Wednesday, April 13, 2022

Rắc Rối Chuyện Đổi Giờ - Huy Lâm


Sống ở khu vực Bắc Mỹ như Canada và Hoa Kỳ mỗi năm chúng ta phải đổi giờ hai lần: một vào đầu xuân được gọi nôm na là giờ mùa hè hay là giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (Daylight Saving Time – DST), và một vào khoảng cuối thu với giờ bình thường (Standard Time). Không biết người dân ở Canada nghĩ thế nào chứ riêng ở Mỹ thì cái việc đổi giờ nói trên là chuyện gây ra nhiều tranh cãi trong suốt nhiều thập niên qua.

Kết quả nhiều cuộc thăm dò cho biết đa số người dân Mỹ đồng ý là đã đến lúc cần phải dẹp bỏ luật đổi giờ như hiện nay. Tuy nhiên, ý kiến trong số các nhà lập pháp cũng như trong dân chúng thì vẫn chưa được nhất quán rằng liệu giờ nào là thích hợp nhất để giữ lại vĩnh viễn.

Vậy, nếu muốn dẹp bỏ luật đổi giờ như hiện nay thì bắt buộc phải có luật mới để thay thế, và điều đó rất có thể xảy ra trong nay mai. Lý do là vì trung tuần tháng 3 vừa qua, một dự luật có tên là Dự luật Bảo vệ Ánh sáng (Sunshine Protection Act) – tên nghe rất kêu nhưng thực ra thì ánh sáng đâu có gì để cần phải bảo vệ – đã được thông qua tuyệt đối tại thượng viện sau khi không một thượng nghị sĩ nào lên tiếng phản đối. Nay dự luật này được đưa xuống hạ viện xem lại và nếu được thông qua tại đây thì sau đó sẽ chuyển sang cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Có một điều cần nhắc lại là năm 1973, lúc đó ông Biden còn là một thượng nghĩ sĩ trẻ đã từng bỏ phiếu ủng hộ luật áp dụng giờ mùa hè quanh năm.

Luật liên bang hiện tại cho phép tiểu bang có quyền không áp dụng giờ mùa hè và chỉ sử dụng giờ bình thường. Tuy nhiên, những tiểu bang nào áp dụng giờ mùa hè thì cứ đến cuối thu lại phải đổi trở lại giờ bình thường.

Theo đề nghị mới của thượng viện, tiểu bang được quyền chọn áp dụng giờ bình thường hoặc giờ mùa hè nguyên năm và không được đổi qua đổi lại.

Ý tưởng về việc đổi giờ lần đầu được đưa ra từ thời Thế chiến I và đến năm 1942 thì nó trở thành một sinh hoạt cố định. Từ năm 1945 đến 1966, các tiểu bang được tự do chọn nếu và khi nào họ muốn áp dụng giờ mùa hè, và điều này đưa tới tình trạng giờ giấc của mỗi tiểu bang mỗi khác khiến gây ra rất nhiều nhầm lẫn khi người ta đi từ tiểu bang này qua tiểu bang kia.

Năm 1966, quốc hội cho áp dụng Đạo luật Thống nhất Thời gian (Uniform Time Act) và việc đổi giờ trở thành một hiện tượng xảy ra hàng năm. Năm 2005, Đạo luật Chính sách Năng lượng (Energy Policy Act) ấn định giờ mùa hè bắt đầu vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 3 và kết thúc vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 11.

Trước đây, những người ủng hộ cho giờ mùa hè thường đưa ra hai lý do: Thứ nhất, người ta có thể tiết kiệm được năng lượng do thời gian có ánh sáng được kéo dài trễ hơn vào cuối ngày; thứ nhì, nó có lợi về mặt kinh tế vì ngày sáng lâu hơn và người dân có thêm thì giờ đi ra ngoài và tiêu xài. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong thập niên qua đã có những nghi ngờ về sự hiệu quả của cả hai giả thuyết trên.

Những người ủng hộ cho việc thay đổi luật hiện tại nêu ra một vài điều phiền phức và bất cập của việc đổi giờ, chẳng hạn vào mùa xuân họ mất đi một giờ ngủ và vào mùa đông thì trời tối sớm quá.

Đó là chưa kể có nhiều bằng chứng cho thấy việc đổi giờ có thể không tốt cho sức khoẻ. Sự thay đổi giờ giấc đó khiến làm gián đoạn nhịp sinh học và giấc ngủ của con người và có thể đưa tới nguy cơ đau tim, đột quỵ, rung tâm nhĩ và tai nạn xe hơi tăng cao hơn.

Thế nên, việc thay đổi luật về giờ giấc không hẳn là chuyện bình thường và chớ nên làm một cách vội vã. Những vị dân biểu tại hạ viện đang có trong tay lá phiếu bầu bước kế tiếp cần phải có thêm thời gian bàn luận và cân nhắc lợi hại. Lý do là vì giờ mùa hè nếu cho áp dụng vĩnh viễn thì điều đó chưa chắc thích hợp cho tất cả mọi người, nhất là những người sống ở những thành phố miền Bắc như Minneapolis, Detroit hoặc Tacoma bỗng dưng vào mùa đông phải chờ tới 9 giờ hoặc trễ hơn thì mặt trời mới ló dạng. Những người đi làm buổi sáng phải lái xe trong bóng tối. Các trẻ em đi học phải chờ xe buýt tới đón khi trời còn tối đen như mực trong suốt ba tháng mùa đông.

