Đoàn xe đò trên ba mươi chiếc, mang tên “Lộc Thành”, thân xe dài. Mỗi xe chở trung bình khoảng trên sáu mươi người, đồ dùng mang theo được chất hết lên trên trần xe trừ hành lý xách tay được để trong xe. Gia đình nào ngồi riêng gia đình đó để khỏi bị lạc, và tiện việc phát thực phẩm, nước uống…Tôi không biết gia đình tôi đi đâu, đến đâu ? Vì tôi mới có bảy tuổi đầu, còn quá nhỏ để tìm hiểu chuyện của người lớn…Nhưng tôi cũng được nghe người ta nói : “Đi di dân lên Dinh Điền ở đâu đó, không biết ngày nào mới trở về thăm quê ?!” Đó là thời : Năm một nghìn chín trăm năm mươi bảy !
Bây giờ đã là tám giờ tối, thông thường giờ nầy gia đình tôi đã đi ngủ. Ngồi
nhìn đèn điện trong xe sáng trưng, những thằng con nít như tôi rất thích thú !
Có bao giờ được thấy thứ ánh sáng chói mắt như vậy mô, chỉ thấy toàn là đèn dầu
le lói. Bên ngoài người ta đi lại lăn xăn quá đông…Có người khóc, có người chạy
theo nắm tay của người thân ở trong xe, người trong xe cũng khóc khi xe bắt đầu
lăn bánh từ từ… Gia đình tôi không có bà con đến tiễn đưa ! Tôi nhìn cha tôi và
ông dượng đang nói gì đó với người lái xe, rồi cha tôi đẩy cái cối xay bột bằng
đá vô gầm xe thay vì phải đưa lên trên trần, có lẽ quá nặng.
Xe chạy suốt đêm đến Quảng Ngãi, xe dừng lại để đi vệ sinh, nghỉ ngơi và phân
phát thức ăn, nước uống…Nghe nói chỗ nầy là : Thị trấn Châu Ổ. Tôi thấy cây cầu
sắt thật dài, hai bên thành cầu hình vòng cung màu đen thui, dưới bờ sông những
lùm cây mọc cao quá đầu chạy ra gần ngấn nước. Người ta phân phát cho mỗi người
một ổ bánh mì thịt dài khoảng gan rưởi tay. Lần đầu tiên gia đình tôi cũng như
mọi người rời bỏ quê hương ở Quế Sơn, Quảng Nam đói nghèo quanh năm, cơm độn ăn
còn không đủ no, thì làm gì mà biết cái thứ bánh mì hình thù như thế nào để
biết cách mà ăn. Khi cầm bánh mì trên tay thì cảm nhận mùi vị tỏa ra khó chịu !
Sắn khoai thấm vào trong máu từ đời nầy sang đời khác, thành thử nghe mùi bánh
mì lạ hoắc, lạ đế… tỏa ra “thơm lừng” nhưng không thể một giây, một phút mà
thưởng thức được dù bụng đói. Mọi người thò tay móc chút thịt rau ra ăn thử…Ăn
cũng không mạnh miệng… Bánh mì quăng ngổn ngang cả một quãng đường dài ! Người
ta có cho bia chai nhưng không một người đàn ông nào biết uống. Khui ra đưa lên
mũi ngửi ngửi… nếm thử - rồi nói : Răng mà giống cái mùi nước…“đái trâu” ở quê
mình rứa hỉ ? Cuối cùng đem đổ bỏ hoặc để lại bên đường cho thị trấn Châu Ổ,
Quảng Nghĩa mà ra đi !
Khi sắp đến giờ - xe tiếp tục khởi hành thì không biết ông dượng của tôi bỏ đi
đâu mất biệt…? Cha tôi chạy tìm khắp mọi nơi vẫn không thấy ! May có người nói
cho biết - “Tôi thấy một người đàn ông chạy ngược trở về phía sau đoàn xe…”.
Cha tôi chạy tìm… Sau nầy được biết dượng tôi đi ngược trở về nhà ! Đoàn xe
tiếp tục chạy ra hướng thành phố Qui Nhơn ngược vào Quốc Lộ 19 - lên Cao
Nguyên. Mặt đường lởm chởm đá xanh gồ ghề, loang lở… Xe chạy chao qua, chao
lại, giằng xóc, hai bên đường cây cối rậm rạp, nhất là những tàng tre le hai
bên đường phủ rợp, giao cành với nhau. Đoàn xe chui đầu âm thầm chạy, những ngọn
tre như ngọn roi quất vào hai bên hông xe kêu rào rào… Qua cửa kính xe, tôi và
mọi người nhìn ra bên ngoài núi non trùng trùng điệp điệp, mây mù giăng mắc,
khói rừng, sương mù kéo nhau từng bầy trông buồn thảm rợn người ! Nhìn cảnh
trời mây cuộn cuộn khi qua đèo An Khê - Mang Giang. Có người - phần nhớ nhà,
phần nhớ quê đã òa khóc nức nở… ! Đến Thị Trấn Pleiku xe chạy chầm chậm, và
dừng lại để để mọi người vệ sinh, nghỉ ngơi. Lần đầu tiên nhìn thấy một vài
người Thượng ở trần mặc khố. Họ thản nhiên đứng câu cá bên một cái hồ rộng,
nước đục ngầu. Họ không nhìn đoàn xe, nhưng chúng tôi nhìn họ một cách lạ lẫm.
