Má ơi! Đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu...
Câu ca dao của miền Nam thời xa xưa đó bỗng quay về trong trí tôi mấy ngày cuối
năm. Thuở đó, gả con xa có nghĩa là gả con sang làng khác, sang tỉnh khác. Là
đưa dâu, đón dâu hết một ngày đò dọc hay đi bằng xe hàng một chặng đường dài từ
sáng đến chiều. Cô gái đi làm dâu xa, khi sanh đứa con đầu lòng mới được về cho
mẹ chăm nom “Con so nhà mạ/Con rạ nhà chồng”. Sanh con cứng cáp rồi lại quay về
bên chồng. Có khi cả năm tới tết mới được ôm con về thăm cha mẹ, hay cha mẹ ốm
đau lắm hoặc qua đời mới được về trả hiếu. Vì cô đã thuộc về dâu con nhà người.
Cha mẹ thương nhớ con nhưng gái lớn thì phải theo chồng, nên tuy khóc nhưng
cũng mừng vì con có gia đình. Nếu con được vào gia đình khá giả, tử tế cha mẹ
hãnh diện, an tâm; nếu chẳng may con lấy phải chồng nghèo cũng khuyên con chịu
thương chịu khó gánh vác giang san bên chồng, ở cho phải đạo dâu con. Số cô có
vất vả lắm cũng là thức khuya, dậy sớm, làm đủ mọi việc trong gia đình. Số cô
có khổ lắm thì gặp anh chồng vô tích sự, còn cờ bạc, rượu chè, gặp mẹ chồng cay
nghiệt bắt bẻ. Như thế đã là quá sức chịu đựng cho một người phụ nữ rồi và làng
trên, xóm dưới, ai cũng chê trách cái gia đình bên chồng cay nghiệt đó.
Chữ “Má ơi” cho ta biết câu hát đó phát xuất ở miền Nam nước Việt. Gái quê của
miền tây Nam Bộ đẹp nổi tiếng. Gái Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, gái Cao Lãnh, Nha
Mân cô nào cũng đẹp, cũng da trắng, tóc dài. Hình ảnh những cô gái dậy thì
trong chiếc áo bà ba ngồi bên sạp trái cây là hình ảnh những du khách ngoại quốc
cho in vào những tấm thiệp lưu niệm gửi đi khắp nơi trên thế giới.
Cha mẹ chỉ gả cô sang làng khác, sang tỉnh khác thôi mà cô đã tức tưởi kêu lên
như vậy rồi. Bây giờ cô lìa cha mẹ, xa anh em, xa làng, xa nước, sang tận Đại
Hàn, Đài Loan, Trung Quốc lấy chồng.
Cô đi lấy chồng, một người chồng lớn hơn cô từ 10 đến 20 tuổi, người
chồng tàn tật hay người chồng mang bệnh tâm thần, có cô chồng gần bằng tuổi cha
mình. Cô không nói cùng chung ngôn ngữ, cô không biết gia cảnh nhà chồng, cô bước
lên máy bay, bay tít lên vòm trời rồi hạ xuống một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Cô
kêu lên “Má ơi!”.
Nhưng má cô không thể nào nghe được tiếng kêu đó nữa. Cô mất liên lạc với gia
đình, với quê nhà, ngay khi bước chân vào nhà chồng. Cô bị hành hạ, đánh đập,
cô không biết chỗ trốn, không biết chỗ chạy. Nhà chồng trấn lột hết giấy tờ tùy
thân của cô, cô không có một tờ giấy nào chứng minh cô là một người vợ đến từ
phương xa, cô không có ngôn ngữ để giãi bầy.
Ở Đại Hàn, cô bị cả nhà chồng đánh đập. Cô bị đánh đến gẫy xương, cô chết, xác
vứt xuống hầm như vất một con chó chết; cô bị đánh đến dập gan, nát phổi, cô chết
ngay bên cạnh đứa con sơ sinh; hay cô tự tử vì không còn lối nào thoát ra được
sự hành hạ ngoài cái chết. Cô ôm cả hai đứa con thơ dại nhẩy từ lầu cao xuống để
ba mẹ con cùng chết. Đó là cách duy nhất có thể bảo vệ mình và con mình.
