Xa … xa lắm, mãi tận bên xứ Nhật Bản,
xưa có một chàng họa sĩ nghèo. Hôm đó họa sĩ đương ngồi buồn thiu trong
căn nhà nhỏ của chàng, chờ bữa ăn trưa. Người vú già đi chợ chưa về,
chàng lim dim ngồi đó, thở dài nghĩ đến những thức ăn mà người vú có thể
mua về. Chàng ngóng đợi từng phút từng giây bước chân hấp tấp của vú,
tưởng tượng vẻ khúm núm khi vú kính cẩn trình lên chủ những thứ mua về
đựng trong chiếc lẳng nhỏ, phải đảm đang lắm mới có thể với mấy xu tiền
chợ mà mua về ngần bao nhiêu thứ. Họa sĩ quả đã nghe thấy tiếng chân trở
về. Chàng nhỏm vội dậy. Chàng đói lắm rồi.
Nhưng sao vú lại e dè dừng bước trước cửa thế kia? Lẵng thức ăn đậy kín.
“Vào đi chứ, vú,” chàng nói lớn, “xem vú mua được những gì nào”.
Người vú run run, hai tay ôm
chặt lấy chiếc lẵng tre. “Bẩm cậu,” người vú nói, “cháu nghĩ rằng nhà
mình quạnh quẽ quá.” Những nét nhăn trên khuôn mặt già nua của vú vừa
phiền muộn, vừa thoáng vẻ cương quyết.
“Quạnh
quẽ!” họa sĩ nói, “thì tất nhiên là quạnh quẽ rồi! Vú bảo làm sao mà
khách khứa tấp nập vào ra nhà này được, chúng ta có gì đãi họ đâu? Ngay
như ta đây, đã từ lâu chẳng được nếm miếng bánh trôi bánh chay nào,
hương vị những thứ đó cơ hồ ta cũng quên phứt đi rồi!” Và họa sĩ lại thở
dài, bởi quả tình chàng thích những loại bánh chưng, bánh trôi, bánh
chay vô cùng. Ôi bánh chưng nhân đậu có mỡ ngậy, bánh trôi bánh chay
nhân đậu đường nhuyễn thả ngập trong màu chè đường đặc sánh và tinh
khiết. Chàng còn thích uống trà với vài người bạn thân, trà pha và rót
vào chén men sứ trắng phau, vừa thưởng thức trà vừa cùng bạn đàm đạo về
một cành đào hoa nở chẳng hạn, cành đào đẹp như một nàng công chúa khép
nép trong khuê phòng.
Nhưng
đã từ lâu rồi, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác chẳng
có ma nào tới mua cho một bức tranh nhỏ. Đã từ lâu rồi chàng họa sĩ
nghèo nàn cam phận với bát cơm hẩm ăn với chút tép kho, nhưng nếu cái
điệu chẳng ai tới ngó ngàng mua tranh này, còn kéo dài thì đến cơm hẩm
tép kho cũng chẳng có được nữa. Đôi mắt chàng trở về với chiếc lẵng xinh
còn đậy kín. Có thể là vú đã khéo thu xếp mua được một hay hai củ xu
hào cũng nên, biết đâu lại chẳng thêm cả một quả đào chín mọng.
“Bẩm cậu,” người vú vừa nương theo hướng nhìn của chủ vừa nói, “cháu lại còn nhớ hình như đêm đêm cứ bị thức giấc vì chuột.”
Nghe tới đó chàng họa sĩ bật tiếng cười lớn.
“Chuột?”
chàng nhắc lại khôi hài. “Chuột? Vú ơi, chuột nào mà đậu được ở cái nhà
quanh năm không có lấy một hạt cơm vãi trên chiếu?”
Và chàng chăm chú nhìn người vú, trí thoáng gợn nghi ngờ:
“Vú không mua gì ăn về thì phải!”. Chàng nói.
“Dạ!” người vú ngượng ngùng đáp.
“Và vú mua về con mèo thì phải.”
Người vú vội cúi thấp đầu hơn nữa khúm núm: “Bẩm cậu thực sáng suốt, cái gì cậu cũng biết!”
Tới
đó thì chàng họa sĩ dậm chân đánh rầm một cái. Rồi vừa vò đầu bứt tai
vừa đi đi lại lại trong phòng, chàng tưởng như mình chết đến nơi rồi,
vừa chết đói vừa chết tức.
“Mèo! Trời ơi, mèo!” – chàng nói như
hét – “vú mua mèo làm gì cơ chứ, vú điên sao? Mình chết đói đến nơi rồi,
vú biết đấy, vú lại đi rước con quỷ này về, rồi phải nuôi nó chứ, biết
đâu nó chẳng còn hút máu mình nữa. Phải rồi, đêm đến khi tôi sực dậy,
khi vú sực dậy đã thấy răng nó cắn ngập cuống họng mình, chỉ còn biết
nhìn vào đôi con mắt to bằng hai cái đèn lồng của nó, thật tuyệt! Ờ mà
có lẽ vú có lý! Nghèo khốn đến thế này thì thà chết quách cho xong, thây
cho con quỷ quặp lấy xác mình ta đi trên nóc nhà”.
“Bẩm
cậu” vú ngước đầu kêu lớn, “nhưng cũng có nhiều con mèo thật tốt. Bẩm
cậu, cậu quên rồi sao chuyện thằng nhỏ vẽ toàn mèo trên tấm bình phong
tại ngôi đền bỏ hoang nọ, rồi nó vào ngủ vùi trong căn phòng nhỏ, nửa
đêm phấp phỏng nghe như có tiếng mèo gào? Rồi sớm hôm sau tỉnh dậy nó
thấy xác một con chuột khổng lồ ở ngay trước bực cửa. Tất nhiên là con
chuột định đến ăn thịt nó. Bẩm cậu, ai đã giết con chuột khổng lồ đó?
