Lời Nói Đầu: Năm 2004, nhân kỷ niêm 50 Năm Di
Cư, tôi có viết bài “Nhớ Cù Lao Giêng” để ghi lại những kỷ niệm đầu tiên
của tôi khi mới đăt chân vào Nam. Thấm thoát thoi đưa, nay đã sắp 66
năm kể từ ngày di cư, tôi xin viết lại những kỷ niệm ấy và bổ túc thêm
một số chi tiết khác để tỏ lòng tri ân Miền Nam Tự Do nói chung và Cù
Lao Giêng nói riêng. VLH
Tôi rời Miền Bắc lúc mới bảy tuổi, theo gia đình di cư vào Nam lánh
nạn cộng sản và Miền Nam đã mở rộng cửa đón tiếp chúng tôi. Chính Miền
Nam đã cho tôi một cuộc sống thanh bình, tự do, no ấm và cơ hội học
hành, xây dựng tương lai. Đối với một người Miền Bắc như tôi thì Miền
Nam là Miền Đất Hứa, đầy sữa thơm và mật ngọt. Tuy nhiên, để có được
mảnh đất trù phú đó, bao thế hệ đồng bào Miền Nam từ mấy thế kỷ trước đã
đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt, có khi phải hy sinh cả mạng sống, để
đánh đuổi ngoại xâm, mở mang bờ cõi, phá rừng, lập rẫy, đánh cọp, chém
rắn, vật lộn với thiên nhiên, đào kinh, đắp đường, trong hoàn cảnh thiếu
thốn trăm bề… Rồi chúng tôi đến để hưởng thành quả lao động của các thế
hệ đó.
Ngày nay, ngồi nghĩ lại, tôi thấy thấm thía ơn nghĩa của Miền Nam. Quả
thực, nếu không có Miền Nam thì giờ đây, tôi, hoặc đã an phận làm một
nông dân chân lấm tay bùn, xã viên một hợp tác xã nông nghiệp nghèo nàn
nơi đất Bắc, sống suốt mấy chục năm dưới sự “lãnh đạo” của bè lũ cộng sản vừa bạo tàn vừa ngu dốt, hoặc tệ hơn nữa thì đã bỏ Đạo, chối Chúa, bon chen “phấn đấu” vào đoàn, vào đảng để rồi trở thành một tên cán bộ cộng sản khoác lác, khôn vặt, láu cá, “nói dối như Vẹm”.
Xin cám ơn Miền Nam, cám ơn bà con Miền Nam ruột thịt. Trong tâm tình
đó, tôi xin ghi lại ít dòng về những kỷ niệm đầu tiên của tôi khi mới
đặt chân đến Miền Nam.
Năm 1954, khi theo làn sóng người tỵ nạn bỏ nơi chôn rau, cắt rốn,
nhà cửa, cơ nghiệp, bơ vơ vào Nam tìm tự do, gia đình chúng tôi lưu lạc
tới Cù Lao Giêng, một giải đất nằm giữa dòng sông Tiền. Và một gia đình
Miền Nam đã mở rộng cửa cho chúng tôi vào nương náu. Đó là gia đình Bác
Năm Đầy, Nguyễn văn Đầy. Bác Năm hơn bố tôi chừng ba, bốn tuổi, nghĩa là
lúc đó bác mới chừng bốn hai, bốn ba, nhưng trông bác đã già lắm rồi,
có lẽ vì cuộc sống nghèo nàn, cơ cực. Bác Năm tôi có hai đời vợ. Bác gái
trước sinh được một người con trai là anh Hai Liêm rồi qua đời. Bác
trai tục huyền và có thêm bốn người con trai nữa là Rớt, Lượm, Cất, Đi.
Rớt và Lượm thì hơn tuổi tôi. Cất có lẽ cùng tuổi với tôi. Còn Đi thì
kém tôi vài ba tuổi gì đó. Gia đình chúng tôi sống tại Cù Lao Giêng chỉ
độ một năm rồi dời về Thủ Đức, nhưng những kỷ niệm về Cù Lao Giêng thì
rất sâu đậm trong tôi.
