Friday, April 15, 2022

Xâu Chuỗi Da Voi - Nguyễn Văn Sâm

 
Hình minh họa

1.

Sáng nay là tới ngày hẹn, tuần trước Tuấn hứa sáng sẽ ghé nhà thăm ba má tôi và ra mắt ông ngoại. Tôi thẹn thùng lí nhí báo tin với má, bà cười hiền không nói gì nhưng từ hai ba bữa trước đã đi chợ hơi sang, thoáng lắm. Tôi biết tánh má, đã sỡi lỡi mà lại cứ sợ người ta chê cười mình bỏn xẻn, không biết cách tiếp khách. Tuấn nói úp úp, mở mở là sẽ có món quà cho tôi và cả gia đình. Tôi không trông quà, tôi biết ý nghĩa của thành ngữ há miệng mắc quai nên từ trước tới giờ từ chối tất tần tật mọi biếu xén nầy, quà nọ của bất kỳ anh chàng nào. Tôi trông chờ từng phút vì ngại Tuấn mất điểm với các trưởng thượng trong nhà. Thành kiến ban đầu dễ để lại ấn tượng, tôi muốn ai tới nhà nầy cũng đều được ấn tượng tốt trước tiên. Đó là lẽ công bình.

Thế mà! Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé, để lòng buồn em dạo khắp quanh sân. (Hồ Dzếnh).

Hẹn sáng mà quá trưa anh chàng vẫn chưa ló mặt. Cũng chẳng điện thoại để báo là mình đến trễ. Cha cằn nhằn là cái thằng coi bộ không biết điều chút nào. Hẹn với hò như thể cá trê chui ống. Tôi không đủ thời giờ để hiểu coi có sự tương quan nào giữa lời thề cá trê chui ống với hẹn đến nhưng mà đến trễ. Chỉ đi ra đi vô cố tình tỏ ra vẻ thiệt bình thường, cốt để ba và ông ngoại không coi đây là chuyện quan trọng. Má thì cứ binh anh ta chầm chập. Nào là: ‘Nó có chuyện gì đó quan trọng nên mới vậy’. Nào là: ‘Nó ngại điện thoại thì con lo nầy lo kia bâng quơ nên mới làm thinh’. Nào là: ‘Chắc có lý do gì đó…’. Bào chữa như là chàng rể quý đã được chấm điểm xong xuôi không bằng!


Tôi thiệt tình không thích hẹn hứa kiểu nầy, nhứt là có dính dáng tới người trên kẻ trước. Phong cách kẻ cả, coi người khác không ra gì khiến anh chàng chẳng bận tâm giữ lời hứa về giờ giấc với cả người con gái mới quen! Tưởng cái mã hoàng thân đỏ và cái gọi là ‘đẳng cấp’ đại thiếu gia đè bẹp được lòng tự trọng của tôi chắc.

Tôi ra vườn ngó lên cây ổi sai trái đương đong đưa những chùm bự xộn trắng xanh bóng lưởng thấy thèm nhiễu nước miếng. Thời gian qua mau, con người trong nháy mắt đã phải sống theo cái tuổi xã hội của mình, không còn được tùy theo bản tánh nữa. Mới bốn năm trước tôi còn xắn ống quần nhảy qua mương nước hay lận lưng quần để nhảy lò cò, mấy anh chàng lối xóm đứng xa xa trơ mắt ếch mà tôi chẳng lý gì, cứ việc nhảy, nhảy… Mới hai năm trước thôi tôi còn trèo lên cháng ba ngồi vắt vẻo trên đó cắn ăn ngon lành những trái ổi vừa chín tới. Bây giờ thì chỉ mới ngước mặt ngó lên cây đã bị má la chằng chằng, đành nuốt nước miếng, làm yểu điệu thục nữ lấy lồng mà hái như kiểu tiên nữ hái trăng! Má không biết rằng thưởng thức trái cây bình thường từ chợ mua về hay ai đó hái sẵn rửa sạch, chưng bày trên dĩa coi vậy không thú vị bằng thú được leo trèo, lựa chọn, bấm trái nầy, nghía trái kia, thỉnh thoảng với tay ra thiệt xa ngắt một trái ngon lành nhứt, chùi đại đùa sơ sài vô tay áo rồi cắn một miếng thiệt lớn, nhai nhồm nhoàm…


