Đối với Tập Cận Bình, cuộc khủng hoảng virus corona
lần này là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của ông ta. Và nếu trở
thành đại dịch, các đối thủ đang âm thầm thì phản đối việc thâu tóm mọi
quyền hành của ông Tập, có thể có hành động chống lại ông.
Dịch bệnh do virus corona tại Trung Quốc và Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu là hai hồ sơ lớn trên các tuần báo kỳ này.The Economist
chọn màu nền đen cho trang bìa, với hình Trái Đất được bịt mặt bằng một
chiếc khẩu trang màu đỏ có năm ngôi sao vàng, màu cờ Trung Quốc. Trang
nhất L’Express chạy tựa « Nạn nhân thực sự của Brexit là châu Âu »,
trên nền lá cờ xanh của Liên hiệp với những ngôi sao màu vàng đã bị
khuyết mất một chiếc, ngôi sao này được chú chó Ăng-lê mặt buồn rầu cắp
nách mang theo.
Không có giao thừa cho Vũ Hán
Courrier International dịch bài phóng sự của trang jiemian.com ở Thượng Hải, kể về một đêm giao thừa náo loạn tại Vũ Hán.
Bà Luo Jiamin, sau khi chăm sóc người chồng bị gãy xương tại bệnh viện,
bị sốt kéo dài và cảm thấy rất mệt. Khám ở bệnh viện lần đầu không
khỏi, mấy ngày sau khi quay lại, bà choáng váng khi thấy có đến… 500
người đã xếp hàng trước mình. Luo Jiamin trở về, chỉ muốn buông xuôi
trong đêm cuối cùng của năm.
Còn tại bệnh viện trung ương Vũ Hán,
các bác sĩ, y tá khoa hồi sức, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một
lằn ranh mong manh, không có thì giờ nghỉ ngơi. Các bác sĩ, y tá phải
mặc đến ba lớp trang phục bảo vệ : trước hết là một bộ combinaison (áo
liền quần), nón, găng, túi bọc giày ; tiếp đến là bộ đồ khác kín mít màu
trắng, rồi lại phải trùm lên khẩu trang, kính mắt và kính che toàn bộ
khuôn mặt. Mất khoảng nửa tiếng đồng hồ để mặc, và sau đó đi đứng khó
khăn, không thể uống nước hay đi vệ sinh.
Trưởng
khoa Peng Zhiyong cho biết từ khi khởi đầu nạn dịch, do chi phí chữa
trị quá cao, nhiều gia đình đã từ chối chữa tiếp cho thân nhân bị nhiễm
virus. Dùng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) để hỗ trợ
tuần hoàn và hô hấp tốn đến mấy chục ngàn nhân dân tệ (vài ngàn euro).
Có gia đình chạy vạy vay mượn bạn bè người thân, chi đến đồng xu cuối
cùng, nhưng cũng có gia đình phải xin « rút ống ». Sau khi nhà nước hôm
19/1 loan báo loan báo việc trợ giá chi phí điều trị, bác sĩ Peng vẫn
còn ngậm ngùi cho những người xấu số.
Giám sát mọi thứ nhưng không phát hiện được dịch bệnh
Trong bài « Giám sát tất cả, trừ sức khỏe », tờ Minh Báo
ở Hồng Kông nhận định đây là thất bại của hệ thống giám sát Trung Quốc
trước con virus corona. Với tất cả các công cụ sẵn có, lẽ ra chính quyền
phải phát hiện được khi dịch vừa khởi phát. Tuy nhiên hệ thống này được
thiết lập để đàn áp chứ không phải dành cho những dịch vụ hữu ích đối
với dân chúng.
Tuy vụ này bề ngoài không có vẻ gì là chính trị,
nhưng đã làm tăng sự hoài nghi của các nước láng giềng, chính quyền
Trung Quốc đã thua một ván trên trường quốc tế. Người ta có thể đặt câu
hỏi tại sao một cuộc khủng hoảng dịch tễ với tầm vóc như vậy lại có thể
xảy ra, vào lúc Bắc Kinh sở hữu hệ thống giám sát ngày càng hoàn hảo.
