Friday, March 27, 2020

Coronavirus: Hệ Quả Lâu Dài - Vũ Linh


Bệnh dịch coronavirus chỉ mới ở giai đoạn đầu trong khi các chuyên gia cho rằng vi khuẩn này sẽ còn tấn công mạnh trong vài ba tháng tới là ít. Có thể sẽ suy giảm phần nào trong mùa hè nhưng rất có thể sẽ tấn công mạnh lại vào mùa thu khi mát trời hơn. Thiên hạ chỉ hy vọng trong những tháng tới, thế giới sẽ tìm ra cách trị vi khuẩn này.
Dù còn quá sớm, nhưng ngay bây giờ, qua các biện pháp mãnh liệt chống vi khuẩn, người ta đã nhận thấy vi khuẩn corona này sẽ thay đổi cả thế giới sau khi nó đã bị diệt.
      
Thay đổi như thế nào là đề tài tranh cãi bất tận hiện nay.
Vì dĩ nhiên chẳng ai đoán được tương lai hết. Nghề thầy bói hiện nay đã không còn kiếm ra tiền được nữa rồi. Dù vậy, diễn đàn này cũng muốn ‘thử lửa’, đoán mò xem thế giới này sẽ thay đổi như thế nào.

Tất nhiên, đi vào chi tiết thì hoàn toàn vô bổ vì sẽ chẳng ai đoán được cái gì hết, nhưng ta có thể có cái nhìn chung. Trong cái nhìn này thì tất cả các chuyên gia kinh tế, xã hội, chính trị đều nhìn nhận thế giới sẽ thay đổi rất nhiều sau khi vi khuẫn corona đã bị diệt. Thay đổi một cách quy mô, nghiêm trọng và lâu dài. Hơn xa đại nạn 9/11.

Corona không phải là vi khuẩn đầu tiên tấn công nhân loại, cũng không phải là vi khuẩn tai hại nhất, ít nhất là cho đến ngày hôm nay. Nhưng nhìn vào những biện pháp vĩ đại chưa từng thấy mà tất cả các nước trên thế giới đã lấy để cản vi khuẩn, một phần không nhỏ vì nhu cầu chính trị qua nhiều biện pháp có tính trấn an nhưng thực tế không hữu hiệu gì lắm, cũng như nhìn vào thái độ sợ hãi kinh hoàng của dân cả thế giới, thì ai cũng thấy con vi khuẩn này sẽ để lại dấu ấn khổng lồ và lâu dài trên thế giới này.

Sẽ thay đổi hết. Thay đổi tư duy, thay đổi lối sống, thay đổi nhân sinh quan một cách quy mô và toàn diện như chưa từng thấy. Tất cả mọi chuyện, kể cả những khái niệm đối nghịch mà thiên hạ đánh nhau chết bỏ như tư bản-cộng sản, giàu-nghèo, da trắng-da-đen-da vàng, công danh-tiền bạc,…  sẽ trở thành chuyện nhỏ hết, nhỏ hơn con vi khuẩn corona mà mắt trần không thể thấy được. Sẽ bắt các vị lãnh đạo thế giới, từ lãnh đạo chính trị đến lãnh đạo kinh tế, xã hội, tôn giáo, triết học,… phải đặt lại mọi vấn đề, tìm những hướng đi mới cho nhân loại.
Trước hết là chuyện thế giới sẽ nhìn dân Á Đông bằng con mắt khác.

Trước đây, thế giới nhìn dân Á Đông qua người Nhật, thường nghĩ người Á Đông là thông minh, cần mẫn, kỷ luật, sạch sẽ, có danh dự, triết lý cao và lối sống tốt. Hàng hoá do các xứ Á Châu sản xuất vừa rẻ, vừa tốt, vừa bền, tiêu biểu bởi xe Nhật, máy móc điện tử Hàn Quốc,… Thế giới nghiên cứu rất kỹ những mô thức phát triển của các nước ‘cọp con’, ‘rồng con’ từ Tân Gia Ba đến Đài Loan tới Nam Hàn, chưa kể Nhật đã là gương sáng cho cả thế giới từ sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, để làm bài học phát triển kinh tế và phát minh khoa học. Đại khái phần lớn là những đức tính tốt đáng nể.

