Friday, June 19, 2015

Tết Đoan Ngọ Và Má Tui - NGUYỄN THỊ THÊM


Hôm qua một Email của đứa cháu gái gửi từ VN qua. Trong phần thăm hỏi cháu có nhắc tới ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch cả nhà sum họp ở nhà từ đường.
Tui nhìn lên lịch blog treo trên tường và mới thấy ngày Tết Đoan Ngọ đã đi qua hôm Chủ Nhật rồi tại Việt Nam. Tại Mỹ hôm nay  là ngày mồng 5 tháng 5. Tui nói với con gái:
-"Hôm nay mồng 5 tháng 5, ngày Tết Đoan Ngọ con ơi" Con tui cười cười:
-" Too late rồi má. Cơm rượu mình đâu có làm kịp.
 Mấy đứa nhỏ nhà con  mà bắt chước bà ngoại cho ăn kẹo, bánh thả giàn thì tụi con tốn tiền Nha sĩ và Bác sĩ.

Tự dưng lòng tui chùng xuống, bâng khuâng. Tui nhớ Má tui da diết.
Các bạn đừng cười tui già rồi mà như con nít. Chuyện gì cũng nhớ má, bộ rảnh lắm sao. Thật lòng quý vị biết không? Càng về già mình càng thấy mình giống má. Răng rung rinh, lẩm cẩm, hay lo bao đồng và nhất là hay nhớ chuyện xưa.
Tui nhớ má tui rất coi trọng ngày mồng năm tháng năm. Bà chuẩn bị nhiều ngày, nhiều tuần trước.


Món đầu tiên là Bánh ú nước tro

Trước tiên nước tro. Nước tro phải là nước trong lắng lại của võ trái gòn. Trái gòn khi khô bung ra những lớp gòn trắng mịn. Má tui tách ra, lấy gòn bỏ vào một cái thúng, lược bỏ hột và lấy sợi gòn để dành làm gối. Cái võ đó má phơi thật khô, đốt thành tro và ngâm với một lớp nước tùy nhiều hay ít bà muốn. Má tui quậy cho nước và tro hòa lẫn vào nhau thật kỹ. Xong má để nó lóng lại. Lớp nước trong bên trên má cất vào hủ. Đó là loại nước dùng ngâm nếp làm bánh ú ngày mồng 5 tháng năm.

Lá má thường làm là lá dong hay lá tre (Loại tre Mạnh Tông hay tre Tàu)to lựa thật kỹ. Bánh ú với 4 đầu nhọn nhọn nhỏ xíu má tui gói rất đều tay. Bà dùng một nắm dây chừng 5 hay 6 sợi. Bà nghéo ở đầu ngón chân cái và ngón kế. Cứ xong một cái là bà cột lại. Được 10 cái hay 12 cái là bà tháo ra thắt lại thành một chùm.
Bánh đó ngon tuyệt vời và vừa một cái bỏ miệng. Thơm thơm, trong suốt. Má tui cho rằng đó là một món bánh dùng để trị sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Tui đã từng nói má tui là một bà già nhà quê miệt vườn thứ thiệt. Cho nên ngày này bà có nhiều việc làm rất đặc biệt. Nếu bây giờ tui kể cho con cháu tui nghe, nó sẽ nghĩ là tui kể chuyện cổ tích từ ngàn xưa.

Chẳng hạn là phong tục "Tìm cây thuốc" Ngày này má tui dậy sớm lắm. Từ mờ sương, bà sẽ đi tìm cây lá thuốc. Các loại cây này thường có trong vườn như cây sả, củ cỏ gấu, bồ công anh, ngải cứu, mã đề,lá chanh, lá bưởi, cỏ vườn chầu, hương nhu, tía tô,... nhưng ngày này sẽ biến thành thuốc đặc biệt của bà. Bà đem về, chặt và phơi khô để trị bệnh. Tui cũng không hiểu má tui tốt nghiệp ở trường thuốc nào, nhưng nhìn sự chăm chút của má, mỗi khi tui thành bệnh nhân thì chỉ có nước bưng lên uống cạn.


Ngoài ra ngày này ( theo bà nói) nếu ra đường gặp hai con rắn đang yêu đương, quấn chặt vào nhau, thì hai anh chị rắn này sẽ tới số. Cùng nhau chui vào hủ rượu gia truyền cho mấy ông thầy mặc tình bày vẽ. Ông thầy thuốc nào gặp được hai con rắn thần trên, năm đó ông sẽ được mát tay, trị đâu lành đó.
Má tui cùng bà Bảy tui còn làm một việc khá đặc biệt trong ngày Tết Đoan Ngọ là " Mần tuổi cho cây". Bà lấy giấy đỏ, cắt hình thoi. Xong vào buổi trưa sau khi cúng kiến xong, bà dán vào gốc những cây cho trái tốt trong năm, gọi là mừng tuổi cho cây. Những cây èo uột, trái không nhiều, hoặc lâu không ra trái. Bà lấy roi quất vào gốc , gương mặt bà rất hình sự răn đe dặn dò:
-Nè! trị tội không có trái nè! Năm tới phải có trái nhiều, trái sai nghe chưa. Nếu không tao không đánh đòn mà tao chặt đó nghe.
Má tui thiệt là giỏi. Bà trị con tài tình mà cũng có tài huấn luyện cả cây. Tui không biết có hiệu nghiệm hay không, vì tui mãi mê chơi đùa với nhóm bạn đâu có để ý gì đến ba cái lẻ tẻ này của má tui.