Tôi cười một mình khi nghĩ tới ý nầy. Nhớ tới nhỏ Thu ưa xù xì với tôi về chuyện lựa bỏ phũ phàng mấy khách tình si của nó: ‘Tao thích lựa chọn, giống như bắt lên bỏ xuống mấy con gà, con vịt khi đi chợ, lúc đó mình thiệt thọ là chủ nhơn, là nữ hoàng. Ông gì thì ông, mình nói  là họ tiu nghỉu cụp đuôi như con Cún bị rầy, rồi từ từ biến. Giàu cách mấy, đi xế hộp xịn cách mấy thấy không hợp là cho de không thương tiếc quá khứ…’. Nó thường tâm sự với tôi trong tiếng thở dài: ‘Tao sợ tụi mình rồi ra sẽ ế, dầu bây giờ lúc nào cũng có cả tá đón đưa. Mầy biết tại sao không? Đàn ông ở đây ngày nay sao mà mạt hạng, không rượu chè bóc hốt gà móng đỏ dài ngày tháng cũng đàng điếm lê lết ở các nhà nghỉ sang hèn với bò lạc đường, nai bơ vơ. Không hung dữ ác độc với người cô thế dưới quyền thì cũng ù lì, nhắm mắt sống chết mặc ai, chỉ biết vinh thân cho mình và cái gia đình nhỏ…’. Thấy tôi làm thinh suy nghĩ, thường nó chấm dứt bằng một câu nghe quá nhiều tới nhàm tai: ‘Mấy cha nội sống kiểu đó cần gắn thêm cái đuôi với cặp sừng là đủ bộ’.


Tôi nghe mà ừ hử cho qua buổi. Nó khắt khe quá chăng? Thời buổi nầy cũng nên nương nhẹ chút, tiêu chuẩn quá thì ‘quy mã’ may ra mới gặp người vừa ý!

Rồi Tuấn cũng tới, quá giờ cơm chút chút. Tóc tai bảnh bao, người thơm phức, áo quần và hơi thở hôi mùi thuốc lá. Tôi làm mặt tỉnh để coi anh chàng nói gì.

Không có một lời xin lỗi. Chỉ đưa lý do là phải tranh đấu với hai ba khách xộp khác để thủ đắc được mấy món quà đặc biệt cho tôi. Và phải ghé chỗ thường chịu ơn nhờ vả để lấy hàng cho ông ngoại với ba má được chuồn từ Cam Bốt sang theo đường cửa khẩu Mộc Bài…

Tôi chẳng cần hỏi quà gì cho tôi, chỉ nháy nhó nhắc anh ta xin lỗi ba bậc trưởng thượng trong nhà, họ đương ngó coi tình hình để đánh giá thí sinh.

Má coi bộ cưng ứng viên nầy nên săn sái dọn cơm và rầy tôi nói lỗi phải gì cho thêm phần hình thức, lo cơm nước cho cậu ấy, trưa quá rồi, khách đói bụng…

 

2.

Tuấn bước ra chỗ xe đậu, oang oang ra lịnh:

- Mầy lấy mấy gói hàng mới nhận được ở cửa khẩu khi sáng đem ra đây tao. Sao mà rùa vậy không biết. Rùa như mầy thì cạp đất ăn là phải.

Anh tài xế lật đật mở cốp sau lục lựa trong đám hàng lỉnh kỉnh những thứ chủ mình cần.

- Mầy sao ngu tuyệt trần đời, đã nói là thứ mới được trao tay khi sáng chính mắt mầy thấy sao lại phải đi tìm. Hậu đậu thế! Mầy có tắt nhạc đi không? Làm việc mà mầy để nhạc thì chú tâm sao được!.

Lục lọi, chất chồng rồi thì anh tài xế cũng khệ nệ mang vô lỉnh kỉnh những hộp nầy, hộp nọ gói trong những tờ giấy màu sang trọng đẹp mắt. Tuấn đủng đỉnh xách hai chai rượu đi theo sau. Con Cún thấy lùm xùm sủa vang, ba của Thảo phải nạt nó lui ra sau.


