Cho tới nay mấy mí 70 nước có người dính
con Corona. Con Corona đã bay tuốt tận Nam Mỹ: Đã có người ở Mexico dính. Có
người ở Brasil dính… Con Corona chui vào mạng che mặt của người dân trong các
nước Hồi giáo: Ở Iran hơn 20 dân biểu nghị sỹ (kể cả thứ trưởng y tế dính). Tuần
trước đức giáo hoàng Phan-xi-cô hắc hơi, ho và toát mồ hôi khi hành lễ khiến
cho hơn tỷ con chiên khắp thế giới lo lắng. May mắn, tuần này đức giáo hoàng đã
thử và không dính Corona quỷ quái.
Cho đến nay Úc đã có chừng 40 người dính. Phần
lớn là du khách từ Diamond Princess được di tản về và mới đây là người Úc du lịch
từ Iran, Nhật Bản và Nam Hàn về. Số người mắc dịch khắp thế giới gần như chắc vượt
qua mức trăm ngàn người và số người thiệt mạng vì bị con vi khuẩn li ti này cắn
cũng vượt qua con số 3,000. Người Úc đầu tiên thiệt mạng vì COVID-19 là một cụ ông
78 tuổi. Cụ này dính vi khuẩn khi du lịch trên chiếc Diamond Princess, rồi được
di tản về Úc. Không may, cụ trút hơi thở cuối cùng trong một bệnh viện ở Perth,
Tây Úc. Báo tin người Úc đầu tiên thiệt mạng vì dịch COVID-19, bác sỹ trưởng
ngành y tế của tiểu bang Tây Úc, ông Andrew Robertson, khẳng định chuyện cụ ông
ra đi vì mắc COVID-19 không khiến cho nhân viên và bệnh nhân trong bệnh viện phải
lo sợ vì cụ ông đã được cô lập ngay từ khi bác sỹ xét thấy cụ ông bị nghi dính
COVID-19. Ngoài ra, một bác sỹ, 50 tuổi, làm việc tại bệnh viện Ryde, phía Bắc
thành phố Sydney tại tiểu bang NSW đã dính Corona. Bác sỹ này này chưa từng đi
Trung Cộng nên đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận ở Úc một con bệnh đã lây vi
khuẩn Corona sang một người khác.
Ngày nay, ổ dịch không còn ở bên trong
Trung Cộng nữa mà Nam Hàn, Nhật Bản, Ý và Iran đã lãnh những dấu đỏ tổ bố. Ở Nam
Hàn hơn 5 ngàn người mắc dịch. Ở Nhật Bản con số này đã lên đến hơn 300. Ở Ý đã
có hơn 2 ngàn rưởi. Và ở Iran hơn 2 ngàn. Trước tình trạng này, tổ chức Y Tế thế
giới (WNO) phải kéo lệnh báo động từ ‘cao, high” lên ‘rất cao, very hight’.
Nhưng WHO chưa đụng tới chữ ‘đại dịch, pandemic’. Dù WHO chưa tuyên bố COVID-19
là đại dịch, chính phủ Úc vẫn bật đèn xanh cho kế hoạch đối phó với đại dịch. Thời
sự hôm nay xin phép đọc tài liệu có tên là ‘Australian Health Sector Emergency
Response Plan for Novel Coronavirus (the COVID-19 Plan)’ do bộ y tế Úc phát hành.
(Bạn đọc Việt Luận có thể lấy về từ https://www.health.gov.au/resources/publications/australian-health-sector-emergency-response-plan-for-novel-coronavirus-covid-19/)
Từ dò dẫm đến nhắm vào mục tiêu
Nhờ có kinh nghiệm khi đối phó với dịch
SARS năm 2002, dịch cúm năm 2009, hai lần dịch MERS năm 2013 và năm 2015 – Úc
chuẩn bị sẵn sàng khi con Corona đến. Nước Úc đã chuẩn bị kỹ và có một hệ thống
y tế vững chắc. Đây là điều số 1 bạn đọc Việt Luận phải ghi nhận. Điều số 2 là
các ngành y tế ở Úc đã được thông báo rõ ràng và trực tiếp tham gia vào kế hoạch
ngăn ngừa rủi con Corona hoành hành ở đất nước phước đức này. Nói khác Úc không
phải là Trung Cộng. Trung Cộng phạm hai lỗi rất lớn khi đối phó với cúm Vũ Hán:
một là hệ thống y tế không sẵn sàng đáp ứng với ngàn ngàn người mắc dịch ; hai
là chính phủ bưng bít tin tức. Bạn đọc có nghĩ Úc cũng phạm hai lỗi lầm đó không?
