The Happiest Refugee nhận được nhiều giải thưởng danh giá như “2011 Australian Book of the Year, Biography of the Year, và Newcomer of the Year, Non-fiction Indie Book of the Year 2011, từng nằm trong danh sách trao giải thưởng “2011 NSW Premier’s Literary Awards”, “Community Relations Commission Award.”
Đúng 42 năm trước vào ngày này (26/1) tôi tới Úc làm người
‘refugee’. Hôm nay, nhân ngày Quốc Khánh Úc, tôi đọc cuốn hồi ky' ‘The Happiest
Refugee’ (Người tị nạn sung sướng nhứt) của Đỗ Anh cho các bạn thưởng lãm. Đây
là tấm gương của một người gốc Việt thành đạt ở Úc.
"Tôi đang lái xe như bay trên Đại lộ Hume với tốc độ 130
km/h. Tôi đã mất kiểm soát một vài lần nhưng tiếng brrrrrr của những dãy phân
cách màu trắng giữ cho tôi đi đúng làn xe. Nước mắt tôi dàn dụa làm ướt đẫm cái
volant xe, rất trơn trợt. Tôi khóc như mưa.
Liệu ông ấy có nhận ra tôi? Nếu không, tôi sẽ quay đầu và bỏ đi.
Đã 9 năm nay tôi chưa một lần gặp ông ấy. Thực tế là từ khi tôi
lên 13 tuổi. Tôi thấy ông bước ra khỏi nhà vào một đêm, và từ đó, tôi không thấy
hoặc nghe gì từ ông nữa, ngoại trừ một cú điện thoại lạ vào đêm sinh nhựt 18 tuổi
của tôi. Ông say xỉn, và tôi cúp máy. Tôi ghét khi ông ấy say... thậm chí là sợ
hãi ông.
Bây giờ, tôi đang ở tuổi 22, đang lao đầu vào để gặp ông. Tôi cao hơn nhiều so với lúc ông ấy bỏ nhà ra đi. Và quan trọng là tôi mạnh mẽ hơn. Bây giờ, tôi có thể đối mặt với ông ấy... dễ dàng. Tôi đang lưỡng lự giữa ảo tưởng về một cuộc tái hợp hạnh phúc với ông và việc đánh ông ấy một trận.
Tôi đang xem xét các tình huống khác nhau để đụng đầu vào tên Việt Nam nhỏ thó này. Ngay khi ông ấy mở cửa - Bàng! Phải tấn công ông ấy trước khi ông có cơ hội chống trả. Máu sẽ chảy từ mũi ông ta và ông ta sẽ hối hận. Tôi sẽ khiến ông ta trả giá cho tất cả. Cho việc bỏ nhà ra đi. Cho việc bỏ má tôi phải chăm sóc ba đứa trẻ với mức lương của một người nhập cư không biết đọc biết viết, dưới 10 đôla một giờ. Nhưng tôi cũng rất nhớ ông ấy."
Đó là đoạn đầu của cuốn hồi' ky 'The Happiest Refugee' của Đỗ Anh viết về thân phụ anh. Thân phụ anh tên là Đỗ Thành Tâm, một người bạn vong niên của tôi.
Tôi quen biết với anh Tâm cũng khá lâu, nên có thể nói rằng những
gì Đỗ Anh viết trong cuốn sách như là viết cho những người thuộc chúng tôi, thế
hệ tới đây vào đầu thập niên 1980. Trong những buổi cà phê và tiệc nhậu, anh
Tâm vẫn hay kể về người con trai Đỗ Anh của anh, và hành trình cuộc đời của
anh, một hành trình có thể tóm lược bằng 4 chữ: 'lên voi xuống chó'.
Công việc kinh doanh đang khấm khá, thì đùng một cái, kinh tế Úc
lâm vào tình trạng suy thoái. Tiền lời ngân hàng tăng rất cao. Lúc đó, tôi còn
nhớ vay tiền ngân hàng để mua nhà, chúng tôi phải trả tiền lời cả 15% một năm!
