Tượng
“Tiếc Thương” của Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. (Hình: Nguyễn Thanh Thu)
Khi
nhiều phần đời trôi qua, người ta thường hay nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu,
có khi chuyện mới thì hay quên nhưng chuyện xưa cũ thì nhớ rõ trong đầu, và
trong tất cả những khắc khoải nhớ thương đó, kỷ niệm về người cha thân yêu của
mình không bao giờ mờ phai trong tâm trí tôi.
Còn
nhớ khi lần đầu tiên được Phiếu Ban Khen năm học lớp Tư, tôi hớn hở khoe ba
ngay khi ba vừa đi làm về đến cửa. Ba xoa đầu con gái nhỏ và móc túi một tờ 5 đồng
màu xanh lá cây thưởng liền cho con. Má càm ràm:
– Sao
anh cho gì nhiều vậy?
– Kệ,
thưởng cho con mừng mà.
Thế
là trưa hôm đó, chị gái 8 tuổi dắt em trai 6 tuổi ra rạp Thanh Vân gần nhà, mua
cái vé trẻ em 5 đồng cho 2 chị em. Cảm thấy mình đã lớn khi một mình dắt em đi
coi xi nê, với tôi đó là niềm tự hào vô cùng.
Ba
tôi là người lính Việt Nam Cộng Hòa, thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngày 2 buổi đi về,
đồ treillis ủi hồ bén li, giày bốt-đờ-sô bóng lộn.. Cuộc sống tưởng như bình
yên muôn thuở, bỗng một ngày đảo chánh, mọi thứ đảo lộn. Chuyển sang thời Đệ Nhị
Cộng Hòa. Từ một người lính phòng vệ Biệt Khu Thủ Đô, ba tôi chuyển ra SĐ10BB
sau đổi thành SĐ18BB, gót giày sô dẫm nát Quân Khu III, nhiều tháng ba vắng
nhà. Nhớ ba mà lúc đó cũng không hiểu sao ba đi làm xa nhà vậy.
Thời gian dần trôi, ba tôi dạn dày sương gió hành quân, áo treillis sờn cổ bạc màu, giày sô lấm lem đất đỏ Vùng III Chiến Thuật. Mỗi lần ba về, nhà vui như Tết, ba nấu ăn rất ngon, tự tay đi chợ mua cá về nấu canh chua, nấu bún nước lèo, món lươn um, món dồi lươn công phu, ba làm món nào cũng ngon tuyệt.
Còn
nhớ đầu thập niên 70, tình hình chiến sự khốc liệt, lính ít được về phép, ba
tôi về thăm nhà bằng sự vụ lệnh, ba lái xe Jeep có cần câu, bộ đồ trận và cây
súng ngắn xệ ngang hông, nhìn oai phong làm sao! Tới giờ con gái đi học, thường
khi thì đi xe Lam, hôm nay ba nói để ba chở con đến trường, lần đầu được vén áo
dài ngồi trên xe Jeep không có cửa, bạn bè nhìn mình ngưỡng mộ, con vui và hãnh
diện biết bao nhiêu!
Lần
đó ba chở thẳng ra mấy kios đường Phạm Hồng Thái, chọn mua cho con gái chiếc áo
mưa par-dessus hai mặt mà con gái hằng ao ước. Vậy đó! Tình cha có khi là những
thứ nhỏ nhặt bất chợt rất đời thường như thế đó!
Ba
tôi vui tính, thích hát ca, hay nói tiếu lâm vui nhưng khí phách rất hiên
ngang, hệ thống quân giai không vi phạm nhưng nếu có vị cấp trên nào trịch thượng
là sẵn sàng “đốp chát” ngay mà hình như đó cũng là khí phách của hầu hết lính
tác chiến, bởi đã tác chiến rồi thì đâu còn sợ bị đổi đi đâu nữa. Mỗi lần về,
ba hay kể chuyện hành quân, vừa kể vừa học bộ lăn bò núp chạy, bắn súng miệng
đùng đùng như đang chiến đấu làm câu chuyện ba kể thật là hấp dẫn, biết cái “tật”
ba vậy đó, má ngồi nhìn ba cười hoài thôi. Uống vô chút rượu là đỏ mặt tía tai,
ca hát rân trời.
Có
một lần trong đêm tôi nghe ba má nói chuyện, ba đem tập hồ sơ gì đó đưa cho má
dặn dò, “Anh đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, có gì em cứ mang cả xấp
giấy này đưa cho họ làm cho mau được lãnh tiền,” nghe có tiếng má thút thít
khóc. Sau này tôi mới hiểu đó là xấp giấy hồ sơ tướng mạo quân vụ của ba, ba sợ
má ít học không rành nên ba chuẩn bị sẵn cho má để ba có bề gì thì má cầm đi
làm hồ sơ lãnh tiền tử nuôi con.
Lính
và vợ lính như thế đó! Tôi không cầm được nước mắt khi nhớ lại chuyện này bởi
khi có gia đình tôi mới hiểu được tâm trạng của ba má lúc đó ra sao.
Rồi
con vào Trung Học, ba đổi về chi khu Phong Điền, tiểu khu Phong Dinh.
Ba
đi lính xa nhà, con gái thường viết thư thăm ba và kể lể chuyện nhà, ba thích lắm!
Mỗi lần nhận thư ba thường mang thư của con gái ra khoe mấy ông bạn nhà dân là
các chủ vườn cam ở Phong Điền.
Một
lần năm 72, con gái xuống thăm ba, được ba dắt đến nhà mấy ông bạn của ba chơi,
họ bắt gà nấu cháo đãi hai cha con, có một ông chủ vườn cam muốn kết sui gia với
ba.