Bây giờ, sau cả loạt bệnh dịch xuất phát từ Trung Cộng, từ cúm heo, cúm gà đến cúm dơi,  thế giới nhìn dân Á Đông qua những hình ảnh khác hẳn. Dân Á Đông bây giờ đã trở thành những người tuy vẫn thông minh nhưng láu cá chứ không khôn, không còn đáng tin cậy nữa vì chuyên nói láo, chuyên làm hàng nhái, hàng giả, rẻ tiền mà vô giá trị, ăn uống bậy bạ, dơ bẩn, suốt ngày khạc nhổ tứ tung, những khái niệm cơ bản về vệ sinh hoàn toàn không có, đẻ ra đủ loại bệnh mới. Đại khái phần lớn là những đặc điểm không tốt, đáng coi thường.

Sau corona, dân Âu Mỹ nhìn người da vàng Á Châu nói chung với con mắt hoàn toàn khác. Thậm chí, đáng sợ nữa. Nẩy ra tệ nạn mới là nghi kỵ hay sợ dân da vàng, Tầu hay không.

Ở đây, kẻ này xin lưu ý những dân tỵ nạn muốn gọi vi khuẩn corona là vi khuẩn Tầu hay vi khuẩn Vũ Hán. TT Trump gọi là “chinese virus” để phản bác xuyên tạc của TC cho rằng lính Mỹ đã mang corona vào Tầu. Người Mỹ da trắng hay da đen hay da nâu gọi như vậy không sao, mà lại chính xác về xuất xứ. Nhưng người Việt ta thì khác. Tuy thỏa mãn được tính thù ghét Tầu hay Trung Cộng của dân Việt ta, nhưng sẽ có cái hại lớn là củng cố trong đầu óc dân Âu Mỹ cái tính nghi kỵ hay sợ, muốn tránh né dân Tầu, mà người Việt chúng ta cũng sẽ là nạn nhân vì dân Âu Mỹ không có cách nào phân biệt được dân Tầu với dân Việt khi gặp ngoài đường. Dân Việt tỵ nạn và nhất là con cháu sẽ là nạn nhân của nghi kỵ và sợ hãi, từ ngoài đường đến sở làm đến trường học. Kẻ này sẽ không dùng cách gọi này, và kêu gọi quý độc giả nên thận trọng trong các phát ngôn bài bác dân Tầu.
Khó ai có thể chối cãi những thói hư tật xấu của dân Tầu ngày nay là kết quả rõ nét nhất của các kế hoạch ‘trăm năm trồng người’ của các chế độ ‘đỉnh cao’ cộng sản Á Châu, từ TC đến đám con cháu Việt Cộng và Hàn Cộng.

Dưới một khiá cạnh khác, chính trị, thì mộng bá quyền của các lãnh tụ CSTC sẽ gặp trở ngại vĩ đại. Các chương trình, kế hoạch bành trướng ảnh hưởng chính trị qua các chính sách kinh tế và mậu dịch đã từng thành công lớn từ mấy thập niên qua, sẽ bị khựng lại khi các quốc gia đang phát triển trên thế giới, nhất là Phi Châu và Nam Mỹ, bắt đầu nhìn thấy mối nguy cụ thể của TC và đâm ra dè dặt hơn.

Nhìn vào kinh nghiệm của Ý thì ai cũng phải sợ. Dân số Mỹ lớn gấp 5 lần dân số Ý, nhưng số ca nhiễm corona ở Ý lớn gấp 4 lần ở Mỹ, số tử vong lớn hơn 20 lần. Ý là xứ Tây Âu có thiện cảm với TC nhất, và có chính sách kinh tế cởi mở nhất đối với TC. Ý mở toang cửa cho doanh nghiệp TC vào, mang theo cả vạn doanh gia, nhân công và chuyên gia, cũng như sinh viên vào đất Ý. Tính theo tỷ lệ, Ý có nhiều dân Tầu nhất trong Âu Châu. Chính sách này đã giúp Ý như thế nào trên phương diện phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm thì chưa biết rõ, nhưng cái mà cả thế giới đang thấy là Ý đã là ổ lớn nhất của vi khuẩn corona trên thế giới ngoài TC vì cả vạn dân Tầu ở Ý về quê ăn Tết, mang theo về Ý cả tỷ vi khuẩn corona cũng như không biết bao nhiêu vi khuẩn khác. Đại đa số dân Tầu sống và làm việc trong vùng kỹ nghệ bắc Ý, khu tam giác Milan-Florence-Venice, cũng là vùng bị corona đánh mạnh nhất.

