Hệ thống thải của người và vật bị con tạo khinh rẻ khi đặt chúng ở tuốt phía dưới. Nhưng có một ngoại lệ là loài tôm. Học Lạc đã thơ: “Chẳng biết mình va cứt lộn đầu”. Không biết có còn loài nào ngược ngạo như tôm không. Học Lạc đã không biết hết ý của con tạo. Chúng ta cũng vậy. Tôm tép là thứ chúng ta ăn thường xuyên. Con tạo ưu ái dành nguyên cả thân hình tôm cho chúng ta nhậu. Vậy còn chỗ đâu cho bộ đồ lòng. Phải mang lên để trên đầu. Đầu tôm là một chiếc hộp trong đó có dạ dày chiếm một thể tích lớn, nằm ngay sau não. Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày, sẽ được đẩy chạy dọc theo ruột là đường ống nhỏ chạy dọc theo lưng tôm, thứ các bà nội trợ thường xẻ vỏ tôm ra và vứt đi trước khi nấu nướng. Chất thải được tống ra ở một lỗ mở của ruột nằm ở đuôi tôm. Vậy là con tạo vẫn đi đúng hướng chứ không có biệt lệ như Học Lạc và phần lớn chúng ta hiểu lầm!
Hệ thống phía dưới của
người gồm có hai ngã thông. Nam hay nữ đều vậy. Một giống nhau và một khác
nhau. Hai ngã nhưng có tới ba thứ chui ra. Vậy phải có một ngã chung đụng. Đó
là ngã mà nam nữ bình đẳng. Ngôn ngữ nước ta xếp thứ tự ba thứ này thành đại, trung
và tiểu. Ngã một công đôi việc xuất cảng hai thứ đại và trung. Ngã còn lại cho
ra thứ tiểu. Ba thứ thuộc ba thể khác nhau: rắn, lỏng và hơi. Vậy căn cứ vào
đâu mà phân chia lớn nhỏ, trên dưới. Thiệt không hiểu nổi các cụ ngày xưa. Các
cụ nghĩ sao thì chẳng ai biết nhưng tôi đoán. Cái ngã làm được hai việc được
coi như bà vợ lớn, ngã chỉ làm một việc như bà vợ nhỏ. Con bà lớn phải hơn con
bà nhỏ nên chiếm hai ngôi đại và trung. Anh (và chị) con vợ nhỏ phải cam phận
tiểu.
Anh trung con bà lớn
là thứ gây ồn ào nhất. Trong khi anh đại và anh (hoặc chị) tiểu có chỗ có chàng
đàng hoàng thì anh trung tung tẩy hoang đàng nhất. Bất cứ nơi nào, bất cứ ở
đâu, anh cũng gây ồn ào. Như một thứ vũ khí.
Chúng ta hầu như ai
cũng từng đọc truyện Trạng Quỳnh. Chuyện có thật hay không, không bàn tới nơi
đây, nhưng đọc mà khoái vì Trạng đã dùng chiêu tiểu áp đảo chiêu trung như một
thứ vũ khí ngoại giao. Chuyện như thế này: Năm ấy, có sứ nhà Thanh khét tiếng
hống hách sắp sang nước ta, vua Lê chúa Trịnh tỏ ý lo ngại. Triều đình bèn cử
Trạng Quỳnh ra tiếp. Trạng đóng giả một anh lái đò đưa khách sang sông, neo
thuyền chờ sứ Tàu. Đò ra giữa sông, một tên trong đoàn sứ chột bụng làm một
phát ồn ào. Hắn bèn chữa thẹn bằng một câu rất hỗn sược: “Lôi động Nam bang”.
Sấm động nước Nam. Trạng Quỳnh bỏ chèo, đứng thẳng người, vạch quần ra làm một
phát cầu vồng và đối: “Vũ qua Bắc hải”. Mưa qua biển Bắc. Tên sứ Tàu giận mất
khôn, định xông vào hành hung Trạng. Trạng mắng lại: “Tiền phát lôi, hậu phát
vũ, thiên địa chi lý nại hỉ”. Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất
là thế. Sứ Tàu câm miệng không nói chi được!
