Tuesday, November 10, 2020

Bốn Mùa Nhân Sinh – LLTran


Theo dòng thời gian xuôi chảy là bốn mùa xuân hạ thu đông. Không gian chuyển mình theo bát tiết, lúc ấm lúc nóng; khi mát khi lạnh, cặp kè với thời gian. Đời sống con người dường như cũng “chia” theo từng mùa như thế.

Sách vở Á Đông chia cuộc sống thành bốn giai đoạn: sinh-lão-bệnh-tử. Tất nhiên vòng tròn sinh-lão-bệnh-tử không xuất hiện theo một thứ tự nào và chẳng phải ai cũng được trải nghiệm đủ bốn giai đoạn ấy. Có người vừa “sinh” đã đi thẳng một mạch đến “tử” vì tai nạn, chưa kịp đi qua giai đoạn “bệnh” hoặc “lão”. Cũng có kẻ thủng thẳng trải nghiệm cuộc đời theo đúng thứ tự sinh-lão-bệnh-tử và họ là những người may mắn theo nhân sinh quan Á Đông cổ truyền, quý tuổi thọ, xem việc sống lâu là phước hạnh.
Người phương Tây, theo sách vở về nhân sinh quan, cũng nhìn ngắm đời sống theo từng giai đoạn nhưng lại nhìn ngắm các giai đoạn ấy theo khía cạnh “phát triển” hoặc “thay đổi” [tâm thần] qua thời gian. Hình như có những tương đồng và cũng có những dị biệt giữa phương Đông và phương Tây: Thơ ấu (tương đương với “sinh”?) – trưởng (khôn lớn) – thành đạt – [suy] thoái. Giai đoạn nào con người cũng trải qua những kinh nghiệm vui / buồn, sướng / khổ, thay đổi cách sống để thích nghi với hoàn cảnh và được / mất những mối liên hệ thân tình. Những kinh nghiệm ấy giúp con người “phát triển” và “trưởng thành”.

Ở phương Tây, giai đoạn I là giai đoạn “bắt chước”: Hài nhi mới chào đời hoàn toàn lệ thuộc vào người chung quanh, chẳng thể tự làm bất cứ việc gì từ ăn uống đến bài tiết nên cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ. Trẻ em tự bẩm sinh đã biết nhìn ngó rồi bắt chước hành động của người chung quanh, tập nói, tập đi và bày tỏ ý muốn theo cung cách của người chung quanh. Sống với kẻ ăn to nói lớn, đứa trẻ cũng ăn to nói lớn; khi người chung quanh nhỏ nhẹ ngọt ngào trẻ em cũng nhẹ giọng. Ít ra là thủa “ban đầu”. Lớn hơn chút nữa, chơi đùa với bạn bè, đứa trẻ học thêm các thói quen khác, nhận ra như thế nào là “bình thường” theo tiêu chuẩn của cái xã hội nhỏ xíu quanh nó. Cách ăn, cách mặc, cách nói… phần lớn là hình ảnh của người chung quanh. Rất sớm, đứa trẻ nhận ra “tiêu chuẩn” sống và sinh hoạt theo các tiêu chuẩn ấy để hòa đồng và được “chấp nhận”. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

Tất nhiên là có những biệt lệ. Khi đứa trẻ không theo “khuôn phép”, có bậc cha mẹ chấp nhận sự “độc lập” [theo một giới hạn nào đó] và cho phép đứa trẻ phát triển theo cá tính; nhưng cũng có những phụ huynh không thuận lòng với sự “cứng đầu” của con em nên ra sức ép buộc và trừng phạt nó. Hệ quả là những đổ vỡ trong gia đình, mất mát tình cảm giữa những người thân.
Không được phát triển theo khuynh hướng “tự nhiên”, bị kiềm tỏa, đứa trẻ có thể không bao giờ ra khỏi giai đoạn “bắt chước”, chỉ biết làm theo và luôn cố gắng làm vui lòng người chung quanh để khỏi bị phiền trách. Tạm hiểu là cách sống cho người khác.

Bình thường, đứa trẻ ra khỏi giai đoạn I khi chấm dứt thủa dậy thì và bắt đầu trở thành người lớn. Đủ khả năng thực hiện điều ước muốn; biết thẩm định phải / trái, đúng / sai; chấp nhận những tiêu chuẩn thích hợp cho mình và chấp nhận cả những hệ quả đến từ việc làm của mình, có tinh thần trách nhiệm.

Giai đoạn II: tự khám phá

Khác với giai đoạn I khi ta học hỏi để thuận thảo, sống “theo dòng”; giai đoạn II là lúc tìm hiểu sự khác biệt giữa ‘ta’ và người chung quanh. Giai đoạn này là lúc bắt đầu tự quyết định, tự thử thách và tự thẩm định “cái tôi”.
Trong giai đoạn II, người trẻ “thử” nhiều thứ, từ việc sống riêng (rời gia đình vào học xá, ở chung với người lạ), kết bạn, lập chương trình đi chơi xa [mà không có cha mẹ quán sát], thử các món thức ăn, uống mới lạ, … ngay cả thử ma túy, rượu mạnh cho biết mùi!
Việc khám phá ấy đem lại những điều hay và cả những thứ tệ hại; người trẻ khôn ngoan [và may mắn] nhận biết và tiếp tục những điều ‘hay’; loại bỏ những thứ ‘dở’.

