Tại Quán Biển Xanh của Thị Trấn Songkhla, Thi Thi một mình đứng dựa
vào lan can, mắt dõi nhìn ra phía biển xa xa. Bán Ðảo Malay nhô dài ra
phía biển, xanh rợp những hàng dừa trông tựa như mũi của một con cá sấu.
Buổi chiều, từng đoàn ghe, tàu ra vô làm cho cửa biển thật chộn rộn
nhưng Thi Thi thì cứ vẫn đứng yên như thể tâm hồn phiêu bạt nơi đâu. Với
kiến thức và suy tính của nàng, nàng nghĩ rằng việc tìm kiếm tông tích
mẹ dù khó khăn nhưng không phải không hy vọng. Nhưng đến nay thì nàng
cảm thấy tình thế hầu như tuyệt vọng cho nên hai giọt lệ tự nhiên lăn
dài trên khóe mắt. Xót xa nghĩ đến mẹ, nàng nhắm nghiền đôi mắt và… ký
ức kinh hoàng của chín năm về trước một lần nữa lại hiện về.
…..Năm 1978, Thi Thi còn là một cô bé muời hai tuổi theo cha mẹ vượt
biên ở cửa biển Vũng Tàu – Bà Rịa. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, tàu
của Thi Thi gặp hải tặc Thái Lan và một màn cướp bóc dã man diễn ra. Mẹ
Thi Thi bị hải tặc dẫn đi cùng với mấy cô gái khác. Sau khi ăn hàng
xong, bọn hải tặc bỏ đi và thuyền của Thi Thi mấy ngày sau may mắn tắp
vào được Đảo Bi Ðông. Vì quá nhớ thương vợ, hơn thế nữa ông bị kiệt lực
vì chuyến vượt biển đầy gian nan, sóng gió, hãi hùng, ba của Thi Thi lâm
bệnh và qua đời trên đảo. Ông được đồng bào chôn ông ở trên một mỏm núi
đá nhìn xuống bãi biển. Thi Thi trơ trọi một mình, hằng tuần đều đến
thăm mộ ba. Thi Thi lượm lặt những hòn sỏi, những vỏ ốc nằm chơ vơ trên
cát về dát lên trên mộ thành hình những đóa hoa rồi thì thầm nói chuyện
với ba như những lúc ba còn sống. Thi Thi không bao giờ nghĩ rằng ba đã
chết… mà ông chỉ nằm yên nghỉ ở đây để chờ một ngày gặp lại mẹ Thi Thi –
người yêu quý nhất đời ông.
Trong thời gian Thi Thi còn tá túc ở trại chuyển tiếp Sungei Besi –
Mã Lai thì tại một khu ngoại ô của thành phố Los Angeles – California,
ông bà Brown đang chăm chú đọc một bản tin của cơ quan USCC kêu gọi các
nhà hảo tâm Hoa Kỳ đứng ra bảo trợ các gia đình tỵ nạn Ðông Dương mệnh
danh là Boat People. Ông Brown là kỹ sư trưởng của một hãng điện tử, còn
bà Brown là giáo sư tại một Ðại Học Cộng Ðồng. Năm ấy ông bà khoảng bốn
mươi tuổi. Ông bà rất chú ý đến trường hợp của Thi Thi bởi hai lý do:
Ông bà lấy nhau đã mười năm nay mà không có con cái gì. Ngoài ra ông còn
là một cựu chiến binh trước phục vụ tại Việt Nam. Năm 1967 phi cơ của
ông bị bắn rớt ở Bình Long nhưng ông được một bé gái trạc tuổi Thi Thi
chỉ đường cho ông chạy trốn ra quốc lộ cho nên ông còn sống sót tới ngày
nay. Nhìn hình ảnh Thi Thi trong bản tin của cơ quan USCC, ông nhớ lại
kỷ niệm xưa và có ý muốn nhận nuôi Thi Thi để đền ơn một cô bé Việt Nam
nào đó mà ông không bao giờ biết tên tuổi.
Vừa nhận bảo trợ, vừa nhận làm cha mẹ nuôi Thi Thi, hai ông bà lại có
hai quan niệm khác nhau về cách xây dựng cuộc đời cho Thi Thi. Bà Brown
thì muốn Thi Thi sớm quên đi quá khứ đau buồn để hội nhập vào xã hội
mới và dĩ nhiên tạo lập cuộc đời mới trên quê hương mới cho nên bà muốn
Thi Thi trở thành một bác sĩ. Còn ông, ông lại có quan niệm và một chủ
đích khác. Ông muốn Thi Thi đừng đánh mất bản sắc của mình vì Việt Nam
cũng là mảnh đời khó quên của ông. Vả lại, mẹ Thi Thi dù bị hải tặc bắt
đi nhưng chưa chắc đã chết… may đâu? Cho nên khi Thi Thi tốt nghiệp
trung học ông đã thuyết phục bà cho Thi Thi học ngành báo chí tại
U.C.LA. Khi Thi Thi được hai mươi mốt tuổi và cũng là lúc nàng tốt
nghiệp bằng Cử Nhân, do sự quen biết ông xin cho Thi Thi làm phóng viên
của tờ Los Angeles Tribune. Năm sau, đích thân hai ông bà đến gặp ông
tổng biên tập, trình bày về trường hợp của Thi Thi, cái gì xảy đến cách
đây chín năm và xin tờ Los Angeles Tribune đứng ra bảo trợ cho một cuộc
tìm kiếm người đàn bà xấu số… tức mẹ của Thi Thi. Sự việc được trình lên
Hội Ðồng Quản Trị và Ban Quản Trị nhận thấy đây vừa là vấn đề nhân đạo
vừa là dịp điều tra sâu rộng về những hành vi tàn bạo của cướp biển Thái
Lan nên đã đồng ý bảo trợ.