Doanh nghiệp của anh Tâm bắt đầu có vấn đề. Anh không đủ khả năng tài chánh để
trả tiền lời, và bị ngân hàng siết nợ. Cuối cùng thì anh vỡ nợ. Từ một triệu
phú, anh quay về mẫu số lúc đầu: trắng tay. Anh lâm vào tình cảnh nghiện rượu,
hay gắt gỏng với vợ con. Sau cùng thì anh và bà xã chia tay. Đỗ Anh và hai người
em ở với má, còn anh Tâm bỏ nhà ra đi, mà sau này bạn bè mới viết là anh về Việt
Nam.
Về Việt Nam, anh gặp một cô giáo, và hai người thành hôn. Sau
khi thành hôn, hai người sang Úc lập nghiệp. Là một cô giáo và anh thì từng là
một triệu phú, nhưng nay phải bắt đầu với hai bàn tay trắng. Họ đi hái trái cây
ở nông trại. Mỗi ngày phải tiêu ra cả 10 giờ đồng hồ 'bán mặt cho đất, bán lưng
cho trời' dưới cái nắng 30 độ C, mà chỉ được vài chục đôla. Khóc ròng. Nhưng phải
cố gắng. Sau khi đã có chút tiền, họ quay về thành phố Melbourne, có con, và được
Nhà nước cấp cho một căn nhà khiêm tốn để sống.
Cuốn hồi ky' mở đầu với một câu chuyện ... 'câu view' như tôi lược dịch trên. Đỗ Anh kể rằng anh ta, lúc đó 22 tuổi, tưởng tượng rằng khi cánh cửa mở ra, anh sẽ đấm vào mặt ba anh và tưởng tượng máu sẽ chảy ra từ mũi, ba anh sẽ hối hận vì đã bỏ rơi má anh và 3 người con trong hoàn cảnh khốn cùng. Nhưng khi đến nơi, nhìn cái cảnh nghèo khổ mà ba anh và người dì cùng đứa em cùng cha khác mẹ mới 1 tuổi (cũng tên Anh) trong căn nhà hôi thối và xuống cấp, lòng anh chùng xuống. Anh tự nhủ 'thôi thì mình thăm ông ấy lần cuối, vì chắc ông cũng sắp chết. Hãy xem mọi chuyện xảy ra như một cơn ác mộng.'
Quay lại câu chuyện anh Tâm. Sau này hai vợ chồng dọn về Sydney
sống. Họ bắt đầu làm chả lụa và nhờ các tiệm bán thực phẩm Á châu bán. Công việc
làm chả lụa khá thành công, và họ dần dần ky nghệ hoá các công đoạn làm chả,
cho phép họ sản xuất hàng ngàn chả lụa mỗi ngày. Hãng làm chả lụa của anh ngày
nay có hơn 30 người làm và mỗi năm bán cả triệu đủ loại chả cho các tiệm thực
phẩm Á châu.
Sau chương 'câu view' nhanh như chớp như trên, Đỗ Anh quay một cuốn phim chậm về hành trình tị nạn của ba má anh.
Sài Gòn trong những ngày sau 1975 rất hỗn độn và hoang mang. Ai cũng nghèo và gặp đủ thứ khó khăn. Trong môi trường đó, ba anh đã gặp má anh lúc đó bán hàng rong trong một toa xe lửa, và cái nghĩa cử hào hiệp của ba anh đã làm cho má anh siêu lòng. Hai người thành hôn. Nhưng cuộc sống càng lúc càng khó khăn, với cái 'ly' lịch vàng', cả nhà nghĩ rằng sẽ khó sống với thể chế mới, nên họ quyết định vượt biên.
