*Bạn có bao giờ Tìm bạn bốn phương
chưa, tôi đã từng trong những ngày xưa trẻ dại. Xin tặng bạn với những ngày thơ
mộng cũ của thế hệ chúng ta!
Năm mười chín tuổi nhìn đám bạn bè xung quanh Thảo Nguyên
cảm thấy thật cô đơn. Qua thời trung học mọi người tứ tán khắp nơi: bạn trai có
kẻ vào quân đội, bạn gái có đứa đi lấy chồng. Một số ít vào đại học Đalat hay
đại học Sàigon, một số tìm công việc nào đó làm để nuôi sống chính mình và giúp
đỡ cha mẹ. Phần đông các bạn gái vào trường Sư Phạm để trở thành cô giáo, một
nghề rất dễ thương và thích hợp với phụ nữ. Thảo Nguyên lại có dự tính về
Sàigon học trong niên khóa tới và trong những ngày tháng rảnh rỗi không có gì
làm Thảo Nguyên dự định tìm bạn bốn phương.
Tiền Phong là một tuần báo khá phổ
thông có nhiều độc giả nhờ mục Tìm Bạn Bốn Phương và thời trang. Các bạn Thảo
Nguyên có nhiều người tìm bạn bốn phương như chạy theo một phong trào thì tại
sao cô không làm như họ chứ. Những người bạn trai quen thuộc xung quanh chẳng
có gì hấp dẫn cả, kèm theo mấy ông anh hờ (bạn của mấy ông anh ruột) ởm ởm, ờ
ờ. Anh không ra anh, người tình không ra người tình. Buồn thì đến nhà ngồi đấu
láo, rủ đi uống café, đi sinh nhật, lâu lâu còn đề nghị mình giới thiệu cho một
cô bạn nào đó. Suy đi nghĩ lại thì tìm bạn bốn phương là một thượng sách.
Sau nhiều lần tìm kiếm lựa chọn,
Thảo Nguyên chú ý đến con số XXX với nội dung như sau:
- Sinh viên 23 tuổi, cô đơn, đứng
đắn, dễ nhìn và thành thật. Thích nhạc tiền chiến, yêu giọng ca Duy Trác, Sĩ
Phú, Thái Thanh, Lệ Thu.Thích đọc truyện Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, tạp
chí Văn, Bách Khoa. Thích Hermann Hesse, Erskine Caldwell. Antoine de Saint
Exupery, Albert Camus, John Steinbeck. Thích xem phim, đi du lịch.Tìm bạn gái
tuổi từ 18 đến 23 dễ thương, không cần đẹp lắm để trao đổi thư từ và tâm sự cho
đời đỡ trống vắng. Xin thư về Trần Anh Dũng- Sàigòn( Hứa hồi âm tất cả dù thư
đến muộn, đặc biệt cho các bạn ở Saigòn, Đalạt,Cần Thơ )
Thảo Nguyên quyết định thư ngay cho
Trần Anh Dũng và tuần sau thì nhận được hồi âm từ anh ta. Những lá thư sau đó
đều viết trên giấy trắng mỏng với nét chữ khá đẹp, cứng cáp. Lối hành văn lịch
sự của một người có kiến thức, đôi lúc thể hiện một đời sống nội tâm dồi dào,
hướng thiện. Những lá thư qua lại giúp Thảo Nguyên cảm thấy yêu đời, vui vẻ và
đời sống đỡ trống vắng hơn. Cô bắt đầu nghĩ đến những ngày tháng trước mặt, khi
cô về học ở Sàigon nơi thành phố Dũng đang trú ngụ, Thảo Nguyên thấy thật thú
vị biết bao.
Ôi, những lá thư của người bạn bốn
phương đưa Thảo Nguyên vào những giấc mơ êm đẹp của tuổi mười chin, đôi mươi
thời con gái. Những buổi chiều lang thang trên đồi thông hay loanh quanh trong
phố thị bé nhỏ dễ thương cô không còn cảm thấy mình cô đơn lạc lõng vì nghĩ đến
Anh Dũng với những lời thơ dễ thương, dịu dàng cuả anh ta.
Thứ bảy nào Thảo Nguyên cũng lên phố
để nhận thơ của Anh Dũng vì cô không dùng địa chỉ nhà mà mượn địa chỉ của
Hoàng, một người bạn khá thân ở Hàm Nghi. Cha Thảo Nguyên là một người khá
nghiêm khắc ông khó mà chấp nhận trò chơi thư từ qua lại giữa con gái mình với
một người bạn trai xa lạ chưa một lần biết mặt. Thảo Nguyên lại chọn cho mình
một cái tên khác: Minh Tâm. Không phải cô không thích cái tên Thảo Nguyên cha
mẹ đặt cho mình mà vì chơi bạn bốn phương ít có ai ngu gì cho biết tên thật.