Đám con nít chúng tôi thì sợ đến phát khiếp ! (Sau nầy đi lính tôi mới biết cái
ao nước đục đó là Trà Bá, trên đầu dốc bên phải có rạp hát Diệp Kính). Xe lên
đến Thị xã KonTum và tiếp tục chạy thêm ba mươi mấy cây số đường rừng đất đỏ về
hướng Dakto. Xe dừng lại bên một bãi đất trống với hàng chục căn lều bự được
làm sẵn bên dòng sông nước trong xanh - đã có một “Ban tiếp nhận người di dân -
”khu Dinh Điền” ! Vùng Dakpsi - cũng là dòng sông Dakpsi, Dakto, KonTum.
Sở dĩ người dân hưởng ứng và tình nguyện chấp nhận bỏ quê cũ - nơi chôn nhau
cắt rún lâu đời để ghi danh đi di dân - là bởi nhiều nguyên nhân. Không phải họ
không có đất để canh tác - nhưng đất canh tác quá ít lại khô cằn sỏi đá. Cây
sắn mọc ngang rốn đã thành ông cụ, dù có bón phân, hơn nữa một phần đất canh
tác là đất “Hương Hỏa” từ cha ông để lại, giòng họ cho luân phiên nhau canh tác
và đóng thuế cho “Tộc Họ” để lo mồ mả, hương khói, giổ quảy hằng năm… Đa phần
trong số họ làm không đủ ăn, đời sống cơ cực từ đời nầy qua đời khác do đất
không nở ra mà con người càng ngày càng sinh đẻ thêm. Một số không có đất ruộng
phải thuê ruộng đất để canh tác, hoặc đi làm thuê, ở đợ chăn trâu, chăn bò cho
địa chủ phú nông; lắm khi người giàu có, cũng là người bà con trong giòng tộc.
Nhưng họ quay ra bóc lột ngay những người bà con trong giòng tộc của mình một
cách thậm tệ ! Từ đó xảy ra tranh chấp hương hỏa, đất đai ruộng vườn dai dẳng -
dẫn đến xung đột công khai hoặc ngấm ngầm. Nhưng tất cả đều bị dập tắt vì ở vị
thế yếu ! Chưa nói đến những “phí và lệ” cũng như thuế má mà người dân phải
đóng góp… Họ muốn có đất ruộng, muốn có một mảnh vườn, một ngôi nhà dù là nhà
tranh vách đất - nhưng phải thực sự do họ làm chủ, từ mồ hôi nước mắt họ tạo
dựng nên. Ngoài ra, có một số người bị phạm tội, tuy trắng án - sẵn cơ hội nầy
cũng muốn ra đi tìm vùng đất mới để làm lại cuộc đời mà không bị người trong
làng khinh khi dè bỉu cái dĩ vãng sai lầm thuở trước !
Giòng họ tôi, theo gia phả thì điểm xuất phát từ vùng Nghệ - An. Nói đúng ra
mấy đời cố tổ của giòng họ tôi là “lính thú” theo các chúa Nguyễn vào vùng đất
Quảng Nam và ở lại lấy con gái nước Chàm sinh cơ lập nghiệp cho đến ngày nay đã
mấy trăm năm…(?) Ngôi nhà thờ tự còn truyền lại gia phả, phú ý từ nhiều đời đã
nói lên quá khứ tiến về phương Nam của những bậc tiền nhân đi mở cõi. Eo đất
Trung Phần trong đó có Quảng Nam quê tôi - đất ruộng ít, khô cằn, quanh năm
hứng chịu hàng chục cơn bão từ biển thối vào. Đói rách là nỗi ám ảnh nghìn đời
của những con người sống trên mảnh đất miền Trung ! Chương trình di dân vào khu
Dinh Điền là một lối thoát duy nhất chẳng những cho gia đình chúng tôi; mà cho
hết thảy mọi người nghèo - một lối thoát danh dự ! Sau mười mấy năm bỏ quê âm
thầm ra đi lập nghiệp, lúc nào cha tôi cũng canh cánh niềm ao ước được trở về
thăm quê cũ một lần rồi có chết cũng thỏa lòng. Mong mỏi duy nhất của cha tôi
là xây lại phần mộ cho ông bà nội của tôi. Tôi và hai người em gái lớn phụ giúp
cho cha tôi đạt được mong ước của ông. Sau chuyến về quê lần đó - năm sau ông
chết bởi chiến tranh !
Sau cùng là người ta tin tưởng vào chương trình di dân của chính phủ Ngô Đình
Diệm. Một chương trình lập ra những khu Dinh Điền thiết thực đem lại no cơm ấm
áo cho từng lớp người nghèo không có đất canh tác triền miên từ đời nầy sang
đời nọ trong suốt thời gian thực dân Pháp đô hộ và chế độ Phong Kiến. Bởi, đa
phần ruộng đất nắm trong tay địa chủ, phú hộ. Người di dân tuyệt đối tin tưởng
vào chính phủ; họ không mảy may có ý nghĩ nghi ngờ rằng chính phủ sẽ đưa họ vào
những khu Dinh Điền - rồi bỏ mặt họ ra sao thì ra. Dù họ chưa thấy tương lai,
nhưng người dân luôn tin vào những gì chính phủ hứa hẹn với họ. Và họ đã không
lầm ! Ở tỉnh Kontum có bốn “Khu Đnh Điền”: Trung Nghĩa - Tri Đạo - Diên Bình -
Tri Lễ. Với số dân khoảng mười hai nghìn người từ các tỉnh : Bình Định - Quảng
Ngãi - Quảng Nam.
