Tuesday, June 15, 2021

Chậm Lại Hóa Hay - Tiểu Lục Thần Phong

Hình minh họa 


Người ta thường nói: “Trâu chậm uống nước đục”, tuy vậy ở đời có những cái chậm lại hóa hay. Có người vì chậm mà không phải lên chuyến tàu định mệnh, hoặc vì chậm mà tránh được chuyến bay tử thần, chuyến bay một đi không trở lại bao giờ, cũng có khi vì chậm mà tránh được chuyến xe đi vào vĩnh viễn…

Trong số hàng triệu người ly hương, có nhiều kẻ vì hay bị chậm mà lại hóa hay, lại may mắn hơn, hưởng nhiều lợi lạc hơn những người đi trước. Những kẻ đi sau diện ODP, diện đoàn tụ gia đình, hoặc qua đường hôn nhân… đều là những kẻ an nhàn hơn, may mắn hơn, đi bằng máy bay, không phải vượt biên bằng tàu thuyền hay băng đường bộ. Những lớp người vượt biên trải qua chín chết một sống, lao vào cõi chết để tìm sự sống…

So với những người thuộc lớp đầu tiên đến đây với hai bàn tay trắng và một tâm hồn tan nát vì quê hương. Những lớp người thuộc diện HO sớm, đến đây với sự khó khăn bỡ ngỡ và phải làm lại từ đầu...Gã đến xứ Cờ Hoa này quả là chậm, quá chậm khi mà cộng đồng Việt đã hình thành vững mạnh và đông đảo. Gã đến xứ Cờ Hoa khi mà quan hệ hai nước đã bang giao, việc đi – về đã dễ dàng. Nếu những lớp người đi trước nhớ nhà, nhớ quê đến da diết tâm hồn, lâu lâu gặp được một đồng hương hay một dấu hiệu quê hương thì mừng lắm, quý lắm. Những tháng năm ấy thức ăn, món uống hay sản vật quê hương rất hiếm hoi, có người mua được chai nước mắn ở chợ Tàu mà mừng rơi nước mắt. Hoặc giả có người đang ở giữa đường mà nghe được người nói tiếng Việt thì cảm động đến độ chạy đến làm quen. Thời của gã đến đây thì hàng hóa made in Viet Nam đã ê hề, đã đầy nhóc các siêu thị: quần áo, gia dụng, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ…

Gã đến xứ này theo diện hôn nhân. Vợ gã là con gái của một vị thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hai đứa quen biết và yêu nhau trước khi gia đình nhà vợ xuất cảnh theo diện HO 13, sau mấy năm thì vợ gã về Việt Nam bảo lãnh. Bởi thế mà gã mới bảo rằng, tuy trâu chậm nhưng không uống nước đục, thậm chí còn hưởng được nước ngọt ngon, thành quả từ những lớp đi trước gầy dựng nên. Khi gã đến xứ này thì chẳng còn tình cảnh thèm món ăn quê hương hay thèm nghe được tiếng nói đồng hương, thậm chí vào thời điểm ấy người Việt đã “ngán ngẩm” nhau lắm rồi. Người nào cũng bảo” cạch mặt Việt Nam”, “Đụng với người Việt dễ bị phiền toái lắm”...Chuyện người Việt chống báng nhau cứ từ từ nói sau, giờ quay lại những bước đầu của gã ở Mỹ.

