Hình minh họa
Ngay
từ đầu tiệm đã không có bảng hiệu gì, mấy chục năm sau cũng không một chữ,
nhưng người ta vẫn tìm được bánh mì cô Vẹn ở góc ngã ba Cây Bàng, vì khách xúm
đông. Lại có một cách định vị khác, “thấy tiệm nào có bà già tóc trắng như đội bông
bắc cái ghế ngồi đằng trước, cứ ghé là ngay chóc”. Nghe có vẻ đó là một tượng
đá dính cứng vào vỉa hè.
Nhưng
bà già đâu ngồi nín thinh như đá. Tay lúc nào cũng nhúc nhắc cây quạt, ở cái tuổi
tám mươi, ánh mắt vẫn nhảy múa khi cười. Lá bàng chưa rơi tới đất bà đã chực sẵn
để lượm rồi, khách vừa trờ tới, bà kêu luôn, “hai ổ xíu mại không bì nhiều ớt”,
rồi day qua hỏi anh chàng vừa tắt máy xe, “má bây còn đắp thuốc đầu gối
không?”. Hai bên cũng không phải họ hàng gì, chỉ là mua bánh mì tiệm bà miết rồi
quen, thuộc cả nết ăn, gia cảnh.
Những
người đứng coi tiệm thay cho bà già cảm thấy việc giao lưu với thực khách mới
khó, nhất là khi làm không kịp thở, hơi đâu mà đưa chuyện. Những thứ thuộc về
“kỹ thuật” như ướp tỏi qua đêm cho thịt ngon, khìa nước dừa cứng cạy cho màu đẹp,
nướng bánh mì sao cho đừng quá lửa, làm dưa chua giòn mà không cậy phụ gia độc
hại cũng đâu phức tạp mấy. Nhưng bà già bảo, coi khách như người nhà cũng là một
thứ hương vị đặc biệt mà không phải tiệm bánh mì nào cũng có. Nói vậy thì nghe
vậy, ai dám cãi với người gần sáu mươi năm bán bánh mì kẹp thịt, tiếng ngon đồn
xa đến tận quận Mười Ba.
Mà
mấy chữ “coi khách như người nhà”, bao gồm cả việc làm sao cho món ăn sạch sẽ,
bổ khỏe, thơm ngon. “Đâu phải họ ít tiền thì phải ăn những thứ mạt hạng”, bà
già thường nói (và làm) vậy. Giữ tiệm mấy chục năm không điều tiếng, thực khách
phần đông là học trò, dân lao động, buôn gánh bán bưng. Họ là người dưng, vẫn
được trao cho ổ bánh thơm hệt như ổ dành cho con cháu trong nhà.
Vách
nhà vẫn còn treo hình cô Vẹn hồi năm hai mươi sáu tuổi, tay nách một đứa con, một
đứa khác đứng bên chân, tay níu ống quần mẹ. Ba má con mặt hơi căng thẳng, chụp
cho có để gửi vô khám cho anh chồng lông bông coi. Nhập băng rải truyền đơn, chọi
gạch quân cảnh cho vui, chồng xộ khám nửa năm, nhìn hình vợ con có chút bồi hồi.
Ngoài ổ bánh mì gởi kèm theo tấm hình, còn có lá thơ, vợ biên rằng, “Tôi mở tiệm
bánh mì được chừng chục bữa nay. Bán đồ ăn được cái là lỡ ế thì nhai trừ cơm,
không sợ đói. Mình ở trong đó khỏi lo”. Thật ra, anh chồng cũng đâu có lo, bởi
anh ham chơi ít để ý chuyện trong nhà. Ngồi tù chỉ nghĩ coi làm gì cho vui, khi
hết hạn. Anh càng yên chí hơn khi ngốn hết ổ bánh mì kẹp thịt vợ gởi vô, lạnh
nguội rồi mà vẫn ngon lành, lúc còn nóng chắc hớp hồn người ta phải biết.
Lúc
chồng được thả, đến ông xe kéo chở anh về cũng biết tiệm cô Vẹn, dứt khoát
không lấy tiền bởi “bà nhà anh đã từng cho tôi ăn thiếu hai cái bánh mì, giờ
coi như huề”. Anh chồng về hỏi vợ, cô Vẹn hơi lơ mơ chẳng nhớ, chừng như từng
cho nợ rất nhiều người, họ trả cũng được, không thì chẳng sao.
Không
biết có phải vì bà chủ rộng lòng, mà tiệm bánh mì cô Vẹn đứng vững bao nhiêu
mùa bàng thay lá, bao biến cố ngoài đời lẫn trong nhà, con trai đi du học mọc rễ
bên Tây, con gái thất tình tự tử may sao không chết, cả khi ông chồng lén vét
tiền vàng đi vượt biên cùng nhân tình, biệt tích. Tiệm bánh đi qua bao chính biến,
chứng kiến cuộc đổi cờ tốn xương máu. Chính thể thay đổi không làm bánh mì cô Vẹn
mất ngon.
Tháng
Hai năm rồi, có ông già đeo túi bao tử xệ hông tìm tới tiệm bánh mì, hỏi cô Vẹn
còn nhớ đây không, hồi bảy lăm đây từ Phước Long chạy về, cởi đồ lính mà không
có gì thay, đó ngoắc vô cho đây bộ đồ Tây, còn dúi thêm ổ bánh mì qua cơn đói”.
