Saturday, June 22, 2024

Làm Sao Để Nhảy Múa Dưới Cơn Mưa - Youtube Phan ngọc Thuận

Nước Ta Có Bao Nhiêu Người Ngớ Ngẩn? - Nguyễn Huy Cường


Bạn chỉ đọc cái tựa đề này là biết, chính người đặt ra câu hỏi này cũng là người ngớ ngẩn. Nếu đọc hết câu chuyện này, có thể bạn sẽ ước lượng số người ngớ ngẩn sẽ là nhiều triệu người, mà đặc điểm chung của con số này là người … yêu nước, trong đó có bạn, có tôi.

Chuyện là thế này: Cách đây vài tuần, một anh bạn có người thân vào một bệnh viện lớn trong TOP 5 của thành phố cấp cứu vì cơn đau quặn vùng lưng, bí tiểu bước sang giờ thứ 24.

Nộp ba triệu tiền tạm ứng xong, vào một trong hai cái giường sắt trong một căn phòng 4,5 X 4,5 nghỉ. Phòng có máy lạnh và sạch, có sao nói vậy. Phòng này, nếu ngoài cổng bệnh viện (ví dụ như ở Phường 11, 12, quận Gò Vấp chẳng hạn), giá khoảng 300 ngàn/ một ngày đêm đổ về. Ở đây giá hai triệu.

Bác sĩ cho chiếu chụp, siêu âm, kết quả rõ là có viên sỏi 9 li nghẹn lại ở đường niệu, gây bí tiểu vài chục giờ và đau đớn “tuyệt vời”. BS tiêm thuốc giảm đau và nói cho người nhà bệnh nhân biết: Thứ năm tuần sau người khám và điều trị theo bảo hiểm, mới có suất tán xạ phá sỏi. Lý do vì bệnh viện không có… máy. Phải chờ… thuê.

Cũng lạ, cái bệnh biện lớn chừng này, tồn tại và phát triển hơn 50 năm, hàng năm tiêu tốn nhiều tiền ngân sách mà không có một cái máy tán sỏi!

Cả nhà lo lắng. Chả lẽ “đau đẻ chờ sáng trăng”, chờ từ tối chủ nhật đến thứ năm mới hết tội! Mà mỗi liều thuốc giảm đau chỉ có tác dụng chừng bốn tiếng, lại đau.

Bỗng có phép thần hiện ra: Khoảng chín mười giờ đêm một cô bác sĩ đến thăm. Cô cho biết, nếu gia đình chọn cách điều trị “dịch vụ”, theo yêu cầu thì có thể đến sáng mai là được!

Giá khoảng hơn hai mươi triệu. Nộp tiền, làm giấy cam đoan, ok! Nói dại, lúc này họ bảo 50 triệu cũng phải “dạ” thật ngoan.

7 giờ sáng hôm sau, cho bệnh nhân lên xe đẩy, đẩy đến phòng tán xạ!

Không biết đêm qua họ đi thuê ở đâu mà lanh thế!?

30 phút sau bệnh nhân trở ra phòng hậu phẫu nằm nghỉ, mọi việc đã xong! Y tá giao cho người nhà viên “xá lợi” to, vừa lấy trong niệu quản bệnh nhân.

Ông BS nuôi người nhà kề đó, ghé xem xong, nói “Lạ thật. Nếu tán xạ thì viên sỏi tan ra như cám, theo đường tiểu trôi ra ngoài chứ sao lại còn nguyên vẹn thế này?”

Người nhà bệnh nhân đem chuyện này ra hỏi 5 bác sĩ thân thiện qua Zalo thì cả 5 người khẳng định, đây là mổ nội soi chứ không tán xạ tán xiếc gì cả.

Vậy là tiền dịch vụ thì trả cho việc tán xạ, đắt là vì thuê máy tư nhân, nhưng các bác sĩ thần thánh đã làm một phẫu thuận đơn giản là mổ nội soi.

Ông con nhà này lên Facebook, Zalo hỏi tứ tung, từ cung cách mổ đến giá cả thì … loạn xì ngầu!

Có bạn là bác sĩ bệnh viện một tỉnh miền trung, nói, nếu mổ nội soi, có bảo hiểm, không biến chứng, nhiễm trùng, giá chỉ hai triệu! Có bác sĩ chuyên khoa thì nói nếu “tán xạ… thật” hết chừng dưới mươi triệu, nếu là dịch vụ.

Nhưng… Có nhiều đáp án nghe tỉnh cả người. Có nơi trong ngoài 50 triệu, có chỗ 70 triệu! Nghĩa là nhà này “hưởng” giá trung bình, là còn có phước đấy, không có gì mà ầm ĩ cả. Kể cả nhà này trả tiền “thuê máy” và tiền vài triệu cho nửa buổi nằm phòng hậu phẫu không có hoá đơn!

Đến đây, không khó để thấy ba điều:

Điều một: Tấm thẻ bảo hiểm Y tế có thể thoắt cái biến thành vô dụng.

Điều hai: Các ”Từ mẫu” có bài bản, có nghệ thuật đưa con mồi vào thế “phải chấp nhận” cứng ngắc, phải ký cam đoan không thắc mắc gì! Mọi thứ kín như bưng, chẳng ai biết!

Điều ba: Các “Từ mẫu” này kinh doanh phòng nghỉ giỏi hơn ngành khách sạn nhiều. Biến một giá trị 300.000đ thành hai triệu, dễ như bỡn.


Thưa các bạn, viết xong bài này, tôi gửi Zalo cho bạn thân là một chuyên gia thuỷ lợi ngoài Hà Nội, bạn đọc xong “xì” một cái nhẹ tênh: “Ông là thằng ngớ ngẩn. Ở Việt Nam kinh tế chuyển sang tư bản rất ngọt. Một mà hai, hai là một từ lâu rồi, làm gì có cái XHCN nào trong ngành này nữa!”. Gần ba chục triệu cho ca mổ kia không rẻ không đắt.

Cô bác sĩ kiếm được món hời này về đi xin học cho con vào trường “chuyên” lại phải chia sẻ. Cô hiệu trưởng trường chuyên kiếm cái phong bì dày khi đi đăng ký nhà đất lại phải chi cho ông cò thập thò nơi “một cửa”. Ông bác sĩ vớ được món này trên đường về sau sinh nhật sếp, có tí hơi cồn, lại phải san bớt chút hoa hồng này cho việc thổi kèn đo độ cồn …

Cái này đã trở thành phổ dụng rồi, hợp tình hợp lý, đúng phom thời đại, thắc mắc làm cái gì!

Thế là thôi, có điều không dám nói câu trơn tru xưa nay “Lương y như Từ Mẫu” nữa. Nếu không có tiền, là “Lương y như … Từ chối” ngay!

Hết chuyện!


Nguyn Huy Cường

8-6-2024

Khảy Đàn Nhịp Lơi - Đỗ Công Luận

Chuyện Vui Trong Tiệm Sách



Kim Hoa Bà Bà chuyển

Chị Hai Cua Đồng - Song Nhi

 

Vùng quê nhỏ bé nằm bên bờ sông Tiền này được thiên nhiên ưu đãi về địa thế. Cây trái và đồng ruộng do phù sa bù đắp quanh năm thành một vùng trù phú. Nơi đây người ta không cần biết đến địa chỉ vẫn có thể

tìm được nhà nhau một cách dể dàng bằng phương thức hỏi thăm tên. Vì thế khi hỏi nhà Hai Cua Đồng thì sẽ có ngay một cậu nhóc dẫn bạn đến tận nhà.

Không phải chị Hai là người nổi tiếng hay giàu có gì, thậm chí chị khá nghèo so với những người khác và hình thức thì cũng không hơn ai.

Không nhiều người biết tên thật của chị nên từ ngày còn nhỏ, khi chị chuyên đi bắt cua bán cho mấy bà bún riêu ở chợ, cái tên Hai Cua Đồng có từ đó.