Giai đoạn II chấm dứt khi ta nhận biết sự giới hạn của mình. Giai đoạn này nằm trong lứa tuổi 20+ đến 30+. Người chấp nhận giới hạn hẳn sẽ an vui hơn so với kẻ tiếp tục ‘thử’, và ‘thách’ dù sau nhiều lần không thành công? Đại khái là ta chấp nhận có thiên tài âm nhạc, có tài năng thể thao, ca hát, nhảy múa… mà dù chịu huấn luyện cam khổ lâu dài đến đâu đi nữa ta cũng vẫn không thành công như Mozart, như Thái Thanh hoặc Mohammed Ali! Nhận biết như thế nên khi nấu nướng mãi vẫn không thành một ổ bánh ra hồn, ta hiên ngang ra phố khuân về một món vừa miệng thay vì hì hụi với nồi niêu soong chảo? Mua một dĩa hát để thả hồn theo tiếng hát, tiếng đàn thế chỗ cho những âm thanh chỏi tai mà người chung quanh phải thở dài, lắp ống nghe chịu đựng?!

Những người nhất định, lắc đầu không chịu thua, cho rằng cuộc đời không có giới hạn nên cứ tiếp tục thử. Như mấy tay đầu tư mãi mà chưa giàu sau vài chục năm thử việc. Như người mơ thành minh tinh, tiếp tục “thử” đóng phim, vai trẻ rồi vai già mà vẫn chưa kiếm được vai phụ nào… Đây là những người dậm chân tại chỗ trong giai đoạn II, không… chịu trưởng thành và được gọi là người gặp căn bệnh “Peter Pan Syndrome”, trẻ mãi không [chịu] già, tìm mãi mà vẫn chưa thấy, chưa biết “ta là ai”?!

Cuộc đời ngắn ngủi, không phải giấc mơ nào cũng hiện thực. Tuy nhiên, điều có thể thực hiện được không có nghĩa là ta nên tiêu xài thời giờ vào việc ấy. Ưa thích cá nhân nào đó không có nghĩa là ta muốn bầu bạn, song đôi với họ. Khi hiểu được sự giới hạn của mình, ta sẽ tiêu xài thời gian vào những thứ quan trọng, đáng kể đối với mình và bỏ qua những thứ khác. Sự lựa chọn của ta sẽ kỹ lưỡng và chính xác hơn. Món quà nào [của đời sống] cũng có giá phải trả, tinh thần hoặc vật chất, đôi khi cả hai.

Giai đoạn III: Thời điểm của cam kết, nguyện ước hay “commitment”

Sau khi con người đi hết quãng đường “tìm kiếm”, thám hiểm và nhận ra giới hạn cá nhân hoặc nhận ra cái giá phải trả của mỗi hành động, mỗi khám phá thì sẽ đến giai đoạn tự “cam kết” hay tập trung, dồn nỗ lực vào các mục đích chính. Loại bỏ “bè”, những người tiêu xài hết năng lực của ta; chỉ giữ lại “bạn”, một vài người quý giá. Ngưng các hoạt động chẳng mang lại ích lợi, niềm vui nào cho tâm hồn. Bỏ rơi những viễn mơ xa cũ không bao giờ hiện thực. Từ đó, tập trung vào các hoạt động đã thành công mỹ mãn và các hoạt động giúp ta thăng hoa. Đây là lúc con người thực sự đóng góp với xã hội.

Giai đoạn III là lúc con người phát huy hết tiềm năng, đóng góp với gia đình, xã hội và để lại tên tuổi, di sản tinh thần cũng như vật chất: Ta để lại [cho đời] những gì? Người chung quanh sẽ nhớ những gì [về ta]? Thanh danh hay ô danh?… Đây là cơ hội cho con người để lại một chút gì khác với lúc chào đời cho xã hội.

Giai đoạn III, kéo dài từ tuổi 30 cho đến khi hưu trí, chấm dứt khi con người đối diện với: 1) Cảm tưởng chẳng còn gì để ta có thể hoàn tất, 2) Cảm thấy mệt mỏi, già nua và chỉ muốn thong dong, thụ hưởng sự nhàn rỗi.
Những người không [chịu] già, bất kể tuổi tác, vẫn tiếp tục say mê theo đuổi các mục đích mới, cũ; luôn tìm kiếm những thứ “kế tiếp”. Khi con người vẫn cảm thấy “đói khát” với những ước vọng, vẫn cảm thấy chưa “đủ” là tự bỏ qua sự êm ả, bình yên của tuổi tác. Đây là nhóm người năng động trong tuổi 70-80.

