Tuesday, June 16, 2015

Nuôi Dưỡng Và Bảo Vệ Xương Khớp Vững Chắc


Xương khớp được cấu tạo bởi nhiều thành phần, bao gồm: cơ, dây chằng, sụn, xương, gân. Các thành phần này hoạt động một cách nhịp nhàng nhằm giúp cơ thể di chuyển, đây là hoạt động điển hình của xương khớp và là chức năng rất quan trọng đối với con người. Tuy nhiên, vấn đề về xương khớp lâu nay đang còn bị coi nhẹ hoặc vô tình quên đi việc chăm sóc và nuôi dưỡng để các khớp xương khỏe mạnh, bền vững. Trước tiên cần tìm hiểu một số bệnh mà xương khớp thường bị, từ đó có chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý để duy trì một hệ xương khớp vững chắc.

Thoái hóa khớp
Theo các chuyên gia nghiên cứu, thoái hóa khớp là một bệnh phổ biến trong các bệnh viêm xương khớp. 70% các ca thoái hóa khớp thuộc nữ giới, với biểu hiện thường gặp là đau đớn khi di chuyển, khi cúi người… Bệnh này thường ở những phụ nữ trẻ sau thời kỳ mang thai, sinh nở, gây nên các cơn đau, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Tuy không gây tử vong như cao huyết áp, đái tháo đường… nhưng bệnh thoái hóa khớp lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Mặc dù thoái hóa khớp có nguồn gốc phổ biến nhất là do tuổi tác, nhưng đây không phải là căn bệnh chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Bệnh có thể phát triển rất sớm từ những tháng tuổi đầu tiên của cuộc đời. Tình trạng bệnh và ảnh hưởng của nó tăng theo độ tuổi bệnh nhân.

Những vị trí dễ bị đau
Thoái hóa có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất tại các vị trí:
– Ngón tay: Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh.
– Cột sống thắt lưng: Giai đoạn đầu người bệnh thấy đau lưng nhiều vào buổi sáng mới ngủ dậy, kéo dài không quá 30 phút sẽ giảm đau. Sau một thời gian, đau lưng sẽ kéo dài cả ngày, tăng lên khi làm việc nhiều, giảm đau khi nghỉ ngơi.
– Trường hợp thoái hóa ở khớp gót chân, bệnh nhân có cảm giác thốn ở gót vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy và đi những bước đầu tiên; đi khoảng vài chục mét sẽ giảm đau và đi đứng lại bình thường.
– Thoái hóa khớp gối: Đau khi ngồi xổm, đứng dậy khó khăn. Nếu bệnh nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ khớp gối.
–  Ngoài ra, thoái hóa khớp háng làm cho người bệnh đi lại khó khăn ngay từ đầu do đau, vì khớp háng chịu đựng trọng lượng cơ thể nhiều nhất.

Điều cần làm khi bị đau xương khớp
Nếu bạn cảm thấy đau nhức và khó di chuyển ở các khớp trong hơn 2 tuần, nên đến bác sĩ ngay. Ngoài điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, bệnh nhân nên sử dụng thêm phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy siêu âm.

Viêm khớp dạng  thấp
Viêm khớp dạng  thấp là một trong các bệnh khớp viêm mạn tính thường gặp nhất trên thế giới, chiếm khoảng 0,5-2,0% dân số. Đối tượng bệnh “tấn công” chủ yếu là phụ nữ tuổi trung niên, chiếm 70-80%. Điều nguy hiểm là viêm khớp dạng thấp rất dễ nhầm với các bệnh khớp khác, do vậy cần nhận biết rõ ràng để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp là do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào màng bao hoạt dịch khớp, gây viêm, đồng thời cũng liên quan đến nhiều yếu tố như giới tính, lứa tuổi, di truyền. Bệnh khó chẩn đoán xác định được vì triệu chứng gần giống như các bệnh khớp khác (thấp khớp cấp, viêm khớp mạn tính, thoái hóa khớp, viêm khớp do gút…) và chỉ có thể nhận biết đầy đủ sau một thời gian bệnh phát triển.


Đa số trường hợp viêm khớp dạng thấp khởi phát từ từ, tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu cấp tính. Giai đoạn khởi phát kéo dài từ vài tuần đến hàng tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sưng đau thường gặp ở các khớp đối xứng (chiếm tới 95% trường hợp), cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động, ít nóng đỏ, đau nhiều về đêm. Bệnh gây biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ, hạn chế vận động, tàn phế. Các biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, ra nhiều mồ hôi, rối loạn vận mạch, suy thận… cũng xuất hiện.

