Friday, June 19, 2015

Nhớ Ngày 19 Tháng 6 - Nguyễn Thị Thêm


Khi tôi đặt bút viết những dòng này thì đã là ngày 19 tháng 6, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày mà những người lính và vợ lính như chúng ta không thể nào quên.
Xin dành một phút tri ân những người lính anh dũng đã bảo vệ quê hương dân tộc. Một phút mặc niệm những chiến sĩ đã vị quốc vong thân.
39 năm các anh rời vị trí chiến đấu là 39 năm đất nước thay ngôi đổi chủ. Biến một quốc gia hùng cường trở thành nạn nhân của mọi tai ương và đang trên bờ vực thẳm mất biển, mất đất, mất chủ quyền.
Cho nên càng nhìn về đất nước hiện nay, người Việt Nam trong và ngoài nước lại càng dành cho các anh những tình cảm trân trọng và kính yêu hơn xưa.

Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, khi quân Cộng sản phá vỡ những quy ước Quốc tế tìm cách chiếm trọn Việt Nam.
Những người thanh niên đang ở tuổi tương lai ngời sáng phải xếp bút nghiên theo lịnh nhập ngũ. Những giáo viên trên bục giảng cũng phải lên đường. Hàng hàng lớp lớp thế hệ học sinh bước ra khỏi ngưỡng cửa Trung học phải khoác áo lính để bảo vệ đất nước.
Những buổi duyệt binh oai hùng rầm rập bước chân diễn hành trong ngày 19/6 là những hình đẹp trong quân sử VNCH. Chúng tôi, những nữ sinh ngoài những khăn tay thêu gửi ra mặt trận, những lá thư động viên , những lần choàng vòng hoa chiến thắng, còn là những người yêu của lính thật sự.

Những người em gái hậu phương đã biến thành người vợ lính để thắt thẻo ruột gan những lần chồng lên đường hành quân. Người vợ lính ở trại gia binh ôm con đợi chồng về. Nghe tiếng đạn pháo hay hỏa châu rơi mà suốt đêm không ngủ. Có thể buổi sáng sửa lại cổ áo cho chồng, buổi chiều ôm xác anh mà khóc. Người nơi thành phố, hồi hộp mỗi lần có một người lính lạ mặt đi vào khu phố.
Đời người lính và vợ lính như những bọt bèo trong cuộc chiến Nam Bắc tương tàn.

Thế nhưng, trong trái tim họ vẫn đầy ắp tình yêu sông núi và tình nghĩa vợ chồng. Họ tự hào vì màu cờ, sắc áo. Họ hảnh diện vì binh chủng mình phục vụ. Người lính là phải bảo vệ đất nước và người dân. Cho nên trong khi chiến trận khốc liệt ngoài biển đảo hay đất liền, người học sinh vẫn yên lành vô tư cắp sách đến trường học luân lý, đạo đức và kiến thức. Người thành phố vẫn nhởn nhơ uống cà phê nghe nhạc.

Tất cả đều yên bình không hề được dạy hai chữ căm thù và giết chóc. Cái khác của hai miền Nam và Bắc là ở chỗ đó. Cho nên người miền Nam mới ngây thơ về hai chữ hòa bình và thống nhất đất nước của Cộng Sản để uất hẹn vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Không ai có thể tin quân lực VNCH lại buông súng đầu hàng tức tưởi như vậy. Khi người lính Bắc Việt tiến vào Sài Gòn họ còn tưởng trong mơ. Một bàn cờ chính trị ăn thua một cách gian lận và bội bạc. 39 năm nhìn lại vẫn còn đau.
Xin thắp một nén hương lòng tri ân và tưởng niệm những vị anh hùng đã tuẩn tiết trong ngày 30 tháng 4 . Cũng như nguyện cầu cho những hương linh các chiến sĩ và đồng bào đã chết trong ngày tang tóc đó.

19 tháng 6, ngày Quân Lực VNCH đã không còn được tổ chức rầm rộ tại quê hương như ngày xưa. Nhưng trong trái tim của bao nhiêu người con xa xứ đều nhớ mà kiêu hảnh xen lẫn ngậm ngùi.
Người lính trong mỗi gia đình HO, người lính trong mỗi trái tim của người Việt lưu vong không bao giờ chết.

Rồi sẽ nhiều thế hệ qua đi nhưng người lính vẫn hiện diện trong lịch sử Việt Nam và những bước quân hành nhịp nhàng diễn hành ngày xưa sẽ mãi trường tồn
Xin cám ơn người lính VNCH. Cám ơn các anh đã ghì súng bảo vệ tiền đồn cho chúng tôi yên lành học tập.
Xin cám ơn những người lính tù Cộng Sản đã kiên cường trong hàng rào kẻm gai và để lại cho đời biết bao gương bất khuất.
Ngày 19 tháng 6 năm nay lại về trong sự sôi động của mùa World Cup cũng như sự rộn ràng chuẩn bị họp mặt thường niên của các trường Trung Học . Trong đó có trường Trung học Long Thành và Ngô Quyền mà tôi một thời cắp sách.
Xin gửi đến các bạn là những người lính VNCH. Các bạn cũng là những người tù Cộng Sản đã trở về sau bao nhiêu năm gian khổ nhục nhằn.
Cám ơn các bạn. Cám ơn người lính già của tôi.
Chúc tất cả được bình an và mạnh khỏe.

Nguyễn thị Thêm.
19/6/2014
Mời quý vị xem thêm youtube ngày quân lực VNCH


No comments:

Post a Comment