Chắc là không.
Kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19 của chính phủ Úc chia ra làm hai phần chính: Trước là ‘hành động, action’. Sau là ‘dừng lại, standdown’. Về hành động thì chia làm nhóm: trước là ‘dò dẫm, initial’ khi chưa rõ hành tung của cơn dịch ; sau là ‘nhắm vào mục tiêu, targeted’ khi đã biết được chân tướng của cơn dịch.
Vì chưa rõ mặt mũi con Corona tròn méo ra sao, nó lây sang người khác qua ngả nào, nó vật con bệnh ở chỗ nào và lấy thuốc gì mà chủng / mà ngừa … nên hiện nay chính phủ Úc chỉ dò dẫm một số biện pháp. Đại học Úc đã nhận diện được mặt mũi con Corona ở trong ống nghiệm và trên đường chế ra thuốc. Vì có nhiều người Úc dính vi khuẩn COVID-19 nên chính phủ đã tài trợ thêm để đại học đẩy nhanh hơn công cuộc chế thuốc ngừa và thuốc chữa. Các nhà khoa học Úc tin tưởng sẽ chế được.
Một trong những biện pháp chính phủ có thể áp dụng khi xảy ra đại dịch là huỷ các cuộc tụ tập đông đảo. Sẽ thử thách cho biện pháp này và cho chính phủ Úc là cuộc đua xe F1. Xe đua F1 dự trù lăn bánh vào ngày 15.3 sắp tới tại Albert Park, Melbourne. Vì nhiều tay đua đến từ Ý. Chưa có lệnh từ chính phủ Úc cấm người từ Ý vào đây. Nhưng ở Ý nói riêng và ở châu Âu nói chung đã thấy huỷ bỏ nhiều trận cầu. Các tay đua và kỹ sư của Ferrari xem chừng rất phân vân khi mua vé bay qua Úc. Ngay đến chính phủ Victoria cũng không biết trả lời thế nào vì con Corona biến hoá khôn lường.
Kho chứa vật dụng y khoa của Úc
Úc đã tích trữ khá bộn thuốc men và vật dụng
y tế phòng khi hữu sự. Trong kho của nước Úc đang chứa chừng 20 triệu mặt mạ,
nhiều thuốc sát trùng, thuốc chủng và các dụng cụ y khoa khác. Các vật dụng y tế
này nằm trong kho có tên là National Medical Stockpile (viết tắt thành NMS) và đặt
ở nhiều nơi khác nhau. Có thế chính bạn nhiều lần lái xe ngang qua mà không biết
vì các kho này không trưng bảng tên. Trong 15 năm qua, chính phủ Úc đã chi ra chừng
$900 triệu Đô la để tích trữ các vật dụng y khoa này. Tuần trước, ông tổng trưởng
y tế liên bang Úc Greg Hunt đã đến một kho NMS và chụp hình. Hình cho thấy kho
này chứa hàng hàng lớp lớp kiện hàng cao đến 5 tầng trong như nhà kho của Ikea
hay Costco. Từng kiện hàng là mặt mạ gói kín và xếp ngay ngắn. Ngoài ra trong
kho còn chứa nhiều thứ thuốc không có trong các nhà thuốc tây. Đó là các thứ
thuốc đặc biệt dùng khi xảy ra chiến tranh vi trùng, chiến tranh phóng xạ hay chiến
tranh nguyên tử.