Đứng dưới máy hiên, Thảo chứng kiến hết mọi chuyện. Cô day mặt như là không thấy gì khi Tuấn bước vô nhà, nháy mắt cho Tuấn đưa quà kính biếu ông ngoại trước tiên. Vậy mà anh chàng cũng lỡ bộ tới sát thiếu điều đụng cô rồi mới quay lại. Ba má mỗi người được hai gói. Thằng Cảnh em trai Thảo được hai chai rượu ngoại. Thảo không mở quà, Tuấn lí nhí nói:

- Mua cho em chai nước hoa hảo hạng, thứ quý nhứt không đụng hàng và vài ba chai kem dưỡng da mà các siêu sao Nam Hàn thích sử dụng. Hàng chỉ nhập số rất ít theo yêu cầu vì giá hơi khủng…

Cha mẹ ơi! Nghe mà bắt mệt. Tôi đâu ham hố gì những thứ đó. Tôi cần tấm tình chơn thật và cần con người có giá trị. Nếu hàng tặng quý giá thay thế được con người thì cuộc đời nầy đảo lộn hết giá trị, và đâu còn những mối tình trong sáng đáng ca ngợi nữa…


Ông ngoại được hai xâu chuỗi da voi với một cái sừng tê giác. Cha Thảo được một chai lớn bự xộn rượu thuốc hảo hạng ngâm rắn mãng xà… Má Thảo có mấy hộp yến huyết, vài hộp vi cá Bắc Kinh và ba bốn hộp sữa ong chúa. Cả ba người nhận quà, mở quà theo phép lịch sự nhưng khi thấy vật được tặng thì không có bất kỳ ánh mắt thích thú ở một ai dầu là cái cười gượng gạo và lời cám ơn ngoại giao cần có. Thằng Cảnh vui nhứt. Nó rủ rê ‘ông thí sinh anh rể’ ra ngồi riêng để chén chú chén anh khai trương chai rượu mà nó nói là thứ hàng độc của đại gia không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức.


Được một chập, chừng hơi sừng sừng, Tuấn bưng ly rượu tới trước ông ngoại cúi chào lễ phép:

‘Thưa ông, cháu kính chúc ông sức khỏe và trường thọ’.

Ông lão đưa tay bưng ly, cố gượng đứng dậy, ngước cao mặt lên trời:

- Được vậy thì quý hóa. Mấy năm học tập trong rừng, sức khỏe tôi hao mòn gần tới cuối dốc. Bây giờ được như vầy cũng nhờ ơn Trời. Cám ơn cậu nhiều.

Người đối diện hơi tiu nghỉu nhưng chuyển đề tài thiệt lẹ:

- Cháu biết vậy nên chọn thứ cần cho ông. Sừng tê giác mài uống khi cảm thấy mệt sẽ điều hòa tim. Chuỗi hột da voi ngoài giá trị trang sức còn trừ được nhiều bịnh tật như cao máu, bổ thận, cường dương, ngăn ngừa ung thư…

Ông ngoại chêm vô không cho đương sự nói hết ý:

- Da voi thì cũng như da trâu, da bò thôi, chỉ có điều là voi lớn con nên da nó dầy hơn, làm sao mà trừ được nhiều bịnh nan y như vậy? Còn sừng tê giác nữa, bất quá như sừng trâu sừng bò thôi, cũng là sừng thú, cấu tạo cùng một chất… Tụi con buôn bày đặt bày điều lừa gạt người nhẹ dạ mà làm giàu thôi.

Để chữa quê độ, Tuấn uống cạn ly của mình, xua tay phân bua, cười mơn:

- Thiệt đó ông, nhiều người đã dùng rồi lên tiếng xác nhận hiệu nghiệm vô cùng đó ông. Bởi vậy chuỗi da voi bên Miến Điện bán đắt hàng lắm, cả trăm đô một chuỗi. Đem về đây tốn thêm tiền di chuyển, chung chi, bôi trơn và giao tiếp nầy nọ nên giá thành 8 tới 10 triệu. Dân chạy hàng đem về bao nhiêu cũng hết. Kỳ nào cũng cháy hàng. Toàn là ‘đại gia’ dùng thôi. Cháu có máu mặt nên giành mua được chỉ có mỗi bốn chuỗi cho gia đình Thảo, chẳng có vòng nào cho bố của cháu.

Ông lão, ngồi xuống, hơi thở mạnh, trả lời nhẹ nhàng nhưng quyết liệt:

- Thôi tôi không đeo thứ vòng tiên đó đâu. Giá trên trời! Tôi mà mua vòng đó thì không mang bị chín quai cũng bị chúng níu.

Tuấn ngó sang Thảo cầu cứu vì anh thiệt sự không hiểu ông cụ nói gì. Thảo cứu bồ:

- Ông nói vòng nầy mắc tiền quá, ông mua thì nghèo mạt rệp, nếu không đi ăn xin thì cũng mang nợ.

