Friday, March 20, 2020

Sự Giàu Có Của Tên Bán Máu - Huỳnh Thục Vy


Tôi sinh ra ở một vùng duyên hải xa xôi của cái xứ "chó ăn cát gà ăn muối" - Quảng Nam. Nhà tôi ở ngay chỗ tiếp giáp giữa ba xã Tam Phú-Tam Thanh-Tam Tiến với sự giao thoa ba tập quán sinh sống của nghề biển, nghề sông và nghề nông. Cũng như nhiều người dân vùng cát khác, dù đi xa quê nhiều ngày tháng, hương vị món canh chua xương rồng tôi không thể nào quên được.
Cách đây chỉ năm năm thôi, cây xương rồng còn mọc hoang khắp nơi, muốn nấu một nồi canh chua xương rồng chỉ cần ra sau nhà hoặc đi quanh chòm xóm thì có thể tìm thấy những đọt xương rồng non mướt. Nhưng giờ tôi trở về quê, bãi biển Tam Thanh đã khác xưa quá nhiều, các khu dân cư mới mọc lên, nhà cửa khang trang xây dựng san sát nhau, khách sạn nhà nghỉ như nấm sau mưa. Cô tôi muốn nấu cho tôi nồi canh chua ngon phải đi tìm mua xương rồng khó khăn lắm.
Sự ra đi của cây xương rồng ở vùng cát trắng này không chỉ là sự biến mất của một loài cây khi diễn ra quá trình đô thị hóa, mà còn đánh dấu sự đánh mất nhiều vùng đất đẹp đẽ ven biển mà những thế hệ ngư dân tổ tiên đã truyền lại cho con cháu hôm nay, khi chính quyền tỉnh Quảng Nam nói riêng và chính quyền trung ương nói chung quy hoạch đất đai ven biển để bán cho người Tàu.
Dân Trung Hoa hầu hết là dân lục địa, bị trói chặt trong những vùng đất xa biển cằn cỗi, thiếu mưa và thiếu hải sản nên họ thèm khát những bãi biển. Việt Nam tuy nhỏ nhưng bờ biển dài và đẹp, cộng với một chính quyền ngu dốt mang tâm thế nô lệ, người dân thì thờ ơ, đã trở thành miếng mồi ngon cho lớp người Tàu mới phất lên. Mọi bãi biển chạy dọc từ Bắc chí Nam của Việt Nam đều đầy người Tàu, họ không những đi du lịch, họ mua cả địa ốc để ở và lập luôn những khu biệt lập sang trọng chỉ dành cho người Tàu ở các thành phố biển như Đà Nẵng.
Vùng cát Tam Thanh, Tam Tiến quê tôi từ ba năm nay, nghề cò đất cho Tàu trở nên béo bở. Nhà dân bị giải tỏa, chuyển đến những khu dân cư mới nằm cách xa bãi biển, để dành những vùng cát trắng phau (ngày xưa đầy cây dứa biển nở hoa thơm ngát vào những đêm trăng mùa hè và những rặng xương rồng xanh nõn cho những bữa canh chua) cho những khu nghỉ dưỡng sang trọng và những con đường mới rộng thênh thang. Bên cạnh đó, hàng trăm người Tàu dưới danh nghĩa người Việt, thông qua các tay cò đất, lùng mua đất ven biển về làm tài sản tư nhân. Thế là, những vùng cát trắng bỏ hoang giờ đều nằm trong "quy hoạch", đất nào của tư nhân đều được trả giá và mua với giá cao ngất trời. Tiền bán đất vài tỷ, cho đến chục tỷ trở thành những câu chuyện trà dư tửu hậu rộn ràng khắp vùng biển Tam Thanh (thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Những ngư dân nghèo, những phụ nữ cả đời chỉ biết đôi quang gánh cá bây giờ trở nên những người giàu có cầm trong tay hay gởi ngân hàng chục tỷ đồng hoặc sở hữu những mảnh đất tính theo giá thị trường là vài tỷ. Dù là đất được "giải phóng mặt bằng" bởi chính quyền hay đất bán cho Tàu qua cò đất, người dân quê tôi giờ cũng "hốt bạc". Những ngôi nhà lụp xụp ngày xưa giờ được xây lên cao ráo, đẹp đẽ. Cha mẹ hết nghèo, con cái tiền bạc dư dả, người dân quê tôi vui mừng khôn xiết, cám ơn đảng và nhà nước vô cùng. Ai đi xa về cũng vui vì quê hương khởi sắc, sung túc.
Có lẽ tôi là một trong những số ít người buồn rầu vì cảnh quê thay đổi như vậy. Chẳng phải vì khó kiếm một bữa canh chua xương rồng mà vì nhìn thấy một tương lai bấp bênh đang được xây dựng trên một nền móng lung lay.
Nếu ai chú ý quan sát một chút sẽ thấy, từ ngày giá đất tăng ngút trời, ngày dân chài quê tôi thành những "đại gia", các quán cà phê ở thành phố Tam Kỳ mọc lên rất nhiều. Có những đoạn đường nguyên một cây số dài mặt tiền là quán cà phê, tối thứ bảy và sáng chủ nhật mà các quán này đều vắng hoe, thế mà vẫn có nhiều mặt bằng bên cạnh đang thi công để trở thành những quán cà phê mới. Nó nói lên điều gì? Thứ nhất, các quán này được lập ra không phải để kinh doanh, chủ nó không cần tiền, và không loại trừ khả năng nhiều trong số những người chủ này là người Trung Quốc. Thứ hai, dù nhiều tiền, cuộc sống người dân ít thay đổi, cà phê cà pháo buổi tối không phải là lựa chọn của họ. Theo tôi quan sát, ai đi biển đánh bắt cá ven bờ vẫn tiếp tục đi, ai làm thuê đa số vẫn tiếp tục làm, ai buôn gánh bán bưng vẫn tiếp tục như thế. Nghĩa là tiền bạc đột nhiên đổ ập lên đầu không khiến người ta thay đổi nếp sống, thay đổi cách làm ăn, không tạo ra nhiều công ăn việc làm mới ngoài nghề cò đất, và tất nhiên cũng không thay đổi dân trí của vùng quê nghèo này.
