Sáng thứ sáu, ngày 11/1/2013, từ Phú Nhuận, anh Hường điện thoại cho tôi, rủ tôi cùng anh dự chuyến hành trình Cần Thơ vào sáng hôm sau, ngày thứ bảy. Tôi thấy thời gian gấp rút quá, yêu cầu có thể dời lại hai hôm, ngày thứ hai thì tiện hơn. Anh bảo, ngày thứ hai thì con trai út đi làm ở Bình Dương, hai vợ chồng già phải ở nhà trông nom nhà cửa. Anh Hường là người bạn cùng đơn vị với tôi, lúc ở tiểu khu Vĩnh Bình. Hai anh em gặp nhau dịp họp mặt phụ huynh học sinh năm 2005, đúng 30 năm sau khi chia tay, khi hai đứa con trai út cùng học chung lớp. Anh có 3 đứa con trai đều thành đạt, giờ đang trả hiếu cho cha mẹ. Có một chút hơi buồn, 3 đứa cháu nội, con của hai cháu lớn, đều là con gái, hơi trái ngược với tôi. Sau nửa giờ đắn đo, bàn thảo với các con, tôi trả lời, đồng ý sẽ đi như ngày hẹn của anh.
6 giờ 30 sáng thứ bảy, tôi nhờ rể út đưa đến bến xe buýt trong khu vực đại học quốc gia, chỗ hãng RMK ngày xưa, gần xa lộ, vì có tuyến xe buýt đến xa cảng Miền Tây. Từ Phú Nhuận, 7 giờ hơn, anh Hường cũng đón xe buýt trực chỉ xa cảng. 8 giờ 30, xe xuất bến. Lúc nầy, phương tiện đi về Miền Tây cũng thoải mái. Thí dụ hãng xe đò Phương Trang đều có đủ các tuyến đi đến các tỉnh Miền Tây. Khoảng 30 phút có một chuyến xe xuất bến. Giá vé đến Cần Thơ là 110.000 vnđ, một người, một lượt. Xe mới, có máy lạnh, ghế có thể bật ra để nằm, có nước uống, khăn lạnh phục vụ. Xe chạy không đón khách dọc đường, trừ trường hợp khách đặt chỗ trước qua điện thoại để đón xe ngoài bến. Thời buổi kinh tế thị trường, phải có sự cạnh tranh. Hơn hai năm về trước, giá vé là 90.000 vnđ. Chỉ sợ những ngày cận Tết, hành khách nhiều hơn xe, sẽ có sự ùn tắc. Đến hẹn lại lên.
Đến 12 giờ trưa, xe đến bến Cần Thơ. Như vậy, cung đường Sài Gòn- Cần Thơ, 150 cây số, chỉ mất 3 giờ 30 phút xe chạy, tính luôn 15 phút xe dừng nghỉ để hành khách vệ sinh cá nhân, ăn uống. Trạm dừng nghĩ do hãng xe Phương Trang thiết lập, gần Cái Bè. Lý giải thời gian xe chạy được rút ngắn là do có đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, và 2 cây cầu dây giăng đã thay thế cho 2 bến phà cũ kỷ. Hai anh em đón xe ôm đến đặt phòng ở khách sạn tư nhân, khu vực Cái Khế, gần bến phà cũ. Giá phòng có máy lạnh dành cho 2 người là 300.000 vnđ cho một ngày đêm. Khách sạn nhiều sao thì tiền thuê nhiều hơn. Chúng tôi cũng đặt chỗ với khách sạn là thuê một chiếc xe gắn máy để làm phương tiện di chuyển. Giá thuê xe là 100.000 vnđ/ngày đêm. Tiền thế chưn là 2 triệu vnđ đồng, khi trả xe là họ hoàn trả tiền lại. Chúng tôi cũng nhờ tiếp tân khách sạn đặt chỗ trước một tàu đò du lịch dành cho 2 người, để 6 giờ sáng hôm sau, họ đưa chúng tôi đến chợ nổi Phong Điền, cách bến Ninh Kiều khoảng 10 cây số đường thủy, giá thuê là 300.000 vnđ cho chuyến đi về. Giữa khách sạn và các dịch vụ du lịch có vòng tròn khép kín. Họ có hoa hồng cho nhau. Xe ôm chở chúng tôi đến cũng có hoa hồng của khách sạn.
