Sunday, June 2, 2024

Một Lần Thăm Huế - Trần Văn Khang

Ngày ấy đang mùa chinh chiến, Khoa là sinh viên năm thứ hai trường Luật Sài Gòn. Theo lệnh Tổng Động Viên, anh nhập ngũ, được huấn luyện tại Trường Sĩ Quan Thủ Đức.  Tốt nghiệp, anh tình nguyện vào binh chủng Nhảy Dù.  Lại trải qua một thời gian huấn luyện. 


Khoa chọn binh chủng này vì vài lý do.  Thứ nhất, anh muốn có nhiều dịp đi đây đi đó.  Binh chủng Nhảy Dù luôn di động, nơi nào có nhu cầu tấn công, yểm trợ hay tăng cường, tiếp cứu là được điều động tới.  Thứ hai, cha anh ngày xưa kia là một phú nông ở tỉnh Thái Bình miền Bắc. Trước năm 1954 ông bị Cộng Sản sát hại trong phong trào Cải Cách Ruộng Đất, tố khổ các địa chủ.  Khoa nhập ngũ,vào binh chủng nổi tiếng thiện chiến này như là một dịp trả hận cho cha.  Thứ ba, anh có một người bạn rất thân tên Hùng.  Hùng sau khi đậu Tú Tài, đã tình nguyện vào Quân Đội.  Người bạn thân này những khi nghỉ phép về Sài Gòn, nhiều lần cùng Khoa và bạn bè gặp nhau, hàn huyên.  Hùng kể những cuộc hành quân,những dịp được đặt chân đến nhiều nơi của vùng đất nước tự do Miền Nam.  Anh đã là một Trung Úy Đại Đội Trưởng. 

Sau khi tốt nghiệp khóa học nhảy dù, Khoa xin được phục vụ cùng một Tiểu Đoàn với Hùng.  Hai người bạn thân từ thuở học trò, nay lại là bạn đồng ngũ, sanh tử có nhau.  Sau nhiều trận đánh và chiến thắng lớn, Khoa Thành một Đại Đội Phó và vẫn sát cánh bên người bạn cũ.   

Cũng xin kể thêm là Hùng sinh quán tại Huế, nhiều năm trước khi tình nguyện vào quân đội, anh đã từ miền Trung vào Sài Gòn học tại một trường Trung Học, chương trình Pháp.  Còn Khoa theo gia đình từ Thái Bình di cư vào Sài Gòn năm 1954 từ lúc còn nhỏ.  Khoa đã học cùng lớp với Hùng vài năm. Hai người bạn hợp tánh nhau lại cùng yêu âm nhạc. Hùng sử dụng Tây Ban Cầm.  Khoa Vĩ Cầm. Họ thường cùng nhau đàn hát. Bây giờ trong Quân Đội, hai người bạn đôi khi lại có dịp sinh hoạt ca nhạc bên nhau, mỗi dịp về Hậu Cứ của đơn vị.  


Khoa nói với bạn là anh chưa một lần thăm Huế. Anh nghe nói Cố Đô đẹp, với kinh thành cổ kính, sông Hương thơ mộng và Lăng Tẩm trang nghiêm của các vị đế vương. Một dịp vào mùa Hè, Khoa nghỉ phép thường niên hai tuần.  Hùng thu xếp cho bạn mình thăm Huế và giới thiệu bạn với gia đình, để có người hướng dẫn bạn lần đầu tiên thăm Cố Đô.  Hùng mến người bạn. Anh muốn giới thiệu Khoa cho cô em gái mình là Mỹ Liên.  Trong thâm tâm, Hùng nghĩ nếu Khoa và em gái có cơ duyên thì bạn sẽ thành người thân trong nhà. 

Khoa đáp máy bay quân sự, đến Cố Đô anh hằng mong đợi.  Anh tạm trú tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, bên sông Hương.  Được hẹn trước, chín giờ sáng hôm sau anh đến thăm gia đình song thân Hùng, mang theo vài món quà nhỏ của mình và của bạn gồm một chai rượu Pháp, bánh và trái cây thổ sản miền sông nước Cửu Long.