Đến Mỹ hai tuần sau là có thẻ an sinh xã hội, gã lập tức xin vào hãng sản xuất phụ tùng xe hơi, cày đúng một tuần là bỏ. Khổ trần ai, tiếng dập ầm ầm đinh tai nhức óc, hơi nóng từ hệ thống máy móc tỏa ra thiếu điều như nung trong lò bát quái, xong mỗi ca làm là nằm dài ra chẳng còn thiết ăn uống, sau một tuần nhận được cái ngân phiếu chưa được hai trăm đồng. Trời, làm cực và nặng vậy mà lương thế này thì sao sống nổi? Thiên hạ xưa nay vẫn ca tụng:” Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, lãnh lương Mỹ”, lương Mỹ như cái ngân phiếu này sao? Bỏ việc, sau có người quen giới thiệu vào một tiệm nails. Tiệm đang hồi thiếu thợ, thế là nhào vô chơi luôn, ban đầu làm vụng, xấu, khách chê dữ lắm nhưng riết rồi quen. Đến khi làm thạo thì sanh ra chán, tuy có tiền mặt và tiền tip rủng roẻn nhưng cảm thấy không thích hợp. Ngày nào vào tiệm cũng đầy chuyện thị phi cãi cọ giữa thợ với thợ, thợ với khách, giữa thợ với chủ, tất cả cũng không ngoài việc giành khách, hơn thua tiền tip, thậm chí đố kỵ vì người này người nọ hơn mình...Công việc quả thật nhàm chán, cứ rị mọ hí hoáy với mấy cái móng đàn bà. Một ngày nọ, một anh thợ nam đắp bột móng tay và thợ nữ chà chân, làm xong người khách chỉ cho có một đồng tiền tip. Anh thợ xé đôi tờ bạc và nói:’ You và me làm chung, nó cho một đồng, you năm mươi, me năm mươi”. Người thợ nữ nghẹn, chửi:” Đồ bần tiện”, không biết chị ta chửi khách hay chửi anh thợ kia, có lẽ cả hai.  Rồi một ngày khác có cô thợ vớt tay trên của bạn làm chung;” Tuần trước đi casino thua mấy xấp, giờ tui phải tranh thủ cày bù lại”. Người kia uất ức nhưng không biết làm gì được, chửi:” Bòn đứa dại đãi đứa khôn”. Rồi chuyện thợ này nói xấu thợ kia, bỏ nhỏ với khách:’ Đứa đó làm xấu, chơi thuốc, chỉ biết tiền tip… mầy đừng để nó làm cho mầy”… oải quá, gã bỏ nghề! Cuối cùng vào được một hãng gia công lắp ráp máy cho công ty Google, thế rồi từ ấy tạm yên với công việc của mình, không còn phải đụng hay nhìn thấy đồng hương. Cũng thời gian ấy, có một quyển sách vừa xuất bản đã gây xôn xao dư luận,  quyển “ Người Bắc Kinh ở New York” ( tác giả người Hoa, quên tên rồi). Trong quyển ấy có một câu mà gã rất tâm đắc:” Nếu bạn yêu ai, hãy đem họ đến New York; còn như bạn ghét ai, thì cũng đem họ đến New York”. Điều ấy cho thấy, xứ Cờ Hoa này quả nhiên là mảnh đất lý tưởng của những người tỵ nạn ( tỵ nạn với bất cứ lý do gì), là mảnh đất của giấc mơ ( Ameria dream), nhưng nó không dễ dàng tí nào, nó không phải là mảnh đất thần tiên để “ Nằm ngửa ra đô la rơi vào mồm ăn” như những lời đồn phóng đại., những lời nổ sảng. Xứ Cờ Hoa nói chung, New York nói riêng, nó là thiên đường cho những ai chăm chỉ làm ăn nhưng nó cũng là địa ngục cho những ai không chịu nổi những đặc tính của nó. Xứ sở này dù giàu có, tự do nhưng cũng vất vả lắm! Người lao động quần quật và trần ai chứ không dễ gì kiếm tiền. Đồng lương cơ bản làm sao đủ chi trăm thứ chi phí, phải làm thêm giờ, làm job thứ hai...”cày” đến phờ phạc cả mặt mày. Sáng vào hãng, quần quật suốt ngày; tối về quất tô cơm, làm lon budweiser rồi lăn ra ngủ lấy sức để sáng mai lại cày.

Ngày gã đến Mỹ cũng là thời điểm có khá nhiều “Việt kiều hồi hộp” xênh xang áo gấm về làng. Họ bỏ ra vài trăm đô là tha hồ ăn nhậu và nổ sảng về nước Mỹ, khoe những tấm hình chụp ké nhà sang xe xịn của ai đấy để lòe dân quê, làm cho không ít người có cái nhìn ngộ nhận và sai lệch về nước Mỹ. Gã đã nghe có người nổ sảng” Mỹ sẽ trả lương và bồi thường cho những ai đã làm sở Mỹ trước 1975” hoặc giả” Mỹ sẽ đền bù thiệt hai cho những ai đã làm việc cho chế độ Sài Gòn”… Biết nói sao với những tay “Áo gấm về làng” như thế!

