Tuesday, November 24, 2020

Đói - Nguyễn Văn Tới

Trại súc vật, nơi mà tất cả mọi “con vật” đều đói bình đẳng. 
Ảnh internet

Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh. 

Tôi mua dự trữ rất nhiều từ các trang mạng như Walmart, Costco và chất đầy trong nhà. Khi đi công tác hải ngoại trong thời gian lâu ở các trại lính, tôi cũng cẩn thận lấy thêm nước chai và những thực phẩm để được lâu như protein-bars và cất chúng riêng trong phòng ngủ, đề phòng nếu có bất cứ điều gì xảy ra hay trại bị tấn công thì tôi không phải bị đói trong cơn loạn lạc. Bạn bè thường nói đùa, nếu thiên tai xảy ra, cứ chạy đến nhà tôi thì không lo đói.

Tôi vốn bị ám ảnh bởi cái đói triền miên, cái đói dai dẳng trong những năm tháng còn ở Việt Nam trong chế độ “thiên đường cộng sản” mà mọi người dân đều có quyền đói bình đẳng như nhau, chỉ quan chức cộng sản và gia đình họ là không được đói nghèo như nhân dân, cho dù ý nghĩa của chữ cộng sản mọi sự đều là của chung. Nhưng cái đói nghèo luôn thuộc về nhân dân làm chủ, trong khi giàu sang no ấm lại thuộc về những “đầy tớ” của nhân dân là những ông bà quan lớn nhà nước cộng sản.

Mỗi năm vào những ngày cuối Thu, khi những cơn gió len lỏi qua các khe núi, thổi xuống vùng thung lũng cùng với những trận mưa phùn mang theo không khí se se lạnh tràn về, báo cho tôi biết ngày Thanksgiving lại một lần nữa đang trở lại. Trong bầu không khí rộn ràng chuẩn bị mùa lễ hội, những dịp họp mặt sum vầy gia đình, người ta đi mua sắm tấp nập, xe cộ chạy kín đường, các bãi đậu xe chật kín. Trong các chợ, thịt thà, rau quả chất cao, người ta xếp hàng dài trả tiền ở quầy với những xe đẩy đầy ắp.

Năm nào cũng thế,tôi có thói quen lái xe xuống phố khu trung tâm của thành phố tôi ở, đảo một vòng qua các ngã đường tìm kiếm những người không nhà, đói khổ, lạnh lẽo đang nằm co ro ở các góc đường hay công viên. Sau khi ước tính con số bao nhiêu người, tôi ghé tiệm McDonald hay BurgerKing mua đủ bấy nhiêu phần ăn và mua dư ra thêm vài phần để lỡ có thêm vài người bất hạnh nữa mà tôi đếm thiếu.

Tôi vòng xe lại, ghé từng chỗ, đến từng người mà tôi đã đếm, hỏi thăm họ vài câu và tặng họ một phần ăn. Có người rất mừng và cám ơn rối rít với cặp mắt biết ơn; có người nhận với thái độ dửng dưng, lừ đừ đưa cặp mắt nhìn tôi, không buồn phun ra một lời. Tôi không bao giờ giận họ, ngược lại còn có phần thông cảm vì tôi biết họ vẫn còn ngầy ngật, váng vất sau cơn say ma túy đá với cái tẩu thuốc bằng thủy tinh cáu bẩn nằm cạnh bên.

Sau khi làm xong nhiệm vụ, tôi thấy vui hơn một chút, lương tâm thanh thản nhẹ nhàng vì tôi vừa làm xong một việc mà tôi đã thầm tự hứa trước đây, lâu lắm rồi, trong những ngày đói khổ. Ngày đó, tôi đã tự nhủ nếu một ngày tôi không còn đói nữa, có chút của ăn của để, tôi sẽ cố gắng giúp không để người khác phải chịu cơn đói hành hạ như nó đã từng hành hạ mình trước đây.