Cậu em mười bốn tuổi của Hùng mở cổng một biệt thự nhỏ và đẹp, đón Khoa vào nhà.  Cha mẹ Hùng niềm nở chào đón anh.  Ông Mạnh, cha của Hùng là một công chức cao cấp của Tòa Hành Chành Thừa Thiên.  Hồi còn chế độ của Tổng Thống Diệm, ông làm trong Tòa Đại Biểu Miền Trung.  Bà Mạnh là một Giáo Sư Trung Học.  Mỹ Liên, em gái Hùng, năm đó 17 tuổi, vừa đậu Tú Tài I, hết Hè sẽ học năm Đệ Nhất Ban Ctrường Đồng Khánh, nơi mẹ cô phụ trách môn Pháp Văn.  Mỹ Liên xuất hiện, duyên dáng với chiếc áo dài màu tím, mái tóc thề đen huyền của cô gái Huế.  Cô đem khay nước có bình trà và đĩa tách quý để cha mẹ mời bạn của anh mình.  Khoa kín đáo nhưng không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp vừa ngây thơ, vừa duyên dáng của cô em người bạn.  Mỹ Liên trước sự hiện diện của bạn  anh mình, người trai cô chỉ nghe anh cô kể chuyện nhưng chưa một lần gặp, cũng có chút e thẹn, đôi má thêm hồng.“Phút đầu gặp nhau” Khoa đã thấy tim mình rung động trước vẻ đẹp hồn nhiên của người con gái Huế.  Anh còn được biết Mỹ Liên cũng như anh nàng đều yêu mến âm nhạc. Anh nghe bạn nói Mỹ Liên đàn dương cầm và đàn tranh rất khá.  Quà của anh tặng nàng là hai tập nhạc soạn cho dương cầm, anh mua tại Sài Gòn.  Nàng cám ơn anh.  Tuy đã quen giọng Huế của Hùng, tiếng nói của Mỹ Liên anh thấy như tiếng chim uyên, dễ mến. 

Có sẵn xe nhà, ngày đầu ông Mạnh sắp xếp cho Mỹ Liên và cậu em trai đưa Khoa đi thăm nhiều đường phố Huế. Cậu em ngồi băng trên với người tài xế của gia đình.  Khoa và Mỹ Liên ngồi hàng ghế sau.  Mỹ Liên hướng dẫn cho Khoa tên những con đường, một vài tòa nhà, vài địa danh. Rồi bên sông Hương, họ dừng chân, thư thả đi trên cầu Bạch Hổ.  Mấy ngày sau có lúc cùng thả bộ trên cầu Tràng Tiền, thăm chùa Thiên Mụ và nhiều Lăng Tẩm.  Hai ngày đầu còn cậu em trai đi theo.  Sau đó cậu đòi bác tài cho xuống xe để đi đá banh cùng bạn bè, đang trong mùa nghỉ Hè.

Buổi trưa, Khoa và nàng thường dùng bữa trưa giản dị tại những hàng quán nhỏ, đôi khi tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan. Những khi chiều đã muộn, sau khi tiễn nàng về nhà với gia đình, Khoa thường dùng cơm tại Câu Lạc Bộ cho tiện. Vài lần anh được cha mẹ Mỹ Liên mời dùng cơm tối.  Mẹ của Mỹ Liên nấu các món Huế rất khéo, giới thiệu cho Khoa nhiều món của Cố Đô.  Anh đặc biệt thích dùng món bún Bò Huế do bà chăm chút nấu, hương vị thơm ngon,khác xa cũng món này anh đã từng dùng tại nhiều nơi khác.  Khoa có dịp được thưởng thức những món Huế như Bánh Bèo, Bánh Lá Chả Tôm, Cơm Hến…  

Ngày thăm Thành Nội trời bỗng đổ mưa.  Anh và nàng đang dạo trên những lối đi lót gạch cổ phải dừng chân, trú mưa dưới mái một dinh cơ cổ kính nơi Hoàng Cung.  Mái tóc nàng lấm tấm những giọt mưa, long lanh như những hạt pha lê nhỏ. Khoa thấy nàng thật đẹp, anh nhẹ nhàng:

-        Em đẹp như một Hoàng Hậu.  

Nàng khẽ cúi đầu, tránh ánh mắt của anh:

-         Anh phải nọi như Công Chụa mợi đụng hỉ. 

