Năm 1967, tôi giữ chức
vụ Phó Quận Trưởng quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Quận đường tọa lạc trên một
đồi cao ở vùng Cầu Hai, thuộc xã Lộc Trì. Quận được phòng thủ như một tiền đồn,
với nhiều hàng rào kẽm gai bao bọc chung quanh, bốn góc có bốn tháp canh với
súng đại liên.
Hôm nay là một trong
những ngày cuối tháng 12 năm 1967. Buổi chiều, trời mưa lạnh, nên quang cảnh
trong sân quận thật vắng lặng.
Bỗng nghe lao xao từ
phía dãy nhà của Chi Cảnh Sát Quốc Gia. Tôi lững thững đi đến đó, xem có chuyện
gì vậy. Tôi vừa đến nơi, một cảnh sát viên dẫn một người lính Mỹ đến gặp tôi.
Anh cảnh sát ấy nói: “Thưa ông Phó, toán lính Mỹ này dẫn vào đây hai cha con,
đang đứng đằng kia, họ nói trong khi họ đi hành quân vùng chân núi Bạch Mã, họ
bắt gặp hai cha con này đang lãng vãng ở vùng vắng vẻ đó, nên họ bắt đưa về
quận, để quận xét xử.”
Tôi hỏi anh cảnh sát:
“Họ có giấy tờ gì về việc giải giao này không, hoặc tang vật như súng ống, lựu
đạn gì không?”
Anh cảnh sát trả lời:
“Thưa không có gì hết, việc này sẽ gây khó khăn cho chúng ta khi lập hồ sơ an
ninh.”
Anh cảnh sát nói tiếp:
“Hôm nay Trung Tá Quận Trưởng đi vắng, Đái uý Trưởng Chi Cảnh Sát cũng không có
mặt ở quận, ông Phó là giới chức duy nhất phải giải quyết việc này, hoặc tạm
giam, hoặc thả họ ra, vì không đủ yếu tố giam giữ.”
Tôi đi đến gần hai cha
con, người cha thì gầy yếu, cô bé khoảng 13, 14 tuổi gì đó, cũng ốm o đến tội
nghiệp. Khi tôi đến trước mặt họ, người cha ngước cặp mắt thất thần, uể oải
nhìn tôi với vẻ cầu khẩn. Tôi nhìn qua cô bé, tôi cũng bắt gặp cặp mắt buồn bã,
thất vọng, cặp mắt như thiết tha van xin - ngụ ý họ là lương dân vô tội.
Trong lúc làm việc, khi
gặp một vấn đề khó khăn, tôi thường cầu xin Ơn Trên cho tôi sáng suốt, để tôi
giải quyết công việc một cách đúng đắn và hợp tình, hợp lý. Một ý tưởng nhẹ
nhàng vang lên trong tiềm thức của tôi: “Con hãy lắng nghe tiếng lương tâm của
con.”
Viên sảnh sát đứng bên
tôi chờ lệnh. Ông già và đứa bé gái ngước mắt nhìn tôi cầu khẩn. Tôi nghĩ rằng,
chỉ một lệnh của tôi ban ra: “Nhốt” là họ có thể quỵ sụp xuống tại chỗ.
Tôi nói với anh cảnh
sát: “Không đủ yếu tố để giam giữ, vậy chúng ta thả họ ra.”
Khi tôi vừa dứt câu nói,
tôi thấy ông già và cô bé vui mừng như vừa chết đi sống lại. Tôi vội vã đi về
phòng của tôi.
Hằng ngày, biết bao công
việc hành chánh tôi phải giải quyết. Nhiệm vụ của một Phó Quận cứ cuốn hút cuộc
sống của tôi. Ngày tháng cứ qua đi. Câu chuyện “Ông già và đứa con gái nhỏ” đã
đi vào quên lãng.
Sau 30 tháng Tư năm
1975, tôi cũng như các công chức, quân nhân Việt Nam Cộng Hoà khác, đều bị bắt
đi tù cải tạo. Tôi bị nhốt qua một vài trại ở miền Tây, cho đến năm 1977 họ
chuyển tôi về trại cải tạo Bình Điền, thuộc vùng Thừa Thiên.