Cả thế giới sẽ có cái nhìn khác về hàng hoá xuất phát từ TC. Hàng hóa Tầu, thực phẩm Tầu,…  tất cả bây giờ đã thành những mối nguy lớn đe dọa cả thế giới. Các món ăn Tầu từ ngon nhất đã trở thành nguy hại nhất. Dịch vụ nhà hàng ăn Tầu, là khu vực kinh doanh lớn nhất của các ‘chinatown’ trên khắp thế giới, sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Các hàng phát minh từ Âu Mỹ nhưng sản xuất tại TC, các hàng nhái, hàng giả TC, cả thực phẩm, đồ ăn nước uống, thuốc lang thuốc tễ, ngay cả thuốc Âu Mỹ chế xuất tại TC,… tất cả đều sẽ bị thiên hạ nhìn dưới con mắt khác, dè dặt hơn nếu không muốn nói là sợ hãi hơn. Ngay từ khi tranh cử năm 2016, ông Trump đã cảnh giác cả nước về mối nguy nước Mỹ nhập cảng quá nhiều hàng hóa từ TC, tức là lệ thuộc quá nhiều vào một nước không phải là đồng minh thân thiện hay đáng tin cậy gì. Cán cân mậu dịch Mỹ-TC bị thâm thủng leo thang không ngừng tới xấp xỉ 500 tỷ đô một năm mà vẫn không ai nghĩ đến mối nguy lâu dài hết. Một tai hại đến mức cả Đấng Tiên Tri cũng mù tịt không tiên đoán được, khi ông khoanh tay ngồi nhìn, lại còn khuyên dân Mỹ đó là “thực tế của thời đại, những công việc trong ngành sản xuất sẽ không bao giờ trở lại, nhân công Mỹ nên đi học nghề khác”.

Trong tình trạng corona tấn công hiện nay, vô hình chung có thể sách lược của TT Trump tăng thuế quan hàng nhập cảng từ TC vào Mỹ sẽ không cần thiết nữa vì cả thế giới sẽ tự động tránh né bớt hàng Tầu.

Các công ty thì chỉ nhìn thấy mối lợi lớn cuối năm khi tung ra sách lược ‘gia công’ -outsourcing- tức là đóng cửa hãng xưởng ở Mỹ để trao việc sản xuất, lắp ráp cho các xứ chậm tiến mà chi phí lao động rẻ hơn như TC, Ấn Độ và các xứ Đông Nam Á. Ít ai tin vào mối nguy gia công, coi như chuyện buôn bán bình thường thôi. Bây giờ dịch corona đưa ra ánh sáng cái tai hại vĩ đại của sách lược gia công Mỹ hoàn toàn lệ thuộc TC về việc sản xuất đủ loại sản phẩm, nhất là thuốc dù là do Mỹ sáng chế.
Các chính khách Mỹ thì phần lớn bị TC nhét tiền vào miệng, tiêu biểu là Al Gore và vợ chồng Clinton, nên á khẩu hết.

Sau cơn dịch này, các nhà làm chính sách Mỹ sẽ phải bóp trán tìm cách thoát khỏi cái vòng lệ thuộc này. Lãnh đạo chính trị Mỹ, tức là tổng thống và quốc hội nếu còn lương tâm không bị đồng tiền Tầu bịt miệng che mắt, sẽ cần phải nghĩ đến một giải pháp lâu dài nào đó. Một thử thách lớn cho Mỹ trong tương lai.