Khoa thân mật, giọng đầy cảm tình: 

-        Anh nói em là Hoàng Hậu, vì anh ước mơ được làm vua. 

Nàng e thẹn, đỏ hồng đôi má.   

Một buổi trưa Khoa cùng Mỹ Liên dạo bên Hồ Tĩnh Tâm.  Sen trổ những bông hoa, những búp đẹp rực rỡ.  Anh ngắm sen, cất lời khen hoa đẹp.  Mỹ Liên kể rằng cha nàng thích hoa sen, ưa dùng trà ướp sen nên chọn cho nàng tên là Mỹ Liên. 

Một ngày khi mới xế chiều, hai người dạo bên bờ sông Hương.  Chợt thấy một thiếu phụ, mang khăn tang trắng, đi đôi dép mỏng, mặt buồn xa vắng, một mình đi trên bờ sông.  Nàng dẫn giải: 

-        Anh biệt không, nhiều người nọi bà là “Gọa Phụ Sông Hương”. 

Nàng kể cho anh, thiếu phụ này có người yêu là một Trung Úy, thân thiết yêu thương nhau khoảng hai năm.  Sau khi thành hôn được trên bốn tháng thì người chồng Trung Úy tử trận.  Khi xưa,hai người nhiều lần chiều chiều dạo bên sông. Bây giờ người góa phụ đau buồn, một mình đi bên sông Hương, tưởng nhớ người chồng.

Khoa nghe truyện tình buồn.  Anh thấy bùi ngùi.  Lòng bâng khuâng. Một chút suy tư.

ooOoo


Sau kỳ nghỉ phép, Khoa trở về đơn vị.  Hùng hỏi anh:

 -        Toa thăm Huế vui không?  Thấy em moa thế nào, “chịu đèn” thì moa  giúp tác thành cho. 

Hai người bạn, từ hồi trung học, cùng theo chương trình Pháp, nên vẫn quen lối xưng hô toa, moa với nhau. 

Khoa thành thật nói anh có rất nhiều cảm tình với em người bạn, dù mới được quen trong thời gian gần hai tuần.  Rồi anh kể lại chuyện anh và Mỹ Liên thấy người “Góa phụ Sông Hương”.  Anh đắn đo vì có thể anh sẽ làm khổ nàng.  Khoa nói rõ sự suy tư của mình với người bạn: 

-        Tụi mình trong đơn vị chiến đấu, nay đây mai đó, có thể sống nay chết mai, chưa biết thế nào.  Toa cũng còn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình.  Moa sợ làm khổ Bích Liên, chưa dám nghĩ tới cảnh Liên sẽ là “Góa phụ Sông Hương” thứ hai!

ooOoo 

Tết Mậu Thân, Việt Cộng bất kể thỏa ước tạm ngưng chiến ba ngày đầu năm, đã tổng tấn công khắp các tỉnh thành Miền Nam.  Sài Gòn và Huế cũng trong cảnh chiến tranh, nhiều nơi hoang tàn.  Thành phố Huế chịu nhiều đau thương nhất.  Cố Đô bị tràn ngập bởi đối phương.  Cảnh tàn sát khủng khiếp.  Những mồ chôn tập thể do Việt Cộng sát hại quân dân cán chính bên phía Việt Nam Cộng Hòa được tìm thấy sau này.  Huế như chít khăn tang vì cảnh chết chóc khắp nơi. Việt Cộng chiếm đóng nhiều ngày.  Sư Đoàn Dù và nhiều đơn vị chiến đấu khác được điều động để giải tỏa.  Tiều Đoàn của Hùng và Khoa là một trong những thành phần Quân Lực được lệnh hành quân giải nguy Cố Đô.  Sau vài ngày, quân đội Cộng Hòa đã làm chủ được tình hình. Nhưng tiếng súng chống trả đôi lúc vẫn còn rải rác khắp nơi vì một số quân của đối phương chưa rút ra khỏi thành phố. 

