Sunday, June 28, 2015

Con Đường Tháo Chạy Của Đại Gia Đỏ - Giáo Già (danlambao)


...Có những con đường tháo chạy chánh thức. Còn có những con đường đen và con đường vòng bên ngoài luật pháp, hay chen qua các kẻ hở của luật pháp, khiến bây giờ người ta có thể nhận diện và nhận dạng các đại gia đỏ lũ khủ trà trộn trong cộng đồng nhiều người đã thấy nhưng không chịu điểm mặt...


Thị trấn Buford thuộc Tiểu bang Wyoming, miền Trung nước Mỹ, nằm trên đường nối liền hai thành phố lớn NewYork và San Francisco, nằm trên cao độ 8000, có diện tích rộng khoảng 40.000m2, với nửa năm lạnh buốt và xa chốn phồn hoa đô thị, cho tới đầu tháng 4 năm 2012, chỉ có 1 cư dân duy nhứt là ông Don Sammons, 61 tuổi. Ông này từng mua Buford vào năm 1992 và trở thành Thị trưởng của thị trấn kể từ năm 2007. Buford đã một thời có đến hai ngàn dân.

Ngày 5 tháng 4 năm 2012, một cuộc đấu giá thị trấn được tổ chức bởi công ty độc lập Williams & Williams thu hút nhiều khách, không chỉ cư dân Mỹ mà cả người từ 46 quốc gia trên thế giới tấp nập kéo đến để xem và tham gia đấu giá. 


Hàng loạt hãng thông tấn, báo chí, nổi tiếng của Mỹ và các nước như BBC, CNN, Telegraph... cùng có mặt. Chủ nhân thị trấn là ông Don Sammons đã chấp bút giá mua một cách chóng vánh trong cuộc đấu giá diễn ra chỉ 11 phút, từ 100 nghìn ấn định ở mức đầu tiên, lên đến 900 nghìn đôla về tay ông Phạm Đình Nguyên, sinh năm 1975, từ Sài Gòn bay sang Hoa Kỳ tham dự, để trở thành cư dân duy nhất, với một cửa hàng tiện lợi, một trạm xăng, một trạm điện thoại, một cửa hàng bách hoá, một căn nhà 3 phòng ngủ, một nhà kho, nhà đậu xe, với khoảng 1.000 lượt người ghé qua mỗi ngày.


Ngày 3.9 Thị trấn Buford nổi tiếng với 1 công dân duy nhất này chính thức đổi tên thành PhinDeli tổ chức buổi khai trương long trọng bao gồm cả việc phân phối các mẫu cà phê PhinDeli miễn phí cho khách tham dự, với nhiều quan chức của tiểu bang Wyoming, kể cả Thống đốc tiểu bang. Sau đó, ông Nguyên, chủ tiệm kiêm thị trưởng, thuê một người Mỹ trông lo tất cả hoạt động của thị trấn.


Theo số liệu của National Association of Realtors (NAR) thì doanh nghiệp bán nhà cho người nước ngoài đến Mỹ trong năm 2010 có số thu 82 tỉ đôla, so với năm 2009 là 60 tỉ. Việc người nước ngoài vào Mỹ mua nhà không phải là chuyện lạ vì luật ở đây cho phép dễ dàng; nhưng việc bán một thị trấn nhỏ trong lúc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ còn kéo dài lại được một doanh nhân từ Việt Nam bay qua mua với giá cao là điều ngạc nhiên cho nhiều người. Do vậy đã có dư luận cho rằng đây là cuộc tháo chạy ngoạn mục, cắm sào cho con đường tháo chạy đang được các đại gia đỏ cho tiến hành, qua nhiều dạng thức khác nhau; điển hình như trong thập niên trước, nhiều đại gia từ Việt Nam qua Mỹ mua nhà tại những khu mới xây cất ở ngoại ô Sacramento, thủ phủ Tiểu bang California, để đầu tư. Họ mua nhà trả hết một lần bằng tiền mặt rồi cho thuê, khi giá nhà lên cao họ bán đi kiếm lời. Có nhiều nơi đại gia mua nhà cho con là du học sinh ở đi học, rồi nhờ “luật sư” tìm các kẻ hở của luật pháp cho con lưu cư hợp pháp, rồi đưa thêm người trong gia đình nhập cư, làm cuộc tháo chạy trước. Cũng với dụng ý tháo chạy, một số công ty từ Việt Nam đã qua Mỹ mua khách sạn, cơ sở thương mại ở California, Texas...

Một trường hợp rất đáng lưu ý là đại gia đỏ Tràm Bê, chủ tịch công ty chế biến thực phẩm Son Son Co. ở Việt Nam, vào năm 2009, đã mua khu thương mại Wallco Shopping Mall, rộng 50 mẫu, toạ lạc tại thành phố Cupertino, cạnh San Jose, California, với giá 64 triệu đô trả bằng bằng tiền mặt. Theo những nguồn tin chưa được phối kiểm thì đây là những địa điểm rửa tiền của các đại gia đỏ, khởi đầu cho cuộc tháo chạy trong tương lai Việt Nam bị biến thành một lãnh thổ tự trị của Tàu, theo “Thỏa Ước Thành Đô”, hoặc nỗ lực “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” của toàn dân Việt thành công.