Trước hết, tôi không bao giờ quên tình nghĩa hai Bác Năm dành cho gia
đình tôi, xử với chúng tôi như người ruột thịt, thật thà, đầy đặn,
không khách sáo chút nào. Chỉ ít tháng sau khi chúng tôi về Thủ Đức thì
Bác Năm gái lại khăn gói lên thăm, mang theo món quà quý và đầy tình
nghĩa là mớ cua đồng và ốc bươu đựng đầy một bao bố. Rồi anh Tư Lượm khi
lớn lên, xin được việc làm ngoài Vũng Tàu, vẫn ghé thăm chúng tôi luôn.
Anh kể lể: “Tía con dặn hễ lên Saigon là phải ghé thăm Bác Tư, nếu không, về ổng uýnh chớt!”.
Sau gần ba mươi năm bặt tin, tôi bắt liên lạc lại với gia đình Bác
Năm khoảng năm 2000, qua một bệnh nhân gốc Cù Lao Giêng. Hai Bác Năm tôi
đều đã qua đời. Anh Hai Liêm cũng đã chết vì bệnh gì tôi không rõ. Anh
Ba Rớt thì chết vì lao phổi. Anh Tư Lượm và Út Đi đã đi Vũng Tàu lập
nghiệp. Chỉ còn Năm Cất tiếp tục sống ở xóm Đạo Cù Lao Giêng với chín
đứa con và một đứa cháu ngoại, rất nghèo nàn, cơ cực, sống bằng nghề bắt
nhái, không có ruộng vườn gì cả.
Giáo dân Họ Cù Lao Giêng, nhất là lối xóm của Bác Năm, cũng tiếp đón
và chấp nhận chúng tôi với đầy tình thân ái ngay từ ngày đầu nên chúng
tôi, đăc biệt là lũ trẻ ham chơi vô tư lự như anh chị em tôi, hoà nhịp
rất nhanh vào cuộc sống mới nơi “đất khách quê người” (lúc đó bố mẹ tôi vẫn không tin đất nước sẽ bị chia cắt lâu dài, vẫn mong ngày trở về “quê cha, đất tổ”
càng sớm càng tốt). Người Cù Lao Giêng rất hào hiệp, quảng đại. Vườn
cây ăn trái không bao giờ rào. Đã thế, trái còn trên cây là của chủ,
nhưng hễ rụng xuống đất thì ai “xí” được người đó lấy mà chủ nhân không phàn nàn chi cả. Những ngày gió to, trẻ con nhà nghèo và lũ nhóc “Bắc Kỳ”
chúng tôi đổ xô ra các vườn xoài lượm xoài rụng, có khi mỗi đứa được cả
chục trái. Lạ lùng nhất là đôi khi chủ vườn và con cái họ cũng chạy đua
với chúng tôi để nhặt xoài rụng, rất đề huề, bình đẳng. Còn việc thợ
gặt cắt lúa cố tình bỏ sót thật nhiều hoặc ôm lúa giả bộ làm vương vãi
cho trẻ con Bắc Kỳ đi mót lượm về là chuyện rất thường. Bởi vậy, mùa gặt
đó, nhà tôi cũng có một vài giạ lúa để ăn dù chưa cày cấy gì. Người Cù
Lao Giêng lại rất thật thà, ngay thẳng. Lúc ấy, ngày nào chúng tôi cũng
đi tắm sông; đồng hồ và dây chuyền cởi ra móc trên cành me, cành mận, ra
về quên đeo vào, bữa sau trở ra tìm vẫn thấy còn y nguyên. Đôi khi có
người thấy chúng tôi tìm quanh quất, bèn dắt lại chỉ ngay vào món đồ
chúng tôi đang tìm. Người Cù Lao Giêng cũng không khách sáo. Vào thời
điểm đó, nếu bạn tới nhà một người Bắc, vô tình nhằm lúc họ đang ăn cơm,
thì họ thường nói: “Mời ông xơi cơm!” nhưng xin bạn chớ nhận lời vào ăn. Trái lại, bạn chỉ nên cám ơn họ và xin ngồi chờ ngoài phòng khách mà thôi.