Bạn bè của cô đều hành xử như vậy thì cô cũng phải làm theo họ mà thôi, biết
đâu Anh Dũng cũng là một cái tên không thật như tên Minh Tâm.
Sau khi thư từ qua lại được vài ba
tháng một hôm Thảo Nguyên nhận được tấm Postcard chụp hình bãi biển Nha Trang
với những giòng chữ phía sau:
- Minh Tâm mến,
Anh đang ở Nha Trang trong một
chuyến du lịch, sẽ ghé Dalat thăm Tâm vào ngày thứ bảy lúc 4 giờ chiều. Mong
gặp Minh Tâm lắm lắm! Trần Anh Dũng.
Chiều thứ bảy Thảo Nguyên diện một
bộ đồ mình thích nhất để đi gặp Anh Dũng. Áo chemise vàng đóng thùng trong
chiếc váy nâu, giầy đế vuông thấp, cô thích mặc bộ đồ đó vì các bạn nói trông
Thảo Nguyên có vẻ trẻ trung, xinh xắn trong lối trang phục này. Tóc cột thành
cái đuôi ngựa chứ không xõa dài như thường ngày. Cô lại trang điểm một chút xíu
dù gì cũng mười chín tuổi rồi.
Đến nhà Hoàng rồi, Thảo Nguyên hồi
họp đi ra, đi vào không yên trong căn phòng khách, nhà Hoàng nhìn ra đường Hàm
Nghi xe cộ qua lại khá tấp nập. Thảo Nguyên và Hoàng dự tính nhiều mẫu đối
thoại để tiếp đón người bạn bốn phương này.
Thảo Nguyên hỏi Hoàng ( không biết
là lần thứ mấy):
-Trông Nguyên được không?
- Dĩ nhiên là đẹp rồi, Hoàng cam
đoan với Nguyên như vậy.
- Nhưng biết đâu anh ta không thích
Nguyên.
- Cái đó thì có thể xảy ra nếu đôi
mắt hắn có vấn đề gì đó.
Thảo Nguyên phản đối:
- Ê, đừng nói chuyện chắc ăn nghe
bạn vàng. Bạn đừng tưởng mọi người đều có cái nhìn như nhau. Đôi lúc mình thấy
được mà họ thấy không được thì cũng phải chịu thôi.
Rồi Anh Dũng đến, qua khung cửa sổ
được che bằng tấm màn voan trắng mỏng, Thảo Nguyên trông thấy một chiếc Vespa
chạy vào khoảng sân bé nhỏ trước nhà. Một người trai trẻ với chiếc chemise
trắng bước xuống, vóc dáng cao ráo mạnh mẽ, anh ta nhìn số nhà rồi tiến vào bấm
chuông. Trong nhà Thảo Nguyên cuống quýt đẩy Hoàng ra tiếp khách còn mình thì
chạy vào phía trong, nghe tim đập bình bịch trong lồng ngực. Mẫu đối thoại ngắn
diễn ra gần giống như sự xếp đặt trước:
- Tôi muốn hỏi cô Minh Tâm.
- Mời anh vào nhà, cô ta đang ở phía
sau.
- Minh Tâm ơi có ai hỏi nè!