Nguyên tắc chung trong điều trị viêm khớp dạng thấp là phải kiên trì, liên tục, có khi suốt đời. Việc lựa chọn thuốc và hướng điều trị đúng là một vấn đề rất quan trọng đối với người bệnh. Nếu sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau không steroid, corticoid… trong thời gian dài có thể gây loét hoặc xuất huyết đường tiêu hóa.

Chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ xương khớp
Chúng ta biết, trong cấu tạo của xương khớp mỗi thành phần có một chức năng khác nhau. Dây chằng có nhiệm vụ neo xương với xương, giữ cho khớp được vững. Gân nối xương với cơ và chuyển sức co của cơ vào xương. Sụn là lớp tế bào trong như thạch, rất bền dai, có thể ép và đàn hồi, không có mạch máu và dây thần kinh. Sụn có công dụng che chở đầu xương như lớp đệm, tránh sự cọ xát khi khớp cử động. Tuy quan trọng như vậy nhưng sụn lại là những tế bào rất mỏng manh, khó nuôi cấy, dễ thoái hóa mà sự tái tạo lại rất khó khăn. Sụn chứa 75% nước. Khi khớp cử động, nước thấm qua lại màng hoạt dịch để lấy chất bổ dưỡng nuôi sụn. Vì thế, khi khớp bất động, sụn sẽ bị suy yếu. Sụn không có dây thần kinh nên không có “trách nhiệm” về cảm giác đau trong bệnh viêm khớp. Khớp nằm trong một cái túi, các tế bào ở mặt trong của túi tiết ra chất hoạt dịch lỏng, nhờn như dầu, giúp khớp trơn tru khi trườn lên nhau hoặc khi co duỗi, cử động. Hoạt dịch cũng là nguồn cung cấp chất bổ dưỡng cho sụn vì sụn không có mạch máu.

Xương khớp cũng như cơ thể, cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để nó luôn khỏe mạnh phục vụ quá trình vận động của con người. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cơ thể nuôi xương khớp để nó luôn hoạt động trơn tru và không gây đau nhức khi thay đổi thời tiết.

Cân bằng và đa dạng hóa việc thu nạp vitamin, khoáng chất, chất chống ôxy hóa và các chất dinh dưỡng khác. Đồng thời thực hiện chế độ ăn uống giảm cân đối với những bệnh nhân thuộc nhóm thừa cân, béo phì bởi những người thừa cân, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chứng đau nhức xương khớp. 

Người gầy yếu bị viêm đa khớp dạng thấp nên ăn nhiều bữa nhỏ để hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp cần cung cấp lượng đạm nhiều hơn, sử dụng dầu thực vật, dầu omega 3 và dầu cá. Nên ăn thịt heo, thịt gà vịt, cá biển, tôm, cua, sò… Ăn nhiều rau và trái cây tươi như đu đủ, thơm (dứa), chanh, bưởi vì các loại trái cây này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, đây là hai hoạt chất có tác dụng kháng viêm. Hằng ngày cần uống đầy đủ nước. Đối với bệnh nhân bị Gút, cần hạn chế đạm, các loại thịt gà, thịt bò, nội tạng như gan, thận, tim.. cá, trứng, xúc xích, các loại đậu, măng tây, nấm, súp lơ. Hạn chế các chất béo từ mỡ động vật, không dùng các đồ uống có cồn như rượu, bia, không nên hút thuốc lá. Thay vào đó bệnh nhân nên ăn dầu đậu nành, dầu hạnh nhân… và ăn nhiều rau xanh như rau cải, rau mồng tơi… trái cây như đu đủ nhằm cung cấp nhiều chất xơ và là nguồn dinh dưỡng tốt. Người bị bệnh Gút mạn tính cần nghiêm túc thực hiện một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.

Hiện nay, chưa có loại dược phẩm hay phương thức nào có thể phục hồi tế bào sụn, từ đó chữa dứt viêm xương khớp để phòng ngừa và hạn chế các cơn đau. Tập luyện thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi khi đau, các động tác nhẹ nhàng có tác dụng thư giãn các khớp, tránh tình trạng để các khớp bị cứng, ít hoạt động. Giảm cân là yếu tố quan trọng, bởi nó sẽ giúp giảm áp lực cho khớp. Người béo phì thường kèm thoái hóa khớp, cho nên cần cân bằng chế độ ăn kiêng từ từ để làm giảm tối đa những chấn động trên khớp. Vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý sẽ góp phần ngăn ngừa và điều trị các bệnh xương khớp một cách có hiệu quả nhất.

Châu Quý (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment