Hình minh họa
Nghe nói ngày trước, khi tuyển một khóa sinh Không Quân, ngoài phần khám y khoa, còn có mục khảo sát về thẩm mỹ ngoại hình. Chẳng biết tin này có thiệt hay không, nhưng năm 1969 không còn thấy áp dụng nữa.
KQ
lúc này không còn ròng rã là những đấng hào hoa đẹp trai, mà đã lẫn lộn
vào đó là vài khuôn mặt không mấy rạng rỡ. Nhân cơ hội này, Tú, Lương
và tôi đã trà trộn vào thành phần “Thượng lưu của quân đội”.
Diễn
tả lại dung mạo của thằng Tú, không gì điển hình hơn là nhắc lại câu
nói của niên trưởng ngày huấn nhục ở Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang:
-Không hiểu ban tuyển mộ KQ mù cả hay sao mà ông lại lọt được vào đây!
Thật
ra thằng Tú không đến nỗi xấu, nó chỉ bị rỗ hoa, miệng lúc nào cũng toe
ra cười như cái loa của Tổng Lãnh Thiên thần Mi ca e. Nó nhỏ con nhưng
có đặc tính là hễ giận ai thì hay nói:
-Ông vặn cổ mày bây giờ.
Hỗn danh nó là thằng Hố Lai, tuy nhà nó ở Sài Gòn.
Phần
tôi không biết căn cứ vào sách tướng số nào, mà thằng Tú nói tôi là
thằng lừa thầy phản bạn, tiểu nhân và ra đời đụng đâu thua đó. Thằng
Lương thì ngược lại, nó to con, da ngăm đen và có gương mặt rất nông dân
chân chính, nên bọn tôi gọi nó là Võ Tòng Sát Tẩu. Con gái nhìn thấy nó
cứ phải len lén quay đi chỗ khác, vì sợ nó tán nhầm.
Ba đứa chúng tôi thi nhau làm lung lay cái huyền thoại hào hoa của quân
chủng. Nhập khóa 69A ở Nha Trang, Lương lớn nhất nên được tôn là sư
huynh. Có một niên trưởng rất hắc ám tên là Thái hay phạt thậm vô lý nên
Lương ra lệnh cho tụi tôi:
-Tao đặt tên cho thằng Thái là Dúi, nhưng tụi mày chỉ nên kêu nó là Dúi thôi chứ kêu Thái Dúi, nó biết nó phạt cho thì toé khói.
Tính
Lương rất vui, một bữa kia nó thấy thằng Liên đang lau súng để gác đặc
công gài chất nổ trong barrack (chắc mọi người còn nhớ năm 1969 VC đã
dùng plastic nổ doanh trại Trường HSQ Đồng đế làm chết rất nhiều khóa
sinh) nó đến gần nhỏ nhẹ hỏi:
-Ê Leng, ke đẹ leng béng nghe bèng bèng hỉ”
(Ê Liên, cây đại liên bắn nghe bằng bằng hả)
Liên gốc người Quảng Nam nên nổi tam bành, xách súng đuổi Lương chạy vòng vòng trong barrack, miệng liên tục chửi:
-Tau béng xí mẹ thèng Béc Kỳ.
(Hình như nó nói: Tao bắn thấy mẹ thằng Bắc Kỳ) làm náo loạn cả Phi đội.
Mãn
khóa quân sự trở về Tân Sơn Nhất (TSN), thi xếp lớp Anh ngữ, Lương học
lớp 1100, tức lớp Anh ngữ vỡ lòng. Tôi rất ngạc nhiên vì trước khi sang
KQ, Lương đã là Trung sĩ Thông Dịch Viên, nhưng nó tâm sự:
-Làm
Thông Dịch Viên dễ hơn là học Anh Văn để du học. Hồi tao đi theo toán
Dân Sự Vụ vô làng nọ để khám bệnh, phát thuốc cho dân chúng, có một bà
khai bị bịnh mất ngủ, tao không biết dịch thế nào, nghĩ mãi mới ra câu;
“Xi nô xì líp. Xi nít áp bờ rin.” Không biết thằng cha BS Mỹ có hiểu tao
nói “She no sleep. She need apirin” không mà nó cũng phát cho bà ta một
bốc thuốc.
