Tuesday, June 22, 2021

Xưng Hô - SGCN


Người ngoại quốc khi học tiếng Việt luôn kêu ca tiếng Việt khó học, khó nhất là xưng hô. Bởi vì Tây, Tàu quen “I, you”, “Toi, moi”, “Nị, ngộ”… quá sức đơn giản, khi học tiếng Việt phải lắc đầu vì chưa đi vào ngữ vựng, văn phạm, mới bước đầu tiên đụng phải xưng hô đã thấy rắc rối quá thể.  

Tùy theo thời gian, nơi chốn và mối liên hệ mà xưng hô thay đổi thật phong phú. Cùng một người, một nơi chốn gặp nhau câu chuyện đưa đẩy. Lúc đầu mới quen xưng hô anh với tôi, giữa chừng câu chuyện thân mật bạn với tôi, đến lúc chia tay, nhất là khi đã chén chú chén anh, cạn chén túy lúy thì kết thành huynh đệ thâm tình hay phừng phừng cãi nhau thì mày tao lúc nào không biết.

Ngay cả cùng ngôn ngữ đã quen rồi mà xưng hô không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một cô gặp anh chàng da căng hồng hào, gọi bằng anh nhưng khi anh bỏ mũ ra, tóc bạc trắng vội ấp úng chuyển thành… chú khiến anh phải hết lời xin “đừng gọi anh bằng chú”, hoặc nhiều trường hợp khác lại yêu cầu “đừng gọi chú bằng anh”. Xưng hô như Tây thì đỡ phiền toái cho chàng trong những trường hợp này.  

Do xưng hô khó như vậy nên giữa người Việt với nhau cũng thường hay bắt bẻ. Bà lão nếu chào bằng bác không vui lắm vì “bà” hay “cụ” hàm nghĩa kính trọng, trọng vọng hơn tiếng “bác”. Ngược lại, phụ nữ thích được gọi là cô hay chị hơn là bà nghe xem chừng quá già. Bởi vậy tiếng Anh tế nhị khi dùng Ms thay vì rõ ràng Miss hay Mrs. Trong một nhóm, người trước mặt gọi ông, quay sang phải là cậu, bên trái là anh, đằng sau là cháu… Cho nên người ngoại quốc làm dâu, rể dân Việt đành lắc đầu trước những xưng hô thứ bậc ở gia đình, họ hàng này.

Trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày, phải sử dụng nhiều cách xưng hô khác nhau. Ra chợ, nào là: Dì ơi, thịt bò bao nhiêu một ký, chị ơi lấy giùm em con cá. Ở những nơi nhiều người Hoa sinh sống như ở quận Năm, dưới miền Tây, vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng… chẳng hạn, xưng hô ảnh hưởng tiếng Hoa:

– “Chế” ơi, bán cho hũ chao.

– Mời “củ” đi xe… 

Miền quê vẫn thông dụng tiếng xưng “qua” khi chưa biết xưng hô thế nào cho tiện. Vỉ thê mới có câu chuyện vui về tiếng xưng hô này: 

– “Qua” có biểu để “qua” đi qua bển rồi “qua” hổng qua nữa mà “qua” qua bên này… 

Giống như “ai” trong câu chuyện kể hai vợ chồng mới cưới, còn thẹn không dám gọi thẳng nhau. Vợ ra đồng gọi:

– Ai ơi ai về ăn cơm đi ai.

Chồng trả lời:

– Ai về trước đi, ai về ăn cơm liền.

Lại một truyện khác, hai vợ chồng giận nhau. Thấy vợ nấu cơm gần xong, chồng bỏ sang hàng xóm đợi vợ gọi về ăn cơm thì mình khỏi phải làm quen trước. Chị vợ buộc phải gọi chồng nhưng vẫn còn giận, không muốn mình làm quen trước, bèn gọi:

– Ai ơi, ai về ăn cơm.

Chồng hỏi:

– Cơm ai nấu?

– Nấu chứ ai.

Chồng lại hỏi tiếp:

– Cơm với gì?

– Cơm với trứng.

– Trứng ai chưng?

– … Chưng … chứ còn ai.

Chỉ có “bậu” thì nay hầu như không thấy trong giao tiếp nữa, chỉ còn ở câu ca dao quen thuộc ai nghe cũng thấy lòng xao xuyến: 

Ví dầu tình bậu muốn thôi. 

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Bậu ra bậu lấy ông câu

Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu…

Chữ “bậu” trong câu ca dao hàm ý trách móc. Người một thời gần gụi nay cách xa nên chẳng còn xưng hô thân mật, tình cũ vấn vương cũng không thể một chốc lạnh nhạt, nên chỉ có thể gọi là “bậu”. Trách móc nhưng không giận dữ, vừa xa vừa gần, vừa thân vừa sơ là sự tài tình trong tiếng “bậu”. 

Đặc biệt từ sau 75, xâm nhập vào miền Nam ở các cơ quan nhà nước là kiểu xưng hô của miền Bắc chỗ nào cũng như trong nhà: 

– Thưa chú Ba, con đã đưa ký bản báo cáo rồi.

  Em lấy cho anh tập hồ sơ.

– Cháu tìm cho cô Bảy xấp số liệu…

Bao giờ cũng chú-cháu hoặc cô-con mà không có bác. Trước kia người ta ít dùng chú, gọi “chú” có ý nhìn xuống thì sau này dùng chú thay thế cho bác. Thí dụ một người thường chào cha mẹ của bạn bè là hai bác, ý đặt vai vế cao hơn cha mẹ mình, nhưng miền Bắc đã đổi thành “cô chú”, bất kể sự kém nhã khi tiếng cách xưng hô đó đặt vai vế cha mẹ người bạn thấp hơn cha mẹ mình. Dùng hoài thành quen, như điều tự nhiên mà không ai còn để ý đến thất lễ hay không. 

