Thursday, October 12, 2017

Cố Tiến sĩ Alan Phan: Sự Điên Cuồng Của Những Con Lừa Thời Đại Mới


Điều bất hạnh lớn nhất của một người, chính là cả đời không nhận thức được bản thân mình. Nếu như không biết mình là ai, đang ở vị trí nào, thì sẽ dẫn đến những ảo tưởng, mà đã ảo tưởng tất sẽ lầm đường, vỡ mộng.

Cố Tiến sĩ Alan Phan, một doanh nhân thành đạt và là một chuyên gia được giới kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao, là khách mời của nhiều chương trình truyền hình, báo chí. Ông cũng có rất nhiều những bài viết hay, phản ánh tình trạng của xã hội khiến người ta phải suy ngẫm.

Bài viết “Những con lừa của thời đại mới” của Tiến sĩ Alan Phan đã phản ánh chân thực xã hội hiện nay, khi mà rất nhiều “con lừa” bị những mộng ảo “tiền – quyền” làm mê hoặc.
*****
Những năm đầu tiên khi làm cho Eisenberg, tôi thường được đi gặp những đại gia nổi tiếng của châu Á và Nam Mỹ. Thậm chí cả vài vị nguyên thủ quốc gia. Những lần như vậy, tôi rất phấn khích, tự hào và có thể nói là thích khoe khoang cùng các bạn đồng nghiệp, gia đình và đối tác. Một lần, ông chủ kéo tôi đi ăn trưa và kể cho tôi nghe một câu chuyện.

Có khu miền núi hẻo lánh ở Peru nơi một linh mục cai quản một giáo phận khá rộng nhưng chỉ có một nhà thờ nhỏ. Địa thế hiểm trở, các làng cách nhau quá xa, nên muốn thu hút con chiên, ông làm lễ sáng sớm Chủ Nhật tại nhà thờ trung ương, rồi chất tượng Chúa, thánh giá… lên lưng một con lừa và cùng đi bộ qua một làng khác cho lễ trưa, rồi một lễ tối tại một làng khác nữa.

Dọc đường, giáo dân đều cúi rạp người khi tượng Chúa đi qua. Con lừa rất khoái trá mỗi khi nhận được những thờ phụng và sùng bái. Cho đến một ngày, anh hàng xóm mượn con lừa của nhà thờ để qua một làng khác mua sắm. Vẫn con đường cũ, vẫn những giáo dân xưa… nhưng không ai buồn nhìn con lừa chứ đừng nói đến chuyện chấp tay lạy. Con lừa vỡ lẽ rằng không phải “con lừa” mà là hào quang của “tượng Chúa” đã tạo nên sự khác biệt.

Tôi tỉnh người và còn tỉnh hơn nữa, khi hết làm cho Eisenberg. Những cú điện thoại của tôi gọi đến cho các đại gia đã từng ca tụng và tiếp đãi thân thiết tôi trong những bữa tiệc, giờ đây đã không bao giờ được hồi báo. Con lừa lại trở thành con lừa.

Một điểm yếu của tuổi trẻ là hay nhầm lẫn những gì mình thực sự làm chủ và những gì do người khác nhờ mang dùm.

Trong một nền kinh tế mà mọi chuyện của xã hội đều được vận hành bởi “quan hệ với quyền lực” thì phần lớn con lừa đều mang chung một ảo tưởng về giá trị và thực chất của con người mình.
Với ngôn ngữ phương Tây, con lừa thường tượng trưng cho sự ngu xuẩn. Ở Việt Nam, chữ “lừa” còn mang thêm vài thâm ý: mong là cái bề ngoài nhờ quyền lực có thể làm mù mắt người ngoài hay “lừa” chính mình về giá trị thực sự của bản thân.

Một thí dụ gần đây là Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai của Trung Quốc. Với tài sản thâu tóm khoảng 25 tỷ đô la cho 2 gia đình và một vị thế chính trị gần như tuyệt đối vì nắm bộ máy công an và tuyên truyền, hai ông là hai đỉnh cao của xã hội lừa. Bây giờ, con lừa lại trở thành… con lừa, và đã bị hy sinh.

Gần đây, vì tuổi tác mình đã cao, nên tôi hay gặp những cựu quan chức về hưu sau một thời lừng lẫy. Họ vẫn còn nhiều hoang tưởng về quyền lực, về trí khôn, về ảnh hưởng…Cũng may là phần lớn đã “hạ cánh an toàn”, giấu giếm được ít nhiều tiền bạc và tài sản, nên cũng còn điếu đóm vây quanh. Mất đi những thứ này thì họ sẽ chỉ biết cam phận như hàng chục triệu con lừa họ đã sinh sản ra suốt vài chục năm qua.

Doanh nghiệp cũng không khác gì hơn con người. Lợi nhuận tạo ra từ những phi vụ dựa trên quan hệ với quyền lực thì không thể nào bền vững hay đem ứng dụng vào một môi trường kinh doanh khác.

Tôi gặp vài đại gia Trung Quốc và Việt Nam, sau khi bị thất sủng và mất tài sản, thu góp vài chục triệu đô la qua Mỹ tìm đường làm ăn. Họ cũng năng động và cố gắng nhưng họ nhận rõ rằng kỹ năng và kinh nghiệm của họ không thích hợp (nói nôm na là không có quan chức Mỹ nào chịu chống lưng để cùng đi đường tắt); nên cuối cùng, họ đem tiền quay về nước hay tìm đến những xứ xa xôi tận châu Phi hay Trung Đông nơi “phong bì” vẫn là một văn hóa.

Cái giá trị thực của một doanh nghiệp (như con người) là những tài sản mềm: sáng tạo, thương hiệu, uy tín, thị phần, cách phục vụ khách hàng, sản phẩm chất lượng, công nghệ cao, đội ngũ quản lý. Không phải vài miếng đất cướp từ nông dân hay nhà máy xây bằng tiền OPM (other people’s money – tiền người khác) của ngân hàng qua các định giá giả tạo.

Một quốc gia cũng có những giá trị tương tự. Nếu một chế độ không đặt nền tảng dựa trên hạnh phúc thực của người dân, đo lường bằng thu nhập và tự do; nếu một chế độ không coi trọng danh dự, trung thực và minh bạch; mà chỉ dựa trên quyền lực đàn áp, nhất là từ chỉ thị của nước ngoài thì con lừa quốc gia sẽ tụt hậu lần lần cho đến một ngày “tượng lãnh đạo” không còn chất thánh. Và con lừa lại trở thành con lừa.

TS. Alan Phan

No comments:

Post a Comment