Thấm
thoát mấy tháng ở trường Sinh ngữ cũng qua mau, cả ba thằng chúng tôi
lại gặp nhau ở Lackland, San Antonio, Texas. Không biết thằng Lương kiếm
ở đâu ra mà nhiều “bùa” lắm. Hôm trước khi thi test, nó mò xuống phòng
tôi rồi bảo:
-Mày nhớ kỹ câu này “Có con chó cái cắn bạn đau chẳng ai đền. Bốn anh công an đi bên đường đỡ cho bạn”.
Tôi cũng chưa hiểu công dụng của lá bùa thì nó giải thích thêm:
-Cứ
theo mẫu tự câu bùa mà khoanh vào. Có con chó cái nghĩa là bốn câu đầu
là c, c, c và c; cắn bạn đau chẳng ai đền là c, b, d, c, a và d.
Quả thật bùa của nó rất linh, hôm đó tôi được 20/20.
Lương
xuống BX (Base Exchange) mua sắm, nó muốn mua một bộ đồ ngủ để mặc buổi
tối. Ông nông dân này muốn đóng vai phú hộ trưởng giả ngày xưa. Nó ôm
về một bịch ni-lông trên đó đề rõ ràng chữ Pijama, nhưng mở ra thì cái
quần cụt ngang đầu gối và cái áo cổ trái tim!
Lương mặc vô trông rất cũn cỡn, nó chữa thẹn bằng câu khen: “Hết xẩy” rồi uốn éo đi tới đi lui như một tên GAY chính hiệu.
Đến
nay hơn 30 năm đã trôi qua mà tôi vẫn còn hình dung được cái dung nhan
Uất Trì Cung của nó rất tương phản với bộ đồ ngủ, mà tôi cứ ngờ ngợ là
dành cho đàn bà.
Lương
ở khu GOẠP trong căn cứ (WAF: Woman Air Force) nhưng hầu như tuần nào
nó cũng đón xe bus lên chỗ chúng tôi ở, những lúc này là lúc bạn bè tâm
sự nhiều nhất, và cũng là lúc nó chọc thằng Tú nhiều nhất. Nó hỏi:
-Ê Hố Lai (Hố Nai) nghe nói ông cố nội mày ở gần nhà bà hàng xóm ông thầy đồ phải không?
Thằng Tú không hiểu nó muốn nói gì, nhưng cũng vặn lại:
-Ừ rồi sao?
-Vậy
chắc mày rành điển tích lắm. Mày có biết ông Lê Quý Đôn than rằng “Phi
công nghèo lắm ai ơi. Áo thời thiếu nút quần thời thiếu lưng” không?
-Xạo vừa vừa thôi bố, thời đó làm gì đã có máy bay.
Lương gân cổ lên:
-Thằng
nhãi ranh, nói có sách mách có chứng đây này. Ông Lê Quý Đôn có nói:
Phi trí bất hưng. Phi công bất phú. Phi nông bất ổn. Phi thương bất hoạt
Phi công bất phú không phải lái máy bay nghèo mạt rệp là gì.
Thời
gian du học sung sướng trôi qua nhanh, chúng tôi đều tốt nghiệp rồi về
nước nhưng mỗi đứa một nơi. Lương ra Nha Trang lái A37; Tú lái trực
thăng ở Phù Cát còn tôi Biên Hòa. Hôm Lương về Sài Gòn rủ tôi xuống xứ
Bùi Thái thăm thằng Trinh, bạn cùng khóa 69A nhưng sau thiếu sức khỏe
phi hành nên đổi ra Bộ Binh. Lương nghe đồn là kế bên nhà Trinh có ông
bán bánh mì bị ma bắt. Câu chuyện thật hoang đường nhưng sự kiện thì rất
khó giải thích theo khoa học. Khi chúng tôi đến Bùi Thái thì ông bán
bánh mì vẫn còn nằm trong buồng, đầu tóc rụng trọc lóc.