–
Dạ con mới 17 tuổi mà bác ơi!
–
Con gái ở đây 17 là có chồng được rồi con.
–
Dạ nhưng mà con còn đi học.
–
Về làm dâu bác cho học tiếp.
Hỏi
ra mới biết con trai ổng mới 16 tuổi hà.
Ba
với con gái ngồi cười quá trời!
Lần
đó ổng hái cho cả 2 giỏ cam đầy xách về làm quà.
Sợ
kẹt bắc, ba lái xe Jeep đưa con gái về tới bên đây Bắc Mỹ Thuận rồi ba mới trở
lại đơn vị.
Nhớ
mãi cảm giác rưng rưng buồn thương khi nhìn theo xe ba khuất dần xa….
Rồi
ba cũng theo má đi xa!
Ba
kính yêu của con! Hôm nay con đổi lộ trình đi bộ hằng ngày, không đi đường dưới
núi như mọi hôm mà ra đường cái, men theo lề đi xuống dốc núi rồi quay về lên dốc,
đoạn đường này dài và lâu hơn, con thỏa sức miên man nhớ về ba. Con nhớ như in
buổi sáng sớm ngày này năm xưa, Nhựt gọi về cho con, “Chị ơi! Vô lẹ lên, ba mệt
lắm!” Từ Hòa Hưng con phóng xe như bay qua BV Ung Bướu, hấp tấp chạy nhanh lên
lầu 3, vô phòng con thấy nhiều áo trắng vây quanh ba, họ đang cố làm cho tim ba
đập trở lại, con trào nước mắt nhìn ba gọi lớn “ba ơi,” ba cũng đang mở mắt nhận
ra con, rồi ba lắc đầu, nhắm mắt, vĩnh viễn lìa trần….
Ba
ơi! 5 đứa con mà chỉ có mình con chứng kiến phút giây này thôi, ba ơi! Khi con
chạy ra hành lang gọi các em vào thì đôi mắt ba đã khép lại rồi.
Con nhớ ngày ba còn làm lính xa nhà, những buổi tối sau khi học bài xong, con nhớ ba và hay viết thư kể lể chuyện nhà, ba ít thời gian để hồi âm nhưng khi ba về phép ba nói, “con viết thư hay và cảm động lắm, ba đọc xong rồi mang khoe mấy bạn cùng đơn vị, ai cũng khen thư hay.” Con thích lời khen này lắm ba!
Vài
năm sau 75 thì má qua đời khi ba mới 47 tuổi, ba một mình lặn lội mưu sinh, gà
trống nuôi con, tự tay nấu ăn hằng ngày cho các em con. Lúc đó con đã có gia
đình, bận bịu con thơ, không giúp gì cho ba được. Rồi ba lần lượt cưới vợ cho
ba đứa em trai của con, nhà chật các em cần có tư riêng, không có chỗ kê giường
cho ba, tối ba trải dưới đất ngủ, con xót xa, thì ba nói, “không sao đâu con, đời
lính ngủ bụi ngủ bờ quen rồi.”
Ba
ơi! Ba ơi! Khi con viết những dòng chữ này, tim con như nghẹn lại với nhiều kỷ
niệm xưa. Ba thường hay hãnh diện về con, má sanh em bé non ngày, má sai con
mang thức ăn lên cho ba, 16 tuổi con đã biết đường đi lên Long Khánh, rồi quá
giang xe GMC vào chân núi Gia Ray thăm ba theo lời hướng dẫn của ba trong thư.
Đó là lần đầu con đến đơn vị thăm ba. Tối đến hai cha con mình tòn teng trên 2
võng, dưới nền hầm nước lõm bõm mắt cá chân, tiếng súng xa xa đì đùng làm con
lo lắng, ba nói, “không sao có ba đây ngủ đi con,” con lần đầu trải nghiệm ngủ
hầm của lính như thế đó! Sáng ba dắt con ra chợ Gia Ray ăn sáng rồi gởi xe nhà
binh cho con ra Long Khánh đón xe về Saigon, gặp chú lính quen nào ba cũng
khoe, “Con gái tui đó!” Các chú trầm trồ, “ôi con gái của thượng sĩ lớn quá, chắc
từ nay phải gọi là Thượng Sĩ Tía mới phải,” lính trẻ vui tính quá ha!
Bây
giờ nếu còn sống chắc ba cũng vui mừng khi thấy con gái mình đã được sống ở Mỹ,
cho nở mày nở mặt với người ta, phải không ba? Ngày đó ba mất đi khi các con
còn đói rách quá, không lo được cho ba tươm tất, giờ các con khá hơn đôi chút,
các cháu nội cháu ngoại cũng đầy đủ hơn thì không còn cơ hội lo cho ba nữa, nơi
đó chắc ba má cũng nhìn về các con các cháu mà mỉm cười hài lòng. Hôm nay ngày
giỗ ba, lần đầu tiên con vắng mặt, con viết lên những dòng tâm tư này như thắp
lên cho ba nén nhang lòng. Nơi xa thẳm đó ba hãy tiếp tục “hãnh diện về con gái
của ba” nhé ba ơi…
Ở
Việt Nam tôi không có ngày Father Day, nhưng những bài học thuộc lòng về công
cha như núi Thái Sơn đã ăn sâu vào tâm hồn các bé thơ từ ngày tiểu học cho đến
mãi về sau.
Đôi
dòng ơn cha, xin chúc tất cả những người cha luôn hạnh phúc.
Happy
Father’s Day 2020
Tuyết Anh
No comments:
Post a Comment