Về mặt đời sống - chương trình di dân vào các Dinh Điền là chính phủ đã tiên
liệu chuẩn bị đầy đủ về mọi phương tiện vật chất, tinh thần để người dân an tâm
bắt đầu tạo lập cuộc đời mới. Không lo sợ: Đói khổ, bệnh hoạn, hay bị bỏ rơi…
Mỗi khu Dinh Điền có một ban đại diện của Chính phủ. Chức vụ ban đại diện cao
nhất là : Địa Điểm Trưởng, thư ký, thủ kho, tài xế… Một “Cuộc Cảnh Sát” ba
người lo trật tự. Vị Địa Điểm Trưởng chịu trách nhiệm lo cho đời sống người dân
như : Đề bạt ý kiến người dân, phân chia lô gia cư, phân phối đất để trồng trọt
tính theo đầu người trong mỗi gia đình. Phân phối thực phẩm : Gạo, đường, sữa,
mắm, muối…, soong, chảo, nồi, niêu, thùng thiết, chén đũa… Áo quần, vải bạt,
chiếu gối, mền mùng, giày, dép, nón, khăn, bàn chải… và tiền mặt, trong tám
tháng đầu. Sau tám tháng khi đã có hoa màu, lúa…thì ngưng. Tuy nhiên những gia
đình nào thiếu ăn vẫn được cấp phát thêm cho đến khi tự túc tự cường. Dụng cụ
canh tác thì phân phát đầy đủ để có phương tiện canh tác, sản xuất gồm : Cuốc,
cào, xẻng, dao, rựa, búa, rìu, xuổng, liềm, dụng cụ mộc để cất nhà. Hạt giống :
Lúa, bắp, các loại đậu. các loại hạt giống rau. Người dân thiếu cái gì thì cứ
việc đề xuất với ông Địa Điểm Trưởng là được cung cấp.
Giai đoạn đầu. Về mặt hành chánh mỗi khu Dinh Điền là một Xã, tùy theo số dân
để phân chia ra từng thôn, Thông thường chia ra làm ba thôn. Chính quyền Xã -
đứng đầu là xã trưởng. Hội đồng nhân dân xã, thôn trưởng. Bầu cử bằng lá phiếu
phổ thông. Khi đã hình thành cơ cấu thôn xã thì vai trò Địa Điểm Trưởng không
còn nữa. Cuộc cảnh sát cũng biến mất, nhường quyền lại cho Chính quyền Xã. Có
một số gia đình khi vào đến Dinh Điền lãnh trợ cấp xong ở chừng mấy tháng buồn nhớ
quê ở tự động bỏ về lại quê cũ. Chính phủ cũng không bắt bồi thường hay truy
tố, nhưng đó chỉ là số ít.
Ngoài trụ sở Xã thôn ra, trong Dinh điền người ta xây một trường Tiểu Học, khu
nhà ở cho các Giáo Sư, Trạm Xá - nhà Bảo Sanh, Thư Viện, nhà Thờ, Đình, Chùa,
Chợ. Một sân túc cầu và một số sân bóng chuyền. Sau khi đã hình thành đơn vị
hành chánh thì có tên Xã ! Không còn kêu là Dinh Điền nữa vì đã có tên tuổi! Mỗi
xã có một trung đội Dân Vệ (Nghĩa Quân), lập đồn để giữ an ninh, trật tự trong
Xã.
Để tăng lợi tức cho người dân. Chính phủ khuyến khích người dân trồng cây đay,
các loại cây ngắn ngày. Cây đay cho sợi màu trắng dùng làm bao bố đựng gạo loại
“một trăm ký”. Trồng cây đay rất dễ, không cần dùng phân bón hay thuốc trừ sâu
vì đất đỏ quá tốt. Hạt giống do chính phủ cung cấp. Đặc tính của cây đay lớn
nhanh, cây cao thẳng tắp, cành rất ngắn, lá chân chim, cao chừng ba đến bốn
mét, thời gian thâu hoạch ba tháng. Khoảng tháng mười, đầu mùa nắng, người ta
chặt cây đay dùng xe cộ kéo xuống sông. Chọn đoạn sông cạn, nước chảy bình
bình. Dùng cọc cây đóng xuống hàng hàng; phân ra từng lô, xếp dày dày cây đay
xuống nước, lấy gỗ ghìm bên trên cho đay khỏi trồi lên. Thời gian ngâm cho rục
vỏ lụa bên ngoài thân cây đay khoảng hai tháng. Đặc biệt trong thời gian dọn
đất có một số chuyên gia người Nhật đem máy cày đến. Họ cày thử trên đất đỏ.
Người ta xúm coi rất đông. Tôi nghe cha tôi nói : Người Nhật đưa máy cày đến
thử nghiệm, nếu được họ sẽ sản xuất theo địa hình thổ nhưỡng Việt Nam và họ
mang máy của họ sang bán.