Theo lời bà Tư kể thì chị Hai khi còn nhỏ là đứa trẻ nhìn xinh xắn như bao đứa con nít khác. Rồi nhà chị xảy ra hỏa hoạn, ba chị mất mạng, chị cũng bị lửa táp phỏng nặng. Sau đó di chứng xảy ra khiến chị bị nhiều vết sẹo lớn và chân rút gân khiến dáng đi của chị không bình thường, ngay thẳng như người khác.

Năm chị 15 tuổi, má chị qua đời bởi nhiều năm đau bệnh, bỏ chị trơ trọi trên cõi đời với mái nhà xiêu vẹo. Tùy hình dáng xấu xí làm nhiều đứa con nít khác khiếp sợ và trải qua nhiều biến cố như thế nhưng chị Hai không lấy làm buồn phiền. Ai cũng nhìn nhận chị là người tốt với chòm xóm, nhà ai có chuyện, chị tới giúp như người nhà của mình.

Năm chị 27 tuổi, buổi chiều như bao ngày chị đi bắt cua về rồi đem giao cho mấy bà ở chợ. Nhưng khi trở về nhà vào chập choạng tối, ngang qua khu nghĩa địa, chị nghe tiếng con nít khóc. Chị sởn cả tóc gáy khi nhớ đến những câu chuyện bà con kể quanh nghĩa địa này và thầm nghĩ lẽ nào có ma...

Chị cố gắng bước nhanh. Tiếng con nít vẫn vọng theo gió kéo bước chân chị. Chị đắn đo “lý nào sớm vậy có ma”.Ma có nhát ai chứ làmsao dám nhát chị bởi chị còn xấu hơn nó kia mà.Hay là tiếng mèo hoang kêu rồi thần hồn nát thần tính nhưng lỡ đó là con nít thật thì sao?

Đắn đo mãi, cuối cùng chị quyết định bước vào nghĩa địa và lắng nghe xem tiếng khóc phát ra từ đâu. Chị đã định được hướng và đi về phía chòm mả của ông Cả Thượng được xây kiên cố, khang trang ở một góc nghĩa địa. Ngay giữa chòm mả ấy có một đống vải trơ trọi và tiếng khóc phát ra từ đó. Chị Hai rón rén bước đến với sự sợ sệt. Trời chập choạng tối, ở giữa nghĩa địa vắng vẻ cộng với tiếng trẻ con khóc khiến khung cảnh có cái gì đó ma quái làm chị nổi cả gai ốc.

Gom hết can đảm, chị Hai thò tay vào đống vải ấy, khi chạm được cái khối thịt tuy có phần lạnh nhưng chị Hai xác định đó là da thịt con người chứ chẳng phải ma quái. Điều đó khiến chị mạnh dạn và giở những lớp vải phía trên ra. Đúng như chị nghi ngờ, chính giữa là một đứa con nít đang bị kiến bu cắn đỏ cả người, có lẽ nó khóc từ lâu lắm nên tiếng khóc bắt đầu khàn đặc. Chị phủi kiến và cứ như thế ôm nó đi về nhà.

Nghe tin chị Hai nhặt được đứa con nít ở chòm mả một cách kỳ lạ như vậy, người ta kéo lại chật cái chòi của chị. Vài bà dì thương xót, phụ chị ủ, ẵm, pha sữa cho nó... Theo kinh nghiệm của họ, thằng bé sinh ra chưa tới một tháng. Đôi người đoán non, đoán già, ai mà bỏ con chắc cũng có nỗi khổ. Người thì rủa kẻ nào ác đức, “núm ruột” mà còn đem bỏ, nhỡ chị Hai không tới kịp, nó chết thì sao?

Duy có chị Hai không bàn tán cũng chẳng ý kiến gì, chị ngồi yên lặng bên cạnh thằng bé, rờ nhẹ cánh tay của nó như sợ làm nó đau. Nhìn vết kiến lửa cắn chưa phai, chị ứa nước mắt.

Vốn đã nghèo, chị Hai tự nhiên “được thêm” cái khổ. Bởi chị ăn hà tiện được nhưng sữa cho thằng bé thì hà tiện làm sao? Bị cái tật ở chân, chị đi đứng đã khó khăn, còn ẵm thêm thằng bé. Nhiều người lắc đầu xót thầm cho chị. Bây giờ chị Hai kiêm luôn cái nghề lượm ve chai. Thấy cái gì có thể bán được, chị nhặt nhạnh đem về. Bà con thương chị, có cái nồi nhôm bể, hũ, lọ.. cũng kêu chị để cho. Coi như cách phụ chị nuôi con bởi bà con ai cũng nghèo chứ khá giả gì đâu.

Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng thằng bé bụ bẫm, ít bệnh vặt. Trộm vía trời thương nó, nó háo sữa và lớn lên thấy rõ. Năm nó giáp thôi nôi có ông người Hoa ở xóm chợ nhà toàn con gái, không con trai nên ngỏ ý muốn xin nó làm con. Ông hứa nếu chị Hai đồng ý, ông cho chị Hai tiền đủ mua 3 công đất hẳn hoi.

Nhiều người khuyên chị nên cho nó đi đỡ khổ thân chị, thân nó cũng hưởng sung sướng. 3 công đất đâu có ít ỏi gì. Với người như chị Hai, đó là niềm mơ ước. Nhưng chị Hai không giải thích hay trả lời gì, chị chỉ lắc đầu khi nhìn nụ cười của nó.

Năm tháng trôi qua, thằng bé tới tuổi đi học. Chị Hai càng chồng chất vất vả, chị làm không ngừng tay. Miếng đất nhỏ sau nhà chị biến thành vườn rau. Gà gáy sáng, chị đã ra đó. Có lẽ thấu hiểu lòng chị, thằng bé Hải (tên chị đặt cho nó) học rất giỏi. Ngoài giờ học, nó không chạy giỡn như bao đứa trẻ khác. Chị đi đâu, nó theo đó như bóng với hình. Chị làm gì, nó cũng phụ.

Năm nó 11 tuổi được lãnh thưởng Học sinh giỏi toàn trường cuối cấp. Chị Hai nghỉ bắt cua một bữa, diện cái áo mới nhất đi coi con nhận thưởng. Nhìn nó đứng trên bục cao mà chị thầm hạnh phúc. Chị nghĩ không biết nó có nhận ra chị giữa đám người lố nhố thế này không?

Buổi lễ tan, nó ôm phần thưởng chạy ào tới chị, hỏi:

– Má đứng lâu mệt không má?

Chị lắc đầu cười, lau mồ hôi trên trán rồi lật đật lấy chai nước đem theo đưa cho nó uống. Sau lưng chị có tiếng xì xào:

– Thằng nhỏ trắng trẻo, lớn con đẹp trai mà má nó nhìn thấy ghê vậy! Đúng là mẹ cú đẻ con tiên.

Một tiếng khác đáp lời:

– Con đâu mà con, lượm đó. Bả làm gì mà đẻ được vậy. Thằng nhỏ vô phước, xui khiến gặp bà sống khổ muốn chết. Gặp người khác thì đỡ chút.

Chị Hai bủn rủn tay chân, nụ cười tắt hẳn, chị nói với thằng Hải:

– Trễ rồi, về thôi con, má còn nhổ đám rau chiều nay.

Đang đi, thằng Hải chợt hỏi chị:

– Má, người ta nói má lượm con phải không má?

Điều chị Hai sợ nhất cuối cùng đã xảy vào lúc này. Chị đã biết trước có ngày này nhưng không ngờ nó sớm thế. Chị chảy nước mắt gật đầu.

Thằng Hải hỏi chị tiếp:

– Má con là ai, sao bỏ con hả má?

Chị Hai lắc đầu nói trong nước mắt:

– Má không biết... Nhưng má biết má thương con hơn mọi thứ trên đời.

