Sài Gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới nữa.
Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn ta có thể thưởng thức món gan
ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè
Kampuchia, món sushi của Nhật, món piza của Ý, món cari của Ấn, món
nướng của Đại Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Tân
Gia Ba, món Dim Sum Hồng Kông…và đặc biệt không thể không nhắc đến những
món ăn của người Hoa Chợ Lớn.
Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang
giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu Xuân, tôi chỉ nói
tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến
nay.
Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè,
nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên
dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì.
Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt
bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo
hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa
nước lèo sôi sùng sục.
Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có
nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành.
Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm,
trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng
vàng.
Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này.
Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột
nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ
tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào
rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt
nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu,
không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng
chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.
Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ,
mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó
để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng
đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ
không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy
cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.
Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên
xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của
văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc
như nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm,
mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát Tiên Phó Hội, Bát
Tiên Quá Hải, Tôn Ngộ Không, Thất Hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn
thuỷ…..
Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu
luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị
thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người
theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng
trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi
ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt
hoài.
Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè,
đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu
tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay
hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.
Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc
xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn
giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun
ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre
đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi.. sực ..tắc,
sực…tắc.
Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm
muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có
bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những
xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu
động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.
Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm
khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ
tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.
Tô
mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc
màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong
phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và
con tôm hồng hào hấp dẫn.
Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào
miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt,
cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó
quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến,
người Hải Nam…
Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô
hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên
vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cẳng, râu càng.
Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm miếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì,
ngon!
Sau này còn có hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai ăn với một loại sauce
cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần
là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ
biến lắm?
Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến
giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối
cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng
của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon.
Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu
vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi
trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại
nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà
không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt.
Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì
đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành
những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chở đợi.
Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị
nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi
trụng.
Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.
Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú
vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm
thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.
Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung quốc, tôi
vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì
ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua,
cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng,
vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì
quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm
một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không
có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu
và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.
Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động,
thay vào đó là những xe mì gõ mới không như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng
còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là
những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó
để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chắc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.
Đỗ Duy Ngọc
No comments:
Post a Comment