Chính là những con mèo của chú bé, những con mà chú đã vẽ trên bình
phong chúng vẫn ngồi nguyên trên bình phong kia, nhưng móng vuốt đầy máu
me. Bẩm cậu, có nhiều mèo tốt lắm chứ!”
Nói tới đấy vú khóc nức nở, chàng họa
sĩ dừng lại, nhìn những giọt nước mắt chảy liên tiếp trên khuôn mặt nhăn
nheo của vú già. Sao chàng nỡ nổi đóa lên như vậy? Đâu phải là lần đầu
chàng bị đói!
“Thôi
được rồi, vú,” chàng nói, “đôi khi có một con quỷ trong nhà cũng là
điều hay, nó sẽ đuổi hết những con quỷ khác ra khỏi nhà. Rồi con mèo của
vú tất nhiên cũng muốn có cái ăn chứ, biết đâu nó lại chẳng run rủi cho
ta gặp vận kiếm được chút tiền. Phải, biết đâu! Mình đã khổ cực đến như
thế này, thì cũng chẳng thể khổ cực hơn được nữa.”
Người vú khúm núm cúi đầu cảm tạ.
“Thực cả vùng này hiếm có người nhân đức như chủ ta,” vú nói đoạn toan cắp chiếc lẵng còn đậy kín nắp xuống bếp.
Nhưng chàng họa sĩ làm hiệu cho vú dừng lại. Như mọi nghệ sĩ khác, chàng tò mò.
“Nào để ta xem con mèo ra sao nào”, chàng nói như thể rửng rưng xem hay không cũng được.
Người
vú vội đặt rổ xuống, khẽ nâng chiếc nắp lên. Thoạt không một chút động
tĩnh. Rồi một chiếc đầu … một chiếc đầu tròn, xinh lông trắng muốt từ từ
nhô khỏi miệng rổ tre, rồi hai con mắt ánh vàng mở lớn e dè nhình quanh
phòng, rồi một chiếc chân trắng muốt từ từ đặt lên miệng rổ. Rồi bỗng
nhiên cả con mèo xinh trắng muốt thoắt dời khỏi đáy lẵng nhảy lẹ lên
chiếu, cái lẵng không hề động đậy. Nó đứng đấy y hệt một người vẫn chưa
hề được biết là mình có được đón tiếp nồng hậu hay không. Bây giờ thì
mèo đã nhảy hẳn ra ngoài rồi, họa sĩ thấy hai bên sườn nó có những đốm
màu vàng, đuôi nó xinh như đuôi thỏ mà dáng dấp thì rất mực tao nhã.
“Trời
ơi, một con mèo tam thể”, chàng reo vui “sao vú không nói ngay với tôi
từ đầu? Nhà có được con mèo tam thể như thế này là hên lắm đó”.
Họa
sĩ vừa dứt lời, con mèo như hiểu ý, nó tiến lên, tới trước chàng, hơi
cúi chiếc đầu xinh xuống như để cảm ơn chàng, trong khi người vú già vỗ
tay vì vui mừng. Chàng họa sĩ quên khuấy rằng mình đói, đã lâu lắm chàng
có gặp được cảnh nào đáng yêu vừa ý như vậy đâu.
“Hààà..
phải đặt cho nó một cái tên chứ”, chàng vừa nói vừa ngồi xuống manh
chiếu cũ trong khi con mèo đứng nghiêm trang trước chàng. “Xem nào, nó
trắng như tuyết mới rơi, lại lốm đốm điểm vàng, điểm nâu cánh gián; nó
như bông hoa trắng tinh hàm tiếu lại có hai loại bướm vừa đậu xuống; nó
như …”
Tới đây chàng họa sĩ ngừng lại, vì tiếng gù gù của con mèo ấm cúng như tiếng nước sôi trên bếp lửa chuẩn bị pha trà.
“Thật
tuyệt!” Họa sĩ thốt khẽ. “Thế này còn hơn cơm hơn gạo nhiều”. Rồi chàng
nói với người vú già, “Nhà ta trước đây quả là quạnh quẽ thật, vú nói
đúng”.
“Bẩm
cậu thứ lỗi cho”, người vú nói, “cậu nghĩ sao cháu xin đề nghị đặt tên
nó là con Tài Lộc?”. Tài Lộc, dù sao thì cái tên đó cũng nhắc nhở dùm
họa sĩ bao nỗi đắng cay hiện tại của chàng.
“Thôi
cũng được”, chàng nói, rồi đứng dậy thắt lại dải lưng cho chặt hơn
quanh chiếc bụng lép kẹp, “nhưng bây giờ vú hãy mang nó xuống bếp ngay
đi”. Chàng vừa dứt lời, con mèo đã đứng dậy theo vú ra khỏi phòng, bước
nó đi vừa nhẹ nhàng vừa nhẫn nhục khiêm tốn làm sao!
BÀI HÁT CỦA NGƯỜI VÚ GIÀ
Xá chi nghèo túng già nua,
Xá chi mái tóc bạc phơ trên đầu.
Xá chi áo vải rách nhàu,
Xá chi giải lụa phai màu xác xơ.
Thần Tài Lộc vẫn chưa gõ cửa,
Khách khứa còn vắng vẻ nơi xa.