Khi chính phủ tiểu bang hay lãnh thổ ở Úc cần thì vật dụng này được xuất kho. Mới đây khi rừng cháy dữ dội trong tháng Giêng, 2020 chính phủ lãnh thổ Thủ Đô (ACT) đã xuất kho 100 ngàn mặt mạ và phát không cho dân chúng tại Canberra. Ở nhiều thành phố khác, khi có giông bão, lụt lội thì nhân viên cấp cứu nhanh chóng mang nhiều tấm nylon che mái nhà bị lủng lỗ, có sẵn xuồng nhỏ chở nạn nhân …. Từ đâu nhân viên SES có sẵn nhiều vật dụng như vậy? Xin thưa từ kho NMS. Trong quá khứ nhiều lần chính phủ Úc đã xuất kho NMS để cứu dân chúng. Vào năm 2009, khi xảy ra dịch cúm heo, chính phủ đã xuất kho hơn 900 ngàn liều thuốc chống vi khuẩn (trị giá chừng $29 triệu Đô la) và hơn 2 triệu vật dụng y khoa khác để ngăn chận cúm heo lan tràn ở Úc.
Hiện nay chính phủ chưa cho xuất kho số vật dụng ấy và phân phát cho dân chúng. Nhưng các bác sỹ toàn khoa (GP), nhân viên y tế, dược sĩ và một số công chức ‘làm việc ở lằn ranh nguy hiểm’ đã lãnh hơn 1.4 triệu mặt mạ. Dù phải xuất kho khá nhiều mặt mạ, dường như trong kho vẫn còn đến 20 triệu mặt mạ nữa.. Ông tổng trưởng y tế liên bang nói thêm ‘Kho của chúng ta đầy nhóc vật dụng’.
Tuy nhiên, ai là người nhìn xa hiểu rộng có thể nói ngay ‘Rủi Úc xài gần hết vật dụng trong kho mà Trung Cộng lại ngưng sản xuất hàng hoá thì lấy đâu mà …. xài tiếp?’ Nói theo kiểu Úc: Đây là … ‘good question’! Trung Cộng sản xuất nhiều hàng hoá cho thế giới xài thiệt. Nhưng về vật dụng y khoa thì Trung Cộng chỉ sản xuất chừng 20% mà thôi. Dù sao sẽ có nhưng thứ vật dụng hay thuốc men chỉ được sản xuất ở Trung Cộng thì sẽ trở thành khan hiếm. Biết trước dám xảy ra chuyện này, tổng thống Donald Trump đang tính chuyện dùng tới đặc quyền để nước Mỹ mở rộng đường dây sản xuất mặt mạ và các vật dụng y khoa khác.
Các cụ già và trẻ thơ
Chính phủ Úc đã bật đèn xanh kế hoạch đối
phó với con COVID-19 (COVID-19-plan) và tuyên bố dịch cúm Vũ Hán (Corona, hay
các tên khác mà Trung Cộng không muốn ai nhắc tới) đã thành đại dịch
(pandemic). Dù bật đèn xanh kế hoạch chống đại dịch, chính phủ Úc vẫn chỉ áp dụng
từ từ và tuỳ theo diễn biến của cơn dịch này.
Nhóm người được chính phủ Úc săn sóc trước tiên là các cụ sống trong viện dưỡng lão. Lý do là hệ thống miễn nhiễm (the immune system) của người cao tuổi thường yếu và các cụ lại mang trong nhiều một số bệnh như tiểu đường, cao áp huyết và bệnh tim. Rõ ràng con Corona vật ngã nhiều nhất là các cụ. Có điều đáng nói là cụ ông dính ‘Cô-vít’ nhiều hơn cụ bà. Kỳ hén! Nếu đại dịch xảy ra có lẽ biện pháp đầu tiên được chính phủ Úc áp dụng là ‘cô lập để đặc biệt chăm sóc các viện dưỡng lão. Ba điều Úc nhắm tới trong biện pháp đối phó với đại dịch được thủ tướng nêu ra khi công bố kế hoạch chống đại dịch của Úc là cô lập viện dưỡng lão, cung cấp những chăm sóc thích đáng và yểm trợ nhân viên làm việc ở trỏng’. Các bộ trưởng y tế dự phiên họp khẩn cấp tại Melbourne vào thứ Sáu tuần qua cũng đồng ý như vậy.
Dù sẽ là nơi bị cô lập đầu tiên trong kế hoạch chống lại đại dịch, các viện dưỡng lão cho tới nay vẫn hoạt động bình thường. Có chăng giám đốc viện dưỡng lão toàn nước Úc đã nhận được lá thư do bác sỹ Brendan Murphy, trưởng ngành y tế Úc, ký tên. Thư này báo trước cho nhân viên làm việc trong viện dưỡng lão biết họ sẽ phải làm gì khi … đụng chuyện.
