Tôi gặp anh cũng tinh cờ như một định mệnh dung rủi, anh là em trai của chị bạn hàng xóm ở Sóc Trăng, trong một lần gặp chị ở Sài Gòn đầu năm 1976, chị mời đến nhà chơi mới biết nhà chị lại rất gần với nhà tôi, anh hiện đang sống với bà Nội trong căn nhà vắng vẻ ở góc đường. Rồi những lần qua lại thăm hỏi, dần dần chúng tôi thân nhau hơn trong những buổi lang thang trên các con đường Sài Gòn, chia sẻ với nhau về mọi thảm trạng của xã hội Miền Nam sau 1975, anh không nói nhiều về lai lịch quá khứ nhưng tôi biết anh là một người lính VNCH và hiện nay anh đang có nhiều kế hoạch cho việc thành lập nhóm kháng chiến lấy tên Lực Lượng Việt Nam Tự Do, chống lại Cộng Sản trong khu vực Núi Bể ( Hàm Tân). Tôi có vào đó vài lần, để giữ an toàn cho anh em nên tôi cũng tránh không gặp nhiều người, công việc của tôi là cung cấp giấy tờ giả cho mọi người đi lại dễ dàng (vì thời đó sự đi lại phải có giấy giới thiệu của cơ quan địa phương).
Mọi việc đang tiến hành thì tổ chức của chúng tôi bị nội phản,
công an vào căn cứ vây bắt, một số người chạy thoát, lúc đó vợ chồng tôi đang ở
Sài Gòn, một anh trong nhóm đã đạp xe suốt đêm từ Hàm Tân về tới nhà tôi ở Sài
Gòn để báo tin lúc 9 giờ sáng, đến 3 giờ chiều thì công an Bình Thuận và công
an Sài Gòn tiến hành xét nhà, nhưng là người thủ lãnh của nhóm, anh Trần Thắng
Tài đã không thoát thân bỏ mặc anh em đang bị bắt, dù thời gian còn kịp cho
chúng tôi xuống Rạch Giá ra khơi trên con tàu đã được anh em chuẩn bị sẵn.Là
một người vợ hết lòng với đại cuộc của chồng, tôi cũng không thể bỏ anh ở lại
một mình dù anh đã khuyên hai mẹ con tôi nên chạy trốn càng nhanh càng tốt
.Chúng tôi có một buổi trưa ăn cơm cùng nhau, chơi với con trên căn gác chật
hẹp, anh cố bình thản để nói cười vui vẻ , nhưng tôi biết cả hai chúng tôi đều
lo lắng một điều gì đó không yên ổn sắp xảy ra, một biến cố lớn trong cuộc đời
Vậy là chúng tôi bị bắt vào ngày 21/3/1979. Đó là lần cuối cùng con trai tôi
được anh bồng bế trên tay, mãi mãi cho tới ngày anh mất đi không bao giờ gặp
lại, hôm ra tòa gặp anh lần cuối, tôi có trao anh tấm hình thằng bé lồng trong
tấm card nhựa, sau này tôi tìm thấy tấm card bị một vết đạn xuyên thủng trong
lúc bốc hài cốt anh, tôi nghĩ rằng tấm hình đó đã nằm trong túi áo trên ngực
anh và kẻ giết người đã bắn trúng trái tim anh...
Cho tới bây giờ nhắc lại chuyện dùng dằng trước khi bị
bắt, tôi không biết mình đã quyết định đúng hay sai khi cương quyết ở lại cùng
anh chịu cảnh tù tội, nhưng tôi tôn trọng chí khí của anh, người lãnh đạo công
cuộc kháng chiến chống Cộng Sản, dù thất bại nhưng nhất định anh không bỏ mặc
anh em, cũng như tôi không thể để anh ấy ở lại một mình. Sau này nghe nói vụ án
chúng tôi mở đầu cho hàng loạt vụ án chống Cộng khác của nhiều tổ chức trong
thời điểm đó.
-Suốt thời gian hơn 10 năm tù, chưa bao giờ tôi hối hận
về những gì mình đã làm, nhưng có điều khổ tâm ray rứt nhất là khi nhìn con
mình bị tật nguyền đói khổ trong cảnh lao tù, may mắn là giờ chót con tôi được
tổ chức Terre Des Hommes bên Thụy Sĩ giúp ra khỏi trại giam và đưa cháu sang
đó, nhưng do thời gian của bệnh tật quá lâu nên cháu khó phục hồi được, có điều
biết cháu được sống trong môi trường chăm sóc tốt nhất tại Thụy Sĩ thì tôi rất
yên tâm, dù thật lòng không biết khi nào hai mẹ con mới gặp lại nhau với mức án
tù còn dài thăm thẳm của tôi.Nhưng vẫn hy vọng có một ngày tôi trở về, sẽ tìm
cơ hội qua thăm con, chúng tôi không thể lạc mất nhau, như chúng ta đã từng lạc
mất anh ấy. Sự hy vọng đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ để nuôi dưỡng
niềm hy vọng đó. Rồi ngày ra tù, tôi nhờ người quen làm trong hội thiện nguyện
phi chính phủ giúp tôi tìm được thằng bé, lá thư đầu tiên nó viết cho tôi bằng
thứ tiếng Việt ngô nghê nhưng đầy vui nhộn như bản tính trước đây của nó,nó kể
cho tôi nghe chuyện nơi nó ở, chuyện học hành...Và điều tuyệt vời nhất mà tôi
mong đợi bấy lâu nay là nó vẫn còn nhớ đến tôi, nó biết là nó có một người Mẹ ở
Việt Nam nhưng không biết làm sao để gặp lại, nó gởi cho tôi những tấm hình của
nó ngồi trên xe lăn, gương mặt nó có vẻ chững chạc tự tin, từ đó chúng tôi giữ
liên lạc với nhau Năm 2001 nó viết thư
cho tôi báo tin là nó sẽ về Sài Gòn thăm tôi, cùng đi với nó có 2 người bạn.Tôi
vui mừng nhưng cũng có thoáng lo lắng, làm sao tôi có thể chăm sóc một lúc 3
đứa trẻ cùng ngồi xe lăn như nó? Ngày ra phi trường, tôi mang theo tấm bảng
thật to viết tên nó để giương cao lên cho nó thấy,nhưng khi nhìn chiếc xe lăn
bên cạnh 2 người Thụy Sĩ cao to là tôi ném tấm bảng không cần thiết xuống
đất, Mẹ con chúng tôi đã nhận ra nhau sau 15 năm xa cách. Không thể tả nổi giây
phút trùng phùng đầy cảm xúc của hai mẹ con, nó nhỏ bé gầy gò như đứa trẻ lên
10, nhưng gương mặt thì già hơn chàng
thanh niên 25 tuổi.