Nếu muốn nhìn vấn đề dưới con mắt tích cực hơn, thì vi khuẩn corona chính là một thứ ‘cứu tinh’ cho cả thế giới có dịp nhìn thấy và chặn đứng hiểm họa Tầu cộng đang dùng chiêu trò gọi là ‘diễn biến hòa bình ma-dzê in China’, lẳng lặng xâm chiếm cả thế giới, từ Mỹ đến Tây Âu, Phi Châu và Nam Mỹ. Corona cuối cùng đã hiệu quả gấp vạn lần cuốn sách Death By China của ông Navarro mà ít người chịu đọc.

Biết đâu đây cũng là dịp để dân Tầu nói chung thay đổi lối sống, bớt ăn bậy, ở dơ, bớt mánh mung bịp bợm? Như chính quyền TC mới ra lệnh cấm ăn và mua bán thịt dã thú. Âu cũng là chuyện tốt thôi.
Một hệ quả khổng lồ khác là việc corona đã giết giấc mộng đẹp lớn nhất của khối thiên tả trên khắp thế giới: thế giới đại đồng toàn cầu hóa đã thành ác mộng lớn nhất của cả nhân loại.

Globalization nếu chưa chết ngắc hẳn thì cũng coi như đang hấp hối trên giường bệnh. Hay ít nhất thì cũng đang nằm trên bàn mổ để các triết gia và chính trị gia mổ xẻ, nghiên cứu lại. Việc bệnh dịch lan tràn mau chóng trên thế giới chẳng qua đã là hậu quả rõ rệt nhất của chính sách toàn cầu hóa, phản ảnh bởi việc mở toang cửa biên giới kinh tế như trường hợp của Ý, cho dân chúng và hàng hoá tự do lưu thông trên khắp thế giới, chưa kể đến những phó sản kiểu như những cái gọi là ‘giao lưu văn hóa’ cũng sẽ cuốn theo chiều gió corona hết.

Những liên minh không biên giới theo mô thức của Liên Âu sẽ bị đặt lại vấn đề một cách quy mô nếu không muốn nói là xóa bỏ. Nước Anh với chính sách Brexit có thể là mô thức mới, sau mô thức ‘America First’ của TT Trump. Liên Âu chưa tan vỡ nhưng các trạm biên giới Âu Châu đã được tái lập lại để kiểm soát dân đi qua lại.

Về phiá nước Mỹ, vi khuẩn corona sẽ có dấu ấn không nhỏ, phần lớn có thể nói có hại cho khuynh hướng thiên tả của đảng DC hơn.
Một cách cụ thể là các chính sách của TT Trump đã mạc nhiên được vi khuẩn corona gián tiếp giúp sức rất mạnh.
Thứ nhất, chính sách chống toàn cầu hóa của TT Trump dường như đã được xác nhận là chính sách cần phải được nhìn lại với con mắt thực tế là có thể đã là chính sách đúng chứ không mang tính phản văn minh, phản tiến hoá như phe thiên tả đã tố giác. Ở đây, người ta có thể đặt câu hỏi chính sách tương đối cô lập đó của TT Trump, đi ngược lại khuynh hướng toàn cầu hoá, có phải đã mang tính ‘viễn kiến’, nhìn thấy những hệ quả bất lợi cho nước Mỹ và cả thế giới trong tương lai xa không?

Thứ nhì, những cố gắng cản sự bành trướng của ảnh hưởng của Trung Cộng, ảnh hưởng chính trị cũng như ảnh hưởng ‘tàng hình’ kinh tế, thương mại của TC, điển hình là việc ngăn cản bớt xâm lăng của hàng hóa tai hại của Tầu vào Mỹ đã được vi khuẩn corona vô hình chung xác nhận là việc cần phải làm hơn bao giờ hết. Sau dịch corona, sẽ có không ít công ty Mỹ cứu xét lại việc gia công qua TC để mở lại hãng xưởng ở Mỹ.

