Sunday, April 19, 2015

Những Canh Bạc Chính Trị Của Hoa Kỳ (Phần III) - Lê Quế Lâm


Trong thế kỷ 20, HK đã nhiều lần đưa quân ra hải ngoại lần lượt đánh bại các thế lực lớn như Quốc Xã Đức, Phát xít Ý, Quân phiệt Nhật, Cộng sản Nga, quân xâm lược Iraq…Nhưng bước vào thế kỷ 21, lãnh thổ HK lại bị các nhóm khủng bố Hồi giáo Taliban và Al Qaeda tấn công ngay tại cơ quan đầu não chiến tranh tức Ngũ Giác Đài và Trung tâm kinh tế tài chính thế giới ở New York qua Biến cố 11/9/2001. Từ đó, HK phát động cuộc chiến chống khủng bố, đưa quân đến Iraq và Afghanistan tiêu diệt Sadam Hussein và Osama bin Laden. Sau khi giúp hai nước này tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ tự do, HK chấm dứt sự can dự ở Iraq từ cuối năm 2011 và Afghanistan từ cuối tháng 11/2014. Đây là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử HK vì tính chất của nó không giống như các cuộc chiến mà Mỹ đã đương đầu.

Cuộc chiến Iraq của HK vừa kết thúc thì nội chiến diễn ra ở Syria. Và khi chiến tranh ở Afghanistan vừa chấm dứt thì nội chiến xảy ra ở Yemen. Đây là hai trong các cuộc chiến giữa các nước Hồi Giáo ở Trung Đông, thù nghịch nhau vì không cùng chung hệ phái. Tín đồ Sunni chiếm đa số, sống ở các nước như Saudi Arabia, các tiểu vương quốc UAE, Qatar, Bakrain, Kuwait, Jordan, Egypt…chống lại Iran- một quốc gia có đông đảo tín đồ Shiite. Hai hệ phái này vốn có truyền thống hục hặc, chống đối nhau trong 13 thế kỷ qua từ khi Giáo chủ Muhammad sáng lập đạo Hồi. Họ có mối thù truyền kiếp không thể sống chung, lại sẳn sàng tử vì đạo, ôm bom tự sát.


Các nước Hồi Giáo có đông tín đồ Sunni đứng đầu là Saudi Arabia, Egypt, Turkey có khuynh hướng thân Mỹ. Họ muốn HK can thiệp vào Syria và Yemen, giúp họ chống Iran và các tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi Giáo IS, ISIL, ISL…Trong khi đó, Iran cũng giúp TT Bashar al. Assad tấn công ISIL ở Iraq và Syria. Hai lực lượng khủng bố al-Qaeda và ISIL tuy cùng phái Sunni cũng kình địch nhau. TT Netanyahu của Do Thái cũng như các nước Á Rập đều phản đối TT Obama nói chuyện hòa hoãn với Iran.
Tình trạng ở Trung Đông rất phức tạp, nhưng ông Phạm Đình Lân đã viết “Dù gặp khó khăn như thế nào chăng nữa, HK vẫn là một đại cường lãnh đạo thế giới…Đó là quốc gia của sáng kiến kể cả sáng kiến cờ bạc và tạo canh bạc chánh trị quốc tế”. HK sẽ tạo ra canh bạc chính trị ở đây như thế nào giải quyết các Thách thức Hòa bình của thế giới? Chủ trương xưa nay của Mỹ là xiển dương các giá trị dân chủ tự do, điểm này có vẻ chưa thích hợp đối với các nước Hồi giáo, HK chỉ có thể thực hiện sở trường là mang lại hòa bình cho các dân tộc.

Theo người viết, hầu hết các nước Hồi giáo ở đây đều là thân hữu hoặc đồng minh của Mỹ chỉ trừ Iran và Syria. Do đó bắt được nhịp cầu, tái lập bang giao với hai quốc gia này, HK có thừa khả năng mang lại hòa bình cho Trung Đông. Iran từng là đồng minh của Mỹ khi Quốc vương Mohammed Razi Pahlevi cai trị xứ này từ 1941 đến tháng 2/1979 bị Giáo chủ Ayatollah Khomenei lật đổ, chạy sang tị nạn ở Ai Cập. Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời. Tám tháng sau, dựa vào lý do Mỹ đã bao che giúp cựu vương Pahlevi không bị dẫn độ về Iran để xét xử, chế độ mới ở Iran quản thúc toàn bộ 52 nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ ở Teheran trong 444 ngày để áp lực Mỹ. Từ đó hai nước cắt đứt ngoại giao trong suốt 37 năm qua.