Về mùa giũ đay rất là vui ! Trời Cao nguyên mùa nào cũng lạnh, nhất là sương mù
thì không bao giờ thiếu, Chín mười giờ sáng sương mù vẫn chưa tan hết, nhưng vì
công việc sinh nhai nên cứ phải đi làm. Có điều rất hay là - dù lộn xộn ơi ới
dưới sông, nước văng tung tóe suốt ngày, nhưng không ai tranh giành hay lấy của
ai, mọi người rất thương yêu đùm bọc nhau, những người phụ nữ không có đàn ông
bên cạnh cũng được sự giúp đỡ của những người đàn ông khác vớt cây đay để lên
giàn cho họ ngồi giũ. Chừng ba giờ chiều là ngưng làm vì không có ánh nắng bởi sương
mù và trời bắt đầu lạnh hơn. Số lượng đay của ai thì người đó mang về nhà phơi
khô… Đợi khi làm xong Chính phủ sẽ mua.
Cha tôi ghi danh trồng cao su ở giai đoạn đầu - một mẫu rưỡi, và giai đoạn sau
là ba mẫu. Chính phủ cho vay tiền để làm, khi cao su cho mủ chính phủ trừ nợ
dần dần…Tôi thấy cha tôi rất vất vả, tôi thương lắm nhưng chẳng giúp được gì !
Ngoài giờ học chữ ra, tôi chạy đến vườn ươm cây cao su xin học lớp - ghép cây
cao su. Thời gian học mười lăm ngày. Sau khi học xong được cấp giấy chứng nhận.
Thời gian còn đi học thì đi ghép cây một buổi, chỉ khi nào nghỉ hè thì đi ghép
cây trọn ngày. Được trả công bằng tiền hoặc bằng gạo. Tôi rất mừng vì giúp cho
cha mẹ tôi được cái gì hay cái đó ! Khi không còn ghép cây cao su, đến tháng
nghỉ hè tôi chạy đến vườn ươm ghi danh đi trồng rừng để lấy gạo.
Thật tình mà nói, cha mẹ tôi bỏ quê hương ra đi lập nghiệp coi như làm lại từ
đầu. Bỏ quê ra đi không có tiền của mang theo. Có một sào đất và ngôi nhà gỗ
lợp tranh ọp ẹp thì để lại nơi quê nhà cho anh em ở. Trong khi tuổi đời của hai
người đã lớn. Hơn nữa con cái lại đông ! Cũng may thời ấy đi học ở cấp Tiểu Học
được miễn phí hoàn toàn, còn được cấp sách vở, bút viết các loại… Học sinh học
lấy được cái bằng tiểu học kể cũng giỏi rồi - với trình độ tiểu học nếu ai khó
khiếu thì : viết văn, làm thơ… là chuyện bình thường. Học sinh nào muốn học lên
trung học thì xin học bổng. Đau ốm bịnh hoạn cũng được chữa miễn phí ! (nhà
thương thí) Nếu không được như vậy chắc anh em chúng tôi chịu dốt và bịnh chết
là cái chắc. Nếu ai không có điều kiện ngồi ghế nhà trường học hết bậc Trung
Học, cũng có thể ghi danh học Hàm -Thụ, khi học hết chương trình Hàm- Thụ và đi
thi nếu đậu vẫn được Bộ Giáo Dục công nhận và cấp bằng như thường.
Gia đình tôi không bao giờ quên sự trợ giúp chí tình như ruột thịt - của ông bà
Thủ. Nhà ông bà ở làng Konhring, cách nhà tôi chừng bốn cây số. Ông bà quê vốn
ở Bình Định, theo cha mẹ lên KonTum - truyền đạo và lập nghiệp. Ông bà cũng có
nhà ở Thị xã KonTum. Ông bà nói tiếng Thượng, tiếng Bahnar, tiếng Se Đăng, rất
giỏi. Các con ông có người đi tu trở thành “Ma soer”, Sĩ quan trong Quân đội
Quốc gia… Ông từng làm “Chánh Tổng” làng Konhring, hơn hai mươi năm. Người
Thượng, người kinh đều gọi ông là : ông “Chánh Tổng”. Ông mở một nhà máy xay
lúa giúp người dân đỡ phải giã gạo bằng cối - dân đến xay lúa mỗi ngày đông vui
! Sau nầy tuổi lớn ông không làm Chánh Tổng nữa. Anh em chúng tôi gọi ông bà là
: “Ông bà ngoại thiêng liêng” đúng như lời Chúa đã dạy ! Sau nầy mấy mẫu ruộng
và đất “ông ngoại” cũng giao hẳn cho cha tôi chăm sóc. Được mấy năm cha tôi
cũng phân chia cho những người con đỡ đầu của ông canh tác, vì ông không còn
sức khỏe.
Năm 1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý lên Dakto, KonTum. Tổng thống
Diệm có ghé xã Diên Bình, một khu Dinh Điền nay đã hình thành và phát triển.
Học sinh chúng tôi ăn mặc đồng phục chỉnh tề tập trung về trụ sở xã - cầm vờ vàng
ba sọc đỏ nô nức chờ đón Tổng thống…! Lần đầu tiên tôi thấy ông Tổng Thống
Diệm. Ông mặc bộ đồ veston, đội mũ và cầm cây gậy. Ông nói gì với người dân thì
tôi chẳng nhớ, chúng tôi chỉ biết vổ tay và không khí rất là thân mật. Hôm sau
đến trường nghe thầy cô nói : “Tổng Thống chúng ta thường mặc Quốc Phục Việt
Nam để tiếp đón các vị nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới và những ngày
quốc lễ… Đó là sự hãnh diện cho đất nước và nền văn hóa dân tộc !” Sau nầy vào
năm 1972 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có lên tỉnh KonTum để gắn lon cho một
vị Tướng tại chiến trường trong “Mùa hè đỏ lửa”. Như vậy đủ thấy Địa Danh
KonTum rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ lãnh thổ.