Thứ ba, tuy đảng DC và đồng minh TTDC không dám hó hé bàn tới vì chuyện ‘phải đạo chính trị’, nhưng ai cũng thấy chính sách mở toang cửa biên giới cho di dân tứ xứ vào Mỹ coi bộ ngày càng bớt ăn khách. Vi khuẩn corona đã gióng tiếng chuông báo động lớn về mối nguy của một quốc gia không biên giới. Để rồi chính sách thắng bớt di dân, bất kể lậu hay hợp pháp, sẽ có được hậu thuẫn nhiều hơn trong quần chúng Mỹ. TT Trump sẽ có dịp cổ võ mạnh hơn và có tính thuyết phục hơn chính sách giới hạn di dân của ông.
Kinh tế và đời sống kinh doanh Mỹ cũng sẽ thay đổi từ trong ra ngoài.

Việc đi chợ búa mua hàng sẽ là nạn nhân đầu tiên và lớn nhất. Trong thời gian qua, dịch vụ mua hàng qua trang mạng đã nẩy sinh ra nhờ sáng kiến của Jeff Bezos, qua công ty bán hàng qua trang mạng Amazon. Ông này mới đây đã mua chuỗi cửa tiệm bán thực phẩm Whole Foods. Có thể nói quyết định của ông như là trúng số: không thể nào đúng thời điểm hơn. Trong thời gian tới, với dịch corona đe dọa khắp nơi, rất nhiều người sẽ ngồi nhà đặt mua thực phẩm trên mạng, giao đến tận nhà. Với phương tiện đã có sẵn cũng như kinh nghiệm từ lâu, cũng như sự tiếp tay hù dọa của Washington Post của ông, Bezos, người giàu nhất thế giới sẽ giàu thêm tới cả chục lần nữa. Amazon mới thông báo cần tuyển thêm cỡ 100.000 nhân viên mới. Các siêu thị lớn như WalMart, Target, Kroger, Publix, HEB,… sẽ phải sửa sách lược, chạy theo việc bán hàng qua mạng hết. Các nhà hàng ăn với drive-in, to go,… sẽ nở rộ, bớt được cái nạn cuối tuần đi ăn tiệm phải chờ cả tiếng đồng hồ như đi ăn xin.

Trang mạng internet cũng sẽ thay đổi cấu trúc lao động và cả nền tảng gia đình luôn. Hàng loạt việc văn phòng có thể được thực hiện tại gia, không cần đi đến sở làm, khỏi lo chuyện kẹt xe tốn hao xăng nhớt và thời giờ của thiên hạ. Lại còn giúp bố mẹ vừa đi làm vừa chu toàn được các trách nhiệm gia đình với con cái, nhất là các gia đình trẻ. Thiên hạ bớt đi lang thang shopping để dành thời giờ đi ra biển hay đi công viên, hay ngồi ôm computers ở nhà.
Hiện nay, đã có nhiều công ty cho phép nhân viên làm tại gia hoặc toàn thời, hoặc bán thời, nhưng trong tương lai cách này sẽ được phổ biến mạnh, tuy chưa ai biết rõ sẽ có hậu quả cụ thể như thế nào trên năng xuất.

Ngay cả đến các trường học cũng sẽ phải nghiên cứu lại cách dạy dỗ khi học sinh và sinh viên đều có thể dễ dàng học và ngay cả thi cử tại gia qua computers, điện thoại gọi là thông minh.

Một việc mà dịch corona đã bắt buộc phải phát triển nhanh và mạnh là cái gọi là ‘telehealth’, tức là khám và chữa bệnh qua internet. Vì không phải là bác sĩ chuyên môn nên kẻ này không hiểu rõ chi tiết, nhưng đại khái, bệnh nhân có thể liên lạc với nhà thương và bác sĩ từ ngay tại nhà mà không cần phải đi đến phòng mạch hay nhà thương. Bác sĩ điện thoại cho tiệm thuốc, giao thuộc tận nhà bệnh nhân luôn. Việc này hiện nay cần thiết và đang được phát huy mạnh mẽ vì nhu cầu bảo vệ bác sĩ, y tá và cả những người bệnh khác.