Chàng trung là anh đại
tếu. Trẻ già lớn bé, nam phụ lão ấu đều không giữ được tiếng cười khi anh xuất
hiện mà không có ống hãm thanh. Chắc nhiều người cũng đã gặp trường hợp tức
cười như tôi. Đứa cháu hai tuổi của tôi đang chơi, bỗng tuột ra một tiếng kêu
khá lớn. Bé ngơ ngác nhìn quanh trong khi đám người lớn cười ầm ĩ. Cháu bỗng òa
khóc. Không biết trong đầu cháu nghĩ chi. Mẹ cháu vội vàng ôm bé vào lòng dỗ
dành. Chúng ta nghĩ chuyện không có chi mà ầm ĩ, rồi bé sẽ quên đi. Nhưng các
nhà giáo dục Nhật Bổn không nghĩ vậy. Họ…giáo dục.
Tác giả Shinta Cho đã
cho ra mắt một cuốn sách tranh, tiếng Nhật gọi là ehon, giải thích cơ chế sinh
lý của con người. Sách mang tên “Chuyện Xì Hơi”. Đầu tiên tác giả liệt kê và mô
tả các kiểu xì hơi của vật và các loài vật. “Con voi đánh rắm rất to: Buủmm! /
Bong bóng thì kêu bục bục / Con người cũng đánh rắm”. Sau đó giải thích một
cách dễ hiểu rắm do đâu mà ra. “Khi chúng ta ăn uống, không khí tràn vào qua
đường miệng. Đặc biệt, càng ăn vội không khí tràn vào càng nhiều hơn. Ợ hơi là
khi không khí thoát ra qua đường miệng. Còn đánh rắm là khi không khí thoát ra
qua hậu môn”. Tại sao khí thoát ra lại có mùi, tác giả giải thích cho con nít:
“Rắm bao gồm một phần không khí đã đi vào từ đường miệng và khí được sinh ra ở
ruột già. Khí được sinh ra ở ruột già, nơi khí được tạo ra bởi thức ăn còn lại
sau khi đã tiêu hóa và bị phân hủy, bốc mùi rồi trở thành phân. Vì vậy nên rắm
mới có mùi thối”. Tác giả giải thích thêm là rắm sinh ra khi các em ăn thịt cá
thối hơn rắm sinh ra từ thức ăn là rau củ quả vì thế “rắm của những loài động
vật ăn thịt thì rất thối”.
Trẻ em có cái hồn
nhiên mà người lớn đánh mất kể từ khi hết trẻ. Chúng nhìn thế giới chung quanh
với con mắt ngây thơ vô tội. Bởi vậy nên có những chuyện người lớn cho là cấm
kỵ thì trẻ em coi như chuyện bình thường. Chuyện ị đái hay rắm rít chúng không e
dè khi nói tới. Nhiều phần còn nói tới một cách thú vị.
Chuyện xì hơi, người
lớn chúng ta cũng nói tới với nhiều nhiệt tình tuy chuẩn mực xã hội đè nén bắt
chúng ta e dè. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên nói theo…khoa học. Khi chúng ta
nhai nuốt thức ăn, không khí cũng thừa cơ lẻn theo vào miệng và trôi xuống ruột.
Đám vi khuẩn trú ngụ trong ruột tác động vào đám khí thải này tạo thành hơi. Sự
chuyển hóa này khiến phải vài giờ sau khi ăn, khí mới muốn tìm đường ra. Nội
dung hơi thoát ra gồm 59% khí nitrogen, 21% hydro, 9% khí CO2, 7% methane và 4%
oxy. Chỉ có khoảng 1% khí hydro sulfur và mercaptan (một chất có lưu huỳnh),
vậy mà cái 1% tí xíu này có tác dụng giải tán đám đông một cách hiệu quả. Xì
hơi có hai loại: loại chui rất yên ắng và loại phát ra âm thanh. Âm thanh này
khi lớn khi nhỏ là do áp lực khí cũng như độ thắt của cơ hậu môn. Âm thanh này
rất đa dạng, khi nỉ non ai oán, khi vắt vẻo như tiếng kèn, khi hùng dũng như
tiếng bom nổ khiến nhiều người dùng làm trò chơi. Tần suất thả bom tùy theo dạ
dày mỗi người nhưng người ta tính trung bình mỗi người xì hơi khoảng 14 lần mỗi
ngày. Con số này khó được chấp nhận. Tuy chuyện xì là bình đẳng cho cả nam lẫn
nữ nhưng chị em phụ nữ nhất định không chịu chấp nhận con số 14 này. Sự phản
đối này là…phản khoa học. Một nghiên cứu đã cho biết nếu đưa cùng một loại thức
ăn cho một phụ nữ và một nam nhân thì sau đó phụ nữ có xu hướng xì hơi nhiều
hơn nam giới. Trong khi đó nhiều nam nhân rất hiên ngang không chấp nhận con số
khiêm nhường này. Phải chăng các nhà nghiên cứu tính nhầm đơn vị. Có lẽ phải là
14 tràng. Về tốc độ lan tỏa, mỗi cú xì sẽ cho thoát ra khoảng 100 mililitre khí
và chỉ trong 2 giây là khí tỏa ra chung quanh cho mọi cái mũi thưởng thức.