Một bữa kia, lúc gia đình chúng tôi đã dựng được một căn nhà lá và đã
dọn ra khỏi nhà Bác Năm, khi chúng tôi vừa khởi sự ăn cơm thì Cụ Trùm
Xưa ghé thăm. Cụ là người đã cho bố mẹ tôi miếng đất để cất nhà. Tuổi cụ
lúc đó chắc đã sáu mươi mấy hoặc bảy mươi. Cụ có người con trai cả làm
linh mục nhưng lối xóm không ai gọi cụ là “Ông Cố” như người
công giáo miền Bắc. Trái lại họ gọi cụ là Ông Câu Xưa vì cụ từng là câu
nhất của Họ Cù Lao Giêng. Tuy nhiên bố mẹ tôi cảm thấy ngượng miệng khi
gọi cụ là ông câu vì “câu” trong ngôn ngữ vùng chúng tôi là
tiếng gọi ông từ nhà thờ hoặc ông bõ, tức là người để cha xứ và quan
viên, quý chức sai vặt. Thay vào đó, chúng tôi gọi cụ là ông trùm. Khi
nghe bố tôi giải thích về cách xưng hô đó, cụ bằng lòng ngay. Tuy mới
quen biết nhau có mấy tháng nhưng ông trùm đã trở nên rất thân thiết với
gia đình chúng tôi. Ông gọi bố tôi là “thằng Tư” và mẹ tôi là “con vợ thằng Tư”, trong khi các con ông, kể cả vị linh mục thì gọi bố mẹ tôi là Anh Tư, Chị Tư.
Hôm đó vừa thấy cụ bước vào, cả nhà chúng tôi đều buông đũa và đồng thanh lễ phép: “Mời ông xơi cơm” theo đúng phép lịch sự Miền Bắc. Chẳng dè ông vui vẻ ngồi vào bàn ngay và hỏi: “Chén đũa của tao đâu bay?”
Chúng tôi sững sờ đến mấy mươi giây rồi mới cuống quýt đi lấy bát xới
cơm và lấy đũa cho ông. Ông ăn vui vẻ, thật thà, tới hai, ba chén. Chúng
tôi học được một bài học quý giá, chuẩn bị sẵn sàng để thực hành trong
tương lai. Ít bữa sau, ông lại qua chơi, cũng nhằm ngay bữa cơm. Chúng
tôi lại đồng thanh: “Mời ông xơi cơm!” và chuẩn bị chén, đũa. Ai dè ông nói: “Hổng thèm, tao ăn rồi, bay ăn đi!”
Chúng tôi chưng hửng. Mọi người bụng bảo dạ: chắc tại lần trước mình
mời mà không sẵn sàng chén đũa nên ông nghĩ ngợi và buồn, nên lần này
ông mới không ăn. Nhưng không phải vậy. Ông ngồi chơi tự nhiên, thoải
mái, bỏ thuốc rê ra vấn rồi hút, chờ chúng tôi ăn cơm xong. Khi bố mẹ
tôi ra tiếp ông, ông vui vẻ chuyện trò và ăn bánh, uống trà do chúng tôi
bưng ra mời. Chúng tôi thở phào, nhẹ nhõm.
Nhân đây tôi cũng viết thêm về sự khác biệt khá rõ ràng trong cách
đối xử với hàng giáo sĩ của giáo dân Miền Bắc và Miền Nam. Ở Miền Bắc,
khi một người đàn ông được phong chức linh mục thì cha mẹ của ông ấy
được mọi người gọi một cách kính trọng là “ông cố, bà cố.” Anh ruột của linh mục được gọi là “quan bác.” Em ruột của linh mục được gọi là “quan chú.” Mọi nguời trong gia đình, kể cả cha mẹ ruột của linh mục đều gọi linh mục bằng “cha” trong xưng hô hằng ngày. Giáo dân, bất kể tuổi tác, khi gặp linh mục thì thường phải nói: “Con xin phép lạy cha.” Nếu chỉ nói đơn giản: “Chào cha” thì sẽ bị coi là “vô phép.” Trường hợp của vị linh mục con trai của cụ Trùm Xưa thì hoàn toàn không giống như thế. Cụ vẫn gọi vị linh mục là “Hai” khi cha con nói chuyện với nhau. Em ruột và em bà con vẫn thân tình gọi ông ấy là Anh Hai hoặc ngắn gọn là “Hai.”
Vị linh mục làm việc ở đâu tôi không rõ, nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm
nhà. Một bữa kia cụ trùm tới nhà tôi và nói với bố mẹ tôi: “Anh Hai bay về rồi đó, vợ chồng thằng Tư và xấp nhỏ có muốn xưng tội thì vô mà xưng.”