Tuy nhiên sắp xếp cho chuyến đi không phải chuyện dễ dàng. Nếu sơ hở,
sinh mạng người đi điều tra lâm nguy đã đành mà cướp biển có thể thủ
tiêu người đàn bà để phi tang. Cuối cùng thì người ta đã đồng ý với nhau
về một kế hoạch. Tờ Los Angeles Tribune loan tin bảo trợ cho một cuộc
khảo cứu sinh vật học dưới biển ở Thái Lan và cần tuyển một người cho
công tác này. Bài báo loan đi được nửa tháng thì một thanh niên tới
trình diện. Chàng tên Peter, tốt nghiệp Hải Dương Học và đang phục vụ
tại Ðại Học Stanford. Năm nay chàng hai mươi bốn tuổi, đẹp trai, thông
minh, khoẻ mạnh, hoạt bát, thích phiêu lưu mạo hiểm nhưng chưa có dịp.
Sau cuộc phỏng vấn, Peter được gặp Thi Thi để nghe nàng nhớ lại, kể lại
tất cả những gì đã xảy ra cho gia đình mình cách đây chín năm. Sau hơn
một tháng tập lái tàu, nghiên cứu phong tục tập quán, bờ biển các khu
vực đánh cá trong Vịnh Thái Lan nhất là khu vực Songkhla. Ðể an toàn cho
chuyến đi, Peter và Thi Thi được đưa qua Sydney rồi mới đáp máy bay đi
Bangkok như thể một cặp tình nhân đến từ Úc Châu.
Tại Bangkok, Peter có người cậu làm tùy viên văn hóa của Tòa Ðại Sứ
Hoa Kỳ tại Thái Lan. Peter đến thăm cậu và nói rõ mục tiêu của chuyến
đi. Nghe xong câu chuyện ông cậu rất xúc động nhưng cũng khuyên cháu nên
hết sức cẩn thận vì hành tung của cướp biển Thái Lan lúc ẩn lúc hiện và
khi bọn chúng đã ra tay thì hết sức tàn bạo. Ông giới thiệu cho Peter
một một thám tử tư người Thái Lan tên Surat trước đây vốn sinh trưởng ở
vùng Songkhla cho nên không một ngõ ngách nào của Songkhla mà Surat
không biết. Sau khi nghe trình bày sự thể, Surat vui vẻ nhận lời cộng
tác vì theo anh bản tính dân Thái Lan vốn hiền hòa, cướp biển chỉ là
thiểu số đi ngược lại bản tính đó và làm hoen ố danh dự của dân tộc Thái
Lan. Surat năm nay ngoài ba mươi tuổi nói tiếng Anh rất lưu loát. Surat
da nâu nâu, thân hình khỏe mạnh có bộ râu mép giống Clark Gable và lúc
nào cũng vậy – do méo mó nghề nghiệp anh ta luôn luôn mang kính đen và
khẩu súng lục trong người. Do tính chất nguy hiểm của chuyến đi, Surat
khuyên Peter nên đem theo súng và anh ta đã dùng giấy phép của hãng thám
tử tư của chính anh để cấp giấy đeo súng cho Peter.
Là người kinh nghiệm, tế nhị và cũng để thử tài Peter trong chuyến
“hành hiệp”, trước tiên Surat để Peter quyết định về kế hoạch hành động.
Peter bàn với Thi Thi và Surat là nên đến Hội Ngư Phủ Songkhla để dò la
tin tức. Qua sự thông dịch, Surat giới thiệu với ông Chủ Tịch Hội Ngư
Phủ, Peter và Thi Thi là hai nhà nghiên cứu Hải Dương Học muốn tìm hiểu
về tiềm năng đánh cá của vùng Songkhla, nhất là những con tầu thường
đánh cá ở Vịnh Thái Lan. Peter lý luận rằng theo tài liệu của Liên Hiệp
Quốc thì các con tàu tham dự vào các chuyến cướp biển đều là tàu gỗ, có
khả năng đánh cá xa bờ khoảng 100 hải lý, làm ăn theo lối gia đình, ít
mướn nhân công bên ngoài. Nếu nắm được danh sách này thì ít ra cũng có
tài liệu để lần ra manh mối. Còn Surat thì giới thiệu mình là thông dịch
viên trước có du học ở Úc Châu. Là người hiếu khách, ngay tình, ông chủ
tịch đưa ra một danh sách dài dằng dặc bao gồm tên chủ tàu và các con
tàu hiện gia nhập hội của ông. Cầm bảng danh sách này trên tay Peter hỏi
làm sao phân biệt được tàu gỗ hay tàu sắt? Ông chủ tịch nói cái đó cũng
dễ thôi vì mỗi loại tàu đều có số mã riêng. Ðêm đó Peter ngồi một mình
với bản danh sách trong phòng riêng.
