BS. Phạm Nguyên Quý
Tôi
từng khóc thầm vì bài học mà bệnh nhân của tôi đã vô tình dạy bác sĩ.
Tôi vẫn nhớ như in lần khám với bà, bệnh nhân 70 tuổi không may mắc ung thư tụy
di căn phổi. Bà có nhiều dịch tích trong ngực, còn gọi là tràn dịch màng phổi,
và cần chăm sóc giảm nhẹ. Bốn tháng trước, bà còn bị thêm di căn da - thành ngực,
liên quan tới thủ thuật đặt ống thông để giảm dịch ngực ở một bệnh viện khác.
Vì đau ở thành ngực, bà cũng đã được xạ trị vào khối u. Cơn đau được khống chế
một thời gian, khi bị đau lại, bà được giới thiệu tới bệnh viện của tôi bởi gần
nhà.
Chúng tôi nói chuyện thăm hỏi ban đầu khá vui vẻ, nhưng khi tôi sờ vào cục u
trên da để thăm khám, bà đột nhiên bật khóc. Tôi hơi hoảng, liền hỏi ngay tại
sao.
"Bàn tay bác sĩ ấm làm tôi dễ chịu quá", bà nói. Bà thật tình kể tiếp
một chuyện bất ngờ hơn. Đi khám ở các bệnh viện bốn tháng qua, bà không được ai
chạm tới chỗ đau đó. Ở đâu, người ta cũng chỉ hỏi bệnh, kê đơn thuốc giảm đau,
xem hình chụp CT rồi chỉ cho bà cục u trên màn hình máy tính.
Tôi vừa nghe chuyện vừa nghĩ tới cách giải thích để bênh vực cho những đồng
nghiệp bận rộn của mình. Rằng khối u đã quá rõ ràng trên hình ảnh nên bác sĩ
nghĩ rằng không cần phải chạm tới, hay bác sĩ bận rộn quá không thể chờ người bệnh
kéo áo lên xem. Việc chạm vào cục u thường không thay đổi "chiến lược điều
trị", và có thể bác sĩ cũng đã không có thời gian nghĩ tới cảm xúc của bệnh
nhân.
May thay, bà không khóc vì giận bác sĩ mà vì cơn đau dai dẳng tự nhiên mất đi
không ngờ. Bà không biết rằng tôi cũng đã khóc thầm sau khi gặp bà, từ bài học
mà bà đã vô tình dạy cho bác sĩ. Tôi khóc vì hóa ra bàn tay vụng về của mình lại
có thể ý nghĩa đến vậy với một ai đó.
Mấy tháng sau, một bệnh nhân khác nói với tôi rằng cô cũng cảm thấy dễ chịu khi
được bác sĩ thăm khám. Tôi thầm cảm ơn cô vì đã giúp các bác sĩ trẻ như tôi
thêm động lực. Bệnh nhân vừa là người thầy của bác sĩ, vừa làm nghề thầy thuốc
trở nên ý nghĩa.
Hầu hết bệnh nhân thật ra kỳ vọng khá lớn vào việc được bác sĩ thăm khám trực
tiếp. Hầu hết họ vẫn nghĩ rằng bác sĩ phải sờ - nhìn - gõ - nghe hoặc ít nhất
"sờ vào người" thì mới gọi là "đi khám". Cho dù các chỉ số
như huyết áp, nhịp tim đã có y tá lấy bằng máy hoặc đo tự động, nhiều bệnh nhân
ở Nhật nói với tôi rằng họ vẫn muốn được bác sĩ bắt mạch "truyền thống"
dù chỉ vài giây. Trong bối cảnh phòng khám bận rộn, nhu cầu "kinh điển"
này có thể khó thực hiện, nhưng tôi luôn tự nhắc mình để không làm bệnh nhân buồn
lòng.
Lần khác, tôi có duyên gặp một bệnh nhân bị khó thở vì ung thư phổi kèm tràn dịch
màng phổi. Các bác sĩ trước đó đã nói với bà rằng khó thở vì "phổi đã ngập
nước". Sau khi gõ và nghe tiếng phổi của bà, tôi cười, nói với bà rằng dịch
chỉ chiếm 1/3 ngực và 2/3 còn lại "vẫn chạy tốt". Bà bớt khó thở ngay
chiều hôm đó.