Khi tình hình mới tạm yên, Hùng và Khoa tìm cách đến khu nhà ông bà Mạnh, gia đình của Hùng.  Dãy phố này không bị bom đạn tàn phá nhiều như những khu vực khác.  Người lân cận cho biết những ngày Việt Cộng chiếm đóng Huế, nhiều lần quân lính Cộng Sản và Cán bộ nằm vùng phía bên kia đã tìm đến nhà ông Mạnh.  Rất là may mắn, mấy ngày trước Tết, cả nhà ông đã đi Đà Nẵng để ăn Tết với đại gia đình bên bà Mẹ của Hùng. Đà Nẵng cũng chịu cảnh tấn công nặng nề, nhưng không bị chiếm đóng và tránh được cảnh tàn sát kinh hoàng như Huế. 

Tiếng súng lớn nhỏ vẫn còn nghe rải rác đó đây.  Hùng và Khoa đang thăm hỏi những người dân ở gần khu nhà, thình lình một trái Bích Kích Pháo 60 ly rơi nổ gần bên, làm sụp một căn nhà mái đỏ.  Gạch ngói rơi tứ tung. Lửa bốc cháy.  Nhiều người bị thương.  Hai người dân thiệt mạng tại chỗ.  Hùng vô sự.  Khoa bị một mảnh đạn vào ống chân phải.  Có lẽ gãy xương.  Nhìn hai bàn tay, còn nguyên vẹn, anh mừng thầm không bị tử vong và còn hai bàn tay để sử dụng vĩ cầm.  Người chiến sĩ, dù bị thương, vẫn giữ tâm hồn nghệ sĩ.  Khoa mau chóng được toán Quân Y tiền tuyến săn sóc sơ khởi, rồi trực thăng Mỹ khẩn cấp chở tới Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng đề điều trị.  Anh được giải phẫu, lấy mảnh đạn nơi chân, bó bột có một “cửa sổ” để hàng ngày Y Tá săn sóc vết thương.  Hùng, Mỹ Liên và gia đình ông bà Mạnh đến thăm anh nhiều lần. 

ooOoo

Sau gần một tháng điều trị, Khoa được xuất viện.  Hai tháng sau, cắt bột.  Anh phải dùng nạng cả ba tháng và được săn sóc tại một Trung Tâm Hồi Lực.  Một năm sau ngày bị chiến thương, anh được Hội Đồng Miễn Dịch cho giải ngũ.  Với một bên chân từng bị gãy xương, dù đã lành, anh không thể hành quân di chuyển với quân trang hay nhảy dù được nữa.  Nếu xin tiếp tục phục vụ trong Quân Đội, anh sẽ được xếp “Loại Hai”, làm việc văn phòng, điều mà anh không muốn. Khoa thường xuyên gặp Mỹ Liên. Nàng lúc đó đang theo học Văn Khoa, Đại Học Huế.  Khoa và Mỹ Liên thành hôn khoảng gần hai năm sau ngày anh bị chiến thương.  Hai người vui hưởng hôn nhân hạnh phúc.  Không còn mối âu lo Mỹ Liên trở thành người Góa Phụ Sông Hương thứ hai.

 

Trần Văn Khang 


Phụ Lục: Người viết đã tặng Khoa và Mỹ Liên mấy dòng thơ sau:

MỘT LẦN THĂM HUẾ 

Một lần anh về thăm đất Thần Kinh

Huế xưa đẹp với dòng sông thanh bình

Anh quen cô gái học trường Đồng Khánh

Để bao kỷ niệm đẹp mãi không quên

 

Qua cầu Bạch Hổ nàng bước chân êm

Sóng nước sông Hương tiếng nàng thì thầm

Chùa Thiên Mụ tóc nàng đan sợi nắng

Cầu Tràng Tiền nón nàng thơ nghiêng nghiêng

 

 Ngày thăm Thành Nội trời bỗng đổ mưa

Nàng cùng anh trú mái cung điện xưa

Tự dưng anh thấy nàng đẹp Hoàng Hậu

Và anh thứ dân ước mơ làm vua

 

Thế nhưng nàng còn học trò ngây thơ

Anh còn chinh chiến đây đó sông hồ

Có yêu đành yêu nàng trong tâm tưởng

Để nàng an bình với Cố Đô xưa


Nàng mãi an bình với Cố Đô xưa

 

Tvk

ykhhn.bbt@gmail.com

No comments:

Post a Comment