(LTS: Tác giả Lê Minh Nguyên thuộc
thế hệ trẻ, từng có một thời thơ ấu đi học dưới nhà trường CSVN sau
1975, ghi lại cảm xúc của anh khi nghe ca khúc bolero “Tám Điệp Khúc”
rất phổ biến trước 1975 tại Sài Gòn. Anh trùng tên Lê Minh Nguyên với
một người viết và một nhà hoạt động đảng phái ở hải ngoại. Bạn Lê Minh
Nguyên thế hệ trẻ này cũng có bút hiệu đôi khi dùng là 2 Xu Lẻ (Two Cents). Bạn Lê Minh Nguyên viết như sau.)
****
Tôi nghe qua bài này vào một buổi chiều nọ khi Bố tôi mở nhạc xưa sau
bữa ăn. Lần đầu tiên nghe bài này, Tôi có cảm giác phản cảm giống như
những cô cậu trẻ khác vì điệu nhạc nghe như nhạc đám ma. Nhưng khi nghe
được một đoạn tôi cảm nhận được những lời thơ đầy ý nghĩa được dựng lên
thành một bài hát. Nó làm cho Tôi có cái cảm giác như có một luồng điện
sau gáy y như mỗi khi Bố và Mẹ tôi kể những câu chuyện về một đất nước
Việt Nam Cộng Hoà năm xưa đầy vẻ vang, niềm kiêu hãnh “Hòn Ngọc Viễn
Đông”, về những thành tựu của những người con của miền Nam Việt Nam. Bên
cạnh đó, Tôi cũng được nghe những chuyện ác của những người "Cộng Sản".
Mẹ tôi kể mỗi khi có chiến dịch gì đó thì Cộng Sản nằm vùng sẽ tới đòi
góp viện từ tiệm tạp hoá ở dưới quê của Bà Ngoại, nếu không CS doạ sẽ
gài mìn sập tiệm nên ai trong nhà cũng phải bán đồ để góp, rồi không
những vậy còn "đóng góp" những món gì họ thấy bán trong tiệm. Còn trên
Sài Gòn thì những quán cà phê, rạp chiếu phim, những nơi hội tụ nhiều
người là những điểm nóng thường xuyên bị gài mìn như những hành động
khủng bố thời nay. Những nơi này thì lính VNCH có, lính Mỹ có, dân
thường có.
Tôi cũng biết trong khoảng thời gian tương tự, miền Bắc Việt Nam cũng đang bị đánh bomb liên tục, nhiều người cũng đang sống trong khốn khổ vì cuộc chiến đang xảy ra giữa chế độ Cộng Sản và Tư Bản. Nhưng nếu hỏi một người lính Cộng Sản chủ nghĩa xã hội, công cuộc Cách Mạng, Mác Lê Nin là gì? Tôi nghĩ sẽ không một người lính nào có thể trả lời câu hỏi đó. Mẹ tôi kể rằng năm xưa có những người “Bắc 54” trốn Cộng Sản vào miền Nam để sống, nhưng chưa bao giờ có người miền Nam trốn Việt Nam Cộng Hoà ra Bắc sống, ngoại trừ những thành phần bị tuyên truyền ra Bắc “tập kết” để mà tìm đường “giải phóng” một đất nước đang thịnh vượng Việt Nam Cộng Hoà. Người ta hay gọi những thành phần ưu tú đó là “Ăn cơm quốc gia mà thờ ma cộng sản”. Làn di dân đó chiếm rất nhiều thành phần ưu tú và có học, bên cạnh đó cũng có những người bình thường muốn tìm một miền đất đầy hứa hẹn khác. Có phải đây cũng là một lí do vì sao có Cộng Sản nằm vùng vì họ trà trộn vào trong làn sóng di dân đó? Vậy tại sao họ vẫn được tiếp nhận?
Trong khi nếu người miền Nam Việt Nam bình thuờng nào bước qua khỏi ranh giới đến đất Bắc Việt là bị bắn bỏ? Đó là 2 chữ Tự Do. Nếu hỏi bất cứ người miền Nam Việt Nam nào vào thời điểm đó so với người miền Bắc thì sẽ có 2 câu trả lời rất khác biệt. Người miền Nam thì sống trong một cuộc sống đầy đủ có gạo lúa để ăn, có chủ trương chính sách của chính phủ, không giàu nhưng cũng không đói rách ăn xin, con em có thể đi học những kỹ năng tân tiến của thế giới. Còn miền Bắc, họ được nhồi sọ là miền Nam cần được giải phóng vì quá nghèo đang bị đô hộ và nếu trai tráng, thanh thiếu niên không tham gia chiến dịch thì sẽ gia đình sẽ bị cắt lương thực.
