Những ngày cuối tháng
Tư ấy bệnh viện tôi quá tải, ngày đêm tiếp nhận thương binh chuyển về từ các
vùng biên.Gần một phần ba chết trên đường di chuyển. Ngày trước ngày thành phố
thất thủ,giám đốc bệnh viện ra thông báo kêu gọi thân nhân tử sĩ đến nhận xác
đưa về chôn cất, việc chưa từng có. Ông biết xe tăng Bắc Việt có thể xuất hiện
bất cứ lúc nào, không còn thời gian cho thủ tục hành chính hay nghi thức truyền
thống.
Những người vợ, những
bà mẹ lính nghe được thông báo trên sóng phát thanh, truyền hình hoặc tin đồn
liền đổ đến. Người tìm thấy xác chồng xác con, khóc than ký nhận đưa về. Người
không tìm thấy xác, khóc trong hy vọng mong manh. Lính bị thương nhìn cảnh tượng
chung quanh, khóc theo. Hỗn loạn và tang tóc. Mải đến 9 giờ tối, bệnh viện mới
trở lại yên ắng.
Đêm đó tôi trực nhà
xác từ 10 giờ đến 2 giờ sáng. Rốc-két rít trên đầu không đáng sợ bằng sự xuất
hiện tiếng nổ giòn dễ nhận của tiểu liên AK47. Quân địch càng lúc càng gần. Vậy
mà tôi không mở mắt nổi, cứ chực ngủ gật. Gần 1 tuần liên tục đứng bên bàn mổ
tôi hoàn toàn kiệt sức, không nhớ mình đã ăn lúc nào, ngủ lúc nào.
Thế rồi tôi bị kéo
khỏi cơn ngủ gật bởi một tiếng thở dài. Hình như nó phát ra từ góc xa của nhà
xác. Tôi cố mở to hai mắt nặng như chì nhìn về hướng đó, nhưng chỉ thấy những
xác chết chưa được thân nhân nhận về nằm dưới khăn liệm không còn nhận ra vốn là
màu trắng. Đến lượt tôi thở dài, như vừa nuốt trôi cục nghẹn trong cổ.
Sau đó cơn buồn ngủ
mất hẳn, tôi nhặt tờ báo ai bỏ lại trên bàn trực, đọc vu vơ tin này tin khác
chỉ để giết thời gian. Tin chiến sự vừa lên báo đã lạc hậu so với diễn biến
thực tế. Nhưng tôi vẫn đọc, kiên nhẫn chờ ngày mới đang đến gần. Đêm thật dài
nếu phải ngồi canh những xác chết còn rỉ máu. Tôi tự hỏi tại sao mình chờ ngày
mai khi mọi chuyện đã quá tệ hại. Có lẽ tôi tin điều tệ hại nhất chưa xảy ra.
Tiếng thở dài lại vẳng
vào tai, lần này rõ hơn, và không thể là nghe nhầm. Tôi rời mắt khỏi tờ báo,
nhìn về góc xa của nhà xác, nơi phát ra âm thanh. Một xác chết đội khăn liệm từ
từ ngồi dậy.
Tôi dụi mắt, hy vọng
thứ quỷ quái đó chỉ là ảo ảnh, là hậu quả của những đêm thức trắng. Nhưng không
có gì phủ nhận được sự thực là trước mắt tôi một xác chết vừa đứng lên. Vẫn
trùm khăn liệm, hắn cất những bước chậm, nặng nhọc và liêu xiêu về phía tôi. Tôi
đứng lên, bước lùi ra phía cửa, tay đặt lên súng ngắn đeo bên hông. Lúc ấy tôi
nhận ra mình không còn đủ khí lực để rút súng khỏi bao. Hai chân tôi bắt đầu
run, hầu như không đỡ nổi sức nặng của tôi nữa. Nỗi khiếp sợ hoàn toàn đánh sập
ý chí của tôi.
“Quỷ nhập tràng! Quỷ
nhập tràng!”...
Tôi bất ngờ bật lên
được tiếng kêu báo động.
Sự kết nối thành công
với thế giới người sống giúp tôi hồi phục. Quay người lao ra cửa, tôi chạy vào
sân lớn của bệnh viện. Hắn lập tức đuổi theo, cho đến khi tôi trượt té nằm trên
mặt sân thì hắn dừng lại.
“Cứu! Cứu tôi!”...
Tiếng kêu đánh thức cả
bệnh viện. Đèn ngoài sân, trong phòng liên tiếp bật sáng và có vài người chạy
về phía tôi.
“Ôi trời! Quỷ nhập
tràng!”
Ai đó kêu lên khi
trông thấy hắn khiến những người khác dừng lại. Thay vì đến cứu tôi, cả bọn vội
tháo lui.
“Quỷ nhập tràng! Quỷ
nhập tràng!”…
Từ bác sĩ đến thương
binh, người trông thấy quỷ cũng như người chẳng thấy gì chạy tán loạn, thậm chí
người bị cưa chân cũng lết tìm chỗ trốn.
Tiếng người la hét
cuống cuồng, tiếng sập cửa phòng rầm rầm như một đòn giáng mạnh vào đầu tôi,
kéo tôi khỏi trạng thái khiếp nhược. Cuối cùng tôi cũng rút được súng khỏi bao,
giương thẳng vào đầu quỷ nhập tràng cách tôi vài bước chân. Trước khoảnh khắc tôi
quyết định bóp cò, một cơn gió mồ côi cuốn tấm khăn liệm bốc lên, phơi lộ một
thiếu phụ trẻ tóc rối bù đứng ngơ ngác. Tôi hiểu ra đó là vợ của một người lính
tử trận. Chị đã nấp dưới khăn liệm để được ôm ấp chồng đêm cuối trên dương thế.
Trích đoạn "Mảnh
Vỡ Của Mảnh Vỡ"
(Trang 191-194)
Vĩnh Quyền
No comments:
Post a Comment