Thảo Nguyên đi ra, bốn mắt nhìn nhau
thoáng vẻ ngượng ngùng. Những ý nghĩ thoáng nhanh qua đầu cô. Trung bình, dễ
coi không có gì đáng chê. Điểm đặc biệt là một cái nút ruồi dưới khoé mắt, nếu
là đàn bà thì người ta gọi là “thương phu trích lệ” không ai dám lấy, còn với
đàn ông thì thật sự cô không hiểu nó có ảnh hưởng gì không? Tuy nhiên cái nút
ruồi tạo cho khuôn mặt Anh Dũng một nét khá đặc biệt mà gặp qua một lần khó có
ai quên được. Dũng có một hàm răng trắng bóng hơi nhô ra ngoài một chút, không
hẳn là hô, không xấu nhưng làm cho nét mặt lúc nào cũng có một nụ cười phảng
phất. Kết luận đó là mẫu người đem tới cho người đối diện một sự vui vẻ, dễ
chịu thật khác hẳn với văn phong trong những lá thư: lúc nào cũng thể hiện nỗi
khắc khoải, dằn vặt vì những niềm cô đơn nào đó. Tuy nhiên đó cũng không phải
là vấn đề quan trọng, mà có một điều làm Thảo Nguyên bối rối là sự không trôi
chảy, tự nhiên trong mẫu đố thoại giữa hai người. Trong những lá thư qua lại
mấy tháng qua cô và Dũng đã từng tâm sự với nhau rất nhiều, nói cho nhau nghe
quan niệm, sở thích riêng tư về cuộc đời,về lối
sống. Hình như giữa Thảo Nguyên, Anh Dũng đã từng có một sự rất tương
ứng, thông cảm và gần gủi nhau trong thư từ. Tuy nhiên, khi đối diện những
điều họ đã từng kể cho nhau, chia xẻ với nhau bỗng tiêu tan đâu mất. Thảo
Nguyên thấy thật khó khăn khi trò chuyện với Anh Dũng, một khuôn mặt xa lạ
trong trí tưởng tượng của cô. Đó không phải là một sự thất vọng mà là một sự
cách biệt cần phải có nhiều thời gian mới khỏa lấp được, mới tiếp nối được mối
giao cảm giữa hai người.
Nhìn vào mắt Dũng, Thảo Nguyên không
thấy một điều gì cả ngoài một cảm giác xa lạ đến lạnh lùng, là một người con
gái cô hiểu thế nào về đôi mắt cuả một người thích mình. Chỉ cần nhìn nhau thôi
hai người sẽ nói với nhau ngàn lời muốn nói, nhưng đây chỉ là đôi mắt của những
người không có một lời hứa hẹn nào về một ngày mai sẽ có nhau hay sẽ yêu nhau.
Đôi mắt này là những đôi mắt Thảo Nguyên bắt gặp hằng ngày trong cuộc đời xuôi
ngược này. Đến và đi, đi rồi đến.
Anh Dũng rất lịch sự trong khi trò
chuyện với cô nhưng Thảo Nguyên linh cảm đây là lần cuối cùng trong mối liên hệ
giữa hai người. Ý nghĩ ấy làm cô thấy buồn vì tự ái bí tổn thương nhưng cô đâu
có thể làm gì để cho sự việc tốt hơn vì cô chỉ là cô chứ không phải là một
người nào khác: hoàn hảo hơn, tuyệt vời hơn dưới cái nhìn của Anh Dũng. Cô nói
về dự tính đi học ở Sàigon, Anh Dũng cũng hứa sẽ giúp đỡ cô nhưng bỗng dưng cô
có ý nghĩ là sẽ không bao giờ gặp lại Anh Dũng nữa.
Trò chuyện một lát, Anh Dũng ngỏ ý
mời Thảo Nguyên đi dạo một vòng khu Hòa Bình, anh ta nói không có gì là sốt
sắng:
- Anh mượn chiếc Vespa này của một
người quen trong Lữ Quán Thanh Niên và sẽ trả lại 8 giờ tối này. Chúng ta vẫn
có đủ thời giờ để đi Café Tùng hay Thủy Tạ, nếu Minh Tâm muốn.
Nếu mình không muốn thì có thể từ
chối, hiểu lời mời này nên Thảo Nguyên nói:
- Thôi để lần khác đi, bây giờ cũng
gần 6 giờ rồi để anh trả xe cho người bạn, hơn nữa ngày mai anh phải về Sàigon
rồi. Thời gian gấp rút quá, dù sao Minh Tâm cũng cảm ơn anh đã bỏ công đến
Đalat thăm Tâm. Mai mốt về Sàigòn Minh Tâm sẽ thăm anh lại.
- Anh cũng hy vọng như thế.
Họ không nói gì về buổi tối thứ bảy
ở Dalat nữa dù Thảo Nguyên đã xin phép mẹ rằng: cô đi dự tiệc sinh nhật một
người bạn nên sẽ về khuya.
Khi Anh Dũng từ giã Thảo Nguyên rồi,
Hoàng chạy ào ra hỏi:
- Hắn về rồi à, tại sao vậy? Tao
thấy cũng được sao mầy không tiến tới hả Nguyên?
- Tiến tới làm gì khi hắn muốn thụt
lui!
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là hắn không thích tao khỉ
ạ!