Người
nhà kể trước đây ông vẫn lên chợ Thủ Đức lúc ba bốn giờ sáng lấy bánh
mì về bán rong. Hôm ấy như thường lệ ông chở một sọt đầy bánh mì đem về,
khi chạy ngang Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa thì có người gọi lại mua
cả sọt. Ông nhìn mặt quen quen nhưng không nhận ra là ai. Mừng vì hôm
nay được nghỉ sớm, ông ngủ một giấc nữa rồi ngồi dậy móc tiền ra đếm thì
hỡi ơi, toàn là tiền vàng mã, loại để cúng người chết. Lúc này ông mới
sực nhớ lại khuôn mặt người mua bánh lúc sớm, đúng y như bức tượng
Thương Tiếc mà ông vẫn thấy mỗi ngày khi chạy ngang qua nghĩa trang!
Ông Bánh Mì hồn phi phách lạc, ông ốm luôn và mấy hôm sau thì tóc rụng sạch.
Lương trầm ngâm nói:
-Nghĩa Trang Quân Đội linh lắm. Nếu có chết, tao thích nằm ở đó hơn là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Vài tuần sau trong lúc ngồi hớt tóc, tôi đọc báo thấy phân ưu kín cả
trang cuối, đọc kỹ thì ra đó là thằng Tú, vừa gãy cánh ở Phù Mỹ, Qui
Nhơn. Tôi lặng người, thương tiếc một đứa bạn thân vừa hy sinh cho dân
tộc.
Năm 1973 Lương đang bay A37 ở
Nha Trang thì chuyển về phi đoàn F5 Biên Hòa. Nó tâm sự là tuổi mình
cũng đã lớn, gia đình muốn nó “có nơi có chốn để gửi tấm thân”, nên lập
gia đình với một người mà Lương mô tả là hết xẩy.
Khoảng hơn năm sau, có đứa con trai đầu lòng nó khoe với tôi:
-Tao đặt tên con là Vũ, chữ vũ là mạnh, là mưa, là... nhiều nghĩa lắm.
Tôi chọc nó:
-Ừ “Vũ ỷ mạnh, Vũ ra Vũ múa. Vũ gặp mưa Vũ ướt hết lông”.
Lần
cuối cùng tôi gặp Lương ở quán cà phê của phi đoàn nó, hôm đó nó đang
trực hành quân. Tôi hẹn hai ngày nữa gặp nhau ở nhà Lương ngoài Tân Mai
nhậu chơi. Vài hôm sau, khoảng 5g chiều tôi từ Sài Gòn ra Biên Hòa, vừa
quẹo vào con hẻm nhỏ thì thấy chị của Lương. Tôi chưa kịp hỏi thì chị òa
lên khóc:
-Thằng Lương nó đi hai ngày rồi không về.
Tôi tưởng nó biệt phái vùng khác nên nói:
-Biệt phái ít ngày rồi về chứ có gì đâu mà khóc.
-Không phải cậu ạ. Người ta nói nó nhảy dù khi máy bay bị bắn rớt.
Đoán là đã có chuyện khẩn cấp nên tôi hỏi vài câu rồi vọt vô phi đoàn,
thấy Phi vụ lệnh có chiếc sẽ đi rescue chiếc F5 bị rớt tôi tình nguyện
đi liền. Khi chúng tôi đáp ở Bộ Tư Lệnh QĐIII để nhận tin tức của Quân
Báo, thì vị Thiếu tá Trưởng phòng nói:
-Thôi anh về đi. Tin nhận được là tụi Trung Đoàn 24 Chiến xa BV đã bắt được phi công rồi!