Sáng hôm sau chàng thú nhận với Thi Thi rằng cái danh sách này tựa
như một đám rừng chỉ làm chàng đau đầu thêm cho nên chàng đề nghị một kế
hoạch khác. Theo Peter thì khi hải tặc bắt được đàn bà, con gái nếu
không bán đi để làm gái điếm thì chúng cũng dấu trên các hoang đảo để
làm “áp trại phu nhân”. Do đó nếu dò thám các hoang đảo may đâu chẳng
tìm ra manh mối? Theo đúng đề nghị của Peter, cả ba đến gặp ông Giám Ðốc
Hàng Hải Songkhla để hỏi thăm tin tức, sưu tập bản đồ của những hòn đảo
nằm quanh khu vực. Ba người có lúc đi chung, có lúc đi riêng để dò la
các hòn đảo, mệt nhoài cả người nhưng cũng chẳng thêm chút ánh sáng nào.
Thấy hai kế hoạch cuả Peter không đem lại kết quả – cảm thấy đã đến
lúc trổ tài, Surat lý luận: Mục tiêu của đám cướp biển là cướp vàng bạc
vì chúng biết rằng người tỵ nạn Việt Nam khi vượt biên đều mang theo tài
sản vì họ cho rằng không bao giờ họ còn có cơ hội quay lại Tổ Quốc nữa.
Một khi tóm được vàng bạc, có khi là vàng lá, kim cương, nhẫn vàng,
khuyên vàng… bọn chúng có thể đem bán cho các tiệm vàng ở Thị Trấn
Songkhla để lấy tiền chi dùng, ăn nhậu hoặc để bao gái nhất là để đánh
bạc. Do đó Surat đề nghị hai người tạm nghỉ ở nhà để Surat đi xuống khu
Trung Tâm của Songkhla. Tại đây Surat tìm đến một người bạn tên Sok, sau
khi cha về hưu, anh ta hiện nối nghiệp cha làm chủ một tiệm vàng. Sau
khi tốt nghiệp trung học tính ra có đến mười mấy năm hai người không gặp
nhau. Tối đó Sok rủ Surat đi nhà hàng để hai bên ăn nhậu, hàn huyên cho
thỏa thích. Trong lúc rượu đã ngà ngà, Surat hỏi Sok xem cách đây
khoảng chín, mười năm Sok còn nhớ tên chủ tàu nào đến đổi chác vàng bạc ở
tiệm không? Sok cho biết đám dân chài luới mỗi lần trúng mùa họ thường
mua sắm vàng bạc, nữ trang, ăn nhậu dữ lắm còn chuyện đem vàng bạc đi
bán là chuyện bất thường, chỉ khi nào họ liên tiếp thất bại một, hai mùa
cá. Tuy nhiên, theo Sok thì có một trường hợp mà anh ta nhớ mãi là cách
đây khoảng chín, muời năm, chủ tàu Lươn Biển đã bán cho cha anh một mớ
nữ trang rất lớn mà theo anh không phải là loại làm ở Thái Lan. Bắt được
tin này, Surat hí hửng về thông báo cho Peter và Thi Thi hay. Sau đó
Surat quyết định để ra một tuần lễ liền, dùng ống nhòm quan sát cùng la
cà khắp bến cảng nhưng chẳng thấy bóng dáng con tàu Lươn Biển đâu cả.
Như thế là sau hai tuần lễ vất vả, cả ba vẫn chưa phăng ra một chút manh
mối nào về hải tặc và dĩ nhiên sự việc đó đã gieo vào lòng Thi Thi nỗi
niềm chua xót, hoang mang lẫn thất vọng.
* * *
Trong khi Thi Thi đang thả hồn mình về với quá khứ bi thương như thế
thì Peter từ trong quán bước ra. Nhìn thấy Thi Thi, chàng dừng lại.
Chàng không muốn làm kinh động, vừa để tôn trọng những giây phút riêng
tư của nàng… mà cũng để ngắm nhìn. Sau gần một tháng đi chung, ăn uống
chung và làm việc chung chưa bao giờ Peter thấy Thi Thi đẹp như vậy.
Chưa bao giờ hình ảnh của Thi Thi lại thu hút tâm hồn chàng đến như vậy.