Thằng Hải cắn môi im lặng rồi hỏi tiếp:

– Sao má khóc vậy má?

Chị lấy tay áo lau nước mắt nói:

– Con lãnh thưởng, má mừng, má khóc, ráng học cho sau này đỡ khổ, nghe con. Đừng có dốt, không biết chữ như má, cực khổ.

Thằng Hải nhìn mặt chị nói một cách mạnh dạn:

– Má đừng buồn, đừng khóc nữa má. Con lớn, con đi làm kiếm tiền, cất nhà đẹp cho má ở nghe má.

Chị xoa đầu nó cười...

Học hết cấp hai ở xã, Hải phải lên thị trấn đi học vì xã không có trường trung học. Từ thị trấn về nhà hết 8 cây số, thương con, chị Hai kêu nó ở trọ trong ký túc xá, để khỏi phải đạp xe hằng ngày vất vả. Nó kiên quyết lắc đầu. Ngày hai buổi, nắng hay mưa, nó cũng đạp xe đi về như thế. Ngoài giờ học, công việc vườn rau nó làm thay chị. Nhưng năm nào nó cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.Hàng xóm hay lấy nó làm gương chocon mình.

Người ta mừng cho chị có chỗ dựa an ủi tuổi già.

Nó không cho chị bắt cua nữa nhưng những buổi sáng nó đi học, chị vẫn lén lút đi. Chị muốn chắt bóp thêm để cho nó ăn học bởi chị nghe người ta bảo, học trên Sài Gòn tốn kém lắm.

Sáng hôm nay, đầu xóm, tụi con nít “bu” lại, nhìn ngó chỉ trỏ một cái xe hơi đang đậu. Trong xe, ở băng ghế sau còn có một bà ăn bận thật đẹp, người cứ thơm phưng phức. Phía trước bên lề, có một bà kia đang hỏi lũ nhỏ nhà chị Hai Cua Đồng ở đâu chỉ giúp bà, bà cho tiền mua bánh. Gì chứ, chị Hai Cua Đồng, ai mà không biết, thế là lũ nhỏ nhao nhao chỉ trỏ. Một lát sau thì chiếc xe dừng trước nhà chị Hai. Bà kia nói với người đàn bà ngồi băng ghế sau:

– Dạ em hỏi kỹ rồi bà chủ, không sai đâu. Cậu nhỏ bây giờ học lớp 10. 16 tuổi ạ! Ở xóm này, ai cũng biết chị ấy lượm được con hết. Em đã điều tra rõ ràng rồi.

Người đàn bà đẹp thở dài, đưa khăn lên lau giọt nước mắt vừa tràn ra.

Buổi trưa, thằng Hải đi học về nhà như thường lệ. Điều đập vào mắt nó là cái xe hơi đang đậu trước sân. Chưa hết ngạc nhiên, bước vào nhà, nó thấy má nó đang khóc.Kế bên có một người đàn bà lạ cũng đang sụt sùi. Bên bộ ván có một người đàn ông và một người đàn bà nữa đang ngồi. Khi nó bước vô nhà thì bà đó nói:

– Dạ, cậu Hải về kìa bà chủ.

Nó cởi nón, gật đầu chào theo thông lệ và hướng ánh mắt về chị Hai thay câu hỏi ai vậy. Bởi xưa giờ, trừ người ta đến mua rau nhà nó, có khách bao giờ đâu mà mua rau. Ai sang trọng vậy? Chị Hai kêu nó:

– Đi rửa mặt cho mát rồi vô má biểu.

Khi nó trở vô, chị kéo nó ngồi xuống kế bên nói:

– Dì này là má ruột của con đó. Má ruột của con tìm con vất vả lắm! Lại gọi má đi con…

Nói tới đó thì chị Hai nghẹn lời vì nước mắt.

Người đàn bà kia òa khóc lớn và nắm tay nó nói:

– Má xin lỗi con, không phải má bỏ con đâu. Bao năm nay má ăn không yên, ngủ không ngon, kiếm tìm con...

Thằng Hải nghe như đất dưới chân nó sụt xuống vậy. Dù từ lâu, nó hiểu nó không do chị Hai sinh ra nhưng nó không ngờ rằng má ruột đến tìm nó trong hoàn cảnh này. Trong lơ mơ, giữa những đoạn kể đứt quãng vì nước mắt của người má ruột nó, nó nghe câu được câu mất là:

– Má con nhà giàu,sống cùng cha và mẹ kế.Má thương ba con từ thời đi học nhưng ba con nhà nghèo. Bà mẹ kế muốn má lấy cháu ruột của bà ta vì gia sản của ông ngoại.Khi má sinh ra con, vì sợ ông ngoại, má phải giao con cho bà ta. Bà ta nói sẽ đưa con cho người khác nuôi giùm, nhưng thật sự bà ấy sai người vứt con đi.

Sau đó, cả gia đình ngoại con đi nước ngoài. Trời thương, cuối cùng ba má gặp lại nhau. Sau khi mẹ kế qua đời, ông ngoại con cũng hiểu ra, không ngăn cản như trước. Hiện con còn có thêm một đứa em trai nữa.

Khó khăn lắm má mới tìm được tung tích con. Vì ông ngoại con bệnh già nên ba con không về cùng má được. Gặp lại con như vầy, ông ngoại với ba con mừng lắm! Con thương má, đừng trách má tội nghiệp.

Khi má ruột kể, thằng Hải nghe như vậy, chị Hai tới cái tủ thờ, lục lọi gì đó. Khi nó quay qua hỏi chị Hai:

– Như vầy là sao hả má?

Chị Hai mếu máo: 

– Đúng rồi đó con, má con nói đúng, cái bớt son của con và cái lắc bạc đeo ở chân con. Khi má mang con về không cho ai biết bí mật này hết. Má gói giữ đây, định con lớn, giao cho con để con biết gốc tích của mình. Má con khổ bao năm nay rồi.

Hải ngỡ ngàng, sự thay đổi khi cuộc đời mình tự nhiên có thêm bà má, ba, em trai. Trước khi má ruột đi về, ba nói chuyện điện thoại với nó, bảo sẽ nhanh chóng đón nó qua đó cho trọn gia đình. Nó mừng vì mình có gia đình như bao người chứ không trơ trọi. Xóm làng ai cũng vui lây.

Một bước sung sướng, con nhà giàu. Nhưng nhiều lần nó cũng dò ý chị Hai khi nó đi rồi chị làm sao? Nó hy vọng chị ngăn cản nó nhưng lần nào chị cũng nói:

– Đi đi con cho có tương lai, qua đó được ăn học, đỡ cực khổ, sống với má mười mấy năm cực khổ rồi con. Ráng học thành người, trả hiếu má chưa muộn, má còn khỏe, má lo được, không sao hết con, còn chòm xóm bà con.

Nó cũng yên tâm phần nào vì không thấy chị Hai buồn phiền gì hết. Nhưng có một lần, nó đi học về sớm, khi ra vườn, nó thấy chị Hai vừa tưới rau, vừa quệt nước mắt. Cái dáng xiêu vẹo của chị in trong trời chiều như một dấu chấm hỏi.

Má nó về, dẫn nó đi làm thủ tục. Sau khi đi tới đi lui má nó cũng thở phào nhẹ nhõm khi cầm trên tay cái visa. Chiều ngày mai thì nó theo má nó về gia đình thật của mình. Nhưng sao nó không thấy vui hay háo hức như nó nghĩ. Ngược lại, nó thấy như nó đang đánh mất cái gì đó quý lắm! Nó ngồi trước sân, miên man suy nghĩ, nhìn ra cây xoài đang ra trái non. Nó thấy lại hình dáng ngày xưa của mình với má. Hai má con cùng trồng rau. Nó nhớ cái dáng xiêu vẹo khi má xách thùng nước, nhớ đôi tay má chai sần và đầy vết cua kẹp chứ không mềm mại, mát rượi như tay má ruột nó. Bỗng tiếng chị Hai vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của nó:

– Ngồi chi ngoài đó gió lạnh đó con. Tranh thủ ngủ sớm, mai má con xuống đón sớm đó. Vô đây má có chút chuyện dặn con.