Nước Mỹ quả là thật tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở, chẳng cần xin phép ông kẹ bà chằng nào cả. Nước Mỹ thật sướng, muốn theo đảng phái nào thì theo ( chí ít là không phải Communist hay Fascisti là ok!), Nước Mỹ thật tuyệt vời, muốn viết gì thì viết, muốn in sách thì cứ in ( in ra mà bán được hay không mới là quan trọng), viết và in cứ tự do, chẳng phải kiêng kỵ ai, chẳng phải xin phép ai, chẳng bị kiểm duyệt ( khi mà chưa phải là nhân viên cao cấp có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia). Nước Mỹ quả là thiên đường của người cầm bút, tác phẩm có sống được hay không mới là yếu tố quyết định. Nước Mỹ có cả một rừng báo, tạp chí, ấn phẩm… ở đâu cũng thấy sách báo.Những kẻ mang nghiệp chữ thấy mà ham!

Nước Mỹ với hệ thống giáo dục tân tiến, khoa học, hữu dụng và thực tế. Giáo dục hoàn toàn miễn phí ( trừ bậc đại học trở lên). Nước Mỹ với nền chính trị minh bạch, tam quyền phân lập, báo chí tự do, khoa học kỹ thuật hiện đại, nghệ thuật khai phóng...Quả thật là ấn tượng sâu sắc với gã! Điều đầu tiên mà gã thích nhất, khoái nhất khi đến nước Mỹ không phải là đi shopping mua sắm mà là vào nhà sách. Gã mê mẩn với muôn hồng ngàn tía của một rừng sách báo. Những năm tháng đầu thì tiếng Anh còn yếu lắm, chưa đọc nổi, chỉ đọc những mẩu tin ngắn và xem hình là chính ( kể cả xem tạp chí playboy, penthouse…). Thế gian này có kẻ nào mang nghiệp chữ mà không mê sách báo bao giờ!

Có những lần gọi phone về Việt Nam nói chuyện với bạn bè, gã thật thà “kể khổ” phải cày như trâu. Nhiều đứa cười bảo:” Việt Nam giờ sướng lắm, sáng tà tà cà phê, chiều nhậu sương sương, tối quậy tới bến”, hoặc “ Việt Nam giờ sống thoáng lắm, miễn là đừng đụng chuyện chính trị”… Đôi khi gã cảm thấy lung lay, mình ở đây “cày như trâu”, tụi nó sống tháng ngày hoan lạc hưởng thụ, đến Mỹ để chịu “thiệt” như vậy sao?. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, mình vẫn hơn rất nhiều, được thụ hưởng cái tự do, cái bảo đảm về nhân quyền, có tương lai ổn định và vững chắc cho con cái, được thở cái không khí an toàn mà ở quê hương mình không có được!

Gã đến Mỹ khi mà cộng đồng người Việt đã đông đảo và phát triển. Ngay tại thành Ất Lăng này, chỉ chừng vài mươi ngàn người Việt ( những năm tháng ấy) nhưng cũng có đến hai cộng đồng. Quanh năm kèn cựa nhau, chụp mũ nhau, đấu tố nhau như “ Chỉ có cộng động thống hợp là hợp pháp”, “ Chỉ có cộng đồng hậu duệ là chính quy”, Một nhúm người mà hai cộng đồng, nhóm nào cũng cho mình là đại diện chính đáng, bao nhiêu cuộc họp dàn xếp nhưng bất thành. Bên nào cũng khư khư cho mình là phải, nhóm kia là quấy, tất cả cũng không ngoài cái danh hão và nguồn trợ giúp của tiểu bang. Người Việt ở đây thường nói vui với nhau một câu tục ngữ mới:” Không ăn đậu không phải Mễ, không chia rẽ không phải Việt Nam”, quả thật như thế! Người Việt lúc nào cũng chống báng nhau, tranh đấu với nhau, kèn cựa nhau, hễ một người làm được mà những người khác không bằng thì thế nào họ cũng lội kéo xuống. Có người còn ví người Việt như những con cua đồng trong cái thau nhôm, con nào ngoi lên thì con kia kéo xuống, những cái que của chúng móc vào nhau! Cũng có người bảo:” Người Việt như nắm cát khô”  ngụ ý cát khô sẽ chảy qua kẽ ngón tay. Việc tranh đấu ngoài đời chưa đủ, họ còn chen vào cả việc trong chùa. Chủ tịch cộng đồng và những người thắng thế, kết hợp với những vị tu sĩ kém phẩm hạnh âm mưu đặt để người theo ý mình, hòng điều khiển mọi việc theo ý đồ riêng tư. Có ông thầy tám mươi gần đất xa trời, vậy mà bị họ dựng chuyện phạm giới và đuổi ra khỏi chùa, trong khi ông thầy đã mười mấy năm ròng xây dựng và giữ gìn mạng mạch Phật pháp ở địa phương, Sau khi ông thầy chết, dư luận bất bình quá thì họ lại đem xác thầy về chùa làm lễ rình rang, tưởng chừng như quý mến thầy lắm vậy! Phật tử chùa bất mãn lần lượt bỏ đi hết, giờ chùa vắng như chùa Bà Đanh.