Giai đoạn IV: Di sản

Vào giai đoạn IV, con người xem ra đã trải qua trên dưới nửa thế kỷ đầu tư vào công việc, vào các hoạt động được xem là quan trọng đối với cá nhân họ. Làm việc cật lực, kiếm ra tiền bạc, lập gia đình và có con cái, hoặc nổi tiếng về khía cạnh nào đó, và đến lúc rửa tay gác kiếm. Dừng tay vì sức khỏe không còn sung mãn hoặc hoàn cảnh không thuận lợi nữa để theo đuổi mục đích.
Giai đoạn này không còn là lúc tạo lập [di sản] mà là lúc tìm cách duy trì / để lại di sản ấy sau khi xuôi tay nhắm mắt. Những hoạt động này có thể giản dị như việc trợ giúp, chỉ dẫn những người con trưởng thành và “sống” qua sinh hoạt của con cái. Chuyển giao các chương trình nghiên cứu, làm ăn cho kẻ kế nghiệp…
Thời điểm này quan trọng về mặt tâm lý vì con người [âm thầm] nhận biết ai rồi cũng sẽ qua đời và việc sửa soạn tinh thần khiến ta bớt sợ hãi cái chết và bình an hơn.

Những nhà triết học, xã hội học, tâm lý học… mày mò mổ xẻ và tách rời các giai đoạn sống như thế để làm chi? Nôm na là để giúp con người hiểu biết, chấp nhận và tìm cách sống trọn vẹn với thời gian trong vùng không gian chung quanh, bạn ạ! Khi hiểu biết và chấp nhận những sự việc hiển nhiên, không thể trốn tránh giúp ta bình an hơn.

Giữa những giai đoạn nhân sinh là những khúc mắc trở ngại mà con người vượt thoát rồi phát triển. Ở giai đoạn II, ta vẫn còn muốn được xã hội chấp nhận nhưng sự chấp nhận ấy không còn quan trọng như trước. Ở giai đoạn III, ta vẫn tiếp tục “thử” nhưng thử thách không còn hấp dẫn, thu hút năng lực như việc hoàn tất ước nguyện. Mỗi giai đoạn là hình ảnh của việc sắp xếp lại mục đích sống; khi trải qua một giai đoạn, ta thường trải qua việc mất mát người quen biết, bạn bè và tình cảm. Khi ta và bạn bè trải qua cùng giai đoạn thì tình cảm có thể được duy trì nhưng khi kẻ đi người ở, ta qua giai đoạn III và bạn vẫn ở giai đoạn II thì khó lòng giữ được sự thân thiết cũ vì mỗi người đi theo một đời sống và mục đích khác nhau.

Sự “chuyển tiếp” được nói đến như một thành tựu lớn của đời sống; thực ra sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn nhân sinh thường bắt đầu từ những biến cố gây đau đớn, mất mát. Chết hụt. Ly dị. Mất người yêu thương. Đổ vỡ tình cảm. Các biến cố ấy khiến con người dừng chân, soi gương tự vấn và thẩm nghiệm chuyện cũ để nhận biết các thất bại cũng như những thành công & phước hạnh.
Việc chuyển tiếp sang một giai đoạn mới không dễ dàng và hiển nhiên, con người có thể dậm chân tại chỗ trong mỗi giai đoạn khi cảm thấy cá nhân mình “kém cỏi”.

Dậm chân tại chỗ ở giai đoạn I khi ta cảm thấy mình “dở” và khác biệt với người chung quanh; do đó thường cố gắng tỏ ra “hợp thời”, cố gắng bao nhiêu dường như cũng chưa đủ. Ở giai đoạn II, dấu hiệu của việc dậm chân tại chỗ thường là các nỗ lực làm thêm, mỗi ngày một nhiều, các công việc mới; bao nhiêu thứ mới lạ xem ra vẫn chưa đủ. Trong giai đoạn III, con người chưa “chín mùi” vì vẫn cảm thấy chưa đóng góp đủ với gia đình xã hội, chưa gây được ‘tiếng vang’ ước muốn. Cuối cùng, trong giai đoạn IV, cảm nghĩ chưa duy trì đủ di sản để lại cho con cháu, xã hội thúc đẩy con người tiếp tục xông pha, hoạt động dù tuổi trời đã cao và thân xác đã mòn mỏi.
Chữ “túc” xem ra là biểu tượng quan trọng nhất, giúp con người vượt thoát các luẩn quẩn giữa những giai đoạn nhân sinh?

Nhìn chung, đời sống tiếp tục luân lưu, con người tuần tự trải nghiệm các giai đoạn nhân sinh khác nhau; khi biết “đủ” và chấp nhận những giới hạn cá nhân, con người thụ hưởng các món quà của đời sống một cách dễ dàng, bình an hơn!?

* The Denial of Death by Ernest Becker.

No comments:

Post a Comment