Sau khi nhận phòng để nghĩ ngơi, tắm rửa, chúng tôi xuống nhận xe máy và bắt đầu chuyến du lịch. Chúng tôi ăn trưa ở quán ăn do tiếp tân khách sạn giới thiệu, giá 50.000 vnđ dĩa cơm có phần tư con gà nướng. Đúng là gà ta, gà thả vườn, thịt dai mềm, không như gà công nghiệp. thịt bở. Họ cần giữ uy tín cho nhau. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu vực dưới chân cầu Cái Răng. Năm 1977, anh Hường đã ở đây, khi làm việc cho cửa hàng thu mua lương thực của tỉnh Hậu Giang cũ, gồm 3 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Nơi đây, anh chị đã gặp nhau khi chị từ quê Sóc Trăng được đưa về đây làm việc. Anh nói, tao phải chụp hình và quay phim bằng cái Ipad, do đứa con trai giữa đang làm việc cho hãng Google bên Mỹ gửi về tặng, để cho chị xem lại cảnh cũ. Người xưa thì vẫn ở bên cạnh chị. Cháu trai giữa của anh chị đã lấy bằng tiến sĩ về ngành IT, học bổng do Google trao tặng.
Sau một hồi đi ngắm cảnh, chụp hình ở khu vực chợ Cái Răng, chúng tôi làm chuyến hành trình qua LỘ VÒNG CUNG, vì con lộ chạy hình nửa vòng tròn, dài hơn 20 cây số. Tên nghe dễ thương, nhưng hồi đó không dễ thương. Năm Mậu Thân, nơi đây là chiến trường ác liệt. Những cái tên trìu mến, Ba Se, Cầu Nhiếm...Rồi cái... Cái Răng, Cái Côn, Cái Cui, Cái Tắc, Cái Khế, Cái Nhum...Điểm đầu con lộ là chân cầu Cái Răng đến điểm cuối là Phước Thới, Ô Môn. Đi lên là Thốt Nốt, Long Xuyên. Đi xuống là Thới An Đông của tôi, nơi cuối năm 1972 tôi có nhiều kỷ niệm khi đi chiến dịch ngưng bắn. Rồi Trà Nóc, Long Tuyền, Bình Thủy...18 giờ chiều hơn, hai chúng tôi về thẳng trung tâm thành phố, xuống bến Ninh Kiều, tìm điểm gửi xe rồi thả bộ. Hôm ấy là tối thứ bảy, người đi chơi, mua sắm cũng nhiều, vì nơi đây có khu chợ đêm, bán quần áo thời trang, giày dép giá rẻ. Như Biên Hòa của tôi có khu chợ đêm Biên Hùng. Khách du lịch nước ngoài cũng khá đông. Chúng tôi tìm chỗ để lấp đầy cái bụng. Những chỗ ăn uống khá sang trọng thì e ngại. Cô chủ chào mời chúng tôi và tiếp thị, đưa cái menu thực đơn để chứng minh giá nhà hàng của cô vừa phải. Chai bia Heineken giá chỉ 25.000 vnđ, dĩa mì xào 40.000 vnđ cho 2 người ăn, tô mì vịt tiềm 50.000 vnđ. Chúng tôi chọn 2 tô mì vịt tiềm và 2 chai Sài Gòn Special. Rồi cũng xong một ngày đêm ở Cần Thơ.
Sáng hôm sau, ngày chủ
nhật, 5 giờ 30 phút chúng tôi đã dậy sớm sau một đêm ngủ êm vì mệt mỏi, để
chuẩn bị, vì nhà đò đã hẹn 6 giờ sẽ khởi hành. Hai cô gái xinh xắn với hai
chiếc xe tay ga đến khách sạn đón chúng tôi để đưa đến bến Ninh Kiều, xuống đò
du lịch. Nghe giọng nói, biết là dân Tây Nam bộ "rặt". Tàu khởi hành,
xa xa là cầu dây giăng Cần Thơ còn ngủ trong màn sương, hai trụ cột tháp cao
ngất. Sáng mùng hai âm lịch, nước sông dâng cao. Những cuộn sóng dồn do tàu
chạy ngược tạo ra khiến cô lái tàu phải bớt ga, chạy chậm. Từ bến Ninh Kiều,
tàu đang ngược dòng sông Cần Thơ để về chợ nổi Phong Điền. Hướng trước mặt là
cầu Hưng Lợi, nối đất liền với khu dân cư phía bên kia cồn. Đi tới nửa là cầu
Quang Trung, một nhánh nối vào đường dẫn cầu Cần Thơ. Nhánh kia nối vào đường
Nam sông Hậu, chạy cập theo sông Hậu, qua Kế Sách, Đại Ngãi đến cửa biển rồi có
đường nối vào quốc lộ để đến Bạc Liêu, Cà Mau. Những chuyển đò du lịch đi chợ
nổi sớm đang ngược về bến Ninh Kiều. Có những khách du lịch người nước ngoài,
thường đi cặp đôi, vẩy tay chào thân thiện. Chúng tôi cũng vẩy tay chào lại.