Trong cơn hoảng loạn và tuyệt vọng, thiên hạ đổ xô tìm về đông y, hy vọng thuốc cụ Hoa Đà chế ra cách đây mấy ngàn năm hữu hiệu hơn thuốc khoa học gia của thế kỷ này phát minh. Thậm chí, các ‘thầy thuốc’ lang băm sanh ra như nấm, giới thiệu đủ thuốc loại ‘bí kíp gia truyền’.

Một yếu tố quan trọng là tôn giáo. Rất có thể khi gặp đại nạn mà con người bó tay, sẽ có rất nhiều người phải bám vào niềm tin tôn giáo lại, bất kể thiên chúa giáo hay phật giáo hay hồi giáo, hay ngay cả đạo thờ ông bà? Biết đâu các chuyện lên đồng lên bóng, hồn cô hồn cậu gì đó sẽ có giá lại?

Quan hệ gia đình, bằng hữu tự nhiên được quý trọng hơn. Họ hàng, bạn bè bây giờ có nhiều thời giờ liên lạc với nhau nhiều hơn qua emails, điện thoại, whatapps, facetime, viber,…
Cuối cùng, vấn đề thời sự đáng bàn là hậu quả gần: vi khuẩn corona sẽ ảnh hưởng như thế nào trên cuộc bầu cử tổng thống tới đây. Như đã có dịp bàn qua tuần rồi, yếu tố lớn là vi khuẩn corona sẽ còn tấn công Mỹ tới bao lâu.

Nếu còn hùng hổ đánh phá cho tới ngày bầu cử thì có nhiều, rất nhiều triển vọng dân Mỹ sẽ muốn đổi lãnh đạo để thử nghiệm cách chống vi khuẩn mới. Đó là tâm lý chính trị tiêu biểu của dân Mỹ. Dân Mỹ luôn luôn sẵn sàng xoá bỏ hết để làm lại nếu thấy việc đang làm không có kết quả như mong đợi. Dân Mỹ là loại dân ‘liều mạng’ sẵn sàng thử lửa đủ kiểu. Như đã từng bác bỏ các chính trị gia chuyên nghiệp của thời Nixon để bầu cho ông ‘cố đạo’ trồng đậu phộng Jimmy Carter lên lãnh đạo. Hay bác bỏ các chế độ ‘gia đình trị muôn năm’ Clinton và Bush để thử lửa với một doanh gia chẳng kinh nghiệm chính trị gì là ông Trump.
Trước nguy cơ tàn phá của vi khuẩn corona nếu không kềm chế được, có thể dân Mỹ muốn đi tìm phương thuốc mới. Họ lý luận kiểu Trump đã không cản được corona thì cứ thử bác sĩ mới, đâu mất mát gì, đi tìm sự ổn định qua một cụ già tuy lẩm cẩm nhưng có vẻ nhiều kinh nghiệm vì đã lăn lộn trong chính trường gần nửa thế kỷ là cụ Biden? Mất 4 năm là cùng.

Nếu TT Trump bằng cách nào đó, thành công diệt được vi khuẩn corona sớm cũng như giảm thiểu được những tai hại mà corona để lại, thì ta sẽ thấy TT Trump hiên ngang ở lại Tòa Bạch Ốc và đi vào lịch sử như một trong những tổng thống vĩ đại nhất, mà không còn ai dám đặt vấn đề chính danh hay không, có thông đồng với xứ nào không nữa. Ngoại trừ trường hợp phe DC tố Trump thông đồng với TC tung corona ra để Trump tái đắc cử.
Cô Vy sẽ là động cơ quan trọng nhất khiến TT Trump sẽ phải bằng mọi giá, kể cả sửa đổi cái tính hung hãn quá mức của ông ta, tìm ra cách chặn đứng cô cũng như tìm cách giảm thiểu thiệt hại kinh tế, cho dù phải nhún nhường hợp tác với đối lập và TTDC.