Khi nó ngồi ngay ngắn trên bộ ván, chị Hai miệng nói, tay kéo cổ nó xuống:

– Sợi dây chuyền này má tính để dành cho con sau này đi học, có cần thì dùng, bây giờ má nghĩ không cần nữa rồi. Má cho con làm kỷ niệm. Má biết má con dư giả nhưng vạn nhất, chuyện gì con cũng có cái phòng thân. Má nghe mấy dì ngoài chợ nói xứ đó lạnh lắm! Con nhớ cẩn thận sức khoẻ, con hay bị khò khè khi chuyển gió. Với lại, về bên đó, ăn nói từ tốn, ngoan ngoãn cho người ta thương ha con. Cố gắng học nghe con...

Thằng Hải “nghe” vài giọt nước nhỏ lên cổ và giọng má đang nghẹn lại, nó biết má đang khóc. Nó an ủi:

– Dạ, con biết rồi má. Nhưng sợi dây má giữ đi, phòng thân có mình má bên đây, lỡ má đau bệnh. Con đi vài năm, con về với má liền.

Miệng nói, tay nó lần muốn tháo sợi dây chuyền ra. Chị Hai giơ tay ngăn lại, nói tiếp:

– Đừng lo cho má, từ đó tới giờ má cũng sống vậy. Má con có ngỏ ý gởi cho má số tiền ở trong ngân hàng phòng thân. Nhưng má bảo má không sao, để số đó lo cho con học hành. Giờ nhà mình cũng đâu khó khăn như xưa.

Sáng sớm, khi má ruột xuống đón Hải đi, bà con lại đến đưa tiễn, chúc nó lên đường bình an. Ai cũng ngỡ chị Hai sẽ khóc lóc nhưng trái với thông lệ, chị tươi cười vui vẻ, giống như thằng Hải đi học bao ngày chứ không phải là đi xa không biết bao lâu mới về. Khi xe chạy rồi, bà con ai về nhà nấy, chỉ còn duy nhất chị, chị ngồi bệt ngoài sân, dựa vô gốc xoài nức nở khóc.

Xe Chạy tới Bình Chánh, ngoại ô Sài Gòn, má thằng Hải nói:

– Chút về tới khách sạn, ăn xong, kiểm tra hành lý rồi má con mình ra sân bay. Con đừng lo cho má con nhiều. Má mang ơn chị ấy không hết, má không để chị ấy thiếu thốn hay thiệt thòi gì đâu. Mỗi năm, má sẽ gửi tiền để chị ấy không phải vất vả, con yên tâm đi, vài năm con về thăm chị ấy.

Thằng Hải nhìn má nó rồi nói:

– Má kêu xe dừng lại chút được không má? Con khát nước quá! Con muốn nghỉ mệt chút, con đi xe không quen.

Xe tắp vô một cái quán võng bên lề. Sau khi uống nửa ly nước, thằng Hải tự nhiên xoay qua má nó, nói một hơi như sợ ai cướp lời nó:

– Má... con không giận, không buồn gì má hết, con vui vì con biết hồi xưa má không phải vứt con như con nghĩ. Gặp má, con mừng lắm bởi con có cội có nguồn. Con thương má nhiều vì con biết bao năm nay má tìm kiếm con vất vả, buồn rầu, lo lắng cho số phần con. Nhưng... con thương má của con hơn, má không có con, má còn có ba, có em. Còn má con có một mình con. Khi nào má con không còn nữa, con sẽ về bên má. Má... con xin lỗi má...

Trong khi má thằng Hải còn đang chưa biết phải làm sao trước sự cố bất ngờ vậy thì nó chạy ào qua thanh chắn phân cách hai làn xe.

– Hải... Hải...

Nó đưa tay vẫy chiếc xe đò ngược chiều mà không thèm nhìn coi xe đi tỉnh nào, nó nhảy phóc lên xe. Xe chạy đi trước sự ngỡ ngàng của má nó bên kia lề và chú tài xế đang cố băng qua đường về phía nó.

 

°°°°°°

Trời về chiều,   những tia nắng từ hướng tây chiếu xuống cái sân trước nhà. Bếp núc lạnh tanh dù sáng giờ, chị Hai chưa có hạt cơm bỏ bụng.

Chị ngồi trong góc bếp hàng mấy giờ đồng hồ. Chị muốn đứng dậy đi ra sau vườn làm gì đó nhưng tay chân chị bủn rủn, không có sức lực. Chị thầm nghĩ: giờ này chắc Hải đang ngồi trên máy bay như mấy bà ở chợ nói. Chị tự dặn lòng phải mừng cho con chứ, sao mà ngồi ủ rũ như vậy!

Chợt chị nghe nhà trên có tiếng động, sợ con mèo mun nhảy lung tung như thường ngày, làm đổ bể cái gì, chị níu cây cột đứng lên, cố nheo mắt nhìn coi. Có cái bóng đen che ngang trước cửa nhà và tiếng thằng Hải gọi như bao lần đi học về:

– Má ơi!

Chị quỵ chân xuống, môi cười mà nước mắt tuôn như mưa. Ngoài sân, trời về chiều, gió ngoài sông thổi nhẹ từng cơn…


Song Nhi

Thế Gian Vô Thường - Minh Lương

Đời Sống Thoải Mái Khi Về Già

(Ảnh: GraphicsRF.com/ Shutterstock)


6 điều cần tránh để có một tuổi già hạnh phúc


Sau khi nghỉ hưu, ai cũng muốn sống phần đời còn lại trong yên bình và hạnh phúc. Tuy nhiên, để có được điều đó thì cần nghiêm khắc từ bỏ những thói quen xấu này, bởi nó sẽ vô tình làm tiêu tan đi phúc lành của một người.


1. Sử dụng điện thoại di động ở nhà

Khi nghỉ hưu, bản thân sẽ rất rảnh rỗi và thoải mái, cho nên nhiều người chọn cách giết thời gian bằng cách lướt điện thoại. Đây có thể coi là một thực trạng rất phổ biến. Thậm chí, có người còn cảm thấy rất khó chịu khi không nhìn thấy điện thoại di động của mình.

Trong những năm gần đây, việc trẻ em nghiện điện thoại di động, dẫn đến kết quả học tập sa sút và nhiều bệnh lý về tinh thần, từ đó cũng có rất nhiều người bắt đầu nhận thức ra mối nguy hiểm của điện thoại. Tuy nhiên, cũng lại có rất nhiều người lớn tuổi bị cuốn vào điện thoại với những đoạn video ngắn, hoặc bị những người bán bất lương, người nổi tiếng… dẫn dụ.

Ví dụ, một người nổi tiếng trên Internet đã tạo dáng quyến rũ và hát nhép một cách rất chuyên nghiệp. Sau khi video đăng tải, nó thực sự đã thu hút hàng chục triệu người hâm mộ, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Một số người cao tuổi vì không quen với Internet nên bị các chương trình live-stream lừa đảo. Thậm chí có người còn bị lừa mất rất nhiều tiền bạc, tài sản.

Nghiêm trọng hơn nữa là khi những người già ở nhà, họ ngày đêm nhìn vào điện thoại di động không ngừng, điều này khiến họ không muốn ngủ và mất ngủ trầm trọng. Lối sống này cần nên thay đổi.

(Ảnh: aslysun/ Shutterstock)


2. Ra đường làm phiền người khác

Không phải tất cả người già đều thích ở nhà, một số người thực sự thích làm ra những điều “nổi bật” ở bên ngoài, họ cho rằng điều này là rất ấn tượng.