Không tiệc sớm, không trà trưa,
Nhện buồn mặc nhện trăng tơ giăng mành.
Riêng ta vẫn vui cùng chủ cũ,
Đầu ngẩng cao, lòng nhủ lòng hay:
Tài danh lồng lộng xưa nay,
Thân hèn rồi cũng thơm lây ngại gì.
BỨC HỌA
Sáng hôm sau họa sĩ thấy con mèo nằm cuộn tròn như trái banh trên chiếc đệm nhỏ của chàng.
“À,
ta biết, chỗ nằm êm nhất đó!” chàng nói. Con mèo – con Tài Lộc – lập
tức đứng dậy, đi ra nơi khác tự lau chùi mặt mũi cẩn thận và khéo léo vô
cùng. Khi người vú già đi chợ về, bắt đầu nhóm lửa nấu bữa ăn còm, Tài
Lộc cũng không hề tiến tới gần, mặc dầu tia nhìn nó đôi lần có lãng đãng
hướng về đấy, và hai hàng ria mép mướt như tơ của nó run rẩy vì đói.
Cũng là vô tình nó có mặt đúng lúc người vú già bưng chiếc bàn gỗ vuông
có chân thấp lên nhà đặt trước chủ. Rồi vú bưng lên bát cháo cá – có
trời biết vú đã khéo ăn khéo nói thế nào để có thể xoay xở mua được cá
nấu cháo như vậy – nhưng kìa con Tài Lộc lại biết hướng tia nhìn sang
phía khác.
Họa
sĩ rất hài lòng, chàng nói với vú: “Hình như con mèo cũng hiểu rằng
nhìn người khác ăn là một thái độ vô lễ nên tránh. Nó được dạy dỗ đúng
cách lắm. Vú mua của ai vậy?”
“Bẩm
cậu cháu mua của một người đánh cá ở chợ,” người vú đáp. “Nó là con đầu
lứa. Bẩm cậu cũng biết đấy, không một ngư nhân nào rong buồm ra khơi
đánh cá mà không mang theo một con mèo trên thuyền để nó xua đi những tà
ma hải quái.”
“Chà,
tà ma hải quái với mèo là bà con thân thuộc với nhau, vú biết không,”
họa sĩ nói, “tà ma hải quái không lập úp thuyền là vì thương con mèo chứ
không phải vì sợ nó.”
Vú không cãi lại, vú biết phận lắm. Tài Lộc thì vẫn ngồi ngay gần đấy quay mặt vào tường.
Húp thêm một, hai ngụm cháo nữa, họa sĩ nói với người vú già:
“Lát nữa khi vú mang cơm lên cho tôi, vú làm ơn mang cho Tài Lộc một bát, tội nghiệp chắc nó đói lắm rồi đấy vú ạ.”
Khi
vú đã mang bát cơm lên cho mèo, khi đã được chủ chính thức gọi, Tài Lộc
mới thôi quay mặt về phía bên tường mà thủng thỉnh tới ngồi bên chủ. Nó
không hối hả vục miệng xuống ăn. Trái lại nó ăn nhỏ nhẻ, giữ cho cằm
không bị dính cơm. Và mặc dầu nó đói lắm, nó vẫn chỉ ăn có nửa phần, nửa
phần còn lại để dành cho ngày hôm sau, tựa hồ nó cũng biết hết sức
tránh để khỏi là một gánh nặng cho người chủ nghèo.
Cứ
như vậy ngày lại ngày trôi qua. Một buổi sáng họa sĩ quỳ trầm tĩnh trên
chiếc nệm nhỏ và vẽ những bức họa xinh thiệt là đẹp: khi thì là những
chàng dũng sĩ đeo hai gươm; khi là những kiều nữ đương quấn mớ tóc mây;
khi là mấy ông thần gió đương phùng mang trợn mép thổi; khi lại là mấy
chú thỏ xinh chạy dưới ánh trăng hoặc mấy chú chồn mập thù lù tự vỗ lên
bụng như vỗ lên trống. Vẫn chẳng có ai tới mua tranh cho chàng.
Trong
khi chàng làm việc như vậy thì vú già đi chợ, tiêu pha hết sức tần tiện
với số tiền nhỏ nhoi còn lại, rồi làm cơm, giặt gịa, lau chùi, và khâu
mạng để áo quần họ mặc, nhà cửa họ ở bớt vẻ tả tơi chừng nào hay chừng
nấy. Con Tài Lộc tự biết chẳng thể giúp chủ được gì về những việc ấy nên
ngồi lặng thinh sưởi nắng, cố ăn ít chừng nào hay chừng nấy, và rất
nhiều khi nó ngồi hằng giờ trước tượng Phật đặt trên một cái kệ thấp gần
đấy.
“Bẩm cậu, con miu đang niệm Phật,” vú nói bằng một giọng cảm mến.
“Nó
đương rình bắt ruồi đấy,” họa sĩ nói. “Vú có vẻ đặt quá nhiều tin tưởng
vào con mèo tam thể của vú.” Ý chừng chàng họa sĩ trong thâm tâm cảm
thấy hơi ngượng vì dạo này quả tình chàng rất ít niệm Phật. Đời sống có
thư thái gì đâu.