-Thời gian ra tù, để tránh sự soi mói của chính quyền địa
phương, tôi cũng muốn vượt biên nhưng tôi không có tiền bạc gì cả. Tôi bỏ Sài
Gòn qua thành phố khác sinh sống, tôi muốn dấu chuyện tù tội của mình, nhưng
khi đi xin việc tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì lý lịch nên cuối cùng tôi làm
công nhân trong một công ty Đài Loan. Mọi việc có vẻ êm xuôi cho đến mấy năm
sau, thì công an nơi tôi ở phát hiện ra thân thế của tôi, họ gọi lên phường tra
vấn lại lý lịch, tôi đã thẳng thắn nói rõ về mình, tôi muốn có cuộc sống bình
thường như mọi người. Họ nói như răn đe” đừng giao du với kẻ xấu hay cấu kết
với bọn phản động, nếu chị muốn làm người công dân yên ổn”.Lại một lần nữa tôi
chỉ muốn bỏ nước ra đi.
- Năm 2003 tôi gặp lại người Thầy cũ, và ông bạn của
Thầy, người mà năm 1975 chúng tôi đã có dịp gặp nhau, bây giờ anh ấy đang sống
ở Mỹ, đã nghĩ hưu và sống một mình, sau khi biết được hoàn cảnh của tôi, anh ấy
rất yêu quý và muốn kết hôn.Chúng tôi cưới nhau ở Sài Gòn năm 2005 và tôi sang
Mỹ năm 2007, nhưng mãi đến mấy năm sau
đó tôi mới có dịp qua Thụy Sĩ thăm con, hiện nay tôi vẫn liên lạc với con qua
Facebook, may mắn là nó vẫn sống yên lành dưới sự chăm sóc của cơ quan thiện
nguyện Thụy Sĩ.
- Bây giờ tôi đang sống hạnh phúc với gia đình và có cuộc
sống ổn định. Câu chuyện buồn đã qua lâu rồi, nhưng lòng tôi vẫn chưa nguôi
ngoai khi nhớ về quá khứ, với sự khuyến khích của chồng, tôi viết lại câu
chuyện của mình để mong nổi buồn được chia sẻ, cuốn sách” Ngày Tháng Buồn
Hiu” được in ra để tặng bạn bè thân quen
và tôi nhận được nhiều an ủi đồng cảm của mọi người. Nghĩ lại thấy mình cũng
bình an hơn so với những người còn ở lại Việt Nam và câu chuyện buồn đau của mình
vẫn không so sánh được với những kinh hoàng của hàng triệu đồng bào đã ra khơi
tìm Tự Do, một số họ đã chết thê thảm và ai sống sót được tới bến bờ cũng luôn
có những ám ảnh hãi hùng .Tôi thấy lòng thanh thản khi tha thứ cho những người
Cộng Sản đã gây ra tan nát cho gia đình nhỏ của tôi, nhưng tôi sẽ không tha thứ
trước những áp bức bất công khắc nghiệt của chế độ Cộng Sản khi chúng còn cai
trị trên quê hương Việt Nam.
Ngọc Ánh
Một bài viết thật xúc động , cám ơn tác giả Ngọc Ánh chia sẻ . Cám ơn chị Tố Kim chuyển ạ.
ReplyDeleteHồng Thúy
Cám ơn Hồng Thúy. Ngọc Ánh là bạn cùng quê với chị. Bài viết này là tóm lược truyện dài Ngày Tháng Buồn Hiu”, vì tham gia chống cộng làm phục quốc mà chồng bị tử hình, còn Ngọc Ánh bị tù 14 năm oan uổng tuổi xuân.
DeleteTK
Đọc bài của người bạn chị, tôi không thể tưởng tượng được cuộc đời của chị Ngọc Ánh gặp quá nhiều đau khổ sau khi cộng sản BV xâm chiếm miền Nam. Vô cùng cảm phục sự chịu đựng và ý chí của chị Ngọc Ánh. Thú thật tôi là phải khoẻ mà chắc cũng thua xa chị Ngọc Ánh.Chúc chị Ngọc Ánh và gia đình luôn bình an, vui khoẻ
ReplyDelete