Chính quyền không ngần ngại tung tiền vào công nghệ thông tin, và đã trở
thành một siêu cường về khoa học và công nghệ. Nhưng an ninh quốc gia
được đặt lên trên hết, tự do cá nhân không là gì cả. Lẽ ra chính quyền
có thể nhanh chóng theo dõi trên cả nước.
Theo bảng xếp hạng của
trang nghiên cứu công nghệ Comparitech, trong số 10 thành phố có nhiều
camera an ninh nhất, Trung Quốc chiếm hết 8. Không chỉ có Bắc Kinh,
Thượng Hải, Quảng Châu mà cả Trùng Khánh và Vũ Hán – thành phố xuất phát
dịch viêm phổi lạ. Cần nhớ rằng hệ thống giám sát bao gồm cả nhận diện,
tín nhiệm xã hội, thu thập và xử lý một khối dữ liệu khổng lồ (big
data) mà người dân đã cung cấp.
Chính quyền và virus đi nghỉ Tết 20 ngày ?
Nhiều
tờ báo Hoa lục khẳng định trường hợp nhiễm virus corona mới đầu tiên
được phát hiện tại bệnh viện Vũ Hán ngay từ ngày 08/12/2019. Đến cuối
tháng 12/2019, ủy ban vệ sinh dịch tễ của thành phố Vũ Hán ghi nhận 27
ca viêm phổi lạ, tuy « không có bằng chứng truyền từ người sang người ».
Hôm 31/12/2019 chợ Hoa Nam, giờ đây được coi là điểm xuất phát của
virus corona, vẫn hoạt động bình thường, trong khi đã có nhiều nhân viên
ngã bệnh và sau đó được chẩn đoán là bị nhiễm virus. Đến hôm sau chợ
này mới được lệnh đóng cửa.
Minh Báo đặt câu hỏi, phải
chăng chính quyền và con virus đều đi nghỉ Tết trong khoảng 20 ngày sau
đó ? Làm thế nào mà phải đợi đến tận ngày 20/01/2020 mới biết được nhờ
giáo sư Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) - bác sĩ chuyên về bệnh phổi đã cô
lập được virus SARS - trả lời CCTV, là đã có lây từ người sang người,
nhân viên y tế đã bị lây nhiễm, và không nên đến Vũ Hán ?
Rõ ràng trong vụ này, hệ thống giám sát đã bất lực trong việc đánh động các cơ quan hữu quan, và bảo đảm mạng sống cho cư dân của nước mình. Vì sao ? Theo tác giả bài báo, vốn là giáo sư trường đại học Lĩnh Nam (Lingnan) ở Hồng Kông, thì có hai lý do. Trước hết, chính quyền giấu nạn dịch vì sợ phải chịu trách nhiệm, hoặc sợ hình ảnh bị xấu đi. Thứ hai, hệ thống giám sát chỉ nhằm bảo vệ chế độ, chứ không quan tâm đến phòng ngừa dịch bệnh. Đến khi nạn dịch xảy ra thì các quan chức hoàn toàn hoảng loạn !
Để mất thời gian vàng vì chờ lệnh Tập Cận Bình
Trong bài « Tập Cận Bình trước thách thức của virus corona », L’Obs
phê phán, Bắc Kinh chờ đến ba tuần lễ mới báo cho Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) về cuộc khủng hoảng dịch tễ ở Vũ Hán, và phải chờ đến khi nhà
lãnh đạo độc tài họ Tập ra lệnh thì bộ máy của chế độ mới bắt tay vào
việc chống dịch lây lan.
Chính báo chí Hồng Kông, được tự do hơn
các báo nhà nước ở Hoa lục đã lên tiếng báo động. Thành phố Vũ Hán vẫn
cố tình che giấu nguy cơ, dường như để không làm ảnh hưởng đến hai hội
nghị quan trọng từ ngày 12 đến 17/1. Hội nghị kết thúc « thắng lợi », không hề nhắc đến nạn dịch đang lây lan.