Ngày nay, thật dễ dàng để bắt gặp những người đàn ông lớn tuổi ở các quán nhậu, quán bia và cả quán karaoke. Họ nghĩ rằng bản thân đang tận hưởng tuổi già, thế nhưng những tệ nạn này sẽ khiến bản thân mất rất nhiều phúc báo mà không biết.

Ngoài ra, họ còn nhảy múa trên quảng trường, phát ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người khác và còn dẫn đến xô xát, tranh chấp giữa các nhóm người cao tuổi.

Cuộc sống thì không thể thiếu các hoạt động, tuy nhiên những người già nên hành động phù hợp với vị trí của bản thân mình. Điều quan trọng là cần giữ gìn phẩm chất đạo đức và hình ảnh của bản thân để làm gương cho thế hệ trẻ.


3. Buộc người trẻ nhường ghế khi sử dụng phương tiện công cộng

Một số người cao tuổi khi đi xe buýt thường ép người khác phải nhường ghế. Tất nhiên, người trẻ tuổi nên nhường chỗ ngồi của mình, thế nhưng người lớn tuổi cũng không nên quá kích động. Hơn nữa, một số người già bình thường thì chạy rất nhanh khi lái xe, nhưng khi lên xe công cộng thì tỏ ra yếu đuối đến mức người khác phải nhường chỗ.

Phép lịch sự và nhường nhịn là một phẩm chất cần có ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu người già hành xử đúng mực hay tôn trọng người trẻ thì họ cũng sẽ nhận lại được sự chăm sóc, yêu thương và tôn trọng của người khác.


4. Tính khí thất thường

Một số người sau khi nghỉ hưu ở nhà, lại sinh ra tâm lý bất mãn với gia đình, họ luôn cáu gắt với người thân nhưng lại hòa khí với người ngoài. Đây cũng là một thói quen xấu và giả tạo.

Thậm chí, có người không nhìn người khác mà chỉ nhìn vợ/chồng mình, chỉ cần động tác có chút chậm chạp cũng cảm thấy tức giận. Nếu họ nổi giận mọi lúc mọi nơi thì cũng tương đương với việc đem phúc khí của gia đình tiêu hao đi mất. Tính xấu này cần trừ bỏ đi. Bởi vì hòa khí là căn bản của một gia đình hưng thịnh, nếu luôn có tấm lòng hòa ái và yêu thương tất cả mọi người thì vạn sự sẽ thuận lợi.


5. Liều mình uống rượu

Khi còn trẻ, họ đã phải giao du và uống rượu với người khác để tạo dựng sự nghiệp và thiết lập các mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu người già vẫn ra ngoài giao lưu sau khi nghỉ hưu thì có thể sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

Ví dụ, nếu sếp cũ rủ đi đâu đó hoặc nhờ lái xe đưa về nhà thì chắc hẳn họ sẽ rất khó lòng mà từ chối. Đồng thời, họ có thể cũng sẽ khó chịu nếu cấp dưới cũ xem họ bằng vai phải lứa.

Vì vậy, đối với những bữa ăn không cần thiết, tốt nhất là nên từ chối ngay từ đầu.

(Ảnh: AnnaStills/ Shutterstock)

6. Tâm oán hận

Một số người già nói quá nhiều và không giữ được sự điềm tĩnh. Tất cả những bất mãn, giận dữ và những điều không thể chấp nhận được mà họ đã tích tụ trong tuổi trẻ đều muốn nói ra, muốn chỉ trích và muốn bình luận bằng cách tìm ai đó để nói chuyện, nói qua điện thoại hoặc nói với gia đình.

Nhưng họ không biết rằng oán hận sẽ không giúp ích gì và còn khiến trái tim càng trở nên tổn thương hơn. Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng mà ra, tốt nhất là nên nói ít lại hoặc thậm chí là im lặng. Nếu phải nói về điều gì đó, hãy trò chuyện với gia đình về những chuyện vui đã qua hay cũng có thể nói về những sở thích hoặc mối quan tâm với đồng nghiệp cũ.

Khi gặp những người trẻ, hãy yêu mến họ nhiều hơn và khám phá những điểm mạnh của họ. Ngay cả những người xa lạ cũng hãy mỉm cười và bày tỏ lời chào thân thiện.

Cuộc sống của một người về hưu tốt đẹp thế nào đều phụ thuộc vào mức độ may mắn của người đó. Nếu muốn sống lâu và giàu có, thì chúng ta cần trân trọng những phước lành hiện có và gìn giữ chúng. Nếu sức lực vẫn chưa cạn kiệt, thì hãy tham gia các hoạt động từ thiện và sử dụng năng lượng của mình vào những điều tích cực.

Còn khi có nhiều thời gian rảnh, thì hãy dùng nó để học tập và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống, bởi trí tuệ đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống. Tích lũy những việc tốt nhỏ sẽ tạo thành đức lớn, tích lũy những bước nhỏ sẽ đi được ngàn dặm. Sau khi nghỉ hưu, hãy buông bỏ những điều không cần thiết và sống một tuổi già thật hạnh phúc.


Văn Lý, Vision Time

https://trithucvn.org/doi-song/dep/6-dieu-can-tranh-de-co-mot-tuoi-gia-hanh-phuc.html

Dấu Hiệu Ngộ Độc Kim Loại, Tê Nhức Toàn Thân, Mất Khứu Giác. Cẩn Thận Với Chụp CT, Sỏi Mật - BS. Phạm Hiếu Liêm

Friday, June 21, 2024

Ngẫu Hứng - Người Phương Nam

Lá Thư Vĩnh Biệt Ba - Phương Anh


San Diego, ngày...tháng... năm ...., 

Ba yêu quý, Sáng hôm qua, đứng chắp tay niệm Phật trên sân nhà cho đến khi xe của Trung Tâm Y Khoa University of California San Diego (UCSD) chở Ba đi khuất, nước mắt con tuôn trào, hãnh diện vì con có một người cha vĩ đại với một tấm lòng vàng. Suốt cuộc đời, Ba đã sống vì người khác, nay đến phút cuối cùng, Ba đã làm một nghĩa cử cao cả hầu đóng góp cho y khoa. Nhìn xe lăn bánh chở Ba đi một mình, cô đơn, con không khỏi cảm thấy xót xa. Nhưng con biết Ba không có trên chiếc xe đó. Con vẫn cảm nhận sự hiện diện của Ba bên con và Ba đang trên đường đến cõi Niết Bàn. Con cảm thấy Ba đang vui, không một chút đau đớn, không một chút nuối tiếc. Cuốn phim cuộc đời Ba tiếp tục quay đi quay lại trong tâm tư con... 


