Ông nói gái Hà nội đẹp tự nhiên bởi vì mỗi ngày họ đều ăn một quả trứng ngỗng, còn gái Sài Gòn vì thiếu ăn đói rách nên da mặt xanh xao, phải ngụy trang bằng đánh phấn má hồng. Bài nói chuyện của ông khiến sinh viên, công nhân viên miền Nam phải nín thở, phải hít hà. Thì ra thiên đàng đâu cần tìm ở đâu xa, mà ngay tại Hà Nội này. Họ vỗ tay. Họ hoan hô cách mạng.
Ít ra, cách mạng phải mang những điều tốt đẹp hơn trước, nếu không, thì cách mạng cái quái gì. Họ làm sao biết khi ông nói về những điều này lòng ông cảm thấy bất an. Ông phải chứng tỏ ông là một đứa con trung kiên của đảng, để đám cán bộ xung quanh không thể có chứng cớ nào để buộc tội được ông. Ông cũng đã viết thư qua Mỹ, dạy hai đứa em của ông, phải sống như người lương thiện. Thằng em nhận thư, đọc xong, nổi giận viết thư trả lời: Anh ở trong hàng ngũ bất lương mà lại dạy tôi phải sống như người lương thiện.
Buổi trưa nóng như lò lửa. Ngồi trong nhà, ông Ba Thi có thể nhận ra những những tàn cây bông sứ im lìm không lay động, con đường bên ngoài hàng rào như chảy nhựa, và những mảng nắng lay động trên chiếc hồ nuôi cá đặt trong vườn đến nhức mắt. Mặc dù chiếc quạt máy đã mở tối đa, nhưng hơi nóng như theo gió táp vào da thịt ông.. Tự nhiên, ông nhớ lại hơi mát lạnh tỏa ra từ chiếc máy điều hòa không khí chạy suốt đêm ngày trong văn phòng ông đã làm việc suốt gần hai năm, kể từ sau khi bộ đội ông tiếp thu thị xã.. Ông nhớ đến chiếc bàn làm việc bằng gỗ láng bóng, khung cửa kính có treo màn, và căn phòng phía sau cánh cửa, với chiếc giường nệm êm ả để ông tìm đến khi cần một chỗ đặt lưng. Ông nhớ đến nỗi êm ái thật dịu dàng khi ông ngồi trên chiếc ghế nệm, trước mặt là điện thoại, và lá cờ quân đội nhân dân, trên vách treo tấm hình của Bác, thêm những tấm hình chụp chung với anh Văn, người mà ông xem như người anh đỡ đầu của ông trong suốt quãng đời binh nghiệp.
Ông nhớ đến những
người lính phục vụ, buổi sáng không quên mang vào bình trà, và buổi trưa mùa
hè, không quên mang vào những chai bia ngoại, cùng chiếc cốc đầy nước đá…Họ
bước vào khúm núm, rời phòng khúm núm. Có khi họ biết ý ông, lại mang vào gói
thuốc ngoại như Camel, Craven A, hoặc 555. Không biết họ lấy ở đâu loại thuốc
quí hiếm như thế này. Mặc kệ. Ông không bao giờ thắc mắc. Ông chỉ biết tận
hưởng, như cả đảng ông, từ trung ương xuống hạ tầng đang điên cuồng tận hưởng.
Mà tại sao lại không. Những biệt thự nguy nga sang trọng mà Mỹ ngụy để lại, với
bao nhiêu đồ đạc tiện nghi, những ngôi nhà vắng mà chủ của chúng đã bỏ chạy ra
nước ngoài, những chiếc xe bóng loáng, những tủ lạnh, máy truyền hình, những
thảm, bàn ghế, máy may…ê hề, dư dật, no nê, sẵn sàng chờ tiếp thu….
Không chụp thì dại.
Ông biết điều ấy, nhưng ông không thể nhanh tay hơn đám trung ương ngoài Bắc.