Nhưng
tới một ngày kia chàng phải buộc lòng công nhận con Tài Lộc quả không
giống những con mèo khác. Hôm đó chàng đương ngồi trong căn phòng riêng
của chàng, ngắm lũ chim sẻ bay ra bay vô từ một bụi hoa gần đấy. Bỗng
chàng thấy con Tài Lộc tự một khoảng tối vụt nhảy tới, chụp được một con
chim. Trong một giây đồng hồ đôi cánh nâu, chiếc đầu có chấm đen, đôi
chân mảnh mai, đôi mắt ráo rác bị chụp gọn giữa hai chân mèo. Họa sĩ có
thể vỗ tay ra hiệu bắt con mèo tha con chim nhưng chàng chưa kịp làm một
cử động nhỏ nào, chàng đã thấy vẻ lưỡng lự của con mèo. Rồi từ từ, rất
từ từ, nó nhấc một chân lên, rồi nhấc nốt chân kia nữa. Thoát nạn, con
chim không hề bị thương vỗ cánh, thoạt lao đao một chút, rồi vút lên
cao.
“Thật
là nhân đức!”. Họa sĩ thốt lên như vậy và cảm thấy lệ rưng rưng lên
mắt. Chàng hiểu là con miu đói lắm, chàng còn lạ gì cảnh đói nữa. “Ta
thật tự lấy làm xấu hổ trước đây đã gọi nó là con quỷ”, chàng nghĩ vậy.
“Nó thật còn nhân đức hơn một vị hòa thượng nữa.”
Chính ngay vào lúc đó vú già rón rén vào, khuôn mặt cố kìm giữ một niềm vui kích thích.
“Bẩm
cậu!” vú lắp bắp nói. “Bẩm cậu vị hòa thượng chủ trì ở chùa lớn đợi cậu
tại phòng bên. Người nói người muốn gặp cậu ngay. Trời ơi, cậu có thể
đoán được người đến đây tìm gặp để làm gì không?"
"Vị
hòa thượng tự chùa tới đây tìm tôi?” họa sĩ nhắc vậy còn không tin là
mình đã nghe đúng, bởi hòa thượng là một nhân vật vô cùng quan trọng,
người làm gì có thì giờ đi thăm những loại nghệ sĩ nghèo chẳng ai buồn
để ý tới như chàng. Khi thấy vú gật đầu lia lịa tới đó chàng cũng cảm
thấy bị kích thích như vú vậy. Chàng phải cố giữ cho bình tĩnh.
“Phải
đi mau, vú!” chàng thốt lên. “Phải đi mau, mua trà và bánh ngọt,” và
chàng trao cho vú vật có giá cuối cùng mà chàng còn giữ được, đó là
chiếc bình cổ chàng vẫn dùng để cắm một cành hoa trang điểm cho căn
phòng. Dù sau đây căn phòng riêng của chàng có bị trần trụi cũng không
sao; quý khách giáng lâm tất phải được tiếp đón nồng hậu. Chàng tự trách
đã để hòa thượng phải ngồi chờ chàng, dù chỉ một phút. Chàng tự trách
đã không biết trước để ra đón người tự ngoài cổng vào. Khi chàng vội vã
bước ra, chàng cũng không chú ý đến con Tài Lộc có giụi đầu vào gót chân
chàng tỏ vẻ sung sướng.
Tại
phòng bên vị hòa thượng đã ngồi đợi kia, vẻ lim dim như đang tham
thiền. Họa sĩ cúi đầu kính cẩn chào và đợi người chú ý tới. Thực là cả
một thế kỷ chờ đợi với chàng lúc đó cho tới khi vị hòa thượng từ từ
ngẩng đầu lên, nhìn chàng với đôi mắt xa xôi của người. Họa sĩ cúi chào
một lần nữa và kính cẩn thưa đây là một điều vô cùng vinh hạnh cho chàng
được hòa thượng chiếu cố tới nhà.
Vị hòa thượng vào đề tức khắc:
“Chúng
tôi cần một bức họa cho ngôi chùa của chúng tôi,” người nói, “một bức
họa vẽ đức Phật lúc Người tịch diệt. Chúng tôi đã bàn về cách lựa chọn
họa sĩ và đã đồng ý viết tên từng họa sĩ trên từng mảnh giấy nhỏ rồi bầy
hết trên bàn thờ chính điện. Sớm hôm sau gió đã lùa quét hết những mảnh
giấy khác trừ mảnh giấy có ghi tên họa sĩ. Như vậy tôn ý đức Như Lai đã
rõ. Chúng tôi lại cũng được biết đôi chút về hoàn cảnh hiện thời của
họa sĩ nên có mang theo đây ít tiền đặt trước để họa sĩ khỏi phải lo
lắng về vấn đề sinh kế trong khi vào việc. Mặt hồ có trong hình ảnh phản
chiếu mới diễm lệ. Nếu họa sĩ thành công trong việc này, đó là điều
chúng tôi kỳ vọng, họa sĩ sẽ giầu sang mấy hồi, bởi khi đã được chùa ta
thẩm định giá trị, thì cả tỉnh sẽ nô nức thẩm định theo.” Nói đoạn vị
hòa thượng rút bên mình ra một bọc tiền.
Họa
sĩ cũng không nhớ là sau đó chàng đã cám ơn vị hòa thượng thế nào, đã
mời vị hòa thượng dùng trà, dùng bánh ra sao, đã cúi chào tiễn biệt vị
hòa thượng khả kính bên khung cửa hẹp của nhà mình ra sao. Dầu sao thì
đây cũng là dịp giàu sang, danh vọng đến gõ cửa nhà chàng. Đẹp như một
giấc mộng đẹp! Nhưng vì sao đức Như Lai lại chọn chàng kia chứ? Dạo này
trái tim nặng u sầu lo lắng, chàng có mấy khi chú ý tới việc cầu nguyện,
vú già cũng vậy, vú bận tối tăm mặt mũi suốt ngày mà. Không lẽ chính
con Tài Lộc đã nguyện Phật cho chàng? Chàng e ngại đây chỉ là giấc Nam
Kha bất bình, và khi bừng con mắt dậy lại thấy mình tay không thôi. Có
lẽ chàng sẽ còn chìm trong giấc mơ suy tư lo lắng đó mãi nếu không có
thứ tiếng chi là lạ nổi lên thức tỉnh chàng.