Rồi cầu Cái Răng trước mặt, đưa ta theo quốc lộ 4 cũ về Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Cách cầu đoạn hơn chục cây số, quốc lộ 1 bây giờ, QL 4 cũ, có ngã ba nối vào
quốc lộ 61 để đến Vị Thanh, Hỏa Lựu...Hai bờ sông đã có đoạn sạt lở vì sóng
dồn, nước xoáy. Có những đoạn bờ kè đã được xây dựng để hà bá không ăn đất. Đất
quý hơn vàng. Những nhà dân không đủ khả năng tài chánh đã bỏ trống, di dời,
sau khi tháo gở những gì còn lấy được. Có những cây xăng, mặt giáp lộ thì trụ
bơm xăng bán cho xe hai bánh, xe hơi. Mặt giáp sông thì đổ cho tàu thuyền, tiện
lợi đôi bề. Đặc trưng sông nước miền Tây. Chợ nổi đang trước mặt. Những ghe tàu
lớn đang neo đậu giữa sông, để sang hàng cho thương lái, hoặc bán lẽ cho du
khách. Hàng hóa đa phần là trái cây, hoa quả củ từ trong quê ra bán cho thương
lái. Mặc cả xong là họ tiền trao cháo múc. Cũng có thể họ chấp nhận giá rẻ một
ít, sang hàng hóa cho các chủ vựa tại chỗ. Vựa là chiếc ghe neo đậu cố định,
điện kéo từ nhà trên bờ ra để xử dụng. Cô chủ đò trao đò cho anh chồng để chở
chúng tôi đi tiếp, còn cô điều khiển con đò của chồng để đưa khách về lại Ninh
Kiều. Nhà có 2 chiếc đò đưa đón khách du lịch, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày
kiếm vài trăm ngàn vnđ đồng sống khỏe. Anh chủ đò đưa chúng tôi lên quán ăn
sáng là một chiếc ghe lớn neo cố định cách bờ hơn 10 mét, khách du lịch Tây,
ta, Việt Kiều, ngồi chật kín. Có dừa tươi, trái cây đặc sản phục vụ tại chỗ.
Điểm tâm sáng có hủ tiếu, bánh canh, cà-phê...Giá cả vừa phải, không chặt chém.
Vì là sáng chủ nhật, lượng du khách khá đông. Hai trái dừa xiêm, một lon bia
Sài Gòn là 35.000 vnđ.
Sau khi uống dừa giải
khát xong, chụp ảnh, đò du lịch đưa chúng tôi trở về bến Ninh Kiều. Anh chủ đò
cũng như hướng dẫn viên du lịch, mình có thắc mắc, hỏi gì anh cũng trả lời trôi
chảy. Sau 2 giờ đi khám phá Chợ Nổi Phong Điền, tốn 300.000 vnđ, chúng tôi đi
kiếm cái gì ăn sáng, cũng sẽ là ăn trưa. Bởi vì chúng tôi đã đặt vé xe cho
chuyến về vào lúc 12 giờ. Nhà xe cho xe trung chuyển đến khách sạn đón khách.