Thời gian trong những năm Đệ Nhất Cộng Hòa - nơi đây, núi rừng Cao Nguyên Trung
Phần nói chung - KonTum nói riêng là thanh bình, bóng ma chiến tranh chưa lảng
vảng nhiều về nơi nầy, chỉ lẻ tẻ một vài trận đánh… Cửa nẻo mọi nhà trong thôn
đơn sơ, nhưng chẳng ai lấy của ai, chưa bao giờ nghe thấy ăn trộm ăn cắp chứ
đừng nói chi đến chuyện tày trời là - cướp giựt, đâm chém. Hình ảnh chiến tranh
duy nhất là - người lính Nghĩa Quân mang cây súng : “Garant, Carbine” hằng đêm
đứng gác cây cầu, còn ban ngày họ về nhà đi làm ruộng rẫy cùng gia đình như mọi
người dân.
Những năm đầu mới đến chưa kịp khai phá nên rừng còn sát vườn. Ban đêm, tiếng
cọp gầm nghe lạnh xương sống, đôi khi cọp về bắt trộm heo bò. Buổi sáng tôi thấy
cha tôi và mấy người hàng xóm lần mò theo dấu chân cọp để tìm cách đặt bẫy. Lần
đầu tiên tôi nhìn thấy dấu chân con cọp to như cái miệng chén. Nhà nào cũng
chuẩn bị một cái thùng thiếc hoặc mõ tre để sẵn trong nhà, khi có cọp gầm là
đánh thùng, đánh mõ rùm lên cọp sợ chạy tuốt. Buổi sáng sương mù dày đặc, chín
hoặc mười giờ mới thấy ánh mặt trời. Chiều chừng ba giờ mặt trời đã co ro trong
sương chiều âm u rờn rợn. Đôi khi ông trời âm u cả ngày, có khi đôi ba ngày.
Một bữa cha và chú tôi đi săn được một con mèo rừng, cũng lớn lớn. Cha tôi đem
mần thịt bỏ vô nồi nấu cháo, khi thịt chín thì vớt ra xé phay trộn muối tiêu
rau răm. Chú tôi nói : - Tối nay khoảng sáu giờ ra thôn họp - họp xong về anh
em mình ăn khuya, uống vài xị lai rai. Nghe nói ra thôn họp, tôi đòi đi theo và
được cho đi. Mỗi người đi họp đều cầm trên tay một cây đuốc để thấy đường khi
trở về nhà. Họp lâu quá nên tôi buồn ngủ, tôi đi tìm và chui vô trong cái thùng
chứa bắp giống của thôn nằm ngủ. Khi họp xong cha chú ra về - bỏ quên tôi ! Khi
về đến nhà hai ông mới biết, hai người quay lại tìm nhưng không thấy tôi ở đâu.
Hoảng hồn hai ông báo động mọi người túa ra tìm nhưng cũng không thấy! Mọi
người cứ đinh ninh rằng tôi bị cọp vồ… Đến khoảng nửa đêm tôi giật mình thức
dậy nhìn chung quanh tối thui, tôi òa khóc và gọi : cha chú… Cha của thằng Doãn
bạn học của tôi nhà ở gần Thôn nghe tiếng tôi khóc vội chạy ra dẫn tôi về nhà.
Trước sân nhà cũng như trong nhà đèn đóm sáng trưng, bà con hàng xóm có đủ …
Thấy tôi trở về mọi người tan hàng… Mẹ và mấy đứa em gái tôi cũng thôi khóc.
Đêm đã khuya, mẹ tôi lật đật đi hâm nồi cháo mèo rừng cho mọi người cùng ăn.
Lần đầu tiên tôi ăn thịt mèo rừng, thịt trắng như thịt gà, ngon thơm… Cha và
chú tôi vừa ăn vừa uống rượu, không một ai nhắc gì đến chuyện của tôi ngủ quên
ở trong nhà kho của Thôn. Chỉ có mẹ tôi nói : - “Ăn thịt mèo không nghèo cũng
hạn…” ! Hạn đâu không thấy chỉ thấy bà ăn còn dữ tợn hơn ai hết !
Dòng sông Dakpsi - sông Pơko, chảy qua thời thơ ấu của chúng tôi và để lại rất
nhiều kỷ niệm không bao giờ xóa nhòa trong tâm tưởng. Mùa mưa - mưa rừng thì
khỏi chê, mưa lê thê mưa dai dẳng - mười ngày, nửa tháng là chuyện bình thường.
