Wednesday, October 4, 2017

Thói Quen Đặt Tên Có Chữ "Dz" Của Người Xưa Là Do Đâu?


Bạn đã bao giờ tự hỏi, những chữ cái "Dz" xuất hiện trong tên liệu có điều đặc biệt nào ẩn giấu.

Với không ít người khi nhìn thấy tên của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn hay Nghệ nhân dân gian - chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân... trên báo chí, truyền hình sẽ thắc mắc rằng, hẳn người viết vô tình sai lỗi chính tả, chứ làm sao lại có tên bắt đầu bằng chữ Dz như thế.

Nhưng sự thật là, có không ít những thi sĩ, người nổi tiếng lại sở hữu một cái tên đặc biệt như thế. Vậy liệu rằng, tên có chữ Dz chỉ là một điểm nhấn hay còn có ý nghĩa nào khác? Lời giải sẽ được bật mí ngay sau đây.

Từ những nhân vật nổi tiếng với cái tên bắt đầu bằng "Dz"... 

Gần 60 năm cầm bút, thi sĩ Hồ Dzếnh đã tặng cho đời không biết bao tập thơ hay và ghi dấu với những câu thơ được nhiều người ngâm nga:

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
 Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở”. 

Hay những ai từng tới với Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trước năm 2008 khó có thể bỏ lỡ cơ hội ghé thăm đồi thi nhân, thăm lều tranh của họa sĩ Trương Dzũ Kha - người suốt 30 năm dùng bút lửa vẽ ra giấy, gỗ những áng thơ tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bên cạnh đó, không ít những nghệ sĩ ở hải ngoại có tên bắt đầu bằng chữ D đã đổi thành “Dz” có phần độc đáo và điệu đàng.

Điểm chung của những nhân vật trên - họ đều là những người tài giỏi. Và những cái tên được ghép "Dz" khá điệu đàng này là tên chính (hay đệm) được công bố trước công chúng chứ không phải nghệ danh. 

Hình ảnh họa sĩ Trương Dzũ Kha - nghệ nhân 30 năm dùng bút lửa vẽ thơ Hàn Mặc Tử

Rõ ràng trong bảng chữ cái tiếng Việt chuẩn không có từ lạ này, tiếng Anh quốc tế cũng không có tiền lệ sử dụng Dz làm từ ngữ. Như vậy, đến đây - hẳn nhiều người “chắc cú” “Dz” là chữ mượn (chữ ngoại lai) rồi.

... đến những bí mật ẩn sau chữ "Dz" kì bí

Để hiểu hơn về chữ "Dz" đặc biệt này, trước hết, ta hãy thử phân tích chữ “D” và chữ “z” trong cụm chữ ghép “Dz”. Chữ “D” là một chữ cái khá lạ trong mẫu tự La-tinh, khi phát âm “D” giống hệt cách phát âm chữ “Y” trong tiếng Anh (thí dụ Yes, You…). Như vậy, “D” đã vô tình “cáng đáng” thay thiên chức phát âm cho chữ “Y”.

Từ đó, ta có thể phân ra hai loại phát âm của chữ D: là D – theo kiểu Tây phương phát âm chính là “Đ” (doctor, dancing) và D - phát âm theo kiểu Việt Nam y hệt cách phát âm chữ “Y” trong tiếng Anh.

Tình cờ, các từ Hán Việt bắt đầu bằng D - Việt đều có phát âm của Y trong tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Ðông (thí dụ: dương= yang, dừa = ye…). Việc có hai cách phát âm cho chữ D đã gây nên những trường hợp “dở khóc dở cười” trong lịch sử, tiêu biểu là tên địa danh thành phố Đà Lạt. 

Chuyện là khởi nguyên Đà Lạt có tên gọi “Ya Lạc” - nghĩa là chỗ có dòng suối thuộc một bộ tộc họ Lạc. Chữ Quốc ngữ thời điểm ấy mới phôi thai có lẽ chưa có phân biệt âm cuối: “Lạt” có thể viết “Lạc” hoặc Lạt tùy ý, nhiều người quen gọi là “Lạt”, cuối cùng biến thiên thành “Ya Lạt”. 

Ít ai biết, Đà Lạt thời xưa có tên là Ya Lạt.