Năm 1980, họ vượt biên từ Rạch Giá bằng ghe đánh cá dài 9 mét,
ngang 2.5 mét, chở 40 người. Lúc đó, Đỗ Anh mới lên 3. Sau 5 ngày đêm lênh đênh
trên biển, sóng gió nguy hiểm tưởng chết rồi, và thậm chí đụng độ với hải tặc
Thái Lan hai lần, cuối cùng họ được một tàu chở hàng mang cờ Đức cứu giúp và
đưa vào trại tị nạn Pulau Bidong (Mã Lai).
Chỉ 3 tháng sau, cả gia đình được Chánh phủ Úc chấp nhận cho định cư ở Úc như là những người tị nạn. Nhưng phải chờ đến tháng 8/1980, cả nhà mới được sang Úc định cư, và nơi họ ở là khu Yagoona, cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 30 km. Yagoona là một khu mà giá nhà cửa tương đối rẻ nên là mảnh đất ly' tưởng cho những người tị nạn, những người nghèo, hay nói chung là giới lao động.
'What a great country!'
Những ngày sau đó, cả gia đình còn khám phá nhiều điều mới lạ. Nào là nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì cứ đi khám bác sĩ và ... miễn phí. Cứ mỗi hai tuần, Chánh phủ lại cho một số tiền trợ cấp, mà không hề nghe nói là cho vay hay là cho luôn! Ở cả tháng trời mà chẳng thấy bóng dáng cảnh sát đâu, chẳng ai đến kiểm tra hộ khẩu. Hai người lại thốt lên:
'What a great country!'
Những ngày sau đó, Đỗ Anh ghi danh học tiểu học, và lại cả một trải nghiệm khó quên. Anh kể rằng khi vào lớp học, thầy giáo yêu cầu học trò viết xuống rằng trong tương lai họ muốn theo đuổi nghề nào. Học trò người bản xứ và gốc di dân khác (như Bồ Đào Nha, Li Băng, Hi Lạp, Ý) thì có mộng làm thợ điện, thợ sửa ống nước, cảnh sát, lính cứu hoả, phi hành gia, v.v. Nhưng khi đến các học trò gốc Việt thì đa số đều muốn làm bác sĩ, ky sư, luật sư, phi công. Đến phiên cậu học trò Đỗ Anh, anh đấm tay xuống bàn và tuyên bố "Tôi muốn làm thủ tướng". Buổi chiều về nhà, Đỗ Anh thuật lại cho cả nhà nghe, ai cũng phì cười.
Sau tiểu học, ba anh rất quan tâm đến giáo dục và quyết tâm cho con một cơ hội tốt nhứt. Đỗ Anh được gởi đi học nội trú tại trường [trung học] St Aloysius' College, một trong những trường tư thục nổi tiếng ở Sydney. Đây là trường dành cho giai cấp trung thượng lưu trong xã hội. Vậy mà một cậu học trò xuất thân từ Việt Nam, ở một vùng ngoại ô lao động được học ở đây, và đó chính là ly' do Đỗ Anh thấy không thoải mái.
Trong môi trường của các 'công tử' và 'tiểu thơ', thì cậu học trò tị nạn Đỗ Anh thỉnh thoảng thấy mình lạc lõng, lạc lỏng từ cách ăn mặc, ngôn ngữ cơ thể đến cách phát ngôn. Nhưng để bù đấp vào cái khoảng trống của giai cấp trung lưu, Đỗ Anh học giỏi, và khả năng khoa bảng này làm cho các công tử phải nể phục. Nhưng cũng trong thời gian này, Đỗ Anh đã có năng khiếu hài kịch, và được nhà trường phát hiện sớm.
Nhưng vì nhà nghèo, và Đỗ Anh muốn làm một cái gì đó để giúp ba má. Anh nghĩ là sau trung học thì anh sẽ tòng quân. Lương của lính lúc đó là 15,000 đôla mỗi năm, một số tiền lớn. Sau khi kiểm tra thể lực và IQ, anh được vào vòng phỏng vấn. Nhưng đến vòng phỏng vấn, người ta phát hiện Đỗ Anh mắc bệnh suyễn, và thế là rớt đi lính.
