Tuesday, May 3, 2022

“Giải Phóng Miền Nam” Ôi, Hãi Hùng... - Bảo Nhi Lê


Sau 1975, ngoài việc bỏ tù những người quân nhân chế độ VNCH thì chính quyền mới có chủ trương “đánh tư sản” kéo dài gần 10 năm. Cuộc đánh tư sản tại miền Nam diễn ra khốc liệt y như cuộc cải cách ruộng đất ngày nào ngoài Bắc. Nhà ai to là mất, dù họ chỉ là doanh nhân, không hề tham gia vào bộ máy chính quyền cũ. Ai nhiều nhà cũng mất. Không giao, không hiến tặng thì cách mạng buộc họ đi “kinh tế mới” và nhà đó rơi vào tay cán bộ cách mạng. Đi kinh tế mới là gì? Là vào rừng sâu khai hoang, mỗi gia đình nhận 1 bao gạo  rồi sống đời sống thú rừng. Không điện, không nước, không nhà thương, không trường học….

Tôi còn nhớ năm tôi lớp 1, tôi có cô bạn tên Duyên, chúng tôi thân lắm. Ba Duyên là thiếu tá và phải đi tù  miền Bắc. Ở nhà, mẹ Duyên nuôi 5 anh chị em rất khốn khổ. Rồi một ngày Cách mạng lấy nhà, tống hết mẹ con Duyên ra đường dù đó là căn nhà duy nhất. Họ buộc mẹ con Duyên đi kinh tế mới. Họ ném quần áo tư trang của gia đình ra đường và lấy nhà. Tôi và cô giáo chủ nhiệm tới thăm gia đình Duyên, thấy mấy anh chị em Duyên ngồi ngoài đường, đói khát giữa cái rét căm căm của mùa đông Đà Lạt. Chúng tôi ôm nhau khóc nức nở... Sáu tuổi biết nỗi đau chia ly. Sau này tôi không còn gặp Duyên lại nữa. Không biết bạn ấy sống chết thế nào.... 

Nhà ông bà ngoại tôi ở Trà Vinh thì cũng thuộc dạng khá giả. Thế nhưng đêm đêm cán bộ mang súng cứ xông vào nhà lục soát và lấy đi những món đồ có giá trị. Sách thì họ đốt, bảo văn hóa đồi trụy. Ông bà tôi biết trước nên giấu sách và tài sản đi. Một kho sách thì lấy củi me che chắn hết. Ông ngoại còn đào một cái hầm dưới gốc cây mai để giấu những chén dĩa quý giá. Xong ông lấy lá lấp lên. Ông cứ sống trong nơm nớp lo sợ cán bộ xông vào nhà như thế. Ông sợ họ ghê lắm, ra đường ông chỉ dám mặc áo quần thật rách rưới, thủng gối thủng vai, vá chằm vá đụp thôi…. Vậy mà ông từng là hiệu trưởng một trường cấp 3 mà người ta gọi ông là ông Đốc đó chớ....

Ông cậu họ của tôi làm lò bánh mỳ và có một khách sạn lớn ở Trà Vinh. Cách mạng ép ông làm giấy tờ nhường khách sạn cho họ. Ông không đồng ý. Một đêm tối đen, họ xông vào, hai cán bộ cầm súng đứng hai bên nên ông phải viết giấy “hiến” khách sạn luôn. Vài ngày sau họ đòi ông “hiến” luôn lò bánh mì. Ông đã chuẩn bị vượt biển, ông liền lấy a xit chế lên toàn bộ máy móc và…. biến mất. “Cách mạng” tức điên, viết giấy truy nã ông dán khắp nơi. Nhưng ông đã đi rồi, nếu như ông xui rủi, bị bắt lại, coi như ông chết.

Người bà con khác của tôi, nhà ông bà rất to xây kiểu Pháp. Ông bà buôn bán nên giàu từ thời Pháp tới lúc “giải phóng”. Cách mạng thấy nhà to quá, bắt người con trai lớn, làm áp lực bắt hiến nhà. Cậu tôi không hiến. Họ đánh cậu chết, rồi cũng tròng vô cổ một dây thừng, bảo là tự tử. Gia đình mang xác về nhà, thấy trên cổ cậu in những ngón tay….