Nhờ Ba Má, tuổi thơ của con rất hạnh phúc, đầy ấp kỷ niệm đẹp. Gia đình mình hạnh phúc quá phải không Ba? Nhớ nhiều những cuối tuần vui chơi trên đồi cù ăn bánh mì gà rôti, chạy xe đạp, thả diều, và ngắm anh Hai điều khiển chiếc máy bay anh ấy ráp. Mỗi năm mình đều đi ra Nha Trang cắm trại ở Hòn Chồng. Dạo đó ai cũng nói con giống Ba vì nước da ngâm và cho con đủ loại biệt hiệu, "than hầm", "cột nhà cháy", "mặt trời đen", v.v... Ba có biết là con rất hãnh diện khi người ta nói con giống Ba hay giống Má không? Nếu Ba còn ở đây, ba sẽ bẹo má con và nói "hứ, chẳng lẽ giống ông phát thư sao". Con hy vọng con không những giống Ba Má bên ngoài mà còn được giống Ba Má bên trong. Ngôi nhà trắng trên đường Duy Tân, Dalat là nơi Ba gọi "Thiên Đàng" mỗi khi ba đi làm xa về, phải không Ba? Má thường nhắc nhở chúng con ba đi làm về mệt, các con phải ngoan cho Ba vui. Cũng trong căn nhà này, ba dạy con làm những việc mà các anh thường làm vì anh Hai và anh Ba đi học xa. Con sung sướng được Ba giao trọng trách của "người con trai" trong nhà. Ba dạy con thay cầu chì, chạy dây điện nhà, khiêng bao thức ăn gà, nuôi gà, v.v... Con yêu nghề điện tử là nhờ Ba đó phải không Ba? Nói vậy chứ, con vụng về nên cũng bị la hoài, đúng không Ba? Nhất là về ăn nói, con cứ bị la nói năng, kể chuyện không đầu không đuôi. Con yêu nhất là những buổi sáng, Ba Má kêu chúng con dậy sớm, cùng nhau tập thể dục. Rồi mỗi cuối tuần, sau khi tập thể dục, Ba Má đọc một câu châm ngôn hay tục ngữ, cho chúng con bàn bạc, và hỏi chúng con làm sao để áp dụng những lời hay ý đẹp đó trong cuộc sống hằng ngày. Ba Má vừa lo cho chúng con về học vấn lẫn tâm linh. Từ nhỏ, Ba Má đã dạy chúng con không coi trọng bề ngoài, tiền bạc, và hãnh diện là người Việt Nam. Con học những điều này không phải chỉ qua lời khuyên của Ba Má mà còn qua cách Ba Má đối xử với mọi người chung quanh. Ba biểu tượng cho sức mạnh trong gia đình. Đi với Ba, con rất yên tâm. 


Con nhớ hồi nhỏ Ba hay cho con đi Saigon chơi. Trên đường về, bị đắp mô phải ngủ đêm bên lề đường. Ba chuyển việc đắp mô thành một trò chơi thú vị cho chúng con. Con thích đến độ lần sao đi suông sẻ, con tiếc nuối hỏi sao không có đắp mô nữa. Con chưa bao giờ thấy Ba sợ hãi điều gì. Nhưng con biết Ba là người nhiều tình cảm. Con nhớ hoài, sau ngày mất nước, ba phải đập máy in mà anh Hai chế trước khi đi anh đi Mỹ vì sợ chính quyền vào chụp mũ phản động. Ba vừa đập tan máy mà nước mắt đầm đìa làm con cũng nức nở khóc theo. Con nhớ trong lúc làm ăn, hùn hạp, bác làm chung với Ba thâm thủng quỹ của công ty. Không những Ba không trách móc bác ấy, Ba còn tăng lương của bác. Con không thấu hiểu nên hỏi Ba tại sao. Ba nói, con người bản chất tốt, chỉ vì hoàn cảnh túng quẫn mà sa ngã thôi; gia đình bác ấy đang gặp khó khăn, ba chỉ giúp bác ấy mất đi lý do để làm bậy. Con không biết Ba có nói gì với bác ấy không, chỉ biết từ ngày đó, bác ấy là người tích cực giúp Ba trong công việc. Ba thường nói con giống Ba ở chỗ thích nhìn cái đẹp của mọi việc và tin ở mặt tốt của mọi người. Ba cũng khuyến cáo con là con sẽ gặp nhiều thất vọng nhưng Ba khuyên con đừng để những thất vọng đó đánh mất niềm tin ở tình người vì niềm tin này sẽ giúp cho con hạnh phúc trong cuộc sống. Ba ơi, con nhớ lời Ba dặn 

  

Ba ơi, con nhớ lời Ba dặn nhưng có những lúc quá mệt mỏi với nhiều chuyện dồn dập, con cảm thấy mình yếu đuối lắm. Nhưng nay, tuy Ba không ở bên con bằng xác thịt, Ba lúc nào cũng ở trong lòng con, con tin Ba sẽ cho con sức mạnh, phải không Ba? Con hứa cố gắng làm theo phương châm sống ở đời của Ba: sống vì người hơn vì mình. Trên đường qua Mỹ, mình ở Thái Lan một tuần. Tiếng Anh của Ba lúc đó không nhiều vì tiếng Pháp là ngoại ngữ chính. Vậy mà Ba được bầu làm trưởng trại. Ba của con số một luôn. Con hay đi cùng với Ba, mình chẳng sợ ai hay biết mặc cở phải không Ba. Với một chút từ ngữ tiếng Anh, đệm cùng một số tiếng Pháp, và nhất là có hai cánh tay nhanh nhẹn quơ lia lịa, Ba làm tròn nhiệm vụ của một người trưởng trại, giúp đỡ mọi người. Qua Mỹ, Ba đi làm công nhân. Mọi người trong hãng yêu mến Ba, mà hình như các bà ưa Ba lắm thì phải. Ba của con galant và đào hoa từ xưa rồi mà Ba ha. Ba sống một cuộc sống rất lành mạnh: bơi lội, chơi tennis, đi bộ. Các cháu thường gọi Ba là The Rock vì người Ba rất chắc và mạnh. Năm năm trước, Ba Má dời về San Diego ở gần con. Con có dịp đi chơi với Ba nhiều hơn. Mỗi lần bé Thảo đi thi gymnastics ở Las Vegas, Reno, hay Phoenix, Ba đều đi với con. Thế rồi, ba năm về trước, Ba phát hiện Ba bị ung thư Sarcoma. Qua hai ca mổ lớn và một loạt radiation, mọi người hy vọng Ba qua cơn ngặt nghèo. Tuy nhiên, suốt hai năm sau đó, Ba phải thường xuyên đi nhiều bác sĩ và ra vào nhà thương. Thời gian này là thời gian con có nhiều dịp tâm sự với Ba, nhắc lại kỷ niệm xưa, và hiểu rõ ước nguyện của Ba. Khi Ba tỏ ý muốn hiến xác Ba cho y khoa, con suy nghĩ rất nhiều. Một mặt, con thương quý Ba vô cùng vì Ba luôn nghĩ đến lợi ích chung. Một mặt nghĩ đến không được có mặt bên Ba cho tới cuối và không có cốt của Ba để thờ cúng. Ba cũng không biết chắc Y Khoa có sẽ nhận Ba không vì Ba nghĩ các bộ phận trong người Ba đều không còn tốt nữa. Sau này con mới biết UCSD sẽ dùng Ba cho cancer research. Vậy là đúng nguyện vọng của Ba rồi Ba ha. Con hỏi Ba khi Ba hiến xác, Ba không sợ thân thể Ba bị mổ xẻ sao. Ba trả lời, đó chỉ là cái xác thôi mà chứ đâu phải là Ba nữa đâu. Ngày nhận được giấy UCSD chấp thuận cho Ba hiến xác, Ba đang rất mệt. Má bảo con đợi Ba khỏe rồi hẳn đưa ba ký tên. Ba nghe được, đòi ký tên liền tức thì, đủ biết Ba sáng suốt trong quyết định này. 