Không
phải chỉ có một mà là hai thứ tiếng lạ, thiệt lạ, họa sĩ chưa hề bao
giờ nghe thấy. Rất đỗi ngạc nhiên, họa sĩ lần mò xuống bếp xem đó là hai
thứ tiếng gì. Tới nơi thì Trời Phật ơi, đó là vú già và con Tài Lộc,
một thì đương khóc vì sung sướng, một thì kêu gù gù vì sung sướng, và
thực khó mà biết rằng giữa hai kẻ đó, kẻ nào làm rộn lớn hơn kẻ nào.
Họa
sĩ bỗng cất tiếng cười lớn, không phải tiếng cười tủi thân giận đời
thường có trước đây, mà là tiếng cười giống như tiếng cười của một chàng
trai mới lớn, yêu đời, tin đời. Rồi họa sĩ ôm cả hai lên tay. Thế là
trong gian bếp nghèo của chàng lúc đó có ba loại tiếng động hòa hợp với
nhau để bày tỏ niềm vui.
THAM THIỀN
Sớm
hôm sau, trước khi vừng đông ló rạng, vú già đã trở dậy quét dọn cửa
nhà. Vú giặt giũ lau chùi cẩn thận đến nỗi những chiếc chiếu trông láng
tựa đồ cũ bằng bạc và các đồ gỗ thì bóng như được mạ lướt bằng vàng.
Trong khi đó chàng họa sĩ cũng đã y phục chỉnh tề, tóc chải mượt để tới
quỳ niệm trước tượng Phật. Tới nơi chàng thấy con Tài Lộc đã ở đó rồi,
vẻ rất sùng kính, thấy chủ tới nó vội né sang một bên. Thế là cả hai
thày trò cùng ngồi niệm Phật. Họa sĩ giơ cao hai cánh tay, đôi khi hai
bàn tay vỗ khẽ vào nhau như để xá tạ một lần cuối rồi sang phòng bên
ngồi xếp bằng tròn trên chiếc nệm nhỏ. Chưa bao giờ chàng cảm thấy mình
sung sướng như vậy.
Ngày
hôm nay chàng sửa soạn vẽ đức Thế Tôn lúc Ngài nhập diệt. Bức họa sẽ
được treo tại chùa làng để đời con, đời cháu, đời chắt, đời chút chàng
được ngắm. Vinh hạnh biết bao! Tuy nhiên trước mặt chàng vẫn chưa hề có
một cuộn lụa, một thỏi sơn, một chiếc bút lông, một bình nước suối trong
mát. Chưa, chưa cần những thứ đó vội, chàng cần phải tìm hiểu cuộc đời
thâm diệu của đức Như Lai đã, nhiên hậu mới có thể ca ngợi Người trên
lụa.
Thoạt
tiên họa sĩ tưởng nhới tới Người khi còn là thái tử Tất Đạt Đa sống
trên nhung dưới lụa trong cung, kẻ hầu người hạ tấp nập tưng bừng. Chàng
nhớ lại Người đã thắng oanh liệt các tình địch ra sao trong cuộc thi
tài cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm để chiếm trái tim công chúa Da Du Đà
La, trang tuyệt thế giai nhân con gái tiểu vương Thiện Giác. Và ngay
trong phút chiến thắng đó, họa sĩ hiểu lắm, thái tử cũng không hề để
lòng gợn một chút tự kiêu, khinh khi các tình địch chiến bại của mình.
Thái tử quả là hiện thân của ý chí dũng mãnh, của Trí-huệ sáng suốt, của
Từ-bi rộng lớn. Đó, tất cả những điều trên họa sĩ suy ngẫm ngày đầu.
Sang
ngày thứ hai họa sĩ tưởng nhớ lại thái tử đã cảm thương cho chúng sinh
bị khu bách trong sinh, lão, bệnh, tử ra sao, người đã giã biệt vợ con,
từ bỏ cuộc đời vương giả phù du, một mình lên đường đi tìm tình yêu
trường cửu cho cả nhân loại như thế nào.
Sang
ngày thứ ba họa sĩ ngồi tham thiền tưởng nhớ lại tất cả những nỗi gian
lao thái tử đã trải trong những ngày khất thực tìm đạo giải thoát cho
nhân loại khổ đau. Sau cùng nguồn trí huệ sáng láng đã tới với Người,
giúp Người đạt được niềm yên bình vĩnh cửu. Người trở thành Phật, đấng
Sáng Suốt, đấng Toàn Tri Toàn Năng.
Chàng
họa sĩ mệt lắm rồi. Chàng đã cố gắng sống lại cả một cuộc đời kỳ diệu
trong ba ngày. Nhưng cũng vì vậy mà chàng thâm cảm được lúc sắp nhập
diệt khuôn mặt đấng Từ Bi ra sao. Khuôn mặt Người hẳn là cao quý và
cương nghị như khuôn mặt của một ông hoàng. Khuôn mặt Người hẳn cũng
đượm niềm xót thương lũ chúng sinh còn trong bể khổ. Và đồng thời gương
mặt người hẳn cũng tỏa ra một niềm thanh tịnh an lành.
