Thursday, March 13, 2014

Bán Nhà - Người Phương Nam


Thứ bảy tuần rồi ông bà sui của chúng tôi bán đấu giá căn nhà. Đó là ngôi nhà gạch đôi kiên cố gồm có năm phòng ngủ, ba phòng tắm, double garage, sun room, phòng giải trí, phòng ăn nhà bếp riêng biệt và sân sau rộng mênh mông. Cái giá cao nhứt mà ông bà hy vọng bán  được là 900 ngàn nhưng không ngờ cuối cùng người ta kêu lên được tới chín trăm bảy chục khiến hai ông bà rơi nước mắt mừng vui vô kể.

Ông bà sui gia và hai thằng con trai di dân qua Úc từ năm 1982. Không biết một chữ tiếng Anh, vậy mà hai ông bà bắt tay làm việc ngay, làm chính thức không lươn lẹo vừa làm vừa lãnh thất nghiệp, cũng không gian xảo giả defacto (vợ chồng không hôn thú) để lãnh thêm tiền trợ cấp single mum (mẹ đơn chiếc) của chính phủ như đa số di dân khác. Hai ông bà lập nghiệp bằng công sức lao động mồ hôi nước mắt của chính mình. Công việc dễ tìm nhứt vào thời điểm đó là cleaner, nghề tổng vệ sinh dọn dẹp. Lúc đó  job này chưa cần có bằng cấp nên hai ông bà có thể xin việc dễ dàng, làm thoải mái, miễn có sức khỏe thì mặc sức mà làm (về sau này, chủ nhân đòi hỏi phải có licence, xứ văn minh có khác, quét dọn thôi chớ thầy bà gì đâu mà cũng phải có bằng cấp hẳn hoi từ trường đào tạo nghề nghiệp). 

Ngày thì bà đi làm osin, giữ con coi nhà cho chủ đi làm, ban đêm khi các công tư sở nghỉ việc thì bà cùng với chồng nhận lãnh công việc quét dọn các văn phòng đây đó. Được cái là ở xứ này, ai cũng như ai, người ta không kỳ thị phân biệt giai cấp thầy hay thợ. Thợ cũng như thầy, thầy cũng như thợ. Thợ mà không có thầy, khi đau ốm bệnh họan hay đụng tới cửa công thì lấy ai chăm sóc hướng dẫn. Thầy mà không có thợ, lúc nhà dột, ống nước bể, toilet nghẹt hay xe hư nằm đường thì lấy ai sửa chữa tu bổ những hư hao phiền phức cuộc đời.
  
Làm nhiều nhưng ăn xài tiết kiệm cho nên vài năm sau hai ông bà đã mua được một căn nhà riêng cho mình không cần phải  ở nhà mướn nữa. Và cứ như thế, với đức tính cần cù nhẫn nại, mười năm sau, ông bà làm chủ được ba căn nhà. Người xưa có câu "đại phú do thiên, tiểu phú do cần". Ông bà sui chúng tôi thuộc lọai "cần", làm nên với sức lao động của mình. Có ba căn nhà, ông chọn một căn đất rộng đập xuống rồi tự xây lại nhà mới. Lúc đó hai thằng con ông bà cũng đã 15 - 16 tuổi, với  sức thanh niên trai tráng hai thằng có thể phụ giúp ông bà những việc nặng nhọc từ việc đổ móng xây nền cho tới khi hòan tất ngôi nhà để ở.

Hai căn nhà dư thì ông bà cho mướn nhưng sau nhiều năm, càng cũ nhà càng dột, cột thêm xiêu nên ông lại tự sửa chữa tòan bộ như nhà mới rồi bán đứt căn đó. Còn lại căn thứ hai, nhận thấy cứ tiếp tục cho mướn thì cũng phải tu bổ sửa sang đều chi, ông bà lại nãy ý xây nhà mới dưỡng già. Bây giờ thì ông đã già, đã qua hai lần giải phẩu hai cánh vai và xương sống, ông không còn đủ sức để tự xây, phải mướn người ngoài. 