Hoàng nhìn Nguyên từ đầu đến chân
rồi:
- Hắn ta mù lòa, bạn ta thế này mà
chê. Mà cũng tại nhà ngươi thôi.
Nguyên ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại tao là sao?
- Sao không xõa tóc ra mà cột đuôi
ngựa. Còn trai thích tóc dài thả gió lê thê mi có biết không? Đồ ngu!
Thảo Nguyên cười sặc sụa:
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó, tóc
dài hay ngắn gì cũng vậy thôi. Kết luận là giữa tao với hắn không có phản ứng
hóa học, không có chemistry hiểu chưa?
Hoàng vẫn càm ràm không nguôi. Thảo
Nguyên đề nghị:
- Tao xin phép mẹ về trễ rồi, thôi
hai đứa minh đi xem Doctor Zhivago ở rạp Ngọc Lan cho hết buổi tối thứ bảy này.
Phim dài hơn ba tiếng đồng hồ đó.
Hoàng nhìn bạn ái ngại:
- Thảo Nguyên có buồn không?
- Thất vọng một tí, tự nhiên
mình có cái cảm giác vô cùng xa lạ khi đối diện với Dũng như chúng tôi chưa bao
giờ có những lá thư dài cho nhau. Sao lạ lùng vậy hả Hoàng?
Hoàng cười ha hả:
- Đó là điều kỳ lạ của mục “Tìm bạn
bốn phương”.
Anh Dũng về Sàigon rồi, đúng như sự
tiên đoán của Thảo Nguyên: thư từ ngưng bặt. Tại mình không phải là đối tượng
của anh ta, thôi thì có buồn một chút nhưng cũng chẳng sao
(buồn vì tự ái của người con gái
không được vuốt ve chứ thật ra Anh Dũng cũng chẳng gây một ấn tượng mạnh mẽ nào
trong tình cảm cô).
Tuổi trẻ mau quên trong những cuộc
vui mới, tuy nhiên Thảo Nguyên không còn háo hức với trò chơi bạn bốn phương
nữa, cô lại phải dồn tâm trí vào việc học hành. Ở Saigon học, Thảo Nguyên có
thêm bạn bè trong lớp, vài ba cuộc hẹn hò nho nhỏ nhưng mối tình lớn thì chưa,
bởi vì những người cô thích thì không chú ý đến cô, còn những người cô không ưa
thì cứ tán tỉnh tới tấp. Oái ăm là thế. Cô vẫn là một kẻ cô đơn.
Một mùa Giáng Sinh trở về Dalat,
nhìn thiên hạ đang tưng bừng chào đón Noel. Khoát áo manteau đi vài vòng Hòa
Bình cho thỏa lòng thương nhớ và khi đi xuống dốc Lê Đại Hành để ra hồ Xuân
Hương, Thảo Nguyên khám phá ra rằng mình có một cái đuôi. Cô cảm thấy bị mất tự
do để thưởng thức cơn lạnh se sắt đặc biệt của một người từ nơi xa trở về quê
hương mù sương yêu dấu của mình. Thành phố bé nhỏ thưa thớt người này, đâu dễ
gì cắt cái đuôi dù hôm nay là chiều thứ bảy. Đi dưới những cây Anh Đào trổ hoa
hồng thắm cô nghe đâu đó âm thanh trầm bổng bài hát Ai lên xứ Hoa Đào của thầy
Hoàng Nguyên. Khi Thảo Nguyên vào trường Việt Anh thầy Hoàng Nguyên đã đi rồi
nhưng bài hát của thầy gieo vào tâm hồn cô một mối thiện cảm khôn cùng, cô yêu
bài hát đó. Ai lên xứ hoa dừng chân bên hồ nghe chiều rơi, nghe hơi gió len vào
hồn người chiều xuân mây êm trôi …Hoa bay đến bên người ngập ngừng rồi hoa theo
chân ai …Ôi màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào, ôi màu hoa đào!
Bước chân ai đó phía sau vẫn gõ đều
đều trên mặt nhựa khi Thảo Nguyên ra đến bờ hồ. Hơi gió lạnh từ mặt hồ thổi vào
làm buốt giá đôi má, cô đưa tay vuốt tóc và quay vội lại thì bắt gặp một nụ
cười đàn ông, nụ cười cầu tài, hiền khô, vô tội vạ. Gã gật đầu chào và đi nhanh
lên cho ngang hàng với Thảo Nguyên, cô bị bắt buộc phải chào đáp lễ theo phép
lịch sự. Gã nhìn cô chăm chăm, miệng vẫn nở nụ cười tươi như hoa. Rõ lạ lùng,
có gì mà cười hoài vậy. Cô tự nhủ mình nhưng đồng thời cũng khám phá ra rằng:
hàm răng trắng toát hơi nhô ra một chút đã tạo cho gã một nụ cười hồn nhiên này
mà thật ra hình như gã không thật sự đã cười. Rắc rối là như thế đó.