Cũng câu tục ngữ mới ấy nhưng phiên bản khác là “ Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam”. Quả thật người Việt ở bang này là chúa đi trễ ( những bang khác thì không biết ra sao), những lễ lạc, hội hè, tiệc tùng… người Việt trễ một hai giờ là chuyện thường. Chỉ duy có đi làm là đúng giờ ( có lẽ đi trễ bị trừ tiền, trừ điểm, đuổi việc…nên sợ). Có những lần đám cưới, gã cứ thật thà đi đúng giờ ghi trên thiệp, hậu quả là bơ vơ lạc lõng ngồi chờ đồng hương đến. Ngay cả những buổi lễ có tính cách tôn giáo cũng thế, đồng hương cứ tà tà, lọt chọt đến sau.

Những ngày sống và làm việc ở xứ này, gã cũng tham gia vào việc dạy tiếng Việt ở một ngôi chùa địa phương. Bọn trẻ sinh ra và  lên ở đây, chúng có thể nói được tiếng Việt ( vì ba mẹ và ông bà vẫn nói tiếng Việt) nhưng chúng không thể đọc hay viết tiếng Việt được. Dạy tiếng Việt cho tụi trẻ quả là cũng cần thiết và cũng thú vị, giao tiếp với trẻ em thì bao giờ cũng dễ chịu và thoải mái. Nhiều đứa trẻ có lối tư duy rất Mỹ, tuy chúng rất ngoan và hiền nhưng lý luận rất sòng phẳng và rạch ròi. Khi gã dạy tiếng Việt, có ý lồng những nội dung về con ngoan trò giỏi hay con hiền cháu thảo để cho các em biết về văn hóa Việt… Lúc trao đổi với các em, gã cũng học thêm được chút ít về lối sống Mỹ. Khi gã hỏi một em học sinh về tình cảm và cách đối xử với cha mẹ, em ấy bảo:” Em thương cha mẹ, khi em lớn ở riêng, cha mẹ ở nhà cha mẹ, cha mẹ không thể ở nhà em!”, cũng có em khác trả lời về vấn đề ông bà” Ông bà là cha mẹ của cha me, không phải cha mẹ em, em không phải lo cho ông bà”… Văn hóa Mỹ là thế! Tác động sâu vào những thế hệ thứ hai, thứ ba. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận cái thực tế này. Vấn đề mà chúng ta có thể là duy trì việc dạy tiếng Việt cho con em, thông qua đó có thể giới thiệu chút ít về nguồn cội lịch sử, văn hóa của chúng ta với con em mình! Gã cũng có lần hỏi các em vì sao chúng ta có mặt ở xứ sở này, khá nhiều em không biết vì sao và hiều em thắc mắc:” Tại sao ở đây ( chùa và cộng đồng người Việt) dùng lá cờ màu vàng mà ở trường Mỹ thì em thấy lá cờ màu đỏ?”