Ở Đài Loan, sau khi làm vợ vài tháng, cô bị đánh đập gán cho bao
nhiêu tội cô không hề có, trước khi họ mang đi bán, như bán một con heo vào những
động mãi dâm. Cô mất hết đường về.
Ở Trung Quốc, hình ảnh những cô dâu Việt Nam mặc áo dài truyền thống được quảng
cáo trên tường, trên cột đèn ngoài phố, với cái giá rẻ mạt kèm theo những hàng
chữ: Không còn trinh, được đổi cô khác. Cô về đến nhà chồng mới hay mình được
đem về làm con vật tế thần cho từ bố chồng, anh chồng, đến em trai của chồng.
Người ta coi như mua về được một con nô lệ vừa lao động trong việc đồng áng vừa
phục vụ tình dục cho những người đàn ông trong nhà. Cô cũng không bao giờ trốn
được họa chăng là phép lạ.
Nhưng phép lạ, đôi khi cũng xẩy ra nên thế giới bên ngoài mới biết
được những nghịch cảnh mà những cô gái Việt Nam gánh chịu. Có cô đã trốn thoát.
Tại sao biết những chuyện bất hạnh như thế có thể xẩy ra cho mình mà các cô gái
quê, vẫn theo nhau vào Sài Gòn tìm đến những dịch vụ hôn nhân với người nước
ngoài.
Các bà mẹ vẫn hân hoan khi có con gái lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan. Vì cũng
trong mười cô chết thì có một cô may mắn sống, một cô không bị nhà chồng hành hạ
và mang được tiền về cho cha mẹ ở cái làng nghèo nàn bên Việt Nam. Cái làng mà
ruộng đồng, ao cá, không còn vì đất đai bị chiếm hết để xây cao ốc hay công xưởng,
nhà máy. Có khi bị chiếm để xây những nghĩa địa cho các đại gia hay các ông lớn
(chưa chết), những ngôi nhà mồ, đắp tô với rồng bay phượng múa, phỏng theo mô
hình cung điện của các vua chúa thời xưa bên Trung Hoa.
Có bà mẹ đã nói: “Ôi! Trời kêu ai nấy dạ. Đâu có phải ai lấy chồng
Hàn, chồng Đài Loan cũng chết hay cũng bị mang bán cả đâu. May mắn nó mang tiền
về xây nhà mới cho mình chứ lấy chồng Việt để ôm nhau chết đói à?”. Có bà ngoại, bà nội nhìn con cháu bé lên bốn lên năm cất tiếng
khen: “Con bé này xinh quá, nuôi cho mau lớn rồi gả chồng Hàn.”
Tôi đã nhiều lần đọc được những cái tin như thế, nghe lòng bải hoải cả mấy tuần.
Cứ tự hỏi: Sao ở trong nước, không có phu nhân hay một tiểu thư nào là vợ, con,
của một ông bộ trưởng, ông tổng giám đốc, ông thủ tướng hay một đại gia nào đó
với gia tài cả trăm triệu, cả bạc tỷ Mỹ kim, đứng lên làm một việc gì tốt lành
cho những cô gái này, như: xây trường dạy nghề, hướng dẫn công việc, cho mượn vốn
buôn bán, để cứu giúp những cô gái quê, ít học, có một công việc nuôi thân. Tôi
nghĩ nếu các cô được hướng dẫn thì cái tỷ lệ mang thân làm dâu Hàn, dâu Đài
Loan, dâu Trung Quốc sẽ bớt đi nhiều. Hay ít ra giúp họ tìm cho rõ ngọn nguồn
trước khi ký vào những tờ giấy hôn thú mang rủi nhiều hơn may đó.