Mới đây tin tức dồn dập đưa lên các hệ thống truyền thông và các trang mạng điện tử cho biết một đại gia đỏ lừng lẫy, tên Henry Nguyễn, con rễ của Thái Thú Nguyễn Tấn Dũng, đã bỏ số tiền lớn, trong số ít nhứt 100 triệu đô la, để mua lại quyền sở hữu Câu Lạc Bộ Chivas USA [theo Sports Illustrated ngày 30/9], đội banh đang chơi trong Câu Lạc Bộ MLS.


Được biết, sau khi hoàn tất việc mua Chivas USA, các ông chủ sẽ đóng cửa CLB này trong tối thiểu hai năm để tái thiết lại, từ việc kiếm sân vận động mới, đổi tên cũng như thương hiệu của đội banh. Đội banh sẽ vẫn ở Los Angeles nhưng họ sẽ phải xây sân vận động tại khu vực này. Do vậy, nó được đổi tên thành Los Angeles Football Club (Los Angeles FC) và dự kiến sẽ tham gia tranh tài vào năm 2017. Đồng thời, một sân banh sẽ được xây cất và hoàn thành vào năm 2017 [xem hình], với chi phí lên đến 250 triệu mỹ kim; có 22 ngàn chỗ so với các cầu trường túc cầu khác trong hiệp hội túc cầu Bắc Mỹ MLS.

Vài cuộc tháo chạy tiêu biểu của các đại gia đỏ nêu trên làm sáng hơn cuộc tháo chạy theo con đường “du học sinh” ra nước ngoài để “cắm sào”. Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), CSVN hiện có trên 100.000 du học sinh (DHS) theo học tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhiều nhất là Úc (khoảng 25.000 người). Xếp thứ nhì là Mỹ (14.888 người), kế tiếp là Trung Quốc (12.500), Singapore (7.000), Anh (6.000), Pháp (5.540), Nga (5.000), Nhật Bản (3.500). Trong đó khoảng 90% đi học bằng kinh phí tự túc.

Số DHS sau khi tốt nghiệp đều tìm cách định cư tại nước sở tại. Nhiều DHS không muốn về lại Việt Nam là nét tiêu biểu cho cuộc tháo chạy. Nếu việc vượt biên ngày trước được thực hiện bằng cách “mua bãi” với 6 lượng vàng; hoặc đi “bán chánh thức” thì cũng phải nộp ít nhứt 10 lượng vàng cho công an; thì du học ngày nay chỉ cần chứng minh tài chính và khả năng chi trả học phí, ăn ở, trung bình khoảng 30,000 USD/năm; con số được coi như quá rẻ cho các đại gia đỏ.


Cuộc tháo chạy này coi như có sự đồng thuận của Mỹ. Đúng vậy, chính Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã cho biết ông vui mừng nhận thấy Việt Nam tiếp tục đưa một số lượng lớn sinh viên đến Hoa Kỳ để học đại học [Xem hình 24/28 sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp khóa điện tử và cơ khí theo học bổng IVS tại ĐH Portland State, Oregon]. Được biết, số sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Mỹ đứng đầu con số sinh viên nước ngoài từ khu vực Đông Nam Á. Theo Viện Giáo dục Quốc tế của Mỹ (IIE) hồi cuối những năm 90, mới chỉ có hơn 1.500 sinh viên Việt đi du học tại Mỹ và tăng trưởng đều đặn kể từ đó. Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở Mỹ trong niên khóa 2006-2007 và lọt vào top 10 kể từ năm 2010-2011...


Hơn nữa, vào ngày 30 tháng 11 năm 2012, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận Dự Luật STEM-HR 6429. Tên chính thức của dự luật này là Trình độ Khoa Học, Công Nghệ Học, Kỹ Thuật Học hay Toán Học (tức Science, Technology, Engineering or Mathematics, viết tắt là STEM). Dự luật này sẽ cấp 55.000 thẻ xanh cho các sinh viên du học đạt được những trình độ cao cấp sau khi học xong ở các trường đại học Hoa Kỳ. Dự luật này đã đóng dấu ấn cho con đường tháo chạy của các đại gia đỏ. Nó cho biết người hôn phối và các con của đương đơn, của chương rình STEM, sẽ được cấp chiếu khán phi-di-dân để ở Mỹ và sau đó, người hôn phối hoặc cha mẹ của chương trình STEM có thể nộp đơn bảo lãnh họ qua chương trình đoàn tụ gia đình bình thường. Đó chỉ là con đường tháo chạy chánh thức. Còn có những con đường đen và con đường vòng bên ngoài luật pháp, hay chen qua các kẻ hở của luật pháp, khiến bây giờ người ta có thể nhận diện và nhận dạng các đại gia đỏ lũ khủ trà trộn trong cộng đồng nhiều người đã thấy nhưng không chịu điểm mặt.

18.06.2015

No comments:

Post a Comment