Tôi thấy rõ nét ngạc nhiên trên mặt bố mẹ tôi. Khi chúng tôi tới nơi
thì đã có mấy người lối xóm đến trước và đã có người đang xưng tội với
cha. Cha ngồi sau một cái cánh gà và người xưng tội thì quỳ gối ở phía
trước… Vị linh mục này thật hiền hậu, bình dân, sống chan hoà với xóm
làng…
Sau này khi về Thủ Đức, tôi lại thấy rõ sự khác biệt Nam, Bắc trong
cách đối xử với một vị giám mục. Lúc đó các giáo xứ Bắc di cư chưa được “địa phương hoá”
nên vẫn còn thuộc quyền của giám mục địa phận gốc ngoài Bắc. Xứ đạo tôi
thuộc địa phận Bùi Chu. Một bữa kia Đức Giám Mục Phê-rô Ma-ri-a Phạm
Ngọc Chi, giám mục Bùi Chu (đã di cư vào Nam) tới viếng thăm một tu viện
di cư gốc Bùi Chu. Cha xứ chúng tôi là tu sĩ của dòng này, nên cha tổ
chức cho toàn thể giáo dân, già trẻ, lớn bé, mang cờ xí, chiêng trống,
xếp hàng hai bên đường, dài tới nửa cây số để nghênh đón đức cha. Đức
cha xuống xe và được rước long trọng tới tận cửa nhà dòng, nơi các cha,
các thày mặc lễ phục, tay cầm nến, đồng thanh hát “Benedictus qui veni in nomine Domini”(chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến) để đón đức cha vào bên trong tu viện. Còn giáo dân thì giải tán, ai về nhà nấy. Sau ngày “địa phương hoá”,
xứ tôi thuộc địa phận Sài gòn. Khi Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền,
giám mục Sài gòn về ban Phép Thêm Sức cho thiếu nhi xứ tôi, chúng tôi
lại cờ quạt, chiêng trống xếp hàng đi đón đức cha. Đức cha tới thì cha
xứ ra hiệu cho xe ngừng lại và mời đức cha xuống xe để được rước vào nhà
thờ. Chẳng dè đức cha nói: “Cha làm cái gì kỳ cục vậy?” và tiếp tục ngồi yên trong xe cho tài xế chở thẳng tới cửa nhà thờ. Mọi người “tẽn tò,”
tan hàng, lục tục kéo nhau vào thánh đường. Tôi đoán rằng đó là lần đầu
tiên đức cha đi ban Phép Thêm sức tại một họ đạo Bắc di cư nên mới ngỡ
ngàng trước cảnh tiếp đón long trọng, “rình rang” mà ngài chưa từng thấy khi thăm các họ đạo Miền Nam trước đó…
Tuy nhiên, càng ngày thì cách cư xử, đón tiếp linh mục, giám mục theo
kiểu Miền Bắc càng thịnh hành và thêm rình rang hơn nữa, cho đến ngày
Miền Nam mất vào tay cộng sản. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các giám
mục vẫn tiếp tục đi thăm các họ đạo, ban Phép Thêm Sức, nhưng đến và đi
một cách thật đơn sơ, âm thầm, nặng tính chất thánh thiêng mà thôi. Từ
khi cộng sản cởi mở hơn vào cuối thập niên 1980 thì các hình thức tiếp
rước long trọng lại được thực hành như xưa hoặc hơn xưa, đặc biệt là có
tàn, lọng như đón vua quan thời quân chủ.
Đồng ruộng Cù Lao Giêng bao la, bát ngát, thẳng cánh cò bay. Sau khi
ổn định chỗ ở trong ngôi nhà sàn của Bác Năm, tôi theo các con bác ra
ruộng chơi. Lạ lùng thay, trên khắp cánh đồng, không biết rau muống ai
trồng mà xanh tốt quá sức, đầy ngọn non vươn dài, đụng tới là gẫy đánh
tách, dòn tan. Rau mọc xen kẽ với lúa. Còn cua và ốc thì nhiều vô số kể,
ngó đâu cũng thấy chúng bò tràn lan. Sông nước Cù Lao Giêng đầy tôm cá,
không ai ăn cua và ốc, còn rau muống thì chưa được người Miền Nam coi
là rau vào thời điểm đó. Tuy nhiên đối với người Bắc di cư thì đó là ba
món ăn khoái khẩu. Thế là chúng tôi hái rau muống về luộc, xào, chẻ quăn
ăn ghém hoặc xắt nhỏ nấu canh. Còn ốc bươu thì lần đầu tiên trong đời
chúng tôi xài sang chỉ ăn phần thân cứng và vứt bỏ phần ruột mềm phía
dưới. Ốc bươu luộc với lá chanh, chấm nước mắm tỏi là ngon tuyệt trần.