Từ đầu năm 1980, Iran trở thành mối đe dọa đối với các nước trong khu vực khi gây chiến với Iraq, cuộc chiến kéo dài đến 1988 thì chấm dứt. Sau biến cố 11/9/2001, HK can dự vào Trung Đông, tấn công Iraq vì Saddam Hussein hù dọa là có vũ khí sát thương hàng loạt. HK cũng phát hiện ở Iran có nhiều cơ sở tinh luyện uranium cũng như các lò phản ứng nguyên tử. Vấn đề này được ra Hội đồng Bảo An, LHQ bắt đầu cấm vận Iran. Năm 2011, Mỹ chấm dứt can dự ở Iraq, nội chiến lại xảy ra ở Syria có sự can thiệp của Iran và Nga. Vì thế, TT Obama coi việc đàm phán với Iran là ván bài chủ chốt của Mỹ. Theo ông, cấm vận không để Iran chế tạo bom nguyên tử sẽ không đạt được mục đích, nếu không tiến hành việc đàm phán. Việc đàm phán sẽ giúp Mỹ tìm sự thỏa hiệp với Iran để giải quyết vấn đề hòa bình ở Trung Đông, ngăn chận Nga can dự vào khu vực xung yếu này.

Vì thế trong thời gian gần đây, TT Obama chấp nhận đối đầu với thái độ phản kháng quyết liệt của đồng minh Israel cũng như Saudi Arabia và cả Đảng Cộng Hòa. Ông tin rằng việc cấm vận của Mỹ và các nước Âu Châu đã làm cho Iran thấm đòn. Năm 2011, số dầu thô xuất cảng giảm 2/3 chỉ còn 700 ngàn thùng một ngày, Iran chỉ thu được 95 tỷ mỹ kim. Năm 2012 chỉ thu được 74 tỷ. Vì cấm vận kinh tế, đồng Riyal của Iran đã mất giá 40% đối với đồng Mỹ kim, lạm phát gia tăng, hàng nhập cảng tăng giá, thực phẩm đắt đỏ, đời sống người dân Iran gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/2013 Hassan Rohani có khuynh hướng ôn hòa lên cầm quyền. Nhờ đó, từ 24/11/2013 việc đàm phán về hạt nhân của Iran ở Genève có chiều hướng tích cực hơn để tháo gở một phần cấm vận đối với Iran.

Sau 18 tháng đàm phán, chiều ngày 2/4/2015 tại Lausanne (Thụy Sĩ) 5 đại diện Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ và Đức đã đạt được một thỏa thuận khung về hồ sơ hạt nhân với Iran. Văn kiện quy định “những thông số then chốt” của một hiệp ước chung cuộc có giá trị trong 15 năm. Theo nhà báo Ngô Nhân Dụng: Thỏa ước Lausanne là thành công ngoại giao lớn của Mỹ vì đã ghi đầy đủ những điều Iran phải thực hiện như giảm bớt các trung tâm nguyên tử đang hoạt động và chấp nhận một hệ thống kiểm soát gắt gao trong 15 năm tới. Trong khi đó Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các nước Âu Châu chỉ hứa hẹn sẽ giảm bớt dần dần cuộc phong tỏa kinh tế sau khi các thanh tra LHQ chứng nhận Iran sẽ thi hành đứng đắn. Từ nay, Iran chỉ còn giữ 6 ngàn lò tinh luyện uranium trong số 20 ngàn lò đang có thuộc thế hệ 1970 của Âu Châu và không được xây dựng những lò theo mẫu mới. Iran chỉ được giữ 3% số uranium đã tinh luyện tức khoảng 300 kg.

Báo chí Tây phương coi thỏa ước Lausanne ngày 2/4 là chiến thắng ngoại giao và chính trị của TT Iran Hassan Rohani. Iran là nước sản xuất dầu hỏa số hai của thế giới, nhưng vì bị cấm vận, sản lượng dầu xuất khẩu tụt giảm 50%, chưa kể cả 100 tỷ mỹ kim thu nhập từ dầu mõ cũng đã bị quốc tế phong tỏa, ảnh hưởng tai hại đến lợi ích sống còn của Iran. TT Rohani đã tạo cho người dân Iran viễn ảnh thay đổi cuộc sống tốt hơn. Ở thủ đô Teheran họ đổ ra đường ca hát nhảy múa, xe cộ bóp còi liên tục để reo mừng thỏa ước vừa đạt được với quốc tế. Một sự kiện bất ngờ là chính quyền Iran đã cho chiếu trên đài truyền hình IRINN của nhà nước toàn thể bài diễn văn của TT Mỹ. Quốc vương Saudi Arabia đã chúc mừng TT Obama cho thấy nước này cũng thỏa mãn về bản thỏa ước sơ bộ với Iran. Chỉ dấu thuận lợi trên sẽ giúp HK làm trung gian để Iran và Saudi Arabia là hai nước lãnh tụ hai hệ phái Shiite và Sunni ngồi lại để tìm giải pháp mang lại hòa bình cho khu vực, trong đó mọi tín đồ Hồi Giáo dù Shiite hay Sunni đều được đối xử bình đẳng.  