Nhà ông bà họ ngoại cũng có một khu mồ mả to. Xung quanh những nhà mồ còn có vườn cây, ao cá. Cán bộ phường thấy ham quá chiếm dụng luôn. Thậm chí họ tự ý khóa hết nhà mồ lại, xem như của họ, ai đi thắp hương phải xin phép thì họ mở cửa.  Sau đó, linh hồn người chết nhát nhiều quá, họ trả lại nhà mồ còn vườn thì họ chiếm hết rồi bán dần đi. 

Cô bạn tôi có cha làm cán bộ Công thương, ông ta tay trắng ngoài Bắc vô. Bỗng nhiên từ hai bàn tay trắng mà phút chốc giàu sụ vì ti vi, tủ lạnh, xe máy lấy của người ta mang về chia cho nhau cả. Tôi hay qua nhà bạn chơi, biết quá rõ.  

Ừ thì “giải phóng”. “Giải phóng” tức là lấy của cải người giàu trong Nam làm của mình. Ai từng tham gia chính quyền chế độ VNCH thì cho đi tù, lao động khổ sai, một số bị đánh chết,  một số đói chết, một số bệnh mà không có thuốc uống nên chết…. không biết là bao nhiêu. Nhà cửa những quân nhân VNCH nếu to thì lấy luôn, con cái họ thì không mong gì vào đại học. Nếu trong một cơ quan xí nghiệp thì con cái người làm cho chế độ VNCH có giỏi có tài thì cũng là “lính quèn”, là nhân viên. Con của cán bộ cách mạng ngu như con trâu cũng làm lãnh đạo. Chế độ này “ưu việt” cũng nhờ như thế, “rực rỡ” cũng nhờ thế. Hỏi sao người dân miền Nam không uất hận mà rời xa quê hương, thà chết trên biển chứ không thể ở lại. Bởi ở lại thì có khác gì chết?

Bây giờ đất nước tan nát, nợ công tăng ngất trời phải vay nợ để trả nợ thì thủ tướng VN sang Mỹ để “lắng nghe khúc ruột ngàn dặm”. Thật quá hài hước ….


Bảo Nhi Lê

1 comment:


  1. Tôi xin phép được mượn câu nói thời danh Khổng Tử:"Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ", nghĩa là: "Ôn cái cũ mà biết cái mới thì có thể làm thầy được rồi". Hôm nay ngồi đọc lại những bài viết của nhiều tác giả viết về ngày 30 tháng 4 năm 1975, về cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm đã làm người đọc phải cay mắt, phải nghẹn ngào và đã phải than rằng: “Còn trời, còn đất còn non nước sao ta mãi thế này .” -Nguyễn Công Trứ .
    Có lẽ Việt Nam ta một quốc gia duy nhất trên cái quả địa cầu này được tiếp súc với các quốc gia văn minh nhất thế giới qua nhiều thời đại như: Trung Hoa, Pháp rồi đến Mỹ nhưng chúng ta chỉ học cái dở của họ mà không học cái hay, ngược lại người Nhật thì học cái hay của các nước tân tiến mà sẵn sàng vất bỏ cái dở vào thùng rác, nhờ vậy mà họ trở thành cường quốc trên thế giới. Như vậy chung quy chỉ tại vì chúng ta không có những nhân vật biết nhìn xa trông rộng như: Minh Trị Thiên Hoàng (Nhật), Tưởng Giới Thạch (Đài Loan), Lý Quang Diệu (Tân Gia Ba), Phác Chánh Hy (Nam Hàn) v..v... Chúng ta cần coi lại việc xưa để chỉnh đốn lại từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội, từ nơi quốc gia cho chúng ta hai chữ Tự Do thật sự chứ không phải bánh vẽ kiểu mà bác Hù (bác Hồ) của cộng sản đang làm để thế hệ con cháu chúng ta không đi vào viết xe lầm lẫn của người đi trước .
    Thành kính,
    T.V.B

    ReplyDelete