Nước Mỹ với những tòa nhà chọc trời và văn minh nhất nhì thế giới, vẫn có người lang thang không có được một mái ấm, một nơi tựa đầu; một đất nước dư thừa thực phẩm, vẫn có những em nhỏ đi ngủ với cái bao tử trống không. Có người còn nói ở Mỹ, muốn chết đói còn khó hơn làm giàu, đủ biết lương thực ở Mỹ dồi dào và rẻ biết là dường nào. Tuy không có nạn đói, nhưng vẫn còn nhiều người đi ngủ với cái bụng đói như những người không nhà này.

Tuy đất nước này không hoàn hảo, nhưng là một nơi rất đáng sống, miền đất mơ ước của mọi người dân trên thế giới. Chính phủ vẫn có chương trình giúp đỡ người nghèo cho họ đủ ăn đủ mặc, nhưng vì lý do nào đó riêng tư, những người này không muốn vào những mái ấm được lập ra, họ thích được tự do trong cách sống phóng túng của họ, muốn “lên tiên” lúc nào thì lên mà không bị gò bó trong giờ giấc.

Ngày trước ở Việt Nam, sau năm 1975, toàn dân Việt Nam đói, đói trường kỳ, đói dai dẳng, và “đói bình đẳng”. Người ở ngoài xã hội đói vàng con mắt, người trong tù còn thê thảm hơn nhiều: Đói, hai con mắt lờ đờ, cổ họng khô đắng, người váng vất, bụng sôi òng ọc vì toàn nước; đói, người hầm hập như lên cơn sốt, rã rời nhấc chân không nổi.

Tôi cảm nghiệm được cái đói kinh khủng lắm, nó theo tôi vào cả trong giấc ngủ: Tôi hay mơ thấy được ăn cơm với thịt cá ê hề, khi no nê rồi, tôi bay là đà qua các đồng cỏ mênh mông, hoa vàng trải dài khắp thung lũng và lưng đồi. Nương theo gió, tôi lướt bay lên đỉnh núi cao, gió vù vù bên tai, cái lạnh thấm dần vào cơ thể cho đến khi quá lạnh chịu không nổi, tôi tỉnh giấc, thấy mình nằm cong queo và co quắp trền nền xi măng dơ bẩn với cái bao tử lép kẹp, tôi ước mình cứ tiếp tục mơ và đừng bao giờ thức dậy nữa.

Đa số người dân Việt Nam, ngoại trừ đám lãnh đạo, quan chức chính quyền và gia đình chúng, còn lại tất cả đều bị đói sau khi Việt cộng chiếm miền Nam. Người ở thành phố đói nhưng khác với cái đói của người dưới quê. Năm 1978, cả nước đang đói ăn thê thảm mà bọn lãnh đạo vẫn hô hào phấn đấu, vượt qua thời kỳ “quá đọi” để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Dân chúng ở thành thị “xếp hàng cả ngày”, XHCN, trộm cắp xảy ra khắp nơi, hở cái gì là mất cái đó. Ở quê thì mất gà, mất chó, mất mèo, và mất cả trâu bò. Trái mít còn non trên cây cũng bị hái, nải chuối xanh cũng không tha, đu đủ xanh thì phải lo hái xuống để làm gỏi còn hơn để chúng ăn.

Thời gian đó, nhà tôi có 6 công đất trồng khoai mì đang lớn, khoảng 2 tháng nữa thì nhổ được để ăn và bán. Đêm nào anh em tôi cũng thay phiên nhau lên rẫy ngủ để canh trộm, nếu không, chỉ sau một đêm, sẽ còn lại những thân cây mì nằm chỏng chơ trên mặt đất. Nạn nhổ trộm khoai xảy ra khắp nơi, không chỉ khoai, mà tất cả những nông phẩm nào ăn được, đều phải canh chừng, không thì khỏi ăn. Vì nạn đói, người ta không đi ăn trộm một mình mà tổ chức thành từng nhóm đi ăn trộm tập thể để nương tựa lẫn nhau nếu bị chủ vườn phát giác. Không một người chủ đất nào dám tấn công một đoàn người gầy gò, đói khát, không còn gì để mất.