Trong chiều hướng hòa hoãn hiện nay, cuộc nội chiến ở Syria và Yemen sẽ được dàn xếp để kết thúc êm đẹp. Mấy năm trước, HK chủ trương lật đổ chế độ của TT Bashar al-Assad, được sự đồng tình của Saudi Arabia, nhưng giữa tháng trước, Ngoại trưởng John Kerry đã tuyên bố “Cuộc xung đột ở Syria bước vào năm thứ 5, đây là lúc để tái khởi động những hoạt động ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến đã làm hơn 200 ngàn thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa”.

Đối với Israel, thỏa ước về hạt nhân ở Iran có thể giúp họ bớt lo ngại về mối đe dọa xuất phát từ Iran. Một khi mối đe dọa từ Iran được bảo đảm, Do Thái sẳn sàng đáp ứng đòi hỏi của Mỹ về việc thành lập một quốc gia cho người Palestine ở vùng Tây ngạn sông Jordan. Vùng đất này bị Israel chiếm đoạt của Jordan trong cuộc chiến năm 1967, trong đó có Thánh địa Jerusalem. Nhà nước Palestine ra đời sẽ chấm dứt mối tranh chấp Á Rập-Israel, góp phần bảo vệ hòa bình ở Trung Đông.
Vấn đề quan trọng hiện nay là lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi Giáo mới nổi lên gần đây. Theo tác gia Trúc Giang trong bài “Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo là con đẻ của Mỹ” tiết lộ thủ lãnh IS là Abu al-Baghdadi do CIA Mỹ dựng lên, được tình báo Anh và Do Thái huấn luyện và tài trợ nhằm thao túng IS thuộc hệ phái Sunni để hai hệ phái Sunni và Shitie tiêu diệt lẫn nhau. Trước đây Mỹ cũng đã dùng Osama bin-Laden thuộc Sunni để đánh đuổi Liên Sô từ 1978 đến 1988. Abu al-Baghdadi đã bị Mỹ giam giữ như là một tù nhân dân sự dưới cái tên Awad Ibrahim al-Badry tại trại Bacca từ 2/12/2004 đến năm 2009 thì được phóng thích.

Riêng người viết thì nhận định đây là một canh bạc chính trị mới của Mỹ để tạo ra thế tam cực trong thế giới Hồi Giáo. Ngoài Sunni và Shiite nay có thêm nhóm IS, để ba thế lực này kiềm chế lẫn nhau mới duy trì được hòa bình ở Trung Đông. Thế lực IS có tham vọng Hồi giáo hóa thế giới mà mục tiêu trước mắt là Afghanistan sau khi Mỹ chấm dứt sự can dự từ cuối năm 2014. Trước đó, hồi cuối tháng 5/2014, để tìm cách trợ lực nhóm Hồi Giáo khủng bố, TT Obama đã cho phóng thích 5 cán bộ cao cấp Taliban bị quân Mỹ bắt ở Afghanistan năm 2002 và giam giữ ở Guantanamo (Cuba) để Taliban trả tự do cho một tù binh Mỹ là trung sĩ Bowe Bergdahl. Đó là Mohammad Fazl, Khairulla Khairkhwa, Abdul Haq Wasiq, Norullah Noori và Mohammad Nabi Omarri, từng giữ những chức vụ quan trọng của Afghanistan như bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng thông tin, tư lịnh quân đội, thứ trưởng phụ trách tình báo, thống đốc…

Từ Afghnistan, lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo sẽ mở rộng thế lực vào khu vực Trung Á bao gồm các nước lân cận có vần cuối stan như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan. Đây là khu vực dồi dào tài nguyên về dầu khí, đa số dân là Hồi giáo. Các nhóm Shiite và Sunni sẽ yểm trợ những người đồng đạo IS bành trướng thế giới Hồi Giáo vào vùng Trung Á. Nơi đây, trong tương lai sẽ là đấu trường mới của thế giới, xuất phát từ tham vọng bành trướng của Liên bang Nga, Trung Quốc và Hồi giáo IS. Với canh bạc mới này, HK sẽ hóa giải thảm họa chiến tranh ở Ukraine, Đông Á và Trung Đông. Hoa Kỳ sẽ tập trung nổ lực ở hướng Đông, phát triển Châu Á/Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định và phồn vinh nhất của thế giới trong thế kỷ 21.

