Sunday, June 27, 2021

Suy Nghĩ Về Phúc - Đức


Phúc Đức là một phạm trù tâm linh, siêu năng bảo vệ người có Phúc, mang đến may mắn cho người có Phúc. Đạo sống Phúc Đức là nền tảng của đạo thờ tổ tiên, đặc điểm của quan niệm sống Việt, là giải thích cuộc sống con người, là đúc kết mọi nguyên tắc sống vào hai chữ Phúc Đức.    


Phúc Đức là phản ảnh mọi biến cố của đời người, mà cũng là tiêu chuẩn thẩm định giá trị mọi hành động và tâm tư của mỗi người. Phúc Đức có nghĩa là hiền lành, tính tốt, giúp người, làm ơn và may mắn. Mỗi chúng ta tồn tại trên đời, được hạnh phúc hay gặt hái được nhiều thành công hơn người khác... tất cả đều do Phúc Đức mà ra.


Người hơn người một phần là do tài năng nhưng phần nhiều là do cách sống đã tạo ra Phúc Đức khiến người khác tôn trọng họ. Phúc Đức càng dầy thì vật chất càng đầy đủ, tinh thần càng thoải mãi và luôn đứng ở vị thế thuận lợi hơn người khác. Khi có biến cố, Phúc Đức phát huy nội lực của mình, hóa giải tai ương, mang đến sự bình an cho ta.


Phúc Đức không từ trên trời rơi xuống

PHÚC được tích lũy từ quá trình sống, ăn ở của các bậc tiền nhân có chung huyết thống với mọi người trong gia tộc. Ông bà, cha mẹ, tổ tông là người tạo ra Phúc và truyền lại cho con cháu, do đó mới gọi là hưởng Phúc. Ông bà tạo phúc thì cha mẹ an nhàn, cha mẹ tạo đức thì con cái càng thêm rạng rỡ. Có người được sinh ra trong một gia đình có đạo đức, ông bà cha mẹ là người thiện lương nên phần Phúc của người này rất nhiều.

Đời cha mẹ sống thiện, đời con phúc đức ấm êm; “đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”. Nhưng đạo lý quen thuộc này có mấy ai hiểu và khắc ghi khi sống. Cha mẹ chính là phần phúc đức của con cái, cách sống của cha mẹ sẽ phần nào quyết định cuộc sống của con cái sau này.


ĐỨC lại được tích lũy từ chính quá trình sống hằng ngày của bản thân ta và được dồn tích lại để chuyển phúc cho đời tiếp theo. Đức là do chính bản thân mỗi người tạo ra, vì thế người ta mới gọi là tích Đức; đương nhiên có bị tác động của môi trường sống nhưng ta cần phải chắt lọc lấy cái tốt. Độ tuổi 30 của đời người đánh dấu sự chín chắn, sự trưởng thành: Tuổi lập thân, có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình và không còn bị ảnh hưởng từ gia đình.


Phần Phúc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của một con người trước tuổi 30, và phần Đức sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người sau tuổi 30 cho đến lúc chết và đời con cháu tiếp theo. Phúc Đức bị tiêu trừ khi Nghiệp Chướng xuất hiện và nghiệp chướng sẽ được hóa giải nếu trước đó Phúc Đức được tích lũy. Phúc không thể được sinh sôi hay tạo thêm vì nó gần như được mặc định ngay từ khi con người sinh ra, nhưng phần Đức thì không có giới hạn, con người càng làm nhiều điều tốt, sống càng lương thiện thì Đức càng được tích trữ nhiều. Còn nếu con người kém may mắn không được hưởng phần Phúc thì ta vẫn còn lại phần Đức để tự cứu lấy chính mình.


Nhưng từ 30 tuổi trở đi, cuộc đời và số mệnh của con người sẽ phải chịu ảnh hưởng của phần Đức. Trong quá trình sống nếu ta tử tế, sống lương thiện thì phần đời còn lại cũng sẽ được thành công và yên bình. Còn không thì từ sau 30 tuổi sẽ phải trả giá cho những gì ta đã gây ra, đó là nghiệp chướng. Nghiệp là do chúng ta quyết định bởi mọi việc chúng ta làm không chỉ ảnh hưởng đến mỗi mình mình mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều người khác. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, những gì con người đang làm chính là phúc phần ngày sau con cháu có thể nhận.