Nắng và gió biển làm da Thi Thi đậm hơn một chút. Chiếc áo sơ-mi tay
dài và chiếc quần Jean càng làm tăng thêm vẻ đẹp khỏe mạnh của nàng. Mái
tóc dài bay lòa xòa truớc gió bao phủ lấy khuôn mặt Ðông Phương nhưng
thanh thoát làm Peter liên tưởng đến sự thủy chung – nền tảng của hạnh
phúc gia đình mà chàng đọc được nơi sách vở. Chính sự ngưỡng mộ và khát
khao đó lại là động cơ thúc dục chàng nhích chân đi tới. Nghe tiếng động
ở sau lưng, Thi Thi giật mình ra khỏi vùng hồi ức. Nàng quay lại và
không ngạc nhiên khi thấy Peter.
Tuy nhiên nàng vẫn đứng bất động và mắt
như nhìn vào cõi xa xăm. Peter chầm chậm tiến đến gần, đứng yên một hồi
lâu rồi mạnh dạn nắm lấy tay Thi Thi. Chàng nói:
– Anh hiểu nổi khổ đau của em. Nhưng anh linh cảm rằng chúng ta sẽ
thành công. Em sẽ gặp lại mẹ em trong chuyến đi này. Ðừng để tình cảm
làm suy yếu nghị lực của chúng ta. Nói xong chàng kéo tay Thi Thi và hai
bước tản bộ dọc theo bến cá.
Trong khi hai nguời đang sánh bước bên nhau thì Surat ngồi rầu rĩ bên
ly bia đã cạn. Anh toan lên tiếng gọi thêm chai nữa thì từ ngoài cửa
hai thanh niên bước vào. Nhìn vóc dáng, cách ăn mặc, cách nói năng ai
cũng phải nhận ra họ là dân chài lưới. Sau khi lớn tiếng gọi rượu và đồ
nhậu, họ ăn uống rất dữ tợn. Phút chốc họ đã ngà ngà và đúng là… rượu
vào lời ra. Một gã trong bọn nói:
– Mày có biết không trên đời này nhiều khi bố con giết nhau cũng chỉ
vì một con đàn bà! Một con đàn bà… Việt Nam mới tức cười chứ!
Gã kia, sau khi dằn ly bia xuống bàn, lè nhè hỏi:
– Mày nói lại tao nghe. Cha con giết nhau hả? Ðứa nào ngu vậy cà? Ð.M. có nói dóc không mày?
Sau khi cầm ly bia uống ực một hơi, gã lên tiếng đầu tiên nói tiếp:
– Thì cha con thằng cha chủ tàu… chủ tàu Lươn Biển chứ ai!
Nghe đến đây thì Surat như bị điện giật. Anh ta vội vã kêu thêm một
chai bia nữa uống để câu giờ và vểnh tai nghe. Khi hai gã đã dứt tiệc
nhậu, lảo đảo buớc ra ngoài và chia tay ở truớc quán thì Surat theo bén
gót gã lên tiếng đầu tiên mà sau này y xưng tên là Thom. Surat theo chân
Thom đến tận nhà và mua chuộc Thom bằng hai lạng vàng để được biết tung
tích con trai lão chủ tàu Lươn Biển.
Theo tin tức của Thom thì Uthai – con lão chủ tàu Lươn Biển, hiện y
đang chỉ huy con tàu Sóng Thần. Tàu của y thường lênh đênh nửa tháng
trời ngoài biển và có lẽ vài ngày nữa sẽ trở lại bến Songkhla để xuống
cá. Sau khi xuống cá y có thói quen ăn nhậu và kiếm gái ở Quán Giang Hồ.
Sau khi thu lượm được tin tức bằng vàng này, Surat hối hả quay trở lại
khách sạn để cùng Peter và Thi Thi lập kế hoạch bắt cóc Uthai vào lúc
chạng vạng tối.
Theo đúng dự trù. Thi Thi ăn mặc giả làm “cô gái bán hoa” quanh quẩn ở
quán Giang Hồ. Khi Uthai mặt đỏ gay, lảo đảo buớc ra ngoài thì Thi Thi
bước tới… liếc mắt đưa tình. Chính Uthai cũng hết sức ngạc nhiên không
hiểu tại sao bến Songkhla hôm nay lại có một đóa hoa tươi đẹp như vậy
cho nên y mê mẩn cả tâm thần và đưa tay ôm đại lấy Thi Thi. Mặc dù giận
căm gan và nhiều lúc muốn nôn oẹ vì mùi rượu nồng nặc từ miệng Uthai thở
ra. Thi Thi cũng phải cắn răng chịu đựng cho gã ôm ấp rồi dìu gã vào
một ngõ tối là nơi mà Peter và Surat đã phục sẵn. Khi gã còn đang lảm
nhảm mấy tiếng Thái có lẽ là “Anh anh…, em em” thì bằng quả đấm thôi sơn
ngay cằm, Peter quất gã quay lơ trong khi đó Surat nhanh tay chụp lên
mặt gã một chiếc khăn tẩm thuốc mê rồi hai nguời dìu nách gã xuống tàu
như thể hai người đang đưa một người bạn ăn nhậu say về nhà.