Ông bà dọn vào nhà mới hồi đầu năm 2014, bà nói thích địa điểm ngôi nhà mới này hơn nhưng nếu cho mướn ngôi nhà cũ thì với thời gian, kẻ dọn ra người dọn vào sẽ làm hư hại nhà cửa trong ngòai, chừng đó bán không được giá. Vì vậy tính tới tính lui với con cái, hai ông bà quyết định đăng bán căn nhà đã ở hai chục năm qua. Trong thời buổi di dân tới ào ạt, nhà xây không kịp để bán, vừa đăng lên là có người tới coi ngay, nhứt là căn nhà sang trọng bề thế vững chắc, đầy đủ tiện nghi cho một gia đình đông con.
    
Từ khi kết thông gia với hai ông bà, chúng tôi thường tới nhà ông bà vào những dịp lễ lạc để chung vui. Khi nghe ông bà muốn bán, tôi tiếc hùi hụi, phần vì ngôi nhà quá tòan vẹn, hư đâu là ông bà sửa đó ngay và giữ gìn sạch sẽ không tì vết, tôi thấy uổng tiếc công khó của hai ông bà, phần thì tôi quyến luyến ngôi nhà đã cho tôi nhiều kỷ niệm với gia đình ông bà hơn mười năm qua.  

Lạ một điều, trong ngày đấu giá, rất đông người tới dự, đa số là những người đã tới coi nhà hai ba lần trước đó nhưng rốt cuộc người mua lại là một cặp vợ chồng người Hoa còn rất trẻ, chỉ khỏang ba mươi. Họ đi đấu giá căn nhà nào gần đó nhưng mua hụt vì tới trễ, trên đường về chạy ngang qua nhà ông bà sui tôi, thấy người ta lố nhố đứng đầy trước sân, họ dừng lại và bước vào coi sơ qua, chưa kịp coi tới trên lầu thì bị đã mời ra vì đã tới giờ. Vậy mà họ là người kêu giá cao nhứt, rốt cuộc ngôi nhà đó về tay họ. Bởi vậy ở đời không tin phần số cũng không được. Đúng là họ có duyên nợ với ngôi nhà này hay nói cách khác cái gì của ai sẽ thuộc về người đó dù cho có trễ tràng. 

Trong lúc ông bà sui tôi mừng rỡ vui cười hỉ hả thì tôi...khóc vì biết rằng từ nay mình không còn được trở lại căn nhà thân quen này nữa rồi. Bà sui ngạc nhiên hỏi sao vậy thì tôi nói nơi này mình đã có kỷ niệm với nhau mười năm, tôi thương nó quá mặc dù biết rằng đời không có gì tồn tại mãi mãi. 
Bà sui bước lại gần tôi dỗ dành bảo:
     - Thì mình bắt đầu lại ở căn nhà mới, bộ bà không thích nhà mới của tôi sao. Tôi cũng tiếc lắm nhưng không có khả năng giữ hai căn nhà cùng lúc. Cả đời chúng tôi làm việc cực nhọc đóng thuế đầy đủ như bao nhiêu người nhưng giờ đây tới tuổi hưu trí, chúng tôi lại không được lãnh tiền trợ cấp pensioner (tiền già) như người ta vì bị cho là có tài sản. Tài sản này mà thấm vào đâu, trong khi người ta gian lận làm đầu này giấu đầu nọ thì lại được hưởng đủ thứ quyền lợi còn chúng tôi chỉ có số tiền này, ngồi không ăn riết, núi cũng phải mòn huống chi. Thôi bà đừng buồn nữa, lát chiều tôi mời ông bà và các con cháu đi ăn mừng với chúng tôi nha. Vật chất mất đi không hề gì miễn sao tình sui gia của mình bền chặt mãi mãi là quý lắm rồi, phải không bà sui của tôi?  


Người Phương Nam            

No comments:

Post a Comment