Bây giờ khách hàng là thượng đế, quan trọng là có money rủng rỉnh. Một dĩa cơm
bì sườn chả là 30.000 vnđ. Ăn cơm xong, hai anh em thả bộ lên con phố chính của
Cần Thơ để thư giản. Tiểu khu Phong Dinh ngày trước, bây giờ là trụ sở chính
quyền, UBND, nhưng tòa nhà do người Pháp xây dựng, như tòa án hoặc dinh tỉnh
trưởng ở BH, đã bị phá bỏ. Thay vào đó là tòa nhà lầu 3 tầng, hình chữ đinh,
khuôn mẫu như Dinh Độc Lập nhưng thu nhỏ hơn. Sở dĩ tôi kể chi tiết như vậy,
bởi vì chủ nhật, ngày 24/12/1972, ngày Noel năm 1972, tôi đã ngồi ở đó chờ từ 9
giờ sáng đến 16 giờ hầu nhận lấy tờ phép 5 ngày do đại tá tỉnh trưởng ký, để về
BH vui chơi với bè bạn và nhận cú "hồi mã thương" trong đời. Sau đó,
hai anh em thả bộ đến quán cà-phê cách khách sạn mấy con phố để tâm sự với bạn
hiền. Anh Phát chủ quán, người Sài Gòn, ra đơn vị, về đóng quân ở tiểu khu
Phong Dinh, lấy vợ bản địa rồi thành dân Cần Thơ. Anh tốt nghiệp khóa 1 ban
thương mại đại học Vạn Hạnh , không đủ điều kiện học cao học nên phải vào quân
đội. Tôi trước khi vào quân đội, cũng là sinh viên ban thương mại, nhưng là
khóa 4. Khi lệnh tổng động viên ban ra, không biết còn được bao bạn bè ở lại
học. Có lẽ phái nữ áp đảo. Sau đó anh Hường gọi thêm bạn học cùng khóa, là dân
Cần Thơ chính gốc đến chơi. Nhưng anh Tuấn con, gọi như vậy vì anh sinh năm
1950, dư tuổi để hoản dịch, không bận bịu gì đao kiếm. Anh em tâm sự chưa xong,
gần đến giờ xe khởi hành, chúng tôi xin phép kiếu từ, hẹn gặp lại ngày họp mặt
sinh viên Đại Học Vạn Hạnh.
Đúng 12 giờ, xe khách khởi hành, còn chừa mấy ghế để đón khách ở Bình Minh, Vĩnh Long. Xe từ từ leo lên dốc cầu dây giăng, bỏ lại Cần Thơ, xã Thới An Đông, sông Trà Nóc..., những cái tên mà tôi từng vương vấn, ở lại sao sau lưng. Dù rằng đây là lần thứ tư tôi trở lại Cần Thơ. Dù rằng đây không phải là nơi tôi được sinh ra, nhưng đã cho tôi nhiều kỷ niệm ở tuổi đôi mươi đầy sóng gió cuộc đời. Sau Cần Thơ là Vĩnh Bình, Trà Vinh, nơi tôi đã đổ nhiều nước mắt, mồ hôi thời trai trẻ. May mắn là tôi không có giọt máu màu thấm trên mãnh đất khô cằn, hoặc đầy dừa nước, bùn sình. Đâu cũng là quê hương. 15 giờ 30, xe về đến xa cảng Miền Tây. Anh em tạm chia tay.
Tổng kết chuyến du lịch, chi phí là 850.000
vnđ cho một người. Anh Hường lên xe buýt tuyến số 148 để về Phú Nhuận. Tôi lên
xe buýt tuyến số 10. Về đến khu du lịch Suối Tiên, tôi chuyển sang xe tuyến
150. Đến ngã ba Tân Vạn, tôi lên xe tuyến số 6 của BH để về nhà. Gia đình, con
cháu mừng rổ vì thượng lộ bình an, đồng hồ chỉ 18 giờ. Nhưng trong lòng tôi vẫn
còn vương vấn. Cô thôn nữ yêu kiều lứa tuổi mười tám đôi mươi, bên kia sông nơi
trụ sở ủy ban xã năm xưa, có lòng cảm mến anh lính trẻ, có gửi cho tôi vài lá
thư với nét chữ ngệch ngoạt khi tôi về đến quân trường, không biết bây giờ thế
nao? Phan thị Uốt, cái tên dễ thương, môc mạc chân quê, giờ nầy em ở nơi đâu?
Giọt nước mắt nóng lăn dài trên má, như tuổi Xuân tôi sống lại. Vì tôi gặp em
lúc mùa Xuân binh lửa và bây giờ trời đang vào Xuân. Thời điểm nầy của 40 năm
về trước, bạn bè chúng tôi đang ở quân trường chờ lệnh ngưng bắn. Còn bây giờ,
Uốt của tôi đâu?
Đỗ Công Luận
14/12013
14/12013
No comments:
Post a Comment