Đêm đó, tôi phải xách mền mùng và cây rựa lên chòi canh trên rẫy không quên đem theo đèn pin và cái điếu cầy để hút thuốc lào. Trời vừa sập tối, tôi thả bộ ngang qua nghĩa địa làng, nhắm hướng rẫy mà đi. Trăng mờ mờ soi sáng những khu vườn khoai mì nối tiếp nhau không ngớt; xa xa tiếng côn trùng rỉ rả đơn điệu trong cảnh tranh tối tranh sáng của con đường mòn. Đi khoảng 20 phút tôi đến cái chòi nhỏ do tôi dựng sơ sài ở giữa vườn khoai mì.

Bật diêm thắp cái đèn hột vịt, bóng tôi soi lên vách, ánh sáng lờ mờ soi không rõ cái giường tre trong góc chòi và 1 cái ghế nhỏ dưới gầm. Đặt cái điếu cày dựa vào góc chòi, tôi bước ra ngoài với cây rựa và cái đèn pin, đi một vòng chung quanh rẫy khoai mì coi có gì bất thường xảy ra không. Trăng lưỡi liềm sắp lặn sau sau những rặng khoai mì xa xa. Tôi trở lại căn chòi, trải lại cái chiếu cũ trên tấm sạp tre, lấy cái mền vất lên đó, xong bắn một điếu thuốc lào thật say, xoay người thổi tắt ngọn đèn dầu. Bóng tối bao trùm căn phòng, chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm từ xa vọng lại.

Đang thiu thiu ngủ, tôi bỗng giật mình thức giấc vì hình như nghe thấy tiếng bừng bực của cây khoai mì bị bức gốc gần đây. Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy nghe ngóng và nhận ra có tiếng người xì xào theo gió xa đưa tới. Nhẹ nhàng xỏ đôi dép tổ ong vào chân, tôi với tay lấy cây rựa, bước ra khỏi chòi, khép cánh cửa lại. Tôi đi về phía có tiếng người xì xào to nhỏ và thấy một nhóm người tay cầm dao và bao tải đang chặt khoai mì bỏ vào bao.

Tôi vội khom người xuống, nửa bò nửa đi tiến lại gần thêm để coi cho rõ. Tôi ngồi im trong bóng đêm dày đặc, lặng lẽ quan sát và đánh giá tình hình. Biết không thể làm gì được bọn họ vì tôi chỉ có một mình. Tôi nảy ra ý định đi qua rẫy khác kiếm thêm “đồng minh” rồi mới tính tới được. Tôi từ từ thối lui, vẫn trong tư thế như cũ nhưng mắt vẫn dè chừng nhìn về phía đám người giờ đây vẫn hùng hục nhổ khoai mì. Thình lình tôi đụng phải một thân hình to lớn đứng lù lù chắn ngang lối đi. Tôi giật bắn cả người thì một giọng ồm ồm cất lên:

“Đi đâu mà sớn xác vậy cha nội?”.

Hoảng hốt và ngỡ ngàng, tôi chưa kịp trả lời thì giọng nói lại tiếp:

“Đi nhổ khoai mì hả? Nhóm nào vậy?”.

Tôi mượn gió bẻ măng:

“Ừ, tui cũng đi trộm khoai mì, mà đi một mình”.

“Vậy hả. Vô nhóm tụi tui đi cho vui. Nảy giờ tui mắc đi “thăm lăng bác” nên vô trễ.”

Nói xong, anh ta đẩy tôi đi trước về phía đám đông. Tôi đành phải giả bộ nhổ khoai mì như mọi người. Từ người đi canh trộm, giờ tôi trở thành kẻ trộm khoai mì của chính mình. Thật không có cảnh nào cười ra nước mắt bằng cảnh này. Anh bạn bất đắc dĩ hỏi sao đi mần ăn mà không đem bao tải theo lấy gì đựng. Tôi nói chỉ cần nhổ đủ ăn vài bữa thôi.

Tôi cứ nhổ cầm chừng, vừa nhổ vừa quan sát coi đám trộm khoai này làm ăn ra sao, chỉ sợ đêm nay tụi nó làm hết nửa mẫu khoai mì thì tội cho tôi lắm. Cũng may họ là những người ăn trộm có lương tâm, họ chỉ nhổ đủ một bao vác trên lưng, xong là họ ra về, bỏ tôi đứng “giữa trời bơ vơ”, tôi cứ đứng đó như trời trồng, phần tiếc của, phần bàng hoàng không biết phải làm gì. Mất một lúc, tôi mới định thần quay trở lại căn chòi, thầm cầu xin đêm nay đừng có thêm nhóm nào nữa.