Đó là chưa kể ốc nấu chuối xanh hoặc bún ốc. Cua thi bắt về, lột vỏ, giã
nát, chắt lấy nước thịt, nấu riêu, ngon ngọt không chê vào đâu được.
Bún riêu ăn với rau muống chẻ quăn trộn rau kinh giới ăn không biết no.
Dù sao, món canh cua ngon nhất phải là canh cua rau đay. Nhưng Cù Lao
Giêng không có rau đay, chỉ có mấy cánh đồng trồng cây bố (ngoài Bắc gọi
là đay gai) là loại cây có họ rất gần với rau đay nhưng trồng để lấy
sợi đan bao bố (tiếng Bắc là bao gai) đựng gạo. Người Bắc thèm canh cua
rau đay quá bèn xin chủ ruộng cho hái ít ngọn cây bố về nấu canh. Rau bố
hơi đắng nhưng vẫn có mùi vị rau đay, lại nhờ có nhiều riêu cua bù vào
nên nồi canh vẫn ngon ngọt như canh rau đay “chính gốc Bắc Kỳ”. Lúc đó, bà con Miền Nam bảo nhau: “Mấy ‘người Bắc’ ăn uống thiệt khác với ‘người Việt’ mình, ăn cua, ăn ốc, ăn rau muống, bây giờ lại ăn cả đọt bố!”
Đó là món ăn Bắc Kỳ giữa lòng Miền Nam. Còn món ăn thuần tuý Miền Nam
thì tôi nhớ nhất là món cá lóc nướng trui. Sau khi gặt hái xong thì
cũng là mùa khô cạn. Nước vốn ngập mênh mông cả cánh đồng bát ngát, giờ
thu lại thành những cái đìa lúc nhúc đầy tôm cá, nhất là cá lóc. Có
những cái đìa lớn khi tát cạn có thể thu hoạch hàng mấy tạ cá. Người ta
chọn những con cá lóc thật to, mỗi con vài kí lô, thọc một cái que vào
họng chúng, cắm que xuống đất rồi trùm rơm lên và đốt. Lửa tàn là cá
chín, người ta lột vỏ cháy bên ngoài, lấy thịt cá trộn với rau sống, rau
thơm, cuốn bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt, ăn không biết chán.
Tuy là dòng dõi của những người Việt tiên phong, mạo hiểm nam tiến,
phá rừng, bạt núi, đánh cọp, chém rắn để sinh cơ lập nghiệp nơi những
vùng đất hoàn toàn xa lạ, người Cù Lao Giêng vẫn tỏ lòng kính nể các thế
lực thiên nhiên, kể cả các thú rừng lớn như cọp, voi. Họ gọi cọp là Ông
Ba Mươi và voi là Ông Tượng, với giọng nghiêm chỉnh chứ không có tính
cách diễu cợt như ta thường thấy trên báo chí, sách vở. Tuy theo đạo
Công Giáo, nhiều người Cù Lao Giêng vẫn kiêng sợ các cây to, rậm rạp vì
tin rằng nơi đó có ma quỷ ẩn nấp, ngự trị. Một bữa kia, Cụ Trùm Xưa lật
đật đi về phía nhà tôi, lớn tiếng gọi mẹ tôi từ đàng xa: “Con vợ thằng Tư đâu rồi?” Mẹ tôi chạy ra chào ông thì ông chỉ tay về phía con đường lớn dẫn ra đồng ruộng và nói: “Mày ra ngay ngoài đó kêu thằng Tư về kẻo con quỷ một giò vặn cổ nó bây giờ!”
Mẹ con tôi đi theo hướng ông chỉ thì thấy bố tôi đang hì hục cắt dọn
một cành cây gáo khá lớn bị gió đánh gãy trong đêm trước. Nó nằm chắn
ngang con đường nhưng không ai dám dọn vì sợ con quỷ một giò. Thậm chí
xe trâu đi qua đó cũng phải quành xuống ruộng để tránh cành gáo. Bố tôi
thì không tin dị đoan như vậy nên sẵn lòng dọn cành gáo gãy cho dân làng
ra ruộng thong thả. Dĩ nhiên không có con quỷ nào vặn cổ bố tôi hết.