Nếu phần nghiệp chướng quá nhiều, nó sẽ được truyền lại cho đời sau. Tiền bạc và địa vị khi chết sẽ không thể đem theo, nhưng Phúc Đức hay Nghiệp Chướng sẽ được truyền từ đời này qua đời khác. Những nghiệp báo của cha mẹ làm tiêu giảm phúc đức của con cái. Cuộc đời một nửa là do số mệnh an bài nhưng một nữa còn lại vẫn nằm trong tay mỗi chúng ta. Số mình có tốt hay xấu ở nửa đời người còn lại là do chúng ta tự điều chỉnh. Chúng ta không thể chọn cách bắt đầu, nhưng kết thúc đều do mỗi người tự định đoạt


Làm gì để tích phúc đức, cải mệnh:

Không phải thứ có thể dùng tiền mua được, dùng bạc vàng để đánh đổi, Phúc Đức chính là thứ người ta cóp nhặt được trong suốt quá trình sống. Phúc đức xuất phát từ tâm, trí đến hành động của con người. Phúc đức trên thực tế là điều mà ai cũng có thể làm được, không phân biệt giàu nghèo. Bởi, phúc đức là món quà mà thần Phật trao tặng những người lương thiện.


Là thứ mang lại may mắn, cứu rỗi, hóa nguy thành an. Chỉ có người lương thiện, mới thấy được chữ Phúc. Cha mẹ hiền lành, con cái có phúc; cha mẹ độc ác, con cái trả nghiệp. Nhưng dù cha mẹ thế nào, con cái cũng phải giữ tâm thiện, đó là cách báo hiếu cha mẹ vẹn tròn nhất. Đối với cha mẹ, với vợ chồng, với bạn bè, bản thân và với chúng sinh, những việc sau đây chúng ta nên coi trọng:

1. Hiếu thảo với cha mẹ. Bất hiếu với cha mẹ: Đây là tội nghiệp nặng nề nhất, và sẽ phải gánh chịu nghiệp báo nặng nề nhất. Không bao giờ được sống thất đức với cha mẹ. Mình phải nên để lại tấm gương đạo đức cho con cháu noi theo.

2. Vợ Chồng nên sống chung thủy, không ngoại tình, không làm hại hôn nhân của người khác.

3. Giữ gìn hành vi - lời nói và suy nghĩ bản thân cho chân chính, tránh tà kiến, không đả kích và phỉ báng người khác.

4. Thành tâm cúng lễ tưởng nhớ tổ tiên.

5. Phóng sinh. Đó là công đức lớn để cứu độ người bệnh và cả vong linh.

6. Tâm bệnh: Là tu Tâm - tích Đức cũng có thể làm thuyên giảm bệnh.

7. Làm việc thiện phát tâm, quyên góp thì sau con cháu của bạn sẽ được hưởng phúc này.

8. Cứu người, giúp người gặp hoạn nan.

9. Hạn chế sát sinh sát sinh là tội ác thất đức trên đời.

10. Làm ăn lương thiện, chân chính và tích Đức thì có Phúc lớn về sau.


Ông Trời có đức hiếu sinh, không triệt đường sống của ai bao giờ, chỉ có chúng ta tự đẩy mình vào vực thẳm mà thôi. Mong chúng ta có được một đời thản nhiên rộng mở, giảm đi phần nào tiếc nuối, thêm một chút an bình, mừng vui. Mong chúng ta có được một đời cố gắng, một đời yêu thương, có được có mất, có kiên trì, khóc được, cười được, vui vẻ được, an nhiên trải qua những năm tháng yên bình. 

Cuộc đời còn lại, không loạn trong lòng, không khốn bởi tình, không sợ tai ương, hướng tới tương lai tốt đẹp không hoài niệm quá nhiều về quá khứ. Lý thuyết nghe có vẻ huyền bí, nhưng thực ra đều xuất phát từ môi trường, đao đức và thực tế đời sống của con người. Chính vì thế nhân loại luôn tiến bộ.


https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/suy-nghi-ve-phuc-duc-99904.html

No comments:

Post a Comment