Tuấn cười ruồi:

- Dạ đâu có ông, cháu mua tặng ông, hai bác và Thảo… Ông biết không, muốn có da voi để làm vòng nầy, bọn săn voi sẽ đi từng nhóm năm, sáu tên với đầy đủ thức ăn, lặn lội trong rừng già cả tháng. Họ lần mò đến nơi thường có đàn voi đi qua, đứng xa xa rồi dùng súng bắn kim bơm thuốc độc nhắm vô chừng một, hai con là đủ cho chuyến. Thuốc thấm, con voi cũng đi được theo đàn nhưng dần dần chậm lại vì sự đau đớn càng lúc càng tăng, cả đàn thỉnh thoảng đứng lại chờ. Chừng ba bốn ngày thì nó mệt lã, rú lên những tiếng rú vang dội khắp cả khu rừng nghe thảm thiết lắm, cuối cùng ngã xuống chết. Đàn voi thương tiếc bạn, lẩn quẩn kế bên lấy vòi khều khều bạn chừng nửa ngày rồi cũng bỏ đi.

Những người trong nhà mở tròn mắt, vảnh ngược tai. Người kể vẫn còn hào hứng:

- Họ đợi đàn voi tới con chót đi khỏi mới tới bên con voi xấu số, lạn lấy lớp da sần sùi dầy cộm của voi, lạn được càng nhiều càng tốt, vì đem về là tiền nhưng da thì nặng mà đường rừng thì nhiêu khê. Có khi lại gặp cướp… Đem về họ rửa sạch, cắt ra từng sợi bằng ngón tay cái, sau đó cắt thành hình khối vuông như cục xí ngầu, rồi cho qua một quá trình tác dụng hóa học ít người biết, xong cắt đẽo thành những viên đạn lớn nhỏ tùy theo nhu cầu. Giai đoạn sau cùng là đánh bóng để thành ra những viên có màu huyết dụ, rồi kết thành các chuỗi hạt để người mua đeo vô cườm tay, trị bịnh…


Thấy cả nhà trầm ngâm sau câu chuyện kể hào hứng của mình, Tuấn tiếp, chửa lữa:

- Để có được những thứ thuốc tiên kia, một số con vật bị chết oan. Nhưng mà ông bà mình đã nói vật dưỡng nhơn, trời đất sanh ra thú vật là để nuôi sống con người.

Cả nhà im lặng thêm chừng năm mười phút nữa. Thảo biết rằng họ không muốn phát pháo mở đầu một cuộc tranh luận sẽ không có điểm kết thúc nên ngậm miệng làm thinh.

Cảnh ngồi hơi xa, hỏi vọng tới để phá tan bầu không khí nặng nề:

- Giết voi để lấy da, họ có lấy ngà không?

- Sao lại không? Bịnh sao bỏ! Họ dùng cưa máy, cưa cặp ngà, họ tranh nhau vặt lông đuôi bỏ vô túi.

Cô gái độc nhứt trong nhà bụm miệng hỏi qua kẽ tay:

- Để làm gì vậy?

- Lông đuôi voi kết thành nhẫn đeo tay trừ tà ma và đem lại điều hên cho người đeo! Bỏ theo trong bóp cũng có tác dụng tốt tương tợ. - Tuấn vừa nói vừa đưa tay ra túi sau như lấy bóp trình làng.

Ba của Thảo bây giờ mới lên tiếng đồng thời với cái xua tay:

- Thôi khỏi cần chứng minh! Bày đặt! Bày đặt lòi đuôi! Tụi con buôn đặt điều xạo rồi tuyên truyền cho người nhẹ dạ tưởng thiệt. Cuối cùng không chỉ là voi mà cả hùm beo, tê giác, heo rừng, gấu, yến, dơi, rắn rùa, ba ba, cá voi, cá mập… đều bị chết do lòng tham lam và ham sống của con người.

