Friday, June 7, 2024

Thằng Sến - Thái NC


Thỉnh thoảng tôi lại thấy chữ "sến", thí dụ như nhạc sến, và ở Việt Nam họ nói "Sến như...con hến"

Well, không biết con hến nó sến đến cỡ nào, nhưng với tôi, "sến" lại là một danh từ thân quen tự thuở ấu thơ, bởi vì, tôi đã từng là một "Thằng Sến"!

Có hôm tôi đi xe và nghe từ đài Radio VN địa phương bỏ môt đoạn cải lương. Hai giọng ca cả nam và nữ trong tuồng ấm và ngọt quá chừng.Tôi vốn rất thích, và nghe ca vọng cổ cài lương khá nhiều, nhưng chưa bao giờ nghe hay đến như vậy. Tự hỏi thầm ở hải ngoại sao có nhân tài vọng cổ nào mới xuất hiện mà mình không hay! Tới khi nghe lời giới thiệu "Quý vị vừa thưởng thức trích đoạn tuồng cải lương Bên Cầu Dệt Lụa do Thanh Nga và Thanh Sang trình bày", mới hết ngạc nhiên.Thảo nào hay đến não nùng.

Thần tượng của tôi đang ca cơ mà!

Trong hai người vừa hát, kép Thanh Sang tôi cũng thích, nhưng chỉ thích bình thường thôi, riêng cô đào Thanh Nga thì đã có thời tôi thích một cách đặc biệt, cùng với ông Thành Được, cả hai người này vốn là thần tượng của tôi từ những năm ấu thơ.

Tôi quen họ từ tuồng cải lương TIẾNG HẠC TRONG TRĂNG.

Vào khoảng năm 1965 hay 66 gì đó, vô tuyến truyền hình vốn vẫn còn hiếm hoi. Lần đầu tiên tôi biết đến cái TV từ nhà một người hàng xóm mới mua về, và đúng tối hôm đó diễn tuồng cải lương Tiếng Hạc Trong Trăng. Dĩ nhiên lúc đó tôi nào biết tên của đào kép cải lương nào đâu. Chỉ biết nhân vật nữ chánh là cô gái mù tên Xuyên Lan (Thanh Nga), nhân vật nam chính là hiệp sĩ Tô Điền ( Nam Hùng diễn), và nhân vật trước ác sau thành hiền là tướng cướp Thi Đằng do Thành Được đóng.

Tôi say mê coi tuồng cải lương này đến độ vản tuồng rồi mà vẫn chưa muốn về nhà. Điểm đặc biệt là vai hiệp sĩ Tô Điền do Nam Hùng thủ tôi không khoái, mà lại khoái ông tướng cướp Thi Đằng Thành Được.

Từ buổi ban đầu lưu luyến ấy, tôi đâm ra thích coi cải lương một cách đặc biệt đến độ có lúc mấy chị tôi gọi tôi là “Thằng Sến”, bởi vì mỗi cuối tuần có chương trình chiếu cải lương là tôi đã đứng ngồi không yên tự hồi chiều.

Mấy chị chọc tôi là thằng Sến vì mê cải lương, nhưng có một điều mấy chị ấy không để ý rằng không phải tuồng cải lương nào tôi cũng mê. Hồi đó có rất nhiều đoàn cải lương và những cặp đào kép hay đóng chung với nhau như Hùng Cường- Bạch Tuyết, Minh Vương- Lệ Thủy, Minh Phụng- Mỹ Châu vv…những nghệ sĩ đó tôi cũng thích, nhưng không mê. Tôi chỉ mê những tuồng có cô Thanh Nga hay ông Thành Được đóng mà thôi. Tuy nhiên, không phải như Hùng Cường khi nào cũng đóng cặp với Bạch Tuyết, cặp Thanh Nga- Thành Được đóng chung không nhiều lắm. Nhất là ông Thành Được sau này hay diễn căp với Phượng Liên. Nhưng dù họ không đóng chung với nhau, với tôi, vẫn là đôi cảỉ lương tài danh nhứt từ trước cho đến bây giờ.

Hồng nhan bạc mệnh. Cô Thanh Nga cùng chồng bị bắn chết trước nhà một ngày tháng 11 năm 1978.

Với ngành cải lương đang bị phim ảnh đè bẹp và ngày càng thu hẹp như hiện nay, có lẽ sẽ không bao giờ có lại một Thanh Nga tài sắc như vậy nữa cho sân khấu Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước.

Ông Thành Được bây giờ cũng đã có tuổi và đã nghĩ hát từ lâu, có một cuộc sống thành công. Ông làm chủ nhà hàng nổi tiếng Thành Được tại thành phố Milpitas, miền Bắc Cali và gần nơi tôi làm việc.

Khoảng 3,4 tuần một lần, tôi củng vài người bạn làm việc gần đó lại ra nhà hàng của ông ăn trưa. Ông ít có mặt ở đó lắm, lâu lâu mới ra gặp gở khách cho vui vẻ vậy thôi.

Một lần chúng tôi hên đang ngồi ăn trưa thì thấy ông ra và đi ngang qua bàn. Tôi đợi ông tới gần và nói nhỏ “Nầy ông Thi Đằng, ông Thi Đằng!”, mấy người bạn chung bàn nào hiểu gì, nhưng ông Thành Được chỉ khựng lại chút xíu và hiểu ngay. Ông nheo mắt cười, giơ ngón tay cái lên cám ơn tôi nhớ dai . /.


Thái NC

http://vietnamthuquan.eu/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn3n3ntnnn31n343tq83a3q3m3237nvn

No comments:

Post a Comment