Tháng năm năm 2012, con và bé Thảo đưa Ba đi Alaska cruise vui quá phải không ba? Ba còn nhớ con bị vấp làm xe lăn Ba ngả nghiêng ra sau, ép con vào tường, đứng chịu trận, xe lăn ba lơ lửng trên không. Con ráng gồng để xe không ngã, may mà có người đi qua giúp con. Con vụng về mà Ba không những không trách con, ba cứ lo lắng hỏi con có sao không. Rồi Ba và con cười quá chừng. Thương Ba vô cùng. Phải chi lúc đó có người chụp hình, hình sẽ tếu lâm lắm. Đưa Ba đi gym, đi chơi, đi bác sĩ, ra vào nhà thương, con được Ba khuyên giải cách sống ở đời. Nhất là Ba hay nói về Má, ba kể những hy sinh của Má cho gia đình. Ngày Má quyết định tu, Ba hoàn toàn hỗ trợ Má và còn ăn chay khi ở nhà với Má. Ba ơi, chúng con sẽ luôn nhớ câu Ba nói: "Các con mà làm Má buồn là các con làm Ba buồn". Hai tuần trước khi Ba mất, Ba kêu con vào bảo con nên tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài. Con biết là Ba muốn con tiếp tục thay Ba hỗ trợ Má trong việc tu của Má. Con xin hứa với Ba, Ba yên tâm nha Ba. Ngày 9 tháng 7 năm 2013, Ba quy y Tam Bảo với pháp danh Nhuận Châu vì Thầy nói trong ba có một viên kim cương Phật Pháp rất sáng. Ngày đó, Ba vô cùng rạng rỡ. Thầy sợ Ba mệt kêu Ba khỏi chắp tay nhưng Ba vẫn run rẩy chắp tay suốt buổi lễ. Hai tuần lễ trước, Ba đột nhiên đòi thay bộ đồ vest đen để ba sẽ ra đi lúc 10:30 PM ngày hôm sau. Con vội gọi anh Hai, chị Tư, và Lan-Anh để mọi người trở về San Diego. Thầy và anh chị Thêm khuyên chúng con ngày mai thành tâm niệm Phật cho Ba và khi thấy Ba yếu, gọi Thầy và anh chị liền. Chúng con mỗi người nói chuyện với Ba, chúc Ba đi nhẹ nhàng và hứa làm người tốt để được gặp lại Ba ở cõi Niết Bàn. Chúng con quây quần chung quanh Ba niệm A Di Đà Phật từ 9 PM 

  

Đêm đó Ba ngủ rất yên giấc. Từ ngày đó, Ba vẫn thường xuyên nhắc chúng con đi đâu nhớ có mặt ở nhà 10 giờ tối. Có một lần con hỏi Ba nằm mơ có thấy gì không? Ba trả lời Ba thấy Đức Phật. Con hỏi tiếp, Đức Phật có nói gì không? Ba trả lời, Đón Ba đi. Con hỏi Ba có biết bao giờ không, thì Ba lắc đầu nói không biết. Bốn ngày trước khi Ba mất, Ba hỏi con bằng cấp của Ba đã làm xong chưa? Mới đầu con không biết Ba muốn nói bằng cấp nào nhưng sau đó con chợt nhớ đến giấy Quy Y của Ba và Ba muốn bỏ vào khung hình. Con hỏi Ba muốn làm gì với bằng cấp khi Ba ra đi, Ba nói Ba muốn đem theo. Hôm Thầy đến thăm Ba thấy Ba mặc áo tràng Cô 10 tặng, tay đeo chuỗi, Thầy khen ba và Ba cười tươi. Thầy hôn Ba, Ba hôn Thầy đầy tình cảm. Thầy kêu Ba niệm A Di Đà Phật. Giọng Ba lúc đó yếu nhiều mà Ba vẫn ráng niệm. Thầy khen giỏi. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Ba dơ tay lên vỗ tay. Mọi người vỗ tay theo, không khí thật ấm cúng, vui tươi. Sau ngày đó, Ba nói Ba muốn mặc áo tràng khi Ba mất. Thứ ba, ngày 6 tháng 8 năm 2013, Ba bắt đầu không còn nhận ra ai hết. Buổi chiều 6 PM con đến nói chuyện với Ba, Ba nhìn con một hồi, ánh mắt long lanh trong giây lát rồi trở nên thật xa xăm. Con bắt đầu đo huyết áp cho Ba, chỉ còn 100. Đến 8 PM huyết áp của Ba xuống đến 88. Chúng con quyết định tắm rửa cho Ba và thay bộ đồ ba ba cùng với áo tràng lam. Ba ơi, lúc đỡ Ba dậy ngồi dựa vào lòng con để mặc áo, con thương Ba vô cùng. Đó là lần cuối cùng con được ôm ba, nghe nhịp tim Ba đập mạnh, và áp má con vào tóc Ba. Con cạo râu cho ba và Ba nằm yên, mắt nhìn xa xăm. Y tá và bác sĩ nói là khi huyết áp xuống khoảng 80, Ba sẽ còn khoảng 8 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, lời nhắn nhủ của Ba về 10 giờ đêm luôn vang trong đầu con. Con tiếp tục đo huyết áp mỗi 15 phút. 9 PM, huyết áp xuống đến 80. Cô 10 định về ngủ để sáng qua sớm. Con xin Cô chờ thêm 30 phút. Áp huyết bắt đầu xuống dần. 9:25PM, chúng con quyết định gọi Thầy và anh chị Hồng Văn Thêm. Thầy và anh chị đến bên Ba vào khoảng 9:50 PM. Áp huyết Ba đã xuống đến 72. Con quyết định không đo nữa. Mọi người niệm Phật với sự hướng dẫn của Thầy và sự hỗ trợ của anh chị Thêm. 


Đúng 11:05 PM, ba trút hơi thở cuối cùng trong tiếng kinh vang dội và ấm cúng. Ba ơi, con viết lại chi tiết này để nói lên sự sung sướng của chúng con là nhớ lời nhắn nhủ của Ba, Ba đã có duyên ra đi thật nhẹ nhàng trong tiếng kinh kệ. Con để "bằng" Quy Y của Ba trên ngực Ba như lời Ba dặn. Thầy và anh chị Thêm nói Ba chọn được giờ ra đi như vậy rất là quý hóa và chứng tỏ tâm linh Ba rất vững vàng và tự tại. Đó là một niềm an ủi lớn lao cho Má và chúng con. Má rất vui vì Ba "chờ" cho tới qua giờ Tý, có nghĩa là ba mất mùng 1 tháng 7 âm lịch, thay vì 30 tháng 6 âm lịch. Một điều thú vị nữa là Ba ra đi một ngày sau sinh nhật con và 1 ngày trước sinh nhật LA. Có phải Ba muốn thêm một lần nữa nhắn nhủ hai con phải tiếp tục thương nhau nhiều và giữ lời đã hứa với Ba, do đó Ba "đứng" giữa hai con? Con nói với LA điều này và hai đứa đến bên Ba nắm tay nhau hứa một lần nữa là chúng con sẽ đùm bọc lẫn nhau và không bao giờ buồn giận nhau qua đêm. Chúng con thức suốt đêm niệm Phật bên Ba cho đến 11:30 AM ngày 7 tháng 8, Trung Tâm Y Khoa UCSD cho xe đến đón Ba. Họ kính cẩn đến bên Ba, chia buồn với gia đình, và tỏ lòng khâm phục Ba đã làm một nghĩa cử cao đẹp trong giờ phút cuối. Ba yêu của con, Con không buồn khóc suốt ngày khi mất Ba vì con biết Ba đi về với Phật A Đi Đà. Nhưng con thấy trống vắng làm sao đó Ba ơi. Ba là một điểm tựa tinh thần vững vàng cho con. Con đang rất cần điểm tựa đó, Ba biết không Ba? Nhưng con hứa với Ba, con sẽ vươn lên và con sẽ không phụ lòng Ba đâu. Con mong Ba về với Đức Phật và hạnh phúc nơi miền cực lạc. Con sẽ cố gắng làm điều tốt để được gặp lại Ba. Vì Ba hiến xác của Ba, con sẽ không có cốt của Ba để đem rải ngoài biển. Sau 49 ngày, con sẽ đem bằng Quy Y của Ba cũng như lá thư nầy đốt ở ngoài biển nha Ba. Con thương Ba mãi mãi. Ba đã cho chúng con một gia tài vô giá đó là nền tảng đạo đức và tình thương yêu đối với gia đình nói riêng và tổ quốc Việt Nam nói chung. Khi y khoa có tiến triển tốt về việc chữa trị Sarcoma, bệnh thận, và bệnh tiểu đường, con sẽ hãnh diện lắm vì Ba ơi, con biết Ba đã góp phần vào bước tiến đó phải không Ba? Ba ơi, con đang tưởng tượng con được Ba ôm vào lòng để con cảm thấy con là một đứa con nhỏ bé của Ba. Ba ngủ ngon giấc và yên bình về cõi vĩnh hằng nha Ba. 