Tìm
hiểu tới đấy chàng hoàn toàn kiệt lực. Mắt nhắm nghiền, chàng ngủ liền
hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Thức giấc, chàng kêu mang lại nào bút lông,
nào mực, nào nước suối và một cuộn lụa. Ngay đầu cuộn lụa chàng vẽ hình
đức Phật nằm nghiêng trên giường, nét vẽ sắc lẹ và vững chắc.
Mấy
ngày kế tiếp chàng vẽ các thiên thần, sơn thần, thủy thần, thổ thần
cùng các đệ tử của đức Phật đến kính viếng trước khi Người nhập Niết
bàn. Hết thần và người, chàng họa sĩ bắt đầu vẽ tới các loài cầm thú.
Chúng cũng trên đường tới chào vĩnh biệt đức Phật tổ.
Chàng
nhớ thuở sinh thời đức Phật, Người thương mến những vật hèn mọn biết là
chừng nào. Nghĩ đến những con ốc sên mà chàng đã có dịp ngắm chúng đi,
chiếc sừng xinh, chiếc vỏ ốc tròn, thân hình như chiếc lá lợt ướt, chúng
sống thẹn thùng e lệ nhưng đầy thiện chí, chàng bèn nhúng bút vào bình
nước suối, quệt mực, và vẽ một con ốc sên. Kế đến chàng nghĩ về con voi
thân hình to lớn, dũng mãnh và khôn ngoan. Chàng nhớ voi rất được tôn
trọng và là biểu tượng cho vương quyền tại Ấn Độ, quê hương đức Như Lai.
Thế là chàng lại cầm bút tẩm mực vẽ hình con bạch tượng rất là uy nghi,
đôi mắt nhỏ và hiền, đôi tai lớn với những đường gân hồng.
Những
ngày kế tiếp chàng vẽ rất nhiều các giống vật khác. Chàng vẽ con ngựa
cao quý và can trường với con bạch nga đẹp như mộng, con trâu trung hậu
và tự trọng với con chó trung thành; cứ như vậy tới khắp các giống vật
trên trần gian. Mỗi lần họa sĩ vẽ xong một con vật nào, con Tài Lộc,
luôn luôn ngồi yên lặng sát đấy, lại ren rén bước lên chăm chú ngắm
nghía rồi kính cẩn quay nhìn chàng như muốn nói, “Chao ôi, chủ nhân ngài
thực là một đại nghệ sĩ.” Nó như lại thở dài với niềm lo âu biết rằng
chủ nhân rồi có vẽ mèo giữa các giống vật khác?
TÁC PHẨM CỦA TÌNH THƯƠNG
Tới
ngày kia họa sĩ ngồi trên nệm, tri lự bị giằng co bởi một vấn đề nan
giải nhất tự trước đến nay. Vẻ nhũn nhặn của con ốc sên, sức lực và trí
khôn cao quý của con voi, đức can trường của con ngựa, vẻ đẹp của con
bạch nga, sức dẻo dai của con trâu, sự trung thành của con chó, và đức
rộng lượng của con nai, tất cả đều dễ dàng giải thích trước đây chúng có
thể đã phục vụ đức Phật tổ ra sao, hoặc ngay cả ở một tiền kiếp nào,
Ngài đã từng sống dưới những hình thức đó. Với chim gõ kiến, thỏ rừng,
ngỗng, dê, đười ươi cũng vậy chúng đều là những con vật vô hại; ngay cả
sư tử cũng chỉ bắt con giống khi đói lòng thôi, có bao giờ sư tử lấy
giết tróc làm thú tiêu khiển đâu.
Nhưng
họa sĩ lại biết rằng cả con hổ cũng đến chào vĩnh biệt đức Phật và cũng
được Phật độ. Sao có thể thế được nhỉ? Chàng nghĩ đến thái độ hung dữ
bạo tàn của loài hổ, chàng tưởng tượng chúng đương nằm dài dưới bóng
rừng loang lổ mắt rực tia lửa. Chúng là mối nguy cơ khoảng gần vùng
nước, chúng là quân sát nhân giữa vùng lau sậy. Đôi khi một con lần mò
về làng cõng đi một người đàn bà đương trên đường tới giếng kín nước.
Hoặc một con khác tới vồ người đàn ông đương làm đồng, tha đi đứa trẻ
nhỏ đương chơi đất trước cửa nhà mình.
Còn gì ở một con vật như vậy mà Phật độ?
Lâu,
lâu lắm họa sĩ ngồi trầm tư, và sau cùng chàng nhớ ra rằng con hổ vốn
vô cùng tận tụy với “bạn đường”, với con thỏ; nó dám đương đầu với bất
cứ điều dị thường nào, trong trường hợp những thân tình đó gặp cơn nguy
biến. Chàng nghĩ: “Đó chính là con đường hẹp đưa hổ tới đức Phật. Có thể
có hung hãn trong thương yêu, và thương yêu trong hung hãn”.
