Thursday, April 3, 2014

Bàn Chân Trần Và Chiếc Trực Thăng


1. Thằng bé đứng kiên nhẫn chờ các cô, các chú đang ngồi cà phê vãn câu chuyện để có thể mua giúp nó một gói tăm hay một phong kẹo cao su. Nhưng có vẻ như câu chuyện của các cô, các chú không thể "vãn" được, từ chuyện bầu Đức, bầu Kiên, đến chuyện thu phí giao thông... vân vân và vân vân. 

Đó là những chuyện ngày nào nó chẳng phải nghe, dù nó chẳng muốn quan tâm đến chuyện gì ngoài chuyện bệnh tật của mẹ nó, vốn đã đủ khiến cuộc sống của nó đảo lộn từ mấy năm nay và khiến nó phải có mặt ở đây, trong thành phố này trong vai đứa trẻ bán hàng rong, biết chai mặt ra mời mọc, và kiên nhẫn vô biên khi đứng chờ. 

2. Giữa lúc đang muốn bỏ đi, thì nó bất ngờ nghe các cô các chú chuyển sang câu chuyện về một gia đình kia, quyết tâm thuê cả máy bay trực thăng rồi ô tô để cứu em bé đẻ non của mình. Câu chuyện này đã gây xúc động trên báo chí từ vài ngày nay, nhưng hôm nay nó mới biết, và dù chưa thể hình dung được khoảng cách 500 cây số từ Lai Châu xuống Hà Nội xa như thế nào, hay số tiền tới 400 triệu đồng để thuê máy bay lớn như thế nào, nhưng nó đã hình dung rất rõ em bé mới đẻ, nhỏ như con mèo con, khóc oe oe... được bố mẹ em dồn hết sức lực trong một chiến dịch "giải cứu" em ngoạn mục khỏi bàn tay thần Chết ... 

Kể đến đó, chẳng những nó mà các cô, các chú kể chuyện đều tỏ ra khâm phục:

      - Cứ tưởng vợ chồng họ là đại gia hay người nước ngoài, hóa ra chồng chỉ là y tá, còn vợ bán vật liệu xây dựng – một chú kết luận sau khi tường thuật chi tiết câu chuyện.

     - Giờ tớ mới biết thuê một chuyến trực thăng phải 20 ngàn đô, gần nửa tỉ bạc. Thế mà xem phim Tây, thấy trực thăng của họ lượn vè vè đầy trên trời, dân của họ bị lạc trong rừng, dưới biển, hay trên núi là tới tấp gọi trực thăng đến cứu. Còn mình thì.... Tớ có lạc trong rừng cũng cố mà bò về, chết thì bỏ, chứ lấy đâu ra 400 triệu mà gọi trực thăng...

      - Xì, trực thăng của họ như taxi, chứ đâu có xa xỉ như bên mình, một cô tỏ vẻ hiểu biết 
      - Chả biết nếu vợ chồng nhà ấy không nỗ lực thì sao nhỉ? Chẳng nhẽ cả huyện, cả tỉnh không thể xoay được một cái trực thăng hay một cái ô tô chuyên dụng đủ thiết bị để chở em về Hà Nội – cô gái chất vấn.
     - Úi dào, sự cố trăm năm mới xảy ra một lần, lấy đâu tiền mà chuẩn bị sẵn phương tiện được. Vả lại nước mình có giàu như bên Tây đâu mà lại có phúc lợi lớn như thế. Bố trí cho mỗi người bệnh một cái giường, hay một nửa cái giường thôi đã là quá sức – chú ban đầu lên tiếng.
Câu này thì thằng bé thấy chí lý quá. Mẹ nó ở bệnh viện phải chung giường. 2-3 người một cái, vừa nằm vừa ngồi. Còn phận nó đi trông mẹ được trải chiếu ngoài hành lang là may, nếu không phải nằm ngoài ghế đá trong khuôn viên và sáng hôm sau phải chuồn sớm nếu không sẽ bị đuổi.

3. Thằng bé chờ đúng lúc các cô các chú im lặng, suy tư để lấy kẹo cao su ra mời. Giọng nó khẩn khoản, van nài, và không quên nhấn mạnh rằng các cô các chú mua giúp cho cháu một cái giá đúng bằng trong siêu thị thôi, cháu lấy công làm lãi.

Nhưng câu chuyện về chiếc trực thăng quần thảo trên bầu trời để tìm chỗ đáp cứu em bé sơ sinh thiếu tháng vẫn chưa dứt khỏi đầu óc các cô, các chú. Cho nên họ phớt lờ thằng bé. Và nói chung, họ luôn giữ thái độ phớt lờ với tất cả bọn hàng rong. 

      - Cặp vợ chồng đó xứng đáng là những ông bố bà mẹ anh hùng nhất năm – một người trong bọn họ nói, và rồi đứng dậy tính tiền cà phê.

Thằng bé tiu nghỉu khi đám nhân viên văn phòng ra về mà chẳng hề đoái hoài đến những món hàng của nó. Rời quán cà phê nó chầm chậm đi trên vỉa hè, kiên nhẫn ngóng tìm một khách hàng tiềm năng có thể rút hầu bao mua đỡ nó gói tăm hay phong kẹo cao su. 

4. So với chiếc trực thăng, bàn chân nó bé nhỏ hơn nhiều, mềm yếu hơn nhiều. Nhưng cộng tất cả lực mà đôi chân của nó bỏ ra từ ngày đặt chân xuống thành phố này để kiếm tiền nuôi mẹ ốm thì có lẽ cũng không ít hơn công sinh ra từ chiếc trực thăng khổng lồ. Có thể suốt đời bán hàng rong nó cũng không thể kiếm được số tiền vài trăm triệu như tiền thuê trực thăng, nhưng từng ngày một, nó sẵn sàng bỏ ra tất cả sức lực bé mọn của nó, và cả tương lai của nó để cứu mẹ. 

Và tôi nghĩ rằng những người bán hàng rong hay làm đủ thứ nghề như nó để nuôi thân nhân mình trong các bệnh viện cũng tận tụy hy sinh không kém gì cặp vợ chồng anh hùng kia. 

Có thể chúng ta không có máy bay cho họ thuê mượn, nhưng nếu mỗi người đều quan tâm đến họ, mua cho họ gói tăm, phong kẹo cao su…, biết đâu chẳng giúp họ có đủ số tiền “giải cứu” thân nhân mình thoát khỏi tử thần?

Thiếu Phương



Lính thủy sưu tầm & minh họa

1 comment:

  1. Cho tôi hóa đá thành vô cảm
    Chẳng màng chi đau khổ thế nhân
    Mặc kệ những mảnh đời bất hạnh
    Để khỏi thương tâm bật khóc thầm

    NPN

    ReplyDelete