- Cô đi dạo phố?
Giọng miền Nam đặc sệt của gã nghe
cũng trầm ấm dễ chịu.
- Hồi nãy tôi dạo phố, bây giờ thì
dạo bờ hồ, như ông đã biết đó.
Thảo Nguyên
ngụ ý nhắc cái tội gã đã theo cô dai dẳng từ nãy giờ. Gã lại cười trừ:
- Xin lỗi đã làm phiền cô nhiều
nhưng không theo cô chắc là tôi sẽ hối hận lắm.
Thảo Nguyên ngạc nhiên hỏi lại:
- Hối hận vì điều gì?
- Hối hận vì bỏ một dịp may trong
đời.
A! Đúng là miệng lưỡi tán tỉnh
trơn như mỡ của đàn ông, nói như thế với bao nhiêu người rồi nhỉ. Bỗng dưng
Thảo Nguyên cười khanh khách gã đàn ông cũng cười theo, tiếng cười làm gã phấn
khởi và thừa thắng xông lên:
- Cô người Đalat.
Nguyên gật đầu:
- Còn ông?
- Tôi dân Sàigòn mới lên đây hôm
qua, hôm nay thì đã bị đau.
Cô nói:
- Ông bị cảm lạnh vì sự thay đổi khí
hậu đột ngột chăng?
Gả cười cười:
- Tôi không bị cảm lạnh, tôi bị đau
tim. Gặp cô là tôi thấy tim mình có vấn đề ngay.
Thảo Nguyên nhún vai:
- Thôi đừng nói vớ vẩn nữa, ông làm
như tôi là điện không bằng!
- Tôi nói thật đó, tôi ngồi trong
Mékong thấy cô đi vòng Hòa Bình nhiều lần. Mới đầu tôi nghĩ là cô tìm kiếm ai
mà thực sự không phải vậy. Cô thanh thản trong bước chân của mình, tôi đi theo
lâu lắm trước khi cô biết mình có cái đuôi. Dù sao cũng thành thật xin lỗi đã
làm phiền cô nhưng tôi không thể làm khác hơn được.
Chắc cũng là dân mọt sách chịu ảnh
hưởng nặng nề của sách vở và những tư tưởng lãng mạn đây chứ gì. Gã nói như
muốn thuyết phục Thảo Nguyên phải tin tưởng gã nhưng cô không thể tin lời nói
của một người đàn ông vớ vẩn chợt quen ngoài đường. Người đàn ông bỗng đề nghị:
-Cô có thể cho phép tôi mời cô một
ly nước trong Thủy Tạ được không?
Thảo Nguyên nhìn gã kỹ hơn một chút,
gã cũng nhìn cô chăm chú để chờ câu trả lời. Cô bỗng chú ý đến cái nốt ruồi trên
gò má của gã, cái nốt ruồi rất quen thuộc mà cô đã thấy ở trên một khuôn mặt
nào đó trong dĩ vãng, còn nụ cười luôn sẳn sàng trên đôi môi kia. Thảo Nguyên
bỗng giật thoát người. A, phải rồi chính là anh ta. Chính là Anh Dũng người bạn
bốn phương của cô bốn năm về trước. Anh ta lại lẩn quẩn trở lại thành phố này
để gặp ai đây. Trong một thoáng Thảo Nguyên định kêu tên anh ta nhưng cô vội
ghìm lại được.
Cơn bão nhỏ đi qua đầu Thảo Nguyên
và một ý tưởng tinh quái thoảng hiện đến. Cô vui vẻ nhận lời vào Thủy Tạ với
Anh Dũng. Khi hai người ngồi đối diện nhau trong quán nước Anh Dũng cũng không
hề nhận ra cô là người bạn bốn phương năm nào. Dũng tự giới thiệu về mình như
những gì Thảo Nguyên đã biết bốn năm về trước, có vài sự thay đổi là anh ta đã
ra trường, đã đi làm và có vẻ trưởng thành hơn.