Người ta nói, mưa thúi đất quả là rất đúng ở nơi đây. Mưa lâu cả nửa năm cho
nên rong rêu cỏ mọc kín đường che bít hết cả lối đi từ nhà ở đến cơ quan,
trường học… Nhưng mưa cũng có cái lợi của mưa chứ lỵ ? Mưa đầu mùa trút xuống
chừng một tháng - khoảng tháng năm. Nấm mối mọc đủ mọi chỗ, mọi ngõ ngách… Đôi
khi mọc cả tháng, mọi người đi hái đem về làm đủ món… thích nhất là món cháo
nấm mối do mẹ tôi nấu - thật là ngon ngọt ! Tiếp đến là nấm xào tỏi, nấm nấu
canh với rau dền, rau lang… Mùa mưa cũng là mùa của măng tre le. Rừng tre le
mênh mông chỉ cần xách bao đi vào rừng tre một chặp là đầy bao. Người nào không
đi lấy được hoặc sợ con vắt cắn thì ra chợ mua. Người Thượng, người Kinh đi lấy
măng về luộc chín hoặc để sống đem ra chợ bán - giá rất rẻ ! Măng cũng như nấm,
đến mùa thì đầy rẫy, làm đủ các món như : Măng nấu canh, gỏi măng trộn rau thơm
với đậu phộng hoặc mè, măng kho cá hấp… Măng tươi ăn không hết thì chẽ ra đem
phơi nắng làm măng khô. Trời mưa dầm thì đốt lửa lên sấy. Măng tre le khô bán
giá rất cao. Măng khô hầm thịt gà cũng rất ngon.
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhiều - đó là bài ca về xổ số kiến thiết trên Radio vào
những buổi chiều thứ bảy xổ số do ca sĩ Trần Văn Trạch hát :
… Xổ số Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bào ta nên cửa nên nhà giàu sang mấy hồi,
giàu sang mấy hồi. Mua số mau lên ! Mua số mau lên !…
Thời đó có câu : “Mắt thứ hai, tai thứ bảy” ! Nghĩa là : Ngày thứ bảy lỗ tai lo
nghe chuyện xổ số, trúng trật…! Thứ hai đến sở làm mắt tèm nhèm, ngáp lên, ngáp
xuống. Tôi nghĩ có thể là vậy, không biết có đúng không ?
Xã thôn lúc bấy giờ cũng làm hàng rào “Ấp chiến lược”. Rào đề phòng, chứ thật
ra chưa có bóng dáng chiến tranh… Tôi thấy người dân vô rừng chặt cây, chặt tre
rất nhiều, xe Chính phủ chở về. Sau đó đào mương hình miệng chậu chung quanh
thôn, xã. Chừng ba tháng đã hình thành hàng rào chung quanh thôn rất kiên cố,
dưới lòng mương và hai bên đều có cắm chông tre đủ cỡ. Cách một khoảng xa xa có
chừa cổng để đi ra đồng, ra rẫy… Mỗi gia đình còn được nhận một cái “Radio” ấp
chiến lược màu vàng của Chính phủ cho. Máy có hai băng tần.
Một hôm cha và chú tôi ngồi uống rượu. Cha tôi hỏi chú tôi rằng : - “Em có
trình độ hơn anh. Vậy em có nhận xét gì về chương trình ấp chiến lược không ?”
- Chú tôi nói :
- “Chương trình Ấp chiến lược là chương trình có tính cách lâu dài, gồm hai mục
đích : Thời chiến và thời bình.
Thời chiến : Gom dân vào một nơi nhất định. Ban đầu một số người không bằng
lòng - xuyên tạc, nói xấu… nhưng lần hồi họ sẽ thấy tác dụng ! Chúng ta không
kéo quân đi đến nhà ai để giết cướp. Nhưng người khác đến nhà chúng ta quấy
phá, đồng thời móc nối người của chúng ta làm nội ứng và tiếp tế lương thực cho
“du kích” mỗi ngày. Thậm chí còn dấu “du kích” ở trong nhà, dưới hầm ! Để tách
chúng ra, bắt buộc phải rào lại.
Thời bình : Anh có thấy máy ủi của Mỹ không ? Rừng già như vậy mà một ngày -
một cái máy ủi - ủi hàng chục mẫu tây rừng ra đất bằng phẳng, sạch trơn ! Nếu
chúng ta cầm cây rựa mà chặt… chặt…, thì biết đến bao giờ ra đất để canh tác ?