Đó là toàn cảnh của thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam lúc bấy giờ. Cái đói len lỏi vào từng ngõ ngách, con hẻm, đi sâu vào mỗi nhà. Ai cũng đói và nhếch nhác như nhau. Cái đói làm con người ta mất nhân cách, trở thành ác độc với nhau, không còn là con người hiền hậu, chơn chất của một miền Nam thanh bình trước đây. Tôi chợt nghĩ nếu con người không cần ăn mà vẫn sống thì cuộc đời sẽ đơn giản biết bao.

Những lúc đói, trí óc con người ta hoặc là mụ mẫm đi hay ngược lại sẽ rất tỉnh táo và sáng suốt, nghĩ ra muôn vàn mưu mẹo và đủ cách để sống còn. Nhiều năm sau, khi bớt ngăn sông cấm chợ, dân đỡ đói hơn một chút, tôi lại không may bị bắt vô tù một cách đột ngột, gia đình không hay biết để thăm nuôi, tôi lại bị đói một lần nữa, lần này chỉ mình tôi đói mà đói thê thảm hơn nhiều.

Sau 6 tuần biệt giam và 7 tháng tạm giam, không ai thăm nuôi, tôi đói lắm, đi đứng vật vờ như bộ xương biết đi. Ngày thăm nuôi là một cực hình đối với tôi khi nhìn người ta ăn uống. Một kỷ niêm đói mà cho tới sau này vẫn không bao giờ phai trong tâm khảm, dù sau hơn 35 năm tôi vẫn còn nhớ như in tên của người bạn tù nằm kế bên tôi. Tôi kể ra đây, nếu như anh ta đọc được những giòng chữ này, không biết anh có còn nhớ người bạn tù không may mắn, nằm cạnh phía bên trái, trong phòng 5 khu AH.

Anh ta tên Khu Thành Hiệp, dân quận 5, Sài Gòn. Ngày thăm nuôi, tôi nằm vùi, đắp tấm mền rách, cố nhắm mắt nhưng tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi được mùi thơm của thức ăn mà các bạn tù khác đem vào. Anh ta mở bao ni-lông, mùi mắm ruốc xả xào thịt mỡ làm tôi đau đớn khổ sở, không nhìn, nhưng tôi vẫn như thấy được những miếng thịt ba rọi bóng nhẫy quyện mắm ruốc đỏ tươi pha lẫn với xả bằm nhỏ. Tuyến nước miếng làm việc liên tục, tôi khổ sở ngồi dậy uống nước và quay mặt vào tường. Anh ta biết tôi không ai thăm gần 1 năm nay, đói lòi xương sườn, thân mình ghẻ lở, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ bố thí cho tôi được 1 cục đường tán hay 1 cục kẹo. Tôi thầm mong anh ta rủ lòng thương cho tôi một cái gì đó để ăn, chỉ 1 miếng thôi, chắc tôi sẽ sướng đến vã mồ hôi và nhớ ơn anh ta suốt đời.

Tối đến, anh ta treo 1 bịch cà chua mọng đỏ và 1 nải chuối chín trên vách tường ở đầu nằm, sát bên tôi. Khi ngủ, tôi nằm ngửa nhìn lên trần, dù không muốn, tôi vẫn thấy nó lừng lững ngay trước mặt. Đêm đó tôi không tài nào nhắm mắt được. Hình ảnh nải chuối thần tiên, chín vàng thơm lừng cứ ám ảnh tôi suốt đêm. Tôi định bụng sẽ hỏi xin anh một trái, chỉ một trái thôi, khi có thăm, tôi sẽ trả lại. Nhưng tính anh keo kiệt, ích kỷ, chưa bao giờ giúp đỡ hay chia xẻ đồ thăm nuôi với bất cứ ai trong phòng. Vả lại tôi tự trọng nên không muốn hạ mình xin xỏ, giấy rách giữ lấy lề, tôi quyết không xin.