Thảo Nguyên nói tên thật khi trò
chuyện với Dũng, quán café ấm cúng, nhạc hay và đôi mắt của Anh Dũng cũng trở
nên ấm áp, chan chứa tình cảm chứ không lạnh tanh như đôi mắt của một chiều thứ
bảy năm nào.
Như thế nghĩa là sao? Tôi vẫn là tôi
của những năm trước chỉ có già dặn hơn theo thời gian. Cũng những lời nói, nụ
cười này mà sao tình cảm anh đối với tôi lại thay đổi lạ lùng như vậy. Thảo
Nguyên miên man trong những ý nghĩ rối bời trong khi Anh Dũng thì như đang say
sưa, đắm chìm trong một thứ tình cảm không chế ngự được. Hai con mắt long lanh
như muốn nói lên vạn lời nào đó.
Thảo Nguyên nhìn bâng quơ ra mặt hồ
lấp lánh ánh hoàng hôn, uống một ngụm trà chanh rồi như thả nhẹ một viên sỏi
xuống lòng giếng cô hỏi:
- Ông có quen ai ở thành phố này
không?
Dũng lắc đầu:
- Không, tôi chỉ là một người khách
du lịch.
- Lần đầu tiên chăng?
- Lần thứ nhì, lần đầu tiên cách đây
bốn năm. Lần đó tôi chỉ ghé qua một ngày thôi nên không đi chơi nhiều.
Thảo Nguyên nghe trái tim mình đập
bình bịch trong lồng ngực, cô cố giữ vẻ thản nhiên, bình tĩnh hỏi tiếp:
- Sao lại chỉ có một ngày bộ ông
không thích thành phố này sao?
Anh Dũng cười nhẹ (lại cười) nói giả
lả:
- Lần đó tôi cũng có dự định ở lại
hơi lâu một chút. Nhưng bỗng dưng thấy không còn hứng thú nữa, tôi cũng không
hiểu tại sao mình lại bỏ đi vội vã như đã đến một cách vội vã.
- Vì một người con gái chăng?
Anh Dũng nhún vai:
- Cũng có thể! Thật khó mà nói cho
Thảo Nguyên hiểu.
Bây giờ sự tò mò đã lên tới tận
cùng, Thảo Nguyên hỏi tới tấp như không kềm giữ được ý nghĩ của mình:
- Cô ta xấu hay đẹp?
- Tôi không biết nữa, có điều là cô
ta thật xa lạ với những gì cô ta viết trong những lá thư. Cô ta có bề ngoài như
một cô gái mới lớn nhưng trong những lá thư cô như ngập lặn giữa những đau đớn,
cô đơn vô cùng tận của một kiếp người.
- Ông chơi bạn bốn phương phải
không?
- Cô thật thông minh, từ đó tôi
không còn thích thú trong trò chơi này nữa.
- Tôi không tin đâu, không chơi bạn
bốn phương sao ông lại lên Dalat thêm một lần nữa.
- Nói thật chắc cô cũng chẳng tin.
Tôi luôn luôn nuôi một giấc mơ về thành phố này, tuy rằng đã có những điều
không như ý muốn nhưng tôi vẫn linh cảm rằng một ngày nào đó tôi sẽ gặp một
người con gái ở đây, và có lẽ bây giờ mơ ước đã thành sự thật.
Anh Dũng ngập ngừng, hơi khó khăn để
diễn đạt nhưng ý tưởng của mình cho Thảo Nguyên hiểu, dĩ nhiên là cô hiểu như
đã hiểu những lời tương tự như thế từ miệng những người đàn ông, con trai khác.
Cô chống tay dưới cằm nhìn thẳng vào
mắt Anh Dũng nói:
- Ông thật lãng mạn.
Anh Dũng thật sự lãng mạn hơn cô đã
nghĩ về anh ta trong một lần gặp gỡ ngày nào. Bây giờ Thảo Nguyên mới nhận ra
rằng Dũng có đôi mắt rât đẹp và sâu sắc chứ không vô hồn như đôi mắt của một
chiều thứ bảy xưa. Cô nhìn anh ta với niềm mong ước anh sẽ nhận ra cô hoặc sẽ
tìm thấy một nét quen quen nào đó trên khuôn mặt của người con gái đối diện là
cô, là Minh Tâm, là người bạn bốn phương ngày trước. Dĩ vãng, ước mơ làm xao
xuyến trái tim Thảo Nguyên, cô như sống lại những ngày thơ dại cũ với những
cánh thư phương xa bay về thành phố nhỏ. Anh Dũng luôn trong ý nghĩ và việc làm
của cô những chiều, những sáng thả hồn trong mộng, ôi dễ thương làm sao người
bạn bốn phương ngày xưa.