Con gái của Ba, 

Phương-Anh  

Sớm Tối Đi Về - Đỗ Công Luận

Đức Tính Ân Cần Của Người Miền Nam Trước Đây - Tuấn Khanh


Buổi sáng nọ, nơi góc đổ rác chung của cả khu nhà tự dưng xuất hiện một đôi giày cũ còn khá tốt. Giày được đặt trong một cái hộp với tờ giấy ghi chú, nét chữ nắn nót “Đồ còn tốt, ai cần xin cứ tự nhiên”.

Ở mấy nước tư bản giãy chết, việc đem bỏ đi đồ dùng còn xài tốt không lạ, nhưng cách nhường lại cho người khác sử dụng với tất cả sự ân cần là một cung cách đáng ngưỡng mộ. Đôi giày cũ khi đặt vào hộp, gửi tặng mơ hồ vào cõi nhân gian, được chủ nhân ân cần đi đánh xi lại, mới và đẹp, ai nhìn cũng thú vị.

Vậy mà mấy ngày sau mới có anh Mễ làm nghề đổ rác đến lấy, rồi để lại chữ “cám ơn”. Đôi giày nằm liên tục mấy ngày, vì những người trong khu nhà không ai muốn giành lấy phần của người có thể khó khăn hơn mình.


Thỉnh thoảng thấy trong đời có sự ân cần làm lay động, lại chợt nhớ Sài Gòn với tất cả không gian từng rất ân cần của nó, một không gian mà giờ đây nhắc lại như một thứ của quý đang mất dần, phai dần, dư niệm của nhiều thế hệ.

Sài Gòn ân cần trong trí nhớ đơn giản lạ. Đôi khi chỉ là chuyện người qua đường trú mưa được chủ nhà mời vào ngồi vì sợ kẻ lạ bị ướt. Đôi khi vì một thùng trà đá để trước cửa để giúp bá tánh lỡ đường giải khát trưa hè. Có đi đến tận những thành phố, hỏi đường đi bị tính tiền, mới biết Sài Gòn đã từng ân cần thế nào. Sài Gòn ân cần và vô tư đến mức từng thấy người say nắng ngất xỉu bên đường, không ai biết ai cứ xúm vô cạo gió, lấy thuốc cho uống để giúp khách qua đường có sức đi tiếp.

Mới hôm rồi, may mắn đọc được một câu chuyện của người Sài Gòn mà lòng mát dịu. Lại thấy thương người đất miền Nam không quen nói trôi chữ, chỉ có tấm lòng.

Một anh trên facebook kể rằng anh đi làm thêm kiếm tiền đi học, chạy bàn rửa chén cho một đôi vợ chồng ở Sài Gòn.

Một hôm lỡ tay làm bể hết nguyên chồng tô dĩa, anh lính quýnh không biết làm sao thì bất chợt bà chủ chạy vô nhìn thấy.

Bà sững người, chưa kịp la đã dặn “Nếu chồng cô có xuống thấy thì nói tại cô làm bể, chứ không ổng chửi chết!”.

Vừa quay lưng thì ông chủ chạy từ trên lầu xuống, nhìn đống tô dĩa nát bấy mà thất thần, rồi dặn “Nếu vợ chú vô hỏi, thì nói chú làm bể nghe, chứ không bả chửi chết!”. 

Người làm công đó mang kỷ niệm ngọt ngào và xúc động đó kể lại trên nhật ký của mình, làm không biết bao người đọc rưng rưng, trìu mến. 

Sự ân cần là cách mà con người thấu hiểu đời sống, đối đãi bằng lòng chân thành của mình. Bước đi vài dặm trong một đất nước, có thể thấy sự ân cần cho con người đang ở mức nào..

Việt Nam hôm nay có những thành phố lớn hơn, con người cao sang hơn, đại lộ đi bộ to rộng hơn… nhưng sự xua đuổi người nghèo khó cũng quyết liệt hơn. Sự ân cần như chỉ còn trú ngụ loanh quanh với giai cấp dưới, ở những thị dân ít học được thói cao sang. 

Nhiều cao ốc được dựng lên, nhưng không mấy cái có lối đi của người khuyết tật. Nhà vệ sinh công cộng phải xây đắt tiền như tượng đài, nhưng hầu như không có cái nào dành cho phụ nữ có thai hay cho người già yếu.


Trong sự rực rỡ của đất nước này hôm nay, đã nhàn nhạt ân cần của người với người. Sự chói lọi chỉ số phát triển vẫn kèm theo khoảng tối đen mù lòa sau lưng nó.

Thường dân hay bọn con buôn lạnh nhạt ân cần trong đời thì đã đành, đến phận tỳ kheo cũng la liếm vuốt ve thế tục, mất cả ân cần với thế nhân thì chúng sinh chỉ còn biết thở dài.

Nghe lời ông Thích Thanh Quyết, đại biểu quốc hội, ngợi ca các mức oan khiên trong xã hội là “hợp lý” đã lắm chói tai, lại còn nghe ông nhấn mạnh sao không ca ngợi các cơ quan điều tra tố tụng đã kiểm soát giỏi mức oan sai “hợp lý” này.

Uống một ly nước, Đức Phật còn dạy rằng đừng quên có đến 84.000 sinh linh trong ly nước đó đã phải hy sinh cho người đời thụ hưởng. Và dù những sinh linh đó nhỏ bé vô hình đến mức nào, lời Phật dạy cũng chưa bao giờ cho rằng “hợp lý”.

Lẽ nào mũ ni của ông Quyết đã kéo quá sâu vào thế tục, che kín tai để không còn nghe được tiếng khóc ngất của cha mẹ già và của tử tù Hồ Duy Hải (1985), hay lời trăn trối của cả gia đình tù nhân Nguyễn Văn Tràng (1988) xin được tự thiêu để tòa án phải công tâm xét lại, minh oan. 

Sự ân cần với từng chúng sinh là tâm đức không thể thiếu với đệ tử của Phật, bằng không chỉ đáng gọi là kẻ giả danh, mua bán niềm tin.

Sự ân cần hôm nay cũng có thể được nhìn thấy, nhưng là thứ chiêng trống mua vui lạ lẫm. Tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay “ân cần” bỏ ra 300 tỷ đồng để xây một khu Văn Miếu thờ và tôn vinh Khổng Tử bằng tiền thuế của nhân dân – như tiền nhà của lũ quan lại. Khổng Tử chỉ có thể mang trái tim kẻ ác mới đành lòng bệ vệ xưng danh nơi mà cả vùng có đến gần 12.000 gia đình nghèo khốn khó. 

Thậm chí chỉ có 24% trong số 14.000 gia đình thuộc loại chính sách của chế độ là có được nước sạch để dùng. Cả tỉnh cũng có gần 20.000 gia đình không có nhà vệ sinh tiêu chuẩn và nước sạch để sinh hoạt. 

Vậy mà sự ân cần thì được dâng cho tượng gỗ và bộ mặt trơ cứng của chính quyền. Còn nhân dân thì chỉ được quyền xao xác lặng im nghe diễn văn.

Chợt nhớ Sài Gòn ghê. Nhớ Sài Gòn qua tiếng rao bán xôi giản dị của bà cụ đội khăn đi bộ từ Quận 8 tới tận Quận 5, với những gói xôi bán chỉ 5.000 đồng, mắt lạc thần khi thấy bóng dân phòng.

Nhớ ánh mắt bà hấp háy cười, hỏi có muốn cho thêm đường không, có vừa miệng không.


Trái tim ân cần đó, đáng để xây cả miếu đền để thương nhớ và tôn vinh những con người cần lao đất Việt, mà chẳng cần phải tìm kiếm, cống nạp xa xôi.

 

Tuấn Khanh