Ngày này tụi con nít tui tui được ăn bánh ,trái cây, kẹo mứt ê hề mà không bị má tui cấm cản. Bà cho ăn thả giàn nói ăn để giết sâu bọ. Giết đâu không thấy mà có năm tui bị đau bụng một trận nhớ đời.
Cái món được gọi là chủ trị để giết sâu bọ là "Cơm rượu". Má tui dùng men ủ vào những viên nếp được vo tròn cách vài ngày trước. Men rượu thơm lừng, nước ngọt ngọt nồng nồng làm tụi tui say say ngất ngây vào mỗi dịp mồng năm tháng năm âm lịch.
Hổng phải tụi tui ham ăn đâu nghen? Má tui bắt buộc mỗi đứa phải ăn hết một viên nhỏ vào sáng sớm, bụng đói để sâu và sán lãi trong bụng bị tiêu diệt. Tui nghĩ má tui cũng lẩm cẩm thiệt. Nếu bà đã diệt sán trong ngày này rồi. Thì tại sao mỗi 6 tháng bà lại bắt anh em tui uống thuốc xổ sán của ông thầy người Tàu ở Phước Thiền. Uổng thiệt! Hồi đó tui không biết lý sự cùn để cải lý với bà nên cứ nhắm mắt bịt mũi mà nốc.

À mà tui quên kể cho các bạn nghe một câu chuyện hy hữu xảy ra cho anh em tụi tui mà má tui là đạo diễn. Không biết các bạn có bị như tụi tui không. Nhưng đối với tui là kỷ niệm mắc cười nhất trong đời với má tui.
Ngày này, đúng 12 giờ trưa. Má tui kêu anh em tui ra một lượt. Má cho đứng giữa trời, nhìn lên mặt trời đang nắng chói chang và bắt tụi tui nhìn thẳng vào đó và không chớp mắt. Không biết bà học ở sách vở và ông thầy nào mà hành tụi tui mờ hai con mắt. Bà đứng như giám thị canh phòng thi. Đứa nào cúi xuống hay nhắm mắt là bà xướng tên:
-" Chín, mở mắt lớn ra". Rồi bà dịu dàng dụ khị:
-"Mấy con ráng chút xíu. Nhìn mặt trời ngày này, cả năm không bị đau mắt"
Úy trời! Giờ tui nghĩ tới còn giật mình. Hổng lẽ mắt tui đeo kính sớm là tại má tui?

Đoan Ngọ có nghĩa là mở đầu cho ngày khí dương thịnh hành. (Ngọ có nghĩa là giữa trưa)cho nên mới gọi là tết. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương là một ngày Tết về sức khỏe và ngày Thầy Thuốc theo phong tục nhân gian.
Trong ngày này, ngoài cúng kiến người ta còn đi Tết Thầy,cô hay những người mình kính trọng, chịu ơn.
Má tui cũng vậy, Bà lễ mễ cho chúng tôi đem bánh và trái cây tươi tốt kính biếu lên thầy giáo. May mắn là gia đình ông thầy giáo làng 3 cha con dạy ba lớp. Nên tụi tui mấy anh em chỉ Tết một lần, một mâm lễ mà thôi.

Má ơi! Con xin lỗi lại lôi má ra viết tùm lum

Má biết không, dù bây giờ không ai làm như má, nhưng má như tấm gương phản ảnh những sự việc rất đời thường, dễ thương và chơn chất của những người VN thuần túy ngày xưa.
Con viết những dòng này để nhớ tới má bằng cả trái tim yêu thương của một đứa con gái đã lần bước vào ngưỡng cửa 70.
Rồi đây, con sẽ cũng như má, một hình ảnh chả có gì sáng ngời đặt biệt trong lòng con cháu. Nhưng mỗi khi nhớ đến những nhỏ nhặt trong đời sống bình thường của con chúng sẽ cười thật vui và ngậm ngùi nhớ mẹ.

Con chợt thấy má đang đứng trước con, miệng móm mém nhai trầu và cười cười:
- "Cái con khỉ gió. Cho ăn học để giờ này mày đem má ra viết chọc quê hả?
Tổ cha mày! Chó con.
Đừng chửi má ơi! Con gái má thương má nhất trên đời.
I love you. MOM.

Nguyễn thị Thêm

1 comment:

  1. Truyện này đọc vui quá chị Thêm ơi!
    Cái "quái chiêu" nhìn mặt trời đúng ngọ đó, mình cũng có nghe qua. Hèn chi mà về già ai cũng bị mắt lòa phải mổ cataract hết :)
    Chị biết gói bánh ú nước tro hông?
    NPN

    ReplyDelete