Chỉ
hai ngày sau, giáo sư Chung Nam Sơn xác nhận virus không chỉ lây nhiễm
mà còn đạt đỉnh « siêu lây », tức một người bệnh có thể lây cho nhiều
người khác. Một bệnh nhân được phẫu thuật thần kinh cũng đã lây ngay cho
một bác sĩ và 13 y tá ! Thế nhưng do muốn chứng tỏ bằng mọi giá là mọi
việc vẫn ổn, hôm 18/1 thành phố còn cho mở buổi tiệc khổng lồ với 40.000
gia đình tham gia, để quyết tâm đánh bại kỷ lục thế giới. Sự vô trách
nhiệm khủng khiếp này dẫn đến hậu quả là sau đó 60 triệu người Hồ Bắc bị
cô lập.
Chuyện gì đã xảy ra : đang cố giấu suốt hơn ba tuần lễ,
rồi đột ngột lao vào một cuộc chiến tổng lực vô tiền khoáng hậu ? Trả
lời : đó là Tập Cận Bình. Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước hôm 20/1 đã ra
lệnh « kiên quyết chống việc virus corona lan tràn », đe dọa
trừng phạt những ai giấu thông tin. Nhưng những tuyên bố cứng rắn này
được đưa ra quá trễ, thời gian vàng đã mất, người ta lo ngại thiệt hại
sẽ gấp 10 lần dịch SARS.
Siêu cường đại chiến siêu vi
Dành 8 trang báo cho chủ đề « Một đế quốc tử chiến với một con virus », Le Point nhận
xét đối mặt với virus corona mới, có thể làm chết nhiều người hơn SARS,
Trung Quốc chiến đấu với các phương tiện đại quy mô và những biện pháp
khắc nghiệt.
Tờ báo kể ra một loạt biện pháp làm kỳ nghỉ Tết mang
màu sắc của ngày tận thế : hủy bỏ các lễ hội, cấm du lịch theo đoàn, cấm
buôn bán thú rừng, quân lính được gởi đến Vũ Hán bằng các phi cơ vận
tải, xây dựng bệnh viện trong 10 ngày, điều đội ngũ y tế từ các nơi khác
hỗ trợ. Công an trùm kín trong bộ đồ bảo vệ ngăn chận các ngõ vào, đại
đô thị trở thành thành phố chết, các làng mạc dựng rào cản ; máy bay, xe
lửa, métro không người, kiểm tra thân nhiệt tại các giao lộ, mọi người
dân ra đường đều mang khẩu trang…
Phóng đại nguy cơ chăng ? Đối
với các nhà dịch tễ học, thì thậm chí còn chưa đủ. Giáo sư Lương Trác Vĩ
(Gabriel Leung) ở Hồng Kông còn khuyến cáo đóng cửa trường học và cho
làm việc từ xa. Thực tế Bắc Kinh đã kéo dài kỳ nghỉ Tết đến 3/2 còn Hồng
Kông đến 17/2. Chuyên gia này phản bác ý kiến cho rằng tỉ lệ tử vong
của 2019 n-CoV thấp hơn SARS. Theo giáo sư Lương, tỉ lệ khi dịch bắt đầu
khởi phát luôn thấp, như hồi dịch SARS Tổ chức Y tế Thế giới ước tính
chỉ 3%, nhưng rốt cuộc lên đến 17% ở Hồng Kông.
Pháp hy vọng chế tạo được vaccin chống 2019-nCoV
Liệu có cách nào ngừa được con virus này ? Bài viết độc quyền trên trang Khoa học của L’Express cho biết « Virus corona : Pháp đang chạy đua chế tạo vaccin ». Viện Pasteur đang triển khai một kỹ thuật đầy hứa hẹn để chống lại 2019-nCoV.
Ngoài
Ebola, chưa có con virus lại gây ồn ào đến thế kể từ đầu những năm 2000
cho đến nay. Các virus corona là thủ phạm gây ra các dịch bệnh quy mô
lớn như SARS (Sras-CoV năm 2003, làm 774 người chết) và MERS (Mers-CoV
năm 2012, làm 823 người chết). Sau khi Trung Quốc giải mã con virus mới,
các chuyên gia có thể bắt tay vào chế tạo liệu pháp miễn dịch.