Anh đã có thấy cái máy cày của người Nhật cày đất cho ta trồng cây đay chắc anh
cũng hiểu. Một ngày cái máy cày - cày trên chục mẫu tây đất. Nếu chúng ta cầm
cuốc - thì cuốc… cuốc… đến bao giờ mới xong ? Người dân Việt chúng ta - tám
mươi phần trăm là làm Nông nghiệp, nhưng từ mấy nghìn năm nay cứ mãi lẩn quẩn
trong cái lũy tre làng, cái suy nghĩ “tiểu nông” luôn hạn hẹp không cách chi
bức phá ra bên ngoài - dù có muốn bức phá cũng phải cần một thời gian dài, kể
cả những người cho là có học vấn nhưng vẫn còn bảo thủ không chịu tiếp nhận một
nền khoa học kỹ thuật… Ở thế kỷ trước ở bên nước Anh. Khi phát minh ra đầu máy
xe lửa và cái máy may, người công nhân thời đó sợ cái “máy” giành mất việc làm
của họ - họ đã biểu tình, đập bỏ…Thì anh cũng đủ hiểu chuyện đời mỗi khi thay
đổi việc gì nó không đơn giản chút nào. Làng mạc nhà cửa nông dân nằm rải rác
từng cụm nhỏ, cư ngụ kiểu da beo… Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông
nghiệp bằng máy móc cơ giới thì rất trở ngại trên mọi phương diện. Ấp chiến
lược - thời bình sẽ trở thành “Khu đô thị !”. Đã là khu đô thị thì tất cả mọi
sinh hoạt đời sống bên trong được nâng lên mọi mặt như : Kỹ nghệ, nhà xưởng,
chợ, mậu dịch buôn bán, giao thông, trường học, thư viện, in ấn, báo chí, nhà
trẻ, bệnh viện, bưu điện, điện, nước, rạp hát, các khu vui chơi giải trí và du
lịch, viện dưỡng lão, tòa án, nhà thờ, chùa…, công viên… Chúng ta hiểu sâu xa
hơn thì chương trình “Ấp chiến lược” mục đích lâu dài là như vậy đó ! Hình thức
không khác gì nông thôn bên Âu châu, bên Mỹ. Nhưng tiếc rằng chúng ta đang
trong thời chiến, hơn nữa dân trí chúng ta còn thấp và tâm lý sợ “xê dịch” nên
không thể một lúc có thể tiếp nhận hết được ánh sáng văn minh. Bài học canh tân
của Nguyễn Trường Tộ đã bị đám quan lại bảo thủ của triều đình phong kiến Tự
Đức từ chối, làm mất đi cơ hội phát triển… Đất nước, bị người Pháp xâm lăng đô
hộ cả trăm năm ” !
Hàng nghìn mẫu cao su lên tuổi đã bắt đầu cạo mủ. Chính phủ mở lớp dạy cách cạo
mủ. Phương tiện chuyên chở, thu mua, chế biến thì đã có chính phủ đảm nhận. Ai
không trồng cao su, cũng có việc làm - đi cạo mủ, làm trong nhà máy. Người dân
ai cũng hy vọng một ngày cây cao su cho mủ. Và kỳ vọng hơn - là làm giàu, vì mủ
cây cao su ví như “vàng trắng !
Nhưng sự việc ở đời người tính không qua trời tính. Cuộc “đảo chánh”" ngày
1.11.1963… Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ. Ông Diệm chết, kéo theo chương
trình ấp chiến lược chết theo ! Lúc bấy giờ tôi chỉ là học sinh, chưa biết gì
nhiều về Chính trị… Cha và chú tôi buồn nhiều lắm ! Không buồn sao được khi tất
cả thời gian, công sức đều dồn vô cây cao su với biết bao hy vọng…!
Ông Diệm chết, người dân sống trong khu Dinh Điền đã có một số ít bỏ đi nơi
khác hay về quê cũ… Một phần do chiến tranh lan rộng và do sự thiếu quan tâm
của chính phủ sau nầy. Nhất là an ninh. Nơi họ ở lâu nay rất bằng an, nay đã
trở thành vùng xôi đậu… Ban ngày Quốc Gia, ban đêm Việt Cộng. Tối đến những
thanh niên nam nữ hoặc các viên chức không dám ngủ ở nhà. Họ tìm đến những nơi
an toàn như –-gần đồn Nghĩa Quân hay những nơi mà họ cảm thấy an toàn… Nhưng dù
gì đi nữa người dân vẫn không rời Dinh điền, bởi họ bỏ công sức, mồ hôi bao năm
lập nên cơ nghiệp. Họ được chính phủ đệ nhất cộng hòa đã cho họ cái quyền làm
chủ từng mẫu đất, mẫu ruộng… một cách hợp pháp mà mấy đời ông cha của họ có nằm
mơ cũng không bao giờ thấy được.
Tôi lớn lên trong hoàn cảnh miền Nam đang chiến tranh, tôi cũng như bao người
thanh niên gia nhập Quân đội bảo vệ miền Nam. Tôi gặp những người lính mang sau
lưng chữ “Lao công đào binh” ! Với họ đáng bậc đàn anh, đàn chú tôi. Ngày ngày
thui thủi - đào giao thông hào, vô đất đầy bao cát xây hầm công sự, làm hàng
rào kẽm gai, xây lô cốt. Hay chuyển khí tài, khí cụ, đạn dược…Họ bị “Tòa án
quân sự” xử tội đào ngũ. Nhìn mặt mày họ xơ rơ xác rác trông thật là đau lòng !
Tôi không tha thứ cho họ cái tội đào ngũ trong lúc đồng đội đang chiến đấu. Nhưng
khi nhìn lại họ thiếu thốn đủ mọi thứ, kể cả cái ăn, cái mặc, tay không vũ khí
để bảo vệ bản thân khi có chiến sự ! Đau khổ hơn - Đó là sự khinh khi, miệt
thị… của cấp Chỉ huy và đồng đội…! Người “Lao công đào binh” bị đày đọa không
thua gì người tủ khổ sai “Papillon” ! Tôi không tha thứ họ chuyện đào ngũ.
Nhưng trong lòng tôi nghĩ khác : Bao nhiêu năm qua họ chiến đấu can trường. Họ
có nhiều công trạng…! Sao bây giờ lại bỏ ngũ ? Nguyên nhân do đâu và ai là
người chịu trách nhiệm ? Cùng là người quốc gia nhưng chưa chắc ai cũng là :
Anh hùng. Tại sao không tìm cho anh em “Lao công đào binh” một lối thoát danh
dự - danh dự cho cá nhân họ - cho Quân đội ? Cho cái tình - “Huynh đệ chi binh”
?