Thế cái gì thay đổi? Có, tất nhiên có thứ đã thay đổi rất nhanh và vĩnh viễn. Không kể những thay đổi về văn hóa xã hội, chúng ta có thể nhìn nhận ngay trước mắt những thay đổi về kinh tế và chính trị. Việt Nam nhỏ bé nằm sát Trung Quốc khổng lồ, đã có lịch sử phụ thuộc, triều cống Trung Hoa từ mấy ngàn năm (dù là ở thời bị xâm chiếm hay thời độc lập), nay dưới thời cộng sản, Việt Nam chính thức là một loại chư hầu của nước đàn anh, không hơn không kém. Bình sinh, đảng cộng sản Trung Quốc hắt hơi một cái, bộ sậu Ba Đình đã run như cầy sấy. Nay dân Trung Quốc qua Việt Nam sở hữu hàng loạt bất động sản, thì tiếng nói chính trị của đàn anh Trung Quốc càng áp đảo hơn, nhân danh việc bảo vệ công dân Trung Quốc và tài sản của họ ở nước ngoài. Nhiều vùng đất chiến lược của quốc gia nằm ven biển nay nằm trong tay người Trung Quốc như một loại nhượng địa. Ngày xưa, các nước lớn mang quân sang xâm chiếm các nước nhỏ còn tốn quân nhu, đạn dược, mạng người để thu về những vùng đất béo bở, những vùng địa chiến lược, nay người Tàu chỉ cần bỏ tiền để có những bất động sản đẹp nhất, quan trọng nhất của chúng ta, thì rõ ràng họ vẫn lời chán. Nhờ sự ngu dốt và tham lam của đảng cộng sản Việt Nam, trong cuộc chiến không tiếng súng này, chúng ta thua ngay từ đầu.
Còn về mặt kinh tế, về lâu về dài, các vùng bị người tàu xâm thực này không có tương lai. Con cháu chúng ta trong tương lai gần sẽ không còn cạnh tranh cơ hội kinh tế với nhau để tạo ra động lực sáng tạo và lợi nhuận trong cộng đồng, mà phải cạnh tranh với người nước ngoài trên chính quê hương mình, cơ hội việc làm chạy về tay người tàu, lợi nhuận thì chạy về Trung Quốc. Thế giới ngày càng mở, đường biên giới quốc gia ngày càng mờ nhạt, nhưng chính sách thuế quan của các nước vẫn còn nhiều tranh cãi cũng bởi nền kinh tế nước nào cũng có những khu vực cần bảo hộ. Nay người Tàu qua Việt Nam sở hữu địa ốc, tự do buôn bán làm ăn với sự chống lưng của chính quyền hùng mạnh của họ, dân Việt Nam với chính quyền vô năng, vô trách nhiệm quả thật như trẻ lạc giữa chợ.
Quả thật vậy, đường sá rộng lớn, nhà cửa khang trang, nhờ bán đất với giá cao ở quê tôi không khiến nền kinh tế địa phương khởi sắc. Ngoài việc bán đất, tiền không được tạo ra bởi các ngành sản xuất và dịch vụ bền vững. Không có nhiều công việc mới được tạo ra, ghe thuyền đánh cá không kiên cố hơn, sản xuất nông nghiệp không tiến bộ hơn. Thanh niên vẫn kéo nhau đi tìm việc ở Sài Gòn, những thanh niên còn bám trụ ở tỉnh, nếu không thất nghiệp thì làm công nhân trong các khu chế xuất công nghiệp hoặc danh giá nhất vẫn là được "biên chế" vào các doanh nghiệp Nhà nước hoặc các công sở để mong kiếm được chút lợi ích rót xuống từ trung ương thông qua hệ thống tham nhũng.
Như ở trên tôi đã nói về các quán cà phê vắng tanh ở thành phố Tam Kỳ, bán máu để mua quần áo đẹp
. Một nền kinh tế bán tài nguyên quốc gia có thể thỏa mãn khao khát giàu sang trước mắt nhưng không tránh được sự suy kiệt toàn diện về lâu về dài. Tiền bán đất lâu ngày cũng cạn, nhưng người dân quê tôi không có nhiều tri thức hơn để làm giàu, không có nhiều động lực hơn để sáng tạo các giá trị mới mà lại phải chịu thêm cái nguy cơ bị chèn ép bởi người Trung Quốc trong tương lai.

Những nồi canh xương rồng ngày càng khó kiếm trong bữa cơm của người dân quê tôi như sự ra đi dần của những làng nghề truyền thống, hay cũng chính là điềm báo đối với vận mệnh đất nước này: còn sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam là đất nước này còn chịu thân phận nô lệ trước Tàu cộng.
Huỳnh Thục Vy
Quảng Nam 7/3/2020

Nguồn: /bacaytruc.com

2 comments:

  1. Buồn ơi là buốn... Vậy mà gặp một con việt cộng hải ngoại nó oang oang bảo là Việt Nam phát triển rất tôôôt !

    ReplyDelete