Cô Vẹn tám mươi vén tóc vành tai nói, “ờ, tình cảnh tới nông nỗi vậy mà còn
khen tui đẹp, chồng không thương uổng quá”. Ông già cười rung hàng răng giả, thấy
cuộc đời không đến nỗi tệ với mình. Vượt biển tha hương mấy chục năm, về như kẻ
lạ, chỉ có bà chủ tiệm bánh mì vẫn quen thuộc như thường, như mới hôm qua, vẫn
lấy tiền ổ bánh kẹp thịt đúng giá, tuyệt không nhận thêm đồng nào, dù năn nỉ mấy,
“coi như trả tiền bộ đồ hồi ấy”.
Ông
chủ tiệm sách cũ kế bên thấy vậy, nói vói qua, “Thôi bạn hiền ơi, cô Vẹn chảnh
nào giờ”. Sẵn vui miệng kể luôn, đận bảy lăm ông đội tai bèo về tiếp quản Sài
Gòn, ghé qua lộn hết mấy túi vét tiền kêu dồn nửa ký thịt khìa vô ổ bánh mì, ăn
cho đã cơn thèm. Cười ngất, cô Vẹn chiều ý anh lính vàng da vì sốt rét, trao
cái bánh mì đầy vun nhưng chỉ lấy đúng hai xu, như ổ thường năm bảy lát thịt. Hỏi
cô chủ buổi loạn lạc vầy không sợ cướp bóc sao mà buôn bán tỉnh trân, cô cười,
“bánh mì mà bị cướp cũng là để no bụng người ta, chớ mất đi đâu”.
Nhiều
người vẫn nhớ tuổi ăn tuổi lớn của mình trùng với thời kỳ đất nước khó khăn.
Sáng lót lòng không khoai luộc ở nhà thì chỉ có chút tiền còm mua ổ bánh mì
chan nước sốt, xịt thêm ít xì dầu. Món ăn đơn giản, nhưng bánh ở tiệm cô Vẹn vẫn
ngon hơn chỗ khác. Sau này mới biết cô cho vào nước sốt ít thịt băm nhỏ, nghĩa
là thêm chút dinh dưỡng cho lũ học trò nghèo.
Nhưng
chưa bao giờ cô Vẹn nói mình làm phước cho ai, con cháu cũng được dặn hoài, “tiệm
mình sống được là nhờ ơn khách”. Nên nước sốt cà phải làm từ cà chua, chứ không
phải pha bột với phẩm màu. Bì tự làm ở nhà, không phải lấy bì chợ không nguồn gốc.
Anh cháu ngoại cô Vẹn, có lần mua thịt chợ chiều cho rẻ, bị rầy nhức xương.
Anh
chàng từng làm công chức ngành văn hóa bốn năm rưỡi, một bữa kêu nghỉ, về quản
lý tiệm bánh mì. Hỏi lý do thì chỉ cười, “về nói tiếng mình”. Đi làm nhà nước
thì phải nói tiếng chim chắc, người nhà thắc mắc. Chỉ bà ngoại anh, tức cô Vẹn lẫy
lừng, nói gọn mỗi câu “mai thức sớm học ngoại nấu xíu mại”.
Tiệm
cô Vẹn truyền cho đời thứ ba. Anh chàng bỏ đời công chức chưa lâu, còn hăng,
hay sôi nước miếng bàn chuyện chính sự với cánh xe ôm chờ khách quanh đó, nào
là nước mình sắp vỡ nợ đến nơi rồi, tới đây ông nào lên, ông nào xuống. Bà già ngừng
quạt hỏi “nhà còn gạo không?”, rồi không chắc thằng cháu nhận ra mình cà khịa,
bà già nói thêm, “chuyện xuống lên của mấy ổng có làm hương vị bánh mì nhà mình
ngon hơn?”.
Với
bà già, hay thím bán hủ tiếu gõ bên kia đường, con nhỏ bán nước mía, mấy ông xe
ôm, những người luôn bị (hay được) gọi là dân đen, chuyện cờ hoa vô cùng xa lạ,
chẳng ăn nhập gì với đời mình. Vị trí bên lề, chưa chắc là do bị gạt ra, mà biết
đâu do chính người ta lựa chọn. Một thế đứng bình thản, không ngả theo gió nào,
không bị rủ rê lôi kéo. Kiếm tiền bằng công việc lương thiện, chỉ cần vậy thôi,
là đủ. Như cô Vẹn từng nói khi con trai muốn đón bà qua Tây ở cùng với nó, “Ở
đây còn nhiều người ưng bánh mì má làm, má ở lại”.
Nguyễn Ngọc Tư
Ôi .... Nguyễn Ngọc Tư ..
ReplyDeleteTôi " theo " cô gái này từ những truyện ngắn , truyện dài trong nước . Giờ lại " theo " ra đến tận trang báo nước ngoài . Rồi ước ao con mình ( cũng sinh năm 1976 , cũng quê gốc Cà Mau ) có được chút cái tính cách giống như ... con của người ta /
Viết văn mà cứ như nói chuyện khơi khơi , " trớt hướt " . Thế nhưng sâu lắng vô cùng .
Từ năm còn rất trẻ , chưa đến 30 , Ngọc Tư đã như một hiện tượng văn học miền Nam . Khen có chê có , tuy nhiên những điều này vẫn không làm suy giảm sức sống trong sáng tác của Cô .
Riêng tôi , cô vẫn là viên ngọc quý ...