Mẹ tôi kể khi quân “Giải Phóng” tràn vào năm ‘75, nhà Bà Ngoại tôi ở dưới Tiền Giang có mấy bình “ắc-qui” gắn với máy phát điện để đốt đèn cho sáng buổi tối, thì có lính Cộng Sản tụ tập một đám cũng khá đông đứng nhìn hoài vẫn không hiểu tại sao nó có thể làm cho bóng đèn sáng. Rồi Mẹ cũng kể có bà con của người bạn từ Bắc vô sau giải phóng mang theo chén đá gói trong thùng để tặng vì nghe dân miền Nam đói khổ ăn cơm bằng gáo dừa. Trong buổi ăn thì gia đình bạn Mẹ tôi đem chén sành chén kiểu ra để đón tiếp, sau bữa ăn thì gia đình đó mới hỏi có cái gì trong thùng sao không mở ra để đó chi. Lúc đó người bạn mới nói là nghe tuyên truyền trong này đói khổ lắm, nên muốn đem vô tặng.
Khi tôi còn nhỏ đi học ở bên Việt Nam, tôi được dạy về những vẻ vang, những người anh hùng của Cách Mạng, tôi cũng có niềm tự hào là người Việt Nam mình đánh đuổi một đế quốc Mỹ xăm lăng. Và khi qua đến bên Mỹ, tôi nghe về cờ vàng ba sọc đỏ và thấy làm lạ là tại sao những người này họ lại hô hào “chống Cộng”, vẫn khư khư giữ những quá khứ đau buồn. Đến khi Bố Mẹ tôi kể những câu chuyện về một đất nước Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa, Tôi bắt đầu nổi máu tò mò tìm kiếm những thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi nhận ra là tại sao những gì Tôi tìm được từ lịch sử trong sách của Mỹ lại khác với những gì mình đã học trong sách giáo khoa? Thật ra vì thiếu viện trợ và chính trị nên mới có một cái kết của ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bố tôi hay nói, “Lính Việt Nam Cộng Hoà năm xưa cũng dữ dằn không thua kém ai chứ không phải giỡn chơi.” Giờ Tôi mới hiểu cái câu, “Thắng làm vua, thua làm giặc.” Người thắng có thể sửa đổi lịch sử, viết theo những gì họ muốn viết.
Khi lớn hơn xíu nữa, Tôi bắt đầu nghe “nhạc Vàng”
vì lời bài hát có ý nghĩa, không chỉ nói về tình yêu, mà nói về đất
nước, thiên nhiên, tình thương nhân loại; không như những bài hát trẻ
bây giờ chỉ nói về khoe của, trai gái, chia tay vì những lý do nhảm nhí,
đến điệu nhạc còn đạo từ nước ngoài. Tôi năm nay 29 tuổi, đã từng sống ở
hai đất nước, phục vụ cho Hải Quân Hoa Kỳ từ 18-24 tuổi, từng đi đây đi
đó thấy và học được nhiều điều. Có những bạn trẻ ở đất Việt sẽ nghĩ tôi
là phản động, mất gốc vì có những suy nghĩ chống lại chế độ hiện tại.
Nhưng không phải trên tất cả những tờ tiền, giấy văn bản có dòng chữ:
“Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc”, vậy
có thực sự là Tự Do hay không khi mà bạn không dám nói lên sự thật hoặc
chỉ là một ý trái chiều nhằm đóng góp? Thậm chí Bố Mẹ tôi còn nói rằng
lúc còn ở Việt Nam, không muốn nói nhiều về lịch sử năm xưa vì sợ chủ
trương “Con tố Cha, Vợ tố Chồng” của một đất nước Tự Do như Việt Nam.
Độc Lập? Hạnh Phúc? Những tin tức gần đây có cho thấy là đất nước Việt
Nam sau bao nhiêu năm giải phóng đó có Độc Lập không? Có Hạnh Phúc
không? Hay là đi lùi với thời đại vì những năm tháng bị che mắt, bịt
tai? Thay vì lắng nghe và tìm hiểu thêm về sự thật, tại sao lại đi cắn
lại những người muốn tốt hơn cho quê hương? À, tôi quên rằng ở Việt Nam
không có cái gọi là Tự Do và Nhân Quyền. Mà cho dù người dân có biết
cũng đâu làm được gì, đâu có quyền tự do ngôn luận và tự do súng đạn như
bên Mỹ. Và giờ tôi cũng nhận ra là tại sao Luật Hiến Pháp Mỹ được viết
gần 250 năm trước có 2 điều luật này đứng đầu tiên.