Họ đã đánh hơi trước ông. Họ đã chặn đầu ông bằng cách cho người mau mắn vào
Nam kiểm kê vơ vét tất cả để chở mang ra Bắc. Ông đã bó tay. May mà ông giành
được một ngôi nhà bên con phố chính của thành phố. Nếu không, giờ này ông đâu
còn được ngồi trong căn phòng với điện nước xài thả dàn, quạt máy quạt tối đa,
tủ lạnh cũng chạy suốt cả đêm lẫn ngày để sản xuất những bịch đá cục mà ông bám
vào để sống trong lúc: Đầu
đường đại tá vá xe. Cuối đường thiếu tá bán chè đậu đen… như số phận của hầu
hết những anh hùng Điện Biên bị về vườn khác…
Ông nhớ lại những ngày
tháng đầu tiên sau giải phóng. Ông đã trở lại thành phố nơi ông đã ra đời, và
đã trải qua những năm tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Ông trở về, bộ quân hàm
tướng trên cổ áo, ngồi xe díp Mỹ, có lính hầu, lính phục vụ, và cả một đại đơn
vị dưới quyền. Ông trở về như một người hùng. Ông đã ngồi lại chỗ ngồi của viên
tướng ngụy tự sát, nhìn lại cái bản đồ còn sót lại trước khi Mỹ cút ngụy nhào,
để cám ơn bác, đảng, cám ơn đại tướng đã tiến cử ông,… Rõ ràng ông đã sống như
cơn mơ. Ông bấy giờ chẳng khác bậc lãnh chúa.. Ông còn hơn cả những người đảng
viên tập kết khác. Như lão sáu bồng, giữ chức viện trưởng viện đại học, lão tám
minh, giữ chức bí thư tỉnh ủy. Ông nắm quyền số một của ủy ban quân quản, là
người muốn tha ai là tha, và bắt ai là bắt. Ông thi hành nghiêm chỉnh chính
sách của Đảng, lùa sĩ quan ngụy vào rọ, đập tư sản mại bản, đổi tiền, đốt hủy
văn hoá đế quốc, truy kích tàn dư. Họ gọi ông là anh ba, tâng bốc ông lên tận
mây xanh. Họ đọc tên ông đầu tiên trong các bài diễn văn, trong các buổi
họp…Ông ngồi ở hàng ghế danh dự, ban huấn thị. Họ xem ông là một tấm gương cho
một người lính công bộc trung với đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Nhưng ông có nỗi lo buồn không ai có thể hiểu nổi. Cả gia đình ông, trừ ông, đều là đại phản động. Một thằng em của ông nguyên là trung tá, hiện đang nằm trong trại cải tạo. Và hai đứa em khác đã chạy qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Tàn tích Mỹ ngụy rõ ràng quá sâu đậm trong dòng họ ông mà những người thèm chức vụ của ông thì quá nhiều và những kẻ ganh tị với ông thì cũng không ít.. Bọn họ đang chờ chực cơ hội để giành lấy chức vụ béo bở… Bởi vậy, ông càng chứng tỏ là một người không có dính líu gì đến cái huyết thống giai cấp đầy nợ máu. Mặc mẹ ông đã từng khóc lóc khi nói về thằng em đang cơ cực trong trại cải tạo… Hãy để cách mạng giáo dục dạy dỗ nó nên người. Ông luôn luôn nói với bà như thế. Nó đã phạm quá nhiều tội ác đối với nhân dân. Mặc bà luôn luôn kể về những năm huy hoàng cũ, chưa bao giờ bà biết cơm độn khoai độn sắn, với những bữa cơm lúc nào cũng thịt, cá ê hề. Ông nghe bà than thở, chỉ biết nói: “Đất nước mình còn nghèo, mới thoát ra từ chiến tranh, má à. Không bao lâu, Nhật bò ta chạy, nhà nhà đều có tủ lạnh, có đài.” Ông đã lặp lại những lời của tổng bí thư lê Duẩn, để động viên bà. Nhưng ông đã bị bà mỉa mai bằng một câu quá đau: “Chờ đến ngày ấy, người dân đói quá làm sao mà chạy được hả con ?”.
Khi ban huấn thị hay
nói về những đề tài liên quan đến chính trị, ông thao thao bất tuyệt, ca ngợi
chế độ, ca ngợi bác, đảng lên tận mây xanh. Ông say sưa kể về một thủ đô Hà Nội
không có một cô gái điếm, nhân dân được tự do đến nỗi chuông nhà thờ Hà Nội còn
đổ sớm hơn chuông nhà thờ Rô Ma. Ông không quên nói về người con gái Hà Nội
xinh đẹp, má khỏi cần đánh phấn hồng như cô gái miền Nam. Ông nói gái Hà nội
đẹp tự nhiên bởi vì mỗi ngày họ đều ăn một quả trứng ngỗng, còn gái Sài Gòn vì
thiếu ăn đói rách nên da mặt xanh xao, phải ngụy trang bằng đánh phấn má hồng.
Bài nói chuyện của ông khiến sinh viên, công nhân viên miền Nam phải nín thở,
phải hít hà. Thì ra thiên đàng đâu cần tìm ở đâu xa, mà ngay tại Hà Nội này. Họ
vỗ tay. Họ hoan hô cách mạng. Ít ra, cách mạng phải mang những điều tốt đẹp hơn
trước, nếu không, thì cách mạng cái quái gì. Họ làm sao biết khi ông nói về những điều này
lòng ông cảm thấy bất an.