Chính
vì chàng đã mở rộng ý nghĩ để đi sâu vào thế giới Yêu Thương (và ngay
loài hổ cũng có yêu thương) mà chàng bỗng sực nhớ ra một điều từ trước
tới nay vẫn quên. Trong trí chàng lúc đó hiển hiện cảnh thái tử Tất đạt
đa lúc thí võ để đoạt nàng Da Du Đà La. Trong cuộc thi tài với các hoàng
tử tình địch khác thái tử đã trương cánh cung bằng đồng đen nặng lắm ở
đền Simbahanou mà không ai trương nổi; thái tử đã cưỡi được con ngựa ô
long hung hãn mà không ai trị nổi; thái tử đã lẹ đưa một đường kiếm tiện
phẳng cả hai thân cây cổ thụ mọc song đôi. Nàng Da Du Đà La lúc đó vẫn
ngồi nơi kiệu vàng để theo dõi thái tử, mặt nàng che một làn voan mỏng
có những vằn vàng vằn đen.
Sau
cùng đến lúc trao giải cho kẻ chiến thắng, Tiểu vương Thiện giác dẫn
thái tử Tất Đạt Đa tới bên con gái mình. Chính vào lúc đó thái tử ghé
bên tai nàng Da Du Đà La thì thầm: “Làn voan mỏng có vằn vàng vằn đen
của nàng đã giúp ta nhớ lại một thuở tiền kiếp xa xưa nàng là hổ cái, và
ta là hổ đực, ta cũng phải chiến thắng hết các tình địch như ngày hôm
nay mới chiếm đoạt được nàng.”
Thế
là trong muôn vàn kiếp tái sinh đức Phật đã hân hoan có lần được tái
sinh làm kiếp hổ, chứng tỏ rằng ngay trong kiếp sống man rợ đó vẫn có
một cái gì cao cả. Sau cuộc suy tư dài, họa sĩ bừng khám phá thấy vẻ đẹp
riêng tư của kiếp hổ, hung hãn đấy nhưng cũng đầy tận tụy hy sinh.
Chàng hoan hỉ chấm bút vào bình nước suối quệt mực và vẽ một con hổ trên
mặt lụa.
Như thường lệ con Tài Lộc lại ren rén tới. Khi nhận ra hình con hổ, toàn thân nó run lên bần bật, và nó nhìn họa sĩ.
“Bẩm
chủ nhân,” nó nhường như muốn nói với họa sĩ, “nếu đến như con hổ cũng
được lên đường tới chào vĩnh biệt đức Phật khi Ngài sắp nhập diệt thì
một con mèo nhỏ nhoi vô hại hẳn cũng sẽ được tới. Bẩm chủ nhân, con chắc
chắn là nó cũng được Phật độ mà nhập Niết bàn.”
Họa sĩ lộ vẻ buồn rầu vô cùng.
“Tài
Lộc, con” chàng vừa dịu dàng nói vừa ôm nó lên tay, “ta cũng muốn vẽ
một con mèo trong đám này lắm. Khổ thay tất cả mọi người đều biết là mặc
dầu mèo đáng yêu thật, nhưng nhiều khi mèo lại kiêu căng, tự mãn. Cả
muôn loài, riêng có mèo là không được Phật độ. Có lẽ điều đáng trách là
mèo hay làm bạn đồng hội đồng thuyền với những loại tinh ma quỷ quái.”
Tới
đó con Tài Lộc cứ giụi giụi chiếc đầu xinh của nó vào ngực họa sĩ, và
ai oán cất tiếng kêu meo meo y như đứa trẻ khóc. Họa sĩ cố dỗ dành nó,
rồi chàng gọi vú già lên.
“Vú
hãy mua riêng cho Tài Lộc một con cá thật ngon,” chàng nói với vú già.
“Và cho đến ngày bức họa được mang đi, vú đừng để nó lên đây nữa. Nó có
thể làm chúng ta tan nát cõi lòng.”
“A,
bẩm cậu cháu cũng sợ nó làm hư bức họa,” giọng vú đượm vẻ lo lắng. Vú
luôn luôn cảm thấy mình có trách nhiệm với con mèo đã mang về ngoài ý
muốn của chủ, huống chi tài lộc của chủ từ nay về sau đặt cả vào bức
tranh sẽ được ở chùa làng kia.
“Không
phải thế đâu vú ạ,” họa sĩ nói vậy rồi quay trở lại trầm tư. Trông
chàng mệt mỏi, kiệt sức nhưng cũng thật đẹp. Bức họa của chàng gần hoàn
tất rồi. Kia là hình đức Phật nằm dài lúc Người sắp nhập diệt, khuôn mặt
vương giả, mệt mỏi, xót thương. Kia là hình chư thần cùng những đệ tử
quây quần bên Phật; và kia là các giống vật. Cuộn lụa tưởng khó mà chứa
đủ ngần bấy nhiêu cuộc đời khác nhau; tất cả sùng kính ngưỡng vọng hướng
về đấng Đại Từ Đại Bi.
Nhưng
vẫn còn một vật bị khai trừ. Họa sĩ nghe tiếng “miu miu” yếu ớt từ bếp
vọng lên, và tiếng vú già đương cố dỗ dành con Tài Lộc ăn, nhưng vô
hiệu. Chàng hiểu tâm trạng con mèo lắm, nó thật dễ yêu, thật hiền dịu
nhưng vẫn mãi mãi bị thất sủng. Tất cả giống vật khác đều được Phật độ,
và nhập Niết bàn, trừ có mèo. Chàng cảm thấy nước mắt rưng rưng lên mi.
“Ta không thể nhẫn tâm như vậy được,” chàng tự nhủ. “Nếu chư vị đại đức khước từ bức tranh, ta chịu chết đói cũng chẳng sao.”
Chàng chọn chiếc bút lông tốt nhất, nhúng vào nước, lấy mực, và con mèo được vẽ sau hết các loài vật.
Chàng gọi vú già.