Tôi
trở về phi trường, lấy xe chạy ra nhà Lương thì chỉ gặp cô Mừng, cháu
gái của Lương đang coi nhà. Tôi cũng không biết báo tin thế nào cho ổn
nên xã giao vài câu rồi ra sạp báo đầu đường mua tờ Tuổi Ngọc, trở lại
đưa cho cô bé, trong đó có kẹp tờ giấy ghi vài dòng: “Cậu Lương đã bị VC
bắt. Báo cho ba má cháu biết”. Hôm ấy đứa con trai của Lương mới được
20 ngày.
Đời
phi công, có lẽ khổ tâm nhất là lúc đi báo cho thân nhân biết bạn bè
mình gẫy cánh. Có một lần tôi phải ra Biên Hòa báo tin là thi hài Đại úy
Hoài đã tìm thấy ở Hạ Lào. Tôi cứ đinh ninh rằng gia đình ông đã biết
Đại úy Hoài chết trước đó cả tuần lễ. Thực ra BTL/KQ chỉ báo là ông bị
mất tích vì chưa lấy được xác. Khi tôi báo tin xong, cô em gái Hoài la
lên:
-Má ơi, anh Hoài chết thật rồi.
Cô ngã ra bất tỉnh. Cả nhà vang tiếng khóc.
Khi
tôi đổi ra Phù Cát, nghe đồn là SĐ25BB có thấy một xác chết lâu ngày ở
trong rừng, còn mặc đồ bay, tôi cứ ngờ ngợ, không biết có phải là xác
của Lương không. Năm 1978 sau khi đi tù về, tôi bị quản chế nên thường
bị công an gọi tập trung lên Huyện, gặp một người trông quen lắm, anh ta
gọi tôi:
-Ê Toàn, tao là Hà Diên Tuynh bạn học ngày xưa đây. Có phải mày quen thân với thằng Lương lái F5 không?
Thì
ra trước đây tôi cũng tưởng thằng Tuynh đi BB tử trận ở Bù Na gần Đồng
Xoài. Tôi ngạc nhiên sao thằng này lại biết Lương. Nó kéo tôi ra xa xa
rồi kể:
-Tao
bị bắt làm tù binh rồi bị đưa ra Bắc, nhốt chung một chỗ với thằng
Lương lâu lắm. Khi biết nó là pilot, tao mới hỏi nó có biết mày không,
thì ra tụi mày là bạn cùng khóa. Thằng Lương gan cóc tía, mấy tay quản
giáo đì nó lắm vì nó là “Lãnh tụ” trong tù của bọn tao đó. Cũng vì vậy
mà hiện nay nó vẫn còn bị tù ngoài bắc đấy. Hôm tao về có ghé nhà nó đưa
thư. Tôi mừng khi nhận được tin này, nhưng cũng buồn cho số phận hẩm
hiu của Lương, sau bao nhiêu năm tù tội mà vẫn chưa được thả cho về.
Tỵ
nạn tại Mỹ, một lần trong giấc mơ tôi gặp lại Lương. Nó ôn chuyện cũ
với tôi, về những lần đánh xe tăng vào Mùa Hè Đỏ lửa, về chuyện nó ốp
thằng Trung (Nguyễn Thành Trung thả bom Dinh Độc Lập) khi bắt gặp thằng
này đi trượt patin ở Bình Triệu mà mặc đồ bay. Tôi mất liên lạc với gia
đình Lương đã lâu, nhưng vẫn mường tượng bạn mình đã chết trong tù. Tôi
mong mỏi có ngày nào đó được tin xác thực của Lương.
Vào
đầu tháng giêng năm 2004, Email của Khóa 69A có bản tin nói rằng ít
tháng trước khi mất nước, tại núi Bà Đen Tây Ninh, có một phi công trực
thăng thuộc khóa 69A đã cứu được Phan Huy Bách cùng khóa với mình (Bách
là con của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát) khi chiếc A37 bị bắn rơi và Bách
kịp bung dù. Còn hai phi công nữa cũng lái A37 thì bị VC bắt, trong đó
có Trần Văn Lương, tự Lương Răng Vàng.