Không đi lính được, Đỗ Anh quyết định tập trung vào việc tiếp tục
học hành. Nhờ điểm tú tài cao, anh được nhận vào học luật của Đại học Công nghệ
Sydney (UTS). Nhưng chỉ vào học ngày đầu tiên ở UTS, anh đã có suy nghĩ khác về
giáo dục đại học.
Sau khi tốt nghiệp UTS, anh được công ty tư vấn Andersen Consulting nhận vào thử việc, nhưng khi nghe qua anh phải làm từ 60 đến 65 giờ mỗi tuần là anh hơi hoảng. Tuy nhiên, Đỗ Anh cho biết rằng ngay từ giây phút anh được nhận vào làm cho Andersen Consulting thì má và em của anh sẽ thoát nghèo.
Trong thời gian làm việc, Đỗ Anh vẫn tìm cơ hội khác. Anh quen biết với một người bạn Úc tên Dave, lúc đó là một kịch sĩ có tiếng. Anh hỏi Dave mỗi tuần làm việc khoảng mấy tiếng đồng hồ và thu nhập bao nhiêu, và được Dave cho biết là làm chừng 4-5 giờ một tuần với thu nhập 60,000 đến 65,000 đôla một năm, có năm may mắn lên đến 100,000 đôla! Nghe xong, Đỗ Anh quyết định ... chuyển nghề.
Thế rồi anh theo đuổi nghề kịch, đặc biệt là tấu hài. Tiếng Anh
gọi là standup comedian, tức là hài độc thoại. Đây là hình thức diễn hài rất
khó vì chỉ một mình và khán giả có khi chỉ đếm đầu ngón tay. Đó là chưa nói đến
một người xuất thân từ văn hoá Á châu lại diễn hài cho người Úc. Khi về nhà, Đỗ
Anh báo cho má anh biết, và bà lo lắng hỏi 'Con làm được không?' Anh xin phép
Andersen Consulting để đi diễn hài một thời gian ngắn, và công ty đồng ý với một
thời gian ngắn thôi. Không ngờ cái thời gian ngắn đó đã làm thay đổi cuộc đời của
Đỗ Anh và làm nên lịch sử cho cộng đồng người Việt ở Úc.
Đỗ Anh kể rằng có đêm anh diễn hai ba nơi, mỗi nơi anh kiếm được chừng 20 đến 50 đôla. Rồi nhờ sự cố vấn của Dave và 'nghề dạy nghề', anh trở thành một diễn viên hài chuyên nghiệp hồi nào mà không hay. Anh có lần diễn hài trước cử toạ là các tu sĩ Công giáo, mà rất hồi hộp vì sợ họ ... không cười. Thế nhưng lần diễn đó rất thành công.
Sau đó, anh ghi danh đi thi tấu hài cấp quốc gia, mà nếu thắng anh sẽ được 5,000 đôla. Và, anh đã được trao giải nhứt. Đỗ Anh xem đó là một thời điểm đẹp trong cuộc đời của anh. Từ một luật sư trở thành một danh hài.
Đỗ Anh kể chuyện rất cảm động rằng sau khi ban giám khảo tuyên bố anh đoạt giải nhứt, người chủ toạ cầm một bao thư dày cộm tiền đưa cho anh. Anh nói chưa bao giờ trong đời anh có nhiều tiền như vậy. Anh sợ mất số tiền đó, nên khi về khách sạn, anh khoá cửa cẩn thận, để cái bao thư đó dưới gối và ngủ. Sáng hôm sau, mặt anh bị móm một bên vì cái bao thư đựng 5000 đôla!
Việc đầu tiên anh làm với 5000 đôla là đưa đứa em gái tên Trâm đi làm răng. Số là Trâm có vấn đề về răng từ lúc mới sanh ra, nên cô ấy mất tự tin, ít khi nào cười. Do đó, Đỗ Anh thề rằng khi anh có tiền, thì việc đầu tiên là chỉnh lại hàm răng cho đứa em gái. Và, anh đã thực hiện được lời thề đó, đem lại nụ cười rạng rỡ cho cô em gái.