Tôi chịu khó viết bài
này không phải là để mua vui mà nhằm mục đích cao cả hơn: vì sức khỏe mọi
người. Mới đây, các nhà nghiên cứu chúi mũi vào chuyện xì hơi hơi nhiều. Bởi vì
chúng ta mải cười nên còn rất lơ tơ mơ trong chuyện này. Bác sĩ Eamonn Quigley,
chuyên khoa tiêu hóa của bệnh viện Methodist Houston, tiểu bang Texas, phàn nàn
có nhiều người vẫn lẫn lộn chuyện đầy hơi và đầy bụng. Ông giải thích là đầy
bụng không có nghĩa là cơ thể muốn thải khí ra ngoài mà đầy bụng là khi khí bị
mắc kẹt trong hệ thống tiêu hóa. Khi khí mắc kẹt này tích tụ quá nhiều sẽ làm
chúng ta cảm thấy khó chịu. Ông khẳng định đầy bụng hoàn toàn khác so với đầy
hơi.
Chuyện hơi thoát ra
đường dưới rất có ý nghĩa với y học. Có thể đó là tiếng trống báo hiệu các bệnh
về bao tử hay ruột già như nhiễm khuẩn đường ruột, xuất huyết bao tử, loét dạ
dày. Một ông bạn tôi bị bệnh chi, tôi không còn nhớ tuy ông có nói với tôi. Ông
kẹt không xì được. Nếu hơi thoát ra được thì tình trạng bệnh sẽ khả quan hơn
nhiều. Vậy là mọi người mong đợi trong hồi hộp một cú ngoạn mục. Nhưng thứ được
mong đợi vẫn biệt vô âm tín. Cho tới lúc, lạy trời, ông nổ được phát súng. Mọi
người đều mừng rỡ thích thú như khi coi đốt pháo bông.
Không xì hơi được hay
cố nén xì hơi tai hại vô cùng. Trong một bài viết mới đây trên tờ “The
Conversation”, bà Clare Collins, Giáo sư môn Dinh Dưỡng của Đại học Newcastle
bên Anh, đã liệt kê những vấn đề về sức khỏe nếu vắng tiếng bom. Bà cho biết
khi chúng ta ăn, có những thành phần khó tiêu trong thức ăn di chuyển xa hơn
trong đường ruột. Khi đó vi khuẩn trong đường ruột phải ra tay bằng cách làm
lên men, tạo ra khí và các acid béo. Acid béo được tái hấp thụ và sử dụng trong
quá trình trao đổi chất. Khí sản sinh cũng được tái hấp thụ qua thành ruột, đi
vào hệ tuần hoàn và cuối cùng ra khỏi cơ thể qua phổi hoặc trực tràng. Dĩ nhiên
cơ thể chúng ta sẽ phản ứng theo chiều tự nhiên là tống khí xuống dưới theo
đường ruột cho xì ra ngoài. Nếu chúng ta cố nhịn vì một lý do nào đó, khí sẽ bị
đảo lộn đi ngược lên thoát ra bằng đường miệng. Nghe mà phát khiếp. Nhưng
chuyện còn khiếp hơn.
Chuyện do chính khổ
chủ kể lại trên trang cá nhân. Cô ca sĩ người Brazil tên Pocah có một buổi hẹn
hò tại một địa điểm lãng mạn với bồ. Chẳng may tối đó cô luôn có cảm giác muốn
xì hơi rất khó chịu. Nếu thuận theo tiếng gọi của thiên nhiên thì chuế quá, cô
cố gắng nhịn. Sáng hôm sau, cô thấy bụng mình quặn đau dữ dội phải kêu xe cấp
cứu ò e tới bệnh viện. Bác sĩ khám phá ra vì nhịn xì hơi trong một thời gian
dài nên hơi tích tụ trong vùng bụng, chèn ép các cơ quan khác gây co thắt dẫn
đến những cơn đau bụng liên tu bất tận. Sau khi được điều trị mọi chuyện đã tốt
đẹp. Cô Pocah nhắn nhủ mọi người không nên đùa với chuyện xì hơi.