Đêm đã khuya lắm, trời se se lạnh, đây đó vài tiếng ngáy vang lên, ngọn đèn duy nhất vẫn soi sáng căn phòng im lặng, tôi đoán chừng phải hơn nửa đêm, mọi người trong phòng đã ngủ say, tôi vẫn thao thức, trằn trọc không ngủ được vì nải chuối đang cám dỗ tôi. Dù nhắm mắt, tôi như vẫn thấy nó treo lủng lẳng trước mặt. Mở mắt, nó lù lù ngay trên đầu. Cứ như vậy, nải chuối khi ẩn khi hiện, nó hành hạ tôi một cách khổ sở và dữ dội. Tôi hình dung khi hàm răng cắn ngập vào trái chuối, vị mật ngọt lịm sẽ thấm vào tận chân răng, cả thân hình tôi run lên vì sung sướng. Tôi sẽ nhai chậm rãi để tận hưởng cái chất thơm ngọt thần thánh đó đang trôi dần xuống bao tử, đi tới đâu, cảm giác đê mê đến đó, sẽ thật tuyệt vời biết là chừng nào! Nước miếng ứa ra đầy miệng, tôi vội nuốt xuống thật nhanh.

Tôi chợt nảy sinh ý định bẻ 1 trái, chỉ một trái thôi, đâu có tội. Tôi sẽ nhai khẽ khàng và ăn luôn cả vỏ, chắc chẳng ai hay. Sáng hôm sau nếu có phát giác mất cũng đâu biết ai là thủ phạm. Mùi chuối chín thơm lừng cứ bám lấy tôi, tôi nuốt nước miếng ừng ực. Tất cả 5 giác quan của tôi làm việc không ngừng và chúng trở nên bén nhậy vô cùng.

Nghĩ thì dễ, nhưng không có gan làm. Hai ông thần Thiện và Ác ở hai bên lôi kéo tôi. Ông nào cũng đưa ra những lời lẽ thuyết phục là mình đúng. Ông Thiện nói đừng, vì bất cứ hành động trộm cắp nào tự nó đã là sai. Ông Ác lại khuyên không sao đâu, trời nào bắt tội khi mình đói quá lâu rồi. Chỉ một trái thôi, đâu có nhiều và sẽ không làm người chủ bị thiệt hại gì. Cứ vậy mà hai ông Thiện Ác hết cò cưa với nhau, rồi đánh nhau suốt đêm làm tôi mệt lả cả người vì phải chiến đấu chống lại hai ông và chống lại cái bản năng tầm thường của tôi là ăn để khỏi chết đói.
Rồi tôi thiếp đi lúc nào trong giấc ngủ chập chờn đói mệt. Tiếng kẻng báo thức, tiếng hát chói tai của cô ca sĩ giọng Bắc nghe chát chúa đang hát một bài ca ngợi đảng, cũng không làm tôi ngồi dậy nổi. Nhìn về phía nải chuối, nó vẫn còn treo trên tường như thách thức. Tôi mừng vì tôi đã không nghe lời ông Ác mà trộm lấy một trái. Đợi cai tù điểm danh xong, tôi nằm vật ra vì thiếu ngủ và đói lả, mong chờ bữa cơm trưa mau đến dù chỉ là 1 chén cơm hẩm và chút canh “đại dương” nước đục lờ lờ như nước cống. Tôi chịu đói như vậy thêm vài tháng nữa cho đến khi một người bạn tù được tha về nhắn với gia đình đi thăm tôi.

Nhiều năm sau này, ngay khi đến Mỹ, tôi luôn có thói quen không bao giờ phung phí hay bỏ đi bất cứ một thứ đồ ăn dư thừa nào gì dù chỉ còn một ít, tôi cũng bỏ vô chén, đậy kỹ lại và cất trong tủ lạnh, cho đến khi mở ra coi, chén đồ ăn đã hư, phải vứt vô thùng rác. Phải mất nhiều năm sau nữa, khi đã ở lâu trên đất Mỹ, tôi mới từ từ bỏ được thói quen này, nhưng trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn thực phẩm khô để đề phòng thiên tai và cả nhân tai.