Dưới con tàu sắt mà ba người đã thuê, có trang bị đầy đủ Radar lẫn hệ
thống thông tin với Sở Cảnh Sát và Lực Lượng Duyên Phòng Songkhla,
Uthai bị trói gô vào một chiếc ghế sắt. Y khoảng ngoài ba mươi tuổi có
khuôn mặt vều lên như cái mâm, da mặt sần sùi như vỏ quít. Uthai mặc một
bộ đồ jean, cánh tay xâm trổ. Cả con người y tỏa ra một cái gì đó hết
sức thô lỗ, hiếu sắc và tục tằn. Khi tỉnh dậy, Uthai ngạc nhiên khi thấy
y bị trói thúc ké. Vài giây sau, có lẽ đã nhớ lại những gì xảy ra tại
Quán Giang Hồ, y trở nên vô cùng tức giận. Y quắc mắt hỏi:
– Các người là ai? Tại sao lại bắt ta?
Nói xong y gầm gầm, gừ gừ khiến bộ mặt sần sùi đen đủi của y càng
thêm hung dữ. Như một tay thẩm vấn nhà nghề cần ra tay trước để thị uy,
Surat xáng cho y một quả đấm ngay sống mũi khiến phải mất vài giây sau
mới có thể hoàn hồn. Ðợi cho y đã tỉnh táo, Surat chìa ra trước mặt y
một tấm hình bán thân cỡ 8×10 rồi gằn giọng hỏi:
– Mày có biết nguời này là ai không?
Uthai rõ ràng sửng sốt khi nhìn thấy tấm hình nhưng vẫn lắc đầu:
– Tôi không biết!
Tấm hình mà Surat đưa ra trước mắt Uthai không gì khác hơn là tấm ảnh
bán thân được rọi lớn của mẹ Thi Thi – một kỷ vật mà Thi Thi lưu giữ
chín năm qua. Trước cử chỉ ngang bướng của Uthai, Surat đưa mắt nhìn
Peter như để xin chỉ thị. Peter khẽ gật đầu. Một chiếc thùng nước được
lôi ra và Surat nhanh tay nắm lấy tóc Uthai nhận xuống. Chỉ ít giây sau
thì cái đầu của Uthai quậy lên dữ dội nhưng bàn tay cứng như sắt của
Surat vẫn cứ ấn xuống cho đến khi Uthai gần ngất xỉu thì Surat giật
ngược đầu của y lên, quắc mắt hỏi lần nữa:
– Bây giờ mày có biết người này là ai không?
Tới mức này thì bộ mặt thiểu não của Uthai khẽ gật gật. Thấy vậy Peter hỏi và Surat thông dịch ra tiếng Thái:
– Mày có biết cha mày hiện giờ ở đâu không?
Uthai dư sức thông minh để hiểu rằng nếu y nói “không” thì chắc chắn y
sẽ được cho “đi tàu thủy” một lần nữa cho nên lặng lẽ gật đầu. Thấy vậy
Peter liền nói:
– Bọn tao kỳ hẹn cho mày trong hai ngày. Nếu không tìm thấy tàu của cha mày thì mày sẽ được gửi đi “thăm Hà Bá” biết chưa?
Nói xong Peter chỉ vào quả tạ bằng sắt thật lớn có sợi dây xích nằm ở
một góc. Sau đó con tàu được nổ máy tiến ra cửa. Khi tàu đã ra khỏi cửa
biển thì Uthai được điệu lên boong và bị trói chặt vào cột tàu. Theo
lời khai của Uthai thì cha y hiện đang đánh cá tại toạ độ X. Ðánh cá
xong tàu của cha y mới quay trở về bến Songkhla cho nên đó cũng là lý do
tại sao Surat dò xét khắp nơi mà cũng chẳng thấy con tàu Lươn Biển đâu
cả.
Kể từ khi nhúng tay vào những vụ cướp biển và bắt được mẹ Thi Thi thì
Kamphaeng – cha của y đổi kế hoạch với mục đích giữ kín tung tích mẹ
Thi Thi. Thay vì cùng đánh cá chung rồi cùng về, Kamphaeng đổi sang lối
đánh cá xen kẽ. Khi con tàu của y sắp vào cửa thì con tàu của Uthai được
lệnh ra khơi. Khi hai tàu gặp nhau ở ngoài cửa thì mẹ của Thi Thi được
chuyển qua tàu của Uthai. Do đó khi tàu cặp bến với số người đông đảo
lên xuống cá, hoặc nếu có thanh tra kiểm tra tàu thì cũng chẳng có ai
nhìn thấy bóng dáng người đàn bà Việt Nam ấy cả. Do đó mà Kamphaeng đã
sống an toàn với mẹ Thi Thi suốt chín năm qua. Kamphaeng năm nay khoảng
ngoài năm mươi tuổi. Mặt mày y đen đủi, tóc quăn cháy, thân hình to lớn
và tỏa ra một cái gì rất man rợ. Y thường xuyên cửi trần, quấn chiếc
xà-rông màu đỏ và đeo lủng lẳng bên mình dao quắn cho nên trông y dữ tợn
như một hung thần.
Nhưng cũng chính vì cách dấu người như thế cho nên Uthai đã có cơ hội
gần gũi người đàn bà và dần dần trở nên say mê bà vì tính ra tới năm
nay bà mới khoảng bốn mươi lăm tuổi và bà trở nên một vương hậu giữa đám
thổ dân đánh cá đen đúa, xấu xí. Mới đầu thì lão hải tặc không biết.