Thời gian hai năm đầu khi đến Mỹ quả thật không khó khăn nhiều như những lớp người di tản, vượt biên… nhưng cũng “cày” vất vả không kém ai, không ít lần có ý nghĩ quay về Việt Nam, sống tà tà sáng cà phê chiều nhậu mát trời ông địa. Chuyện tự do, dân chủ, nhân quyền… xa xôi quá, có người khác lo! Dần dần thời gian trôi qua, gã cũng nhận diện ra sự thật của vấn đề ( nói kiểu nhà thiền nhận ra bản lai diện mục). Thiên đường có thể là địa danh, có thể là tính từ. Thiên đường không phải là cái có sẵn để mình nằm không mà hưởng. Thiên đường phải cật lực kiến tạo mới có được! Không phải cuộc sống cứ tà tà ăn nhậu chơi bời là thiên đường, nếu cho thiên đường là thế thì quả thật là “ thiên đường mù” ( chữ của nhà văn Dương Thu Hương). Xứ sở này phải làm cật lực, phải vất vả học hành và làm việc. Xứ sở này tuy chưa phải là thiên đường nhưng nó có những yếu tố của thiên đường: Tự do, nhân bản, khai phóng, phát triển, an toàn, bền vững...Mọi người đều có cơ hội như nhau. Xứ sở này trời cao đất rộng, thiên nhiên xanh tươi, khí hậu trong lành, xã hội văn minh, chính trị minh bạch, giáo dục nhân bản, nghệ thuật khai phóng, dân quyền, dân sinh, dân chủ… đều được pháp luật bảo vệ. Tài năng của mọi người có cơ hội phát triển và nuôi dưỡng. Mọi người có quyền biểu đạt ý kiến và quan điểm của mình. Ở xứ này, mọi người đều tiếp cận và thụ hưởng dễ dàng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, nhất trào lưu tân tiến nhất, cho dù ta chỉ là những người bình dân. Ở xứ này con người dễ dàng phát huy mọi khả năng và sở trường của mình, chỉ sợ là mình không có khả năng gì mà thôi! Nếu mình mà có khả năng đặc biệt thì lập tức những công ty hãng xưởng sẽ trọng dụng mình, những học sinh xuất sắc sẽ được các đại học danh tiếng chiêu dụ mình. Ở xứ này con người rất xa lạ, thậm chí chẳng hề nghe qua cái gọi là “lý lịch ba đời”, “ Lập trường giai cấp”… Con người dường như bao đời nay chưa hề biết đến những từ ngữ:” Tịch thu”, “ quốc hữu hóa”, “Quy hoạch”, “Sở hữu toàn dân”...Ở xứ này, tài sản người dân được pháp luật bảo vệ; thân thể, nhân phẩn, danh giá con người được tôn trọng; tài năng được trọng dụng. Xứ sở này có thể chưa phải là thiên đường nhưng rõ ràng nó mang bóng dáng của một thiên đường và vô số người vẫn cho nó là một thiên đường. Bằng chứng là hàng triệu, hàng chục triệu người khắp thế gian này đều tìm cách đến đây để sinh sống. Họ tìm mọi cách kể cả phi pháp, bất hợp pháp. Họ không chỉ là người tị nạn, người nghèo mà có rất nhiều những người giàu bỏ tiền của ra để mua cho bằng được thẻ xanh. Có rất nhiều những con ông cháu cha, quan chức trung cấp, cao cấp tìm đến xứ sở này để sống và còn rất nhiều quan chức cao cấp khác gởi tiền trong các nhà băng ở xứ này, mua đất mua nhà ở xứ này! Xứ sở này dẫu chưa phải là thiên đường nhưng nó thât sự là thiên đường trong con mắt của vô số người trên thế giới. Vô số người nuôi “Giấc mơ Mỹ”!

Có không ít những người Việt sống ở đây nhưng lại nghĩ Việt Nam mới là thiên đường, ở bển tha hồ sáng cà phê chiều nhậu, bia bọt gái gú, ăn chơi khoe thân, khoe của, lên mạng làm những trò nhí nhố...Bởi thế năm nào cũng làm những chuyến “ Áo gấm về làng”, tha hồ ăn chơi vung vít, nổ sảng cho sướng lỗ miệng, tha hồ phô bày cái “Tôi”, cái “Ngã” đầy nhỏ nhen ích kỷ của mình. Tuy họ về bển chơi, ca tụng ở bển mới là thiên đường nhưng không đời nào họ dám từ bỏ thẻ xanh hay quốc tịch mẽo này đâu! Nếu ngày xưa, những người ra đi mệnh danh tìm tự do, vậy bây giờ họ ra về thì mệnh danh là gì? Có lẽ câu hỏi này không khó để trả lời, nhất là với những người thuộc giới showbiz