Kết luận Ông Phạm Đình Lân đặt câu hỏi: Trong canh bạc này của HK, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra sao? VN sẽ nằm ở vị trí nào? Người viết xin được góp ý. Trong Thế chiến I, Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo Đế quốc Ottoman (1299-1923) bao gồm phần lớn khu vực Trung Đông, họ liên minh với Đức, Đế quốc Áo-Hung và bị bại trận. Đế quốc Ottoman tan rã, lãnh thổ bị Anh, Pháp, Ý xâm chiếm. Năm 1923, Mustafa Kemal giành được độc lập, thành lập nước Cộng hòa Thỗ Nhĩ Kỳ. Trong Thế chiến II, Thổ đứng trung lập, nhưng khi chiến tranh vừa chấm dứt Liên Sô muốn xâm chiếm Thổ và Hy Lạp để mở rộng ảnh hưởng vào khu vực Trung Cận Đông. Nhờ HK viện trợ, Thổ duy trì được độc lập, sau đó hợp tác với quân LHQ trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ngày nay, dù là thành viên NATO và Cộng đồng Âu Châu (EU), nhưng Thổ đứng về các nước Hồi Giáo. NATO sẽ bảo vệ Trung Đông chống lại mưu đồ bành trướng của Nga. Các nước Trung Đông đều xuất phát từ Đế quốc Ottoman, vì thế Thổ có uy tín lớn sẽ góp phần đắc lực trong việc vãn hồi hòa bình và ổn định trong khu vực.     
Còn VN nằm ở vị trí nào? Sau HĐ Genève 1954, do sự thỏa thuận của quốc tế, Miền Nam Việt Nam thuộc ảnh hưởng của Thế giới Tự do. HK thành lập SEATO để phòng thủ Đông Nam Á. Ông HCM được Quốc tế Cộng sản đào tạo nên CSVN dựa vào LS, TQ phát động chiến tranh chống Mỹ, giải phóng MN. Sự can thiệp của HK vào VN đã bẻ gãy tham vọng của Mao Trạch Đông bành trướng xuống lục địa ĐNÁ. Sau đó, Kissinger và Chu Ân Lai thỏa thuận chấm dứt chiến tranh VN bằng giải pháp: MNVN, Lào và Cam Bốt trung lập. Tháng 6/1973, đích thân TT Chu Ân Lai sang Hà Nội gặp Lê Duẩn -Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động VN để truyền đạt thông điệp này, nhưng CSVN không chấp nhận.

Không ngăn chận được ý định của ông Lê Duẩn mở rộng ảnh hưởng LS ở Đông Dương, năm 1975 HK bỏ rơi VNCH để tranh thủ sự hợp tác của TQ cùng Mỹ đối đầu với LS. Nay HK trở lại châu Á, coi Biển Đông là hải lộ quan trọng đối với quyền lợi chiến lược của Mỹ và nhiều cường quốc khác như Nhật, Đại Hàn, Ấn và Úc. Vì thế họ hợp tác gắn bó với nhau để làm phá sản mưu đồ bành trướng của Tập Cận Bình về biển đảo ở ĐNÁ. Trong khi lãnh tụ IS -Abu Bahr al-Baghdadi lên án TQ thi hành chính sách cấm đạo và đàn áp người Hồi Giáo ở Tân Cương và kêu gọi tất cả những người Hồi Giáo ở khắp đại lục châu Á cùng đứng lên lật đổ TQ. Để đương đầu với nguy cơ này, đến lượt Bắc Kinh phải hy sinh CSVN để thương thảo với Mỹ về hòa bình và ổn định ở ĐNÁ. Tình hình hiện nay cũng tương tự 40 năm trước, đòi hỏi MNVN phải trung lập cùng các nước ASEAN. TT Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ MTGPMN, nên ông dễ dàng thích nghi với tình thế. Đó là đòi hỏi của HK lẫn TQ trong 4 thập niên qua. Vì thế tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5/2013, TT Nguyễn Tấn Dũng đã minh định lập trường của VN: “Không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không liên minh quân sự với nước này để chống lại nước khác”. Trong canh bạc mới này của HK, sẽ giúp VN thoát khỏi ảnh hưởng của TQ, hợp tác với các nước ASEAN xây dựng khu vực Châu Á/Thái Bình Dương hòa bình thịnh vượng như chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21.