Có một tục lệ ngày Tết tôi thấy lần đầu tiên ở Cù Lao Giêng, chứ
không thấy ở làng tôi ngoài Bắc. Đó là việc con cháu quỳ lạy ông bà, cha
mẹ ngày Mùng Một Tết để chúc tuổi. Mọi người hẳn lấy việc này làm quan
trọng lắm. Bằng cớ là hôm đó, khi bố mẹ tôi dẫn chúng tôi tới thăm để
chúc tết Hai Bác Năm thì thấy anh Hai Liêm đi ra, mặt mày buồn bã, dường
như anh đang khóc. Anh kể cho bố tôi hay rằng vì anh có nói điều gì đó
làm phiền lòng Bác Năm Gái nên bữa nay Mùng Một Tết Bác Năm Trai cấm
không cho anh lạy hai bác. Bố tôi bảo anh đi theo trở lại nhà Bác Năm.
Sau khi chúc tuổi hai bác, bố tôi xin hai bác tha lỗi cho anh Hai Liêm
và cho anh lạy nhưng Bác Trai không chịu. Bố tôi năn nỉ mãi và anh Hai
Liêm cũng khóc lóc xin tha tội một hồi thì Bác Trai mới nguôi giận, ngồi
xuống ghế để cho anh lạy chúc tuổi.
Tuy cùng là người Việt Nam nhưng ngôn ngữ Nam, Bắc cũng có lắm bất đồng. Có những bất đồng vô thưởng, vô phạt như người Bắc nói “gọi”, người Nam nói “kêu”.
Bắc nói “ngô”, Nam nói “bắp”.
Bắc “gầy”, Nam “ốm”.
Bắc “ốm”, Nam “bịnh” v.v.
Nhưng cũng có những bất đồng gây hiểu lầm. Em Liên tôi lúc đó được hai
tuổi, bụ bẫm, xinh xắn, nói chuyện bi bô. Một bà hàng xóm Miền Nam trầm
trồ: “Con nhỏ ngộ quá!” Mẹ tôi xụ mặt vì “ngộ” trong ngôn ngữ của chúng tôi gần đồng nghĩa với điên hay ít nhất cũng dở người, như trong câu: “Học quá hoá ngộ”
nói về những người học giỏi rồi sau bị điên loạn hoặc tâm lý bất bình
thường. Còn lá mơ, thứ rau thơm không thể thiếu của món gỏi cá và nhiều
món ăn truyền thống Bắc Kỳ thì lại bị người Miền Nam gọi là lá thúi địt.
Rồi chúng tôi đi học, thày không gọi chúng tôi bằng em hay con mà gọi
bằng “trò”. Lạ lùng hơn nữa là chính học sinh cũng gọi nhau bằng trò. Thí dụ: “Trò Huy, trò cho tôi mượn cục gôm một chút”. Hoặc mách thày: “Thưa thày, Trò Cúc vảy mực vào tập của em.”
Đó là những kỷ niệm vui về Cù Lao Giêng. Tôi không nhớ một kỷ niệm cá
nhân nào thật buồn về Cù Lao Giêng, ngoài việc chúng tôi phải đột ngột
ra đi vì có những xô xát đáng tiếc giữa một số người Bắc “chống cộng triệt để”
và một số người Miền Nam bị tố cáo là cộng sản, đưa tới án mạng. Dù vậy
tình cảm của chúng tôi dành cho Cù Lao Giêng và của Cù Lao Giêng dành
cho chúng tôi vẫn không suy giảm.
