại không thương? Trong khi ở Việt
Nam, người ta thường chọn hoa màu trắng để chưng, cúng hay viếng người quá cố
(màu trắng mới đúng là màu tang tóc chăng?) Những màu sắc sặc sỡ bị cho là chỏi,
không tôn kính, không phù hợp. Hoá ra chính người Việt mình đã tự làm cho tình
hình trở nên bi đát hơn, khiến cho mọi người thêm uỷ mị, khó nguôi ngoai để vượt
qua nỗi đau mất mát người thân.
Cách người Mỹ bày biện một đám tang cũng đơn giản mà nhẹ nhõm chứ
không quá sầu thảm như ở ta. Mọi người vẫn mặc trang phục màu đen để bày tỏ sự
chia buồn nhưng những người trong gia đình có quan hệ trực tiếp với người quá cố
không đeo tang, không mặc các loại áo sô, áo gai, đội mũ nhìn ghê rợn như ở ta.
Và thay vì kèn trống (dành riêng cho đám tang) ồn ào chỉ gây đinh tai nhức óc
cho người xung quanh hay các thể loại nhạc trong đám ma rên rỉ, sến súa nghe phản
cảm, các đám tang người nước ngoài cũng mở nhạc nhưng là các bài nhạc không lời,
nhẹ nhàng hay nhạc thiền mở với volume vừa phải nghe xong thấy thư giãn, dễ chịu.
Không lẽ nếu không làm cho sự bi lụy quá lên như vậy thì dân mình sợ bị cho là
không buồn bã, thương tiếc người đã mất hay đám tang bớt đi sự hoành tráng,
long trọng hay sao? Hay bản thân họ không buồn bã, sầu thảm gì nên phải vay mượn
thêm các yếu tố trên từ các dịch vụ để người ngoài khỏi đánh giá?
Lần đi nuôi người thân của tôi tại một bệnh viện, tôi lại có dịp
chứng kiến tinh thần lạc quan bất kể bệnh tật của người Mỹ. Có những người bệnh
được người thân vô thăm kèm theo hoa, quà và bánh sinh nhật. Họ kéo nhau ra bộ
bàn ghế trên mảnh sân bên hông bệnh viện rồi tổ chức sinh nhật cho người bệnh
như với một người bình thường. Họ vỗ tay ca hát chúc mừng sinh nhật, thổi nến
và cắt bánh kem, vừa ăn bánh vừa chuyện trò vui vẻ như chưa từng có bệnh tật gì
ở đây. Dù người thân của mình đang mắc bệnh nan y và cũng đang nằm ở ICU nhưng
nhìn sự vui tươi, yêu đời của họ, tôi dường như cũng nhận được phần nào năng lượng
tích cực từ họ để thấy cuộc đời này không toàn những điều u ám.
tôi lại có dịp chứng kiến tinh thần lạc
quan bất kể bệnh tật của người Mỹ. (Hình minh hoạ: CLEMENT MAHOUDEAU/AFP via
Getty Images)
Nói vậy không có nghĩa là người Việt Nam không biết sống lạc
quan, tích cực. Tôi từng chứng kiến một chị bạn mắc bệnh nan y, cơ thể đã yếu lắm
sau những lần hoá trị, xạ trị liên tục lẫn sụt cân nhưng chị vẫn tự tin bay
sang Mỹ thăm hết những người thân trong gia đình mình. Chị đã mua vé máy bay
khoang đặc biệt, đi cùng một bác sĩ thân tín để chăm sóc chị trên các chặng
bay. Trở về sau chuyến bay dài, chị thanh thản ra đi, không chút vướng bận.
Nghe chuyện, bạn bè đều thán phục sự kiên cường của chị, ai cũng mong nếu chẳng
may rơi vào hoàn cảnh ấy, họ cũng được mạnh mẽ, lạc quan đến phút cuối như chị.
Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, lo âu, những tư tưởng bi quan
không hẳn là quên hết những khó khăn, thử thách đang tồn tại để phó mặc hên xui
may rủi hay sống cho hôm nay mà bất chấp ngày mai. Lạc quan, hy vọng ở tương
lai cũng không hứa hẹn những khó khăn ở hiện tại sẽ được giải quyết nhưng ít
ra, tinh thần lạc quan giúp con người ta có thể chấp nhận hay vượt qua khó khăn
một cách dễ dàng hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Xác định sự tiêu cực, bi
quan không đơn giản ở ý chí của một người mà còn phụ thuộc ở khả năng “tự định
bệnh” của họ, đôi khi còn cần đến sự hỗ trợ của người thân, thậm chí của bác sĩ
tâm lý và cả những hỗ trợ y khoa, thuốc men điều trị.
Người Mỹ, người Việt Nam hay bất kỳ chủng tộc nào trên thế giới
này đều trải qua những cung bậc thăng – trầm, những buồn – vui, được – mất
trong cuộc sống này nhưng cách họ đối mặt với nghịch cảnh, đương đầu với khó
khăn dường như nhẹ nhàng, dễ dàng hơn chúng ta ắt cũng không nằm ngoài lối sống
bắt đầu trong mỗi gia đình từ khi họ còn nhỏ. Chưa kể nếp sống ấy của mỗi gia
đình còn bị ảnh hưởng bởi văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, nguồn gốc
vấn đề vẫn nằm ở nội tại của mỗi người. Nếu bản thân họ không tự vực mình dậy
bằng ý chí và sức mạnh tự thân thì dù được hỗ trợ thế nào đi nữa cũng chẳng ai
có thể giúp họ quẳng gánh lo trên vai đi mà vui sống được.
Vi Lê
No comments:
Post a Comment