Các chính sách của TT Trump như vừa nêu ở trên, từ chống toàn cầu hóa đến chống chính sách bành trướng của TC và đóng cửa biên giới cản di dân sẽ được tung hô như là những viên thuốc ngừa mà con bệnh Mỹ cần hơn bao giờ hết. Và cụ Biden sẽ đi vào lịch sử như chính khách nhiều kinh nghiệm nhất những cũng tệ nhất lịch sử Mỹ. Ba lần ra trận, ba lần đại bại.

Tin mừng cho TT Trump là ít người nghĩ vi khuẩn corona sẽ kéo dài tới lúc đó. Hiện nay, đang có cả trăm viện bào chế thuốc và cả chục ngàn bác sĩ khắp thế giới đang làm việc 24/24 để tìm thuốc trị, và theo tin mới nhất, đã có vài ba loại thuốc được khám phá ra rồi tuy chưa phổ biến ra được vì còn cần thử nghiệm.
Vi khuẩn corona cũng sẽ có hệ quả lớn và lâu dài trong chính trị Mỹ.

Những tư tưởng cực đoan có nhiều triển vọng bị gạt qua một bên. Bên CH luôn chủ trương một Nhà Nước càng nhỏ càng tốt, bây giờ lại thấy TT Trump và đảng CH cổ võ cho một sự can thiệp rộng lớn và mạnh tay nhất của Nhà Nước. Bên DC luôn chủ trương thế giới đại đồng vô biên giới dưới Nhà Nước Vú Em, bây giờ thì cũng phải chấp nhận đóng cửa biên giới, đưa tiền vào tay người dân chứ không còn trông cậy vào các quan văn phòng làm kế hoạch cho dân nữa. Phân hoá chính trị may ra sẽ giảm nhiều?


Để đối phó với mối nguy corona, chính phủ Mỹ, từ cấp liên bang đến tiểu bang, đã lấy nhiều quyết định mà nhiều người đã công kích là đi quá xa, trắng trợn vi phạm nhiều quyền tự do căn bản của dân Mỹ, như vi phạm Hiến Pháp, vi phạm quyền tự do đi lại, tự do hội họp, tự do kinh doanh của người dân, trong khi lại mang hơi hám của một chính sách kỳ thị hay bài ngoại, theo chủ thuyết quốc gia quá khích nhất.

Bỏ qua tính phe phái, những chỉ trích này không phải hoàn toàn vô giá trị. Nó đặt lại toàn diện nguyên tắc quyền hành của chính quyền có giới hạn hay không, xa tới đâu trong trường hợp khẩn trương, có mối nguy nào đó đe dọa an ninh hay an toàn cả nước trong cái thành đồng của tự do tuyệt đối này?
Tất cả những chuyển biến lớn trên đều là những tiến bộ tốt. Nhìn dưới khiá cạnh tích cực, vi khuẩn corona cũng có những hệ quả tốt, sẽ giúp cả thế giới học được kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với những bệnh dịch khác không thể tránh được trong tương lai. Đi xa hơn nữa, có thể xã hội và chính trị sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.


Một tiên đoán ‘vui’ để làm nhẹ bớt không khí: sẽ có rất nhiều bà … đập bầu cuối năm nay. Corona baby boomer!

Vũ Linh

1 comment:

  1. "Tái ông thất mã, an tri họa phúc", hy vọng lần này lại có dịp chứng minh, "bên cạnh cái 'họa' xấu vẫn luôn có cái 'phúc' tốt hiện diện."
    Lịch sử nước Mỹ có 2 lần "tổng thống 4 năm", đó là thời của ông Carter(DC) và của ông Bush cha(CH). Thế cũng đủ rồi, đừng mong có "tổng thống 4 năm" nữa; chứ 4 năm thì nhanh quá; một kế hoạch dành cho quốc gia, quan trọng hơn nữa là dành cho cả thế giới mà chỉ có 4 năm thì chẳng khác nào "giấc ngủ mùa hè" ban đêm chưa kịp ngủ thì trời đã sáng, làm sao có đủ thời gian mà "trả bài".
    Nhưng muốn được việc nhanh chóng thì TT Trump phải có thêm Hạ Viện và duy trì Thượng Viện như hiện nay thì mới hoàn tất được "America First".

    ReplyDelete