Tôi
trả lời email trên là Lương Răng Vàng không rớt tại núi Bà Đen; Lương
cũng không còn lái A37 nữa mà vào năm 74 nó đang lái F5 và rớt khi đang
lái loại máy bay này, chứ không phải mãi đến năm 75 mới bị bắn rơi với
chiếc A37.
Ít
lâu sau, Nguyễn Tài Cơ cho tin đích xác: Lương đã chết trong một trại
tù miền bắc. Hoàng Gia Viễn bạn học cùng khóa T28 với Lương còn cho biết
chị Lương đang sống ở Washington và cho số phone để anh em liên lạc.
Cuối
cùng tôi đã liên lạc được với chị Lương. Hiện nay chị đang sống với
người em tại Seattle. Cháu Vũ đã học thành tài và đang làm việc ở
California. Chị cho tôi biết kể từ khi Lương bị bắt, gia đình không được
một tin tức gì, cho mãi đến sau ngày mất nước mới nhận được tin chồng
còn sống và bị giam ở ngoài bắc. Qua bao nhiêu khổ ải chị mới tìm ra chỗ
trại giam, lúc này Lương đã bị bịnh thật nặng, chỉ còn da bọc xương,
bạn bè phải cõng ra chỗ thăm nuôi. Trở về Sài Gòn, chị vội vã mua thuốc
men để ra thăm lần nữa, nhưng không kịp nữa rồi, có người được thả về
tới báo tin anh Lương đã nằm xuống vĩnh viễn ngay vào ngày kỷ niệm hôn
nhật của hai người, tại một vùng đất có tên là trại Đô Lương, Nghệ Tĩnh,
có ám số là AH 118 NT K2. Chị Lương đã nhiều lần cố gắng tìm hài cốt
của chồng nhưng chưa kết quả. Chị hy vọng một ngày rất gần sẽ kiếm được
mộ phần của chồng để di chuyển về miền Nam.
Vậy
là hơn 30 năm, chúng tôi đã nhận tin tức chính xác về Lương, đêm hôm đó
tôi ngủ mơ gặp lại nó đang đứng cười, không nhận ra hai đứa đang ở đâu,
nhưng cả hai đều vui vẻ lắm. Nơi cõi thiên thai nào đó có phải Lương
đang hài lòng vì cuối cùng, toàn thể các bạn đồng khóa cũng đã biết số
phận của Lương, tuy buồn thương nhưng cũng thật dũng cảm, một cánh đại
bàng đã gãy cánh nơi chiến trường, sa vào tay địch, vẫn ngửng cao đầu
lên đến ngày cuối của cuộc đời.
Lương,
anh hồn mày nơi vĩnh hằng xin về với chúng tao, cả khóa 69A họp mặt lần
thứ 40 kể từ ngày bọn mình quen nhau, để tưởng nhớ đến mày, thằng Tú,
thằng Toản, thằng Sương... và nhiều đứa bạn khác đã nằm xuống cho quê
hương mình. Bọn tao đã liên lạc được với gia đình mày. Xin chúc mừng con
mày, không hổ danh là con một phi công, cháu Vũ đã thành đạt nơi xứ
người, tiếng Anh hẳn là lưu loát không còn phải nói “Xi nô xì líp” như
mày ngày nọ. Vợ mày, chị Lương đã ở vậy thờ chồng nuôi con khôn lớn từ
ngày mày nằm xuống, cho dù lúc ấy tuổi mới ngoài hai mươi.
Hãy
cùng chúng tao cầu nguyện cho quê hương mình mau quang phục, để chúng
tao và những người thân của mày có dịp về lại Việt Nam, đón rước thi hài
đại bàng gãy cánh trở về, cùng với hài cốt của những đồng đội đã bị tứ
tán mọi nơi về an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội, nơi mày từng ao ước
được nằm bên cạnh những chiến hữu chung một màu cờ.
Phương Toàn
No comments:
Post a Comment