Những người xa quê hương như chúng ta, mỗi lần nghe một tiếng đàn bầu nỉ
non, một giọng hò khoan nhặt hay một câu vọng cổ thiết tha, không khỏi
bùi ngùi, có khi rơi lệ thổn thức nhớ đến quê hương. Người lớn lên sống
suốt đời với quê hương, ít khi nhìn thấy quê hương đẹp đẽ, chỉ những
người đi xa trở lại như câu chuyện “chốn quê hương đẹp hơn cả” trong
sách giáo khoa thư với câu nói quen thuộc “tôi đã đi du lịch ở nhiều
nơi, nhưng không nơi nào đẹp bằng quê hương!” mới thấy quý thương quê
hương. Chúng ta, những người đã bỏ quê hương ra đi trong nhiều năm, có
người thề không bao giờ trở lại quê hương khi ở đó còn chế độ Cộng Sản
còn chế ngự lên đầu lên cổ nhân dân, thì lại thương nhớ quê hương biết
chừng nào, vì đây không phải là “xa quê hương” mà là “mất quê hương”.
Đối với những người đang bước tới tuổi xế chiều, thì tiếng gọi quê hương
còn thúc giục mãnh liệt hơn nữa, nung nấu tấm lòng, trăn trở qua những
đêm không ngủ, khi gặp phải những cảnh trái ngang không vừa lòng, khó
hoà nhập ví cuộc sống mới, bất mãn vì những việc riêng tư, buồn việc gia
đình, hay vì cách đối xử của con cái.
Chúng ta thử tưởng tượng
hình ảnh một chiều mùa đông giá buốt ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, một người
già ngồi trong cửa sổ nhìn tuyết rơi mà lòng nhớ đến quê hương xót xa
biết chừng nào. Mà không phải chỉ nơi đó, ngày nay ở Nga Xô, Trung Quốc,
Úc Đại Lợi, Âu Châu và cả những miền nắng cháy Phi Châu, đâu cũng có
người Việt xa xứ thương nhớ quê hương.
Ngày xưa thuở thanh bình,
một người ở ngay trên quê hương của mình, trưa nghe “một tiếng gà trưa
gáy não nùng” đã thấy buồn, gợi nhớ đến dĩ vãng. Bạch Cư Dị mới bị đày
đi Giang Châu cùng trong một nước Trung Quốc, một đêm nghe tiếng đàn tỳ
trên sông, nghe lời tâm sự của một nàng ca kỷ lưu lạc mà đã “lệ ai chan
chứa hơn người, Giang Châu Tư Mã đượm màu áo xanh”. Huống gì ta, nơi
chân trời góc bể, xa quê hương nghìn dặm đường mà với những khoảng cách
không bao giờ làm ngắn lại được, sẽ đau lòng biết bao nhiêu? Người về
lại với quê hương thì cũng chừng ấy người với những lượt đi về thường
trực tiếp nối, người không muốn về với quê hương thì chưa về. Người sống
xa quê hương như cây trồng trong chậu, có lẽ dù tưới bón tới đâu thì
gốc rễ vẫn không nằm sâu trong đất.
Chúng ta có bao nhiêu điều
xót xa vì tình cảnh ly hương như thế mà phải cam chịu, nhưng lòng ta
không bao giờ là không nghĩ, nhớ đến quê hương. Như vậy quê hương phải
chăng là tiếng gọi sâu kín nhất trong lòng mỗi người, để những lúc yếu
lòng vì ngoại cảnh, một đám mây “hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”, hay
một làn khói trên sông “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” mà nhớ
nhà, nhớ nước.
Quê hương và quá khứ đã gắn liền với nhau, vì
chúng ta đã có đoạn thời gian quá dài gắn bó với quê hương, dù nghèo
đói, chiến tranh. Bỏ quê hương bao giờ cũng là điều bất đắc dĩ. Phải
chăng quê hương là chỗ yếu lòng người ly hương, chỗ “gót d’ Achille” của
mỗi một chúng ta nên chế độ ở trong nước luôn luôn tìm cách đánh vào
chỗ yếu ấy, chỗ tình cảm sâu khuất nhất trong lòng mỗi người.