Không phải đến thế kỷ hai mươi người Việt mới có di tản, lưu vong. Lịch sử hai ngàn năm nước Việt có rất nhiều những lần lưu lạc ly tán. Khởi đầu là những cuộc di dân nam tiến của cư dân Việt cổ xưa thuộc đồng bằng bắc bộ ngày nay, cao điểm là những lần đánh chiếm đất Champa. Lịch sử còn ghi nhận Hoàng tử Lý Long Tường ( đời nhà Lý) đã đem toàn bộ gia tộc và gia nhân vượt thoát sang Đại Hàn – Triều Tiên để tránh họa diệt tộc. Mãi đến thế kỷ hai mươi này, hậu duệ đời thứ bốn mươi là ông Lý Xương Căn tìm về Đình Bảng để bái yết tổ tiên, có lẽ đây là cuộc di tản buồn nhất, dài lâu nhất của người Việt. Sử Đại Hàn chép rõ ràng, hoàng tử Lý Long Tường dựng “Vọng quốc đài” ngày ngày ngóng trông về Đại Việt.  Kế đến là những cuộc vượt thoát từ đàng ngoài vào đàng trong, kéo dài suốt hai trăm năm nội chiến của các tập đoàn phong kiến: Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn. Sông Gianh trở thành biên giới phân chia giữa đàng ngoài và đàng trong. Thế kỷ hai mươi thì lịch sử lập lại một cách nghiệt ngã, sông Bến Hải trở thành vĩ tuyến chia đôi đất nước, hàng triệu người rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để di tản vào nam. Năm 1975, cuộc chiến tương tàn kết thúc thì hàng trăm ngàn người Việt di tản, sau đó thì lại có hàng triệu người lao ra biển đông để tìm đường sống, hàng triệu người vượt biên, lao vào cái chết để tìm sự sống, đó cũng là lý do tại sao có cộng đồng Việt ở xứ Cờ Hoa này. Ngày nay, có không ít những người xưa kia từng tuyên bố vượt biên tìm tự do, giờ họ làm cuộc vượt biên ngược lai, không biết cuộc vượt biên ngược lại để tìm gì đây?

Nước Mỹ bây giờ còn vật vã trong cơn dịch Corona virus, tuy nhiên đang dần được khống chế. Nước Mỹ vẫn còn âm ỉ những chia rẽ phân liệt nặng nề bởi một ông tổng thống bá đạo, thô lỗ và ích kỷ. Nước Mỹ vẫn còn ngăn cách bởi sự bênh và chống giữa Dân Chủ với Cộng Hòa. Nước Mỹ hôm nay đã có phần suy giảm trước sự phát triển và hung hăng của Trung Cộng. Tuy vậy, nước Mỹ vẫn còn là cường quốc số một của thế giới, có những giả thuyết đặt ra sau vài mươi năm nữa Trung Cộng sẽ thay thế nước Mỹ, xem ra những giả thuyết này chẳng có sức thuyết phục mấy. Nước Mỹ hôm nay vẫn đương nhiên là nước hàng đầu thế giới về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, tài chánh, nhân quyền… và kể cả là cường quốc dung chứa những người tị nạn. Những nạn nhân của chiến tranh, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị giới tính, bất công xã hội, những người bị săn đuổi bởi những thể chế độc tài toàn trị… đều được nước Mỹ mở rộng vòng tay đón họ.

Những thế hệ người Việt đến Mỹ sớm giờ đã già, một phần đã ra đi. Những thế hệ thứ hai, thứ ba… đã hội nhập sâu vào đời sống Mỹ, có không ít đã thành công trên chính trường, quân đội, dân sự, khoa học và nhiều nhất, dễ thấy nhất là thành công ở mặt kinh tế. Tỷ lệ theo mức độ hội nhập và thành công của người Mỹ gốc Việt thế hệ con cháu là  cái “ Căn cước” tị nạn cũng dần phai. Những người Việt đến Mỹ hiện nay, đa số là du học sinh, một số ít theo diện đầu tư ( thật sự là kiếm đường định cư mà thôi) và một phần đáng kể nữa là đi theo diện hôn nhân ( kể cả rất nhiều vụ kết hôn giả). Không khó khăn gì để nhận thấy có một sự khác biệt khá lớn giữa lớp người đi trước và những người mới đến hôm nay, cái khác biệt về tư tưởng, quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề; khác biệt về lối sống và văn hóa ứng xử…  u đó cũng là hậu quả của hai môi trường sống khác nhau.

 
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, mùa xuân mới

No comments:

Post a Comment