Trước ngày 30.4.1975 có rất nhiều vị tai to mặt bự - ung dung “đào ngũ” ! Sự
đào ngũ của các vị ấy còn tồi tệ, nhục nhã hơn người “Lao công đào binh” ! Có
tòa án nào xử tội “đào ngũ” của các vị không…? Tôi không có quyền buộc tội ai.
Tôi có quyền nói ra sự thật ! “Sự thật sẽ cứu rỗi anh em” - Lời Chúa…!
Chúng ta - người Quốc gia đã từng kêu gọi phía bên kia ra “Chiêu hồi”! Và đã có
hơn hai trăm nghìn cán binh ra Chiêu hồi và trọng dụng, nhưng lại không cho
“Đồng đội đào ngũ” cơ hội để chuộc lại lỗi lầm ! Trong lúc đó cũng có hàng
nghìn “Lính kiểng - lính ma”. Con ông, cháu cha - lo lót để được hoãn dịch hoặc
ra nước ngoài du học. Thậm chí có người ra nước ngoài du học - còn quay lưng, tham
gia biểu tình “Chống chiến tranh, chống đế quốc Mỹ xâm lược”…! Sinh viên hoãn
dịch vô Đại học ở trong nước, đi biểu tình la ó đòi “Độc lập, tự do…đốt cờ Mỹ,
đốt xe Mỹ…” ỏm tỏi…! Trí thức : ăn no, ngủ êm, “Lập thành phần thứ ba” phản đối
“Mỹ Ngụy gian ác, bóc lột…”. Sau nầy tôi vào trong trại tù “cải tạo” mặc áo tù
- tôi lại nhớ đến hàng chữ : “Lao công đào binh” trên lưng của “Người lính phạm
tội” mà nghẹn ngào…! Dù mọi chuyện đã trôi qua từ rất lâu và có thể mọi người
cũng đã lãng quên. Nói ra thì đau lòng ! Không nói ra cứ để trong bụng càng đau
lòng thêm !
Khu “Dinh Điền” - vẫn tồn tại, người dân vẫn còn đang sinh sống. Người sống
trong làng quê đó - Tôi cũng như mọi người di dân không bao giờ quên ơn tổng
thống Ngô Đình Diệm. Tôi mong mỏi trở về thăm “Khu Đinh Điền” quê hương thứ hai
sau nhiều năm bỏ đi biền biệt - thăm lại nơi không sinh ra nhưng đã có một thời
tuổi thơ êm đềm thơ mộng… gắn liền với núi rừng trùng điệp, với những dòng sông
: Dakpsi ! Sông Poko ! Nhớ về một thời với những trận đánh kinh hoàng…
Mong mỏi trở về tìm lại từng bước chân trên những nẻo đường quê năm nào. Nơi đó
đã từng có nhà, có ruộng rẫy, có một gia đình cha mẹ, chị em đầm ấm, có thầy
cô, có bạn bè… Chiến tranh, ly tán mỗi người mỗi nơi. Trong lòng lúc nào cũng
lo lắng - tìm kiếm, hỏi thăm : ai còn, ai mất ? Để mà thương, để mà nhớ, để gợi
lại dư âm, kỷ niệm một thời… Bên bờ sông, bên cây cầu, bên triền đồi ngày nào.
Làm sao quên được tà áo dài nữ sinh trường Hoàng Đạo - phượng thắm trường nữ
sinh Teresa - Hàng keo với những quán chè Sâm Bổ Lượng trên đường Lê Thánh Tôn…
Dòng sông DakBla hiền hòa chở nặng phù sa tô bồi đám bắp, đám ruộng, vườn cây
trái xanh tươi hai bên bờ. Bây giờ có gặp lại người xưa ! Ôi, đã là : “Sương
trắng miền quê ngoại” ! Nhìn lại nhau cũng ngỡ ngàng…! Quay về vùng ký ức xa
xưa - đôi khi, không giấu đi đâu được những giọt nước mắt vui buồn. Người nằm
xuống vĩnh viễn có còn ai nhắc đến tên ? Người còn sống bị tù đày, một số bỏ
thây trên núi rừng ! May mắn còn sống sót trở về cũng vất vưởng rày đây mai đó
hay lang bạt kỳ hồ nơi xứ lạ…! Cho dù thời chiến hay thời bình trong lòng cũng
không có được một khoảng không gian, thời gian nào để cho tâm hồn thanh thản…
Vẫn là cảnh chia ly ! Vẫn là bóng chim tăm cá ! Gặp lại nhau… cái già đã đè
nặng lên thân thể hom hem, vết cứa thời gian chằng chịt trên từng khuôn mặt !
Một vài câu thơ - một lời hẹn thề - một nụ hôn - một cái nắm tay năm xưa vẫn
còn in đậm trong lòng với biết bao hoài niệm ! Phải chi…! phải chi đừng có
chiến tranh ! Phải chi đừng có tù đày…! Và, còn nhiều cái - phải chi…!
Đối với tôi “Từ một chín năm bảy” ! Như một giấc mơ bềnh bồng… trôi đi, trôi đi
mãi… Chưa bao giờ có dịp dừng lại cho một lần quay trở về !
Xuân Tâm một ngày mùa Đông.
Trang Y Hạ
No comments:
Post a Comment