Lâu
nay chúng ta thấy bao nhiêu lời mời gọi từ trong nước, quanh quẩn trong
hai chữ “quê hương”. Nhẹ nhàng thì phong cảnh quê hương, ca nhạc dân
tộc, thực tế và đôi khi thô thiển hơn thì Saigon ăn chơi, Vũng Tàu du
hí, Hà Nội hoa hậu, tinh tế mời gọi hơn thì “duyên dáng Việt Nam”,
“Festival Huế”. Ai lại không muốn về với quê hương, nghe giọng thổ âm
thân quen, ăn món ngon quê hương quen miệng từ ngày thơ ấu, đi lại trên
con đường làng quen thuộc sau suốt một cuộc đi dài, nhất là khi mái tóc
đã hoa râm, tấm thân đã mệt mỏi. Có bao nhiêu người đã trở về, mỗi năm
một đôi lần, khi chúng ta đã muốn đi thì có biết bao động lực và lý do,
xây lại nấm mồ cha mẹ, làm lại ngôi nhà thờ, làm lễ mãn tang, chúc thọ
người thân... Việt Nam hiện nay rẻ của, rẻ người, đồng đô la có thể làm
biến dạng một ông già thành người trai trẻ, một người sống trong lãng
quên thành một hoàng tử giữa một cung đình.
Người ta nói rằng
“Duyên Dáng Việt Nam” là một chương trình nghệ thuật hoàn toàn không
mang một sự tuyên truyền chính trị nào, nó không có cờ đỏ, không có hình
ảnh lãnh tụ hay khẩu hiệu tuyên truyền. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu
rằng nó đã được nhà nước công phu tuyển chọn những giai nhân tuyệt sắc,
những y phục đẹp nhất, những kỹ thuật mới mẻ nhất, công phu dàn dựng và
một ngân khoản lớn không tiếc tiền trong khi dân tình còn đói khổ, chế
độ còn bất công và áp bức còn đầy rẫy. Họ đến đây hẳn không vì lý do
thương mãi hay để mua vui cho “núm ruột thân thương nghìn dặm”? Quả là
viên thuốc “quê hương” bọc đường ngọt ngào như những dòng thơ của Nguyễn
Trung Quân.
Trên thế giới này có hằng trăm triệu con người có
tự do để chọn một nơi khác làm quê hương của mình. Sau ngày 20 tháng
7-1954, một triệu người miền Bắc đã đến miền Nam “xin nhận nơi này làm
quê hương”. Sau ngày 30 tháng 4-1975, gần ba triệu người Việt đi tìm một
quê hương khác trên khắp quả địa cầu. Dù ai cũng biết “quê hương là
chùm khế ngọt”, biết rằng “quê hương mỗi người chỉ một” người ta vẫn đi
tìm một quê hương khác để khỏi nếm phải chất chua của chế độ. Bây giờ
hầu hết xem quê nhà như một nơi du lịch, đến và ra đi như một người
khách lạ. Ở những quê hương thứ hai này, con người rõ ràng đã “lớn nổi
thành người”, thứ con người tử tế, có nhân cách, không biết xảo trá hay
chiều chuộng ai. Quả đất tròn, nên đi hết biển có thể trở lại nơi khởi
hành, tuy vậy con cá hồi, con chim én còn chọn mùa, chọn vùng biển, vùng
trời, huống gì con người.
Tuy vậy rồi tất cả, đều trở lại nơi
không phải là quê hương của mình mà cảm thấy bình yên như chính ở quê
hương. Nghe mà xót xa thay khi bà con chúng ta đi Việt Nam lúc trở về
nơi “ăn nhờ ở đậu” lại có cảm tưởng “trở về nhà”.
“Dù ai nói
ngọt nói ngon”, dù ai đem “núm ruột ngàn dặm” chiêu dụ thì quê hương vẫn
là quê hương, nhưng xin hẹn một ngày về chưa phải là hôm nay, và hy
vọng của chúng ta sẽ không bao giờ tàn lụi.
Huy Phương
No comments:
Post a Comment