Bài viết của một tác giả người Trung Quốc
Mới đây, bài viết có tiêu đề “Người
Trung Quốc không đọc sách khiến người ta quan ngại” của một kỹ sư người
Ấn Độ rất nổi tiếng trên mạng. Anh ấy cho rằng có lẽ không nên chỉ trích
quá nặng nề về vấn đề này. Thế nhưng, tôi lo lắng rằng nếu cứ kéo dài
như thế này thì tương lai của Trung Quốc có thể sẽ phải ‘trả giá’ vì
điều này.
Trên
chuyến bay đến Thượng Hải, chính vào thời gian nghỉ ngơi trong chuyến
bay dài, đèn trong khoang máy bay đã tắt, tôi đã rất ngạc nhiên khi phát
hiện ra rằng về cơ bản thì những người không ngủ mà chơi iPad đều là
người Trung Quốc, và họ đều đang chơi game hoặc xem phim, chẳng có ai
đọc sách cả. Cảnh tượng này cứ lưu lại mãi trong đầu tôi. Thật ra, lúc
đợi máy bay ở sân bay Frankfurt, tôi có chú ý thấy các hành khách người
Đức đa phần đều yên tĩnh đọc sách hoặc làm việc. Hành khách Trung Quốc
thì đa phần hoặc mua sắm, hoặc nói cười lớn tiếng và so sánh giá cả.
Hầu như
người Trung Quốc hiện nay có hơi thiếu kiên nhẫn khi ngồi yên tĩnh đọc
một quyển sách. Có một lần tôi và một người bạn Pháp cùng đợi xe ở ga xe
lửa Hồng Kiều, người bạn này lần đầu tiên đến Trung Quốc bỗng hỏi tôi: “Vì sao người Trung Quốc đều gọi điện thoại hoặc chơi game vậy, không có ai đọc sách cả à?”.
Tôi nhìn lướt qua, quả thật là như vậy. Mọi người đều đang gọi điện
thoại (nói chuyện lớn tiếng), cúi đầu gửi tin nhắn, lướt weibo hoặc chơi
game. Hoặc bận rộn một cách ồn ào, hoặc bận rộn một cách cô độc, chỉ
có sự yên tĩnh hoàn toàn là thiếu thôi.
Theo
truyền thông đưa tin, trung bình một năm người Trung Quốc đọc 0,7 quyển
sách, so với người Hàn, Nhật, Nga lần lượt là 7 quyển, 40 quyển và 55
quyển thì số lượng sách mà người Trung Quốc đọc ít đến mức đáng thương.
Tại khắp
các thành phố cho đến thị trấn lớn nhỏ ở Trung Quốc, ngành công nghiệp
giải trí phát triển nhất chính là các khu mạt chược và quán net, một thị
trấn nhỏ hơn 10.000 người có 10 khu mạt chược và 5 đến 6 quán net là
chuyện bình thường. Người trung niên và lớn tuổi thì chơi mạt
chược, thanh niên thì lên mạng còn thiếu niên và trẻ nhỏ xem TV. Đời
sống giải trí của người Trung Quốc hầu như gắn liền với mạt chược, lên
mạng và xem TV.
Dù ở
quán net hay phòng máy ở trường đại học thì chúng ta đều có thể nhìn
thấy đa số mọi người đều đang chơi game, một phần thì chat. Số học sinh
tìm tài liệu hoặc đọc sách trên mạng hay trong thư viện ít còn hơn cả
ít. Còn lãnh đạo các bộ phận, cả ngày bận rộn đối phó với các loại kiểm
tra, xã giao, tiệc tùng, việc đọc sách đã trở thành việc riêng của người
đi học rồi, mà có lẽ có rất nhiều học sinh cũng chẳng đọc sách nữa.
Việc này quả thật khiến người ta phải lo lắng!
Người
Trung Quốc không thích đọc sách có 4 nguyên nhân: Một là tố chất văn hóa
của người dân ngày nay là kém. Hai là từ nhỏ không rèn luyện thói quen
đọc sách. Ba là lối “giáo dục đối phó” khiến trẻ em không có thời gian
và tinh thần để đọc sách ngoài bài học. Bốn là càng ngày càng thiếu sách
hay.
Tác phẩm
“Xã hội IQ thấp” của bậc thầy quản lý người Nhật Kenichi Ohmae đã vô
tình chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của người Trung Quốc. Ông có viết
rằng: Khi đi du lịch ở Trung Quốc, tôi nhận ra rằng khắp phố xá đều là
tiệm mát xa, còn tiệm sách thì rất ít, trung bình mỗi ngày người Trung
Quốc đọc sách chưa đến 15 phút, số lượng sách trung bình một người đọc
cũng chỉ chiếm một phần mấy chục so với người Nhật, Trung Quốc là “quốc
gia IQ thấp” điển hình, tương lai hoàn toàn không có hy vọng trở thành
một nước phát triển.