Chữ quốc ngữ làm gì có chữ “Y” nên thời điểm người phương Tây mới biết tới “Ya Lạt”, theo thói quen, họ viết Ya-Lạt thành ra Da Lạt. Không còn ranh giới D – ta và D – tây, họ hồn nhiên đọc trại thành Ða-Lạt rồi Ðà-Lạt. Và Ya Lạc biến tên thành Đà Lạt từ đó.
Bàn sâu thêm về nguồn gốc ra đời chữ lạ “Dz”, chúng ta phải nhìn vào tên của những người Việt đang sinh sống ở các nước nói tiếng Anh có bắt đầu bằng chữ D.

Những từ Dung, Duyên, Danh, Dinh lần lượt bị người bản địa hồn nhiên, thật thà gọi đúng chuẩn phát âm của họ là Đung, Đuyên, Đanh, Đinh. Và hẳn nhiên, không ai dễ chịu khi cái tên cha sinh mẹ đẻ bị biến thiên một cách vô lý như thế. 

Cho nên mới nảy ra khuynh hướng người Việt định cư tại các nước nói tiếng Anh có các tên bắt đầu bằng chữ D - Việt nhất loạt đổi thành Dz (nghĩa là những Dung, Duyên, Danh, Dinh lần lượt thành Dzung, Dzuyên, Dzanh, Dzinh). Một số người khao khát quốc tế hóa hơn đổi luôn thành Y cho chắc ăn. 

Tuy vậy, một vài người nói tiếng Anh nhưng có trình độ và hiểu biết về văn hóa phát âm tiếng Việt, họ hiểu Dung, Duyên, Danh, Dinh không thể “khiếm nhã” mà đọc thành Đung, Đuyên, Đanh, Đinh mà phải là Yung, Yuyên, Yanh, Yinh. 

Cụ thể, họ phát âm D như Ðờ-Yờ. Ðờ-Yờ đọc nhanh chính là Dz. Tất nhiên “D” - phát âm theo kiểu ta dung dị hơn nhiều so với chữ “Dz” ra đời một cách bất đắc dĩ kia nhưng trong trường hợp bất khả kháng, đó là lựa chọn lý tưởng nhất. 

Về Hồ Dzếnh - theo Wikipedia, tên thật của ông là Hà Triệu Anh, người gốc Quảng Đông. Nếu phát âm theo giọng Quảng Đông thì sẽ là Hồi-Tsìu-Díng, thu gọn lại là Hồi-Díng. Có lẽ do lo sợ khi phiên âm sang tiếng Việt hai tiếng Hồi-Díng nghe không được hay lắm nên ông đã ghi là Hồ Dzếnh”. Ngờ rằng cái tên “Hồ Dzếnh” cũng là để ăn nhập với sự nghiệp làm báo và sáng tác sôi nổi hành thông từ Bắc vào Nam của ông.

Còn nghệ danh của nghệ nhân Trương Dzũ Kha thì có lẽ có hai cách giải thích thế này. Tên thật của ông là Trương Vũ Kha, từ Vũ trong tiếng Hoa ghi là “wǔ” đọc na ná “Dzũ”, hoặc do cách phát âm địa phương miền Nam, “Vũ” đọc thành “Dzũ” là đương nhiên.

Ý kiến người viết thiên về giả thuyết này hơn và cho rằng, ông Trương Dzũ Kha nhân tiện đặt luôn cho mình một từ độc đáo trong bút danh. Còn với những trường hợp người Việt định cư ở các nước nói tiếng Anh, họ có tên bắt đầu bằng chữ D-Việt đổi thành Dz là chuyện thường ngày.

Như vậy, những tên người có sự xuất hiện của chữ “Dz” nghe có vẻ điệu đàng nhưng ý nghĩa bắt đầu từ nguyên do nhất định. Người viết hi vọng rằng, trong tương lai chúng ta có cơ hội đọc được những bài viết lý giải khác có lý hơn và tìm ra được ngọn nguồn của chữ “Dz” trong từ đệm của các tên tuổi lớn như nhạc sĩ Dzoãn Mẫn hay Nghệ nhân dân gian, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân.

Nguồn: ERCT, Wikipedia

No comments:

Post a Comment