Trong khi Thảo Nguyên đang ngập chìm
trong cái quá khứ êm đềm kia cô bỗng nghe giọng Anh Dũng thì thầm nhỏ nhẹ:
- Thảo Nguyên có đôi mắt mà nhìn một
lần là không ai có thể quên được.
Thảo Nguyên như bừng tỉnh sau một
giấc mơ đẹp. Hình như có nhiều người đã nói với cô điều đó, cô luôn đón nhận
như một lời khen tặng. Cô cảm thấy hạnh phúc, sung sướng bằng sự nhẹ dạ, cả tin
của người nữ ngây thơ một cách dễ thương. Nhưng lần này thì không, cô cảm thấy
đùng đùng nổi giận, sự độc ác xấu xí như con sâu trườn trên những cánh hoa hồng
đẹp đẽ. Sự oán giận làm cho Thảo Nguyên cảm thấy tự xấu hổ với mình nhưng cô
biết chắc là không thể dừng lại được.
Thảo Nguyên cười cười:
- Ông nói hơi quá đáng, thiếu gì
người gặp tôi mà chẳng nhớ một chút xíu nào cả. Họ bỏ đi không lời từ tạ.
- Tại họ mù loà hay không có trái
tim.
Thảo Nguyên hỏi đùa:
- Nếu có một ngày nào họ quay
lại thì mình phải làm sao?
- Mời họ đi chỗ khác chơi. Đừng thèm
chơi với kẻ không có trái tim mà có ngày ân hận.
Cả hai người phá lên cười thích thú.
Chiều xuống dần, hai người ra khỏi
Thủy Tạ thì Anh Dũng đề nghị đi dùng cơm tối ở Chic Shanghai nhưng Thảo Nguyên
từ chối, với cô như thế cũng quá đủ rồi. Anh Dũng lại muốn đưa cô về tận nhà,
Dũng luôn tỏ ra nuối tiếc buổi tối thứ bảy vui vẻ trước mắt. Anh ta
thất vọng ra mặt khi Thảo Nguyên đòi đón xe về nhà ở đường Trần Hưng Đạo.
Anh Dũng nói:
- Bao giờ tôi có thể gặp Thảo Nguyên
lại?
- Bao giờ ông về Sàigon?
- Tôi sẽ ở lại vài ba ngày nữa nếu
cô chịu làm hướng dẫn viên cho tôi?
Thảo Nguyên ngẫm nghĩ một lát rồi
nói:
- Ngày mai ông chờ tôi ở Mékong lúc
3 giờ chiều. Chúng ta đi xem Doctor Zhivago ở rạp Ngọc Lan nhé.
Anh Dũng thắc mắc:
- Ủa, ở đây họ chiếu lại phim đó à,
tôi coi lâu rồi, ba bốn năm về trước.
- Tôi cũng xem rồi nhưng thích xem
lại vì phim này rất hay.
Anh Dũng vui vẻ nhắc lại:
- Nhớ 3 giờ ở Mékong nhé, tôi đợi
Thảo Nguyên đó, nếu cô không đến có nghĩa là thứ hai tôi sẽ phải rời Đalat.
- Còn nếu tôi đúng hẹn?
- Tôi sẽ đi mượn người bạn chiếc xe
để cùng Thảo Nguyên đi thăm các nơi ở Dalat.
Thảo Nguyên mỉm cười khi nhớ đến
chiếc Vespa ngày xưa, cô buột miệng thốt:
- Ông mượn xe Vespa à?
Anh Dũng vô tình trả lời:
- Không đâu, thằng bạn đó đi lính
rồi tôi sẽ mượn xe người khác.
Nói xong anh ta hơi khựng lại một
giây, cô nghĩ anh ta sẽ nhớ một chút gì đó nhưng thật sự không phải vậy. Thoáng
im lặng qua mau rồi họ từ giã nhau trong nụ cười hứa hẹn ngày mai.
Ngày mai sẽ chẳng bao giờ có vì lẽ
rằng ngày mai rạp Ngọc Lan không chiếu lại Doctor Zhivago của bốn năm về trước.
Tất cả đã muộn màng cho hai người bạn bốn phương mặc dầu họ đều còn rất trẻ. Sự
bắt gặp không đúng lúc trong cuộc đời là những ngã ba đường của sự chia cách.