Một hôm, tôi được gọi
lên văn phòng trại làm việc. (Gọi lên làm việc là chuyện bình thường đối với
trại viên, thỉnh thoảng họ vẫn gọi lên, hỏi năm ba câu gì đó về những điều họ
còn nghi ngờ.)
Tôi được dẫn vào một
phòng trống trong văn phòng trại, họ bảo tôi ngồi đó chờ.
Một lát sau, một cô gái
bước vào, cô ta mặc đồ Công An, đeo quân hàm Đại uý. Cô ta hoàn toàn xa lạ đối
với tôi. Im lặng một chút, rồi cô ta hỏi tôi: "Ông có phải là ông Phó Uyển
không?"
Tôi nghe lạnh cả xương sống. Tôi dửng dưng trả lời: "Dạ phải!"
Thôi rồi, cô công an này đi tầm thù chăng? Không biết lúc làm việc, tôi đã làm
gì gây oán thù với cô này vậy? Đang miên man suy nghĩ, bỗng cô ấy lạnh lùng nói
với tôi: "Ông hãy nhìn tôi, ông có biết tôi là ai không?" Tôi trả lời
nhát gừng: "Tôi không biết!"
Cô ta lại nói: "Ông nhìn kỹ xem, ông có nhận ra tôi là ai không?"
Tôi không còn sợ gì nữa, tôi đã hết kiên nhẫn, tôi xẵng giọng: "Tôi đã
nói là tôi không biết cô là ai."
Cô gái vẫn bình tĩnh nói: "Ông không nhận ra tôi là phải, vì ngày tôi
gặp ông ở quận Phú Lộc, đến nay đã trên 10 năm rồi, ngày ấy tôi chỉ là một cô
bé 14 tuổi, gầy yếu."
Giọng cô ta trầm trầm, nói tiếp: "Tôi nhớ rất rõ, buổi chiều hôm ấy
mưa rét, cha con tôi bị một toán lính Mỹ bắt ở chân núi Bạch Mã, họ giải giao
chúng tôi cho quận Phú Lộc. Lúc đó ông là người thẩm quyền duy nhất trong quận,
có thể ra lệnh bắt giam chúng tôi hoặc thả cha con chúng tôi ra. Chúng tôi quá
đau khổ tuyệt vọng như người đã chết. Tôi rùng mình nghĩ rằng, nếu cha con tôi
bị giam giữ ở quận, có thể chúng tôi sẽ bị tra tấn đến kiệt sức, và chúng tôi
không sống nổi. Tôi quá sợ hãi không thể đứng vững được, tôi phải ôm lấy tay
của cha tôi.
Khi nghe viên cảnh sát nói: "Tùy ông Phó quyết định" tôi mới dám
ngẩng đầu lên nhìn người mà viên cảnh sát gọi là ông Phó. Tôi ngạc nhiên vì ông
Phó gì mà trẻ quá, thư sinh như một cậu học trò, hơn là một giới chức đang có
quyền quyết định sự sống, chết của cha con tôi.
Dù quá đau khổ, tuyệt vọng, cha con tôi vẫn nghe ông Phó ra lệnh cho viên
cảnh sát: "Thả họ ra." Chúng tôi như chết đi sống lại. Sau khi được
mở còng, cha con tôi vội vã rời quận, mà không kịp có một lời cám ơn gởi đến
ông. Điều này đã làm cho cha con tôi ân hận suốt bao nhiêu năm tháng.
Khi được tha về, cha tôi đã ân cần dặn dò tôi, bất cứ giá nào, dù hoàn cảnh
nào, cha con mình cũng phải tìm cách đền đáp ơn cứu tử mà ông Phó đã ban cho
cha con mình.
Sau 30 tháng 4, 1975, hoàn cảnh như đã đến với cha con tôi. Cha tôi nói,
giới chức như ông Phó thì thế nào cũng phải đi học tập cải tạo. Chúng tôi đi
tìm một ông thiếu tá, hay trung tá nào đó, thì khó; chứ tìm một người như ông
Phó có lẽ dễ thôi!
Chúng tôi biết, trước 30 tháng tư 1975, ông làm việc ở Cần Thơ. Nên cha con
tôi đã đến các trại cải tạo ở vùng đó để tìm ông. khi đến trại cải tạo Cù Lao
Dung ở Sóc Trăng, họ cho biết họ đã chuyển ông về trại Bình Điền , vùng Thừa
Thiên, vì họ xem lý lịch của ông, họ biết, có một thời gian dài ông làm ở đó.