Tôi viết lên những điều này không phải vì tôi căm thù người dân miền Bắc, những người lính cộng sản vì họ cũng là con người, sinh ra và lớn lên như mọi người khác, cũng có Mẹ và Cha, cũng có một gia đình. Nhưng vì thiếu kiến thức, thông tin, và đặc biệt hơn nữa là họ bị ép buộc bởi những tham vọng của một số ít người nắm quyền nên họ phải làm theo. Tôi được dịp may đóng quân bên Nhật khi còn phục vụ Hải Quân Hoa Kỳ, và nhờ đó có cơ hội về thăm Việt Nam cũng không ít lần. Đã bao nhiêu lần Tôi gặp những người xích lô, honda ôm, bơm bánh xe là cựu chiến binh VNCH và kể cả thương binh liệt sỹ lính Cộng Sản? Đã bao nhiêu lần tôi nghe về chuyện những Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng bị chính quyền phớt lờ? Bạn tôi học Đại Học ra với ngành kiến trúc xây dựng, có kinh nghiệm vài năm vì đã từng làm trong một công ty xây dựng nho nhỏ, nhưng vì không quen biết, làm lương trung bình cũng chỉ vài triệu, sống tàn tàn. Khi bạn tôi đi xin ở những nơi khác cho dù với kinh nghiệm và bằng cấp cũng không thể kiếm được một nơi tốt hơn. Ở đất Sài Gòn, nhiêu đó không ăn nhằm gì hết chỉ đủ tiền cho chi tiêu, không dư bao nhiêu. Quan tham thì có tiền xây biệt thự, cho con cái đi du học rồi tới già cũng kiếm đường đi nước ngoài hưởng trên đồng tiền xương máu của dân. Trong khi đó thì tỉ lệ người nghèo rất đông, sống trong khu ổ chuột của vùng ven Sài Gòn.
Nếu như ai đó nói với tôi là Việt Nam đâu phải như vậy, tân tiến, đã đổi mới và sạch sẽ nhiều hơn xưa. Xin trả lời là những cái bạn thấy, đã đến tận hưởng là dành cho những người có tiền và dân du lịch. Tôi đã đi qua những nơi sang trọng đó và tôi cũng đã đến những nơi sống của 80-90% dân số còn lại và cũng biết phần nào về cuộc sống của họ. Biết bao nhiêu người ăn xin ở trên những con đường của Sài Gòn? Biết bao nhiêu cô làm gái đứng đường, hoặc gái cao cấp vì xã hội và nhân phẩm càng ngày càng xuống cấp?
Biết bao nhiêu đứa trẻ lang thang bán vé số dạo, ăn xin có tổ
chức vì không ai lo cho ăn cho học đến nơi đến chốn? Đừng thấy những
đoạn phim, mẩu thông tin được chỉnh sửa với nội dung được sắp đặt sẵn mà
đánh giá một điều gì. Tự mình tìm câu trả lời cho mình, đừng để người
khác truyền nhiễm. Mình có thể yêu quê hương, yêu đồng bào nhưng không
nhất thiết đồng ý với chính quyền khi họ sai. Đừng bao giờ nhầm lẫn hai
điều này, đó mới gọi là yêu tổ quốc và dân tộc.
Và tất cả làm Tôi suy nghĩ, nếu như, chỉ là nếu như thôi... Bây giờ còn một chế độ VNCH thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Bây giờ Việt Nam đã rất tồi tệ rồi, chẳng lẽ nó có thể tồi tệ hơn được nữa? Tôi cũng không biết nữa, và tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ biết được. Nhưng mỗi khi nghe Bố và Mẹ tôi kể về cuộc sống VNCH hơn 40 năm về trước, Tôi luôn luôn cảm nhận được một niềm kiêu hãnh qua ánh mắt và giọng nói của họ.
Và trong bài hát, đây là điệp khúc riêng tôi thấy hay nhất:
”Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Nằm nghe tiếng hát đu đưa.
Dìu anh trong giấc ngủ.
Ôi tiếng ru ru ngọt ngào.
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời.“
Những
lời thơ như những tiếng ru đưa người nghe vào một giấc mơ được trở về
quê hương thật sự của mình, có tình yêu của Mẹ, trên mảnh đất quê cha
đất tổ của những người con xa xứ.
Tất cả mọi chuyện đã xảy ra, đang
xảy ra ở Việt Nam làm tôi nhớ đến câu chuyện tôi học qua trong college
“Allegory of the Cave” hoặc “Plato’s Cave” tạm dịch là Câu Chuyện Của
Cái Hang được viết bởi nhà triết lý học nổi tiếng Plato hơn 2000 năm
trước. Hai chữ Tự Do nghe rất đơn giản, nhưng không phải dễ dàng để có.
“Knowledge is power. To divide and conquer, take away people’s knowledge.”
Lê Minh Nguyên
07/08/2018.
Nguồn: https://vietbao.com
No comments:
Post a Comment