Nếu Anh Dũng hôm nay là Anh Dũng của bốn năm về trước chắc chắn rằng Thảo
Nguyên sẽ mang tâm trạng rất hạnh phúc khi đi xem phim với người bạn bốn
phương. Thảo Nguyên hôm nay là Minh Tâm ngày xưa nhưng những lá thư đã vô tình
làm Thảo Nguyên và Anh Dũng trở nên ngỡ ngàng, hụt hẫng trong một lần gặp mặt
ngoài đời. Bởi hình như ai ai cũng tự xây cho mình một cái tổ kén mà quên đi
thực tế cuộc đời.
Cô nghĩ có thể Anh Dũng trong một
phút nào đó đã nhìn thấy cô, đã bắt gặp cô chiều hôm nay. Tuy nhiên Thảo Nguyên
lại không còn hứng thú để nối lại mối liên hệ ngày xưa bởi cô là một người con
gái mang nhiều tình cảm rắc rối như tất cả mọi người đàn bà, con gái khác trên
cuộc đời này mà dễ gì cánh đàn ông con trai hiểu được.
Cho nên hãy để cho anh ta đi chỗ
khác chơi như Anh Dũng đã tuyên bố. Người ta đã từng nói:
- Khi buộc tội hãy cho người ta biết
tội của mình, như thế mới công bằng và hợp lý.
Thảo Nguyên bao giờ cũng muốn công
bằng với người bạn bốn phương dễ thương, dễ nhìn của mình. Cô nghĩ đến một lá
thư ngắn ngủi gởi đến cho Anh Dũng ngày mai. Lá thư cuối cùng để khép lại mục
Tìm Bạn Bốn Phương trò chơi của một thời con gái hay mơ mộng, ưa vui đùa cùng
chữ nghĩa.
Anh Dũng thân mến,
Hôm nay trời Đalat đẹp với màu nắng
óng ả, với cái se lạnh của những ngày vào đông. Thảo nguyên chợt nhớ đến đôi
mắt thật dịu dàng và nụ cười nồng ấm của anh, hình như có một thoáng nào chúng
ta đã nhìn thấy nhau phải không anh? Thảo Nguyên nói thật đấy chứ không phải
tán tỉnh như anh đã từng đâu.
Thảo Nguyên đã xem Doctor Zhivago
rồi, cũng ở rạp Ngọc Lan hồi bốn năm về trước. Một chuyện tình cảm động, một
người đàn ông có đôi mắt tuyệt đẹp và một bài hát thật hay. Thảo Nguyên đi xem
phim trong một buổi tối thứ bảy với người bạn gái khá thân sau khi người bạn
bốn phương vừa gặp mặt đã quày quả bỏ đi không một lời hứa hẹn. Tất cả đã không
vui như Nguyên từng dệt mộng trong những lá thư qua lại.
Xin anh tha thứ cho sự thất hẹn của
Thảo Nguyên hôm nay, bởi Thảo Nguyên chính là Minh Tâm người bạn bốn phương của
anh ngày xưa. Người mà anh nói có đôi mắt nhìn một lần thì không thể nào quên
được. Dù gì cũng xin cảm tạ những tình cảm anh đã dành cho Thảo Nguyên.
Kính chúc anh những ngày vui trong
thành phố Sàigòn xinh tươi, náo nhiệt.
Thảo Nguyên.
Ai sẽ là người mang lá thư này đến
Mékong ngày mai, Thảo Nguyên nghĩ ngay đến Hoàng người bạn gái của mình.
Chắc chắn Hoàng sẽ nhận và nhớ mặt Anh Dũng: người bạn bốn phương có chiếc nút
ruồi trên má, miệng cười luôn luôn mở rộng với hàm răng trắng bóng mà gặp một
lần rồi không ai có thể quên được.
Thảo Nguyên băng theo con đường tắt
qua đồi thông để về nhà. Tất cả đều xảy ra trong những chiều thứ bảy.
Mimosa
Phương Vinh
Cám ơn tác giả đã gởi cho một câu chuyện khá thú vị và hi hữu.
ReplyDeleteCùng một người mà đối phương có hai cách nhìn khác nhau, lúc thì tầm thường lúc thì thu hút. Như vậy cho dù nhân vật nữ có dẹp tự ái tiếp tục lại mối liên hệ xưa thì cũng sẽ có lúc không tránh khỏi bẽ bàng thương tổn. Tốt nhứt là dứt khóat cho xong.
Tóm lại là hai nhân vật này "vô duyên nên đối diện bất tương phùng"
NPN