Thật vậy, chỉ mấy tháng sau ngày 30/4/1975, trong lúc người dân Miền
Nam còn đang bàng hoàng trước cảnh nước mất, nhà tan, tương lai mù mịt,
thì một người đàn ông Miền Nam trạc tuổi bố tôi tìm đường đến nhà chúng
tôi ở Thủ Đức. Lúc đó bố mẹ tôi và gia đình đều ở trên rẫy tại Ngã Ba
Ông Đồn, Xuân Lộc, Long Khánh, chỉ có tôi và cô em gái ở lại Thủ Đức giữ
nhà. Ông tự giới thiệu là người Cù Lao Giêng, ghé thăm “…để coi anh Tư có bằng an không…” vì nghe tin đồn cộng sản sẽ trả thù người Bắc di cư. Khi biết gia đình tôi bằng an và bố tôi không phải đi “học tập cải tạo”
vì nghỉ hưu đã lâu, ông tươi hẳn nét mặt rồi tự động tiến đến bàn thờ
thắp nến cảm tạ Chúa. Ông ở lại ăn cơm chiều với chúng tôi, tự nhiên,
thật thà, vui vẻ, khiến tôi nhớ lại kỷ niệm với cụ Trùm Xưa hơn hai mươi
năm về trước. Buổi tối, ông gọi chúng tôi vào đọc kinh. Ông xướng kinh
rồi lần chuỗi Môi Khôi sốt sắng. Hôm đó là lần đầu tiên sau hơn hai mươi
năm chúng tôi được nghe lại giọng đọc kinh Lạy Nữ Vương trầm bổng, ngân
nga của người Cù Lao Giêng. Sáng dậy, ông từ biệt ra đi, về lại Cù Lao
Giêng … “để cho bà con hay anh Tư bằng an, mạnh giỏi…”
Bây giờ hồi tưởng lại, tôi biết nhiều người Cù Lao Giêng thật nghèo,
cuộc sống thanh bạch, ăn uống đạm bạc. Tôi nhớ vào mùa khô, Bác Năm tôi
ăn cơm thường chỉ có chút cá kho mặn, ít khi có chén canh. Có lần tôi
thấy bác múc nước lạnh ngoài lu xối vào cơm, nuốt ào cho xong bữa. Rau
thì phần lớn là để ăn sống mà thôi, ít khi luộc, xào hoặc nấu canh. Ăn
cơm với mấy lát dưa hấu chấm muối cũng là chuyện thường. Còn vấn đề vệ
sinh và sức khoẻ thì rất thiếu kém. Gần như không nhà nào có cầu tiêu
riêng. Mọi người đều dùng các cầu tiêu bắc trên sông rạch. Rồi mọi người
lại tắm trên dòng sông đó và gánh nước từ sông về dùng. Họ lại không có
thói quen đun nước sôi để uống. Thực ra, có muốn nấu nước hàng ngày
cũng không đủ củi mà nấu. Nghèo vậy mà người Cù Lao Giêng vẫn hào hiệp,
bao dung vì bao dung, hào hiệp là bản chất của họ.
Cám ơn Cù Lao Giêng!
Và xin cám ơn toàn thể Miền Nam bằng mấy vần thơ mộc mạc sau đây:
Tạ Ơn
Tạ Ơn buổi mới gặp nhau
Vòng tay thân ái ngày đầu di cư.
Tạ Ơn những tấm lá dừa
Giúp nhau che đỡ nắng mưa thuở nào.
Tạ Ơn tiếng gọi, câu chào:
“Anh Tư”, “Chị Bảy”, ngọt ngào, thân thương.
Tạ Ơn tiếng lạ sân trường:
“Trò Huy”, “Trò Cúc” chưa từng quen tai.
Tạ Ơn lu nước nhà ai,
Gáo dừa bên cạnh, đặt ngoài dậu xanh.
Tạ Ơn trời đẹp nắng hanh,
Cơn giông bỗng tới rung cành, xoài rơi.
Lượm xoài vui lắm, ai ơi,
Chạy quanh, “xí”, chụp, mồ hôi đầm đìa.
Tạ Ơn những buổi trưa hè,
Tắm sông vùng vẫy, cành me nhảy ùm.
Tạ Ơn rau muống xanh um,
Nồi canh đọt bố phủ trùm riêu cua.
Tạ Ơn ngày mót lúa mùa,
Những người thợ gặt cố chừa nhiều bông.
Lúa thơm đeo nặng bên hông;
Nồi cơm gạo mới hương nồng bay xa.
Tạ Ơn tiếng nhạc, lời ca,
Thắm tình ruột thịt, một nhà Việt Nam.
Ơn sâu ghi khắc trong tâm:
Người Nam quảng đại, trực tâm, hiền hoà.
Dù nay muôn dặm cách xa,
Nhớ hoài “Nam Bộ” thiệt thà, dễ thương!
Sarasota, Florida, ngày 20 tháng 6 năm 2020
Vũ Linh Huy
cám ơn ai đã hiểu được người Miền Nam
ReplyDeleteHTL