Tại
Pháp, ê-kíp của tiến sĩ Frédéric Tangy đã từng nghiên cứu SARS và MERS,
cho biết đã có kỹ thuật giúp chế vaccin nhanh hơn nhiều so với quá khứ.
Họ dùng virus bệnh sởi đã được làm yếu đi, thêm các gien của loại virus
cần nghiên cứu vào bộ gien đơn bội của virus sởi. Khó nhất là làm sao
tìm ra được mảng ADN nào giúp cơ thể tạo ra kháng thể để gắn vào.
Quyền lực Tập Cận Bình lung lay
Bắc Kinh nay đã ý thức được dịch corona có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của đảng, và theo L’Obs,
rất có thể các quan chức địa phương sẽ trở thành vật tế thần. Tuy nhiên
chính sự độc tài của Tập Cận Bình đã đóng vai trò quan trọng trong thảm
họa. Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) giải thích : « Vì tại
Trung Quốc không có gì được tiến hành nếu không có đèn xanh của Tập Cận
Bình, cán bộ các cấp đều thu mình chờ đợi, chỉ thi hành lệnh trên cho
khỏi rắc rối. Tuy nhiên đôi khi cần phải biết hành động. »
Sâu
xa hơn, dù có nhiều thành công về kinh tế, Trung Quốc lại bất lực trong
việc cải cách chuỗi cung ứng thực phẩm và hệ thống y tế - rõ ràng là
thảm hại. L’Obs nhắc lại vô số xì-căng-đan, từ sữa chứa
melamine, vaccin dỏm cho đến dịch cúm heo làm chết hết một phần tư lượng
heo trên toàn cầu, và nguy cơ từ hàng ngàn chợ bán động vật hoang dã.
Đó là những kho trữ vô tận các loại virus nhảy từ con thú này sang con
thú khác và rốt cuộc biến thể để gây bệnh cho con người.
Đối với
Tập Cận Bình, cuộc khủng hoảng virus corona lần này là thách thức lớn
nhất trong sự nghiệp của ông ta. Và nếu trở thành đại dịch, các đối thủ
đang âm thầm phản đối việc thâu tóm mọi quyền hành của ông Tập, có thể
có hành động chống lại ông.
Độc tài, không truyền thông phản biện : Căn bệnh của độc đảng
Tương tự, Le Point
nhận định những xì-căng-đan y tế tại Trung Quốc cộng sản luôn là một
trong những chủ đề, chính yếu và chính đáng, gây phản kháng. Ngay cả Hồ
Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo vốn luôn
bênh vực điên cuồng đảng Cộng Sản, nay dám tố cáo trên Vi Bác (Weibo)
các sai trái của quan chức trung ương lẫn địa phương : « Cá nhân tôi
cho rằng Vũ Hán và cơ quan y tế phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên có
những lý do bao quát hơn, chẳng hạn từ vài năm qua, khả năng phản biện
của truyền thông đã giảm hẳn ».
The Economist kể
lại các trường hợp các hành khách Thượng Hải từ chối lên một chuyến bay ở
Nhật, vì phát hiện có một nhóm người Vũ Hán mà họ nhận ra qua giọng
nói, hay người Hồng Kông đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục, thậm chí
dọa tấn công bằng bom xăng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn
mạnh chế độ độc đảng là sống còn cho ổn định và phát triển. Thế giới sẽ
đánh giá là nhờ độc tài nên chận đứng được dịch corona, hay vì độc tài
nên con virus mới lan tràn đến nhiều nước trên thế giới. Nhưng trước hết
cuộc khủng hoảng đã cho thấy rõ một đất nước nói rất nhiều về đoàn kết
và những điều vĩ đại, nhưng lại dễ dàng bị chia rẽ và rất ít được tin
tưởng. Đó là căn bệnh mà các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc dường
như không có thuốc chữa.
Nguồn: RFI
No comments:
Post a Comment