Cha tôi sẽ rất vui mừng khi biết tôi đã tìm được ông. Có lẽ cha tôi sẽ đến
thăm ông nay mai.
Quá ngạc nhiên với câu chuyện mà cô công an vừa kể, tôi ngước nhìn cô ta.
Cô ấy còn rất trẻ, khoảng 24, 25 tuổi, trên cổ áo cô mang quân hàm đại úy.
Cô ấy lại ân cần nói với tôi: "Cho tôi biết ông có cần gì không?"
Tôi lạnh lùng trả lời: “Tôi không cần gì hết. Từ mấy năm nay, tôi không được
biết vợ con tôi còn sống hay đã chết, tôi nghĩ là vợ con tôi đã gặp chuyện
chẳng lành. Tôi không muốn sống nữa."
Tôi đứng dậy và nói với cô ta: "Nếu cô không còn gì muốn hỏi tôi nữa,
hãy để tôi đi về phòng."
Khoảng ba tuần lễ sau, tôi lại được gọi lên văn phòng trại, nói là có người
thăm nuôi. Tôi không tin vào điều mà tôi vừa nghe, vì tôi còn ai thân thiết nữa
đâu mà đến thăm tôi: cha mẹ tôi đã qua đời, vợ con tôi thất lạc nơi đâu, còn
sống hay đã chết cả rồi...
Nhưng viên công an trực còn lưu ý tôi là phải ăn mặc sạch sẽ để ra gặp thân
nhân. Tôi được dẫn ra nhà thăm nuôi. Hôm nay không phải là ngày được thăm nuôi,
nên nhà thăm nuôi rất vắng vẻ. Nhìn xa xa, tôi thấy lố nhố vài người, có mấy
đứa nhỏ nữa. Tôi đi vội đến.
Thật quá bất ngờ: đây là vợ tôi, đây là các con của tôi. Tôi rung động như
đang sống trong mơ. Tôi ôm vợ tôi, ôm các con tôi vào lòng. Tôi sung sướng quá,
sướt mướt khóc, vợ tôi cũng khóc, các con tôi không biết chuyện gì đang xảy ra,
cũng khóc. Gia đình tôi đang ngập tràn trong hạnh phúc được gặp nhau, dù chỉ
trong chốc lát.
Tôi ngạc nhiên, sao lại có cô đại úy công an đứng ở đấy. Nhưng ngay lúc ấy,
nhà tôi chỉ cô đại úy công an và nói : "Anh ơi, cô Thảo đây là ân nhân của
vợ chồng mình đó. Cô đã tìm đến em ở Cần Thơ, rồi lo mọi thủ tục, giấy tờ cho
mẹ con em đi thăm anh đó. Anh hãy cảm ơn cô ấy."
Tôi nhìn cô công an, và nhã nhặn nói với cô ta: "Vợ chồng, cha con tôi
được gặp nhau hôm nay, thật quá hạnh phúc, chúng tôi đội ơn cô."
Cô đại úy công an nói với vợ chồng tôi: "Tôi đã sắp xếp để bà và các
con của ông đến gặp ông, đây chỉ là một việc nhỏ mọn. Công việc này so với ơn
cứu tử của ông dành cho cha con tôi năm xưa, thật khác xa một trời một vực. Cha
con tôi không biết bao giờ mới trả hết được.
Thưa ông, cha con chúng tôi nguyện sẽ làm tất cả những gì có thể làm được,
để giúp đỡ bà và các con của ông trong cuộc sống hằng ngày, ông hãy an tâm và
giữ gìn sức khỏe.
Một người có tấm lòng bác ái như ông, thế nào Ơn Trên cũng cho ông sớm trở
về đoàn tụ với gia đình."
Bửu Uyển
Tháng 12, 2018
Gieo nhân lành gặt quả tốt.
ReplyDeleteCám ơn anh tác giả Bửu Uyển đã gởi cho một câu chuyện nhân quả thật hay.
NPN
Cùng 1 cái nhân, ông Phó hưởng được quả lành, nhưng cả dân tộc lại nhận lại quả dữ
ReplyDelete