Nhưng sau thì người của lão báo cáo là “đứa con bất hiếu” đã gian díu
với “phu nhân” của lão cho nên lão giận điên người và đã có lần rút dao
chém Uthai đúng như câu chuyện mà Surat đã nghe lén được ở Quán Giang
Hồ. Kể từ đó đến nay hai cha con trở thành hai kẻ tử thù và đều muốn
tránh mặt nhau.
Cũng theo lời khai của Uthai thì đã nhiều lần mẹ Thi Thi tìm cánh
trốn lên boong để lao mình xuống biển tự tử để sớm dứt cuộc sống nhục
nhã nhưng đều bất thành. Kể từ đó lão già hải tặc cấm không cho bà rời
khoang tàu. Và cứ như thế cuộc sống khổ đau của bà – khi thì phải “làm
vợ” lão hải tặc, khi thì phải “làm vợ” Uthai kéo dài đã chín năm trời
qua. Nghe Uthai kể đến đây thì Thi Thi khóc như mưa gió vì thương mẹ.
Còn Peter và Surat thì nghiến răng trèo trẹo vì căm giận loài cướp biển.
Theo đúng lời khai của Uthai, con tàu ra khơi đã được một ngày và một
đêm nhưng không thấy bóng dáng của con tàu đánh cá nào lảng vảng chung
quanh. Ðã có lúc Surat nóng nảy đề nghị quăng tên quỷ sứ này xuống biển
cho rồi nhưng Peter khuyên Surat nên kiên nhẫn thêm chút nữa.
Bây giờ thì trời đã hừng đông và mặt biển đẹp tuyệt trần. Tàu chạy
khoảng hai tiếng đồng hồ nữa thì một chấm đen xuất hiện ở hướng Ðông
Bắc. Uthai nói:
– Có thể đó là con tàu của cha tôi. Nếu đúng thì nó sơn màu đỏ đen và trên có lá cờ hình con lươn biển.
Nghe nói vậy tất cả đều nai nịt và ở tư thế sẵn sàng. Thi Thi trao
ống nhòm cho Peter. Duới sự điều khiển của Peter, Surat gia tăng tốc độ
hướng mũi tàu về phía con tàu Lươn Biển. Trong đầu Peter lúc này nảy ra
một kế hoạch thật táo bạo: Uthai được chụp lên đầu một tấm vải do đó khi
hai con tàu tiến đến gần nhau thì phía bên kia sẽ không nghi ngờ gì cả.
Khi hai con tàu đã áp sát vào nhau thì Thi Thi có bổn phận giữ tay lái,
còn Surat lanh lẹ giật giây trói và đẩy Uthai qua phía bên kia. Kế
hoạch diễn ra đúng như dự liệu. Trong khi đám người trên con tàu Lươn
Biển còn đang reo hò, vẫy gọi vì tưởng đó là con tàu thân thiện thì tàu
của Peter áp nhanh vào cạnh sườn. Sau khi giật giây trói cho Uthai,
Surat quát lớn:
– Nếu mày không chạy qua tao bắn nát óc ngay!
Trước tình thế nguy nan đó Uthai nghĩ nhảy qua con tàu Lươn Biển may
đâu y còn có cơ hội sống sót vì cha y có thể không nỡ xuống tay cho nên y
phóng mình qua như một con chim. Khi thấy một bóng người bất thần nhảy
qua, định thần nhìn kỹ lại thì lão hải tặc nhận ra đây là “đứa con quý
tử” của lão. Vả lại trong lúc sự việc xảy ra quá nhanh, lão nghĩ rằng
thằng con phản phúc đã rước cảnh sát đến đây bắt lão cho nên lão gầm lên
một tiếng:
– Ðồ thằng con bất hiếu!
Và lão vung con dao quắm chém xuống. Từ bên thành tàu nhảy qua, chưa
kịp giữ thăng bằng thì Uthai lãnh đủ nhát dao chém vào bả vai và y gục
xuống trên vũng máu.
Trong khi đó thì Peter và Surat đã phóng qua với hai khẩu súng lăm
lăm trên tay và một khung cảnh hỗn loạn diễn ra trên boong. Thấy tình
thế nguy cấp lão hải tặc tháo chạy xuống khoang và Peter bám sát theo
lão. Vì không quen đường lối xuống khoang tàu cho nên khi Peter xuống
tới bậc thang cuối cùng thì lão hải tặc đã biến mất ở cuối buồng cho nên
chàng phải dừng lại, dò từng bước, súng chĩa thẳng phía trước. Nhưng
khi Peter vừa mới tiến được vài bước thì một tiếng quát dữ dội vang lên:
– Bỏ súng xuống nếu không tao cắt cổ con mụ này!