Ông phải chứng tỏ ông
là một đứa con trung kiên của đảng, để đám cán bộ xung quanh không thể có chứng
cớ nào để buộc tội được ông. Ông cũng đã viết thư qua Mỹ, dạy hai đứa em của
ông, phải sống như người lương thiện. Thằng em nhận thư, đọc xong, nổi giận viết
thư trả lời: Anh ở trong hàng ngũ bất lương mà lại dạy tôi phải sống như người
lương thiện. Rồi đến cả lời chúc Tết của nó trên đài Hoa Kỳ nhân danh một nhân
sĩ hải ngoại đúng vào nửa đêm giao thừa. Nó mạt sát chế độ. Nó lại còn hẹn một
ngày về trong vinh quang… Đúng là thằng ngoan cố phản động. Trời ơi, ông rủa
thầm. Giữa lúc cuộc đời của ông lên như diều gặp gió thì tiếng nói của nó trên
đài nước ngoài như một cái điềm tai ách. Tay chân ông rụng rời. Vợ ông, người
đàn bà mà ông cưới ngoài Bắc, thì đau khổ không ít. Bà linh cảm được cái tương
lai u ám trước mặt. Sẽ không còn cái mộng làm một bà tướng của quân đội nhân
dân. Sẽ hết cái mộng tậu thêm một căn nhà có vườn ăn trái, có cả một cây đàn
dương cầm cho con gái hay cho con cái bà qua Mỹ du học như đám con của các cán
bộ cao cấp khác…
Và cái ngày ấy đã đến.
Trước hết, vai trò của đại tướng bị hạ bệ từ chức tổng trưởng quốc phòng xuống
chức ngồi chơi xơi nước. Dù sao người anh nuôi của ông vẫn còn được may mắn.
Còn ông và đám bạn bè cùng lứa thì từng người một ôm khăn gói về vườn. Mà vườn
thì chẳng có để mà an hưởng tuổi già. Thôi thì cả bọn chỉ biết tụ họp tại câu
lạc bộ kháng chiến để ngồi lại mà nhớ thời dĩ vãng vàng son. Nhưng cuối cùng
đảng cũng không chịu buông tha. Câu lạc bộ cũng bị đóng cửa dẹp tiệm nốt.
Nhục. Hèn. Ông nhắm mắt nhìn tuổi già trôi qua hiu hắt. Đời của một ông tướng cuối cùng như vậy sao?
- Ông ba, còn nước đá cục không ông ba !
Giọng của thằng bé hàng xóm như hét ngoài cổng, khiến ông phải bỏ dở giòng ý tưởng đang tuôn trào trên ngòi viết. Ông tháo cặp kính lão bỏ xuống bàn viết rồi mở tủ lạnh nhìn vào. Còn khoảng ba bịch đá. Ông mở cửa, nói vọng ra:
– Còn, mua mấy bịch ?
– Dạ, mười bịch, ông Ba.
Ông nhìn thằng nhỏ. Nó là một khách hàng quen thuộc với ông. Nó lại hỏi, giọng có vẻ xấc xược:
– Tôi kêu mấy lần mà ông không nghe. Bộ ông ngủ hở?
– Ừ thì tao ngủ.
Ông trả lời, lòng tê
tái. Ông hỏi thằng bé:
– Hôm nay nhà mày có khách
hay đình đám mà mày mua nhiều thế?
– Dạ, có khách Việt
kiều. Cô Năm của tôi, thêm con trai của cổ. Ảnh là bác sĩ.
– Từ Mỹ về ?
– Dạ. Cô về mang nhiều
quà. Cổ cho tôi chiếc quần cao bồi…
– Nhà cô Năm chắc gần
đây?
– Cổ là con ông Tám
Lợi.
– Tao biết rồi.
– Ông vào nhà lấy nước
đá đi ông. Kẽo người ta chờ…Tiệc lớn lắm ông Ba.
– Tao biết…
Ông nói.. Phải ông đã biết. Biết thế nào là một sự phũ phàng của lịch sử. Ông đã trả cái giá quá đắt cho cả đời của ông, tuổi trẻ của ông, hoài bão của ông, và lý tưởng của ông nữa.
– Ông biết cô Năm của tôi không?
– Không. Nhưng tao
biết ông Tám Lợi.