Thữ nghĩ nếu mấy con thú đó có khả năng đem tới cái hên cho người, thân thể nó đem lại sức khỏe cho con người thì chúng đã là thần, chúng sống dai, có đâu bị loài người giết hại tới gần tuyệt chủng…’


Anh chàng Tuấn chống chế trong tuyệt vọng:

- Thiệt mà bác, cả bao nhiêu nước ở Á châu nầy đều tin chuyện đó. Người Trung thì càng tin nhiều hơn. Bao nhiêu chuỗi, bao nhiêu sừng tê giác, cả tấn yến huyết, vi cá… đem về đều hết…

Má của Thảo nói với con gái:

- Má không đeo vòng da voi đâu! Chịu! Nghe kể mà thương bầy voi, thương mấy con nầy con kia quá. Mình muốn tốt, muốn sống sung sướng mà giết hại chúng nó thì là quá tàn nhẫn…

Ngừng một chút, như để lấy lòng người tặng quà, bà tiếp:

- Có lẽ má dùng yến huyết, nghe nói đó là thứ bổ hảo hạng. Với lại đó là nước miếng của chim yến, lấy tổ của nó người ta chẳng cần phải sát sinh như các trường hợp khác.

Người chồng lên tiếng bác ý kiến vợ:

- Bà nói vậy mà nghe được! Bà biết không, tổ yến làm bằng nước miếng của yến với lông của nó. Lấy tổ nó thì nó phải khạc nước miếng ra, nhổ lông mình để làm tổ khác. Khạc hoài thì nó chảy máu cổ, rồi có thể rũ ra chết… Nghĩa là ăn tổ yến cũng là giết yến. Một cách sát sinh…. Mà nói cho bà nghe nha: Yến huyết chẳng có nhiều đâu, bọn con buôn bỏ phẩm màu làm như máu yến đó. Yến nhỏ hí, có bao nhiêu máu mà họ bán đầy trời yến huyết từ nước nầy qua nước khác.


Thấy bạn bị đì quá, Thảo kêu em cứu bồ, kéo bạn mình trở lại bàn nhậu hai người bỏ dở nãy giờ. Những tiếng vô … vô điếc tai thỉnh thoảng lại vang lên. Mỗi lần nghe Thảo đều nhăn mặt. Tuy không chú ý nghe đề tài họ trao đổi, thỉnh thoảng cả nhà đều nghe Tuấn và Cảnh nói nầy nọ, nào là xả lũ đúng quy trình, nào là ngập lụt xứ nào chẳng có, nào là ở Phi châu, ở Trung Quốc họ còn tham nhũng gấp mười, ở Mexico chánh quyền giết cả mấy ngàn người để bịt miệng….

Những ánh mắt thất vọng được trao đổi nhanh, thầm lén…


3.

Sau khi Tuấn ra về chừng cả tiếng đồng hồ, gia đình nhỏ chúng tôi năm người mới trở lại bình thường. Ba lên tiếng trước tiên:

- Cái thằng ma lồi nầy tao coi bộ không được. - Ngó thẳng vô mặt tôi ba tiếp - Bây giao thiệp với nó thì coi chừng. Thứ đội trên đạp dưới. Thứ ăn tươi nuốt sống con nầy, vật kia để bổ máu, cường dương thì sau nầy bây bị nó nhai xương cái rột khỏi cần chặt khúc nấu nhừ.

Tôi xụ mặt bỏ xuống nhà dưới nhưng đã quyết định rút lui từ cả giờ trước. Lấy anh ta thì tôi phải làm thêm nhiệm vụ giúp anh chống lại lòng ích kỷ của anh. Con người mà! Chống lại lòng ích kỷ của mình đã khó, làm sao tôi có thể cưu mang thêm một nhiệm vụ nữa? Lấy anh ta là tự nhiên tôi đeo cái vòng kim cô trách nhiệm hòa hợp giữa con người chỉ biết mình của anh với lòng nhân từ đạo đức bình thường của gia đình tôi. Trời Phật ơi, mới nghĩ tới tôi đã thấy ngộp.

Ông ngoại chậm rãi hơn:

- Tao không khuyên đừng, cũng không khuyến khích. Tao chỉ nhận xét là thằng nầy mê muội lắm. Ỷ có tiền, nó xài vung tay. Nghe ai thuốc nước món nào quí, món nào bổ là nhào vô. Mà mấy món sừng tê giác, chuỗi da voi, yến huyết thì nói thiệt mà nghe, cũng như đông trùng hạ thảo, cũng như sữa ong chúa hay tế bào gốc chỉ là đồ xạo. Tin họ thì hết tiền, thì tật mang, thì bị dán cái bảng NGU to tổ chảng trên trán… Mà nghe nó kể chuyện giết voi, săn tê giác với phương châm vật dưỡng nhơn sao tao thấy tiếc điểm với nó quá! - Ông cười lớn, vui tới bắt ho, nói trong từng tiếng ho đứt khoảng - Tao.. tao…tao cho …dưới … dưới …điểm loại…