“Vú
hãy cho con Tài Lộc lên đây”, chàng nói. “Có thể chúng ta cam nhận thất
bại, nhưng ít nhất ta cũng làm cho con Tài Lộc được hài lòng.”
Cánh
cửa vừa được kéo mở, con Tài Lộc bước vào, nó chạy tới trước bức họa,
và nó nhìn, và nó ngắm tưởng như suốt đời chẳng bao giờ nó được nhìn
ngắm cho đã mắt như vậy. Rồi nó quay nhìn họa sĩ, ánh mắt biểu lộ niềm
tri ân vô bờ. Rồi nó khuỵu xuống chết tức khắc. Nó đã quá mãn nguyện
rồi, chẳng còn sống thêm một phút nào nữa.
BÀN TAY PHẬT
Sớm
hôm sau khi hay tin bức họa đã hoàn tất, vị trưởng lão hòa thượng tới.
Họa sĩ ra tận cửa đón chào rồi dẫn người vào xem bức họa. Hòa thượng
ngắm kỹ, lâu.
"Bức họa sao mà rực rỡ", người nói khẽ.
Khuôn mặt hòa thượng chợt nghiêm lại.
“Nhưng con vật nào họa sĩ vẽ sau rốt đây?” Người hỏi.
“Bạch hòa thượng đấy là con mèo,” họa sĩ đáp và cảm thấy lòng não nề tuyệt vọng.
“Họa
sĩ há không hiểu rằng mèo đã chống lại đức Thế Tôn”, giọng vị hòa
thượng càng trở nên nghiêm khắc, “không được Người độ và không thể nhập
Niết bàn?”
“Dạ, bạch hòa thượng con hiểu”, họa sĩ đáp.
“Ai
nấy hái lấy quả mà mình gieo nhân,” hòa thượng nói. “Con mèo phải gánh
lấy hậu quả bướng bỉnh của mình, cũng như họa sĩ giờ đây vậy. Bởi chung
con người không thể xóa bỏ những gì đã làm, nên ta muốn mang bức họa này
về để ngày mai công khai hỏa thiêu. Sẽ có bức họa của một họa sĩ khác
được treo trong chùa vậy.”
Cả ngày hôm đó vú già khóc trong bếp, vú cho rằng chính tại mình mang con mèo về mà sự nghiệp chủ sụp đổ như vậy.
Cả
ngày hôm đó họa sĩ ngồi trong phòng bên bụi hoa nở hồng và suy tư. Bức
họa đã được mang đi, mang theo một phần sự sống của chính chàng đặt vào
đó. Mai đây chư vị đại đức sẽ thiêu nó giữa sân chùa. Chắc chắn từ nay
sấp đi chẳng còn ai thèm bén mảng đến nhà chàng nữa. Tuy nhiên chàng
không hề hối tiếc về điều mình đã làm. Trong bao nhiêu ngày qua chàng đã
đắm hồn trong suy tư vẽ tình thương yêu cùng những gương hy sinh cao
cả. Hy sinh để con Tài Lộc có những giây phút chói sáng cuối cùng đó,
đâu có uổng!
Chàng
ngồi suốt đêm đôi mắt thức tỉnh như vậy. Vú già không dám tới ngắt
quãng dòng suy tư của chàng. Ánh bình minh lợt lạt đầu tiên đã lọt vào
phòng, gió rạng đông khua nhẹ bụi hoa bên cạnh. Một giờ sau chàng nghe
có tiếng ồn ào của dân chúng chạy về phía nhà chàng. Chư vị thượng tọa
tới vây quanh chàng, vị hòa thượng kéo tay áo chàng.
“Xin
họa sĩ hãy tới, hãy tới”, mọi người tiếp tục cùng nói. “Xin họa sĩ hãy
tới, thực là nhiệm mầu! Ôi lòng từ bi của đức Thế Tôn!”
Họa
sĩ theo họ, tâm hồn choáng váng, không kịp thở nữa, chẳng để ý gì quanh
mình trên đường tới chùa. Tiếng reo vui vang ầm bên tai, chàng liếc
thấy vú già cũng đã có mặt ở đấy, giây lưng còn sộc sệch, đám đông xung
quanh ai nấy há miệng ngạc nhiên. Bức tranh của chàng treo cao ngay
chính điện, đèn nến sáng trưng, hương trầm nghi ngút. Nét vẽ y nguyên
như cũ, ồ mà không … kia …
Họa sĩ bỗng quỳ xuống thốt lời kêu:
“Ôi lòng từ bi của đấng Chí tôn!”
Vì
chàng vừa nhận ra rằng khoảng lụa chàng vẽ con vật cuối cùng nay đã trở
lại nguyên màu lụa bạch cũ tưởng như nét bút lông chưa hề một lần chạm
tới. Còn hình đức Phật, hình đức Phật mà trước đây chàng vẽ nằm ngả trên
giường, hai tay khoanh lại trước ngực, thì nay một cánh tay Người duỗi
ra, và dưới bàn tay tế độ an lành, thanh tịnh của Người, hình con mèo
nhỏ khép nép quỳ, chiếc đầu trắng xinh hơi cúi xuống trong một niềm sùng
kính hân hoan.
Tác giả: Elizabeth Coatsworth • Dịch giả: Doãn Quốc Sỹ)
câu chuyện thật li kì và cảm động ... , nhưng không thấy nói vị hòa thượng này lấy tiền ở đâu ra nhiều thế...
ReplyDeleteYou không biết sao ? Hoà thượng thiếu gì tiền 🙏🙏🙏🙏
Delete