Những ai sống ở khu vực phía nam như tiểu bang Florida thì không nói làm gì vì nơi đó ánh sáng ban ngày kéo dài tới 10 tiếng rưỡi đồng hồ ngay cả trong ngày đông chí, là ngày ngắn nhất trong năm. Nhưng với những ai sống ở thành phố Buffalo thì chỉ được chín tiếng ánh sáng ban ngày trong tháng 12, và đương nhiên những người này sẽ thích hoàng hôn vào lúc 5 giờ chiều, tuy sớm nhưng tránh được không phải thức dậy vào buổi sáng trong những ngày đông lạnh khi bóng tối còn bao trùm cảnh vật xung quanh. 

Các chuyên gia về giấc ngủ còn cảnh báo là nếu đem áp dụng giờ mùa hè suốt năm có thể còn khiến nhiều người bị mất ngủ, là một vấn nạn về sức khoẻ của nhiều triệu người Mỹ hiện nay.

Các chuyên gia giải thích rằng chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể của chúng ta được kết nối với mặt trời và phù hợp với giờ bình thường. Khi đồng hồ được điều chỉnh để nhảy lên một giờ vào mùa xuân, đồng hồ sinh học của chúng ta không thay đổi nhưng bắt buộc phải đi theo chiếc đồng hồ của xã hội thay vì mặt trời khiến cho nhiều người trong thời điểm đó khổ sở vì thiếu ngủ.

Theo giáo sư Phyllis Zee, dạy và nghiên cứu về thần kinh tại Đại học Northwestern, so sánh trong ba lựa chọn – giờ mùa hè, giờ bình thường hoặc như hiện nay là thay đổi giờ hai lần một năm – giờ mùa hè là giải pháp dở nhất.

Môt số đông người trong chúng ta thích ngày đầu xuân khi chiếc đồng hồ được điều chỉnh nhanh hơn một giờ. Đúng là chúng ta bị hụt mất một giờ ngủ trong một ngày, nhưng đồng hồ đi trước một giờ cũng có nghĩa là những buổi chiều tối trong mùa xuân và mùa hè sáng lâu hơn và chúng ta có thêm thời gian sinh hoạt bên ngoài nhiều hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về giấc ngủ nói rằng giờ mùa hè khi được áp dụng có nghĩa là chúng ta luôn bị trật đi một giờ so với chiếc đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, nó làm gián đoạn nhịp sinh học, giấc ngủ và tất cả các hệ thống sinh học khác của chúng ta. Như đã nhắc ở trên, đổi giờ có liên quan đến sự gia tăng ngắn hạn về tai nạn xe hơi, đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu còn cho thấy thay đổi vĩnh viễn qua giờ mùa hè có thể còn có những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài hơn đối với sức khỏe liên quan đến sự lệch nhịp sinh học mãn tính, trong đó có sự gia tăng nguy cơ rối loạn về tim mạch, quá trình trao đổi chất (metabolism) và ung thư ở những khu vực mặt trời mọc muộn hơn vào buổi sáng.

Chiếc đồng hồ sinh học hiện diện trong hầu hết các tế bào trong cơ thể chúng ta và ảnh hưởng tới tất cả mọi hoạt động, từ lượng kích thích tố nhiều ít tới áp huyết cao thấp. Làm gián đoạn chiếc đồng hồ sinh học đó dù chỉ một giờ cũng có thể khiến cho mọi thứ bị đảo lộn: ăn không đúng giờ, hoạt động không đúng giờ, ngủ không đúng giờ – tất cả “những cái không đúng giờ” đó tích tụ lại thành “những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe”.

Và một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất với giờ mùa hè là mặt trời sẽ mọc trễ hơn vào mùa đông và các trẻ em đi học sẽ phải đến trường khi trời còn tối thui. Chẳng hạn như tiểu bang Indiana đi theo giờ miền đông và khu vực phía tây của tiểu bang vào mùa đông phải chờ tới 9 giờ thì mới thấy mặt trời ló dạng. Điều này có nghĩa là các em tới trường học hai tiếng đồng sau mới thấy ánh sáng mặt trời le lói bên ngoài và đương nhiên là đồng hồ sinh học của các em sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ sự lệch lạc giờ giấc này. Một điều chắc chắn là các phụ huynh có con nhỏ sẽ không ủng hộ khi nhìn thấy con em mình phải đi đến trường trong bóng tối mờ mịt như thế.

Chính phủ Mỹ đã từng thử nghiệm không thành công đổi qua giờ mùa hè ít nhất ba lần trước đây. Lần gần đây nhất là vào năm 1974, nước Mỹ đã cho đổi qua áp dụng giờ mùa hè nhưng chưa đầy một năm sau thì đã phải đảo ngược quyết định vì bị nhiều người dân chống đối. Nếu lịch sử được lập lại thì có lẽ dự luật đổi giờ lần này cũng sẽ không thành công.

Chuyện đổi giờ ở Mỹ coi vậy mà rắc rối chứ không chỉ đơn giản là đổi qua đổi lại dù chỉ khác biệt một tiếng đồng hồ. Kết quả nhiều cuộc thăm dò cho thấy ngày thứ Hai đầu tiên sau khi chiếc đồng hồ được vặn sớm hơn một giờ vào mùa xuân, năng xuất làm việc tại hãng xưởng bị giảm sút và học sinh gặp khó khăn trong việc tập trung học tập trong lớp học. Rắc rối thế mà tại sao người ta cứ tìm cách thay đổi giờ giấc hoài vậy kìa.


Huy Lâm

No comments:

Post a Comment