Anh Joe Rwamirama, 48
tuổi, sinh sống tại thủ đô Kampala của Uganda, không đùa với hơi của anh. Vì đó
là hơi quý. Anh ăn uống như mọi người và khí thải của anh không có mùi chi đặc
biệt khác người. Nhưng khí đó giết được loài muỗi truyền bệnh sốt rét cách xa 6
thước. Danh tiếng anh nổi như cồn. Anh xuất hiện ở đâu là nơi đó không còn muỗi
vo ve. Anh thợ hớt tóc James Yoweri đã viết trên trang Talk of Najia: “Cả thành
phố đều biết Joe là người có thể giết chết muỗi bằng xì hơi. Anh được mọi người
chung quanh kính trọng”. Một trưởng khu ở Kampala nói: “Tôi đã nghe về tài của
Joe và nhờ anh ấy tới giúp đuổi muỗi đang tấn công các khu dân cư của chúng
tôi. Điều kỳ diệu là anh ấy đã khiến những con côn trùng hút máu ấy rơi xuống
và giúp loại bỏ chúng. Anh ấy chỉ xì hơi và muỗi rơi xuống như mưa”. Anh Joe đã
có kế hoạch khai thác chút tài mọn này bằng cách biến khí xì hơi của mình thành
sản phẩm tiêu diệt côn trùng bán rộng rãi trên thị trường. Anh mơ màng: “Hãy
tưởng tượng bạn mua một chai thuốc diệt côn trùng có in khuôn mặt tôi trên
đó!”.
Xì hơi làm cho người ta ngại ngùng về hai chuyện: tiếng nổ và mùi vị. Chuyện tiếng nổ người ta, nhất là các vị nữ lưu, có thể điều chỉnh để hơi thoát ra từ tốn không gây ồn ào. Nhưng chuyện mùi vị thiệt là nan giải. Làm sao bịt được mũi thiên hạ dù hành động lén lút êm ru bà rù không gây động tĩnh chi. Không nên hốt hoảng, chuyện chi cũng có thuốc chữa.
Một công ty ở Pháp đã
phát minh được thuốc có tác dụng biến đổi mùi vị khí thải của con người từ khó
ngửi tới dễ ngửi. Chúng ta chỉ cần uống một viên thuốc hình con nhộng vào là sẽ
xì ra một làn hơi thơm ngát mang mùi hoa hồng, chocolate hay một số mùi dễ chịu
khác. Cha đẻ của viên thuốc thần kỳ này là ông Christian Poincheval, người của
thị trấn Gesvres thuộc miền Tây nước Pháp. Ông sáng chế thành công viên thuốc
này từ năm 2007. Nói là viên thuốc nhưng thực ra viên nhộng này không có thuốc
chi cả mà chỉ bổ sung vào chế độ ăn uống của con người một vài thành phần tự
nhiên khiến hơi hướm phát ra dễ chịu hơn. Vì vậy nên thuốc không có hại chi cho
sức khỏe của người dùng. Thuốc đã được bào chế và tung ra thị trường được mang
tên Fart Pill. Dược phòng sản xuất đã giới thiệu trên website của họ như sau:
“Viên nhộng là kết quả của quá trình nghiên cứu, thử nghiệm kéo dài và được bán
kể từ năm 2007. Các biến thể về mùi thơm trong sản phẩm của chúng tôi cũng tạo
thêm sự dễ chịu trong mọi hoàn cảnh”. Công ty cũng cho biết khách hàng rất
thích những mùi thơm do viên nhộng tạo ra. Công ty cũng đã tạo thêm nhiều mùi
khác nhau như mùi gừng hay mùi hoa huệ. Điều khá đặc biệt là khách hàng chọn
mùi theo mùa. Mùa Giáng Sinh mùi chocolate được ưa chuộng, mùa hè là mùi hoa huệ.
Thú thật là tôi cũng
ngẩn ngơ khi biết có thứ thuốc dễ chịu như Fart Pill. Thiệt là chậm tiến. Thuốc
đã bán ra thị trường từ 2007, tính đến nay đã hơn 15 năm, mà mình vẫn ngu ngơ.
Tức khí, tôi lên mạng và kiếm được website Lutin Malin của loại thuốc này.
Thuốc bán theo chai 60 viên, giá 19,90 Euro, tiền gửi miễn phí. Bạn và tôi,
chúng ta còn chần chờ chi nữa mà không móc hầu bao. Để thế giới này thêm thơm
tho. Nuốt một viên, chuyện xì hơi sẽ là chuyện nhỏ miễn là chúng ta biết vặn
nhỏ âm thanh cho khỏi phiền hàng xóm!
07/2023
No comments:
Post a Comment