Trên thế
giới này có hai quốc gia thích đọc sách nhất, một là Israel, hai là
Hungary. Trung bình một năm người Israel đọc 64 quyển sách. Khi trẻ em
vừa biết nhận thức, hầu như người mẹ nào cũng đều nghiêm túc nói với con
mình rằng trong sách cất giấu trí tuệ quý báu hơn rất nhiều so với tiền
bạc hay kim cương, và trí tuệ là thứ mà không có bất cứ ai có thể cướp
đi được.
Người Do
Thái là dân tộc duy nhất không có người mù chữ trên thế giới, ngay cả
người ăn xin cũng không thể không có sách. Trong mắt người Do Thái, yêu
thích đọc sách không chỉ là một thói quen, mà là một phẩm chất đạo đức
tốt đẹp mà con người cần có. Lấy một ví dụ điển hình nhất đó là vào
“ngày Sabbath”, tất cả người Do Thái đều phải dừng mọi hoạt động buôn
bán và giải trí, các cửa hàng, quán ăn, khu vui chơi đều phải đóng cửa,
phương tiện công cộng cũng dừng lại, ngay cả các chuyến bay cũng dừng
bay, mọi người chỉ ở nhà cầu nguyện vào “ngày Sabbath”. Thế nhưng có một
việc đặc biệt được cho phép đó là tất cả các cửa hàng sách trong cả
nước đều được mở cửa. Đây cũng là ngày có nhiều người đến tiệm sách
nhất, mọi người đều yên tĩnh đọc sách ở đó.
Quốc gia
còn lại là Hungary, diện tích lãnh thổ và dân số của đất nước này đều
không đến 1/100 Trung Quốc, thế nhưng họ lại có gần 20.000 tiệm sách,
trung bình mỗi 500 người có một cái thư viện, còn nước tôi thì trung
bình 459.000 người mới có một cái thư viện. Hungary cũng là nước có
nhiều người đọc sách nhất trên thế giới, số người đọc sách mỗi năm lên
đến hơn 5 triệu người, chiếm hơn ¼ dân số.
Tri thức
chính là sức mạnh, tri thức chính là tài nguyên. Một quốc gia chủ
trương học tập bằng cách đọc sách đương nhiên sẽ thu về được nhiều kết
quả tốt. Người Israel tuy dân ít nhưng có rất nhiều nhân tài. Lập quốc
tuy không lâu, nhưng có đến 8 người được giải Nobel. Môi trường ở Israel
khắc nghiệt, đa phần lãnh thổ là sa mạc, nhưng Israel đã biến nước mình
thành ốc đảo trên sa mạc, trồng trọt lương thực không chỉ đủ cho nước
mình ăn mà còn không ngừng xuất khẩu sang nước khác.
Còn
Hungary có 14 người từng được giải Nobel về vật lý, hóa học, y học, kinh
tế, văn học, hòa bình v.v…. Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì Hungary xứng
đáng là “quốc gia Nobel”. Họ có rất nhiều phát minh, có thể nói là
không đếm xuể, từ những dụng cụ nhỏ cho đến các sản phẩm tiên tiến. Một
quốc gia nhỏ bé, vì thích đọc sách mà có được trí tuệ và sức mạnh, nhờ
đó mà biến chính mình thành “nước lớn” khiến người khác không thể không
phục.
Còn nhớ
có một học giả từng nói: Quá trình phát triển tinh thần của một người là
quá trình đọc sách của người đó, còn ranh giới tinh thần của một dân
tộc ở một mức độ nào đó được quyết định ở mức độ đọc sách của cả dân tộc
đó. Một xã hội rốt cuộc là phát triển hay thụt lùi thì phải xem nguồn
rễ của việc đọc sách có sâu hay không, những người đang đọc sách, đọc
những quyển sách gì quyết định tương lai của một quốc gia. Đọc sách
không chỉ ảnh hướng đến cá nhân, mà còn tác động đến cả dân tộc, cả xã
hội. Phải biết rằng: Một dân tộc không thích đọc sách là một dân tộc
đáng sợ; một dân tộc không thích đọc sách là một dân tộc không có hy
vọng.
Hành lý duy nhất mà Napoleon mang theo chính là sách. Sách chính là sức mạnh!
Khi rảnh rỗi hãy đến thư viện, chứ đừng đến rạp phim hay đi dạo phố!
(Bài viết chỉ là lập trường và quan điểm cá nhân của người viết)
Theo Secret China
Ngọc Trúc biên dịch
Theo Secret China
Ngọc Trúc biên dịch
No comments:
Post a Comment