Nhìn lại lịch sử chiến tranh trong thế kỷ vừa qua, cho thấy các nước thù địch của Mỹ cuối cùng đều trở thành đồng minh của Mỹ như Đức, Ý, Nhật. Và VN cũng không thể là trường hợp ngoại lệ. Liên Sô cũng là kẻ thù của Mỹ, nhưng HK đã giúp nước Nga thời TT Yelsin vượt qua các khó khăn trong thời hậu cộng sản. HK cũng đã giúp Đặng Tìểu Bình thực hiện “bốn hiện đại hóa Trung Quốc” mà ngày nay TQ trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

Để kết luận, người viết xin ghi lại những nhận định của cố TT Lý Quang Diệu người vừa mới qua đời ngày 23/3/2015 về vai trò của HK. Theo ông, trong hai hoặc ba thập kỷ tới, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất. Mỹ là một đế chế thực sự vì họ biết đón nhận và dung nạp vào dân tộc mình những chũng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và nền văn hóa khác. Hiện nay và trong vài thập niên tới, chính HK sẽ giữ vai trò nổi bật trong việc định ra những quy tắc của cuộc chơi. Những vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và ổn định của quốc tế không thể giải quyết được nếu không có vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Lý khẳng định: không một quốc gia nào hay nhóm nào có thể thay thế Mỹ làm cường quốc toàn cầu. Nhận định của một chính khách lỗi lạc của thế giới khiến nhiều người cho rằng: ‘Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ”

TS Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã nhiều lần tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu trong các năm 1993, 1995, 1997 khi ông Lý đến VN, nhận làm cố vấn cho TT Võ Văn Kiệt. T/s Doanh cho biết ông LQD ước mơ có được một đất nước như VN: có tiềm năng, có dân số, có vị thế chiến lược, có những người thông minh luôn luôn học giỏi hàng đầu ở Singapore và các nơi trên thế giới. Ông cựu thủ tướng Singapore nhận định: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”. Vì muốn thấy một nước VN phồn vinh, cường thịnh, nên ông Lý Quang Diệu nhiệt tình cố vấn, ủng hộ sự cải cách ở VN, ủng hộ việc phát triển kinh tế tư nhân, ủng hộ VN hội nhập với thế giới. Theo ông Lý Quang Diệu, một nước Việt Nam phồn vinh và cường thịnh sẽ có lợi cho ĐNÁ, có lợi cho hòa bình và ổn định cho khu vực và dĩ nhiên cũng có lợi cho Singapore.

Tháng 11/1997 khi đến thăm thành phố HCM trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra, song ông Lý Quang Diệu vẫn lạc quan dự đoán, VN trong 5 năm tới sẽ bắt kịp tốc độ phát triển của các nước trong khu vực. VN sẽ tăng trưởng mạnh như Singapore, TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Ông nói: VN đã mất nhiều thời gian, bỏ lỡ một số cơ hội. Bây giờ VN phải bù đấp cho cơ hội đã mất đó, “cần bù đấp và tiến kịp”.

Đáp lại sự khuyến cáo đó, giới lãnh đạo CSVN bảo thủ ngăn chận ông Võ Văn Kiệt trở thành Tổng Bí thư mà còn áp lực ông rời khỏi chức vụ thủ tướng. Năm 2013, trong bài trả lời phỏng vấn báo Straits Times dưới tiểu tựa “Việt Nam: mắc kẹt trong tư duy xã hội chủ nghĩa”, ông Lý Quang Diệu đã nói: Về cải cách của VN đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi ông có các chuyến viếng thăm đầu tiên vào những năm 1990. Giờ thì ông tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của VN không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Đó là điều bất hạnh cho dân tộc VN. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng kiến nghị của ông LQD cho đến nay chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Thí dụ như việc trọng dụng người tài, xây dựng bộ máy công khai minh bạch, không có tham nhũng. Ts Doanh chua chát kết luận: “Tất cả những điều đó chúng ta chưa làm được và tôi nghĩ đấy là điều mà ông Lý Quang Diệu cũng tiếc và cá nhân tôi cũng rất tiếc cho đất nước của mình”.

Lê Quế Lâm
-Sydney 10/4/2015: Kỷ niệm 40 năm Quốc Hận (1975-2015)  

No comments:

Post a Comment