Sống trong chế độ “dân chủ, bao cấp” quen kiểu cấp duới xưng em, xưng cháu với cấp trên. Đối với cấp trên như tổ trưởng, trưởng phòng… thì cấp dưới thường xưng em hay cháu dù hơn tuổi tác. Đặc biệt phái nữ luôn xưng em với nam giới dù thua tuổi. Và các anh cũng sẵn sàng “anh anh, em em” với phụ nữ dù mới gặp lần đầu. Do đó ở những nơi tụ tập một nhóm dân miền Bắc rất dễ nhận ra đàn ông, đàn bà luôn rối rít “anh anh, em em”… Ngược lại với phong tục của miền Nam trước 75, dù người phụ nữ kém vài tuổi thậm chí chục tuổi, người đàn ông vẫn lịch sự gọi người đối diện bằng “chị”, không bao giờ suồng sã “anh em”. 

Lối xưng hô gia trưởng phổ biến trong các cơ quan nhà nước suốt thời gian dài, phản ảnh sinh hoạt của những nơi đó, không có ranh giới nghiêm cẩn của công sở mà ua sùa như kiểu cộng đồng làng xóm. Đó là nơi người ta cư xử với nhau không theo luật lệ và những quy tắc chung mà theo cảm tính. Bởi vì chú hay cô trưởng phòng, giám đốc… có thể sai phái hay ban phát ân huệ cho đám con cháu cấp dưới và đám nhân viên vâng lời cấp trên chẳng bao giờ dám hó hé. Guồng hành chánh của một nước là cả một khối xưng hô lộn xộn anh em, chú cháu… Dựa trên lối xưng hô đó là những mối quan hệ thân tình một cách… không thân tình. Và dựa trên những mối quan hệ đó là lối làm việc bừa bãi đặt nền tảng trên sự quen biết… 

Đến nay người ta đã thấy tác hại trong lối xưng hô dễ dãi đó. Từng có nhiều khuyến cáo kêu gọi bỏ kiểu xưng hô trên cha chú quyền uy bảo sao, cấp dưới nhất nhất vâng lời như vậy. Nhưng thói quen trong nhiều năm đã ăn sâu vào sinh hoạt tạo thành tập quán khó thể thay đổi! 

Gần đây, có một số trường đại học mở đầu một cuộc cách mạng là khuyến khích sinh viên xưng “tôi” với thầy cô. Nhiều người giải thích xưng tôi trong trường đại học nhằm nâng tính độc lập của sinh viên, để sinh viên có thể phát huy tính sáng tạo riêng của mình, không phải tuân phục thầy. Sự ngoan ngoãn, vâng lời tuyệt đối chính là yếu tố giết chết sự sáng tạo trong suy nghĩ của sinh viên, chính là giết chết sự phát triển năng lực cá nhân.

Khác với lối xưng hô ở các nghành, riêng giáo dục vẫn mang nặng tư tưởng “quân, sư, phụ” ngày xưa nên đề nghị này còn nhiều bàn cãi. “Sư” cao hơn “phụ” tức là thầy còn cao hơn cha mẹ một bậc nên xưng tôi nghe có vẻ không được lễ phép lắm. 

Bà Bích trước năm 1975 học trung học vẫn xưng con với thầy. Sau 30 năm thăng trầm gặp lại, học trò tóc bạc trước, thầy tóc còn đen, vợ thầy còn ít tuổi hơn trò, thấy kỳ bèn đổi danh xưng, xưng em. Ông thầy bèn chỉnh liền “Theo vai vế, thầy là ngang với cha mẹ, xưng em với thầy chẳng khác xưng em với… bố”. Nhưng khi hỏi thăm tình hình gia đình, biết chồng của Bích là bạn học đồng môn với thầy thì thầy bèn cho Bích lên “chị”. 

Đề nghị là vậy nhưng trong thực tế, sinh viên không dám xưng tôi. Một phần do cả thầy trò không quen. Người Việt trọng tình cảm nên xưng tôi nghe khô khan, cứng nhắc, nghe thấy hỗn láo làm sao,  không được lễ phép, nhẹ nhàng… như xưng bằng em hay con.

Nhất là trong thời buổi giáo dục chưa tuyệt đối “hai không” này, lỡ xưng “tôi” với thày trong giảng đuờng, rồi sau đó đến gặp riêng thầy lại phải xưng em để xin điểm hoặc mời thầy đi ăn uống để thầy “bật mí” đề thi thì thật khổ cái thân, lại phải mau chóng khúm núm trở về “em” hay “con”.

Ngoài ra, thầy lớn tuổi xưng tôi thật không tiện. Hay là xưng tôi với thầy trẻ, xưng em với thầy trung niên, xưng con với thầy cao niên vậy…

Xưng hô VN ở chốn công vẫn còn nhiều tranh luận. Trong khi nhiều cuộc họp hành được tổ chức để bàn thảo xem người VN nên xưng hô thế nào cho đúng đắn, thì xưng hô vẫn cứ tiếp diễn hoặc thay đổi theo những biến thiên của thực tế. Và cách xưng hô đã cho thấy rất rõ thực tế văn hóa của đời sống, của xã hội như thế nào. 

SGCN

No comments:

Post a Comment