Thành công nối tiếp thành công. Đỗ Anh được nhiều nhựt báo quốc
gia (như Age, Sydney Morning Herald) ca ngợi và mời diễn. Thậm chí tạp chí
Women's Forum cũng mời anh diễn. Rồi anh được mời xuất hiện trên các chương
trình tivi nổi tiếng cấp quốc gia. Cái tên Đỗ Anh trở thành 'household name' trong
các gia đình người Úc. Anh còn được mời quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng
của Úc. Có lẽ đa số không biết anh là người gốc Việt và đến Úc với không một chữ
tiếng Anh.
Sau thành công trong nghề diễn hài, Đỗ Anh 'lấn sân' sang lãnh vực hội hoạ. Ở lãnh vực hội hoạ, Đỗ Anh cũng đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Anh từng từng được chọn vào vòng chung kết cho giải thưởng danh giá Archibald Prize suốt 3 năm (2014, 2017 và 2019) và từng được trao giải People's Award.
Câu chuyện của Đỗ Anh, có thể xem như là người thuộc thế hệ thứ hai vì anh lớn lên ở Úc. Có lẽ nói không ngoa rằng anh là một người thành công thuộc vào nhóm 'elites', và anh cũng thuộc vào nhóm người thiểu số trong cộng đồng người Việt ở Úc.
Tuy nhiên, quá trình học hành và trưởng thành anh ấy mô tả trong
sách thì phải nói là rất tiêu biểu cho thế hệ thứ hai. Đó là những trải nghiệm
về sự ky` thị chủng tộc khi mới bước vào trường học như anh ấy mô tả hành động
phân biệt của người thầy dạy môn sử năm lớp 9 cùng những bình luận mang tính định
kiến chủng tộc từ đội bóng đá đối thủ. Trong sách, Đỗ Anh cũng kể về việc gần
như không được phép vào một địa điểm mà anh đã đặt để trình diễn chương trình
hài đứng; an ninh không cho anh vào trong câu lạc bộ, và tuyên bố, 'Chúng tôi
không thực sự thích loại người như bạn ở đây'. Đó là những trải nghiệm rất thật
mà tôi nghĩ nhiều người Việt đã từng trải qua.
Tôi thích đọc sách như cuốn này của Đỗ Anh, bởi vì qua đó, mà độc giả Úc có thể hiểu được hoàn cảnh của người Việt tị nạn trên đất Úc. Đối với đa số người Úc, họ không hiểu tại sao người Việt có mặt ở đây, và họ có được Chánh phủ Úc cho tiền hay không. Có thời, người ta đồn đại rằng Chánh phủ Úc cho tiền để 'bọn Việt Nam' mua xe hơi mới! Đọc về gia đình của Đỗ Anh, họ sẽ hiểu và biết được sự quyết tâm và làm việc chăm chỉ, và lòng biết ơn chân thành cho cuộc sống mà họ đang có, họ cũng có những đóng góp quan trọng vào xã hội mới.
Một điểm tích cực khác được thể hiện qua cuốn hồi ky' của Đỗ Anh
là tấm lòng hào phóng của người Úc. Câu chuyện hai nữ tu từ hội St Vincent de
Paul đã thể hiện điều này khi họ tặng những bao quần áo miễn phí khi họ đầu
tiên đến Úc mà không có tiền. Điều này cho thấy Đỗ Anh lớn lên trong môi trường
có những người hào phóng và điều này đã khiến Anh trở nên hào phóng với người
khác.