Cả nhà cười ồ. Cảnh đứng dậy cái rột, tới trước mặt ông ngoại, đỏ mặt giơ lên chai rượu còn nguyên và cái nón bảo hiểm của dân đi mô tô ở Mỹ:

- Ông ngoại ghét anh ta thì nói vậy, chớ riêng con thì con chấm đậu. Anh Tuấn cho con rượu đã đành. Anh ta còn hào sảng tặng con cái nón nầy. Mua bên nầy làm sao có? Thấy đẹp con khen là anh ta phóng tay cho ngay mà còn kể về thành tích tại sao có cái nón đó.

Má vừa dọn dẹp vừa nói:

- Đâu con kể thành tích nó coi được không!

- Anh Tuấn khôn lanh lắm.

- Đã biểu kể mà ở đó kà kê dê ngỗng hoài. Anh Tuấn, anh Tuấn hoài, thấy bắt mệt. Kể lẹ đi để má còn dọn dẹp nhà cửa.

Cảnh lấy cái nón bảo hiểm, giơ lên cao lần nữa:

- Nón nầy do hãng Davidson Motor bên Đức sản xuất cho người đi mô tô. Vậy cho nên rất chắc, té mạnh mấy cũng không bể. Một bữa kia ảnh thấy ông Việt kiều nọ chạy xe máy, đội nón nầy. Anh rà theo, tới chừng ông ta đi gửi xe, gửi luôn cái nón thì anh vô thương lượng với tên giữ xe kêu nó bán cái nón với giá bốn triệu, dặn nó sau đó nói với ông Việt Kiều rằng chỗ gửi xe không chịu trách nhiệm nón áo… cho nên mất rồi. Việt kiều lớ ngớ bực bội lầu bầu một lúc rồi thì cũng bỏ đi chớ làm gì ai. Cả nhà coi anh ta khôn lanh quyền biến không?

Má nói sau cái chép miệng:

- Khôn lanh kiểu đó sao tao ớn tới cần cổ. Chỉ có mình mầy thích vì ‘còn nó còn những món quà cho mầy, hết nó thì mầy bơ mỏ’. Cho nên mầy xắn tay áo bảo vệ bất kể trật trúng.

 

4.

Tôi bỏ ra vườn. Trên nhánh ổi cao hai con chim chìa vôi nhảy qua lại thiệt là thanh bình trong khi lòng tôi lăn tăn gợn sóng. Hình như từ đây tôi sẽ không được như chúng một thời gian dài. Cuộc chia tay nào chẳng có lý do hữu lý. Nhưng chắc chắn đoạn cuối cuộc tình nào cũng phảng phất một chút u buồn dầu mình là người quyết định chấm dứt. Không thể nói nô dễ dàng như nhỏ Thu nhưng tôi sẽ nói. Anh chàng Tuấn nầy mánh mung và máu lạnh. Tai tiếng như âm thanh xì xào của bụi tre làng làm sao chặn được? Như phấn hoa gió thổi bay tràn lan trong không khí, tay nào chụp bắt cho hết? Rồi cả nhà sẽ gánh nhuốc lây… Ngày mai tôi sẽ đổi số điện thoại. Và sẽ chẳng bao giờ mở gói quà vừa nhận khi nãy.


Ngoài kia dòng sông Cổ Chiên chạy qua chợ Bãi Vàng vẫn lặng lẽ trôi. Những con đò xuôi ngược đầy người trên đường ra chợ hay trên đường từ chợ về, thỉnh thoảng con đò máy Bãi Vàng - Hòa Minh ghé bến trước nhà đổ xuống từng đoàn người cười cười, nói nói. Có ai biết được tâm tình của tôi!

Buồn ơi chào mi! Ta thả mi xuống dòng nước, hãy trôi ra cửa biển tới tận ngoài Cồn Ngao nha, xa hơn nữa càng tốt, như những ngày thơ ấu ta thả thuyền giấy xuống con sông tuổi thơ nầy và van vái nó trôi ra thật xa, biền biệt….


Victorville, CA, Oct., 2017 (Tháng 10 nhớ lại tháng 10 sống ở Trà Vinh 1978 lo chuyện đi xa.)

Nguyễn Văn Sâm

 


No comments:

Post a Comment