Nhóm người kế tiếp cần được chăm sóc là trẻ em. Sau viện dưỡng lão, chính phủ có thể đóng cửa cửa các nhà giữ trẻ và trường học. Thủ tướng Scott Morrison khi công bố kế hoạch ngăn ngừa đại dịch COVID-19 có nhắc tới chuyện Nhật Bản đóng cửa trường học như là tấm gương cho Úc. Tuy nhiên, học sinh chỉ ở nhà khi có lệnh từ chính phủ. Chính phủ chỉ ra lệnh này khi có lời khuyên của nhân viên y tế.
Sau cùng, khi có đông người mắc dịch chính phủ Úc có thể dùng vài biện pháp mạnh. Ông tổng trưởng tư pháp Christian Porter nói trước: nhiều người Úc chưa quen với các biện pháp này. Đó là cưỡng bách cô lập người mắc dịch và cô lập luôn vùng dân cư có đông người mắc dịch. Thật vậy, Úc là nước tôn trọng quyền tự do cá nhân nên cho đến nay Úc chỉ khuyên. Khuyên ai từ các nước ổ dịch về (Trung Cộng, Nam Hàn, Nhật Bản, Iran) thì tự ý cô lập ít nhất 14 ngày. Khuyên người Úc rửa tay, giữ sức khoẻ và khám bệnh khi thấy sốt, ho hay khó thở. Khuyên chuẩn bị vào ba thứ cần thiết trong nhà đề phòng nguồn cung cấp chậm vài ngày. Nhưng trong mấy ngày qua, người Úc hình như bắt đầu lạnh gáy khi thủ tướng Úc Scott Morrison bật đèn xanh kế hoạch nước Úc ngăn chận đại dịch COVID-19. Các thứ hàng hoá như đồ hộp, giấy vệ sinh và thuốc men đều bị vét sạch. Nhà ai có chó mèo thì rinh về … thịt chó, thịt mèo – úi quên! phải nói cho rõ ‘thịt cho chó ăn / thịt cho mèo ăn’. Ai mắc bệnh gì thì mua nhiều thuốc để dành e rằng viện bào chế phải đóng cửa…
Sau cùng, chính phủ Úc khuyên người dân để ý nhiều hơn đến người già và trẻ em. Toàn là khuyên. Và chỉ có lời khuyên mà thôi. Nhưng khi có đông người mắc dịch thì nhân viên công lực Úc có thể ra tay. Tiểu bang Nam Úc đã ra luật cho phép nhân viên công lực cưỡng bách người mắc dịch vào chỗ cô lập. Quốc hội liên bang Úc bắt đầu ‘mổ bò’ về luật cho phép chính phủ bắt người mắc dịch vào nhà thương hay cô lập mọt vùng có đông người dính con Corona.
Bổn phận lo cho dân
Ai cũng biết khi xảy ra đại dịch thì từng
người phải tiếp tay với chính phủ. Chính mình giữ cho mình không bị dính. Rủi dính
thì giữ không lây cho người khác.
Riêng chính phủ có bổn phận lo cho dân. Chính phủ Úc đã thi hành bổn phận này bằng cách đưa ra kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19. Úc nhìn nhận con Corona đang đe doạ trầm trọng đến sức khoẻ của dân Úc và đời sống ở nơi đây. Cúm COVID-19 lây nhanh, giết nhiều người và làm ngưng trệ nhiều sinh hoạt trong xã hội cũng như tàn phá nền kinh tế. Chính phủ Úc nói rõ đây chỉ là kế hoạch đầu tiên. Sau kế hoạch này, chính phủ có thể ứng biến và đưa thêm nhiều kế hoạch khác. Khi biết rõ mặt mũi râu ria của con Corona và có thuốc chữa / thuốc chủng thì chính phủ sẽ cập nhật biện pháp đối phó. Cho tới nay, Úc vẫn chỉ tuỳ cơ ứng biến. Chúng ta cũng thế.
Cổ Nhuế
http://vietluan.com.au
http://vietluan.com.au
No comments:
Post a Comment