Cùng với tiếng quát lão hung thần xuất hiện, một tay ôm ghì lấy người
đàn bà để làm khiên che đạn, còn tay kia lăm lăm chiếc dao quắm kề sát
cổ. Nguời đàn bà đang bị kềm chế đó không ai khác hơn là mẹ Thi Thi. Khi
Peter còn đang lưỡng lự thì một tiếng quát thứ hai vang lên. Peter hiểu
rằng nếu còn chần chừ thì sinh mạng của người đàn bà có thể lâm nguy
cho nên chàng đành làm theo lời lão hải tặc. Khi thấy chàng đã quăng
khẩu súng, lão hải tặc kéo sền sệt người đàn bà tiến về phía đó. Nhưng
vì lão chỉ có hai tay, một tay đã cầm dao quắm, một tay bận níu chặt
người đàn bà cho nên khi cúi xuống nhặt khẩu súng lão buộc lòng phải
chuyển con dao qua cánh tay kia. Giữa giây phút tử sinh quyết định này –
có lẽ mẹ Thi Thi quyết liều thân với tên cướp biển cho nên bà bật tung
cánh tay của y ra để chạy về phía Peter. Do bản năng, lão già nhoài
người ra để túm lấy mẹ Thi Thi. Quả đây là cơ hội bằng vàng cho nên
Peter nhào tới đá văng khẩu súng sang một bên. Thấy tình thế bất lợi,
lão già chém đại một nhát rồi phóng vội lên boong tàu. Khi Peter lượm
lại được khẩu súng, leo được lên boong thì Surat đang vật lộn với một
tên cướp biển còn Thi Thi cũng đã leo qua được thành tàu bên này. Nhưng
khi nàng vừa đứng yên trên hai chân thì lão hải tặc đã từ xa phóng tới.
Thấy lão nàng kinh hãi rú lên một tiếng rồi lao mình phóng chạy. Nhưng
khi chạy tới đuôi con tàu thì nàng hoàn toàn tuyệt lộ. Thi Thi không còn
đường nào khác hơn là hai tay ôm lấy mặt để chờ đợi lưỡi dao chém
xuống. Nhưng khi lưỡi dao vừa dơ lên thì Peter đã xuất hiện ở sau lưng
lão hải tặc. Chàng đưa súng lên và bóp cò. Nguời ta chỉ thấy lão kêu rú
lên một tiếng, quăng con dao quắm lên trời rồi lảo đảo ôm lấy bả vai
nhưng vẫn hung hãn lao về phía Thi Thi đang ngồi co rúm, lưng dựa vào
thành tàu. Rồi do đà hụt hẫng và cũng do tình cờ một con sóng mạnh ào
tới làm đuôi tàu hơi tròng trành cho nên lão già té nhào xuống biển. Khi
Peter chạy tới thì Thi Thi như người chết đi sống lại, nàng ôm chầm lấy
Peter. Giây phút sau nàng vừa thở hổn hển vừa hỏi:
– Có gặp mẹ em không? Mẹ em có sao không?
Peter gật đầu và lấy tay chỉ về phía cầu thang. Khi hai nguời chạy
tới thì Surat cũng đã hàng phục được tên cướp biển và từ dưới khoang tàu
một người đàn bà nhô lên. Ðó là một khuôn mặt Việt Nam nhưng lại quấn
một chiếc xà-rông và mái tóc đã phai màu sương khói. Vừa đặt chân lên
tới boong tàu bà hít một hơi dài rồi quỳ xuống, ôm mặt kêu rống lên:
– Trời Phật ôi! Bao năm qua con mới được nhìn thấy ánh mặt trời!
Trong khi người đàn bà còn đang quỳ lạy như thế thì Thi Thi nhào tới ôm chặt lấy bà rồi nghẹn ngào thốt lên:
– Mẹ ơi! Con là Thi Thi! Thi Thi là con đây!
Dường như hai tiếng Thi Thi là hai tiếng quá thân thương với bà cho
nên sau vài giây ngơ ngác bà ôm chầm lấy Thi Thi rồi khóc nức nở như một
đứa trẻ. Rồi bà vừa khóc vừa nói:
– Con là Thi Thi của mẹ đó hả? Tôi mơ hay tôi tỉnh đây? Thi Thi! Mẹ là mẹ của con đây! Ba của con đâu rồi Thi Thi?
Nói vừa dứt câu đó, vì quá xúc động bà ngã ra bất tỉnh.
* * *
Sau khi Surat liên lạc vô tuyến với Sở Cảnh Sát và Duyên Phòng
Songkhla đến để nhận con tàu Lươn Biển và còng tay đám cướp biển đã bị
hai người hàng phục, con tàu sắt trên đó có chở theo mẹ của Thi Thi rẽ
sóng quay trở lại bến cảng Songkhla. Ngày hôm sau bốn người đáp máy bay
trở về Bangkok và được xe của Tòa Ðại Sứ Mỹ đón tận phi trường. Ðêm đó
Peter và Thi Thi gọi điện thoại báo cho ông Tổng Biên Tập tờ Los Angeles
Tribune là chuyến công tác đã thành công.
Tuần lễ sau, do lời yêu cầu của mẹ Thi Thi, dưới sự giúp đỡ của Tòa
Ðại Sứ Hoa Kỳ, ba nguời giã từ Surat rồi đáp máy bay đi Kuala Lumpur.