Thật khó tin, một bệnh nhân vẫn than khó thở với thuốc an thần, morphine liều tối
ưu lại khỏe hơn chỉ nhờ một câu nói. Khó tin hơn, bà cũng đã là người nhận dự
đoán "có lẽ chỉ còn sống tầm sáu tháng", nhưng rốt cuộc sống lâu gấp
bốn lần.
"Chính bác sĩ còn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ vào ngày mai, sao
có thể dự đoán chính xác thời gian sống của bà?", bệnh nhân cười phá lên gật
gù khi tôi nói tiếu lâm như vậy.
Bằng việc vực dậy niềm tin, tinh thần của bà đã cải thiện rõ rệt. Với một số biện
pháp khác như thay đổi tư thế nằm, ngồi cho dễ chịu hơn, dùng thêm các dụng cụ
hỗ trợ để bà tập trung vào hiện thực và tiếp tục sở thích đan len, chúng tôi đã
giúp bà đã sống thêm một thời gian ý nghĩa.
Nói chuyện với bệnh nhân, nhất là người mắc ung thư giai đoạn cuối, là cả một
nghệ thuật. Nhiều người hỏi rằng như vậy có gọi là nói dối bệnh nhân hay không?
Khi ly nước chỉ còn 1/3, tuyên bố "mất hết 2/3 rồi" hay "vẫn còn
1/3 đấy" không thay đổi sự thật phũ phàng, nhưng có thể thay đổi nhận thức
về cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân không chỉ đau khổ vì sự thật, mà còn đau
khổ vì cách diễn giải sự thật đó. Đôi khi, đau khổ là do chính người bệnh hoặc
người thân tự ám thị, tự liên tưởng mà bác sĩ phải là người nhận ra và giải quyết
những khúc mắc thầm kín đó.
Một bác sĩ đàn anh nói với tôi rằng điều này đã được viết trong Kinh Dược sư từ
mấy nghìn năm trước. Người thầy thuốc cần uốn lưỡi bảy lần khi nói chuyện, với
tâm thanh tịnh cầu nguyện sự tốt lành cho bệnh nhân. Nghe thật mơ hồ, nhưng những
điều Đức Phật dạy không phải không có lý.
Nhiều bệnh nhân ở Việt Nam nói với tôi rằng, cũng là loại thuốc đó nhưng khi gặp
được bác sĩ ân cần quan tâm, giao tiếp bằng thân, khẩu, ý tốt đẹp thì họ thường
tự tin hơn vào kết quả điều trị.
Đức Bồ tát Phổ Hiền từng nói với đồ đệ rằng: "hãy vào rừng, tìm những loại
cỏ cây không phải là thuốc mang về đây cho ta", ngụ ý rằng cái gì cũng là
thuốc mà cũng không phải là thuốc. Tất cả phụ thuộc cách dùng và hiệu quả còn
phụ thuộc vào "dược tính" trong tâm mỗi người. Ai cũng có khả năng trở
thành Phật được, chính là bởi dược tính trong tâm mình.
Tôi viết những dòng này khi thế giới đang hoang mang vì dịch bệnh. Trong thời
buổi vật chất được ưu ái, thông tin lan tràn trên mạng, nhiều bệnh nhân dễ bị
lung lạc bởi các "bài thuốc" hay "điều trị tiên tiến" qua
Youtube, Facebook, Google hoặc nghĩ rằng phải chụp chiếu bằng máy móc hiện đại
mới yên tâm. Lời nói của bác sĩ nhiều khi không được xem trọng. Tuy nhiên, tôi
vẫn tin rằng sẽ có lúc người ta nhận ra, không gì thay thế được giá trị của
"dược tính" trong mỗi người thầy thuốc.
"Tiền bạc, danh vọng có thể là mục tiêu mà nhiều người hướng đến trong thời
gian ngắn, nhưng nuôi dưỡng được dược tính mới là yếu tố giúp bình an lâu
dài", thầy tôi, một người Nhật, nói với chúng tôi như vậy.
BS Phạm Nguyên Quý
Tác giả, bác sĩ Phạm Nguyên Quý từ Việt Nam du học ngành Y Khoa tại Nhật Bản.
Ông đã tốt nghiệp và hiện hành nghề bác sĩ tại Nhật.
https://vnexpress.net
No comments:
Post a Comment