Cái động lực nào đã đưa các cô đến chỗ không sợ hãi trước những chuyện người chồng
Hàn có thể đánh vợ cho đến chết, hay hành hạ cho đến lúc người phụ nữ phải tự tử
để an thân. Người chồng Đài Loan có thể mang vợ đi bán cho ổ mãi dâm, hoặc chuyện
phải làm nô lệ tình dục cho cả một gia đình bên Trung Quốc. Kinh hoàng quá!
Cái xã hội cô đang sống có đưa bàn tay nào ra, níu cô lại, giúp đỡ cô hay cũng
chính cái xã hội đó thản nhiên nhìn cô bước vào một thế giới cô không có khả
năng hình dung ra trước được. Đau thương quá!
Cô đi lấy chồng như thế đau khổ cho cô, tủi nhục cho cha mẹ đã
đành mà còn xấu hổ cho cả một quốc gia nữa. Ông anh tôi ở tiểu bang California,
một hôm kể cho tôi nghe, ở cái club anh chơi tennis, anh gặp một người đàn ông
Đại Hàn mới nhập hội chơi. Sau vài lần chơi chung, cà phê, ăn sáng hai người có
vẻ hợp lắm. Một hôm anh Đại Hàn hỏi anh tôi người nước nào, anh tôi nói là người
Việt Nam. Hôm sau thấy anh ta lạnh lùng ra mặt và có ý tránh không nói chuyện,
mới đầu anh tôi không để ý, sau thấy mình hỏi anh ta lờ như không nghe. Anh tôi
thấy vậy cũng phớt tỉnh. Anh không thích tôi thì tôi cũng chẳng cần thích anh.
Bẵng độ hai ba tuần không nói với nhau, anh Đại Hàn bỗng một hôm quay lại thú
thật: Mới đầu tôi tưởng ông là người Hoa hay người Phi, tôi không biết ông là
Việt Nam. Tôi không thích dân Việt Nam, một cái dân gì mà cứ mang con gái họ
bán hết cho nước này nước khác làm vợ. Người Hàn tử tế coi thường người Việt ở
chỗ đó. Anh tôi nổi xùng. Thế cái thằng đi mua vợ rẻ có đáng khinh không? Hai
bên lý sự một hồi, bất phân thắng bại. Bây giờ họ nói chuyện với nhau trong lúc
chơi banh, nhưng vẫn không phải bạn. Một bên mua vợ giá rẻ và một bên bán vợ với
bất cứ giá nào. Bên nào đáng khinh hơn.
Anh tôi kết luận: Nhục cho cả nước, anh em mình sang tận đây rồi mà vẫn nhục
lây.
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang sang.
Tôi được người lớn tuổi hơn giảng cho nghe: canh cần là do chữ tần tảo (một loại
rau tần / tảo là rau) Ngày trước người nghèo có thể kiếm rau tần trong vườn nấu
những bát canh đạm bạc. Người con gái nghèo đi kiếm rau tần cả ngày được gọi là
tần tảo. Nên mới có chữ “tần tảo” chỉ cho người phụ nữ chịu khó làm việc trong
hoàn cảnh túng thiếu.
Bây giờ ở Việt Nam, các cô gái quê dù có muốn tần tảo cũng hiếm có cơ hội, cô
không lấy chồng gần, vì người chồng gần cũng chẳng có việc làm, cả hai vợ chồng
cô giỏi lắm cũng chỉ kiếm được một bát canh cho cả gia đình, làm sao cô có cơ hội
để đem sang chia cho cha cho mẹ được. Cô đành phải lấy chồng xa, cô coi thân cô
như một cuộc bài may rủi. Biết đâu cô chẳng kiếm được người tử tế, biết đâu cô
chẳng mang tiền về cho mẹ uống thuốc, cho mẹ có một bát canh thịt thơm ngon,
cho cha sửa nhà, mua sắm truyền hình, tủ lạnh, biết đâu…, biết đâu…, biết
đâu…Cô lại chết thảm thương như thế. Cô không kêu được: “Má ơi!” nữa rồi...
“Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.”
Tâm nào còn an được để đón Xuân về!
Trần Mộng Tú
No comments:
Post a Comment