Từ ngày mở cửa đón tư bản giãy chết vào làm ăn, nạn trộm cắp bớt đi rất nhiều. Chữ Đói dần phai nhạt đi trong ngôn ngữ hằng ngày. Dân no đủ hơn ngày xưa, không phải đi ngủ với cái bụng đói nên ý thức bây giờ cao hơn cái bao tử. Thế mới biết chủ nghĩa cộng sản chỉ đem lại đói nghèo và biết bao tệ nạn xã hội. Nay nạn trộm cắp nhỏ biến mất thì trộm cắp lớn xuất hiện.

Những kẻ ăn cắp không phải là những người dân nghèo đói mà là những vị quan chức no cơm rửng mỡ, những đảng viên gộc và gia đình cách mạng, vốn đói đã lâu từ trong rừng chui ra, nay có dịp ăn, họ ăn không chừa một thứ gì. Một mảnh đất “đắc địa” xưa chỉ vài chục ngàn đồng /m2, nay thành dự án và được hô biến thành vài chục triệu/m2. Báo chí trong nước có đăng hai đứa bé đói quá, đi ăn trộm một con vịt bị tù mấy năm, trong khi mấy ông lớn ăn cắp hàng chục tỷ chỉ bị cảnh cáo và thuyên chuyển công tác về trung ương vì vi phạm đạo đức đảng viên cộng sản, mà cái “đạo đức” đó không hề có trong hàng ngũ người cộng sản.

Cái đáng sợ hơn là dù không đói, họ vẫn ăn cắp cơ hội của người dân luơng thiện. Thằng ngu ăn cắp cơ hội của người tài giỏi. Con quan học dốt nhưng điểm thi tốt nghiệp cao nhất lớp. Thế hệ đó mà vô đại học, ra làm quan nối nghiệp cha thì xây dựng xã hội chủ nghĩa tới mấy thế kỷ sau cũng chưa xong, nói chi đến dân giàu nước văn minh như cái loa đảng vẫn thường ra rả tuyên truyền.

Đất nước ngày nay không còn đói ăn như ngày xưa, nhưng đang đói tri thức, đói tự do, đói cơ hội vươn lên làm người, trong khi bọn tham quan no đủ phè phỡn trên sự giả dối, ăn cắp của công lúc đang tại chức, khi chết rồi vẫn còn nằm trong những mảnh đất vàng hàng trăm mẫu với những lăng tẩm được xây cất theo phong thủy còn đắt hơn những ngôi nhà của người đang sống. Người dân đói, họ chỉ ăn trộm để khỏi chết đói. Chính quyền không đói, họ vẫn ăn cắp để nhét đầy túi tham, để mua quyền công dân ở một nước tư bản khác.

Nguyễn Văn Tới 

3 comments:

  1. Chính sách của cộng sản là bỏ đói người dân để dễ bề cai trị. Bởi vì bọn chúng đã từng bị đói, đã biết cái đói nó hành hạ con người khổ sở như thế nào. Khi người ta bị đói thì mục đích chính là làm sao kiếm được miếng ăn, không còn thời gian và tâm trí đâu mà nghĩ tới chuyện phản động chống chính quyền.
    Tác giả diễn tả cái đói thật ghê sợ, thật khủng khiếp. Từ đó khi được no đủ, con người mới biết nhường cơm sẻ áo cho những kẻ khốn khó hơn mình, thực hiện đức bác ái theo lời Chúa dạy.
    Cám ơn Brandon.
    NPN

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị NPN chuyển, cám ơn anh Nguyễn Văn Tới bài viết rất chí lý. Cái sợ nhất không chỉ đói lòng, mà đói tri thức, mờ lương tri, tham tàn vô độ thì không cần nói cũng biết kết quả đất nước đi về đâu rồi ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
  3. Cám ơn chị NPN đã đăng lên cho độc giả thưởng thức cái "Đói" trong lúc đang no, và cũng cám ơn chị LNH Thúy ghé qua góp ý. Lúc đói thì bao tử cao hơn ý thức. Cộng sản biết rõ điều này.

    ReplyDelete