Thằng bé nhận lấy ba
bịch nước đá rồi vụt chạy. Ông trở vào nhà, ngồi lại trước bàn. Bản thảo về bộ
quân sử mà đại tướng nhờ ông viết nằm trước mặt. Đó là niềm vui trong những
ngày còn lại của ông, và của đại tướng. Đó là bát tro tàn của quá khứ làm của
tự hào. Nhưng hôm nay ông cảm thấy bất an. Danh dự của ông đã bị tổn thương.
Ngay một đứa con nít vẫn còn sai ông chạy. Nó đâu cần biết quá khứ của ông. Nó
chỉ biết cô nó, một Việt kiều trở về để nó có quyền hãnh diện cùng bạn bè, hàng
xóm, và cả ông nữa.
Buổi chiều, ông ba Thi
đạp xe đạp trở về nhà mẹ ông. Ông cần lấy vài cuốn sách trong tủ sách gia đình
của thằng em ở Mỹ để lại. Vừa bước vào nhà, bà Năm, mẹ của ông đã nói:
– Con Năm con của chú Tám Lợi ở Mỹ về, mới ghé nhà. Nó có mang ít quà của thằng Sáu gởi về má.
– Bộ con Năm có quen
biết thằng Sáu?
– Nó nói gặp thằng Sáu
hoài.
Rồi bà lại khóc tấm
tức.
– Dù sao em con vẫn
còn biết thương má. Tuy ở xa, nó vẫn còn biết má ho mà gởi về hộp thuốc ho…
Bà không nói hết,
nhưng ông Ba biết là bà đang gián tiếp trách ông.
Ông nói với bà:
– Má có thể nói giùm
cho con được gặp cô Năm được không?
– Để má sẽ nói cho.
Gia đình mình và gia đình chú Tám Lợi thân thiết từ xưa nay. Ngày xưa ba con và
chú Tám vẫn hay đánh tứ sắc chung…
– Con nhớ.
Buổi tối ông Ba đạp xe đến nhà chú Tám. Ông nhớ lại căn nhà mà thời tuổi trẻ, trước khi ông ra Hà Nội học, ông vẫn thường ghé qua. Ông cũng có thể nhớ lại đứa con gái mà ngày xưa vẫn hay rụt rè, với đôi mắt to đen như hai hòn bi. Bây giờ cô bé ấy đã trở thành quá lạ. Cô ta không rụt rè như trước nữa, mà trái lại đã nói huyên thuyên khi ông mới bước vô nhà:
– Anh Hai, anh còn nhớ
em không. Em là Thương đây.
Cô líu lo nói, mừng rỡ
như thể gặp lại một người thân xa cách từ lâu:
– Em nhớ có lần anh
Hai đến nhà học bài chung với anh Hai Minh của em… Má em sai em nấu nước pha cà
phê cho hai anh uống…
Lòng ông Ba Thi ấm lại. Ông ngậm ngùi nói, lòng dâng lên xúc động:
– Anh nhớ. Anh nhớ hết
em Năm. Anh làm sao quên được. Anh cũng nhớ đến bên kia đường, tên mật thám Tây
bị bọn anh bắn nằm trước cổng nhà.
– Bộ anh bắn sao?
– Anh ở trong toán
công tác nội thành mà.
– Sao ngày ấy em thấy anh hiền khô không à.
Ông Ba cười. Rồi ông
hỏi tiếp:
– Em có thường liên lạc với thằng Sáu em của anh không?
– Dạ, thỉnh thoảng anh
Ba.
– Gia đình nó thế nào
?
– Dạ thưa khá lắm. Con
cái ảnh đều thành tài hết.
– Năm à. Cho anh tâm
sự với em điều này.
– Anh vẫn nhớ ngày nó
còn nhỏ anh vẫn hay cõng nó đi chơi. Chiều chiều, anh hay dẫn nó ra bờ sông,
anh em cùng tắm lội…Có lần anh tập nó chạy xe đạp, anh phải chạy theo nó kẻo sợ
nó té. Tại sao nó vẫn không hiểu anh.
Giọng của ông trở nên tha thiết hơn:
– Anh mong em nếu trở
lại Mỹ gặp nó thì nói lại là anh lúc nào cũng thương cũng nhớ nó. Nói với nó
anh bây giờ anh khổ lắm. Anh cần nó gởi cho anh một ít quà hay thuốc men. Anh bây giờ là một ông tướng bán nước đá…Nhục
lắm. Nhục lắm…
Đôi vai ông bật run lên và giọng nói của nghẹn trong cổ họng. Chừng như ông đã mất hết bình tĩnh. Cái bình tĩnh cố hữu của một ông tướng ngoài mặt trận.
Trần Hoài Thư
No comments:
Post a Comment