Rồi từ Kuala Lumpur ba người lại đáp máy bay đi thị trấn Terengganu nằm ở
đông bộ Mã Lai. Chờ đợi ở đây một ngày, ba người được một giới chức Mã
Lai huớng dẫn xuống con tàu Blue Dart là con tàu duy nhất chở thực phẩm,
tiếp tế cho đồng bào tỵ nạn trên Đảo Bi Ðông.
Trên đường trở về đảo cũ, Thi Thi không nén đuợc xúc động. Nàng luôn
miệng kể cho mẹ và Peter nghe đoạn đường luân lạc mà nàng đã trải qua.
Khi ba người đặt chân lên đảo thì trời đã về chiều, cơn nóng nhiệt đới
đã giảm dần và bầu không khí dìu dịu. Nhìn những em bé gái mười một,
mười hai tuổi tức tuổi của Thi Thi cách đây chín năm đang xếp hàng lấy
nuớc, đang đứng ngơ ngác hoặc lấy tay vẫy khi có phái đoàn lạ viếng thăm
đảo, Thi Thi không cầm được nước mắt vì biết đâu trong số này chẳng có
những em mà cha mẹ đã bị hải tặc bắt đi. Cứ từng chặng, nàng lại chạy
tới ôm hôn mấy em bé và cho các em kẹo. Sau chín năm nhà cửa trên đảo Bi
Ðông đã tiều tụy đi nhiều nhưng Thi Thi vẫn còn nhớ con đường dẫn ra
nghĩa trang nằm trên một mỏm núi nhìn xuống bãi biển. Khi tiến tới trước
một nấm mồ, sau khi quan sát kỹ Thi Thi nói với mẹ:
– Ðây là mộ ba!
Khi Thi Thi vừa nói dứt câu thì Peter lanh lẹ đặt lên đó một bó hoa
mà ba người đã mua ở chợ Terengganu, còn mẹ của Thi Thi thì quỳ xuống và
bà gục mặt khóc trước nấm mồ. Không sao kiềm chế được xúc động, Thi Thi
cũng vừa ôm chặt lấy mẹ vừa bật khóc. Trước giờ phút linh thiêng này
Peter cũng lặng lẽ quỳ xuống bên cạnh hai người.
Không hiểu thời gian qua đi đã bao lâu. Khi cơn xúc động đã dịu dần,
Thi Thi dìu mẹ đứng dậy. Giờ đây đảo Bi Ðông đã về chiều và những cơn
gió mát rượi từ ngoài khơi lồng lộng thổi về. Trong khi mẹ Thi Thi đang
lo nhổ mấy ngọn cỏ dại và đắp lại mấy vỏ ốc đắp trên nấm mồ đã bị mưa
gió làm trôi đi, Thi Thi sau một ít phút tư lự, nàng nhìn vào đôi mắt
Peter nói:
– Giờ đây bao nhiêu hiểm nguy đã qua. Anh có muốn cùng em về để phụng dưỡng mẹ già không?
Trước đề nghị quá bất ngờ của Thi Thi, mặt Peter từ từ sáng rỡ lên như một đứa trẻ rồi chàng nắm chặt lấy tay Thi Thi nói:
– Ðó là niềm khao khát, là giấc mơ của anh. Em đã làm tròn bổn phận
với cha mẹ. Anh rất sung sướng được sống suốt đời bên người con gái hiếu
thảo như em!
Nói xong chàng ôm chặt lấy Thi Thi. Giây lát sau chàng xoay người Thi Thi ra mé biển rồi xúc động nói tiếp:
– Anh xin cám ơn em! Qua chuyến đi này anh đã học được một bài học mà
không một sách vở nào có thể nói hết đó là: chính khổ đau chứ không
phải hạnh phúc đã làm cho tình cảm con người lớn lên. Chính thảm kịch
Biển Ðông kia đã là một thử thách về nhân cách của con người. Cuối cùng
thì nhân cách của con người đã thắng Thi Thi ạ!
* * *
Trên con đường từ khu nghĩa trang quay trở về, mẹ Thi Thi đi trước
rồi Thi Thi và Peter theo sau. Gió chiều vẫn thổi lồng lộng và mặt biển
lấp lánh như một hồ nước đẹp tuyệt trần. Nó trông tựa như một vòm sân
khấu diễm lệ mà tất cả mọi vở kịch vui buồn có thể trình diễn trên đó.
Xa xa một vài con thuyền nhỏ nổi bật trên mặt nước xanh thẳm. Có thể đó
là chiếc du thuyền chở một cặp tình nhân trong thời kỳ trăng mật. Ðó
cũng có thể là một con tàu đang chộn rộn đánh cá để mưu sinh. Và sau hết
nó cũng có thể là con tàu tỵ nạn đang liều chết tiến vào đây để tìm nơi
nương náu, để tìm chút tình thương nơi hòn đảo nhỏ bé này.
Đào Văn Bình
Bài nầy hay và cảm động quá. Cám ơn chị TK.
ReplyDeleteKP