Có lẽ Đỗ Anh là danh hài, nên cách viết của anh cũng ... hài hước. Thật vậy, đây đó trong sách có nhiều đoạn tôi đọc mà bật cười một mình vì thích thú. Chẳng hạn như đoạn anh mô tả cả đại gia đình anh đem theo con heo quay để đi hỏi dâu ở một vùng giàu có phía Bắc Sydney, làm cho bà mẹ cô dâu kinh ngạc hỏi 'Trời ơi! Chuyện gì đây, Suzie?' Suzie là tên của bà xã Đỗ Anh, người mà anh quen lúc còn học đại học. Cô sinh viên Suzie là người Úc gốc Anh, xuất thân từ một gia đình thượng lưu. Anh kể rằng ngày cả đại gia đình kéo đi hỏi dâu mà lái xe toàn là loại Nissan, Toyota, Daewoo, v.v. còn bên gia đình vợ thì toàn là Rolls-Royce, Mercedes, BMW, Masteri, v.v. Má anh cằn nhằn là 'Tại sao con không cho má biết họ giàu như thế này'. Tuy nhiên, chẳng ai nao núng vì mình cứ là mình.
Đoạn vừa vui, vừa cảm động là khi má của Đỗ Anh đọc 'diễn văn' trong buổi lễ hỏi dâu. Vì không biết tiếng Anh, bà phải học thuộc lòng từ cô con gái để nói. Bà nói bằng kiểu tiếng Anh bồi:
“My son lup your dotter berry much. Anh tek care of Suzie like he tek care of us. He will lup her like he lup his family. Anh has very big lup. When he lup someone he mek sure dey happy forever.” (My son loves your daughter very much. Anh takes care of Suzie like he takes care of us. He will love her like he loves his family. Anh has very big love. When he loves someone he makes sure they [are] happy forever. Con trai tôi thương con gái ông bà nhiều lắm. Nó sẽ chăm sóc Suzie như nó chăm sóc chúng tôi. Nó sẽ thương vợ như nó thương gia đình nó vậy. Nó có tình thương bao la. Khi nó thương ai, nó sẽ làm cho người đó hạnh phúc.)
Cô dâu nghe mà khóc. Mẹ cô dâu cũng khóc. Họ khóc vì tấm lòng chân thành của bà mẹ chồng đối với cô dâu mà không cần phải có văn hay chữ tốt gì hết.
***
Tóm lại, 'The Happiest Refugee’ là một cuốn hồi ky' hay. Tuy Đỗ Anh tuy viết về gia đình anh, nhưng thật ra là cho rất nhiều người Việt ở Úc vào thời đó (thập niên 1970 và 1980). Đó là câu chuyện về những cuộc vượt biên mạo hiểm và trải qua những thảm cảnh kinh hoàng trên Biển Đông. Đó là những câu chuyện xung đột trong gia đình đầy sóng gió. Đó là tuổi thơ đau khổ, nghèo đói. Đó là lòng dũng cảm để tồn tại trên quê hương mới. Đó là sự đấu tranh chống lại bọn ky` thị chủng tộc và những định kiến của người Úc.
Đọc 'The Happiest Refugee’ để hiểu những gia đình tị nạn gốc Việt đã vượt qua những khó khăn như thế nào để đến Úc. Sự khó khăn của họ không kết thúc khi họ đến, nhưng tánh lạc quan, hài hước, cùng sự kiên trì và lòng biết ơn của họ thực sự làm cho bất cứ người đọc nào, Úc hay Việt Nam, đều thấy ấn tượng.
Người tị nạn sung sướng nhứt – Tuan V. Nguyen AM (nguyenvantuan.info)
Tại sao khi đó người tỵ nạn nghèo khổ quá mà không ăn cắp hàng ở siêu thị, họ ráng vương lên để đem danh dự cho người Việt. Còn những người VN bây giờ thuộc loại đẳng cắp tới nước người du học, công tác lại đi cắp đồ trong các cửa hàng ???
ReplyDeleteĐây là người miền nam vượt biên tỵ nạn thật sự, từ chối sống với lũ Cộng Nô. Họ Biết ơn sự tiếp đón chân tình, nên trong lòng lúc nào cũng mong có dịp đền đáp. Khác xa loại người bắc Việt Nam tỵ nạn kinh tế sau nầy, đi tới đâu trộm cắp tới đón, làm nhục nhả cho người Việt.
ReplyDelete